Nắng đồng bưng

Thứ Năm, 25/07/2024 00:58

. NGÔ TÚ NGÂN
 

Minh hoạ: Tào Linh

Chợ mới tan, mặt trời lên cao tận đọt dừa. Hòa một tay xách cái xịa bông súng, tay kia xách thùng xô cá về xóm, nay bán đắt, nhoáng một cái là hết. Con đường đất quanh co về xóm Mù U khô ráo hẳn sau mấy ngày nắng liền tù tì. Nắng ở đâu vàng bằng nắng xứ này, nắng đồng bưng mỏng mượt, buổi sáng thì vàng tươi như bông cúc cúng ông địa, buổi chiều thì dọn lại đặc quánh màu mật chín, ngọt quặn lòng. Trên đường về Hòa thấy ai cũng chào hỏi. Chú Tư đang cào lúa ra phơi trong sân, thím Bảy thì đang hái mớ ớt, mớ cam trong vườn, ai nấy tay chân tất bật cho kịp nắng. Mà ở đâu thiếu nắng được chứ xứ này thiếu nắng là không yên. Nhà nông nhờ nắng sấy giòn hạt lúa, dân vườn nhờ nắng làm chín vàng những quả xanh, làng xóm nhờ nắng mà rộn ràng sinh khí, trai gái nhờ nắng mà có cớ đứng dưới bóng râm thẹn thùng xuýt xoa sao nay nắng quá để làm màu khởi đầu câu chuyện. Hòa với Thắng cũng vậy, bữa đó nắng cũng lừng chừng đứng bóng, hai đứa đứng dưới gốc me giả bộ trách nắng chi nắng quá mà trong bụng mừng rơn, nhờ nắng mà tui được đứng đây với người ta.

Hòa quẹo qua mấy con mương, cái dáng người cao dong dỏng, tóc dài cột lại bằng cái đồ buộc tóc tự may bằng vải vụn, má ửng lên dưới nắng, bóng Hòa cứ liêu xiêu in trên ruộng lúa xanh rờn, chạy tít tắp. Chưa về đến nhà Hòa đã nghe tiếng la hét, đập đồ, chửi mắng. Tim Hòa đánh lô tô. Mỗi lần nghe tiếng này là Hòa biết chắc chủ nợ lại đến đòi tiền. Về đến nơi thì cái tủ duy nhất trong nhà đã bị khiêng đi, bàn thờ tổ tiên chúng nó vứt ra gốc dừa lăn lóc. Căn nhà lá xơ xác trống hoác, nhà trước chỉ còn bộ ván gỗ ọp ẹp trệu trạo như răng người già, nhà sau còn mấy cái nồi treo trên vách, phía trên cái bếp củi đen sì sì. Nền nhà bằng đất mốc cời trắng xám loang lổ. Ông Chín thì mới sáng đã say bí tỉ, ngủ li bì chân trên giường, chân dưới giường. Bà Thâu thì ngồi thản nhiên, tay cầm cái đài dò đi dò lại mấy bài ca cổ.

Hòa không còn nước mắt để khóc như hồi mới mười hai tuổi, bữa đó chủ nợ cũng kéo tới, bà Thâu mượn nợ đánh bài, tía không có tiền trả. Chúng đập phá đồ đạc, xé banh tập học của Hòa. Đứa con nít mới mười mấy tuổi đầu thấy cảnh này sợ khóc thét rồi chui rúc dưới gầm giường để trốn. Từ đó, Hòa quen dần vì chủ nợ cứ đến đòi như cơm bữa. Tía cầm cố rồi bán hết mấy công đất bà ngoại để lại, bán luôn nhà thờ tổ tiên, xong cất một cái nhà lá trên doi đất ở bờ sông này mà sống qua ngày qua bữa. Nhưng tính nào tật đó, bà Thâu đánh số đánh bài không ngày nghỉ. Tía hồi trước cũng nai lưng ra làm mướn làm thuê, rồi đổ bệnh lao, không còn sức lực. Tía buồn quá cứ sa vào nhậu nhẹt, say xỉn nối ngày không dứt.

Rồi sao mày không bỏ đi, chứ sống vầy sao sống nổi, ai ai cũng hỏi Hòa câu đó. Hòa chỉ biết cười, ai nỡ dứt tình cha con, huống gì lúc tía đang bệnh. Hòa chỉ cười bảo chắc tại cái số. Miệng cười mà mưa tuôn đâu trong bụng, số gì mà đen đủi quá chừng. Má mất khi Hòa còn nhỏ xíu, chẳng bao lâu tía dắt bà Thâu về, Hòa chưa hết ngơ ngác, trận đòn đầu tiên của mẹ ghẻ đã tới tấp như mưa.

