Kơ nia đừng khóc

Thứ Hai, 12/08/2024 16:45

. ĐÀO THU HÀ
 

Mùa khô đã đặt chân đến Điêng Đung. Bắt đầu từ những tán lá ụa ra sắc đỏ như máu trước khi ngả vàng rồi rụng thành thảm dày cộp, vàng thê thiết dưới mặt đất. Tôi lăn tròn trên lá, nghe tiếng rồm rộp đuổi theo vòng xoay, mơ mình biến thành con thú hoang ngơ ngác giữa thinh không hoang vắng, hiểu được thanh âm vỡ vụn giữa đất trời. Hay thành con thú non trốn khỏi xứ người nhiều phiền muộn, lắm âu lo. Thấm mệt, tôi cuộn mình thành chiếc lá, thầm hỏi nếu mình có thể rơi rụng rồi vỡ vụn vào lòng đất vô ưu như thảo mộc thì liệu có bớt đi nỗi nhớ lúc nào cũng ứ nghẹn trong ngực mình hay không. Bầy thú nương náu nơi rừng khộp đã kéo nhau đi tìm nơi ẩn trú qua mùa khô nên chẳng ai trả lời tôi cả. Còn Ngong. Ngong mải miết dõi theo bóng hình chị Rêu, quay quắt thương chị Rêu nên chẳng biết đến nỗi thắc mắc của tôi.

Tối hôm trước, lúc giúp tôi đếm dê, đếm gà, kiểm tra những ché rượu cần, Ngong cứ ngập ngừng, lừng khừng muốn hỏi lại thôi. Mãi đến khi trăng chạy tít về phía rừng khộp, dùng ánh sáng lạnh lẽo của mình làm dịu đi những khát cháy của mảnh rừng nắng hun chỉ còn trơ những thân, những cành gầy guộc, khô khốc, Ngong mới mở lời. Đót à, chuẩn bị làm lễ bỏ mả cho amí, Đót có tìm chị Rêu về không. Tôi cụp mắt không nói. Cũng như tôi đã không kể cho Ngong nghe chuyện tôi nhìn thấy chị Rêu trên ti vi. Chị đổi thành tên khác. Chị trang điểm sang trọng. Chị làm tóc cầu kì. Nhưng làm sao tôi có thể không nhận ra chị gái mình được.

Mà biết đâu, Ngong cũng thấy chị trên ti vi và Ngong không nói với tôi. Phải giữ im lặng về người mình cùng nhớ, lòng đắng như ăn phải thứ lá độc trong rừng. Tôi nén tiếng thở dài nức nở của bầy thú hoang quay về ngơ ngác đứng nhìn rừng đã mất dấu, cất tiếng trả lời chẳng biết cho Ngong hay cho mình. Ừ, tìm chứ. Phải tìm chị Rêu về để giải thoát cho linh hồn amí, giải phóng sự ràng buộc cho chị Rêu. Thêm một điều tôi không nhắc đến mà chôn chặt xuống lòng mình thành chiếc hạt không bao giờ bén rễ. Tôi sẽ tìm chị Rêu về để giải thoát cho chính tôi.

 

