Khi chúng tôi mười tám

Thứ Sáu, 06/09/2024 08:01

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

- Bố! Điện thoại réo điếc tai thế mà bố không nghe à?

Tôi cầm điện thoại từ tay con, hỏi:

- Gì thế? Ai gọi thế con?

- Dạ, số lạ. Có khi số lừa đảo.

Nghe con nói vậy, tôi hờ hững để mặc hết chuông báo. Một chút, số ấy lại gọi tiếp. Tiếng chuông giục giã lắm. Số lừa đảo không có tiếng chuông như thế. Linh cảm nhắc tôi đây là cuộc gọi quan trọng. Tôi bấm phím trả lời. Chưa kịp a lô thì tiếng trong điện thoại đã gắt gỏng quát:

- Sao em gọi không nghe?

- Hả? Ai gọi đấy?

- Em đây! Không nhận ra à?

- Ai hỏi việc gì đấy?

Tiếng trong điện thoại quát to:

- Vẫn điếc thế! Không nhận ra nhau à?

- Có nhìn thấy mặt đâu mà nhận ra. - Tôi ngập ngừng trả lời.

Minh hoạ: Thành Chương

Đầu dây đằng kia vẫn giọng hồ hởi:

- Không nhận ra hay không nghe thấy. Nghe nhé - Hắn không trả lời thắc mắc của tôi mà hắng giọng hát: “Anh… người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu/ Anh… người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu…”

Tôi reo lên:

- Quỳnh, lính Vĩnh Phú, chắc chắn là mày!

Quỳnh, chiến sĩ cùng trung đội với tôi gần bốn mươi năm trước. Được ra quân ai cũng vội, không có không khí bin rịn, rồi lấy địa chỉ của nhau. Thoát khỏi chiến trận là may lắm rồi, ai cũng vội về. Nhưng tỉnh thì nhớ. Vì trong quân ngũ đồng hương cùng tỉnh hay đi với nhau. Mỗi khi có dịp tới Phú Thọ, Vĩnh Phúc hay những dịp hội quân của cựu chiến binh năm ấy là tôi dò tìm. Không thấy tăm của hắn sủi chỗ nào. Vậy mà hôm nay bất ngờ hiện ra. Tôi mừng rơi nước mắt.

Tôi đã nhiều lần chăm chú nghe những ca sĩ nổi tiếng thể hiện bài hát “Mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhưng chưa thấy ai hát hay hơn, xúc động hơn Quỳnh.

Ngày ấy, sau một tháng điều trị tại quân y viện tôi thấy mình đã dễ thở hơn, trong đầu không còn tiếng u u như gió thổi. Còn Quỳnh, hai chân bị cắt tới gần đầu gối, vết chỉ khâu đã khô miệng, không còn cắn răng, cố nén những cơn đau hành hạ. Quỳnh nói: “Nằm mãi ê người, cho em ra ngoài một tí.” Tôi gắng sức bế Quỳnh lên xe lăn. Người Quỳnh bé như đứa trẻ, nhẹ bẫng, khiến lồng ngực tôi như bị nhồi chặt cứng, nhói đau. Tôi ôm ngực thở dốc.

Chiều muộn, hành lang của quân y viện vắng lặng, cảm giác sâu hun hút. Hơi núi xộc ra ngai ngái, lạnh. Mùi thuốc sát trùng cay cay. Tiếng ho, tiếng rên đau đớn của thương binh cũng lặng xuống, lẻ loi. Núi dựng đứng như bức tường thành, sẫm đen. Tiếng pháo từ đường biên vọng về qua dãy núi chỉ còn nghe ục uỳnh như mắc nghẹn. Quỳnh ngước nhìn lên đỉnh, mắt sâu hoắm. Đôi chân cụt động đậy. Ánh mắt Quỳnh liếc nhanh xuống, chạm phải đôi chân của mình, chợt vời vợi nỗi buồn. Có phải Quỳnh đang nhớ lại trận tấn công lần trước cách chưa lâu, núi còn cao hơn, dốc còn dựng ngược hơn ngọn núi kia, lúc có lệnh xung phong, đôi chân ấy vẫn còn chạy băng băng lên phía trước?