May còn có Thắng bầu bạn chia sẻ. Nhà hai đứa đều nghèo, phải nghỉ học nửa chừng khi cái chữ mới hơi quen mặt. Mà ngẫm lại, ở xóm Mù U này ai cũng vậy thôi, làm ruộng, làm rẫy, nuôi heo, nuôi vịt, mần sống đắp đổi qua ngày chứ không ai giàu có rủng rỉnh tiền bạc gì cho lắm. Chỉ có nhà bà Hai xóm dưới, gả con nước ngoài nên cất nhà tôn, sắm ti vi màu, bà con ai cũng xuýt xoa, lác mắt.

Hôm qua lúc đi chặt lá dừa về lợp nhà, Hòa nhìn Thắng mồ hôi nhễ nhại trong bộ quần áo cũ sờn, đã vá tới vá lui nhiều chỗ mà buồn quặn ruột gan trong bụng. Từ hồi thương nhau, Thắng cứ phải dốc sức đi làm, tiền để dành đám cưới cứ hết lần này đến lần khác trả nợ cho tía má Hòa. Ông bà rượu chè, bài bạc, số đề, mấy công đất bà ngoại để lại cũng đã cầm cố hết. Từ hồi ngoại theo ông bà về đất, Hòa không còn ai vỗ về, thấu hiểu như người trong gia đình. Chỉ còn có Thắng, hai đứa thương nhau cũng mấy mùa lúa rồi mà bà Thâu chê Thắng nghèo không cho ông Chín gả Hòa đi.

Đi dặm lúa mướn về tới nhà thì trời đã xế chiều, ánh nắng vàng ruộm cánh gián xuyên qua mấy lỗ thủng trên vách lá rọi vào bộ ván, chỗ ông Chín đang nằm ngáy kho kho trong cơn say bí tỉ. Bà Thâu thì ngồi trên cái ghế đẩu cũ mèm trước cửa cái, tay cầm cái đài rà đi rà lại chờ xổ số, những con số vu vơ tưởng như chẳng ý nghĩa gì nhưng nó sẽ quyết định bữa cơm chiều nay có yên ấm hay không.

Thấy Hòa về tới, bà Thâu nói gần nói xa chừng như thảm thiết lắm, kêu trời kêu đất ngó xuống mà coi cái số ông Chín bạc phước bạc phần, có con cái không nhờ được. Hi sinh nuôi nấng cả đời giờ đòi lấy thằng nghèo mạt rệp chứ không lấy chồng nước ngoài cho cha mẹ nhờ. Hàng xóm chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì ai cũng biết Hòa đi làm chợ sớm đồng trưa, mót từng con cá lòng tong, từng con tép bò nhỏ xíu về cho gia đình. Làm đầu tắt mặt tối không có ngày nghỉ. Hòa hết lần này đến lần khác trả nợ nần cờ bạc của bà Thâu vì thương tía, muốn tía có người sẻ chia nên cắn răng chịu đựng. Mà ông bà đã hi sinh nuôi nấng gì nó cho cam, Hòa lớn lên được là nhờ có bà ngoại bảo bọc.

Cơm tối dọn ra, muỗi đã kêu vo ve từng đàn. Hòa nhanh tay đốt mớ lá ung cho đỡ muỗi. Dưới ánh đèn dầu chỉ có vỏn vẹn nồi cơm, vài trái đậu bắp luộc để trong cái dĩa mẻ hết phần vành và ui cá kho trong cái nồi đất đã gãy mất một bên quai. Hòa lay tía dậy ăn cơm từ cơn say bí tỉ. Bà Thâu lại bắt đầu bài ca con cá mỗi ngày về chuyện lấy chồng ngoại quốc. Mày thấy con gái của bà Hai xóm dưới không? Con nhỏ tên Mây học cùng trường với mày đó. Nó lấy chồng Tây mấy năm nay, nghe nói giàu dữ lắm, nay nó mới về thăm quê. Ai nhìn cũng xuýt xoa. Hồi xưa con Mây ở đây da đen nhẻm, tóc cháy nắng, xấu ỉn. Giờ qua Tây ở trắng trẻo, tóc nhuộm vàng, quần là áo lượt, nhìn như “diễn diên” trong tivi. Nghe nói con Mây làm mai cho con Thúy sớm đi lấy chồng Đài Loan, nhà con Thúy phất lên luôn, mới mua ti vi, tủ lạnh, ai nhìn cũng lác con mắt. Con người ta con nhờ con cậy chứ không phải thứ thiếu suy nghĩ để cha mẹ nghèo khổ bệnh tật như mày.

Tới nỗi con Út nhà bên sông, mới mười mấy tuổi đầu mà chỉ mơ ước được như chị Mây, chị Thúy. Nó nói sẽ lấy chồng đem tiền về cho má nó xây nhà. Con Út mười mấy tuổi thì mơ ước đã đành, chứ mấy bà sồn sồn xóm này cũng tới nhờ con Mây mai mối chắp nối. Chỉ có mày là lỗ tai trâu, nói mãi mày không nghe.

Hòa cắm mặt vào chén cơm, nước mắt chảy tưởng như còn nhiều hơn canh trong chén. Tía chỉ làm thinh và cơm như không nghe thấy gì. Ăn xong đứng lên ra võng nằm đưa. Bà Thâu lại tiếp tục thao thao nhưng Hòa đã không còn nghe thấy gì nữa.