Minh họa: Đặng Tiến

Chị Rêu lặng lẽ rời bon vào một ngày giữa mùa mưa rầm rào. Tôi đã biết sẽ có một ngày chị rời khỏi cái bon Điêng Đung buồn bã và hoang vắng nơi xó rừng này, chỉ không thể ngờ chị đi không một lời chào, không một lời dặn dò, chỉ để lại mảnh giấy nhắn amí không cần đi tìm chị. Amí không kịp tháo gùi măng trên vai, vùng chạy đuổi theo chị giữa cơn mưa xối xả không dứt như muốn làm tan mọi đỉnh đồi, san bằng những ngọn núi, biến tất cả mọi thứ thành chất lỏng trôi đi vĩnh viễn. Mưa xóa dấu chân chị. Hơi nước che giấu bóng chị. Tôi chạy theo amí, thấy amí gục xuống bên gốc cây kơ nia ở đầu bon. Những búp măng trong gùi rơi xuống tung tóe, trộn bùn đất đỏ quạch. Không biết lúc rời Điêng Đung để đi về phía thành phố mà những đêm ôm tôi, chị thì thầm kể bằng thứ giọng say mê, khao khát, chị có dừng lại một chút nào ở gốc kơ nia, gửi lại cây lời nhắn nhủ để cây lưu giữ cho chị, để sau này chị vẫn có thể quay về làm một đứa con của Điêng Đung. Chị có ôm cây kơ nia cô độc thay lời chia sẻ, lời chào tạm biệt. Không hiểu sao khi nghĩ chị vội vã đến mức không dám dành vài phút để đứng lại, tôi thấy bụng mình quặn thắt. Tôi thương cây kơ nia bao năm rồi chỉ đứng một mình, nhớ thương đồng loại. Tôi thương amí lầm lũi một mình hết mùa trăng này đến mùa trăng khác. Hai mảnh cô độc trân mình phơi mưa tê buốt, nhìn mãi về phía xa xôi mà không thấy thứ mình cần tìm. Tôi gùi măng, dìu amí trở về. Ngang qua nhà Ngong, tôi cúi đầu. Từ ngày hôm ấy, amí câm lặng. Ánh nhìn của Ngong lúc nào cũng mù sương và dính nước. Kể cả khi chị Rêu trở về, rực rỡ như mặt trời. Gùi măng amí hái hôm ấy, luộc bao nhiều lần nước vẫn thấy đắng nghét, hàng nắm ớt giã cay nồng trộn vào cũng không thể nào át đi được.

Tôi nhỏ hơn chị Rêu mười mùa cây đổ lá tơi bời. Từ lúc sinh ra, tôi đã được chị quấn trong tấm dồ, địu trên lưng, ủ trước ngực. Tấm dồ thấm mồ hôi, thấm hơi chị từ ngày còn thơ bé ôm ấp, vỗ về tôi lúc theo chị hái rau, múc nước, lúc chơi cùng đám trẻ con trong bon. Chị là “amí nhỏ” của tôi. Còn chị có coi amí tôi là amí của chị không thì tôi không rõ. Chị không phải là núm ruột amí tôi sinh ra. Mẹ lớn hết kiếp người về cõi atâu khi chị vừa mới là hạt sương đầu thai, còn chưa được làm lễ nhập hồn để trở thành một con người chính thức. Ama nối dây với amí để có người chăm sóc chị. Amí là cháu của mẹ lớn. Ngày ấy, amí đang đi học thì phải trở về để nối dây. Vừa rời cây bút, cuốn sách để làm vợ thì thành mẹ. Amí địu chị trên lưng, ấp chị trước ngực. Amí chắt nước cơm vào ống lồ ô thay sữa nuôi chị. Lúc amí mang bầu tôi thì ama mất. Chị Rêu mồ côi mẹ từ lúc chào đời, tôi không có cha từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Chị Rêu thương tôi, đêm nào cũng ôm ấp, vỗ về, kể chuyện, hát ru tôi ngủ.

Trong giấc ngủ của tôi lúc nào cũng hiện lên bóng cây kơ nia cô độc đứng một mình. Chị Rêu kể, cây kơ nia là hóa thân của cô gái con của một đôi vợ chồng nghèo lại hiếm muộn, đến tuổi già mới xin các Yang thương tình cho một mụn con. Lúc cha mẹ mất, cô gái phải đi làm người ở để trừ nợ. Cô làm việc của đàn bà con gái, làm việc của đàn ông con trai. Rẫy của chủ nhà ngày càng khô cằn, cây cối không thể nào mọc nổi khiến cô gái phải làm lụng cực nhọc, vất vả. Làm mệt quá, một ngày cô gái ngủ thiếp đi và không bao giờ thức dậy nữa. Từ mộ cô gái giữa khoanh rẫy mọc lên một loại cây. Cây lớn nhanh như thổi, thẳng đứng mạnh mẽ, cành lá xum xuê tỏa bóng mát. Nhờ bóng mát của cây, đám rẫy trở lại tươi tốt, thóc lúa bội thu. Đấy là cô gái trả nợ cho chủ rẫy thay bố mẹ.

