Thành dun

Thứ Bảy, 28/09/2024 00:43

. ĐOÀN TUẤN
 

Thành dun - chữ d viết theo lối chúng tôi gọi hàng ngày, là lính thông tin D7. Giữa năm 1981, Thành và Chung vác máy 2W lên Anlung phối thuộc với D8 đánh địch. Chung hi sinh. Thành còn sống. Biệt hiệu dun không biết ai đặt và được lí giải, cứ nhắc chuyện Chung dẫm mìn là Thành run. Nhưng Cường y tá bảo không phải và kể:

- Mỗi lần Thành nói thường đặt ngón trỏ lên mũi để nghĩ. Nghĩ hơi lâu, ngón tay run run. Vì thế anh em gọi là Thành run.

Thư mượt lại cho rằng, dạo ở Tà Ben, Thành bị sốt rét. Nghe dân Khmer khuyên, Thành đào giun đất ăn. Vì thế, anh em gọi Thành giun. Quang, lính cựu thông tin, quê Quảng Nam thì bảo: Dạo mới vào thông tin, khi đụng trận, Thành gọi máy 2W, giọng run lắm, nên anh em đặt cho biệt hiệu ấy. Lại có thằng kể: Thành ham đánh bài. Hắn đánh cũng khá. Nhưng khi thua, tay cầm bài và chia bài cứ run run.

Nói chung, có nhiều giai thoại về cái tên lóng của Thành.

Thành là con trai độc nhất trong nhà nhưng vẫn bị gọi đi bộ đội. Nhà Thành có nhiều chị em gái nên Thành được chiều, ít phải làm gì. Bạn bè chúng tôi đến nhà thường hỏi: ‘’Thành dun có nhà không bác?’’ Bà nội Thành quý cháu, bao giờ cũng nhắc chúng tôi. ‘’Các anh nên gọi là cậu Thành. Cậu ấy là cháu đích tôn duy nhất của dòng họ nhà tôi đấy ‘’. Chúng tôi xin lỗi bà. Nhưng quen miệng, khó sửa.

 

Đảm bảo thông tin liên lạc trong chiến tranh. Ảnh: TL

Dạo đóng ở Choăm Sre, trung đội thông tin của Thành có nuôi một con yểng. Lính cho ăn đủ thứ: cơm cháy, cơm rang, châu chấu, cào cào... nên yểng lớn nhanh. Thành rất quý con yểng, chăm nó từ bé thường nhai cơm, mớm cho nó. Con yểng ăn dặm, xơi luôn nước bọt của Thành nên mến Thành vô cùng. Thành lại cho yểng ăn ớt nên con yểng nói rất nhanh, giọng thanh. Nghe yểng nói, khách lạ cứ ngỡ tiếng người. Thành lại cho nó uống hà thủ ô, thứ này ở Choăm Sre rất nhiều, nên lông yểng đã đen còn mượt. Con yểng thấy anh em thường gọi tiểu đội trưởng của mình bằng cái tên Thành dun, nó cũng bắt chước. Nói rất nhanh và sõi. Tính Thành cũng xuề xoà, không chấp gì. Anh em lại tán: ‘’Dễ gì được chim biết tên! Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên, chim biết tên đâu. Trong A mình nữa. Chục người. Chim biết tên mỗi anh’’. Thành dun nghĩ cũng đúng. Và vui.

Đã thế, được ở gần dân nên lính thường vào phum xin men về nấu rượu. Cơm nguội nhiều, phơi ra, ủ men. Dụng cụ nấu tự chế. Chất cay luôn được lính cất giữ, Mỗi lần ai đó say, đi loạng choạng, anh em lại nói: ‘’Xỉn rồi’’. Nhiều lần nghe, con yểng bắt chước rất nhanh.

Vì chăm chim nhiều quá nên tiểu đội thông tin lơ là cảnh giác. Một hôm, giữa khuya, cả tiểu đoàn bộ đang ngủ, địch tập kích vào hướng tiểu đội thông tin. Anh em không kịp trở tay. Khi bọn địch rút đi, quân ta mới phản ứng bằng vài loạt đạn vuốt đuôi. Cũng may, tất cả đều an toàn.

Hôm sau, họp giao ban, Tiểu đoàn trưởng Nghị (người Tuyên Quang) và chính trị viên Nguyễn Bá Ngọc (quê Nghệ An) phê bình Tiểu đội trưởng Thành rất nhiều. Tối đến, Thành tập hợp tiểu đội sinh hoạt, giọng vô cùng nghiêm trọng:

- Đồng chí nào đêm qua bỏ gác?