Tôi đồng cảm, nhìn đôi chân của Quỳnh, nhớ lần đầu mình hành quân vào chốt. Nhìn đỉnh 812 cao ngút trời mà nản. Nhưng còn nản hơn, không thấy đâu là đỉnh khi nhìn theo tay đại đội trưởng chỉ sang đỉnh 2000 mờ mịt mây phủ. Con đường tăng chạy qua 812 mảnh như sợi tơ giăng ngang trời. Đi mãi mà vẫn chỉ thấy “sợi tơ” ấy phất phơ. Không thể đi nổi, tôi phải bò. Đơn vị lên tới lâu rồi, trước sau tôi chắc không còn ai, chỉ mình mình trên dốc núi cheo leo. Tôi cố đứng lên đi tiếp. Nhưng các đường gân, khối cơ ở hai chân bị con dốc vặn nhão ra, nhồn nhột buồn khiến tôi quỵ xuống. Lại phải bò. Mệt, tôi nằm vật ra thở. Cánh mũi nóng hổi. Ai đó đang tháo súng, quân tư trang ra khỏi người, tôi cũng mặc kệ, không muốn mở mắt. Có mở cũng không nhìn được vì mồ hôi cùng cái mệt phủ mờ mắt. Đưa tay lên dụi cũng thấy khó nhọc. “Ở dưới tập luyện thế mà vẫn chưa quen leo núi à”. Là Quỳnh. Rồi Quỳnh bóp chân cho tôi. Dễ chịu, tôi ngồi dậy. Quỳnh dìu tôi đứng dậy, mang súng cùng quân tư trang của tôi rồi cùng nhau leo tiếp. Lên tới “sợi tơ mành” cũng là nơi tập kết, tôi ngồi vật ra thở. Cơn sốt đầu đời của người lính biên giới ập đến với tôi.

Tôi nhớ những ngày cùng Quỳnh vác bê tông làm công sự. Thanh “kẹo lạc” bảy mươi cân đè trên vai, phải vượt Cổng Trời, dốc Cài Hàm, thác Âm Phủ, cũng chẳng là gì với đôi chân người lính. Là người lính nói chung thôi, chứ như tôi, Quỳnh luôn cằn nhằn: “Đúng là trai phố, nhìn to con mà bấy như cua lột, lần này không hộ nữa đâu”. Nói vậy thôi, Quỳnh “trả hàng” xong lại quay xuống đón tôi. Người Quỳnh nhỏ nhưng cơ bắp bện săn như sợi thừng.

Quỳnh nhìn đôi chân, ánh mắt bất lực. Lên được ngọn núi kia bây giờ sẽ là một câu chuyện viễn tưởng với Quỳnh. Tôi âm thầm nuốt nước mắt thương đồng đội, an ủi: “Chiến tranh mà.”

Quỳnh không để ý tới tôi và bắt đầu hát: Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết/ Một mai chiến thắng trở về/ Đôi vai gầy và đôi mắt sâu…”Giọng của Quỳnh trầm, buồn, âm như rút từ trong bụng ra…

- Bố, nói chuyện xong chưa?

- …

- Con thấy hai bên có nói chuyện gì đâu. Cứ ngồi thừ ra thế, chết tiền điện thoại à! - Không thấy trả lời, con tôi ghé sát tai tôi nói to.

- Có, bố vẫn đang nghe…

Nhưng Quỳnh nói gì nhỉ? Tại tôi xúc động quá nên quên chứ không phải không nghe thấy Quỳnh nói. Tôi lúng túng hỏi:

- Khỏe không?

- Anh không nghe em hỏi à. Về hưu chưa?

Nghe thấy hắn hỏi rồi. Về hưu à. Tôi muốn trả lời, tao có được nghỉ hưu đâu, nhưng sợ hắn trách.

