Bí mật của dòng Lô

Thứ Tư, 10/07/2024 10:32

. NGUYỄN THỊ LOAN
 

Khá lâu, tôi mới có dịp quay trở lại ngôi nhà ông bà nội tôi đã gắn bó quá nửa cuộc đời mình.

Từ nhà ông bà ra đê cũng gần, chừng vài phút đi bộ của người lớn, còn với bước chạy của trẻ con thì chỉ như một cơn gió tràn từ mặt đê xuống. Hồi còn bé, không biết bao lần, tôi và đám bạn cùng lứa biến thành những cơn gió ràn rạt nô đùa không biết mệt mỏi quanh con đê này. Bạn bè thuở ấy giờ vẫn đang tản mát khắp nơi, đơn độc thổi qua những thăng trầm của đời người mà chưa có dịp ríu rít hội tụ lại.

Minh hoạ: Lê Anh Vân

Mưa bụi bay lất phất trong se se lạnh, bước chân của tôi dù nhẹ, vẫn làm lay động, xốn xác không gian tịch mịch và cô quạnh. Vẫn bậc thềm quen thuộc giờ lá khô rụng đầy, cánh cửa gỗ bạc màu với những rêu mốc đã hơi xám lại và mái ngói nâu xỉn màu thời gian.

Sau ngày ông nội mất, bà nội tôi trở nên lẩn thẩn, vì thế bác cả phải đón bà lên ở cùng để tiện chăm sóc. Lần gặp gần nhất, bà còn nhầm tôi là cô út. Bà thường lơ đễnh nhìn ra cửa, thì thầm với bóng tối bị chặn lại ngoài sân bởi ánh đèn đỏ mờ đục treo trên mái hiên, rằng đến giờ ông chưa chịu trở về đưa bà đi cùng. Tôi không dám gặp bà nhiều, vì những lần như vậy bà luôn khóc, còn tôi là đứa con gái lầm lì khiến bà cứ đấm vào vai tôi mà trách. Tôi biết bà chưa thoát được cú sốc lớn nhất cuộc đời mình.

Căn nhà của ông bà đành đóng cửa bỏ không, thi thoảng con cháu thay nhau về dọn dẹp, thắp hương, giữ gìn vườn tược. Mỗi lần về, ngôi nhà luôn dội vào tôi cảm giác quạnh quẽ đến mức nhói đau.

Tôi đẩy cửa bước vào. Đập vào mắt tôi là chiếc giường tre lạnh lẽo, trống trải. Dường như mỗi lần quay về đây, tôi thấy nó càng ngày càng thu nhỏ lại. Không khí lưu cữu, bế tắc. Bức tường trước mặt thiếu hơi người thoảng tới mùi ngái nồng của ẩm mốc. Góc phía trên chiếc giường tre là vật tôi thấy treo ở đó rất lâu và chưa từng đổi vị trí. Một chiếc xắc cốt cũ sờn, có lỗ thủng xuyên qua tựa như bị cháy sém ở góc gần mép trên. Tôi biết trong đó có một lá thư thấm máu đã khô, khi một lần tôi vô tình bắt gặp ông lôi nó ra nhìn trân trân rồi lại cất vào. Một lá thư không còn rõ chữ, không còn giá trị thông tin. Mọi thứ liên quan đến nó chỉ còn là kỉ niệm. Một câu chuyện mà mãi sau này tôi mới biết.

Khi tôi đặt tay lên lớp vải khô cứng của chiếc xắc cốt, một cảm giác thân thuộc xa xôi quay trở về khiến lòng tôi lắng lại.

Tôi lau cái bàn nước phủ bụi mờ, quét sàn gạch hoa dấp dính ẩm và ngó đầu ra ngoài vườn nói bâng quơ: “Năm nay đào nở muộn, nhưng đẹp quá phải không nội?”. Không có câu trả lời, tất cả chỉ là sự yên tĩnh đến hoài nghi. Trên bàn thờ, ông nội với mái tóc bạc trắng và đôi mắt toát lên vẻ cương nghị thường thấy nhìn thẳng vào tôi.