Chị Rêu thương cây kơ nia ở đầu bon lắm. Ngoài tôi, chị hay ngồi bên gốc kơ nia, thì thầm với cây những điều bí mật. Tôi nhìn cây kơ nia, thấy có bóng hình amí ở đấy. Thế mà chị Rêu chẳng bao giờ tâm sự điều gì với amí. Dù rằng amí chưa từng nặng lời với chị. Dù rằng, những tấm vải đẹp nhất amí dệt bao giờ cũng dành cho chị, sau đó mới đến tôi. Lúc thành thiếu nữ, chị Rêu không hỏi amí mà tìm đến người đàn bà già nhất Điêng Đung kể lại những băn khoăn, hoang mang của mình. Người già nói lại cho amí. Amí xốc lại quai gùi, cúi đầu lầm lũi bước về phía rừng. Ánh mắt amí găm theo mỗi bước chân nặng nề nên tôi không nhìn thấy. Nhưng nhìn đôi vai gầy võng xuống, tôi biết nỗi buồn chất đầy gùi amí, buồn như chim mất tổ, như hươu nai mất suối, như cáo chồn mất hang.

Amí không hát ru, không kể chuyện, không cười. Lúc nào tôi cũng thấy amí câm lặng như một chiếc bóng. Tôi giống amí, chẳng mấy khi cất lời, chỉ thích ngồi trên cầu thang chống cằm nhìn xa xôi, mong mình hóa thành con thú hoang lang thang trong rừng, thành giọt sương ban mai lăn trên đọt cây, thành lá khô vỡ tan dưới gót chân con nai con thơ ngây. Lúc nào trong đầu tôi cũng lởn vởn suy nghĩ ấy.

Người già trong bon Điêng Đung kể, từ lúc mang thai tôi đến lúc tôi chào đời, lúc nào amí cũng đeo gùi trên lưng, đi khắp các mảnh rừng gần, rừng xa. Amí đi trong rừng như người ta đi trên đường bằng. Tay amí gạt cây dại, vạch bụi gai tìm măng thoăn thoắt như người ta chèo thuyền trên mặt nước. Gùi to sau lưng, bụng vượt mặt phía trước, amí leo lên núi, trườn xuống vực, bám vào dây leo đu đưa. Tôi làm quen với hoang dại từ lúc còn trong bụng amí. Một đứa con trong bụng, một gùi măng nặng trĩu vai, amí trườn từng chút một từ khe sâu, vực thẳm lên tới đỉnh đèo, mang bán cho mấy đại lí làm măng khô. Amí sinh tôi ra bên bờ suối, khi vừa tìm được một bụi măng. Tự sinh ra tôi, tự tay cắt rốn, tôi chỉ khóc duy nhất một tiếng chào đời rồi im lặng chờ amí hồi sức sau cơn đau đẻ, ủ tôi trong tấm áo, tiếc nuối đổ hết gùi măng kiếm được trong ngày để đặt tôi vào đưa về nhà. Lúc làm lễ thổi linh hồn, tôi thè lưỡi liếm giọt sương chấm trên quả cà khi bà mụ đọc đến tên Đót. Loài cây mỏng manh mọc lên nơi đất đai khô cằn nhất, nơi chẳng loài cây nào thèm chọn.

Đáng nhẽ amí không cần phải vất vả như vậy. Amí từng học giỏi. Lúc mở điểm trường mầm non ở bon, người ta bảo amí ra làm cô giáo giữ trẻ. Nhưng amí không đồng ý. Sau này, khi tôi đi học, amí chưa bao giờ chạm vào cuốn sách, cây bút của tôi, chưa từng kiểm tra, hỏi han các bài tôi đã học. Cứ như thể chạm vào chúng, amí sẽ phải bỏng. Tôi chẳng tha thiết với việc học, chỉ cần nhớ được mặt chữ là đủ. Không có nhu cầu nói, tôi cũng chẳng cần phải biết tới những lời ngọt ngào, thánh thót, những lời hay như chim hót, mát như sương mai. Tôi ước gì những cánh rừng còn mãi và bàn chân mình thì nhanh khỏe, tôi sẽ vào rừng, sống giữa thảo mộc, chẳng cần phải nói gì, cứ im lặng cho đến ngày tan vào rừng vĩnh viễn. Nhưng tôi vẫn là một con người. Một con người mỗi ngày phải lớn lên, biết thêm một chút, muộn phiền kéo lưng cong xuống cho khuôn mặt cúi nhìn đất thênh thang mà ngậm ngùi.

