Những phận đời đò dọc

Thứ Ba, 17/09/2024 00:28

. NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 

Anh Quỳ cụt ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái. Nhưng anh không phải là thương binh. Anh cũng đi bộ đội nhưng trốn đơn vị lên rừng chặt vầu, bán lấy tiền tiêu riêng mà bị nạn. Anh giải ngũ với cái tên Quỳ cụt giữa hồi máy bay Mỹ lần đầu ra ném bom miền Bắc. Đơn vị anh, người ta nao nức lên đường vào Nam đánh giặc. Không khí cứ nóng hầm hập như lò luyện gang thép. Còn anh, nem nép không dám ra khỏi nhà. Mẹ anh Quỳ là bà Thắm gù, thở ngắn than dài nhưng cũng theo chân bà con đến chơi ăn trầu uống nước úy lạo những anh bộ đội về phép thăm nhà trước khi đi Nam.

Anh bộ đội hàng xóm mời bà Thắm gù miếng trầu rồi hỏi:

- Anh Quỳ lấy vợ chưa hở bá?

Rồi chả kịp để bà Thắm gù giả nhời, anh đã thao thao kể, giá mà anh Quỳ không bị vầu sập cắp vào tay, đợt này thế nào anh cũng đi với chúng cháu. Anh Quỳ bắn giỏi, lại liều mạng lắm nhá, đánh giặc sẽ hăng phải biết. Bà Thắm gù tủi thân ra sân nhổ cốt trầu rồi đứng mãi chả vào.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Ngày ấy ai đi B cũng là niềm vinh dự cho cả nhà, cho hàng xóm, hàng xã. Thanh niên làng nhìn những anh bộ đội mặc bộ quần áo xanh Tô Châu thùng thình nhưng ai cũng rắn rỏi, xởi lởi thăm thú họ hàng, chia tay tổ đội, chia tay chi đoàn mà thấy rạo rực. Ai cũng muốn mình nhớn cho nhanh để được đi bộ đội, được đi B, để các cô gái làng nhìn với cặp mắt tràn trề cảm mến. Anh Quỳ thui thủi trong nhà không dám ra đường. Khuya, anh gánh một gánh ống lươn đi thả. Gần sáng lại lùi lũi đi thu ống về. Bà Thắm gù đậy hai cái chậu sành, gánh lươn đi bán. Khối kẻ dè bỉu, dào ôi, cố tình cụt ngón tay để khỏi phải đi đánh giặc lại còn buôn mới bán, lươn với lẹo. Người đời tệ lắm cơ. Mua lươn thì có can hệ gì với đi B hay không đi B. Chả ai dám nói lươn của anh đi B ngon hơn lươn của anh không đi B. Ấy thế mà hàng của bà Thắm gù vẫn ế. Bà Thắm gù đập tan hai cái chậu sành giữa chợ rồi bỏ về. Những con lươn tuồn ra bò ngoăn ngoắn. Thằng rồ quét chợ cười he he nhào vào túm lươn, tay nó toe toét đầy nhớt.

Cơm tối xong, nhà chả thắp đèn. Bà Thắm gù ngồi nhai trầu rồi thở dài. Bà nói rõ não nề:

- Thân lươn bao quản lấm đầu…

Anh Quỳ không đi thả ống lươn nữa. Anh đi kiếm củi, chặt vầu, chặt hóp thả bè. Từ ấy người làng ít khi gặp anh. Thi thoảng thấy anh đi từ bến sông về, trông lạ hoắc tưởng người dưới xuôi lên sơn tràng. Mấy người hàng xóm vẻ am hiểu thì bảo tay này cả gan thật đấy. Buôn tàu bán bè chứ đâu phải chuyện chơi.

