Xuân Thiều, một nhà văn chiến sĩ, một ngòi bút đậm chất nhân văn

Thứ Bảy, 28/09/2024 08:17

. LÊ THÀNH NGHỊ
 

Nhà văn Xuân Thiều sinh năm 1930 mất năm 2007, là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của Xuân Thiều trải rộng trên hai đề tài chính: đề tài chiến tranh Cách mạng và đề tài hậu chiến. Mảng đề tài nào Xuân Thiều cũng có những tác phẩm được viết bởi nhiều trăn trở tìm tòi về tư tưởng chủ đề cũng như một bút pháp đậm chất nhân văn trên một nền tảng tinh thần không thay đổi của một nhà văn mặc áo lính: tôn trọng sự thật và niềm tin yêu cuộc sống.

Là một nhà văn quân đội, sống và sáng tạo trong thời kì đất nước và nhân dân đang tiến hành công cuộc chiến đấu anh dũng bảo về Tổ quốc, cố nhiên điều quan tâm trước hết của Xuân Thiều là chủ đề chiến tranh cách mạng. Với đề tài này, trong nhận thức của Xuân Thiều, sự thật căn bản nhất không có gì khác hơn là sự chiến đấu, hi sinh quả cảm, anh hùng của quân và dân ta trên các mặt trận, trong muôn vàn gian khổ hi sinh, trong những thời điểm cam go, hiểm nghèo, mà ở đó sự sống và cái chết chỉ ở trong gang tấc. Các thế hệ bạn đọc còn nhớ người chiến sĩ tên là Hiên trong truyện ngắn Gieo mầm (viết năm 1964) của Xuân Thiều, khi rơi vào một tình thế phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, đã tìm đến cái chết khốc liệt nhất để tỏ rõ ý chí sắt đá của mình trước mũi súng của kẻ thù. Kẻ địch đê hèn buộc dây vào cổ chân người chiến sĩ rồi cho ô tô kéo lê trên đường như để không chỉ để tàn sát thảm khốc một con người, mà còn để đe dọa những người chiến sĩ khác. Nhưng chúng đã thất bại thảm hại: chính cái chết của người anh hùng kia đang gieo những mầm căm thù, mầm hi sinh quả cảm của muôn vàn người chiến sĩ khác. Ở một số tập truyện ngắn khác, như Tâm sự người chiến sĩ quản tượng (1967); Mặt trận kêu gọi (1969)… Xuân Thiều thường có cách tiếp cận đề tài trực tiếp, được viết với cảm hứng sử thi anh hùng, với một thứ ngôn ngữ trong sáng nói lên chất bi tráng của cuộc chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ.

Không chỉ ở truyện ngắn, đề tài chiến tranh còn được Xuân Thiều phản ảnh đặc sắc trong thể loại tiểu thuyết như Thôn ven đường (1971); Huế mùa mai đỏ (1978)… Ở những tác phẩm này, hành động anh hùng không chỉ được mô tả như sự hóa thân thành anh hùng ở những cá nhân, mà là sự biểu hiện phẩm chất anh hùng như là ý thức của cả một tập thể. Nhà văn cố gắng miêu tả thật khách quan, thật trung thực hành vi anh hùng tập thể ấy, như để khẳng định một sự thật: không thể khuất phục được một dân tộc, một quân đội khi mà ý thức anh hùng của họ như một phẩm chất của đạo đức, lối sống thường ngày. Tiểu thuyết Thôn ven đường cũng như Huế mùa mai đỏ tập trung làm sáng tỏ điều này. Tình thế trong Thôn ven đường là cuộc chiến đấu một mất một còn tại một xã vùng sâu ngoại ô Huế. Kẻ địch đã trở nên hung tàn, mất hết tính người: Cướp bóc, đốt phá, ném người xuống sông, xuống biển, ủi đất, ủi làng, ngày đêm lùng sục sát hại người Cách mạng. Trước sự kìm kẹp nghiệt ngã đó, người dân cắn răng chịu mọi cơ cực để bảo vệ cách mạng. Điều đáng nói là đối mặt với kẻ thù chỉ là những người già, những thiếu niên và phụ nữ, có người bụng mang dạ chửa. Có người rơi vào hoàn cảnh éo le: bố mất, mẹ mù lòa, chồng đi hoạt động, vợ chồng hầu như không gặp nhau, chị lại đang bị theo dõi từng bước đi… Vậy mà chị vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ cơ sở Đảng, vừa bảo vệ cái thai nhi bé bỏng trong bụng, trong khi kẻ thù đang ra sức tìm mọi cách để tiêu diệt chị. Cuốn tiểu thuyết dựng lên cả một tập thể người dân bình thường bên chị, như Thím Hai Cao, cô Miên, bác Tích, bé Thắng… sẵn sàng hi sinh tính nạng mình để che chở cho người phụ nữ hoạt động cách mạng. Thôn ven đường để lại gương mặt một tập thể những con người hết sức bình dị mà rất đỗi cao cả như phẩm chất vốn vậy của những công dân Việt Nam khi bị quân thù dồn vào thế cùng cực!