Chị Rêu thì khác. Chị hay hát, hay cười. Giọng hát chị trong vắt, ngọt ngào, mát lành như nước đầu bon. Tiếng cười của chị lảnh lót như tiếng chim bay ngang qua thả từng giọt thánh thót rơi xuống. Tôi nghe chị hát, ngơ ngẩn ngỡ mình hóa thành con chim bay tuốt vào rừng sâu ẩn náu, chẳng còn vướng bận gì ở đây nữa. Ngong nghe chị hát, ánh mắt sáng lấp lánh như nắng rọi xuống mặt hồ nước trong. Ngong nhỏ hơn chị hai tuổi, lúc nào cũng lẽo đẽo theo sau lưng chị giống tôi. Vì giọng hát của chị, Ngong tập đánh chiêng. Tiếng chiêng của Ngong vượt ra Điêng Đung, bay qua đỉnh núi, hòa theo dòng chảy con suối đến khắp các bon. Voi nghe quên uống nước. Khỉ nghe quên phá rẫy. Chim nghe xấu hổ vùi cánh trong mây. Bao nhiêu cô gái khắp các bon gần xa muốn bắt Ngong làm chồng. Nhưng tiếng chiêng của Ngong với chị Rêu không bằng những lấp lánh của thành phố.

Bạn chị Rêu ở thành phố về, tóc nhuộm nâu, móng chân sơn đỏ. Bạn chị bảo đẹp như chị, hát hay như chị mà ở mãi xó rừng phí lắm. Như hoa lan cứ vùi mình trong núi, lăn lóc chẳng ai ngó, vậy mà đưa ra phố người ta tranh nhau mua. Đêm ngủ, chị ôm tôi, thủ thỉ. Kiếm được tiền, chị sẽ mua cho tôi chiếc đầm màu đỏ thắt nơ, đôi giày búp bê. Tôi sẽ đẹp nhất bon. Tôi định bảo em chỉ thích mặc yên, mặc váy quấn, chỉ thích để bàn chân chạm đất mát lạnh. Nhưng sợ chị buồn, tôi đã không nói.

Amí ốm một trận nặng sau hôm dầm mưa đuổi theo bóng chị, phải ăn lá rừng, uống nước rễ cây kơ nia hơn tháng mới khỏi. Đôi mắt amí trũng xuống, sâu hoắm như khe sâu. Ngong vẫn qua nhà, giúp amí những công việc nặng nhọc như lúc chị Rêu còn ở nhà. Chiều chiều, Ngong ra gốc cây kơ nia đầu bon ngóng chị. Một ngày, Ngong nhìn mặt tôi, đánh rơi bầu nước. Tôi soi gương, thấy hiện lên khuôn mặt của chị. Ngực đau như có mũi lao phóng qua.

*

*          *

Chị Rêu đi một mạch ba năm mới trở về. Tôi đã lớn, ngày càng giống chị. Ngong cũng chưa chịu để ai bắt về làm chồng. Sau lần đánh rơi bầu nước, Ngong tránh mặt. Tránh mặt hết mùa mưa, Ngong lại tới nhà giúp amí những việc nặng nhọc. Ngong nói chuyện với tôi nhưng ánh mắt lúc thì nhìn xuống đất, lúc nhìn cây, lúc nhìn vô định. Chị Rêu trở về, rực rỡ, lấp lánh, thơm phức mùi phố thị. Chị mua cho tôi chiếc váy đỏ như đã hứa nhưng tôi không còn bé để mặc nữa. Chị chẳng quan tâm lắm. Chị nhìn Ngong như người lạ, lười hỏi thăm dù chỉ một câu khách sáo. Ngong hiểu, nên những ngày chị ở nhà Ngong không sang, chỉ vu vơ hỏi lúc gặp tôi. Chị Rêu nhờ amí dạy ủ rượu cần.