Mà cũng nể thật cho anh Quỳ. Một thân cô độc trên sóng nước, cảm mạo thương hàn bất thường, ai hám gì nỗi ấy. Vậy mà anh cứ lầm lũi đêm đi, ngày cắm cầy ven sông mà ngủ. Nhiều đận gặp máy bay Mĩ, nhưng nó chả phí đạn bắn cái bè nứa con con của anh. Anh đã tách mình ra khỏi đội ngũ ra đi hi sinh vì đất nước thì anh cũng dám đánh đổi luôn cái thân mình, cứ như đã tách khỏi đời người trên thế gian này. Quỳ tự bụng bảo dạ, đời chả có cái gì không có giá. Không quang vinh thì phải no bụng.

Buôn bè lãi lắm. Những thứ vứt đi trên rừng, về xuôi cũng ra tiền. Chả thế chỉ một năm trời anh Quỳ mua sắm đồ đoàn trong nhà cho bà Thắm gù, xoong nồi, mâm bát chả thiếu thứ gì. Chiến tranh ở tận đâu đâu, chứ anh Quỳ thì cứ như cái lá tre trôi trên sông. Người làng dần cũng quên, chả ai rỗi hơi mà bàn luận chuyện “anh Quỳ tuột xích” nữa.

Đùng một hôm, Quỳ về làng lúc nhập nhoạng dẫn theo một người đàn bà. Người ấy chào bà Thắm gù là bu. Anh Quỳ bảo với mẹ, nhà con đấy mẹ ạ. Mai con mổ con gà thắp hương bố và cũng là đón nhà con về. Bà Thắm gù nhìn người đàn bà phốp pháp cặp mông chạng hang có giọng nói rất ấm, bụng bảo dạ, con này mắn đẻ.

Người đàn bà tên Nhời, nhà ngay gốc gạo làng Xù, nơi Quỳ hay cặp bè, rồi bán bè luôn ở đó. Lúc đầu Quỳ nhờ thị nấu ăn trả tiền, sau thì trọ lại những hôm bè chậm bán. Nhời một nách hai con nhỏ, chồng chết vì ho lao đã mấy năm. Người Nhời trắng như ngó cần, má cứ đỏ rực lên khi ngồi bếp lửa. Mỗi lúc Nhời cúi thổi lửa Quỳ nhìn hai quả mông cỡ hai cái giành nuốt nước bọt đánh ực. Quỳ phải lòng Nhời nhưng cũng hãi. Ở làng Xù họ bảo Nhời khỏe quá khiến anh chồng ho lao mà chết. Nhời hơn Quỳ hai hay ba tuổi gì đó nhưng Quỳ mê mẩn Nhời lắm. Chỉ gặp nhau vài chuyến bè là Nhời bụng đã lùm lùm. Đời chả biết thế nào mà lần. Chưa về với nhau thì Quỳ hăm hở đi hết chuyến này chuyến khác. Vội vã lên ngược, vội vã đóng bè xuôi. Tháng Quỳ đi ba chuyến. Về Xù hai ngày, lại lên ngược chặt nứa, chặt tre rừng, xuôi sông luôn. Có nhau rồi, đêm nghe gió rít ngoài sông, bè vẫn neo lại đấy cũng thây kệ. Họ quấn lấy nhau hầm hập. Nhời cười the thé. Khiếp! Bàn tay cụt này có ngón tay cái rõ khiếp. Quỳ lười dần, mỗi lần về Xù là cứ muốn ở tịt lại mà ôm cái thân nhầy nhẫy của Nhời. Nhời cầm tay Quỳ đặt lên bụng. Đấy con nó bảo anh phải chịu khó mà chạy chuyến, rồi còn nuôi con, nuôi em chứ. Nhời mân mê bàn tay cụt khiến Quỳ cảm động vô cùng. Sáng hôm sau Quỳ xách tay nải ra bến rõ sớm.

