Ngụ ngôn tháng tư

Chủ Nhật, 06/10/2024 00:19

Truyện ngắn Ngụ ngôn tháng tư được viết tại trại sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ở An Giang, đó là lần đầu tiên tôi đến với miền biên giới Tây Nam Tổ quốc. Vẻ đẹp của cánh đồng mênh mang mùa nước nổi, hàng cây thốt nốt kiêu hãnh bên đường hay bạt ngàn hoa súng nở dọc bờ kênh để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Nhưng điều xúc động nhất là khi gặp gỡ những người sống trên vùng đất còn in dấu tích chiến tranh, trong sâu thẳm ánh mắt họ, tôi nhìn thấy lòng quả cảm, đức hi sinh, sự nhẫn nại và cả nỗi đau mất mát.

Những chuyến đi thực tế đã cho tôi cảm xúc để viết nên truyện ngắn lấy bối cảnh sông nước miền Tây như thế. Câu chuyện kể về hành trình đi tìm bông súng đỏ của một nhà báo quân đội trẻ tuổi dành cho người con gái mà anh yêu, cô sinh viên mang hai dòng máu Việt - Mĩ. Tôi không biết cuối cùng họ có đến được với nhau hay không, cũng giống như tôi không thể dự cảm điều gì cho ngày mai, trên mảnh đất này, khi vẫn còn đó rất nhiều điều khác biệt…

Nhà văn TRẦN THỊ TÚ NGỌC

*************

Tháng tư ngầu bụi. Không có mây. Không có mưa. Chỉ những cơn gió khô khốc đưa móng vuốt lồng lộn cào qua đám cỏ cháy. Đất trời rùng rùng. Không khí căng phồng. Vỡ toác.

Tôi đi tìm một bông súng đỏ.

Những bờ sông lở lói nhìn tôi giễu cợt. Tàu hút cát chạy ầm ầm. Đến cây to còn trốc rễ đổ xuống nữa là yếu ớt như phận sen phận súng.

Những con mương trơ lòng ngập trong rác rến. Chuột bọ không chịu nổi lăn kềnh chết trương bụng. Đám trẻ con lem luốc quệt nước mũi lòng thòng.

Bà lão bán bánh bò ở Châu Đốc nhọc nhằn chèo xuồng đưa tôi qua đầm nước sắp cạn khô. Thở dài não ruột: thật hết biết tụi trẻ bọn bây, chẳng nhớ gì ráo trọi. Muốn tìm hoa súng phải đợi đến tháng chín tháng mười, về đây khi mùa nước nổi nghen con.

Nói vậy nhưng chính bà cũng không biết mình có lẫn hay không. Đã mấy năm rồi không có mùa nước nổi. Nghe thèm bông súng bóp xổi với dấm và đường cát, thêm chút rau răm, chấm với nước mắm kho quẹt hay nước tương kho, nhắc đến đã nhểu nước miếng. Sang hơn thì tước cọng súng nấu canh cá trê, cá linh, cá sặc đồng, húp một miếng nghe đã rồn rột. Không có nước, súng quắt queo chẳng trổ nổi bông, tôm cá cũng bỏ đi hết. Đất đai mặn xót.

Tôi không nghe bà lão lẩm bẩm những gì. Tôi nghĩ đến Nguyên khi ngồi trên con xuồng luồn lách qua những đám lục bình héo rũ. Nguyên có đợi được đến mùa nước nổi?

Nước mình đâu đâu cũng ao đầm sông suối. Bạt ngàn súng tím, súng vàng, súng trắng, súng xanh. Có lần tôi bảo, nếu được chọn, anh sẽ lấy quốc hoa là hoa súng chứ không phải hoa sen. Hoa súng cũng đẹp cũng thanh chẳng kém sen, lại chỗ nào cũng có, chớ sen giờ còn mấy nỗi. Bảo quốc hoa mà phải tìm trên mạng để coi thì sao được. Nguyên bật cười: anh nói ngon ha. Ngoài đó có cái Hồ Hoàn Kiếm lại gọi tắt là Hồ Gươm. Tới lượt quốc hoa lại lấy luôn hoa súng. Tôi chịu. Nhớ có lần đi Ấn Độ, ông lão chạy xe tuk tuk khi biết tôi đến từ Việt Nam liền hỏi: Bên đó đánh nhau xong chưa? Nghe ông nói mà mình cười như mếu. Nghĩ tới đất nước mấy nghìn năm tay chẳng mấy lúc rời súng rời gươm. Máu đổ xuống biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà giờ không kiếm đâu ra bông súng đỏ.