Lưng amí đã còng. Nghe chị nhờ, amí lại vác gùi lên vai, vào rừng. Rừng bây giờ xa tít, amí đi có khi phải hai ba ngày mới trở về, mang theo gùi nặng toàn lá cây, vỏ cây, rễ cây. Những ché rượu cần chị Rêu mang ra thành phố. Chị bảo chị mở nhà hàng đặc sản Tây Nguyên. Ăn đặc sản Tây Nguyên thì phải uống với rượu cần. Học xong bí quyết ủ rượu của amí, chị Rêu không về nữa. Thi thoảng, chị sai người về lấy lá, lấy men mang đi. Kiếm được nguồn thay thế, người chị nhờ về cũng bặt vô âm tín.

Cho đến một ngày amí ngủ một giấc thật say trong đêm, rồi sáng ra không dậy nữa. Đêm ấy, như linh cảm được điều gì, amí vuốt tóc tôi, khe khẽ dạy tôi một bài dân ca. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi được nghe amí hát. Tiếng hát amí nhẹ nhàng như tiếng chim vỗ cánh bay qua nhà dài trong đêm khuya, tí tách như tiếng nước đầu bon nhỏ giọt trong ống lồ ô. Amí hát về đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau. Amí ôm tôi ngủ. Vòng tay amí gầy guộc mà ấm sực. Tóc amí cháy nắng khen khét, bao nhiêu nước bồ kết rừng cũng không gột đi được. Tôi nằm cạnh amí, nghĩ lại bài hát buồn, nước mắt ướt hai bên thái dương tràn xuống tóc. Amí không nhắc đến chị Rêu nhưng amí thở dài.

Ngày amí mất, tôi không thể nhắn chị về đưa tiễn. Thay vì khóc, tôi ước giá như tiếng trống bịt da trâu đực báo tin bon làng có người mất có thể vang vọng đến tận nơi chị ở, để chị nghe thấy, giật mình biết mà trở về. Tôi chẳng khóc được, may ra, chị sẽ cùng những người đàn bà trong làng khóc tiếc thương amí, cho amí bớt tủi. Ngong là người được Yang chọn. Ngong vác rìu chạy vào rừng, xin thần linh khúc cây tạc tượng nhà mồ cho amí. Tượng người đàn bà vác gùi, lưng khom xuống y hệt amí. Ngong tạc ba ngày ba đêm quên ăn quên ngủ, lôi ra từ những khúc gỗ đủ kiểu tượng đứng ngồi, tượng vui tượng buồn, tượng người già, trẻ nhỏ, tượng trai gái, tượng bào thai, muông thú. Chắc hồn amí cũng được an ủi.

Lúc sửa soạn cho amí, tôi thấy vai amí có hai đường hằn chạy song song, hõm xuống, sâu sát tận xương. Tôi xoa tay lên hai vết lằn ấy, xoa mãi, xoa mãi, mong amí bớt đau. Lúc dọn đồ đạc chia cho amí, tôi tìm thấy những cuốn sổ amí giấu. Cuốn nào cũng mục nhàu, quăn queo như ngấm nước. Tôi mang chúng ra nhà mồ, giấu kín vào một góc hệt như lúc còn sống amí đã giấu. Tôi tự nhủ, mình phải mau mau nuôi đủ dê, đủ gà, ủ đủ rượu cần để làm lễ bỏ mả, giải thoát cho amí khỏi kiếp này. Giải thoát để amí được tái sinh. Để tôi và chị Rêu, những người còn sống được giải phóng. Để những thương nhớ chấm dứt, có còn cũng mang gửi vào lõi cây kơ nia mà tiếp tục sống. Để những bức tượng Ngong tạc được nằm dãi dề với nắng mưa, hoang mục đi, tan biến vào rừng, bầy chim ác mở mắt chòng chọc ở nhà mồ không thể đậu lên vai, lên cổ kêu những tiếng đinh tai nhức óc được nữa. Mỗi ngày, mang cơm đến nhà mồ cho amí, tôi thường ngồi đến khi sương đêm ướt áo. Tôi chẳng sợ. Có tượng nhà mồ bảo vệ, có linh hồn ông bà, ama, amí quanh đây, tôi thấy đủ đầy hơn căn nhà chỉ còn lại một mình mình.