Chợ sớm hôm sau, Hòa nghe bà con râm ran. Mấy bà có biết vụ con Hòa không? Nghe đâu bà Thâu cũng tới cậy nhờ con Mây mai mối. Tui nghe má con Mây kể, bả muốn gả con nhỏ đặng có tiền trả nợ rồi đổi đời, ông Chín thì có quyền hành gì trong nhà đó đâu, bà Thâu quyết hết. Tui mới đi ngang nhà ổng, thấy ổng ngồi với chai xị đế và mấy trái ổi nè, mới sáng tinh mơ là nhậu rồi, nhậu hết ngày quên tháng. Tội con Hòa với thằng Thắng, hai đứa quen nhau mấy năm nay mà, giờ chia uyên rẽ lứa, phải tội không chớ.

Phiên chợ sôi nổi bàn tán, mỗi người một câu. Xứ ruộng đồng giờ đã có thêm thước đo mới về vật chất, hạnh phúc và thành công, những cái ti vi màu, tủ lạnh, xe máy trở thành mơ ước của cuộc đời.

Buổi chiều, nắng có phần gay gắt, nắng rọi lên mặt sông thứ ánh sáng chói chang lóa cả mắt người. Hai hàng dừa nước dọc bờ sông ngày ngày đắm trong mùi nắng nên cho cơ man nào những quầy trái nâu sẫm, chắc nụi. Dưới sông là ghe thương hồ, vợ chồng con cái líu ríu bên nhau, trên bờ vàng hực những bụi bông sao nhái trổ quên mùa.

Hòa chống xuồng qua nhà Thắng để đưa mớ bông súng, đang lui hui cột ghe dưới bến thì nghe tiếng ba mẹ Thắng trong nhà. Mày thương con Hòa không có tương lai đâu. Yêu thương mấy năm trời mà ba má con Hòa một mực không gả nó dù vẫn ngửa tay nhận tiền của mày để trả nợ, mà nợ hết lần này đến lần khác không biết khi nào mới dứt. Mày cũng nên yên bề gia thất, có còn trẻ trung gì. Con Hòa số nó khổ ba má cũng xót thương nhưng biết làm sao. Số ai nấy chịu chứ không lẽ mày gánh bất hạnh của nó trên vai mày suốt kiếp. Nghe đến đó, Hòa quày quả bỏ dây, bơi xuồng đi gấp gấp như sợ bị nhìn thấy.

Mặt trời chìm sâu vào mây tận lúc nào. Hòa chèo xuồng về trong tiếng dế kêu cô độc, tiếng mấy con chim gọi nhau giữa trời sông nước trong chiều chập choạng nghe quạnh quẽ kinh hồn. Hòa không khóc, tim Hòa là một miếng mút mang tên chịu đựng, nó hút hết nước mắt, cực khổ, nhọc nhằn vào đấy hoặc cơ hồ Hòa khóc bằng một cách nào đó mà nước mắt chỉ chảy vào trong. Nước mắt đâu phải lúc nào cũng chảy thành dòng trên mặt người. Có khi nó chảy ra bằng một nụ cười cay đắng.

Nụ cười bật ra thành tiếng, Hòa cười ha hả giữa chiều buông, mưa cơ hồ tuôn đâu trong bụng hoặc tuôn từ năm dài tháng rộng, lúc nỗi đau chưa đủ thành khối, chặn nghẹt đường hạnh phúc giữa tim người. Thôi thì cũng thế cho rồi. Một chữ buông thốt ra trên khuôn miệng con người, đã gói gọn hết đoạn trường năm tháng cùng nhau bước tới giữa nắng ráp mưa rào khó khổ. Hòa đi lấy chồng ngoại quốc biết đâu có tiền cho tía chữa bệnh, cho bà Thâu không còn mặt lớn mặt nhỏ mà lo chăm sóc tía. Với cái nữa Thắng là người tốt, không nên dây vào Hòa rồi đời chẳng tới đâu. Bất hạnh của ai người đó gánh. Hòa nghĩ thôi thì biết đâu, cứ nhắm mắt đưa chân chứ mênh mênh đất trời xứ này không còn dung chứa được một con người nhỏ nhoi, cùng đường cạn lối.

Minh hoạ: Tào Linh

Ghe vừa về tới mé sông, Hòa đã thấy bà Thâu ôm cái đài nghe ca cổ, nhà cửa ngổn ngang, ông Chín thì ngồi nhậu say khướt ngoài gốc me. Hòa vào lo dọn dẹp. Bên nhà hàng xóm, bà Tư đang nấu cơm, mùi củi ướt thơm đậm đà trong khói, mùi khói tuổi thơ khi còn mẹ, còn bà. Chú Tư đang cho vịt ăn, còn mấy đứa con nhà chú thì phụ quét nhà dọn cơm, những sợi khói mỏng vút lên từ căn nhà của họ làm Hòa thấy cay sống mũi, không biết là vì khói hay vì tủi phận mình, hi vọng đã tận đường từ lúc mới sinh ra.

