Những ngôi sao vẫn sáng

Thứ Sáu, 01/11/2024 10:09

. NGUYỄN THỊ LOAN
 

Những vì sao phía trên cánh rừng già âm u của dãy Trường Sơn cuối mùa khô lặng lẽ rực lên. Cô đơn, âm thầm nhưng cũng đầy tự mãn. Ánh sao đã trở thành những gì thân quen còn lại của Huân mỗi đêm. Bầu trời quê Huân cũng thế này, có lẽ bớt sáng hơn bởi nơi đây tương phản với nó, phía dưới nơi Huân đang nằm, chìm ngập trong bóng tối cây rừng.

Minh họa: Đỗ Dũng

Huân ôm hai khẩu tiểu liên Tuyn, gác nòng khẩu AK lên gối. Vết thương ở bả vai nhức nhối, nhưng máu trên vai bên này không phải của Huân. Anh Hải đã hi sinh khi cả hai bị truy kích lạc khỏi đội. Máu anh thấm sang vai Huân lúc Huân dìu anh đến một gốc mít lạ lẫm mọc giữa rừng tràm. Anh đưa khẩu Tuyn của mình cho Huân, cả khẩu AK đang khoác trên vai.

“Tìm tiểu đội, đừng lạc...”

Anh lịm đi vì mất máu. Máu phun thành dòng từ động mạch dưới cổ. Người anh run bần bật cho đến lúc môi chuyển sang bợt bạt. Máu tanh đánh thức cơn cuồng loạn của lũ muỗi rừng. Những con muỗi vằn phấn đen tụ lại, tấn công vào Huân, vào xác anh Hải đang bất động. Chúng bu quanh chỗ đất đã thấm máu. Huân đứng lên khi nhìn thấy xác muỗi dính ở vệt máu đọng trên chiếc lá khô. Cạnh đó, cây mít bị cụt ngang thân đâm ra những tán xanh rờn ngay dưới vết cắt. Huân đã từng nghe kể, có một cây mít ở khu này bị phạt nửa thân khi năm người, trong đó có hai chị thanh niên xung phong đang chuẩn bị mắc võng nghỉ thì bị bom B52 dội hi sinh. Cây mít không chết, nhưng vĩnh viễn không ra quả, không biết có phải nó không... Trong khi Huân đào hố ngay dưới gốc cây để anh Hải nằm lại, đám muỗi không ngừng vo ve bên cái xác, hung hãn cắm những chiếc vòi sắc nhọn vào những mạch máu đã nguội lạnh. Huân thấy cứng ngắc trong cổ họng. Cái khát ở rừng thật mòn mỏi và khốc liệt. Huân nhìn lên bầu trời. Qua khoảng lá thưa thẫm màu đêm, một làn mây lạnh vuốt qua, chòm Cái Gầu khẽ rùng mình, chúng rực lên như những ánh nhìn từ phương Bắc.

Hai hôm rồi, Huân chưa tìm ra đường mòn. Môi Huân khô cứng và toác máu. Đói khát, mệt mỏi, những nỗi lo lắng vắt kiệt dần sức lực và sự tỉnh táo. Từng khớp xương trên cơ thể trai tráng của Huân rã rời, khô cứng. Huân nằm xuống, vơ đám lá khô mục để gối đầu. Tiếng muỗi vo ve xa mờ, Huân chập chờn chìm vào giấc ngủ mê mệt, nhưng chẳng mấy chốc đã phải thức giấc vì chúng kéo đến quá đông với những tiếng vo ve dai dẳng, những vết châm sắc lạnh và ngứa ran. Một tiếng cú rúc vang lên buồn thảm. Lũ côn trùng rỉ rả. Một con bò sát lầm lụi bò âm thầm dưới thảm lá sột soạt khe khẽ. Rừng già yên ắng nghe ngóng. Sự đe dọa không thành hình, thành tiếng, ẩn trong những tầng tối sâu hút. Tiếng cành cây gãy rơi vụn trên lá khô như bàn chân kẻ do thám. Đêm mênh mang nén thành khối đen đặc tù đọng dội ngược vào người. Huân nhìn những vì sao lúc bất động, lúc khẽ rung rinh, vẩn vơ nhớ những đêm đầy sao như vậy bên đình làng quê, gió sông Ngũ Huyện thổi miên man, cùng Huân say theo điệu quan họ ngọt ngào…