Lần ấy, trong chiếc hầm bê tông chật chội nóng nức, Quỳnh tỏ ra bức xúc: “Em hát nhé. Đứng thì không thẳng lưng, đi thì được ba bước chân đã phải quay lại, nằm thì thằng nọ dính vào thằng kia, khó chịu lắm, hát để xả hơi”. Tôi nói: “Mày hát để cho chúng nó táng một quả DK vào đây thì đi tàu suốt, lúc ấy có muốn bức xúc cũng không được. Ra gác thay thằng Sơn để phóng tầm mắt cho thoải mái”. Quỳnh vui vẻ trở lại, hớn hở hỏi tôi: “Trước khi đi bộ đội anh là thủy thủ viễn dương phải không?” “Không, chỉ là thủy thủ tầu lai dắt ở cảng thôi.” “Thế thì khi ra quân anh nhất định phải làm thủy thủ, lúc nào em xuống cho em đi một chuyến để biết thế nào là du dương cùng sóng nước mênh mông. Nhớ đấy!” Tôi mạnh mồm tuyên bố: “Tao cho ra tận phao số không để mày biết thế nào là say sóng. Lúc ấy tao sẽ dìu mày giống như mày dìu tao lần đầu lên 812.”

Bây giờ mà hắn xuống thì tôi không thể giữ lời hứa được rồi.

Ra quân, tôi được trở về với công việc cũ. Nhưng công việc đâu có được du dương cùng sông nước mênh mông. Gồng người kéo dây neo dưới nắng gắt khiến tần suất của những cơn khó thở sau ngày bị sức ép của quả đạn DKZ quay trở lại nhiều hơn. Tôi dựa lưng vào cột bích há mồm thở dốc. Những làn gió đùa với những con sóng lăn tăn trên mặt sông nhưng lại không hề giỡn với tôi. Cơn sốt rét rừng quật cơ thể từng chập khiến tôi run muốn sập giường tầng. Gió luồn vào ca bin buốt như kim châm. Tôi quyết định rời xa sông nước sau lần lai dắt chiếc tầu ba vạn tấn lần đầu cập cảng. Tôi trực mỏ móc dây kéo. Có lệnh tháo dây mà tôi không nghe thấy, vẫn lơ ngơ nhìn con tầu khổng lồ đang quay đầu chắn ngang dòng sông. Bỗng dưng một bóng người vụt ngang qua tôi. Phựt! Dây neo bung ra, đồng nghiệp ngã nhào xuống boong, mặt nhuốm máu. Tôi ân hận. Có tiếng trách, là thương binh sao không xin lên bờ mà làm, cứ thế này tai nạn chết người như bỡn.

Ngày trước mỗi lần thấy đồng đội hi sinh tôi quặn lòng, giờ trong công việc mà có đồng nghiệp nguy hiểm tới tính mạng không biết tâm trạng tôi sẽ ra sao. Vợ tôi khuyên, hay mình “chạy” một công việc gì trên bờ. Rồi vợ tôi lại băn khoăn, lên bờ làm công việc gì đây khi chuyên môn anh không có, làm bảo vệ thì lúc thính lúc điếc thế, để cho trộm khuân cả xí nghiệp cũng không biết, bán nhà đi mà đền. Từ “chạy chọt” không quen với tôi, vậy là đành phải xin nghỉ chế độ.

Chiếc xe ba bánh của đồng ngũ xịch trước cửa. Ấm trà đúng chất trà chốt ngày xưa được đồng ngũ trên Hà Giang gửi xuống đã nhạt. Tôi định đọc cho Quỳnh mấy câu: Kiềng ba chân thì vững/ Xe ba bánh chông chênh/ Chuyến hàng nặng chung chiêng trên phố/ Người thương binh dừng nghỉ, tựa lưng vào quán cóc/ Ngụm trà quánh bụi đường/ Khói thuốc lào xõa trắng cơn say. Và bảo nghề của tao bây giờ là thế, nhưng lại khẩn cầu:

- Mày hát lại bài “Mùa xuân” cho tao nghe đi!