Chiều xuống dần, mặt trời rọi lên óng ánh hàng lau bên cửa những ánh dương rực rỡ cuối cùng trước khi đêm đổ bình mực đen khắp tận cùng đồng bưng. Con nước ngoài sông trôi khe khẽ sợ phiền tiếng khóc người con gái xuân thì, tiếng dế than cũng bắt đầu nhóm lên để cho ếch nhái ễnh ương làm thành một đêm nhạc hội ủi an người trong tĩnh mịch. Đêm đó Hòa mơ mình mặc áo cô dâu, thuyền hoa đậu dưới bến sông, nắng rạng rỡ vàng óng làm quà cưới, đồng bưng bừng bừng trong hạnh phúc của kẻ nghèo khó được thành toàn, mơ ước cưới được người thương rồi sống đời khổ cực bình thường, không phải tha hương, rời xóm.

Hòa bước xuống xuồng, giông gió nổi lên tứ phía, tiếng trống kèn thổi, tiếng người khóc thương, vàng mã bay lả tả trên sông, thì ra đây là chiếc xuồng tang đưa người về bến cuối, Hòa hốt hoảng giật mình dậy giữa đêm. Đêm đen im bặt đáng sợ rợn người.

Hòa dứt tình với Thắng một nước rồi gật đầu lấy chồng. Bữa đó mưa ngập trắng đồng bưng, mưa nổi nước làm mùa. Con ễnh ương bên hè giật mình im bặt tiếng kêu, ếch nhái cũng tủi cho chuyện lứa đôi mà bỏ hang đi tìm mùa hò hẹn. Nắng giấu bặt mình cho đồng bưng thương nhớ, mưa lao xao ầm ào làm chủ khắp ruộng hồ. Trăng cuối mùa nên vành mỏng như dao, chỉ nhìn thấy là cứa bụng dạ người ứa máu.

Thắng khóc thay phần Hòa khi nghe người mình thương xa xứ lìa quê, phận trai tráng bị cái nghèo làm trò cười thời thế. Bàn tay rời đi, hơi ấm tan như khói. Nước mắt cũng lắc đầu không cứu nổi nghịch phận, trật duyên. Nhìn Thắng khóc, lòng dạ Hòa như mớ lục bình ngoài sông, trôi ngổn ngang tứ xứ. Có quá nhiều chuyện trong đời sẽ rũ bỏ từ đây. Bến mới lạ xa đã chờ bàn chân non bước tới.

Bà Thâu vui hơn trúng số khi Mây báo tin làm mai được Hòa cho một ông Việt kiều góa vợ bên trời Tây. Đám cưới diễn ra nhanh chóng, không có rước dâu, chỉ vài mâm đãi xóm làng gọi là. Rạp đám cưới nhìn Hòa mếu máo vẹo xiêu, ông Chín gầy tong teo trong bộ đồ thùng thình và đôi dép mũ đã sứt quai đóng phèn vàng như nghệ. Chú rể móc trong bị ra một phong bì mỏng như lá lúa. Bà Thâu cầm lấy, nước mắt tràn lên trong mắt nhiều quan khách, có người chỉ cười nhạt rồi bỏ về.

Ngày cưới, Thắng đến uống rượu mừng của Hòa, uống say bí tỉ rồi hỏi Hòa có hạnh phúc không. Hòa chỉ cười, tay đưa cho Thắng bó hoa cô dâu kết bằng bông huệ đỏ rồi bảo anh hãy hạnh phúc thay phần em. Phải thật hạnh phúc. Hòa không hề khóc. Mưa trắng trời. Xác pháo hồng vụn khắp sân lẫn vào bùn đất lấm lem, như rượu cưới đã uống rồi thì không còn quay đầu lại. Thắng ôm bó hoa huệ đỏ về chôn trong vườn như chôn hạnh phúc của đời mình xuống lòng đất sâu. Vĩnh viễn.

Đám cưới xong mấy hôm rồi mà bà Thâu vẫn rộn ràng tới lui khắp xóm. Chú rể cũng không quá già như mấy đám khác trước đó, chỉ hơn Hòa có ba mươi tuổi, bà Thâu lấy làm hãnh diện khoe khoang như thế khắp nơi. Số con Hòa có phước, chồng nó còn trẻ trung, mới gần sáu mươi. Nghe nói bên đó có nhà cửa rộng lớn. Nó mới mua cho vợ chồng tui cái ti vi nè, cái thằng rộng rãi lắm.

Ngay trước ngày đi Sài Gòn đặng về trời tây, Hòa chống xuồng đi từ giã xóm làng cũng là để được lặng lẽ với đồng bưng. Lúc bơi xuồng qua cây me bên cầu cuối xóm, Hòa khóc như mưa, nhớ bàn tay Thắng ấm mềm trong lần đầu hò hẹn, nhớ nơi kết tóc hẹn thề thành vợ thành chồng. Khóc xong thì đành quẹt nước mắt rồi đi, mình đã an phận má hồng, người thương rồi cũng sẽ neo thuyền nơi bến khác. Cuộc sống xứ lạ quê người chưa biết sẽ ra sao. Đời Hòa còn khổ hơn mớ lục bình, nó được tự do trên sông nước, còn Hòa, chỉ bằng một con mèo, con chó bị bán đi.

