Bên dòng Nho Quế

Thứ Bảy, 03/08/2024 00:50

. LÊ MẠNH THƯỜNG
 

Trong cái rét buốt thấu xương xen lẫn sương mù dày đặc, những dãy núi đá hai bên dòng Nho Quế cứ trơ ra, xám xịt, sừng sững giữa chiều đông miền biên viễn. Và tôi nhận ra rằng, trong ánh mắt hồn nhiên, thơ ngây của các em nhỏ nơi đây ánh lên niềm vui bởi được sưởi ấm hơn từ những tấm lòng yêu thương, sẻ chia của cả cộng đồng. Những người lính biên phòng, các thầy cô giáo cắm bản và bà con đồng bào vùng cao Mèo Vạc vẫn lặng lẽ như những tảng đá tai mèo ngày đêm kiên gan bám chặt lấy cương thổ địa đầu để cùng nhau dựng nên lớp lớp thành trì che chắn, giữ gìn mảnh đất thiêng phía cực Bắc xa xôi…

Sông Nho Quế nhìn từ xã Xín Cái. Ảnh: Mạnh Thường

Ngược miền biên ải

Mỗi khi nhắc đến Hà Giang là tôi lại nghĩ ngay đến hai nữ nhà văn có những trang viết hết sức ấn tượng về vùng đất bí ẩn, đầy sức quyến rũ nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó là Đỗ Bích Thúy và Chu Thị Minh Huệ.

Năm 2017, tôi, một người lính cảnh sát biển có chuyến công tác lần thứ 12 tại Trường Sa. Và trong hành trang mang ra quần đảo bão tố có tiểu thuyết Chủ đất của Huệ, một câu chuyện mang đậm chất sử thi huyền bí và những giá trị văn hóa độc đáo của người Mông ở vùng cao nguyên đá hùng vĩ phía cực Bắc của Tổ quốc. Nó khiến cho tôi say mê và khao khát được đặt chân đến mảnh đất nơi địa đầu với vẻ đẹp độc đáo của điệp trùng núi đá, của sặc sỡ váy Mông, tiếng khèn réo rắt giữa phiên chợ tình trong sương ấy. Cuốn sách này tôi đã tặng lại cho thư viện của đảo Nam Yết và được cán bộ, chiến sĩ nơi đây đón nhận một cách trân trọng, hiện đang nằm trong thư viện của đảo.

Sở dĩ dẫn dắt lan man như vậy là bởi, cho đến những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tôi mới có dịp lên với Hà Giang trong một chuyến công tác hiếm có. Hiếm có là bởi, thông qua sự kết nối của một cô giáo cắm bản, chúng tôi đã lên ý tưởng, xin phép lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị cũng như được sự chung tay, hỗ trợ của cả tập thể, chương trình “Tết yêu thương với trẻ em vùng cao” tại xã biên giới Xín Cái, huyện Mèo Vạc của Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 được phê duyệt và tổ nhanh chóng ấn định ngày lên đường. Vậy là chuyến đi mà tôi mong chờ nhất bao năm qua đã được toại nguyện. Nghĩ đến chặng đường ngày mai lên miền biên cương xa ngái mà suốt đêm tôi cứ thao thức, lâng lâng.

5h sáng, chiếc xe chở đoàn công tác và hàng hóa rời thành phố cảng để bắt đầu chuyến hành trình đặc biệt trong màn mưa phùn, gió rét của ngày cận tết. Những con người quanh năm quen với sóng cả, với gió biển mặn mòi như chúng tôi lần đầu tiên được lên với cao nguyên đá Đồng Văn khiến ai nấy đều háo hức, mong chờ. Những ngôi nhà sàn ẩn hiện dưới cánh rừng mù sương, những con dốc ngoằn ngoèo, vực sâu hun hút cứ lần lượt trôi qua cửa kính xe ô tô. Cái sự rộng lớn, mênh mông, bát ngát, mịt mùng của biển khơi đã ám thị vào tâm trí sau bao năm lênh đênh, ngang dọc Biển Đông nay được thay bằng vẻ đẹp hùng vĩ, điệp trùng của núi rừng biên cương khiến tôi không khỏi ngơ ngác, trầm trồ. Càng về chiều, cơn mưa nặng hạt kèm sương mù bao phủ khắp miền núi cao. Phía trước mặt vẫn tít tắp dốc, đèo xen lẫn thung sâu khiến anh chị em đoàn công tác không khỏi thoáng chút âu lo.