Ông nội tôi vốn là nhà giáo nhưng lại không phải người thân thiện hay dễ gần. Sinh ra trong gia đình nhà nho, ông luôn giữ cả nhà trong nề nếp, từ cung cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói. Tôi luôn được ông chỉ bảo uốn nắn cặn kẽ từng li, từng tí trong mọi sinh hoạt, ứng xử. Ông dạy tôi ngồi ăn phải ra sao, phải mời từng người thế nào cho phải phép. Ngay cả cái muôi trong bát canh cũng phải đặt sao cho thuận mắt, chấm nước chấm không được vẩy vẩy đũa. Gắp thức ăn thì phải đặt vào bát mình rồi mới ăn... “Những việc nhỏ nhặt như ăn uống cũng thể hiện con người được dạy dỗ con ạ, dù bữa ăn chỉ có cơm canh, thì cũng phải ăn uống cho đàng hoàng”. Tôi thấy hầu hết mọi người trong gia đình đều nen nét khi ở gần ông, bởi sơ sểnh là bị nhắc nhở. Mà khi đã bị nhắc thì ai cũng cảm thấy bứt rứt, nặng nề vì lời của ông rất có trọng lượng. Ông không dạy con cháu bằng roi vọt. Đối với tôi cũng vậy, dù nghịch ngợm nhưng chưa từng bị ông đánh cái nào. Ông chỉ dạy bằng ánh mắt và sự im lặng. Mỗi lần phạm lỗi, tôi thấp thỏm trong sự yên lặng ấy, chờ đợi khoảnh khắc được tha thứ là khi ông gọi đến nghiêm khắc nhắc nhở. Nhiều khi tôi tưởng tượng ông nội tôi như một cái cây khổng lồ rợp bóng quyền uy xuống cả đại gia đình mình. Và dưới cái bóng cây ấy, các bác, các cô chú của tôi đều trưởng thành, và dù là công chức hay làm kinh doanh cũng đều giữ được cái nề nếp mà ông tôi rèn giũa.

Mỗi khi ra khỏi nhà ông tôi đều không quên mang theo chiếc mũ phớt màu xám nhạt. Các chiều khi mặt trời xuống thấp dần, ông luôn dành một khoảng thời gian để đi dạo ngắm khúc sông quen thuộc. Lần nào đi cũng dắt theo tôi, đứa cháu nội mà ông yêu quý nhất.

Con sông Lô nước trong xanh, màu đậm nhạt theo mùa, những khi nước cạn, thấy xa xa màu xanh xám của cát lẫn với màu cỏ chác và chỉ nước. Tôi không hiểu vì sao ông thích đứng ngắm con sông quen thuộc lững lờ dòng chảy về xuôi. Tôi thì chẳng tìm thấy gì ở con sông luôn chảy theo một chiều ấy. Đôi khi tôi nghĩ, giá như một ngày nào đó nó đảo chiều thì hẳn cũng có cái để mà thú vị. Nhưng con sông mãi mãi chỉ chảy về một phía, và tôi cũng dần quên đi sự nhàm chán đó.

Lần nào đi dạo ông nội cũng mua cho tôi một cây kem từ nhà máy đường ngay gần đó. Que kem cốm màu xanh lá, ngọt dẻo và thơm lừng trở thành kí ức tươi rói của tuổi thơ tôi. Hai ông cháu tôi thong thả đi, tôi mải mê với cây kem, còn ông thì chỉ cho tôi thấy vẻ đẹp của những cái cây ở phía xa, hay mặt trời đang đổ bóng xuống dòng sông yên ả. Thành thực mà nói, tôi không đồng cảm được với ông nội trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng tôi cũng không thắc mắc về thói quen đi dạo ngắm cảnh của ông. Tôi đi theo ông nội như một điều định sẵn, như mặt trời hiển nhiên hàng ngày mọc lên ở phía bụi tre đầu ngõ và lặn về phía sau dòng sông vậy.

Tuy nhiên chẳng có gì là bất di bất dịch, chẳng có gì là vĩnh viễn. Mặt trời đôi lúc cũng mọc chếch khỏi ngọn tre và lặn lệch sang chỗ khác. Những chuyến dạo chơi của ông cháu tôi thưa dần, vì ông nội bắt đầu đau yếu, phải chống gậy, còn tôi cũng lớn và ít đến thăm ông bà hơn. Lâu lâu có dịp thuận tiện ông mới rủ tôi đi dạo cùng.