Sau Thôn ven đường, Xuân Thiều tiếp tục viết về đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ. Cuốn tiểu thuyết mới này tập trung miêu tả cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế. Đây là một tác phẩm Xuân Thiều có ý định bày tỏ những quan điểm của mình về cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn này. Trung đoàn trưởng một cánh quân đánh vào phía bắc Huế là một người con của Huế, đi tập kết để lại vợ và con nhỏ, nay về giải phóng quê hương. Nhưng anh rơi vào hoàn cảnh éo le: người vợ đã bị kẻ thù cưỡng bức li dị anh để ở với người khác. Tuy vậy, trung đoàn trưởng đã dẹp sang một bên hoàn cảnh của mình, cùng với những chiến sĩ chiến đấu bằng cả mối thù chung và riêng sâu nặng của mình. Xuân Thiều dành những trang văn trần trụi, nóng bỏng để mô tả cuộc chiến đấu khốc liệt của cánh quân phía Bắc trước sự chống trả điên cuồng của kẻ địch. Nhưng sau những trận chiến đấu quyết liệt, hi sinh rất nhiều, kẻ địch từng bước giành lại thế chủ động, buộc những đơn vị quân ta phải rút về cứ. Trung đoàn trưởng đã biết trước tình huống này trước khi mở màn chiến dịch, nhưng anh không dám đưa ra bàn bạc với cấp trên, vì sợ bị cho là do dự.

Tập 2 lấy tên một nhân vật: Tư Thiên đặt cho tên cuốn tiểu thuyết. Xuân Thiều muốn chứng minh Tổng tiến công Mậu Thân là một vấn đề nóng bỏng của chiến tranh Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết đi sâu vào những trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật. Xuân Thiều dựng lên cả một tập thể những Tư Thiên, Lưu Dương, Đặng Thà, Vũ Lẫm, Quốc, Dũng, Vinh bên cạnh những người dân như ông Tân, bà Đào, chị Uyển, chị Sen… với những cuộc chiến đấu khốc liệt, những mất mát lớn lao, và những bi kịch cá nhân của những người đang chiến đấu. Chẳng hạn, Tư Thiên người anh hùng đã làm khiếp đảm kẻ địch, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh cá nhân bi đát: cùng lúc nhận tin vợ và con trai chết. Ông là người anh hùng trong chiến trận nhưng không phải là người chiến thắng trong hạnh phúc gia đình. Cách xây dựng nhân vật vừa sử thi vừa đời thường như vậy đã làm cuốn tiểu thuyết trở nên rất chân thực viết về chiến tranh, và đó chính là sự đổi mới từ khá sớm của Xuân Thiều. Ông từng viết về Tư Thiên: Đó không chỉ là vấn đề của sử thi mà còn là vấn đề của nhân vật với những trạng thái tâm lý khác nhau *.

Xuân Thiều là nhà văn viết nhiều thể loại khác nhau: Ký sự có: Chiến đấu trên mặt đường; Bắc Hải Vân mùa xuân 1975. Tùy bút có: Đi xa. Kịch bản phim có: Từ một cánh rừng. Thơ có: Trời xanh; Và nỗi nhớ. Tiểu thuyết có: Thôn ven đường; Huế mùa mai đỏ (Tập 2: Tư Thiên). Truyện dài có: Mặt trận kêu gọi; Khúc hát mở đầu. Truyện ngắn có: Gió từ miền cát; Người mẹ tội lỗi; Xin đừng gõ cửa. Tiểu luận có: Tiếng nói cảm xúc…

Nhưng ấn tượng hơn cả ở Xuân Thiều là thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn của Xuân Thiều thường đi rất sâu vào tâm trạng của cá nhân, của nhân vật trong những tình huống hết sức cụ thể mang tính điển hình cao. Ông đặc biệt nhạy cảm với những sự éo le, trắc trở của cuộc sống và từ đó ông luôn tìm ra cách để an ủi bênh vực những cuộc đời bất hạnh. Ngay từ những truyện ngắn trong tập truyện đầu tay Đôi vai (1961), Xuân Thiều đã thể hiện ý thức nhân đạo ấy của mình. Chị Nhiên ở làng Phượng Tú, bị tên lính da đen hãm hiếp, đã buộc phải sinh ra đứa bé da đen, tóc xoăn, môi dày. Hiển nhiên tình huống này đã làm người đời ghét bỏ xa lánh chị. Xuân Thiều ngược lại công khai bênh vực chị, cho rằng đứa bé không có lỗi gì, nó cần phải được làm người!(Bé An); Một tình huống khác: một chiến sĩ cách mạng tập kết ra Bắc, vì nhớ con ở lại miền Nam, anh tự nguyện nhận một đứa bé khác làm con và yêu thương nó như con đẻ của mình (Trời xanh); Một cô thương binh tàn phế đã được một gia đình yêu thương nhận làm con dâu và cô đã sống trong hạnh phúc! (Cô thương binh)… Nhưng đáng chú ý hơn cả, thể hiện bản lĩnh của một ngòi bút giàu tình yêu thương con người hơn cả là những truyện ngắn trong ba tập truyện ông viết cuối đời: Gió từ miền cát; Xin đừng gõ cửa Có một nỗi niềm.