Mãi nhập nhoạng tối, đoàn cũng đã đến được thị trấn Mèo Vạc. Trời mưa càng lúc càng to, sương giăng dày đặc đất trời, nhiệt độ trong phần mềm thời tiết của điện thoại hiển thị 20C. Theo sự chỉ dẫn của bạn giáo viên cắm bản, chúng tôi đi tiếp vài cây số nữa để về làng H’Mông ở xã Pả Vi. Đoàn sẽ nghỉ lại đây một đêm để sáng mai đi lên xã biên giới Xín Cái. Bữa cơm đầu tiên trên cao nguyên đá có sự tham dự của gia đình mấy anh chị em giáo viên người Mông, Tày, Dao nhà ở thị trấn vào khiến không khí trở nên ấm cúng hơn. Ăn bát mèn mén, gắp đũa cải cay, uống li rượu ngô cùng những câu chuyện thân tình của chủ và khách giữa đất trời Mèo Vạc khiến tôi ngây ngất…

Vén mây vượt đèo

Chúng tôi bắt đầu hành trình 20km từ Pả Vi lên Xín Cái trong cái rét 10C của buổi sáng nơi biên khu. Xe qua cầu Tràng Hương, con đường sà xuống sát mặt sông Nho Quế, nhưng chỉ một chút, nó đã vén mây ngược lên lưng chừng trời. Bao quanh toàn núi đá. Đá san sát như những binh đoàn sừng sững án ngữ khắp một dải biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Dưới làn mây bay ngoài cửa xe, dòng Nho Quế có lúc chỉ còn là một sợi chỉ xanh mướt nhỏ xíu vắt vẻo qua từng dãy núi đá tai mèo điệp trùng, kì vĩ. Hôm qua, khi đi suốt chiều dài của con sông Gâm đoạn chảy qua hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm của Cao Bằng, tôi nhận thấy nước của sông Gâm cũng có màu xanh biếc rất đẹp. Nhưng khi đến Mèo Vạc, ngắm nhìn dòng Nho Quế mới thấy màu xanh của hai con sông có sự khác biệt lớn.

Nước sông Nho Quế màu lục bảo ngọc. Màu xanh đặc trưng này được tạo nên từ hệ sinh thái tảo lục sinh trưởng dưới lòng sông. Bên cạnh đó, hai bên bờ là hẻm núi với bạt ngàn cây xanh in bóng xuống cũng góp phần tạo nên màu nước xanh trong hiếm gặp như vậy.

Giàng Thị Thể, cô giáo cắm bản chính là người kết nối chuyến đi này cũng có mặt trên xe để đưa chúng tôi vào Xín Cái đã lí giải về màu sắc đặc biệt của nước sông Nho Quế như thế. Thể người Mông, quê ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, hiện là giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Xín Cái. Gắn bó với nghề sư phạm và mảnh đất Mèo Vạc này cũng được chục năm, cô gái nhỏ nhắn, lanh lợi này đã đem đến cho chúng tôi một sự tình cờ hết sức thú vị. Hóa ra Giàng Thị Thể lại là con dâu Hải Phòng chính hiệu. Chồng của Thể tên là Cương, quê ở huyện Thủy Nguyên. Trong một lần đi du lịch lên miền cao nguyên đá, chàng tài xế quê miền chân sóng gặp được cô giáo vùng cao và cả hai trúng ngay “tiếng sét ái tình”. Cương đã quyết tâm neo lại nơi đây để cùng Thể gắn bó, xây dựng hạnh phúc của mình. Cương làm nghề lái xe khách tuyến Mèo Vạc - Quản Bạ đã vài năm nay. Tối qua, trong bữa cơm ở Pả Vi, hai mẹ con Thể đến trước. Mãi muộn, khi từ Quản Bạ lên, trả khách xong, đánh xe về bến an toàn thì Cương mới đến được để chào anh chị em đồng hương Hải Phòng. Thể tâm sự: “Hai bên nội ngoại đều ở xa, quê em tuy ở Hà Giang nhưng từ Mèo Vạc về Quản Bạ cũng ngót nghét 100km đường toàn đèo dốc. Bé con phải nhờ người trông giúp vì em sáng sớm phải đi vào trường, tối mới về đến nhà. Chồng em cũng vậy, ngày nào cũng ôm vô lăng từ sáng sớm đến tối mịt mới gặp được nhau!”