Lần cuối đi dạo cùng ông lại là lần hằn trong tôi niềm day dứt mãi không nguôi. Tôi đã từng nghĩ sẽ không kịp có lần cuối ấy, nếu tôi không gặp những va vấp của cuộc đời. Đời người cũng giống như một con sông vậy. Có khúc bình lặng, êm đềm cứ thong thả trôi miên man qua ngày tháng, nhưng cũng có những khúc quanh đầy gập ghềnh, thử thách sự vững chãi của tâm hồn. Nơi ấy là ghềnh thác, là những xoáy ngầm vô hình mà tâm hồn ta mỏng manh như cánh bướm chập chờn lạc trên mặt nước. Giữa mênh mông ấy, đôi cánh rã rời tha thiết tìm một chốn đậu bình yên. Nhiều khi, giữa chốn thị thành hào nhoáng và tấp nập này, tôi tự hỏi mình là gì, là một phần nào trong nó. Ở nơi ấy, tôi có mối tình tròn bốn năm và chứng kiến nó cứ dần mỏi mòn, hao hụt. Đã có nhiều hơn những lần gặp gỡ cứ nhạt dần như vậy, tôi và anh đứng bên nhau nhưng vẫn thấy cô đơn. Đã từ bao giờ, giữa chúng tôi đã là những khoảng trống, chẳng còn gì để nói. Anh rít một hơi thuốc và thở dài: Chắc hẳn em cũng thấy mệt mỏi... Tôi đặt tay lên môi anh để ngăn anh đừng nói tiếp, sự hiểu rõ về đối phương khiến chỉ một câu nói, người kia đã có thể đoán định những ý nghĩ phía sau. Không thể tiến nữa thì dừng thôi. Tôi bình thản lấy cây son trong túi xách tô lên đôi môi đã bạc màu. Dù những xúc cảm có làm tôi bải hoải, tôi vẫn nở nụ cười kiêu hãnh. Tôi đứng dậy, nhìn khuôn mặt anh buồn mênh mang trong cái nắng chiều nhàn nhạt nơi quán quen: “Đi mãi một chặng đường dài, rồi chợt nhận ra chúng ta không thuộc về nhau”. Ly cà phê đắng ngắt. Chúng tôi vẫn còn cuộc đời phía trước, những niềm hạnh phúc đón đợi, nhưng chỉ là sẽ chẳng cùng nhau. Đôi khi tình yêu ra đi như thế, không có một lí do to tát, không có lỗi lầm thuộc về ai, chỉ đơn giản là cảm thấy hai tâm hồn đã lạc nhịp. Tôi bơ vơ quay bước đi bộ xuống phố. Một làn gió thoảng qua, phố đông người mà sao tôi cô đơn đến vậy. Những giọt nước mắt vô thức rơi xuống, trôi đi bao kỉ niệm, trôi đi những gắn bó bốn năm trời, trôi đi gương mặt và ánh mắt anh đã từng là quen thuộc. Tôi lại trở về là tôi, là tôi của riêng mình.

Tôi về bên nội, như con chim sẻ nhỏ bị thương, rũ xuống đôi cánh yếu ớt. Tôi ích kỉ tìm tới ông nội khi lòng mình bơ vơ như vậy. Nội nhìn tôi. Im lặng. Tựa như ông đang đọc những điều không thể giấu trong đôi mắt ngơ ngác và lạc lối của tôi. Rồi ông điềm tĩnh kéo cánh tay tôi, run rẩy: “Hai ông cháu đi dạo nhé”.

Tôi thích cảm giác đi bên nội như vậy, bỏ lại bao bộn bề của cuộc sống và được nghe những lời khuyên. Con đường lên bờ đê qua bao năm đã đổi khác, nhưng ngọn gió lùa về từ lòng sông mãi mãi mang một hương vị man mác và nồng nồng mùi hơi nước, mùi cây cỏ trộn lẫn. Tôi để ý thấy cánh tay chống gậy của ông nội run rẩy hơn những lần trước.

- Nếu ngày nào đó ta đi xa, con phải thường xuyên về thăm bà của con nghe chưa!

