. HỮU VIỆT
Tên đầy đủ của cha tôi là Trần Hữu Mai, sinh năm 1926 (không nhớ ngày) tại Hàm Rồng, Thanh Hóa. Sau này, ngày và tháng sinh ghi trong lý lịch được cha tôi lấy theo ngày gia nhập quân đội. Gia đình cha tôi đã ba đời gần nhất ở phố Hàng Cấp, thành phố Nam Định. Quê gốc của ông là làng Đông Trụ, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Một lần về thăm quê tổ, ông thấy làng Đại Hoàng, quê nhà văn Nam Cao, ở gần bên. Nhà văn Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Trí, cùng họ với cha tôi, nhưng không rõ có quan hệ họ hàng gì không.
Những năm trước cách mạng, gia đình ông nội tôi rất túng thiếu. Ông nội thường mất việc, luôn luôn phải đi tìm nơi làm việc mới ở những công ty tư nhân người Pháp. Gia đình ông tôi như một con thuyền trôi dạt từ Nam Định vào Vinh, ra Thanh Hóa, quay về Nam Định, ra vùng mỏ Vàng Danh, về Hải Dương, rồi lên Hà Nội những năm trước cách mạng. Cuộc sống khó khăn khiến cha tôi sớm biết lo âu, buồn chán vì thực tại ngột ngạt và tương lai không hứa hẹn gì.
Khi ông tôi đưa gia đình chuyển lên Hà Nội, cha tôi tiếp tục theo học Thành Chung ở đây. Đầu năm 1946, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, như phần lớn học sinh, sinh viên Hà Nội thời đó, cha tôi vào tự vệ thành, tham gia chiến đấu tại Liên khu 2, thành phố Hà Nội. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời ông. Sau khi quân ta rút khỏi Thủ đô, ông bắt đầu tham gia quân ngũ, lên đường kháng chiến.
Đầu năm 1948, cha tôi công tác tại Phòng chính trị Trung đoàn 17, đang chuẩn bị chuyển thành Đại đoàn 308, phụ trách tờ báo Quân Tiên Phong của đại đoàn. Vì làm báo, ông được dự tất cả những chiến dịch lớn của đại đoàn. Từ đây ông bắt đầu suy nghĩ và dự định sẽ dành cả cuộc đời để viết về người lính, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ta
Hết kháng chiến chống Pháp, cha tôi về tạp chí Văn nghệ quân đội của Tổng cục Chính trị, và bắt đầu tập trung vào hoạt động sáng tác. Năm 1957, ông tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn, chính thức trở thành người viết chuyên nghiệp. Ông đã viết đều và khá nhiều. Đến nay di sản văn chương ông để lại hơn 60 đầu sách, trong đó có những bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập.
***
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cha tôi được cử đi tham gia công tác Cải cách ruộng đất, lúc đầu ở một đội công tác, sau đó về bộ phận sửa sai. Năm 1957, cuốn sách mà ông không dự kiến trước ra đời: Những ngày bão táp. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, viết về sai lầm trong cải cách ruộng đất, những ngày bão táp trong đời sống nông thôn. Trong mạch sách xuyên suốt tập trung vào đề tài chiến tranh của ông, Những ngày bão táp có vẻ như tách ra, nhưng vẫn nằm trong cái chung là sự say mê đi vào những vấn đề thời sự nóng hổi, những chủ đề càng phức tạp trong cuộc sống.
Năm 1961, Cao điểm cuối cùng viết về chiến dịch Điện Biên Phủ ra mắt bạn đọc với danh nghĩa là một tiểu thuyết. Cuốn sách đã đề cập đến những ác liệt và mất mát trong chiến tranh trước đó văn học vẫn né tránh. Và đặc biệt lần đầu đề cập tới những mặt tiêu cực trong chiến tranh, một cán bộ tiểu đoàn trong giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến đấu trên đồi A1 đã bỏ chạy. Nó đã được những bạn đọc thời đó, nhất là những bạn đọc trong quân đội, đón chào vì tính chân thực, và chất anh hùng ca của tác phẩm. Một số nhà sử học nước ngoài đã viện dẫn những chi tiết trong Cao điểm cuối cùng để minh họa cho những công trình nghiên cứu về Điện Biên Phủ. Có thể coi, từ Cao điểm cuối cùng đã hình thành một cách viết về đề tài chiến tranh của riêng nhà văn Hữu Mai cho đến sau này: tôn trọng sự thật lịch sử tới mức tối đa.
