Những ngày tháng không quên

Thứ Hai, 02/09/2024 00:15

. HỒ ĐẮC THẠNH


Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Việt Nam kí ngày 22/7/1954, quân đội Pháp tạm thời đóng quân từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam.

Ngày 16/8/1954 tiểu đoàn tôi hành quân tập kết. Chúng tôi đi ra tỉnh Bình Định, lúc đó còn là vùng của ta quản lí theo đường La Hai - Xuân Lãnh - Vân Canh, đi qua các trận địa còn nóng bỏng lửa đạn chiến tranh, nơi diễn ra những trận đánh mà sau này cuốn sách Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Phú Yên được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên in ấn phát hành. Tôi nhìn lại quê hương Phú Yên khuất sau những đồi núi, những cánh đồng, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 đều ngậm ngùi xúc động nước mắt tuôn trào khi nghĩ đến ngày mai đây nhân dân, đồng bào sẽ sống trong sự áp bức kìm kẹp của quân giặc.

Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hoá đang được xây dựng. Ảnh: Đức Đạt

Sáng ngày 2/9/1954, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức kỉ niệm ngày Quốc khánh tại Gò Đại huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Đây là lần đầu tiên những người lính Phú Yên, Tiểu đoàn 375 trong đội ngũ chỉnh tề, đi chưa đều nhưng các bước chân rầm rập nghe nôn nao cả lòng. Phút uy nghi khi tiến qua lễ đài ngước chào chỉ huy, lòng chúng tôi phơi phới tự hào. Tôi hiểu sự hùng mạnh, sự hiện đại phía trước của đội ngũ mà tôi là chiến sĩ.

Sau lễ Quốc khánh chúng tôi phấn khởi đón nhận quyết định của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập Sư đoàn 324 gồm ba Trung đoàn 803, 90 và 96. Tôi là Tiểu đội trưởng Trung đội 1 Đại đội 3 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 90 cấp tốc hành quân về đóng quân ở thôn Thượng Sơn huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định làm nhiệm vụ bảo vệ khu li cách 300 ngày (Quy Nhơn là nơi tập trung của toàn bộ lực lượng vũ trang Khu 5, cán bộ dân chính đảng các tỉnh xuống tàu tập kết ra miền Bắc).

Tiểu đoàn chúng tôi từng ngày, từng tháng rút quân theo đường 19 về phía cảng Quy Nhơn. Chúng tôi rút đi, quân Pháp tiếp nhận dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế cho đến ngày 14/05/1954 thì về đến Quy Nhơn. Những ngày chờ đợi xuống tàu, đơn vị chúng tôi triển khai một đợt dân vận bằng công trình đắp đê ở huyện Tuy Phước.

Ngày 16/05/1954 đến lượt đơn vị tôi xuống tàu qua những chuyến ca nô trung chuyển. Phút tiễn đưa biết bao tình cảm lưu luyến. Nhân dân đứng chật bến cảng, những bàn tay những chiếc nón vẫy gọi trìu mến. Nhiều người dân giơ hai ngón tay thể hiện sự cam kết quyết tâm gặp nhau sau 2 năm tiến hành tổng tuyển cử. Chiếc tàu của Ba Lan là chuyến tàu cuối cùng chở bộ đội và cán bộ Khu 5 tập kết ra miền Bắc. Ngày 17/05/1954 tàu nhổ neo hướng về miền Bắc. Tiếng hát át tiếng sóng vỗ vào mạn tàu say sưa hào hùng bay theo gió như lời nhắn nhủ gửi lại miền Nam yêu quý.

Ngày 19/05/1954 (ngày sinh nhật lần thứ 35 của Bác) chúng tôi rời tàu lên bến Sầm Sơn - Thanh Hóa. Một rừng cờ đỏ sao vàng, một rừng người vẫy tay đón chào những người con phương Nam ra đất Bắc làm ấm lòng chúng tôi ngay phút ban đầu xa quê lòng ngổn ngang bao điều day dứt.