*

*          *

Tôi nhớ lại những điều chị Rêu nói trong ti vi, sợ chị đã quên, lúc qua gốc cây kơ nia, tôi nhặt những chiếc lá rụng cho vào gùi. Tôi xin một ống nước ở bến nước đầu bon mang theo. Tấm dồ đã từng ấp iu chị và tôi khen khét mùi mồ hôi. Cả chiếc yên amí tự tay dệt, tự tay may mà chị mới mặc một lần, lúc đi chị không cầm. Tôi tựa vào gốc kơ nia, thầm mong thần linh giúp tôi tìm được chị, giúp tôi đưa chị về làm lễ bỏ mả cho amí.

Rồi tôi vác gùi đi khắp các ngõ ngách của thành phố, tìm đến các nhà hàng. Trên ti vi, chị Rêu hồ hởi giới thiệu các sản phẩm của đồng bào mình. Chị chỉ vào ché rượu cần, nở nụ cười tươi lóa mắt bảo rượu cần đặc sản ngoài ủ bằng lá, bằng men bí truyền còn có sự vô tư trong sáng. Phải vô tư, trong sáng và vui vẻ mới ủ ra thứ rượu thơm ngất ngây, say đằm mà không mệt, chuếnh choáng quên hết mọi nỗi buồn. Chị Rêu có bao giờ nhìn amí ủ đâu, chị chỉ ghi công thức. Chị Rêu không bao giờ hỏi amí, nói chuyện với amí, nhìn amí dẫu chỉ một chút thôi nên đâu có biết nỗi buồn ứ đọng trong ngực amí, niềm mong mỏi của amí, sự day dứt của amí khi chị bỏ bon làng mà đi. Chị Rêu khơ chiếc cối được làm bằng gỗ kơ nia. Rượu của rừng, lá rừng phải được giã bằng chiếc cối tạc từ thứ cây biểu tượng của bon làng, lớn lên từ bon làng. Chiếc cối ấy, chị ôm đi trong lần cuối cùng trở về, sau khi đã lấy được bí quyết ủ rượu của amí. Chị bảo, chị chẳng cần ngôi nhà, chị không thiết tha những món đồ cũ kĩ chẳng mấy giá trị. Chị chỉ cần cái cối làm bằng cây kơ nia. Trên ti vi, chiếc cối đứng lạc lõng giữa khung cửa kính sáng đến lóa mắt.

Đường thành phố không nhiều dốc mà quanh co, chân tôi thấy mỏi. Những chiếc lá đã khô giòn trong gùi vẫn chưa tìm thấy chị. Tôi định bỏ cuộc. Nhưng chị không về dự lễ bỏ mả amí, tôi sợ sau này chị cứ sống với day dứt, không thể giải thoát được mình.

Nắng nóng, bụi bặm, cơn đói và cái khát giày vò khiến tôi kiệt quệ. Người đi trên đường ném vào tôi cái nhìn lạ lẫm, ái ngại và tò mò. Nắng trưa hắt vào cửa kính dội ngược ra lấp lóa chói mắt. Một bức tượng sau cửa kính khiến tôi giật mình. Mặc dòng xe hối hả xuôi ngược, tôi lao qua đường. Chưa kịp đến gần, tôi đã bị túm tóc lôi ngược lại. Những tiếng gào tục tĩu. Những lời nói ngoa ngoắt. Những cú tát, cú đấm khiến tôi tối tăm mặt mũi. Lời nói xoe xóe trộn với tiếng xe cộ khiến ý nghĩ của tôi không theo kịp. Tấm dồ rơi ra, nhàu nát dưới gót giày dẫm xéo. Chiếc yên bị cắt thành từng mảnh rơi tung tóe. Những chiếc lá khô vỡ nát bị cuốn xuống lòng đường. Lưỡi kéo vung lên xoèn xoẹt. Tôi ngất đi. Bức tượng người đàn bà còng lưng đeo gùi đưa ánh mắt xót xa bất lực qua cửa kính sáng loáng. Khuôn mặt của amí cúi xuống kề sát khuôn mặt tôi. Amí khóc.

