Truyện ngắn. ĐỖ HOÀNG BẢO CHÂU
Trong hai chị em, mẹ ưu ái tôi hơn cả. Đó là điều bất thường vì đa số các bậc phụ huynh thường có xu hướng quan tâm đứa con út nhiều hơn. Vốn là một đứa con gái mẫn cảm nên tôi luôn nghi ngờ tình cảm của mẹ dành cho tôi. Bố tôi mất sớm, tôi thì lại có gương mặt và giọng nói rất giống bố. Nhiều khi thấy mẹ nhìn tôi đờ đẫn tôi không khỏi thắc mắc có phải vì bà lại nhớ tới bố tôi không, nhớ người chồng xấu số mà bà đã từng rất đỗi yêu thương, chăm chút. Em gái tôi là Hà An thì mẹ chẳng quan tâm mấy, có thể vì Hà An chẳng giống ai trong nhà, nhiều khi tôi cũng thấy tội nghiệp cho nó. Nhưng bản thân tôi trong lòng cũng đâu có vui vẻ khi mẹ luôn quan tâm tới mình, vì chắc gì mẹ đã yêu tôi, rất có thể mẹ chỉ chỉ yêu gương mặt người chồng quá cố của mẹ thấp thoáng trên gương mặt tôi . Và tình yêu ấy giống như một gánh nặng bám riết lấy tuổi ấu thơ và thanh xuân của tôi. Tôi đã có thể bớt bất hạnh hơn nếu tôi là đàn ông, vì như thế tôi sẽ là một bản sao hợp lý của bố, đằng này tôi lại là một đứa con gái.
Chẳng biết từ bao giờ mẹ muốn tôi trở thành trụ cột trong nhà. Sau sinh nhật thứ 18 của mẹ bắt đầu giả bệnh và đùn đẩy trọng trách trong nhà cho tôi. Đầu tiên là việc quản lý chi tiêu trong gia đình. Dần dà bà bắt tôi phải tìm cách kiếm ra tiền rồi tiến tới gánh vác gia đình. Mẹ nằm giường nhiều hơn và gọi điện nhiều đến mức làm tôi phát điên. Dù là khi tôi ở nhà, tôi đứng ngay trước mặt mẹ, hay đi ra đầu ngõ mua mì tôm, lau dọn nhà cửa hay đi vệ sinh mẹ đều có thể gọi. Dù tôi đã nhiều lần to tiếng với mẹ nhưng chả ăn thua, thậm chí thay sim điện thoại thì cũng chỉ vài hôm mẹ lại có được số của tôi. Điều khiến tôi khổ tâm nhất là tôi luôn có ý nghĩ là mẹ không phải muốn gọi cho tôi mà thực ra là muốn gọi cho chồng của mẹ. Có phải mẹ muốn người đầu dây bên kia hồi đáp mẹ là giọng nói của cha tôi chứ không phải của đứa con gái cả này. Nhiều khi tôi cũng không rõ tôi và Hà An ai là người khốn khổ hơn. Tôi cũng không biết nó đã phải chịu đựng thế nào khi tôi đột ngột bỏ lên Hà Nội sinh sống và mỗi lần gọi điện về là một số điện thoại khác. Tôi không dám về vì sợ bị mẹ nhốt lại, không cho bước ra ngoài nhưng cũng vì sợ đối diện với em tôi. Tôi biết chắc chắn là ở cùng với người tâm lý luôn bất ổn như mẹ Hà An cũng khổ sở lắm. Nó không được mẹ yêu nhưng cũng chẳng bao giờ than phiền, nó cứ xách xe ra khỏi nhà và đi đến tối mịt mới về.Tóc nó lúc xanh lúc đỏ, mặt thì trang điểm rất đậm đến mức nhiều khi tôi cũng chẳng nhận ra nó nữa. Dù vậy không bao giờ nó dám đi quá mười giờ đêm, và khi trở về lúc nào cũng rửa mặt sạch sẽ, nằm cuộn tròn trong chăn ôm mẹ, lí nhí xin lỗi mẹ. Khi tôi dọn ra ngoài, Hà An giống như người giám hộ nhỏ tuổi hơn là một học sinh cấp hai. Tôi thật lòng mong thời gian ấy khi nó gần mẹ, mẹ sẽ nhận ra nó khao khát tình yêu của mẹ bao nhiêu và yêu thương nó hơn một chút. Thỉnh thoảng Hà An lại gọi cho tôi, lần gần đây nhất là tuần trước
Minh hoạ.
“Chị ơi, cuối tuần chị về nhé?”
“Sao đấy.”
“Mẹ bảo. Tuần này chị không về nữa, hoặc là mẹ sẽ đâm đầu xuống giếng, hoặc là sẽ lên Hà Nội tìm chị.”
“Vớ vẩn. Em còn tin được mẹ ư?”