Tháng 08/2018, Tàu HQ-671 được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện nay được trưng bày tại bảo tàng Hải quân. Ảnh: TL

Sau phút gặp gỡ, đơn vị chúng tôi về đóng quân ở thị trấn Còng huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa. Ổn định nơi ăn ở, chúng tôi bắt đầu học tập “Cải cách ruộng đất” theo nhịp độ của địa phương. Từng ngày chứng kiến đời sống người dân còn quá nhiều khó khăn thiếu thốn, chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy Chỉ huy Trung đoàn giảm gạo ăn hằng ngày giúp dân vượt qua cơn đói. Vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán… từng bước chúng tôi hòa nhập. Tình cảm anh bộ đội miền Nam trong lòng nhân dân miền Bắc càng đậm đà tình nghĩa.

Ở đây có một nhà thờ lớn - nhà thờ Ba Làng. Chúng tôi thay Sư đoàn 305 làm nhiệm vụ vận động thuyết phục để đồng bào công giáo ở đây không nghe theo bọn xấu xuống tàu di cư vào Nam với luận điệu “Chúa đã vào Nam, giáo dân hãy đi cùng Chúa”. Trừ một số súng đạn để lại canh gác doanh trại, tất cả đều đưa vào kho. Vào vùng công giáo tuyên truyền vận động bằng hai bàn tay không. Tuyệt đối không được dùng vũ lực. Nhiều cán bộ chiến sĩ bị trọng thương khi gặp bọn côn đồ hành hung vẫn tay không đánh trả.

Kết thúc nhiệm vụ, năm 1957 đơn vị chúng tôi về đóng quân ở Thanh Chương, Đô Lương, Nghệ An. Mĩ - Diệm phá hoại không thi hành hiệp định Genève, không chịu hiệp thương tổng tuyển cử vào năm 1959 mà còn lê máy chém đi khắp nơi đàn áp nhân dân đưa dân vào các ấp chiến lược, nỗi hờn căm dâng lên tột đỉnh.

Để xây dựng Quân đội tiến lên chính quy hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngoài việc huấn luyện rèn luyện kĩ chiến thuật… thì công tác bảo đảm vật chất hậu cần rất quan trọng. Chúng tôi bắt đầu làm quen với việc lên rừng lấy gỗ về cưa, đào đất nung gạch ngói, đào móng xây dựng doanh trại để nhanh chóng ra khỏi nhà dân. Những tháng năm ở Nghệ An phải thích nghi với những đợt nắng nóng của gió Lào, trời lạnh cắt da, cá chết trên đồng ruộng, phải ra thao trường tập vượt sông vượt suối vượt đồng ruộng với quyết tâm trở về Nam chiến đấu.

Những ngày trên đất Bắc là quãng thời gian sống với tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam”, đau lòng khi nghe tin địch đàn áp dã man làm chết nhiều người dân và vui mừng phấn khởi khi đón tin nhiều tỉnh thành nhân dân đã vùng lên phá ấp chiến lược trở về làng cũ. Năm 1957, cả Sư đoàn tôi được đón Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nam Đàn xứ Nghệ. Tôi như uống từng lời Bác dạy “Các chú là bộ đội miền Nam, Bác biết các chú rất nôn nóng trở về quê hương chiến đấu, hãy chờ đợi, sắp tới rồi”.

Cuối 12/1958 khi tôi đang học lớp cán bộ trung đội thì được lệnh điều về Quân chủng Hải quân cùng với 5 đồng chí nữa. Về Hải quân là về với biển, môi trường nơi mình sinh ra mà người cha là một lão sư bạn ghe bầu xuôi ngược Nam - Bắc. Ngày đó, thường khi uống một vài chung rượu, nằm trên bộ phản gỗ ông ngâm vịnh Các Lái - những câu ca của người lái ghe bầu để nhận biết các vùng miền của đất nước khi đi trên biển:

….

Gác ra khỏi mũi Sa Huỳnh

Kìa là bầu Tú, Tam Quan nhiều dừa

Gặp nhau thề thốt buổi xưa

Nam thanh nữ tú cho vừa con ngươi

Gặp nhau chưa hỏi đã cười

Kìa là An Dũ, do nơi nhiều nghề

Cửa Giã có án ở ngoài

Các Lái lên xuống kêu hòn Lao Xanh

Vũng Mú trông theo ngoài gành

Cù Mông Vũng Trích ăn quanh Gành Bà

Về Hải quân, nhất là khi về Đoàn 759 (Đoàn 125 HQ) những câu Các Lái mà cha thường ngâm nga khi nằm bên tôi sau một vài chung rượu đã theo tôi bên tay lái chỉ huy nhiều chuyến tàu không số đưa hàng vào đúng bến giao hàng.