Tối đó, Hòa đang xếp mấy bộ đồ cũ sờn vào cái bị để sớm mai đi cho kịp con nước thì chú Tư hàng xóm sang đưa cho Hòa một chai dầu gió rồi bảo bây đi mạnh giỏi, giữ gìn sức khỏe nghen. Mang chai dầu theo có ho sổ mũi thì dùng tới rồi nhớ chú thím Tư nghen. Hòa chưa kịp trả lời thì nghe tiếng ông bà Chín cãi nhau phía sau nhà về số tiền sính lễ gả Hòa có được, trả nợ hơn chục triệu xong thì mua tủ lạnh hay xây hàng rào trước, số tiền vỏn vẹn có năm mươi triệu mà cái gì bà cũng muốn làm sao đủ, không lẽ để không cho ông đem đi nhậu nhẹt đá gà. Bà lo gì, mình cứ xây hàng rào cho chắc chắn, nào con Hòa gửi tiền về thì xây nhà lo gì. Ừ hé, con Hòa nó gửi tiền về xài không hết. Tiền nước ngoài đem về đây to lắm, tha hồ. Tiếng ông bà xì xào bàn cãi. Hòa nhìn chú Tư, nước mắt ròng ròng. Chú Tư lắc đầu ngao ngán, tay vỗ vỗ vào vai Hòa, thôi bây đi, biết đâu đổi đời. Hòa khoanh tay chào chú Tư như hồi còn nhỏ, chú quay mặt đi, giấu nhẹm đôi mắt đỏ hoe, người cùng xứ còn thương nhau, cha mẹ nào sao nỡ…

Tiếng cãi ồn ào vẫn không dứt, Hòa xách đồ đi ngay trong đêm, bước ra ngoài, trời tối mịt, ánh đèn pin yếu ớt lấp loáng trên sông, chiếc xuồng nhỏ trôi đi giữa dòng đêm, sông tiễn người con gái bằng con nước lớn, gió lau từng hàng nước mắt lã chã rớt xuống bằng cách cuốn chúng đi về lại với sông. Hòa chỉ mơ mình được như mấy giọt nước mắt kia, được nằm lại với đồng bưng.

Trời châu Âu mùa đông xám ngoét, tuyết rơi dày, lá tạm lánh vào những thân cây, chỉ còn những nhánh cành khô khốc cứ lởm chởm chiếm lấy bầu trời. Tám giờ sáng trời vẫn lờ mờ âm u, bên ngoài sương mù làm đường sá, cây cối ẩm nước, rong rêu bám xanh chân tường và vỉa hè. Cái ướt rượt của đường cộng thêm bầu trời nặng trịch mây xám làm tâm trạng Hòa như mưa bão.

Hòa mặc mấy lớp quần áo giữ nhiệt, choàng thêm cái áo khoác dạ dày, quấn thêm khăn mà vẫn thấy mùa đông cắt vào da thịt. Sống ở nơi nắng nóng quanh năm nên việc thích nghi với thời tiết châu Âu là cả một quá trình khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông.

Ở xứ này, khó lòng mà có một ngày thức dậy đã nhìn thấy nắng, ở đây ngày nào thời tiết cũng hẩm hiu, kiến trúc cổ điển cũ kĩ, gió thổi trong những cơn mưa nhỏ xíu không đủ ướt áo người làm cho ngày đông tháng giá thêm dài, những dòng người đi trên con đường loang loáng nước chiều nhập nhoạng như vội vã tìm chốn dung thân, mỗi người vác cả thế giới của mình nặng đến mức những khối cơ trên mặt tê dại không còn biểu cảm, cứ lầm lũi đi trong vô vọng của luẩn quẩn kiếp người.

Hòa rảo bước nhanh qua mấy bậc cầu thang dẫn vào lối lên tàu điện ngầm, phải bắt cho kịp tàu để còn ghé qua siêu thị mua đồ nấu nướng. Đúng giờ cao điểm, người đông như kiến, ga tàu chen chân không lọt, lên tàu thì người người đứng sát nhau như xếp cá mòi. May là Hòa tìm thấy một chỗ rồi khép nép ngồi xuống, chân đã mỏi nhừ, đầu ong ong vì thiếu ngủ do làm công việc tay chân hơn mười hai tiếng một ngày.