Năm 1964, Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên miền Bắc. Sự xuất hiện của trung đoàn máy bay phản lực tiêm kích đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà văn. Nhưng đây là một binh chủng rất khó tiếp cận, vì phải tuyệt đối giữ bí mật. Những quy định chặt chẽ lúc bấy giờ đã ngăn những nhà văn đến với không quân, hoặc chỉ đến một thời gian rồi lặng lẽ rút lui. Nhưng đối với cha tôi, càng ở với không quân, ông càng say mê cuộc sống và chiến đấu của những con người tuyệt vời, và dần trở thành người thân thiết của nhiều chiến sĩ phi công. Cái khó là nên viết về họ như thế nào trong lúc cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Với không quân, ông chọn khai thác những cái đẹp trong cuộc sống và chiến đấu của người lái. Một cái đẹp không cần tô vẽ, đó lòng yêu Tổ quốc, đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng cùng với chiếc máy bay biến thành một quả tên lửa để tiêu diệt máy bay địch. Bộ ba tiểu thuyết Vùng trời đã được bạn đọc đón nhận hồ hởi hơn cả Cao điểm cuối cùng, có thể vì đề tài mới lạ, những nhân vật mới, và ngòi bút của ông cũng đã trưởng thành hơn. Thời gian viết bộ tiểu thuyết kéo dài suốt 8 năm.
Có người nhận xét, hiện thực cũng như các nhân vật trong Vùng trời quá đẹp, có vẻ như nó đã được tạo ra bằng một bút pháp lãng mạn. Trong những lần trò chuyện, cha tôi nói lại rằng, cuộc sống một số nguyên mẫu ngày đó, sau này khi đất nước đã hòa bình có thể thay đổi, nhưng trong chiến tranh, họ đã sống như cha tôi đã viết. Đó chính là lý do, Vùng trời đã được nhiều cán bộ, chiến sĩ không quân coi là một pho sử sống động về đơn vị mình. Nhiều học sinh, thanh niên thời ấy đã khao khát phấn đấu trở thành phi công từ cảm hứng của cuốn tiểu thuyết này.
***
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ và sau đó một số năm, tuy đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp, nhưng cha tôi vẫn công tác như một phóng viên của tạp chí Văn Nghệ quân đội. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là viết bài cho tờ tạp chí ra hàng tháng. Kế hoạch viết sách phải làm xen kẽ, theo cách tranh thủ thời gian. Ông đi những chuyến công tác xuống các đơn vị phòng không, không quân, tuyến lửa khu Bốn, chiến trường Trị-Thiên... Mỗi lần đi về, ông thường viết những ký sự, phóng sự hoặc những truyện ngắn cho báo. Đây cũng là cách xử lý bước đầu những tài liệu ông thu thập chuẩn bị cho những cuốn sách dài hơi. Có thể kể đến các tập sách là kết quả của những chuyến đi “làm báo” này: “Đồng đội” (1962), “Phía trước là mặt trận” (1966), “Dải đất hẹp” (1967), “Trận đánh cuối cùng” (1976), “Bưu ảnh vùng đất mới” (1978)... Tuy nhiên, viết truyện ngắn và ký sự theo cách nói của cha tôi, chỉ là để “lấy ngắn nuôi dài”.
***
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nhà văn trong quân đội có điều kiện tiếp cận hồ sơ của những chiến sĩ tình báo thời chống Mỹ.
Cha tôi chú ý tới câu chuyện của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Ông may mắn được tiếp xúc với những tài liệu vô cùng phong phú có liên quan đến vụ án của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, của CIA, rất nhiều báo chí xuất bản tại Sài Gòn thời đó, và cả cuộc kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ kéo dài sau khi ông Nhạ từ phía bên kia trở về. Là người mê tiểu thuyết trinh thám, nhưng khi viết Ông cố vấn, cha tôi hầu như hoàn toàn không chú ý đến những thủ pháp mà những nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám thường dùng. Ông vẫn làm theo cách một người viết sử thi với nhân vật trung tâm xuyên suốt bộ sách là Hai Long, cũng là Vũ Ngọc Nhạ, Vũ Đình Long, Hoàng Long, Hoàng Đức Nhã.
Ông Cố vấn ra đời, được phát hành trên bốn trăm ngàn bản/năm là một hiện tượng hiếm có về loại sách này, trong thời điểm, không riêng ở Việt Nam. Là tác giả Ông cố vân, năm 1989, cha tôi đã được mời đi dự Đại hội thế giới lần thứ nhất thành lập “Hiệp hội những nhà văn viết truyện trinh thám”, mặc dù ông chỉ mới có một tác phẩm đầu tiên được coi là thuộc thể loại này.
***
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị chủ trương cho xuất bản một tập hồi ký của các tướng tá đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Cách làm lúc đó là mỗi nhà văn gặp một cán bộ, nghe kể rồi ghi lại, thành những hồi ức cặp đôi: “người kể, người ghi”. Cha tôi được chọn để giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc này.