Thấm thoắt đã hai năm. Nhời đẻ thằng con trai kháu lắm. Bà Thắm gù sướng thẫn thờ. Nhời đưa con về thăm bà, còn bà thì chả bao giờ dám đi ra khỏi nhà. Hồi này, Quỳ toàn đi bè củi. Khắp vệt sông phía trên rồi cả phía dưới làng Xù ai cũng biết Quỳ củi. Nhưng bè củi thì chả lãi lời là bao. Nhời bảo chồng, mỗi chuyến anh mang yến chè búp mới có lãi. Quỳ hãi lắm. Quỳ bảo chè lãi thật đấy nhưng thuế nó bắt kinh lắm. Nhời nhủ, bắt thì chia cho nó ít. Của đồng chia ba của nhà chia đôi anh ạ. Các cụ đã nói từ xưa nay rồi luật nào cũng né được hết, uống nước cả cặn mới sợ. Rồi Nhời cũng để ba đứa con trông nhau mà đi bè với chồng. Nhời khỏe, ăn nói dễ nghe, qua mấy trạm kiểm lâm ngon như không. Mấy cha trên trạm gọi bè vào Nhời cầm túi chè lên cấu chí với nhà thuế một hồi cười hi hí rồi bè lại xuôi. Có lần bè nhà Quỳ bị tóm lại ở trạm. Cái trạm này khét tiếng nhất dọc sông Hồng. Nhời lên trạm, hai tiếng thì về, thấy Quỳ hút thuốc lào thần thượi trên bãi chuối. Nhời gọi, đi thôi, xong rồi. Quỳ làu bàu, lâu thế. Nhời lườm rồi chùi chùi tay vào đít quần như dính mỡ. Cái bè củi óc ách trong đêm. Nhời cởi quần áo lấy cái nồi nhôm nấu cơm vục nước sông tắm. Sông nước đêm hôm làm cho thân đàn bà thêm bền quắn lại như cái dây khoai lang hơ lửa. Tài thật, Nhời cứ nghĩ hay là thức đêm thức hôm nhiều mà sự ham muốn của mình nó rần rật thế. Nhời ôm Quỳ vật ra mặt bè. Mặc kệ cái bè củi trôi lùi lũi. Nhời tự thưởng chiến công vừa xin qua trạm kiểm lâm không tốn cân chè búp nào. Xong trận, Nhời nằm ngửa nhìn trời đầy những ông sao và tiếng Quỳ ngáy phơ phơ lẫn trong tiếng nước sông Hồng óc ách.

*

*        *

Ở với Nhời được mấy năm thì Quỳ xuống sức, ốm đau liên miên rụng hết tóc, ngồi bờ sông hút thuốc lào ho rút cổ. Quỳ ho đến nỗi mấy thằng câu cá quay lại chửi. Nhời ra sông gọi Quỳ về. Thằng con trai sáu tuổi ôm lấy bố kêu bố hôi bố hôi. Đã mấy tháng nay, Quỳ chịu không thể lên ngược chặt tre kiếm củi nữa. Mấy đứa con cả chung cả riêng đều đi học. Nhời mở hàng bán xúc xích. Quỳ biết Nhời lo, thương lắm, bảo vợ thôi mình ạ, không đi bè được nữa ta sắm cái thuyền chuyên chạy măng và chè. Nhời giãy nảy, dễ đi tù lắm đấy. Quỳ vừa ho vừa nói, đói đầu gối phải bò. Mình làm được, làm được.

Vợ chồng Nhời từ ấy đi đò dọc. Cái thuyền nan có cái vòm ở giữa. Lúc ngược chỗ vướng thì đẩy sào, chỗ quang thì Quỳ lên bờ kéo. Lúc xuôi bơi chèo, bán hàng từ đoạn Bá Giang về đến Chèm là hết. Tháng đi hai chuyến nhẹ hơn đi bè. Kiểm lâm cũng ít nhòm ngó vì cứ tưởng thuyền chài. Những đêm không mưa gió, mát trời con thuyền trôi êm như ru. Hai vợ chồng ôm nhau nghe nỉ non trong bờ tiếng ru con, tiếng trẻ học bài, tiếng vợ chồng nhà nào cãi nhau. Tiếng làng tiếng quê gần gụi. Con đò dọc cứ chạy dọc sự đời. Một chuyến đò dọc như một năm. Một năm đò dọc như một đời. Đò dọc như không có bến. Nhời bảo với Quỳ, tôi và ông đi đến lúc nào chết thì thôi. Quỳ rúc rúc vào nách hoi hoi mồ hôi của vợ ậm ừ, nói vợ là đồ thối mồm.