Vừa nói ông nội vừa kéo chiếc mũ phớt hơi che sụp mắt, cười nhẹ nhàng. Hiếm hoi lắm nội mới có nụ cười như thế. Tôi quặn lòng, giả đò không nghe thấy, lì lợm bước từng bước thật chậm. Với tôi, đó là những lời không vui. Còn ông thì quá hiểu cái tâm hồn quá mong manh của con bé.

- Quả là không thể gửi gắm cái gì quá sức cho con nhỉ? Con bé này, con có hiểu điều gì là quan trọng nhất của cuộc đời không? Đó là sự thanh thản. Bon chen để làm gì, cố đẩy kẻ khác xuống để một mình chiếm lấy ánh hào quang, mải miết leo tới cái bục cao nhất để cuối cùng nhìn lên, chỉ là một bầu trời trống trải và mênh mang nỗi cô đơn.

Tôi không biết nội đang dặn tôi hay nói với chính mình. Tôi chỉ thấy khuôn mặt ông hồng hào hơn như vừa được tăng thêm lượng máu.

Tôi nhận ra nội đi chậm hơn rất nhiều, bước chân của nội dò dẫm, nặng nề. Tôi đi theo ông tới một khúc quanh, ngạc nhiên vì nơi này, nội chưa từng dẫn tôi tới. Nó khá khuất bởi những lùm cây, những phiến đá ngổn ngang dường như đã an yên ở đó rất lâu rồi. Nơi ấy phía trên cao tĩnh lặng nhìn ra dòng sông Lô chảy xiết, gần như chỉ là cái với tay. Dưới gốc cây to lớn, thấp thoáng một ngôi mộ. Ông nội bảo tôi dìu lại gần rồi chậm chạp ngồi xuống cạnh. Tôi băn khoăn quan sát ngôi mộ cũ kĩ với tấm bia đã không còn rõ chữ, tuy nhiên mọi thứ xung quanh rất gọn gàng, được chăm sóc kĩ càng không hề có cỏ dại hay rêu mốc. Những chân hương vẫn còn mới.

- Chắc con không biết, nơi này bà của con cũng thường lui tới. Người nằm đây là bạn của chúng ta. Ta chưa từng quên cái ngày gặp bà con, con sông này cũng gắn với rất nhiều kỉ niệm của cuộc đời ta.

Tôi ngạc nhiên bởi chưa từng nghe hoặc nhìn thấy bà đi dạo khúc sông này bao giờ. Tôi nhìn dòng Lô và không tin vào mắt mình. Nước sông đang đảo chiều, rõ ràng đảo chiều. Những lọn nước phản chiếu ánh hoàng hôn muộn lõm xuống rồi cong vồng lên, trở ngược về phía sau như tấm lụa khổng lồ được khéo léo gấp đôi lại và kéo miết phía trên. Tôi thảng thốt ngó sang ông, sững lại bởi khuôn mặt quen thuộc dưới chiếc mũ phớt màu xám giờ cũng khác lạ.

Con sông chảy ngược cùng dòng hồi ức của ông tôi về một thời xa xôi trong quá vãng. Trước mắt tôi, chập chờn trên mặt sông, lặng lờ hình ảnh của ông tôi, nhưng trẻ trung hơn rất nhiều, với bộ quân phục trong những bức ảnh cũ kĩ mà một lần tôi đã thấy ông mở ra trầm ngâm nhìn rất lâu.

 

Minh hoạ: Lê Anh Vân

Mùa đông năm 1946.