Hay tôi về Búng Bình Thiên. Mùa này vẫn mênh mang nước?

 

Minh họa: Hải Kiên

Tháng 3/1782, Nguyễn Huệ đưa quân Nam tiến, đụng trận dữ dội với Nguyễn Ánh ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ. Nguyễn Ánh thất trận dẫn tàn quân chạy trốn xuống phía Nam, bên Tây Sơn có tướng Võ Văn Vương đuổi theo sát nút. Quân Nguyễn Ánh đi suốt ngày đêm không dám nghỉ. Tới ngày thứ bảy thì họ vượt qua một con sông lớn chảy từ Cao Miên sang. Qua xứ cù lao, tiến sâu vào một vùng mênh mông hoang địa. Xứ này vốn trước đây là đất Tầm Phong Long được vua Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để tạ ơn giúp củng cố vương triều. Dẫu các chúa Nguyễn đã ra sức khai phá, nhưng vì thủy thổ khắc nghiệt nên dân cư vẫn còn thưa thớt.

Đang giữa mùa khô, lương thực cạn kiệt, nước uống mang theo cũng hết, xung quanh rặt một màu cằn cỗi của cà na giữa sình lầy hôi thối. Quân sĩ kiệt sức gục xuống trong cơn khát cháy họng.

Đây đâu phải thời Tam Quốc, để nói rằng phía trước có rừng mơ.

Võ Văn Vương nôn nóng lập công nên tiến binh quá nhanh, tiếp viện phía sau không theo kịp. Binh sĩ vốn toàn người Bắc Hà. Kết quả cũng kẹt giữa đồng hoang.

Hai bên cầm cự nhau giữa mùa nắng lửa.

Mỗi ngày mỗi bên vài người chết. Xác chết khát đều giống nhau, cổ họng sưng phồng, nhưng thi thể không trương sình lên mà khô lại đen kịt.

Trận đó không đánh mà mấy trăm người vong mạng, tới mùa này đom đóm bay đầy bên bờ Búng Bình Thiên.

*

*        *

Chuyện hai ông tướng kìm chân nhau ở cù lao An Phú, tôi được ông Tư Ròm kể cho nghe trong một lần điền dã về miền Tây. Ông Tư chừng hơn bảy mươi tuổi, người cao khòng, lông mày hơi xếch mà sợi nào cũng mọc dài rủ xuống trông rất ngộ. Hai người một già một trẻ nhậu ngay trên sạp thuyền, giữa đồng nước mênh mông hoàng hôn xuống đỏ ối. Mồi câu gỡ ngay từ dưới hồ lên, cá sặt, cá chốt, cá rô lớp chiên lớp nướng giòn rụm.

- Vậy chớ con đọc trong sách, nghe biểu ông này hay ông kia tới xứ này mùa hạn, thiếu nước, lập đàn cúng tế trời đất rồi rút gươm đâm xuống nước ngọt trào lên thành cái búng này đó tía.