- Anh dở người à. Nói chuyện không nói, cứ đòi nghe hát.

Tôi lặng người. Những ngày trong quân y viện tôi đã từng lặng người lắng nghe Quỳnh hát. Có tiếng bìm bịp ẩn khuất trong các vòm lá. Phải rồi, tiếng hát của Quỳnh như tiếng chim bìm bịp kêu chiều. Tiếng bìm bịp khắc khoải, hi vọng. “Ôi ngày ấy sẽ đến, sẽ đến/ Anh sẽ về sẽ về phải không anh?” Quỳnh cố nén câu cuối này vào thật sâu trong ngực mình. Tôi nghe đến mê man đến khi Quỳnh vỗ vai tôi mới giật mình khen: “Hát hay thế, nghe lịm người.” Quỳnh cười, cái miệng nhệch ghé sát vào tai tôi nói to: “Điếc đặc có nghe thấy gì đâu mà giả bộ.” Tôi chống chế: “Nghe thấy mà, khi nãy mày nói nhỏ bảo tao cho ra ngoài, tao vẫn nghe thấy.” Quỳnh cười: “Đúng là điếc còn giả ngây, khi nãy nói nhẹ không thấy anh trả lời, bực mình em phải hét váng lên. Anh nghe thấy phòng bên chúng nó chửi không? Không chứ gì. Đồ điếc.” Không, tôi có thể điếc, nhưng quả thực là khi Quỳnh hát tôi vẫn nghe được. Và rồi, cả một tuần trước khi tôi được xuất viện, chiều nào cũng được nghe Quỳnh hát bài này, lần nào tôi cũng lịm người, miên man chìm vào từng lời hát…

- Sao anh không nói gì thế? - Tiếng Quỳnh hối thúc. Tôi ú ớ một hồi rồi trả lời chả ăn nhập gì với câu hỏi:

- Sao mày có số của tao?

- Nói sau. Không gặp được nhau nhưng liên lạc đã thông, nhớ giữ thường xuyên đấy.

- Mày sợ đứt liên lạc hả?

Hắn nói tiếp câu gì đó, giọng nghẹn ngào, tôi nghe không rõ. Gương mặt Quỳnh những ngày chiến đấu cùng nhau hiện lên chập chờn…

Hầm chỉ huy trung đội bị sập. Tôi với Quỳnh ngoài công sự chạy lại, bới móc mãi chỉ moi được máy thông tin hữu tuyến. Nó vẫn còn nguyên vẹn nhưng quay maniven nhẹ bẫng, không có tín hiệu trong tổ hợp. Có lẽ dây bị đứt. Hai chiến sĩ thông tin không tìm thấy đâu. Chắc bị vùi sâu trong hầm. Còn tôi và Quỳnh chỉ là bộ binh. Bọn địch đang tràn lên, nhìn thấy rõ cả phù hiệu trên mũ sắt. Tôi bò lên mom đá phía trên quan sát trận địa. Có vài loạt AK bắn đứt đoạn phía tiểu đội 1. Những đường đạn chỉ vu vơ. Phía ấy chúng nó chắc cũng thương vong hết rồi. Hướng phòng ngự của trung đội tôi đã mất sức chiến đấu. Tôi nhìn rõ một nhóm địch kê khẩu DKZ hướng nòng về phía mình. Một khẩu cối sáu của chúng cũng áp sát trận địa của tiểu đội 2. Phía ấy không còn tiếng súng của anh em bắn trả. Biết là nằm trên mom đá cao này thuận lợi về quan sát và dễ tiếp cận mục tiêu nhưng cũng rất nguy hiểm vì nằm đúng góc tà của khẩu DKZ, nhưng nhìn khẩu cối sáu của chúng bắt đầu thi nhau thả đạn, tiếng đầu nòng phành phành rồi khẩu súng nảy lên như nhẩy cẫng reo mừng thúc bách tôi lao xuống công sự nhặt khẩu B41, ôm theo mấy quả đạn leo lên. Tôi nhằm khẩu cối bắn liền hai quả, khói bụi phía ấy bốc lên mù mịt, không biết có trúng mục tiêu hay không. Tôi lắp đạn, nhằm khẩu DKZ. Nhưng chưa kịp bóp cò thì một quầng lửa chói lòa trùm lên, tôi thấy mình bị hất tung, tai ù đặc, chống chếnh như say sóng. Tôi căng mắt nhìn xem có thể bám vào gì đó để đứng dậy nhưng chỉ thấy màu vàng khè bít chặt.