Chiếc xe vẫn bò trên con đường ngoằn ngoèo, gấp khúc theo triền núi để lên Xín Cái. Những ngôi nhà của bà con nằm rải rác, lặng lẽ nép mình bên những sườn đá tai mèo chênh vênh, hun hút. Tôi và anh chị em trong đoàn ai nấy đều khâm phục Giàng Thị Thể cũng như một số thầy cô giáo có nhà ở ngoài thị trấn vẫn hàng ngày chạy xe máy vượt qua những cung đường hiểm trở để vào trường chính và các điểm trường lẻ dạy học. Thể nhớ lại, đợt mưa lũ năm 2017, tỉnh Hà Giang bị thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Huyện Mèo Vạc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại khu vực thôn Bản Chuối, xã Xín Cái, mưa lớn khiến khe suối nước dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi một người dân là ông Giàng Mí Nô xuống sông Nho Quế. Mưa lũ gây sạt lở đường cũng như chia cắt các xã khiến cho công việc dạy và học bị gián đoạn một thời gian. Mặc dù con đường liên xã hiện nay đã được nâng cấp, sửa chữa nên dễ đi hơn trước nhiều, ánh sáng văn hóa đã hiển hiện ở từng thôn bản nơi đoàn đi qua nhưng cảm nhận của tôi về cuộc sống ở mảnh đất biên cương này vẫn còn đó biết bao vất vả, thiếu thốn, khó khăn.

Nơi lưng trời Xín Cái

Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Xín Cái gồm hai dãy nhà hai tầng kiên cố và một dãy nhà cấp 4 nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển. Ở đây ba bề bốn bên toàn núi đá. Phía dưới kia là con sông Nho Quế uốn lượn hiền hòa. Phía bên kia sông, án ngữ trước mặt xã Xín Cái là dãy núi sừng sững thuộc xã Giàng Chu Phìn. Xín Cái cùng với Thượng Phùng và Sơn Vĩ là 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc, được coi là “thâm sơn cùng cốc” đã tạo thành một lá chắn thép nơi phên dậu phía cực Bắc xa xôi. Khi chúng tôi đến, các em học sinh ở đây đang vào tiết học. Tiếng học bài râm ran của trẻ thơ trong màn sương mù dày đặc dường như đang phá tan dần cái lạnh cóng trên miền non cao.