Ông lão bó gối nhìn ra mặt nước mênh mông, mấy cái cây ô môi đứng chơ vơ bên kia bờ đầm nhòa dần trong bóng tối. Giờ lâu ông mới nói:

- Chuyện đó tao cũng nghe người ta nói, ai muốn tin thế nào thì tin. Ờ nghĩ cũng hay ha. Cái xứ này hồi trước dữ lắm, toàn cá sấu rắn rết với muỗi mòng, đỉa thì nhung nhúc vô thiên. Có ai sống nổi đâu. Vậy mà mình tới đây khai khẩn. Rồi lớp này lớp nọ kéo qua đánh nhau. Người chết nhiều gấp mấy mươi lần người sống. Như cái hồi giải phóng đó, mấy ổng đụng nhau cả trăm trận, tới giờ xương cốt bốc hoài chưa hết. Nhưng ghê gớm nhất là cái đợt năm bảy tám. Cũng tháng tư vậy nè. Tự nhiên đang yên đang lành bên kia biên giới tràn sang, giết một lúc mấy nghìn mạng người. Mà toàn bằng cuốc xẻng mới ghê. Lúc đó đang giữa mùa khô, sau một đêm máu nhuộm đỏ đồng, sáng ra bỗng nhiên súng nở bông khắp xứ. Cả một vùng bạt ngàn bông nào bông nấy đỏ bầm như máu.

Đêm đó tôi trở mình mãi trên con đò chênh chao, thao thức trông ra bờ đầm tối sẫm. Xa xa, mấy chiếc thuyền câu nhà ai đèn le lói. Nhìn mờ mờ ảo ảo cứ nhập nhòa như bầy đom đóm kéo về. Những hồn oan trong trận đánh năm xưa đã siêu thoát được hay chưa. Chỉ mơ màng nghe trong mênh mang sông nước, lẫn giữa bùn non ngai ngái, thoang thoảng mùi hương bông súng đỏ.

Tôi về lại Sài Gòn, kéo Nguyên đi dạo lòng vòng cho đỡ nhớ.

Nguyên của tôi vốn dân gốc mấy đời quận Nhất. Từ thời cụ cố đã có sạp vải to nhất chợ Bến Thành. Hồi mới ngoài Bắc vào tôi gặp bà nội Nguyên, bà lão ngoài tám mươi mà da dẻ hồng hào như con gái mười tám. Hỏi bà hồi chiến tranh mình ở trong thành cuộc sống nó ra sao. Bà bảo chuyện đánh nhau bà không có biết. Lúc căng nhất thì cũng nghe bom rơi đâu đó bên miệt Thủ Thiêm, chứ dân đây cứ thường thường mà mần ăn buôn bán vậy thôi. Cho nên hồi tháng tư năm bảy lăm mấy ổng tiến vô, cậu em kêu tui chạy lên nóc nhà trực thăng nó bốc ra tàu qua Mĩ mà tui đâu có đi. Tới đận cải tạo tư sản, muốn đi lại không được nữa. Giờ già rồi, chỉ mong yên ổn đợi lúc nằm xuống trên đất mình là được đó con.

Bố Nguyên vượt biên sang Mĩ bốn năm sau giải phóng, cưới một bà người da trắng, sinh ra Nguyên. Nhưng rút cục lòng vòng rồi Nguyên lại quay về Việt Nam sống cùng bà nội. Nguyên học bên lịch sử, tôi làm báo cho quân đội. Gặp nhau, quay qua quay lại thế nào lại nói chuyện chiến tranh.

- Này anh - Nguyên khuấy cốc cà phê đã tan hết đá - mình kể chuyện gì khác đi. Chuyến nào đi về anh cũng ì ùng súng đạn với cờ bay phấp phới. Nói hoài không chán sao.

Tôi biết nói gì với Nguyên, như vô vàn những người lính tôi đã gặp, đột ngột rơi tõm vào lặng im khi tôi khẽ khàng xen vào một câu hỏi riêng tư giữa trận chiến. Vậy chớ hồi đó ở trong bưng, chú Hai có thương ai không. Hồi đó mùa nước nổi chú Ba nằm hầm làm sao, ăn uống ra sao. Cái cô giao liên dẫn chú Tư băng đồng đó tóc có dài da có trắng không. Mấy chú bỗng nhiên im bặt. Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích. Giờ có tìm cách khơi gợi lại cũng chỉ là một khoảng trống mênh mang, mất mát, hoang hoải như cánh đồng mùa nước lên sóng gợn tới chân trời.