Minh hoạ: Thành Chương

Có bàn tay bám vào vai tôi lay mạnh, tôi quờ tay túm lấy để ngồi dậy. Tôi hỏi, ngực nhói buốt: “Quỳnh hả? Tao không nhìn thấy gì”. Quỳnh day mắt tôi. Cũng lạ, Quỳnh day mấy cái tôi nhìn lại được nhưng tai vẫn bị nút chặt, ù ù. Thấy trận địa ắng lặng, tôi hỏi: “Chúng rút rồi à?” Quỳnh ghé sát vào tai tôi quát: “12ly7 bắn chặn rồi. Chúng nó lên đông lắm.” Tiếng Quỳnh thổi vào tai khiến tôi thấy lọc xọc như có sỏi vụn lăn trong đầu. Quỳnh lại ghé sát vào tai tôi quát: “Chắc là đứt dây thông tin, em đi nối lại. Khi nào thông anh gọi pháo.” (Sau này tôi mới biết Quỳnh nói thế chứ lúc ấy tôi có nghe thấy gì đâu). Tôi nhỏm dậy, nghi ngờ: “Mày rút đấy à!” Biết tôi không nghe thấy, Quỳnh lôi máy thông tin ấn vào lòng tôi, quát: “Em đi nối dây!” rồi làm động tác để tôi hiểu ý định của Quỳnh, sau đó xách khẩu AK chạy đi. Tôi gọi theo: “Mày biết đường dây không?”

Tôi nhìn lên khẩu đội 12ly7 ở sườn núi bên. Những chớp lửa nhấp nháy khiến tôi yên tâm. Trên ấy chi viện kịp thời. Có tiếng phành phành của khẩu cối sáu khi nãy phía tiểu đội 2. Khói bụi tung lên quanh hầm khẩu 12ly7. Thoáng nhìn thấy mấy bóng người lao xuống hào, chỉ cách tôi khoảng ba chục mét. Những đường đạn nã về phía tôi. Tôi hướng khẩu AK về phía địch bắn chặn. Bọn chúng không dám tiến thêm.

Tôi quay maniven. Thấy nặng. Tổ hợp cọt kẹt, ù ù như mở cánh cửa tre. Tôi liên tục gào vào tổ hợp: “401- 402!” (Mật mã của trận địa do tôi chỉ huy phòng ngự. Chỉ tôi và hai lính thông tin biết mật mã này). Chắc đầu dây sở chỉ huy tiểu đoàn đã nghe được. Những tiếng đầu nòng pình pình phía sau trận địa đã dậy lên. Những quầng đỏ nhoáng nhoàng trùm lên trận địa phòng ngự. Tiếng nổ đinh tai. Tôi nằm bẹp xuống đường hào.

Điều đầu tiên tri giác tôi nhận biết trở lại đó là thấy mình đang được cõng trên lưng. Tiếng thở của người cõng nặng nhọc, thỉnh thoảng lại hực lên để xốc lại tôi. Tôi tỉnh lại hẳn, hỏi: “Tao bị sao? Sao không cáng?” Có tiếng trả lời: “Anh bị vùi, bới mãi mới moi được. Hết võng rồi, chờ vận tải lên thì anh ngỏm.” Tôi hỏi: “Thằng Quỳnh đâu?” “Cho xuống rồi. Chắc mảnh pháo phang què. Đừng hỏi nữa, nói nhiều không thở được.” Tội nghiệp chúng nó, tôi bảo: “Tao tỉnh rồi, dìu tao đi.” Hai đứa xốc nách hai bên nhưng đôi chân có phải của tôi nữa đâu. Cảm giác chân mình nhồn nhột trong xương, nhũn nhẽo không đỡ nổi tấm thân. Chúng nó bực, quát: “Đi thế này còn khổ hơn cõng.” Không biết đi được bao xa, chúng tôi mới gặp nhóm vận tải mang võng lên.