Tôi về Hải quân sau 3 năm thành lập (7/5/1955) với cái tên Cục Phòng thủ bờ biển, tọa lạc tại tòa nhà do Hải quân Pháp xây dựng nằm bên bờ sông Cấm gần nhà máy xi măng Hải Phòng, lực lượng gồm 2 thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, vài chiếc tàu chở quân đổ bộ (gọi là tàu há mồm) do Pháp để lại và 3 tàu rà phá thủy lôi cũ kĩ do Trung Quốc giúp làm nhiệm vụ tuần tra ven biển vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Từ bộ binh chuyển sang, chúng tôi rất thành thục những động tác cơ bản của một người lính như: nghiêm, nghỉ, chào, đi đều, đi nghiêm, bắn súng bài 1, bài 2 nên khi phân vào học các ngành hàng hải, súng pháo, cơ điện, thông tin báo vụ dưới tàu, tôi tiếp thu dễ dàng và được phân công tuyển sinh và huấn luyện tân binh trước khi làm lính Hải quân. Sau đó, tôi được biên chế vào khung đi Quảng Châu (Trung Quốc) nhận 12 tàu tuần tiễu loại 79 tấn về nước. Khi ấy, phân đội tôi đóng quân ở cảng Sông Gianh - Quảng Bình. Sau khi ổn định và đi vào hoạt động, tôi được gọi về Trường sĩ quan Hải quân ở Quảng Yên - Quảng Ninh để đào tạo nghiệp vụ. Tôi học Khoa Chỉ huy tổng hợp các loại tàu: tuần tiễu, săn ngầm, tên lửa, phóng lôi…, nhưng khi tốt nghiệp ra trường lại bén duyên với tàu vận tải chiến lược quân sự làm nhiệm vụ vận chuyển người và vũ khí trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Năm 1962, tôi chính thức làm Thuyền trưởng ở Đoàn 759 - Đoàn 125 Hải quân ngày nay - đóng quân tại nhà số 83 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau 3 ngày chờ đợi, tôi về nhà số 3 Đường Thành, sau đó là số 9 Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội. Quân phục Hải quân được thay bằng quần áo bà ba, một đen, một nâu cùng chiếc khăn rằn Nam bộ. Ngay ngày hôm sau, tôi chuyển về Đồ Sơn - Hải Phòng và xuống tàu công tác.

Bắt đầu từ đó, tôi trở thành thủy thủ, làm Thuyền trưởng của Quân chủng Hải Quân, thực hiện nhiệm vụ ở đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tế vũ khí cho miền Nam, giữ một mạch giao thông bí mật trên biển Đông. Con đường chúng tôi đi không có đèo, dốc nhưng ác liệt, hiểm nguy luôn bên mình.

Để an toàn, tàu chúng tôi phải hành quân lúc biển sóng to, gió lớn, nhằm giảm bớt sự giám sát của các tàu tuần tra địch. Chúng tôi không chỉ đối phó với những cơn sóng cao như mái nhà, những cơn tố, lốc, bão, mà còn phải đối phó với các tàu tuần tra của ngụy. Đến sau năm 1965 thêm tàu chiến Mĩ và máy bay địch quần thảo, theo dõi trên đầu. Chúng tôi đi đánh địch nhưng trên cột buồm lại là cờ địch. Cái sống, cái chết kề cận bên nhau. Chỉ một quả pháo bắn vào tàu, một cơn bão lốc cấp 12 có thể đánh chìm tàu xuống lòng biển cả. Vì vậy, trước mỗi lần xuất quân, Quân ủy Trung ương luôn cử các đồng chí lãnh đạo xuống động viên và ăn bữa cơm chia tay, mâm cơm tiễn biệt: “Các đồng chí ra đi hãy chiến thắng trở về, nhưng nếu phải hi sinh vì Tổ quốc thì đây là bữa cơm của Đảng tiễn biệt các đồng chí…”

Dù vậy, đơn vị không ai nao núng, tất cả đều tỏ quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ra đi, sẵn sàng hi sinh vì miền Nam.