Vùng Kinh Bắc quê hương Huân, những câu hát ngọt lịm, chẳng cần rượu mà chất men say chếnh choáng ngấm vào từng thớ thịt. Những đứa trẻ nơi đó lớn lên bằng câu quan họ. Lên năm đã nằm lòng các câu ca quen thuộc, theo người lớn đi xem hát hội, hát canh; ngắm các liền anh liền chị mặc áo năm thân, mớ ba mớ bảy, đội khăn xếp, khăn thâm. Áo mớ ba mớ bảy mặc trong, áo the mặc ngoài, chân đeo guốc mộc, tóc vấn vành khăn, một nghi lễ trịnh trọng. Đã đứng lên với câu quan họ thì làm sao phải đẹp mắt người xem, phải đẹp lòng người đứng đối. Những câu hát chúc, hát mừng, hát thờ chảy âm ỉ trong từng tế bào và tâm hồn những người Kinh Bắc như Huân. Huân nhớ ngôi nhà đất thoảng mùi lá mới, nằm nghe tiếng gà gáy ban trưa, tiếng xoài rụng sau nhà… Khi Huân đi, đình làng xiêu vẹo, đổ nát bởi bom dội. Miền Bắc giải phóng, Kinh Bắc vá lại những vết thương trên thân thể, nhìn về phía miền Nam vẫn mịt mù khói lửa. Và giờ thì Huân đang ở Quảng Trị, sau những ngày dò dẫm tìm đường… Huân khẽ nén tiếng thở ra, đã đến ngày tập kết vũ khí để bàn giao các đồng chí Liên khu 5. Đồng đội của Huân còn những ai, họ đã đến kịp chưa?

Trời sáng dần, Huân đứng dậy, mò mẫm xóa dấu vết trên đám lá khô. Bụng réo òng ọc khi chỗ lương khô đã cạn kiệt. Huân trẻ nhất tiểu đội, chưa tới đôi mươi, vẫn còn có thể chịu đựng. Nhưng quả thật, đói khát và mệt mỏi đang bào dần sức lực, tâm trí Huân. Cảm giác mù mờ, hỗn độn bắt đầu xâm chiếm. Lúc nãy, Huân đã không còn giật thót khi nhìn thấy con rắn xanh buông đầu xuống tán cây ngay chỗ mình vừa nghỉ chân. Những cái cây lúc xa lúc gần, và chân nhiều lần bước hụt. Sự mệt mỏi nhấn chìm người ta một cách êm ái, cám dỗ, ảo mị. Nhìn lên không trung, đến khi mắt hòa vào tàng cây xanh và thôi không chớp nữa. Mặt đất êm ái vỗ về, thân thể tan vào không khí. Nhẹ nhàng, mê hoặc, buông xuôi. Huân không quan tâm tới cái chết mà chỉ mong ngay cả khi mình đã hi sinh, đồng đội vẫn có thể tìm được những khẩu súng mình đang mang theo người.