Vẫn tiếp tục cái thế mạnh của ngòi bút giàu tình cảm, điều đó càng ngày càng làm ngòi bút của ông mang đậm tính nhân văn qua rất nhiều những tình huống hết sức thương cảm của đời người được tập trung miêu tả trong nhiều truyện ngắn viết sau chiến tranh trong ba tập truyện vừa nhắc. Mặt mạnh của ngòi bút của Xuân Thiều là khả năng nắm bắt tâm lý của con người khi bị rơi vào những hoàn cảnh không bình thường, những hoàn cảnh éo le, thương tâm… không kể hết trong chiến tranh. Xin lấy một vài ví dụ. Truyền thuyết Quán Tiên dựng lại bức tranh sinh động của những tháng ngày gian nan khổ cực của những cô gái trên một trọng điểm Trường Sơn. Khổ cực, chết chóc với họ không có gì đáng sợ. Nhưng thiếu thốn tình cảm đã hủy hoại tâm hồn họ, những cô gái tuổi mới lớn đầy khát khao trần thế. Xuân Thiều sử dụng bút pháp kết hợp hiện thực và huyền ảo đầy tinh tế để đi sâu vào nội tâm phức tạp của nhân vật. Và như một phản ứng thường trực, ngòi bút Xuân Thiều lại lên tiếng bênh vực những con người bất hạnh. Ở truyện Gió từ miền cát, Xuân Thiều đề cập đến tình huống hai người đàn bà, chị Nụ và cô Thắm gặp nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt. Chị Nụ có chồng đi hoạt động vùng sâu. Hoàn cảnh ở chung hầm bí mật đã làm chồng chị và cô Thắm có con riêng với nhau. Người chồng hi sinh ngay sau đêm ở hầm với Thắm. Thắm sinh con một mình và đã một mình tìm về quê Dương, chồng chị Nụ, để gặp Nụ. Thông thường, họ không thể thông cảm cho nhau. Nhưng Xuân Thiều đã rất tinh tế theo dõi từng bước chuyển hóa cụ thể trong tâm tư nhân vật của mình và cuối cùng, hai người đàn bà ấy đã vì những đứa con mà tha thứ cho nhau. Tác giả đưa người đọc đến một kết cục rất đẹp hòa hợp trong trái tim của những người vốn sống coi trọng tình cảm. Một truyện khác: Xin đừng gõ cửa kể lại trường hợp của ông Phan Nhân Hảo, trung tá về hưu, mắc bệnh tâm thần. Trong chiến tranh, không thiếu những trường hợp bị người đời hiểu nhầm. Thế cài răng lược, hoạt động trong lòng địch, có người lúc ngã xuống, hoặc sau khi chiến tranh kết thúc bị mắc bênh tâm thần, không có cách gì giải thích những hoạt động của mình trong thời chiến. Xuân Thiều kêu gọi hãy thận trọng trước sinh mạng chính trị và danh dự của người khác… Chỉ dừng lại vài ba trong số nhiều truyện ngắn sau chiến tranh của Xuân Thiều trên đây, cũng có thể nhận ra ngòi bút nhân văn của ông. Phẩm chất nhân văn này là một trong những nét đặc sắc của ngòi bút Xuân Thiều.

Xuân Thiều là người đổi mới văn chương vào loại sớm. Những tiểu thuyết, truyện ngắn vừa kể trên cũng cho thấy ông đã rất ý thức được những gì văn học thời chiến của ta đang cần phải thay đổi. Tuy vậy, không như một vài đồng nghiệp khác, Xuân Thiều không lớn tiếng tuyên ngôn. Ông lặng lẽ sáng tạo, lặng lẽ thay đổi và có những bước đi rất đáng ghi nhận. Điều làm nên phẩm chất nhân văn quý giá của Xuân Thiều, không có gì khác ngoài trái tim yêu thương con người của ông, một phẩm chất mà mỗi người cầm bút đều có, nhưng chỉ những ai biết sống và viết trung thực, mới có thể làm nên những giá trị của tác phẩm văn chương. Xuân Thiều là nhà văn làm được điều đó.

L.T.N

------------

* Xuân Thiều: Viết về chiến tranh. Tạp chí Văn học, số 3+4/ 1988

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)