Ông kể lại, lần đầu gặp Đại tướng, ông thấy ở Anh Văn sự trang trọng, mực thước của một nhà sư phạm, sự thân mật, chân tình của người anh lớn đối với một người em nhỏ, bổ sung thêm cho hình ảnh đồng chí Tổng tư lệnh, nhà chỉ huy chiến lược trong chiến tranh mà cha tôi đã tìm hiểu nhiều năm.
Đại tướng đưa cho cha tôi một đề cương 15 điểm, mỗi điểm ghi vắn tắt vài chữ, như: Hội nghị Bộ chính trị, Đường ra mặt trận, Đêm trăng bên bờ suối..., Bữa tiệc bánh cuốn. Đại tướng nói thêm về những đề mục cụ thể cách diễn đạt ngắn, rõ vấn đề, không thừa một câu và kết thúc: “Viết độ 15 chương”. Cha tôi nói: “Thưa anh, cũng phải 15 chương. Nhưng thời gian chỉ còn một tháng!”. Đại tướng nói: “Anh hiểu lầm rồi, tôi người miền Trung, nói chương là trang”. Cha tôi: “15 trang không thể nói hết nội dung này...” Đại tướng mỉm cười: “Cứ làm đi rồi xem”.
Cuối buổi làm việc, cha tôi đề nghị, vì thời gian quá gấp, mình cũng đã có một số tư liệu về những điều Đại tướng đã nêu trong đề cương, nên sẽ tranh thủ viết ra trước để gợi ý, nhớ lại các sự việc, sau đó sẽ sửa chữa lại theo ý của Đại tướng và được Đại tướng vui vẻ đồng ý. Đến ngày cuối cùng của hẹn một tháng, nhà xuất bản nhận được bản thảo: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, khoảng một trăm trang. Đây chính là phác thảo đầu tiên cho cuốn sách “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” sẽ được hoàn thành ba mươi lăm năm sau đó.
Để kỷ niệm cho đợt làm việc này, Đại tướng đã tặng cha tôi một cuốn sách với dòng chữ: “Chúc Hữu Mai viết văn hay, tiến mãi về phía trước trên con đường văn nghệ của nhân dân, của dân tộc, và để ghi nhớ những ngày đầu của mối “duyên nợ văn chương” đầy hứa hẹn”.
Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1964), và nhân ngày giỗ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970), cha tôi tiếp tục giúp Đại tướng thể hiện hai tập hồi ức: “Từ nhân dân mà ra” và “Những năm tháng không thể nào quên”. Khi làm công việc này, cha tôi mong muốn tìm hiểu thêm về những vấn đề lớn của chiến tranh, và tích lũy thêm tài liệu để xây dựng hình ảnh đồng chí Tổng tư lệnh trong bộ sử thi tương lai. Đại tướng đã đồng ý với đề nghị của cha tôi, là viết tiếp bộ hồi ức về kháng chiến chống Pháp, mà đây là hai tập mở đầu.
Cha tôi kể lại, ngay từ tập hồi ức đầu tiên, Đại tướng đã không đồng ý sử dụng công thức “người kể người ghi” như những hồi ký cặp đôi khác; cách này chỉ thích hợp với việc kể và ghi lại những kỷ niệm nho nhỏ, chứ không thích hợp với những công trình mang tính tổng kết, được trình bày dưới dạng hồi ức. Những người làm công việc này phải có công phu nghiên cứu nghiêm túc toàn bộ tiến trình chiến tranh ở cả hai phía ta và địch, dựa trên những văn bản, những nhân chứng sống, phải tự mình phát hiện những vấn đề mới để có những đóng góp thực sự với lịch sử.
Thực ra, đây là một công trình tổng kết về chiến tranh có tính tâm huyết của đồng chí nguyên Tổng tư lệnh, nếu không do một cơ quan tiến hành thì cũng phải do một bộ phận cán bộ được chỉ định với những phương tiện làm việc nhất định. Nhưng lúc này, cơ quan văn phòng của Đại tướng rất ít cán bộ, lại bận bịu nhiều với công việc thường xuyên. Chỉ còn Đại tướng và cha tôi thực hiện bộ sách, khi mà tuổi Đại tướng và cha tôi cũng đã cao.
Tuy trước đây cha tôi đã chuẩn bị nhiều cho việc viết bộ sử thi của riêng mình, nhưng bộ hồi ức của đồng chí Tổng tư lệnh mang một tầm vóc khác và có những yêu cầu riêng. Ông phải đọc lại hoặc đọc tiếp nhiều công trình tổng kết mới của ta, một số sách mới của những nhà sử học nước ngoài, và bổ sung thêm những tài liệu từ nhiều nguồn ở trong nước, cũng như quốc tế, trong đó có hồ sơ của những nước tham chiến mới được giải mật.