Tôi kể Nguyên nghe về ông Tư Ròm tôi gặp bên Búng Bình Thiên. Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam ông thương thầm một cô y tá người Bắc. Thương lắm mà bởi nhiều lí do ràng rịt nên không dám nói. Quê cô hình như đâu đó bên suối Yến, tháng mười hoa súng dệt hồng hai bên bờ sông uốn mình như dải lụa. Tới khi cô bị thương nặng trong một trận phục kích, nằm hấp hối giữa trạm phẫu, biết mình không qua khỏi cô chỉ tiếc trước khi nhắm mắt không được nhìn lần cuối một bông hoa súng. Lúc đó đang tháng tư, giữa mùa khô kiệt nhất. Ông điên cuồng băng đồng lội ruộng trong tuyệt vọng, bất chấp lúc nào cũng có thể đụng địch mong kiếm về cho cô một bông hoa. Vậy mà cuối cùng ông cũng thấy. Giữa mùa nắng lửa. Nở bừng một bông súng đỏ tươi như máu.

Hết chiến tranh, ông về bên Búng Bình Thiên, sống đơn độc một mình.

Bây giờ đi dọc bờ búng, ông Tư Ròm đã mất lâu rồi, tôi không nhớ nổi chuyện đó là ông Tư kể cho tôi, hay tôi nằm mơ thấy rồi tưởng tượng ra. Nhưng thôi. Tìm hiểu kĩ ngọn ngành làm gì. Mất mát và đau thương nhiều quá, có khi phải dựa vào một cánh hoa yếu ớt để mà trụ lại giữa dằng dặc bão giông.

*

*       *

Mãi rất lâu sau này, nhiều lần qua lại dọc mạn sông Châu Đốc, tôi mới hay ông Tư Ròm cũng như nhiều người xứ này trước đi lính cho chế độ cũ, tới đận Pol Pot tràn sang, lại tình nguyện qua chiến đấu bên Campuchia. Hai cuộc chiến mang hai màu áo khác nhau, nên tới lúc hòa bình trở về, lòng có lúc chênh chao như sóng.

Bởi lòng người đâu có ai cũng bao dung được như Búng Bình Thiên, mùa khô hay mùa mưa đều có nước.

Bởi nhiều lúc tháng tư về, nhà này treo cờ đỏ loa mở tưng bừng thì nhà kia âm thầm đóng kín cửa. Đóng kín cả cõi lòng.

Bởi nhiều lúc đang yên ổn làm ăn, có người lại nhắc chuyện từ thời xa lăng lắc nào đó, một ông vua bên này dâng đất cho một ông vua bên kia, để con cháu cứ vin vào đem ra cự cãi.

Những lúc lòng rối bời như sóng, tôi lại tìm đến Nguyên. Ngồi nghe Nguyên hát Ngụ ngôn của mùa đông trong quán cà phê nhạc Trịnh: Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Từ đó ra đi/ Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Thôi ra dòng sông/ Súng nổ thật gần/ Tiếng đạn đầy hồn/ Từ đó bâng khuâng/ Nhớ thuở mẹ bồng/ Lời ru trong sáng/ Nhớ mẹ hiền lành/ Ngồi với đàn con.

Nguyên của tôi, hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu, một hình xăm hoa hồng bên vai trái. Tôi mãi mãi nhớ dáng nàng ngồi nghiêng nghiêng bên cây đàn ghi ta, nhớ đôi mắt nàng lấp lánh như hai ngọn lửa nhỏ, nhớ tiếng thở dài rất khẽ khi chỉ có hai người lặng im. Giữa Sài Gòn rộng lớn này, chúng tôi chỉ bé như hai hạt cát. Vậy mà những lần lang thang bên nhau đó, cuối cùng cũng đến tai bố mẹ tôi ngoài Hà Nội. Bố gọi tôi về Bắc, một chuyến bay dài hơn nghìn cây số, chỉ để hỏi: Bố nghe dạo này con vào trong đó giao du rộng rãi lắm phải không?