Tôi nhớ mãi buổi tiễn biệt đầu tiên, đó là chiều tháng 9/1963, chỉ huy tổ chức một “mâm cơm” tiễn đưa tàu. Hôm đó, chúng tôi vinh dự được đón đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương Nguyễn Văn Vịnh, Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị Kinh Chi và đồng chí Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục tác chiến phụ trách công tác B Bộ Tổng tham mưu. Cùng dự có Đoàn trưởng Đoàn Hồng Phước, Võ Huy Phúc - Chính ủy Đoàn 759.

Khác với những bữa liên hoan thông thường, trong phòng ăn có treo lá cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “Lễ tiễn đưa tàu 54 lên đường chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam” được viết bằng mực đỏ trên giấy dó màu vàng đóng chặt vào tường dưới lá cờ Tổ quốc.

Không khí trong phòng như nén chặt sự trang nghiêm và niềm xúc động trước “mâm cơm” được chế biến bằng những loại thực phẩm phải mua bằng một loại tem phiếu đặc biệt chỉ dành riêng cho các chuyên gia nước ngoài. Trong giờ phút trang nghiêm đó, với giọng miền Nam trầm ấm, Phó Thủ tướng Phạm Hùng phát biểu: “Hôm nay tôi thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng dự bữa cơm tiễn đưa các đồng chí lên đường vận chuyển vũ khí vượt biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Các đồng chí ra đi trong mùa biển động bởi gió mùa và bão tố, phải độc lập xử lí tất cả các tình huống do địch phong tỏa ngăn chặn, sẵn sàng chiến đấu khi chúng phát hiện tàu các đồng chí từ miền Bắc vận chuyển vũ khí tiếp tế cho quân dân miền Nam. Chuyến đi của các đồng chí phải vượt qua muôn trùng khó khăn, đưa hàng vào đến bến và trở về miền Bắc an toàn. Nhưng, cũng có thể tàu các đồng chí vĩnh viễn không bao giờ về. Tôi biết các đồng chí biết rõ điều đó, nhưng tất cả đều sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh. Chúng tôi luôn mong đợi chiến thắng của các đồng chí. Mong đón tàu các đồng chí về lại bến. Nhưng nếu tàu các đồng chí không về được thì mâm cơm hôm nay như một lễ truy điệu sống. Đồng thời là sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng với các đồng chí. Chúc các đồng chí lên đường thuận buồm xuôi gió. Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng chờ tin thắng lợi chuyến đi của tàu các đồng chí!”

Sau tiếng vỗ tay vang dội, trong chúng tôi nhiều người lấy khăn lau những giọt nước mắt xúc động, đồng chí tiến đến bắt tay và ôm chặt chúng tôi. Tôi cảm nhận năng lượng, hơi ấm của đồng chí Phạm Hùng là năng lượng, hơi ấm của Đảng, Chính phủ truyền cho mỗi chúng tôi. Năng lượng ấy đã tiếp thêm sức mạnh để tôi 12 lần vào Nam ra Bắc, đương đầu với hi sinh, chết chóc nhưng vẫn an toàn trở về…

Tổ quốc có đường mòn Hồ Chí Minh trên Trường Sơn của những người lính trên bộ và Tổ quốc có đường Hồ Chí Minh trên biển Đông - con đường trong máu, trong tim mỗi chiến sĩ Hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ chở vũ khí vào chiến trường.

Tôi đã 12 lần chỉ huy con tàu thân yêu chở vũ khí vào Nam. Nếu chỉ tính mỗi chuyến đi về 4.000 cây số thì chặng đường con tàu của tôi cộng lại đã vượt quá một lần đi vòng quanh chu vi địa cầu - một chu vi đầy hi sinh, chết chóc.

Hôm nay tôi đã ở tuổi 90, lịch sử con tàu trên đường Hồ Chí Minh giữa đại dương đã ghi dấu 63 năm. Cát bụi và sóng biển có thể phủ kín, có thể phủ lấp quá khứ nhưng lịch sử hào hùng của đất nước, những hi sinh của bao liệt sĩ vẫn là những ngôi sao lấp lánh.

H.Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)