Khi ấy Khang vừa chớm tuổi hai mươi, theo gia đình từ Cẩm Khê về Đoan Hùng. Xuất thân từ gia đình có ông cố làm nghề dạy học, biết chữ, Khang đi theo cách mạng và được phân công dạy các lớp bình dân học vụ. Khắp Đoan Hùng, đầu làng cuối xóm, từ già đến trẻ đâu đâu cũng nghe tiếng tập đánh vần những chữ i, tờ ngượng ngập đầu tiên. Lớp xóa mù mở ra bất cứ chỗ nào có thể, dưới gốc cây cổ thụ, bên đình, chùa, trước cổng chợ. Bảng là những cái nong, nia. Than củi dùng thay cho phấn viết. Có nơi khó khăn thì dùng luôn mặt đất làm bảng, cành cây làm phấn. Những con chữ gập ghềnh và thô sơ đến với người dân bằng cả tâm huyết của cán bộ. Ngoài việc dạy phổ cập như thế, Khang còn tổ chức hẳn cả một lớp học có bàn, có bảng để dạy. Đa số mọi người đều tranh thủ học, nhưng cũng có người ngại nên lảng tránh. Nhiều khi Khang phải đến từng nhà, qua những ngọn đồi đất đỏ trung du lạo xạo sỏi đá để vận động họ đi học. Những lúc đi vận động, gặp nhà đang cày cuốc, anh cũng xắn tay vào làm cùng, vừa làm vừa nói cho họ hiểu sự quan trọng của việc xóa mù chữ. Chàng thanh niên cao gầy có đôi mắt lúc nào cũng trầm tĩnh và nghiêm túc dần dà khiến người ta vừa nể vừa tin tưởng. Dần dần, lớp học của Khang trở nên đông hơn, người già có, trẻ em có, phụ nữ có, cả những chiến sĩ đội mũ lá, mặc áo trấn thủ, dép cao su theo học. Phong trào học và tự học cứ thế ngày càng lan rộng như vệt dầu loang, người biết nhiều dạy lại cho người biết ít, không khí vui nhộn.

Trong số những người là bộ đội theo học lớp của Khang, có Tân. Tân tư chất thông minh, vốn cũng sơ sơ biết viết biết đọc, nên tiếp thu rất nhanh. Sau mấy buổi, Tân đã đọc thông viết thạo và trở thành thầy giáo dạy cho những người khác. Mặc dù trạc tuổi nhau, nhưng Tân luôn kính trọng gọi Khang là anh. Đáp lại, Khang cũng khá thiện cảm với Tân, người đồng đội hiền lành, dáng thấp đậm, khuôn mặt vuông mang nét đặc trưng khó lẫn. Trong những giờ nghỉ, Tân và Khang thường cùng ngồi bên nhau nhìn về phía những đồi cọ bên này, bên kia là con sông lấp loáng dưới nắng như những mảnh gương vỡ rủ rỉ nói chuyện. Câu chuyện của họ chủ yếu xoay quanh những dự định, những ước muốn khi đánh đuổi xong giặc Pháp. Tân bảo muốn Khang dạy cho mình thật giỏi để sau này có điều kiện thì sẽ xin làm thầy giáo, thầy giáo ở nơi có trường, có lớp học đàng hoàng chứ không phải tạm bợ như bây giờ. Khang thì thú nhận với Tân đến lúc này, anh cũng chưa biết mình có ao ước gì. Nghe Khang thổ lộ vậy Tân hồn nhiên nói ai cũng có ao ước, rồi sẽ đến lúc nó đến với Khang.

Những buổi dạy học gần như không ngừng nghỉ với Khang. Hết dạy trong lớp, lại ra dạy ngoài chợ.

Ở chợ, người ta dựng một tấm bảng có viết các chữ cái, ai đọc được thì vào chợ bằng cổng chính, ai không đọc được phải luồn qua một cánh cổng tre thấp và hẹp bên cạnh. Khang chứng kiến rất nhiều người bẽ bàng khi phải đi qua cái cổng hẹp. Những lúc như thế, lòng anh thường nhói lên một nỗi niềm khó tả.

Hôm ấy, có trường hợp làm Khang chú ý. Một cô gái nhỏ nhắn, dáng thắt đáy lưng ong, gánh đôi quang gánh với những món hàng cồng kềnh dường như quá sức với thân hình bé nhỏ. Cô gái đặt gánh hàng trước cổng, lúng túng khi được kiểm tra đọc để có thể vào chợ. Khuôn mặt lúc căng thẳng khiến đôi má cô hồng lên. Cô cứ đứng lì như vậy, nhất định không qua một trong hai cánh cổng. Khang tò mò tiến lại gần, thì bắt gặp Tân vừa chạy tới:

- Là em gái tôi đó.

Trông dáng vẻ anh luống cuống khác hẳn ngày thường. Tân lại gần nói gì đó với cô gái, chỉ thấy cô bặm môi căng thẳng hơn. Cuối cùng thì cô nói to:

- Không, nhất định em không qua cổng nhỏ đó đâu.