Mẹ tôi nhỏ nhẹ khuyên bảo. Con phải nhớ con là ai. Phải nghĩ tới cuộc đời cống hiến của bố con. Phải nghĩ tới vị trí mà con đang có. Rồi còn tương lai của con cháu sau này nữa.

Nhiều thứ như thế, tôi nhớ sao hết.

Tôi gánh sao nổi trên hai vai này.

Hà Nội tháng tư không quá nóng, cũng chưa inh ỏi tiếng ve, vậy mà tôi nghe đầu ong ong như sắp vỡ. Bố mẹ nhìn tôi như một kẻ sắp sa ngã, sắp đào tẩu, sắp phản bội cả gia đình dòng họ.

Tôi yêu Nguyên, tôi làm gì nên tội.

Ngày đó tôi chưa kịp hỏi ông Tư, trong cái trận đánh nhau thời Tây Sơn đó, vậy rồi tại sao cuối cùng tướng Võ Văn Vương lại tha cho Nguyễn Ánh, để ông ấy thoát ra được ngoài đảo Thổ Chu.

Tôi cũng không hỏi ông ngày đó cô y tá người Bắc có biết ông thương thầm cô không. Hay là cô cũng thương ông mà không dám nói.

Nhưng điều tôi day dứt nhất, là không biết cái bông súng đỏ đó, cái bông súng mà ông tìm được giữa tháng tư khô kiệt, có kịp mang về cho cô gái đó trước khi cô mất hay không.

*

*        *

Bà má người Châu Đốc cho tôi ở nhờ, đã ngoài bảy mươi tuổi mà chưa chồng nên người ta vẫn gọi là cô Ba. Ở vùng này ai cũng biết cô Ba bán bánh bò. Bánh của bà làm từ bột gạo, với đường thốt nốt, thêm một vài bí quyết gia truyền, dậy mùi thơm không tả nổi. Nhà bà cất ngay bên bờ kinh, sàn ghép bằng ván, đêm nằm nghe gió lùa mát rượi.

Ba giờ sáng tôi trở dậy ngồi coi bà hấp bánh bò, từ từ chuyện nọ chuyện kia rồi hỏi: Vậy chớ hồi nào tới giờ cô Ba có thương ai không? Bà cười mủm mỉm: Có chớ. Hồi xưa cô Ba cũng có thương một người. Hai bên tình cảm dữ lắm. Nhưng mà nghèo quá không đăng đối, nên thôi mình giãn ra khỏi tội người ta. Ổng không hiểu vì cớ gì mình từ chối nên buồn lắm, cứ đón đường tìm cô Ba hoài mà tui lánh mặt. Giờ ông đó còn không cô Ba? Ông mất lâu rồi con. Ông đi lính hồi năm bảy mươi cho chế độ cũ, tử trận cũng chưa vợ con gì. Nhà đó di tản qua Mĩ hết. Mộ ổng nằm giữa đồng hoang, mấy lần loạn lạc, chẳng biết thất lạc từ đời nào.

Đêm u u gió. Đom đóm bay dọc bờ kinh. Tôi nghĩ nếu trong những linh hồn xiêu dạt đó có ông người yêu cũ của cô Ba, thì lúc nửa đêm ghé qua lò bánh bò này, ông cũng chẳng nhận ra cái người mình thương mình nhớ khi xưa nữa. Người chết còn trẻ mãi. Không chừng lại hỏi này chớ bà già ơi, bà có biết cái cô tóc dài dài da trăng trắng hồi trước hay bán bánh bò ở mạn này giờ đâu rồi không. Bà già sẽ nín thinh không nói. Để mặc linh hồn ông cứ lang thang tìm hoài, tìm hoài.

Bà lão hấp xong bánh bò, dỡ ra đợi nguội. Bánh phồng lên vàng ruộm. Bà bảo tôi, cậu cũng đang thương cô nào phải không. Nhìn cái bộ dạng cậu như người thất hồn lội khắp bưng biền tìm hoa bông súng mùa này, là tôi biết đang mang tâm sự dữ lắm. Nếu thương người ta thì cứ nói ra, đừng có giữ trong lòng rồi sau hối không kịp. Quay qua quay lại đã hết một đời người.