 

Minh họa: Lê Trí Dũng

Người làng Xù bảo, bà Nhời to khỏe quá lại làm cho chồng ho lao. Có người xấu mồm thì bảo máu lắm cho chết. Nhời bỏ ngoài tai đàm tiếu. Chồng thì ốm mà Nhời càng phây phây mới lạ chứ. Nghề đò dọc nhuộm da Nhời mầu bánh mật và mắt như có lửa. Điều này thì Quỳ công nhận. Trong đêm, ngồi đò xuôi sông, nhìn mắt vợ như đốm lửa Quỳ thấy lo lo sờ sợ. Những lúc như thế Quỳ lại ôm lấy vợ, không muốn bỏ tay ra. Bỏ ra chỉ sợ đốm lửa mắt kia biến mất.

Ốm quá, Quỳ đành nằm nhà, để vợ lên ngược một mình. Chuyến này Quỳ đã chuẩn bị hai chục kí chè búp, hai chục kí măng khô. Không thể bỏ mối lái đang vào cầu. Quỳ nói với Nhời:

- Nhà chịu khó vậy. Để tôi viết cái thư nhờ thằng cháu họ nó cầm lái cho nhà. Có nó là yên tâm. Nó họ xa thật đấy nhưng giọt máu đào hơn ao nước lã.

Nhời đi. Suốt cả tuần Quỳ bồn chồn. Quỳ ra gốc đa ven sông nhìn ngược lên trên Chèm. Mặt sông hiu hiu, bãi bồi giữa sông hoa lau bàng bạc cứ đổ nghiêng về một phía.

Thẩm hai bốn tuổi mà không phải đi bộ đội. Vì cứ đến kì khám tuyển là Thẩm tót đi khai thác tre nứa tít tận trên mạn ngược. Thẩm khỏe và bơi lội rất giỏi. Thẩm giỏi võ, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, nổi tiếng đấm đá trong vùng. Hồi Quỳ còn đi bè củi, cũng đã đôi ba lần Thẩm theo cậu đánh bè về xuôi. Quỳ muốn Thẩm theo nghề với mình nhưng Thẩm không muốn, chỉ gom hàng bán cho lái. Lãi chắc, lại gom hàng, lãi tiếp. Vốn của Thẩm kha khá. Thẩm chỉ chơi bời chứ chưa thích cô nào trong làng. Thẩm bảo, lấy vợ là dễ đi bộ đội như chơi, chả dại.

Đọc thư cậu Quỳ gửi, Thẩm ngẫm ngợi. Đi đò dọc cũng khoái nhưng bị bắt hàng là mình mang vạ. Thẩm ngẩng lên nhìn người đàn bà ngực nần nẫn mắt long lanh, cái áo bà ba căng lằn vết nịt vú cong cớn.

Nhời quay sang nhìn Thẩm:

- Thẩm giúp anh Quỳ, Thẩm giúp tôi, tôi nhờ Thẩm đấy.

Có cái gì đó lạ lắm mà lần đầu tiên Thẩm thấy, không giống như khi Thẩm nhìn lũ gái làng. Chúng nó eo éo nhạt nhạt lại chua chua. Còn người đàn bà này nồng nồng mằn mặn. Thẩm mân mê lá thư rồi đứng lên đi ra sân:

- Vâng, đi thì đi.

Đò xuôi chập tối. Trăng lên thì tới bãi giữa làng Ẻn. Thẩm chống sào nhảy lên bãi vặt một ôm rau cải, bẻ vài cây mía mang về thuyền bảo Nhời, mợ ăn đi.