Từ hồi mới sang, người chồng xa lạ hướng dẫn Hòa sử dụng các loại máy móc gia dụng, hướng dẫn cách vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa để Hoà làm việc nhà và đi làm dịch vụ dọn dẹp vệ sinh. Ban đầu chỉ làm nửa buổi một ngày, rồi lên cả ngày, có khi lên đến mười tiếng. Tiền thì chồng thu, Hòa không biết là bao nhiêu, chỉ biết làm quần quật, còn phải về nhà chăm lo nhà cửa, cơm nước cho chồng. Cuối cùng Hòa cũng hiểu ra, cuộc cưới gả quá hời, được osin ban ngày và được người lên giường ban đêm. Mỗi tháng Hòa được phát cho một ít tiền, kiểu đong dầu đếm gạo. Tủi nhục không chảy ra thành nước mắt, nó đông lại thành khối như băng tuyết xứ này, nằm ở giữa tim, mang cái lạnh lan đi khắp tế bào.

Hòa nhắm chặt mắt mà đầu óc cứ chạy không ngưng. Mỗi lần đi tàu điện ngầm Hòa đều nhắm mắt vì không muốn nhìn thấy những gương mặt người. Điều đáng sợ nhất khi đi tàu điện ngầm ở đây không phải là sự đông đúc chen lấn, mà là khi Hòa nhìn thấy những ánh mắt mệt mỏi, nhàu nhĩ, đầy áp lực. Hòa có cảm giác mình sống giữa một rừng robot không cảm xúc. Những con robot được lập trình bước lên tàu điện ngầm, rút báo hoặc sách ra đọc, hoặc gắn tai nghe rồi ngồi đó không cử động, mắt nhìn mà như không nhìn, đặc biệt là không nói chuyện và chỉ được lập trình một biểu cảm đó là mệt mỏi, chán chường, lượt thượt. Hòa sợ một ngày mình sẽ trở thành robot như thế, được lập trình sống trong một thành phố cạn kiệt sức người.

Tiếng chuông điện thoại làm Hòa giật mình, là tiếng bà Thâu. Bà gọi báo tía bệnh nặng cần tiền đi bệnh viện. Tháng nào cũng có chuyện xin tiền trong khi hai vợ chồng Hòa cãi nhau như cơm bữa vì chuyện Hòa muốn có tiền gửi về quê cho tía. Hôm rồi vừa cãi một trận tơi bời, chồng Hòa lại bỏ nhà đi.

Mãi cả tháng sau chồng Hòa mới dọn về vì biết Hòa mang thai. Về nhưng vẫn cãi nhau như cũ vì chẳng hợp tính tình. Rồi Hòa sinh con. Ngày sinh, trời bắt đầu đổ tuyết, không có đến một người bên cạnh, khối đá lạnh giữa tim làm buốt trí óc con người. Hòa tê dại, ngoài cảm giác gánh nặng, Hòa không cảm thấy tình cảm gì cho đứa trẻ mình gọi là con vừa được sinh ra. Cơn đau đẻ dường như cũng chẳng là gì so với cơn đau sụp đổ của giấc mơ đổi đời hoa lệ. Hoa thì chưa thấy, lệ dài chứa chan.

Một mình chăm con cho đến lúc con được hơn một tuổi thì chồng Hòa đòi li hôn vì không còn tình cảm. Bữa kí giấy li hôn, Hòa bình thản vô hồn. Kí xong, Hòa thấy chồng bước ra xe, có cô gái nào đó chờ sẵn. Thế là hết, bắt đầu cuộc sống làm mẹ đơn thân. Mấy tháng đầu chồng còn gửi tiền trợ cấp cho con nhưng rồi cứ thưa dần, giờ Hòa gọi thì cũng bặt tăm. Không còn cách nào, Hòa gửi con đi nhà trẻ để đi làm kiếm tiền. Cũng mấy tháng nay Hòa quần quật làm việc. Do không phải là người bản xứ nên Hòa hay bị xem thường, bắt nạt nhưng Hòa vẫn cố chịu đựng. Không có công việc thì tía không tiền uống thuốc và hai mẹ con Hòa sẽ chết đói.

Hòa hút thuốc quên sầu. Hút đã đời rồi ngồi trên chiếc ghế gỗ đặt ngoài ban công. Ánh mắt dại đi vô hồn, tóc tai xõa xượi. Hòa chìm vào giấc ngủ rồi thấy mình về lại đồng bưng, triền đê xanh mướt màu cỏ mới. Hòa mặc bộ đồ bà ba bông tím, chân mang đôi dép mủ màu hồng. Hòa đi đến cái chợ đầu làng, bà con đang buôn bán xôn xao. Dưới sông có chiếc xuồng hoa nhỏ, đang hướng về phía nhà Hòa mà tiến, Hòa đi theo. Chiếc xuồng cập vào mé sông trước nhà, bà con bu đông thương khóc. Lát sau người ta mang từ trong nhà ra một cái hộp gỗ dài, tía đang ôm hình Hòa rồi khóc thảm thiết, thì ra là đám ma của mình. Hòa hét lên hốt hoảng. Giật mình Hòa thở hổn hển, thấy mình đang ngủ ngoài ban công. Tiếng đứa trẻ khóc đêm làm Hòa phải bỏ phòng ra đây, quấn theo mấy lớp chăn cho đỡ lạnh nhưng hình như cái lạnh không chỉ đến từ bên ngoài, khối đông lạnh toát giữa tim làm toàn thân Hòa run rẩy như bị vùi sâu dưới tuyết.