Anh em im lặng. Thành hỏi lại. Vẫn không ai trả lời. Không khí đang căng, bỗng con yểng đậu ngoài hiên, cất giọng:

- Thành dun! Thành dun!

Lính buồn cười nhưng không dám cười to, cứ khùng khục trong cổ. Để giữ oai, Thành cố gằn, lớn tiếng:

- Hôm qua, đồng chí nào gác phiên đầu tiên?

Anh em lại nhìn nhau. Chưa ai kịp trả lời thì con yểng lại cất giọng:

- Thành dun! Thành dun!

Thành tức mình, cầm quyển sổ giao ban, ném yểng.

- Đi chỗ khác chơi!

Con yểng bay lên, bắt chước giọng lính:

- Xỉn rồi! Xỉn rồi!

Anh em cười vỡ bụng. Thành cũng phì cười theo.

*

*         *

Hôm Nguyễn Văn Chung, thông tin D7 hi sinh, Thành đi cùng Chung. Tôi không biết lúc đó Thành đã là Tiểu đội trưởng. Nằm ở hầm tôi mà hắn giấu biệt. Đêm trước Thành và Chung từ Anlung lên Sankda, Thành ngủ hầm tôi. Chung ngủ hầm thông tin. Chung sang nói chuyện. Tự nhiên nó hỏi. ‘’Nhỡ thằng đi giữa dẫm mìn thì sao?’’ Chung lặp lại câu nói gở này mấy lần liền đến nỗi bọn tôi phải cáu: “Đừng có dở người, mình là thông tin, đi giữa đội hình, an toàn nhất. Sợ gì!’’ Hôm sau, nó đi giữa đội hình nhưng vẫn giẫm phải mìn và hi sinh thật. Hình như nó đã linh cảm thấy cái chết của mình.

Đêm hôm sau nữa, xác Chung mới được anh em khiêng về D8, để ngay bên hầm tôi. Tuấn trinh sát, Bùi Văn Vinh và tôi vội thay quần áo, tắm rửa và liệm cho bạn. Thành dun ngồi ủ rũ bên gốc cây, cứ thế khóc. Tuấn trinh sát nói:

- Không giúp anh em một tay, ngồi đấy khóc cái gì?

Thành dun vặc lại:

- Đám tang mà không có người khóc thì là đám gì?

Tôi biết Thành cùng đồng đội khiêng Chung từ C6 về đây, mấy chục cây số, nên cần nghỉ. Vả lại, để mặc Thành khóc. Ít ra, Thành với Chung đã sống bên nhau mấy năm trời. Bỗng Thành hỏi tôi:

- Đồng hương còn nước uống không?

Tôi chạy vào hầm, đưa Thành bi đông nước. Thành ngửa cổ, tu một hơi, hết sạch. Chắc nhịn khát từ sáng đến giờ.

Khi khiêng Chung ra chỗ chôn, tôi nhìn Thành:

- Khóc tiếp đi, đồng hương.

Thành thật thà:

- Lạ thật! Từ khi uống nước xong, mình không muốn khóc nữa.

Không biết nước lạnh có tác dụng gì, Thành tỉnh táo hẳn. Chôn Chung xong, tôi mời Thành ăn cơm. Thằng nào cũng muốn uống hớp rượu. Một phần vì xác Chung đã có mùi, phần vì muốn ngủ cho ngon. Vừa uống chén đầu, Thành dun đưa tôi cái gương vỡ.

- Của ai đấy?

- Của thằng Chung. Hôm qua, đi tắm, nó soi gương. Tự nhiên bị rơi, nứt làm đôi. Mặt nó tái đi, run run bảo mình: ‘’Điềm xấu đây’’. Ông cầm lấy. Lúc kiểm nghiệm di vật, ghi vào. Gửi về cho gia đình.

- Sao ông không giữ làm kỉ niệm?

- Tôi sợ xúi lắm! Với lại, đây là di vật của liệt sĩ… Mà tôi có soi gương bao giờ đâu. Đẹp trai có thẻ hẳn hoi. Đây này!

Thành đưa tôi xem cái ảnh hắn chụp khi mới nhập ngũ. Thời đó, thằng nào chả đẹp trai. Tôi định nói câu ấy, nhưng sợ hắn buồn. Thành lúc buồn rất hay chảy nước mắt. Có rượu càng dễ chảy. Tôi cầm tấm ảnh, giả vờ xem qua. Thôi thì cứ công nhận Thành đẹp trai, cho bạn sướng!

Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)