Khang hiểu chuyện và bật cười. Cô gái liền quay lại liếc đôi mắt sáng và sắc lẹm về phía Khang, để lại cái nguýt trước khi bướng bỉnh quẩy quang gánh lên vai quay đầu về. Cả Khang và Tân đứng nhìn theo cô gái. Khang vẫn tủm tỉm cười, nghiêng đầu thì thầm với Tân:

- Em gái đồng chí đanh đá thật, mà tôi nhìn hai anh em không có nét gì giống nhau nhỉ?

Tân vò đầu khổ sở:

- Em gái thứ ba của tôi, tên là Thảo, tính cách ngang bướng, thẳng thắn nhất nhà đấy.

Sau ngày hôm ấy, Thảo dính chặt vào tâm trí Khang. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh cô gái xinh đẹp có đôi mắt sáng lanh lẹ lại hiện lên. Sự cứng cỏi xen lẫn bướng bỉnh của Thảo khiến Khang cảm nhận được một cá tính mạnh mẽ và quyết liệt, một cảm tình cứ thế nhen nhóm, lớn dần lên. Anh có cảm giác cái lườm của cô như một chiếc dằm cắm sâu vào tim mình gây ra những cơn bứt rứt, trăn trở không nguôi ngoai được.

Những lúc rỗi rãi, khi lớp học kết thúc, bỗng dưng Khang hay đảo mắt tìm Tân, kiếm cớ lại gần bắt chuyện. Khang muốn hỏi về Thảo mà ngại ngần cho nên thường thì câu chuyện giữa hai người cứ loanh quanh vòng vèo. Giờ mà hỏi thẳng thì có ngại quá không, nhỡ Tân lại đánh giá về tư cách của mình thì sao… Thế là Khang đành im lặng, chỉ chờ may ra lúc nào đó Tân buột miệng nhắc tới cô em gái để Khang bấu chặt lấy nói chuyện về cô. Vậy mà Tân cứ hờ hững như chẳng nhớ gì về buổi gặp mặt hôm nào. Khang viết một bức thư bày tỏ tình cảm của mình và phấp phỏng chờ đợi cơ hội trao cho Thảo.

Gần một năm sau, cả Đoan Hùng rung chuyển bởi cuộc tấn công Thu - Đông của Pháp. Địch triển khai lực lượng mạnh, một mũi tiến công theo đường số 4, một mũi tiến công theo sông Lô tạo thành hai gọng kìm tiến lên Việt Bắc. Các lớp bình dân học vụ tạm phải gác lại, mọi người nô nức tham gia vào chuẩn bị chiến đấu. Những trái bưởi được nhân dân Chi Đám, Hữu Đô hái xuống sơn đen, thả trên sông Lô giả làm thủy lôi nhằm hướng luồng tàu địch dễ bề cho bộ đội tiêu diệt. Khang cũng tạm gác lại những xáo trộn tình cảm trong lòng, cuốn theo không khí sục sôi của chiến trường. Và tình cờ một lần, Khang gặp lại Thảo khi cô cùng đoàn phụ nữ mang lương thực, đạn dược tiếp tế cho bộ đội. Cả Thảo và Khang đều sững lại nhìn nhau. Khang ngỡ như Thảo chỉ là một ảo ảnh hiện lên từ nỗi khao khát trong anh. Khang phải dụi dụi mắt mấy lần mới tin đó là sự thực. Đúng là Thảo. Vẫn ánh mắt sắc lẹm, khuôn mặt nhỏ nhắn bướng bỉnh đã từng bám riết lấy tâm trí Khang. Khoảnh khắc ấy rất nhanh, bởi chỉ một chút sau, Thảo cùng tốp tiếp tế đã khuất trong khói súng về phía sau đồi.

Cuộc chiến càng về giai đoạn kết thúc càng khốc liệt. Thương vong cả hai phía đều tăng lên. Các tốp chiến đấu của ta lúc phát triển ra, lúc co cụm lại. Đến gần trưa, tổ của Tân bị địch đánh dạt qua phía tổ chiến đấu của Khang. Tổ của Khang nhận nhiệm vụ phải mở đường máu để bẻ gãy thế gọng kìm của địch, nếu không, chẳng mấy chốc mọi thứ sẽ vô phương cứu vãn. Trước khi rời đi, dúi vào tay Tân lá thư, không còn ngượng ngập hay quanh co, Khang nói với đồng đội bằng một giọng tha thiết và cương quyết: “Hãy gửi cho em gái anh lá thư này nếu tôi không trở về.”