Có rất nhiều đêm nằm ngoài ban công, gió cắt vào da thịt, Hòa mệt lừ sau cả ngày quần quật nhưng chẳng hiểu sao giấc ngủ đã đi lạc nơi nào. Hòa chỉ nhắm mắt. Cảm giác bầu trời đen ngoài kia đang nuốt chửng lấy mình. Cái ban công nhỏ vuông vức này như cái quan tài khó lòng vùng vẫy, thấy ngôi nhà như cánh đồng hoang mùa gió chướng, chỉ có mỗi ngôi mộ của Hòa. Đơn lẻ khôn cùng.

Hòa đốt thuốc không dứt ngoài hành lang, bên trong đứa con đang khóc ngặt nghẽo. Cả tuần nay cứ tới đêm là nó khóc. Tía bảo nó khóc dạ đề khi nghe Hòa kể sự tình qua điện thoại. Không ngủ được sau cả ngày mệt rã rời, tiếng khóc đêm của nó làm Hòa phát điên.

Dỗ mãi không được, Hòa bỏ ra ngoài hút thuốc. Lần đầu tiên Hòa hút thuốc là hồi chồng bỏ nhà đi lần đầu sau cuộc cãi vã sống còn khi Hòa gói ghém tiền làm thêm gửi về bển cho tía vì cứ một tuần là bà Thâu gọi, hết ông bệnh rồi bà bệnh, hết tủ lạnh đến xe máy, hết nợ nần đến đòi xây nhà cho xứng với cái hàng rào xây lúc mới gả Hòa…

Hòa cười ha hả giữa đêm sâu, tiếng cười tràn ra từ khối u uất góp nhặt cả đời. Trời khuya hun hút, cái lạnh đặc quánh như những lớp phô chảy, quấn lấy con người, dứt không ra. Hòa nhớ nắng ở đồng bưng, cái nắng vàng chói chang, cây cỏ tươi màu sức sống. Có nắng nơi nào đẹp bằng nắng đồng bưng, có nỗi nhớ nào hơn con người lìa xứ nhớ ngọn khói bữa cơm chiều nơi nhà xưa quê cũ.

Có cơn run rẩy lan đi từ vai, nó chiếm lấy trí óc của Hòa, nó dần đi khắp cơ thể, Hòa co cứng trong đó, càng vùng vẫy, càng lún sâu. Có khi nó mãnh liệt làm Hòa ngất đi, trong mơ hồ loáng thoáng, Hòa chỉ thấy mình đang chèo xuồng dưới nắng ấm chói chang của đồng bưng châu thổ. Hòa tắm mình trong thứ ánh sáng ấm áp diệu kì đó, nắng lóa cả mắt người.

Trời bên ngoài tuyết bắt đầu rơi dày, Hòa ăn qua loa miếng bánh mì khô khốc rồi đưa con đi nhà trẻ vội để đến chỗ làm. Hòa thấy mình bắt đầu trở thành robot, cứ đến giờ lập trình là làm, không hơn không kém. Đi tàu điện ngầm Hòa không còn nhắm mắt vì sự tối tăm trong thế giới của Hòa như núi dựng cao, Hòa nhìn nhưng không thấy gì ngoài sự túng quẫn ghì chặt hai hàng mi.

Đón con về nhà cho nó ăn xong là Hòa rã rời. Hòa nhiều khi muốn mang nó đi bỏ. Hòa không còn sức lực nghĩ thêm gì. Khi người ta dùng cả tính mạng để sinh tồn giữa những làn gai mà vẫn bị đời hắt hủi thì có gì hơn ngoài cây thù hận bén rễ trong lòng. Từ nơi khối đá trong tim, hạt giống màu đen nảy nở, đâm chồi, mọc nhánh lấn át hết những cỏ hoa thơm thảo hiếm khi nở xanh trên một trái tim cằn cỗi yêu thương. Mọi giá trị, đánh giá đều trở nên rối loạn. Hàng ngàn ý nghĩ chạy trong đầu không dứt. Chạy đến khi rã rời, kiệt quệ vẫn chưa ngừng.

Hôm nay do thiếu ngủ nên Hòa ngủ gật trong lúc rửa chén, bị một người da trắng méc lại với quản lí thế là họ chửi Hòa thậm tệ. Đứa con gái hám lợi, muốn bằng vốn tự có mà hưởng vinh hoa nơi xứ văn minh, thứ thấp hèn bám như vi khuẩn. Hòa chỉ muốn đấm vào mặt tụi này cho hả giận nhưng nghĩ lại tiền nhà, tiền ăn, tiền học, tiền gửi về quê, Hòa cúi đầu làm thinh.

Tuyết rơi dày đặc ngoài trời nên Hòa không thể ra ban công ngủ khi đứa con khóc nấc giữa đêm. Đi làm về, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ, chăm con cho nó ngủ, đến lúc Hòa được nằm lên giường đã hơn mười một giờ đêm, ngủ chưa được bao lâu thì nó bắt đầu cơn khóc.