Người mà tôi trò chuyện đầu tiên ở trường là Phó Chủ tịch UBND xã Xín Cái Hứa Đình Tuấn. Nghe thông báo có đoàn công tác dưới biển lên, anh từ ủy ban xã chạy xe máy xuống đón tiếp khách và dự buổi trao quà cho các em học sinh. Hứa Đình Tuấn người Tày, quê ở huyện Bắc Quang. Anh cùng gia đình lên Mèo Vạc lập nghiệp từ năm 1994. Vợ chồng anh Tuấn có hai con gái, cháu đầu hiện đang là sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non của Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, còn cháu thứ hai đang học lớp 5, nhà ở ngoài thị trấn huyện. Tôi thầm cảm phục tư tưởng tiến bộ của vị cán bộ xã này bởi qua hỏi chuyện, anh chia sẻ, trong gia đình, dòng họ cũng có nhiều người vận động vợ chồng anh đẻ thêm một đứa con trai để nối dõi tông đường nhưng anh nhất quyết không. Trai hay gái không quan trọng, chỉ sinh đủ hai con và tập trung nuôi dạy con thật tốt là được. Anh bảo, Xín Cái là xã biên giới đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 32km. Xã có 8,1km đường biên giới với 21 mốc chính và 10 mốc phụ giáp với trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Xã hiện có trên 6.000 nhân khẩu, gồm 9 dân tộc anh em chung sống, trong đó người Mông là chủ yếu. Xã có 19 thôn, hộ nghèo chiếm trên 50%. Bà con ở đây chủ yếu trồng ngô, lúa nương. Trong phát triển kinh tế, xã đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là điều kiện về địa lí, tự nhiên không thuận lợi, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt… Do vậy, cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng bà con nơi đây. Đó chính là bài toán mà cấp ủy, chính quyền địa phương đang từng ngày nỗ lực tháo gỡ.

Bên ấm trà nóng trong căn phòng hiệu bộ còn có hai lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của trường là thầy Đỗ Văn Long và thầy Nguyễn Đình Thi. Nói như vậy là bởi, mới cách đây vài hôm, thầy Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Xín Cái vừa nhận quyết định điều động sang làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Giàng Chu Phìn. Còn thầy Nguyễn Đình Thi đang là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Qua trò chuyện, tôi nhận thấy hai thầy giáo Long và Thi có nhiều điểm giống nhau về cuộc sống cũng như sự nghiệp gieo chữ trên non này. Thầy Long và thầy Thi đều cùng quê huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, lần lượt lên Hà Giang lập nghiệp các năm 1996 và 2008. Vợ của hai thầy cũng là giáo viên cấp 1 và cấp 2 của thị trấn Mèo Vạc. Trước khi về Xín Cái công tác, các thầy cũng đã từng trải qua các trường trong huyện như Khâu Vai, Niêm Tòng, Lũng Pù.

Thầy Long cho biết, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Xín Cái bao gồm 1 trường chính và 12 điểm trường lẻ với 940 học sinh, là con em của xã Xín Cái và 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, trong đó ngôi trường chính này có 560 em và 23 giáo viên. Giai đoạn từ 1995 - 2000, Mèo Vạc là địa bàn còn hoang sơ, địa hình chủ yếu là đá, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là thời kì mùa khô, đó là nỗi ám ảnh người dân nơi đây qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, đường sá đi lại cực kì khó khăn dẫn đến việc cõng chữ lên để xóa mù cho bà con luôn là một thử thách lớn với những giáo viên nơi đây. “Có những giáo viên vừa lên đến nơi, thấy núi đá bao quanh, đèo cao, vực thẳm, cuộc sống quá hiu hắt, hoang vu đã bỏ về quê vì không chịu được. Số còn lại vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường, bám trụ lại mảnh đất vùng cao còn nhiều gian khó này. Để bám trụ lại đây, nhiều giáo viên đã phải chịu thiệt thòi, đánh đổi hạnh phúc riêng tư. Điều đó khiến chúng tôi không khỏi day dứt. Cuộc sống ở đây đã khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng để vận động được học sinh tới trường còn gian nan hơn nhiều anh ạ.”

Thầy Nguyễn Đình Thi cho biết thêm, trong quá trình giảng dạy, bước đầu hết sức vất vả, khó khăn khi chuyển tải kiến thức cho các em. Trở ngại lớn nhất chính là vấn đề ngôn ngữ. Đa số học sinh là người Mông, để dạy được các em đòi hỏi thầy cô phải học tiếng Mông, nói tiếng Mông và dạy song ngữ là tiếng Mông và tiếng Kinh. Quá trình vừa dạy vừa học, vừa tiếp xúc trực tiếp với người dân, các thầy cô giáo ở đây nói tiếng Mông rất tốt nên giữa thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh ngày càng gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và tất nhiên, việc tuyên truyền, vận động các em tới trường cũng trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, công tác giáo dục thường xuyên được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc một cách đồng bộ để vận động các gia đình tự giác cho con em đến trường.