Tân nắm chặt trong tay lá thư Khang vừa đưa, mặt dào lên nét thất thần rồi ngay lập tức trở lại như cũ.

- Cẩn thận nhé, đồng đội.

Tân nói to, gần như quát vào tai Khang.

- Yên tâm, tớ cao số lắm.

Khang cười, vừa đáp vừa vỗ vai người bạn rồi lao về phía những đụn khói mù mịt phía trước.

Nhưng người hi sinh lại không phải là Khang. Một mảnh đạn pháo găm vào ngực Tân. Sau trận đánh, Khang quay lại trạm cứu thương tìm Tân. Lúc ấy Tân đã rất yếu, anh run rẩy lôi từ trong ngực mình lá thư của Khang đã thấm máu.

- Giờ thì tôi không thể đưa bức thư này cho Thảo giúp anh rồi. Xin lỗi...

Khang thấy mặt Tân tái dần, định chạy đi gọi quân y, nhưng Tân nắm tay anh cản lại. Cho tới lúc này, Khang mới biết câu chuyện của Tân.

Tân được gia đình Thảo nhận nuôi khi gia đình tản cư qua đây và anh bị lạc lúc mới ba tuổi. Có tuổi thơ lớn lên bên nhau, Thảo luôn coi Tân như anh ruột, còn Tân có thêm một thứ tình cảm khác, ngoài tình anh em, dù cố bao kín, chôn tận sâu thẳm tâm hồn nhưng lâu lâu nó vẫn vượt thoát làm khổ Tân. Sau hôm gặp Khang, Thảo nhất quyết đòi Tân dạy chữ cho mình, dù trước đây cô ngang bướng không chịu học. Bất đắc dĩ trở thành thầy giáo của Thảo là nỗi khổ tâm vô cùng tận với Tân bởi ở gần Thảo, nhiều khi Tân cảm giác không thể kiềm nổi cảm xúc của mình. Giống như có một cục u chẹn ngang lấy ngực, nó liên tục hành hạ, làm khổ Tân. Hơn ai hết, Tân cảm nhận được những biến chuyển gần đây của Thảo. Đó không đơn giản bởi sự hiếu thắng, cao ngạo, mà vì trong lòng cô đã có bóng dáng “một người”.

- Tôi nhỏ nhen quá phải không?

Tân thều thào hỏi, môi trắng bợt. Khang lắc đầu, lúc ấy lồng ngực anh như vỡ tung khi nhớ đến cái ước mơ trở thành anh giáo làng của Tân. Chỉ một ước mơ đơn giản vậy thôi mà sao lại khó thực hiện đến thế.

Tân hi sinh với lời dặn dò, gửi gắm Khang rằng hãy giúp anh chăm sóc Thảo. Và một di nguyện sau cùng, vì không rõ quê hương bản xứ, Tân muốn được nằm lại bên con sông này, nơi anh đã có những ngày tháng đẹp đẽ và sôi nổi nhất với những ước mơ, hoài bão...

Sau khi chôn Tân, Khang thờ thẫn khoác súng đi dọc bờ sông còn toang hoang những dấu vết của trận chiến. Dòng Lô vốn trong xanh đã chuyển sang cuồn cuộn đỏ với bầu không khí dày đặc mùi thuốc súng. Những âm thanh xáo xác mỗi lúc mỗi nhòa đi cùng với sự tan loãng của cảnh vật xung quanh…

*

*         *

- Cháu nghĩ là ông đã khóc.

Ngước nhìn nội, tôi nói theo kiểu ước đoán và nhận ra nội đã bỏ chiếc mũ phớt cầm ở tay từ lúc nào. Một cái nhún vai nhẹ, nội ậm ừ trong vòm họng thay cho câu trả lời tôi và ngó sâu vào lòng chiếc mũ phớt như tìm kiếm gì trong ấy. Có một khoảng im ắng dài đủ để quá khứ ổn định lại và những mất mát bầm dập dịu xuống.

- Sau đó, ta đã gặp lại bà nội của con.