Đêm nay, đúng như lệ cũ, hơn mười hai giờ nó bắt đầu khóc, tiếng khóc của nó ngặt nghẽo, khóc nấc không cách gì dỗ được. Hòa bỏ vào nhà vệ sinh đóng cửa, tiếng khóc vẫn bám theo. Hòa xả nước trong bồn để tiếng nước át đi tiếng khóc nhưng cũng không được, tiếng khóc của nó bám riết vào tâm trí, cào xé tâm trạng Hòa rách mướp.

Tự nhiên Hòa cười lên ha hả, rồi nói lớn “mày không phải con tao”, “tao biết rồi, mày không phải con tao”. Hòa vừa nói vừa dùng hai tay bóp lấy cổ đứa nhỏ, tiếng khóc nó nín bặt chợt làm Hòa tỉnh ra rụt tay lại. Đứa trẻ ho sặc sụa…

Cơn bừng tỉnh làm Hòa khựng lại, tim đập nhanh như sắp nổ ra, đầu óc váng vất, có cơn sợ hãi hoảng loạn lan ra từ vai, đi khắp người, cường độ dữ dội hơn bất cứ lần nào. Hòa chao đảo ngã xuống đất. Không biết là bao lâu, Hòa tỉnh dậy, đầu óc lờ mờ hiểu chắc có chuyện gì kinh khủng lắm đang diễn ra với mình. Hòa vớ lấy cái điện thoại gọi cảnh sát bảo ở đây có một đứa bé đang gặp nguy hiểm, hãy tới liền.

Đầu óc quay cuồng trong hoảng loạn, Hòa không nhận thức được gì cả, tiếng khóc lại cất lên, khóc ngất, cơn hoảng sợ chạy rần rần trong máu, tiếng khóc vẫn bám riết, tiếng khóc dữ dội, lấn át mọi phản ứng, van xin của Hòa.

Hòa tỉnh dậy vì tiếng còi xe cảnh sát và cấp cứu đến. Ánh sáng đèn xe xanh đỏ bên ngoài rọi lên cây cối làm Hòa nghĩ đó là ánh nắng của đồng bưng, Hòa nhìn nó ngây dại rồi nhắm mắt lại, nước mắt ứa ra. Hòa thấy mình đang bơi xuồng trên sông, nắng vàng hơn mật chín.

Hòa gào thét lên khi được báo tin đứa bé đã chết rồi và Hòa bị truy tố tội giết người. Hòa nói không phải mình làm, Hòa không hề giết nó.

Ngồi đối diện Hòa còn có một bác sĩ. Bác sĩ đưa cho Hòa cốc nước ấm, bảo Hòa uống rồi kể cho bác sĩ nghe mọi sự. Hòa bảo đứa bé cứ khóc đêm cả mấy tháng nay, mỗi khi tiếng khóc cất lên là cảm giác đáng sợ ấy lại đến, nó quần khảo đầu óc, thân thể Hòa như đang giữa chốn ngục hình.

Người cảnh sát ngồi bên cạnh nói với bác sĩ, chúng tôi đã xem camera trong nhà cô Hòa. Đứa trẻ có khóc giữa đêm trong một tuần đầu, cô Hòa có dỗ dành. Sau đó, đứa trẻ không còn khóc nữa nhưng camera quay lại được cứ nửa đêm cô Hòa lại bế đứa trẻ lên dù nó đã ngủ say, bế một lúc thì cô dọn đồ ra ban công.

Một tuần gần đây nhất, cô Hòa cứ cười nói hoảng loạn lúc nửa đêm. Tối hôm đó, cô bóp cổ đứa bé lần đầu tiên, đứa bé chưa chết. Sau đó chúng tôi thấy cô Hòa gọi điện thoại, sau cuộc điện thoại, cô Hòa bịt tai hoảng loạn một lúc rồi lấy gối đè lên mặt đứa trẻ, nó đã chết khi chúng tôi đến.

Hòa thét lên, Hòa bảo không phải, nó khóc hai tháng rồi, Hòa không giết nó.

Cảnh sát và bác sĩ nhìn nhau, họ mơ hồ hiểu được điều gì đã xảy ra khi xem bệnh án của Hòa. Hòa được chẩn đoán là trầm cảm, rối loạn lo âu và hoang tưởng mức độ nặng. Họ chỉ biết lắc đầu thương cảm. Đây đâu phải là trường hợp đầu tiên những người gốc Á tìm đường sang đây đổi đời và đời họ thực sự đã đổi theo một hướng không thể nào quay lại được.

Ngoài trời tuyết rơi không ngừng, Hòa nhìn đờ đẫn qua cửa sổ, có ánh sáng của những chiếc xe chạy qua rọi vào tuyết trắng, Hòa nghĩ đó là nắng, thứ nắng ở miệt đồng bưng chói lóa cả mắt người...

N.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)