Nguyên bảo tháng tư làm gì có hoa súng.

Cũng không bao giờ có hoa súng đỏ trên đời.

Tôi mới trở vô Sài Gòn được hai ngày thì có ngay cái giấy gọi ra Bắc học một lớp bồi dưỡng. Cứ như sau cuộc nói chuyện với thằng con sắp trở thành ngỗ ngược, bố tôi không yên lòng nên vươn dài tay ra để giữ. Bố tôi thuộc thế hệ chưa kịp hiểu tuổi trẻ là gì đã bị ném ngay vào cuộc chiến tranh khốc liệt. Do nhiều lần phải đối diện với cái chết trong chiến tranh, ông đâm ra lúc nào cũng lo sợ, cảnh giác, nhìn xung quanh thấy ai cũng nghi ngờ là giặc. Tôi thương ông, nhất là những ngày tháng tư tháng bảy thấy ông run rẩy đi thắp hương trên mộ đồng đội cũ.

Bố chỉ có một mình tôi.

Tôi có một mình Nguyên.

Nguyên chẳng có gì. Tôi muốn tìm cho em một bông súng đỏ.

*

*        *

Tháng tư nắng đỏ.

Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Tôi hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu. Ở bên Mĩ người ta bảo tôi là người Việt Nam. Về Việt Nam mọi người gọi tôi là người Mĩ.

Tên tôi là Jacqueline Nguyễn. Bạn bè thường gọi tôi thân mật là Jenny. Chỉ mình anh gọi tôi là Nguyên.

Tôi gặp anh lần đầu tiên trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Anh mặc bộ quân phục màu xanh ô-liu, vai đeo quân hàm vàng viền đỏ, trên ngực có biển họ tên. Anh là nhà báo, hôm đó được phân công đi cùng với đoàn của trường Đại học Yale.

Anh khá đẹp trai, nói tiếng Anh rất chuẩn, nhưng trông không cuốn hút, thậm chí hơi khô khan. Mãi đến chiều tối, khi gặp lại nhau trong một quán cà phê bên sông Sài Gòn với mấy người bạn chung, tôi mới thật sự bị anh thu hút bởi cái giọng Bắc pha tiếng người Nam, nghe dễ thương đến lạ. Trong cái rì rầm thổn thức của sóng nước Sài Gòn, anh nâng cây đàn ghi ta lên và hát Ngụ ngôn của mùa đông: Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi/ Nhớ về biển rộng/ Thuyền ghe lướt sóng/ Nhớ về nghìn trùng/ Nòi giống của chim.

Tôi biết mình đã tìm lại được Việt Nam, vào cái buổi hoàng hôn hôm đó.

Nhiều lúc bên cạnh anh, giữa cánh đồng miền Tây mênh mang rực vàng bông điên điển, ngắm bình minh lên từ đất mũi Cà Mau, dắt tay leo một nghìn bậc thang quanh co mây mù chùa Hương Tích, tôi ước gì mình cứ mãi mãi được như thế này. Đừng nói gì cả. Xin anh. Bởi em biết lắm những tháng tư lẽ ra đã có thể ngủ yên vẫn còn những con sóng ngầm xô dạt chúng ta về hai phía.

Nên em sẽ ra đi. Bởi tháng tư làm gì có hoa súng đỏ.

Dòng người nối dài chậm rãi bước qua quầy làm thủ tục.

- Nguyên. Nguyên ơi.

Có tiếng ai gọi từ phía sau, mắt tôi nhòa nước. Chỉ có duy nhất một người trên đời gọi tôi bằng cái tên đó.

Tôi đã bước qua bên kia cổng kiểm soát an ninh. Anh đứng ở phía bên này. Trên tay anh là một bông súng đỏ.

Chào nhé tháng tư!

Trại sáng tác do VNQĐ tổ chức tại An Giang 2017
T.T.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)