Yêu cầu của Đại tướng là bộ sách phải bảo đảm tính chính xác, có tính “toàn diện”, “toàn quốc”, không thiếu những chiến trường quan trọng, những con người tiêu biểu, nhiều trận đánh cần được miêu tả cụ thể.
Với loại hình hồi ức, ngoài tính khoa học, tính chân xác lịch sử, giá trị tổng kết, bộ sách còn phải mang cách cảm nghĩ, cách nhìn, tầm nhìn, văn phong... của Đại tướng. Đại tướng là một nhân cách đặc biệt, rất thông minh, giàu nghị lực, có tư duy rất biện chứng, luôn luôn nghĩ đến cái chung tới mức cầu toàn, kết hợp với một tâm hồn giàu tình cảm, dễ rung động, không muốn làm ai bị tổn thương. Đại tướng yêu cầu nội dung từng chương, từng đoạn, thậm chí từng câu phải rõ ràng, câu văn giản dị, không dùng cách diễn đạt tiêu cực; không thích những dấu chấm lửng, đôi khi cả những dấu nháy, rất ghét những câu chữ lặp lại…
Sau bước sưu tầm, hệ thống tài liệu và trao đổi với tác giả, cha tôi thường viết một mạch từ đầu đến cuối nhằm thể hiện những chủ đề lớn, những ý lớn, cũng là giữ hơi văn, lúc đầu chưa quá câu nệ đến câu chữ, chi tiết. Sau đó trên cơ sở bản thảo đã có, viết tiếp lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm... Có những chương quan trọng viết cả chục lần. Mỗi lần viết xong, cha tôi gửi bản thảo cho Đại tướng. Với những bản thảo đầu, Đại tướng chỉ cho ý kiến về những vấn đề lớn hoặc những gì cần điều chỉnh trong bố cục. Đến những bản thảo sau, Đại tướng mới chú ý tới câu, chữ, dấu chấm câu.
Tuy vậy, phải qua mười lăm năm chuẩn bị và hoàn chỉnh, cuốn "Chiến đấu trong vòng vây" (1995) mới ra đời, là tập thứ ba tiếp theo hai tập đầu là "Từ nhân dân mà ra" và "Những năm tháng không thể nào quên". Cuốn thứ tư: "Đường tới Điện Biên Phủ", và cuốn thứ năm: "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" được hoàn thành khá nhanh liên tiếp trong hai năm 1999-2000.
Sau này có lần cha tôi đã nói với tôi, những tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông dành nhiều chục năm thể hiện, chiếm tới nửa sự nghiệp văn học của ông.
***
Cha tôi quan niệm, cuộc sống nếu muốn trở thành văn chương, phải được tái tạo, bởi thực ra, không có một tác phẩm văn chương nào trùng khít với sự thật ngoài cuộc đời. Nhà văn cần có cái nhìn yêu thương đối với con người, muốn cho con người mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Phần lớn những nhân vật của cha tôi đều có nguyên mẫu trong cuộc đời. Khi viết, ông chỉ điều chỉnh lại những thực tế cuộc sống của nhân vật cho phù hợp với câu chuyện, với chủ đề. Khác với những nhà văn cùng thế hệ, những gì cha tôi đã viết dù dưới dạng tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn… đều ít nhiều mang tính ghi chép lịch sử. Ông chia sẻ mình không dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi những cái mới trong nghệ thuật; bản thân ông không có nhiều tham vọng văn chương, vì thế hệ ông không có thời giờ để làm công việc này. Ông chỉ mong ghi lại được thật nhiều về một giai đoạn lịch sử mà ông cho là đẹp nhất của dân tộc ông đã có may mắn được chứng kiến. Mảng tiểu thuyết tư liệu, ký sự lịch sử tiếp tục được ông viết và khá thành công, đó là: “Người lữ hành lặng lẽ” (800 trang), “Không phải huyền thoại” (600 trang)… Cha tôi luôn thấy mình còn còn nợ một mảng lớn về đề tài chiến tranh. Ông đã làm việc bên bàn viết tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Riêng tác phẩm “Không phải huyền thoại” chỉ xuất bản sau khi cha tôi đã đi xa mấy tháng. Tôi tìm thấy bản thảo trong máy tính của ông, và đưa tới nhà xuất bản. Đến nay, cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã được tái bản mười mấy lần và chắc sẽ vẫn còn tiếp tục được tái bản.
Nhà văn Hữu Mai đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợi I (năm 2001) cho các tiểu thuyết: Vùng trời, Ông Cố vấn, Cao điểm cuối cùng; và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt V (năm 2017) cho các tiểu thuyết: Đêm yên tĩnh, Người lữ hành lặng lẽ.
H.V
VNQD