Tôi nằm quân y viện hơn một tháng rồi trở lại đơn vị. Còn Quỳnh, được ra quân sau khi an dưỡng ổn định sức khỏe. Lúc này tôi mới biết cõng tôi xuống là đại đội khác lên chi viện…

Tôi lắc lắc đầu trở lại thực tại, nghẹn ngào nói qua điện thoại với Quỳnh:

- Lần nào lên Vị Xuyên hay có dịp hội quân là tao dò hỏi, không ai biết mày ở đâu. Có bốn thằng cõng tao xuống mới tìm được một. Không biết những thằng kia thế nào.

- Đi hội đoàn đông người em không thích. Em đi xe máy. Từ nhà em lên Vị Xuyên tiện lắm. Một mình ngồi ở ngã ba Cửa Tử ngắm suối Thanh Thủy, ngắm sông Lô, thế mới sướng.

Tôi ngạc nhiên:

- Mày mất hai chân mà vẫn đi xe máy?

- Chân giả lại hay anh ạ. Giẫm lửa không sợ, nhất là em làm nghề cốp pha xây dựng, chấp các loại đinh. Mỗi tháng nhà nước cho hơn ba triệu, ở miền rừng này chi tiêu tiết kiệm cũng đủ để đi tìm đồng đội.

Hắn cười hâng hấc, vô tư.

Nước mắt tôi còn nhòe nhoẹt trên mặt thì vợ đi làm về. Con tôi nói với mẹ nó:

- Bố làm sao ấy.

Vợ tôi nguýt:

- Nói chuyện qua điện thoại mà cả xóm nghe thấy. Tai điếc dở, có khi nói chuyện một mình. Ai mà không biết bố mày là lính Vị Xuyên mà cứ phải khoe. Năm nào cũng lên trên ấy mà không thấy chán.

Con tôi nài nỉ với mẹ nó:

- Mẹ, cho con tiền đi, tiền học phí chứ có phải con tiêu gì đâu. Hạn cuối ngày mai rồi, giấy báo của trường đây này.

Nhìn con trai tôi phụng phịu thế kia tôi đoán ra rồi. Nó năm nay mười tám, sinh viên năm nhất. Những khi phải chi tiền là vợ tôi nhăn nhó, mặc dù lúc nào cũng khoe con mình học giỏi, được tuyển thẳng vào trường đại học danh giá.

Tôi buông điện thoại, bật lên tiếng nói trong vô thức:

- Ngày xưa, khi chúng tôi mười tám…

Tôi bỗng nhận ra điều mình không nên so sánh. Tiếng a lô của Quỳnh hỏi dồn, tôi đưa điện thoại lên nghe tiếp:

- A lô! Tai anh càng điếc nặng hơn à, sao không trả lời em? A lô! Có số rồi nhớ nhắn địa chỉ nhá, hôm nào em xuống tìm anh.

- Xuống với anh đi! Anh sẽ đưa chú đi chơi.

Tôi tắt máy nhìn ra ngoài.

Phía cuối đường thêm chiếc xe cậm cạch

Cũng lẻ bánh, đỡ bóng đổ người thương binh ngồi lệch

Cuốn theo khói bụi phố phường…

Nước mắt tôi tràn ra. “Tóc đã điểm bạc, làn da mang màu sương gió…/ Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa…” Tiếng hát của Quỳnh lại vọng về trong tâm tưởng. Trận đánh ấy, Quỳnh mới mười tám, còn tôi hăm hai. Năm nay nó năm nhăm, không biết có thay đổi nhiều không, có còn gầy nhỏm như ngày xưa không.

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)