Tôi trở về làng. Chiếc gùi đã mất. Tôi chẳng còn gì làm tin để gặp chị Rêu, kêu chị về làm lễ bỏ mả cho amí. Người đàn bà đánh ghen nhận nhầm tôi đã xin lỗi, chi trả tiền thuốc men và bồi thường một món tiền kha khá để tôi không kiện. Tôi chỉ lấy đủ tiền nằm viện. Dê, gà tôi đã nuôi đủ, rượu cần tôi đã ủ sẵn, tôi không cần những đồng tiền ấy làm gì. Tôi biết bà nhầm tôi với ai. Tôi trả lại những năm tháng được địu trên lưng, được ôm trong ngực. Tôi trả lại những lời hát ru, những đêm kể chuyện. Trả lại chiếc váy đỏ rực như cánh hoa rừng.

Ngong đợi tôi bên gốc cây kơ nia. Một người một cây cô độc trong nắng chiều hắt lên tạo thành âm bản đen thẫm ngược ánh sáng mặt trời. Nước mắt thấm vào vết sẹo trên má không xót mà sao khi bàn tay Ngong run run chạm lên, tôi giật mình như phải bỏng. Ngong nhìn mái tóc xơ xác của tôi, sương trong mắt như tan loãng, rơi thành giọt lộp bộp. Ngong không hỏi tôi có tìm thấy chị Rêu không, tôi cũng không nói những điều xảy ra với mình. Tôi ngồi dưới bóng kơ nia, ngước nhìn vòm lá tím thẫm. Người già bảo, than kơ nia tốt nhất trong các loại cây đốt lấy than. Chắc tại kơ nia luôn đứng một mình, nhận hết nắng mưa, giấu bao tâm sự, bao thương nhớ, gió sương hay khát cháy vẫn gồng mình lên mà sống. Tôi tìm lời an ủi từ lớp vỏ cây ram ráp, nhắm mắt ngủ, mơ mình hóa chiếc lá non mềm tím thẫm, sầu như chiều loang…

Cuối cùng, bằng cách nào đó, chị Rêu về đúng đêm làm lễ bỏ mả cho amí. Chị đặt lại bức tượng người đàn bà mang gùi. Chị cúi mặt, uống rượu cần như muốn quên đi mọi thứ. Chị hòa vào vòng tròn múa xoang. Chị cố hết sức để buổi tiễn đưa amí được trọn vẹn. Trong phút chốc, tôi thấy chị như trở về làm cô sơn nữ hay hát, hay cười của ngày xưa. Những khúc ca được ngân lên, sâu thẳm, tiếng đing pút, đing năm theo ngọn khói trắng bay lên mông lung cao vời tiễn đưa linh hồn một lần sau cuối. Tiếng chiêng của Ngong ngân khắp các đỉnh núi, trải khắp các con đèo.Tiếng chiêng đưa tiễn những ngày đã xa xôi không thể trở lại. Tôi thấy những bức tượng nhà mồ đứng dậy, rùng rùng kéo nhau đi.

Amí trở về trong nhịp chiêng, trong tiếng ca thê thiết, vuốt tóc chị Rêu, vuốt tóc tôi, vẫy tay chào bóng kơ nia cao lớn in thẫm trên nền trời đêm rồi tan biến vào hư vô. Lưng amí thẳng, mắt amí sáng, nụ cười trên môi amí tươi thắm như ánh nắng mai.

Chị Rêu bưng mặt khóc.

Lạ lùng thay, những giọt nước mắt ứa ra kẽ tay, rơi xuống chưa kịp chạm đất đã vụt sáng bay lên như tàn lửa.

Đ.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)