Trong sự nghiệp gieo chữ trên non của mình, thầy Đỗ Văn Long không thể nào quên một trường hợp tạo được dấu ấn sâu đậm và khơi nguồn cảm hứng cho các em học sinh vùng cao, đó là em Giàng Mí Chứ ở xã Khâu Vai. Hồi đó, khi thấy người đến nhà tuyên truyền, vận động Chứ tới trường, cả bố mẹ và Chứ đều trốn không muốn gặp. Bằng cái tâm và trách nhiệm của mình, thầy Long cùng một số thầy cô và cả chính quyền địa phương, bộ đội Biên phòng vẫn kiên trì chờ đợi, động viên, giải thích. Phải năm lần bảy lượt như vậy, gia đình mới đồng ý cho Chứ đi học để kiếm cái chữ. Với sự yêu thương của các thầy cô giáo nơi đây, Giàng Mí Chứ trở thành học sinh giỏi ở các cấp học. Sự nỗ lực, miệt mài phấn đấu học tập của Chứ được đền đáp. Anh đã phát triển thành cán bộ, trở thành Phó Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc. Hiện tại, Giàng Mí Chứ đang là Phó Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng bởi tiếng trống báo hiệu kết thúc tiết học thứ nhất của buổi sáng và cũng là lúc buổi tặng quà cho nhà trường và các em học sinh bắt đầu. Tiếng nói cười của các em ríu rít như bầy chim non. Chỉ sau câu hiệu lệnh của giáo viên phụ trách, các em đã nhanh chóng đem ghế ra sân ngồi theo hàng, theo lớp, trật tự, chăm chú lắng nghe. Có không ít em vẫn mặc chiếc áo mỏng manh, chân đi dép lê trong cái rét run người. Những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo, nhút nhát nhìn đoàn công tác chúng tôi trong sắc phục màu xanh của biển một cách lạ lẫm, rụt rè. Màu sắc của trang phục các dân tộc anh em hòa lẫn vào nhau chật kín sân trường, đẹp tựa những bông hoa của núi rừng biên cương, trông đáng yêu vô cùng. Những chiếc áo khoác, những đôi tất ấm, những phần quà tết tuy giá trị không nhiều nhưng mang nặng tình cảm, sự đồng cảm, sẻ chia của những người lính biển được trao cho nhà trường và đại diện các em lên nhận giữa trời đông buốt giá khiến bầu không khí nơi đây thêm phần ấm áp hơn. Những nụ cười hồn nhiên nở giữa lưng chừng trời khiến chúng tôi không khỏi xúc động và càng hiểu hơn về giá trị của “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào,” đặc biệt là khi ngày tết đang đến rất gần.

Chúng tôi tiếp tục theo chân của cán bộ xã, thầy cô giáo và cán bộ đồn biên phòng đi bộ ngược lên mấy con dốc, dò dẫm trên con đường nhỏ đầy bùn đất trơn trượt xuống vài quả đồi ở thôn Bản Chuối để đến thăm và trao tặng quà cho gia đình hai em Thò Thị Chia và Vừ Thị Và. Những ngôi nhà nhỏ nằm đơn sơ bên hàng rào đá cũ kĩ, vật dụng trong nhà hầu như không có gì ngoài chiếc chảo gang to trong gian bếp. Do nhiệt độ giảm sâu nên mấy con trâu, bò của gia đình được đưa vào buồng ngủ để tránh gió lùa khiến ai nấy không khỏi chạnh lòng. Những người cha, người mẹ của các em mà tôi gặp đều ăn mặc tuềnh toàng, hầu như không giao tiếp được bằng tiếng Kinh mà phải qua phiên dịch. Cuộc sống của họ quanh năm chỉ biết quần quật với những hốc đá, nương ngô, với đàn gia súc mà thôi. Có đi mới thấy tận mắt được cuộc sống của bà con vùng cao biên giới dẫu có đổi thay hơn trước nhưng vẫn còn đó bao gian khó chất chồng. Đó cũng chính là động lực để không chỉ tôi mà cả cộng đồng cùng chung tay góp sức gieo yêu thương trên cao nguyên đá mênh mông này.