Ngày tôi chuyển ra ngoài, mẹ cũng doạ nạt như vậy. Bà thậm chí còn kề dao ngay cổ. Nhưng hôm ấy tôi chẳng ngăn mẹ lại. Tôi nhìn xoáy vào mẹ không chớp mắt. Mẹ cũng thấy tôi chẳng còn giống người chồng hiền lành mực thước ngày nào nên buông dao sợ hãi : “ Anh ơi em sai rồi, em van anh ngàn lần anh đừng bỏ em”. Vậy là đã rõ, mẹ chẳng hề yêu tôi. Mẹ chẳng yêu ai ngoài người chồng đã mất mà hình ảnh người chồng đó lại luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thân xác tôi
“Vậy còn em? Chị còn muốn gặp em nữa không?”. Tiếng của Hà An trên điện thoại lại vang lên khiến tôi quay trở lại thực tại. Tôi im lặng vì chẳng biết phải trả lời em thế nào
“Vậy là chị sẽ từ mặt mẹ và cũng từ mặt em?”
Tôi nghe giọng Hà An run rẩy. Tôi biết tôi sẽ phạm sai lầm, sẽ hối hận và trằn trọc đến mười năm nữa nếu giờ tôi cúp điện thoại và bỏ mặc nó như những lần trước. Nó còn nhỏ nhưng không phải không nhận thức được sự lảng tránh từ phía tôi.
“Không. Chị sẽ về chiều chủ nhật nhưng chỉ một lát thôi, chị sẽ không ở lại ăn tối.”
“Thật ạ? Vâng, vâng ạ.”
Lần này thì nó cúp máy. Tôi đoán nó phải sung sướng lắm. Tôi về nhà tức là tâm trạng mẹ sẽ khá hơn. Sao nó ngốc vậy. Mẹ có quan tâm đến nó đâu, sao cứ phải cố làm vừa lòng mẹ làm gì…
Thế rồi tôi cũng gặp mẹ và Hà An không phải vào chủ nhật mà còn sớm hơn đến mấy ngày. Mẹ gặp tai nạn, và xe cấp cứu đưa mẹ lên Hà Nội ngay trong đêm. Khi tôi vào viện thấy Hà An mặt đầy lo lắng và sợ hãi. Mẹ nằm bên cạnh chằng chịt các loại dây gắn với đủ máy móc cùng mấy dòng thông số hiện thị lên xuống liên tục. Thấy hơi thở mẹ đang yếu ớt, thoi thóp như cá mắc cạn, tôi mới nhận ra là mẹ đang trong tình trạng rất xấu. Hà An lao vào ôm chầm lấy mẹ và bắt đầu khóc nức nở. Còn tôi chỉ đưng đực ra đấy. Lúc này đây tôi không biết phải đối diện với mẹ thế nào hay nói với mẹ điều gì. Mắt tôi khô khốc. Mẹ bỗng mở mắt nhìn tôi trân trối, có vẻ như mẹ vẫn nghĩ tôi là bố. Nhưng sau đó mẹ lại nở một nụ cười rất mãn nguyện, rất ít khi mẹ lại có nụ cười ấm áp thân thương đến thế. Một cảm giác rất lạ nhói lên trong tôi. Sau đó mẹ trút hơi thở cuối cùng. Tôi đứng thẫn thờ thêm một lúc, tôi cũng không rõ sao mẹ nhìn tôi như thế rồi lại nở một nụ cười khác lạ như thế. Mẹ giờ đã thoát đi, đã cởi bỏ được tất cả, chỉ còn tôi mắc kẹt lại giữa những câu hỏi tự vấn mà không thể tìm được câu trả lời chính xác. Liệu đó có phải nụ cười dành cho hai con gái tội nghiệp của mẹ không?
Ngoài cửa sổ nắng rọi qua vàng rực, nắng bò lên người mẹ, nuốt chửng lấy mẹ. Hy vọng nắng sẽ dẫn đường cho mẹ về nơi có người chồng mà mẹ đã ngày đêm mong nhớ. Tôi nắm chặt tay Hà An, con bé vẫn khóc nức nở. Nó chẳng hề quan tâm tới việc nụ cười cuối cùng của mẹ là dành cho nó hay không, nó chỉ thấy rất đau khổ vì sẽ không bao giờ còn được chăm sóc người mẹ mà nó rất đỗi yêu thương. Còn tôi, dù được mẹ yêu thương hơn nhiều lại câm lặng tự dày vò mình bằng vô số câu hỏi. Tại sao mình lại sợ mẹ đến thế, tại sao Hà An dù không được yêu thương lại khóc rất nhiều khi mẹ mất, tại sao chúng tôi lại có một người mẹ bất ổn, và tại sao chúng tôi có thể gắng gượng đến giờ phút này khi nội tâm luôn có nguy cơ vụn vỡ? Và tôi có quá bất công với mẹ không khi ở trong tình trạng bất ổn như vậy mẹ vẫn cố gắng nuôi dưỡng chúng tôi cho đến khi tôi vừa tròn 18 tuổi. Chỉ tới khi đó mẹ mới hoàn toàn buông tay chìm hẳn vào thế giới hoang tưởng mà bà đã tạo ra cho riêng mình
Đ.H.B.C
VNQD