Từ trong vòm lá cọ giữa thuyền Nhời thấy Thẩm ngồi chèo như múa. Tiếng mái chèo cậm kịch đều đều. Chiều nay trước khi thả thuyền, Nhời tắm gội sạch sẽ và làm con gà luộc thắp hương trên bãi sông. Mặt trời lặn hẳn, hai mợ cháu uống hết cút rượu trắng. Trăng giãi lên mặt sông những lớp sóng bạc. Nhời nhìn mặt nước giống hệt làn da người khỏa thân. Nhời bảo:

- Thẩm xuống mà tắm cho mát.

Con đò cắm lại ở đuôi bãi Ẻn. Mùi hoa lau hoa cải bay trên mặt sông lẫn mùi phù sa nồng nã. Trăng loang loang, mặt sông như cái yếm màu hồng nhạt. Thẩm cởi áo nhẩy ùm xuống sông.

Nhời có lạ gì chuyện tắm truồng ban đêm trên sông. Trăng rõ là lồ lộ mà trăng lại choàng tấm lụa mỏng khiến thân người kín đáo không lộ liễu. Dưới trăng rõ ràng là tơ hơ mà không tô hô. Trăng cũng vàng mà nước cũng vàng. Da thịt con người nhầy nhẫy vàng, hòa với nhau một huyễn hoặc râm ran. Có tiếng chim đa đa tìm nhau trên bãi cỏ hoang. Tiếng nước phì phọp. Hơi rượu phảng phất từ phía Thẩm tắm hay từ cổ áo mình lúc chập tối. Nhời thấy miên man là rượu, là tiếng sóng... Thẩm lên thuyền từ lúc nào Nhời không biết. Thẩm vò cái áo và cởi trần cầm chèo:

- Đi chứ ạ ?

Nhời bảo:

- Thẩm lạnh đấy, áo giặt rồi, lấy áo này khoác lên kẻo sương.

Nhời bò lại đuôi thuyền khoác cái áo cánh của mình lên cho Thẩm. Mùi mồ hôi đàn bà thật là gần. Thẩm dừng tay chèo nhìn vào cặp mắt Nhời. Mắt có lửa. Nhời xoa tay lên ngực trần của anh con trai kém mình chục tuổi. Nước sông lấm tấm trên người Thẩm mát lịm còn bàn tay người đàn bà nạ dòng nóng như than. Trăng ló ra rực rỡ. Thẩm nắm tay Nhời. Nhời cứ lặng im. Hai bàn tay Nhời đặt lên khuôn ngực căng săn truyền vào cơ thể Thẩm luồng điện rầm rập.

Con thuyền bùng bình cọ vào cỏ lau soàn soạt dưới trăng. Mui thuyền chỉ đủ che khúc giữa, để lộ hai cái đầu và bốn cái chân thò ra sương đêm. Nhời ư ử trong tiếng gầm gừ của anh con trai đang thì vừa có hơi rượu. Bãi Ẻn vụt đẹp như bồng lai...

Con đò dọc mang theo một đời người chứ đâu phải chỉ một chuyến đi. Chuyện đò dọc nó miên man như nước chảy xuôi khiến con người cuốn theo nó như một thứ bản năng không nỡ dứt rời. Nó cứ nhẫn nại vài ngày lên ngược rồi lại bùng bình về xuôi.

Quỳ càng ngày càng yếu. Nhời biết mà vẫn phải đi vì đang trúng quả. Trước khi đi Nhời chu đáo mua sắm đầy đủ gạo mắm cho mấy bố con cả tuần.

Nhời thấy mình trẻ như gái đôi mươi. Chưa bao giờ Nhời ăn khỏe như hồi này. Con đò lần nào cũng cắm lại bãi Ẻn. Và đêm nào dù trời mưa hay rười rượi ánh trăng Nhời cũng thấy mình gặp bồng lai. Nhời biết mình có mang sau chuyến đò dọc đầu tiên cùng Thẩm một tháng.