Phải nói rằng tôi đã cố gắng hình dung nét mặt của hai người ra sao, họ nói với nhau những gì vào cái khoảnh khắc gặp lại ấy: là sự ngượng ngập, khát khao hay những đớn đau mất mát… nhưng tôi đã không thể hình dung nổi. Tôi chỉ nhớ rằng ông kể, sau trận chiến ông đưa bà tới ngôi mộ này. Bà đứng nhìn rất lâu trong câm lặng. Vẫn là sự bướng bỉnh, cái cắn môi ghìm lại bao cảm xúc ấy, nhưng ông biết trong lòng bà là những day dứt khôn nguôi, là niềm tiếc thương dành cho một người anh trai, một người đồng đội, một người thân của mình. Tôi ngậm ngùi trước những tình cảm đẹp ở họ. Đôi khi chỉ là sự thầm lặng hi sinh, thầm lặng dõi theo một người, không cần đền đáp, cũng không cần kẻ kia phải ghi nhận. Nó tồn tại như một ân tình. Và chuyện tình cảm cũng chẳng bao giờ có logic của riêng mình. Đơn giản đó là những xúc cảm không thể giải thích, là cái duyên, là mảnh ghép của số phận để chỉ cần một ánh mắt, một cái chạm mặt thôi đã có thể hoàn toàn thuộc về nhau. Duyên nợ... tôi mỉm cười, tự giải thoát cho mình. Đơn giản là vì chúng tôi chưa bao giờ thuộc về nhau. Tôi khẽ ngước nhìn ông nội, nhìn con sông đang chảy trước mặt như một đôi bạn cũ. Trong đầu tôi, nhoáng lên ý nghĩ, rằng, có lẽ linh hồn những người đồng đội đã hi sinh cũng đang lắng nghe dòng tâm sự của ông trong cái buổi chiều tràn ngập tĩnh lặng này.

- Con hãy nhìn xem, con sông chảy thật bình yên. Nhưng giờ thì mấy ai còn nhớ đã từng có biết bao người ngã xuống vì nó...

Tôi đỡ cánh tay run rẩy hơn của ông nội:

- Đi về thôi nội nhé.

Tôi đã hiểu về thói quen đi dạo của nội và cũng hiểu vì sao bà tôi chưa từng thắc mắc về điều đó. Càng có tuổi, người ta càng sống nhiều bằng hồi ức, có hồi ức đẹp, có hồi ức đã từng là đau đớn, nhưng qua thời gian, tất cả quay về đều như một dòng nước mát tưới lại những mạch ngầm khô cằn trong tâm hồn ta.

Những ngày cuối nằm trên giường bệnh, trước khi rơi vào mê man, nội tôi không thể nói bởi ống thở và dây dợ quanh người. Nội ra hiệu cho tôi lấy giấy bút, dòng chữ run rẩy được viết ra bằng tất cả sức lực: “Hãy đưa ta về nhà với bà của con.” Sau lần tỉnh táo ấy, ông tôi chìm vào giấc ngủ dài dặc và mênh mông, giấc ngủ an yên nhất sau chuỗi ngày đau đớn vì bệnh tật. Tôi đã nhìn thấy nội mỉm cười trước khi ra đi, giống như nội đang đứng trước con sông quen thuộc và nơi ấy có rất nhiều đồng đội của ông tôi.

Tôi giật mình bởi tiếng chim rối rít trên mái nhà. Vậy là đã qua mùa tránh rét và những đàn chim bắt đầu kéo nhau trở về. Khép cánh cửa gỗ lại, tôi một mình tản bộ lên đê. Gió lồng lộng như lời mời gọi da diết rằng hãy cất mình lên, hãy tan loãng ra để hoà vào hồn cốt vùng trung du này.

Tôi nhìn về xa, con sông Lô xuôi chảy như hiển nhiên muôn đời nay vẫn xuôi chảy thế, tịnh không một lần thay đổi. Liệu sau này ai đó sẽ biết đã từng có hai người nắm giữ bí mật về lần đảo dòng chảy ngược của sông. Người thứ nhất là tôi, kẻ đang tha thẩn tìm lại những bước chân thuở xưa trên con đê đã vẹt mòn qua năm tháng. Người thứ hai là nội tôi, người đã ở thế giới bên kia, đang nháy mắt chia sẻ bí mật với đứa cháu bé bỏng của mình.

N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)