Giữ bình yên trên cao nguyên đá

Cách trường Tiểu học Xín Cái không xa là vị trí đóng quân của Tổ công tác Biên phòng Xín Cái thuộc Đồn Biên phòng Xín Cái. Từ đây lên Đồn còn 16km đường đèo dốc nữa. Thú thực, buổi trưa, sau khi xong chương trình ở Trường Tiểu học Xín Cái, theo lịch đã hẹn từ trước, đoàn sẽ tiếp tục ngược lên Đồn Biên phòng Xín Cái để thăm, chúc tết những đồng đội đang làm nhiệm vụ trên đỉnh mây ngàn. Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hà Minh Tuấn, Nhân viên Đội Vận động quần chúng, hiện làm việc tại Tổ công tác Biên phòng dẫn chúng tôi lên Đồn trong làn sương mù dày đặc. Trên đường đi, anh Tuấn cho biết, hôm nay trên khu vực của đồn nhiệt độ giảm về 0, có băng tuyết. Nghe vậy nên chúng tôi ai cũng hào hứng, muốn lên để được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kì thú hiếm gặp này. Nhưng có một điều không may xảy ra, khi chiếc xe chở đoàn công tác chạy lên đến khúc cua tay áo thuộc thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái thì gặp sạt lở đất đá từ trên núi đổ xuống chắn hết đường đi. Hai chiếc xe công trình làm đường ở gần đó đang tiến hành san gạt lớp bùn đất nhão nhoét, trơn trượt nên ô tô không thể qua được. Trung tá Hà Minh Tuấn đã gọi điện báo cáo tình hình với chỉ huy Đồn và hai bên đồng ý phương án đoàn công tác chúng tôi sẽ quay lại thăm, chúc tết cán bộ, nhân viên của Tổ công tác Biên phòng sau để bảo đảm an toàn. Vậy là chúng tôi đành phải lỗi hẹn với anh em cán bộ, chiến sĩ trên Đồn vì lí do bất khả kháng này.

Trung tá Hà Minh Tuấn năm nay 53 tuổi, quê huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, anh đều gắn bó với núi rừng biên cương, với mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn đầy gian khó này. Nhập ngũ năm 1989, Hà Minh Tuấn đã từng công tác tại Tiểu khu Biên phòng Đồng Văn, Đồn Biên phòng Lao Chải, sau đó đi học Trường Trung cấp Biên phòng rồi gắn bó với mảnh đất Mèo Vạc từ năm 1991 đến nay. Nhà anh ở xã Thượng Phùng, vợ cùng quê, theo chồng lên đây lập nghiệp. Vợ chồng anh đã có cháu ngoại gần 2 tuổi. Con gái lớn hiện là giáo viên Trường Mầm non xã Thượng Phùng, con rể làm ở chi nhánh Điện lực Mèo Vạc. Còn cậu con trai thứ hai theo học nghề điện ô tô, hiện làm việc ở quê nhà.