Bệnh Quỳ nặng lắm rồi. Nhời nghỉ chuyến về chăm sóc. Nhìn Nhời bụng phườn phưỡn đi ra đi vào, nước mắt Quỳ đùn từng cục mặn đắng. Rồi Quỳ ra đi hệt anh chồng đầu của Nhời.

Chồng chết, bốn đứa con một mình Nhời gồng lên lo toan. Nhời không đi chuyến nữa. Chỉ mình Thẩm đi thôi. Lúc Nhời nằm cữ thì cũng biết tin Thẩm bị bắt vì thuyền mang cơm đen. Ôi may làm sao cơ chứ. Nhời nghĩ ngợi, thằng ấy thế nào rồi cũng đến nước ấy mà thôi. May mà nó bị bắt chứ nếu không nó giã cho mình một hai đứa con nữa thì ăn cám. Từ ấy Nhời chạy hàng hoa quả ra chợ đầu cầu nuôi con.

*

*        *

Thời gian nước chảy qua cầu. Chuyện đò dọc đò ngang đã xưa như cổ tích. Bây giờ người ta sang sông bằng cầu dây văng, cầu bê tông. Người ta lên ngược về xuôi bằng xe giường nằm cao tốc.

Bà Nhời đã vào tuổi bảy mươi. Người ta đã quên chuyện chị Nhời với anh Quỳ củi từ tám hoánh. Cũng không ai nhớ chuyện anh Thẩm đi tù vì buôn thuốc phiện. Người ta chỉ quan tâm ông Thẩm hiện giờ là một đại gia miền trung du.

Một buổi trưa ông Thẩm cởi trần ngồi xem ti vi. Có chiếc xe máy rồ ga vào tận sân. Ông nhìn ra. Quái lạ, thằng này là thằng nào mà nghênh ngáo nhỉ. Rõ cái mặt nó chưa nhìn thấy bao giờ nhưng nom quen quen. Tay trung niên ngó nghiêng căn biệt thự, lom lom nhìn chiếc ô tô Artis ông Thẩm mới mua rồi táo tợn bước vào nhà, rất tự nhiên cất giọng:

- Chào ông Thẩm.

- Anh là... là con nhà ai... ở đâu?

Tay trung niên ngồi xuống ghế cười khẩy:

- Ông phải biết tôi chứ. Ông cố tình không biết à?

- Không, rõ là tôi không biết anh là con nhà ai.

- Vậy tôi tự giới thiệu nhá. Tôi vừa ra trại trên Hồng Ca về.

Ông Thẩm xua tay:

- Không không. Tôi rửa tay gác kiếm lâu rồi. Tôi không nhớ gì, không quen ai trên Hồng Ca, không liên quan đến ai cả. Anh nhầm… nhầm đấy.

Tay trung niên cười ha hả:

- Ông sợ rồi. Tôi không đến để rủ ông quay lại giang hồ. Những ngày trên trại tôi tìm hiểu ông rất kĩ qua bạn tù. Ông cũng đáng được tôi gọi bằng bố đấy, bố Thẩm ạ. Người đẻ ra tôi là bà Nhời ông ạ. Nhờ giời bà vẫn khỏe và chỉ đường cho tôi lên đây gặp bố. Thấy cơ ngơi của bố thế này, tôi mừng. Tôi đang nghĩ nên xin bố cái gì. Thôi tôi về Hà Nội đây, dịp khác tôi sẽ lên với bố. Bố đừng tẩu tán của nả vội.

Tay trung niên đến và đi nhanh như nhau. May mà con cháu ông Thẩm hôm nay đi ăn cưới trên thành phố cả, không ai biết chuyện thằng con hoang lạ hơ lạ hoắc sồng sộc đến nhà.

Mồ hôi ông Thẩm đầm đìa. Con đò dọc xuôi đêm lại hiện về lúc đang trưa. Chả có bến neo đậu an lành cho phận đò dọc. Nó là đời nước. Nó chảy miên man. Những phận đời đò dọc cứ gắn với nhau, bền bỉ và đau đớn...

N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)