Đồn Biên phòng Xín Cái đứng chân trên địa bàn hai xã Xín Cái và Thượng Phùng, quản lí hơn 23,8km đường biên giới với 72 cột mốc (trong đó có 62 cột mộc chính và 10 cột mốc phụ). Đây là địa bàn có thời tiết khắc nghiệt nhất của huyện Mèo Vạc. Mặc dù phải sống trong điều kiện sương mù quanh năm, mùa đông giá rét, mưa phùn, nước đóng băng, băng tuyết phủ trắng núi đồi nhưng cán bộ, chiến sĩ đồn vẫn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngăn chặn kịp thời công dân xuất, nhập cảnh trái phép. Đối với Tổ công tác Biên phòng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lí trục đường đi vào biên giới và 7 thôn của xã Xín Cái. Cán bộ, nhân viên của Tổ vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, quản lí địa bàn, vừa làm công tác tham mưu cho các chi bộ thôn củng cố, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Trung tá Hà Minh Tuấn tâm sự, cũng như phần lớn các bản vùng cao khác, cuộc sống của đồng bào người Mông Mèo Vạc trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con bị trói buộc bởi những phong tục, tập quán lạc hậu như hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục thách cưới cao, tổ chức tiệc cưới linh đình, tục mổ nhiều trâu để làm ma cho người chết, tục để xác người chết trong nhà nhiều ngày rồi mới đưa đi an táng, rồi tập quán thả rông gia súc, đốt rừng làm nương rẫy… Những hủ tục đó đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào, làm cho đời sống nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, nghèo đói hơn. Vì vậy, để loại bỏ những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân vùng cao là việc làm không hề đơn giản. Bên cạnh đó, Xín Cái trước đây là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Hầu như năm nào cũng xảy ra vài vụ việc về buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, đưa người vượt biên trái phép. Có một số hộ ở một số thôn nghe theo kẻ xấu lôi kéo đã đi theo tín ngưỡng Dương Văn Mình trái phép, tiến hành dỡ bỏ bàn thờ gia đình và thực hiện những hành vi phi pháp. Giai đoạn 2016 - 2017, ròng rã gần 3 tháng trời, anh em Đội Vận động quần chúng của đồn không quản ngại vất vả, tích cực bám địa bàn đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện việc tự quản đường biên, mốc giới tại các xóm, thôn giáp biên, vận động đấu tranh, tố giác tội phạm, tuyệt đối không tham gia vào tín ngưỡng trái phép Dương Văn Mình. Nhờ tuyên truyền, vận động tốt, đến nay địa bàn hai xã Xín Cái và Thượng Phùng cơ bản ổn định. Hai năm qua, không còn hiện tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng như không xảy ra vụ việc nào về ma túy.

Ngồi trò chuyện cùng tôi còn có Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Công, Nhân viên trinh sát, quê Tam Dương, Vĩnh Phúc. Dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen, người lính quân hàm xanh có tuổi đời tròn 50 này cũng giống như đồng đội Hà Minh Tuấn, dành cả tuổi thanh xuân của mình để gắn bó với vùng cao nguyên đá. Công tác trên núi cao nên cũng chẳng khác gì đóng quân ngoài Trường Sa hay nhà giàn xa xôi như cánh lính biển chúng tôi. Vì điều kiện công việc nên hơn hai tháng nay, Nguyễn Văn Công chưa có dịp về thăm nhà. Và tết này, không nhớ là cái tết thứ bao nhiêu nữa, anh lại tình nguyện ở lại trực đón xuân cùng bà con Xín Cái và góp phần giữ cho mảnh đất này được bình yên.

Chúng tôi chia tay Xín Cái trong buổi chiều đông giá rét ngày cuối năm để trở về xuôi. Chiếc xe chở đoàn công tác xuyên qua những rừng đá tai mèo quanh co, khúc khuỷu trên đèo Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng rất mềm mại, nên thơ. Chợt bên tai tôi ngân lên những giai điệu quen thuộc trong bài thơ Chiều biên giới của cố nhà thơ Lò Ngân Sủn được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc: Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương…

Ngày mai về với biển, tôi lại tiếp tục công việc của mình bằng những chuyến hải trình suốt dặm dài giữa khơi xa đầy sóng gió. Chuyến đi lên miền cao nguyên đá lần này đã để lại một dấu ấn đặc biệt, khó phai trong đời. Tôi sẽ luôn nhớ mãi mảnh đất Mèo Vạc say đắm lòng người. Và hình ảnh những con người chất phác, hiền hậu nhưng rất đỗi kiên cường đang ngày đêm bám trụ nơi lưng trời Xín Cái, bên dòng Nho Quế biếc xanh sẽ mãi trong tim tôi…

L.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)