Có tiếng động, tâm trí Huân thức tỉnh như hòn đá ném xuống mặt nước tù đọng một sớm đặc sương. Vô thức, anh quờ lấy cây súng, cố gắng ngóc đầu lên. Chập chờn có thứ gì đó lay động. Hình như có bóng người. Tất cả lại mờ dần, lịm đi, sau đó lại từ từ hiện lên. Một dáng ai đó quen quen… Ai nhỉ? Là chị Hoa thì phải. Chị Hoa! Đúng rồi. Nhưng sao chòng chành thế kia? Chị đang đứng trên thuyền trôi trên dòng Ngũ Huyện quê Huân hát đối. Tiếng hát lớn hơn, rõ dần. Những hình ảnh mù mờ dần trở nên rõ nét… Huân thấy mình ở trong không gian ấy. Giọng ca ngọt ngào và dịu dàng của những người phụ nữ vùng Kinh Bắc. Khuôn mặt trái xoan của chị Hoa trắng hồng dưới chiếc khăn đen làm bằng vải the thâm. Tên chị cũng giống người vậy. Chị là đóa hoa đẹp nhất vùng quan họ. Những buổi hát hội lộng lẫy, rực rỡ. Những tà áo nhiều sắc màu thấp thoáng sau làn the mỏng, những đôi tay búp măng thon nhỏ đưa theo lời hát, những chiếc ô đen của các liền anh đầy khát khao, chờ đợi. Nghiêng về chiếc ô nào, đầu tựa vào vai, dưới dòng Ngũ Huyện sóng sánh đãi trăng? Những lời nhắn gửi trao ngọt ngào để người về mang theo nỗi nhớ nhung. Chị Hoa cười nhìn Huân, chị không chọn chiếc ô nào. Chị đội nón quai thao bước ra về, dáng người cao thon nhỏ mờ đi dưới ánh trăng. Huân đi theo đôi guốc và tà áo chị từ đình làng, qua Chùa Dâu, Bút Tháp, qua Giếng Ngọc, qua làng gốm Phù Lãng, qua Đền Đô về đến Thuận Thành… Nỗi nhớ về chị cứ dài thêm mãi.

Nhà chị có một khoảng sân rộng. Một bên là dãy nhà lá có chiếc chõng tre ngay gần cửa. Bức tranh mục đồng chăn trâu vô tư lự, đám cưới chuột rộn ràng thấp thoáng sau bàn nước, từ ngoài nhìn vào đã thấy sự đơn sơ, thanh đạm mà bình yên. Góc bên kia, những gốc xoài, nhãn đã nhiều năm tuổi, cạnh đó phơi nhiều mảnh vải đủ các màu sắc vừa nhuộm. Gió vờn những tấm vải rực rỡ, vờn mái tóc dài mượt, đen nhóng nhánh khi chị buông vành khăn vấn. Chị bắt gặp ánh mắt Huân phía bên kia hàng rào duối xanh ngắt lấm tấm những quả vàng nhỏ chín mọng. Chị không ngại ngùng, nở nụ cười thật tươi.

Một khoảnh khắc nhập nhòa… rồi Huân lại thấy mình đứng bên con sông quê mình. Huân đứng trên bờ vẫy chị Hoa, chẳng biết chị có nhìn thấy Huân không, nhưng tâm hồn Huân nhẹ bẫng. Sương mù tràn mặt sông, chúng ùa từ mây khói trên cao xuống hay bò ra từ những bờ, bụi cây quanh bến vắng? Vùng Kinh Bắc nghiêng mình ngủ, thở đều đều phả vào sương. Trong cái nhẹ nhàng mông lung ấy, chiếc thuyền của chị ghé vào. Huân bước lên. Chị cười. Huân cũng cười theo…

“Tỉnh rồi kìa! Tỉnh rồi”... có tiếng người đâu đó. Sương mù từ từ tan ra. Huân chầm chậm khẽ nhích mí mắt. Một khoảng không nhỏ ùa đến. Không có lá rừng. Đầu tiên là mảnh vải dù xanh. Rồi khuôn mặt con gái. Không phải một mà đến mấy người. Huân sững sờ chớp chớp mắt định thần. Những gương mặt dịu dàng rõ dần dưới vành mũ tai bèo, bộ quân phục xanh. Rồi những tiếng cười nói lảnh lót như chim khiến Huân lâng lâng nhẹ bẫng. Một cái gì đó vỡ òa sung sướng trong lòng.

Rừng Trường Sơn bao la, nhìn lên thấy nắng kẻ qua hàng cây những vệt mỏng mảnh như muôn dải lụa mượt vàng óng buông xuống. Gió ở đâu đã về, rì rào kể những câu chuyện mơ màng chốn xa xôi. Buổi chiều ấy đã in vào Huân, đổ bóng thăm thẳm vào ký ức. Trong những ngày tháng qua, từng người đến và đi. Những khuôn mặt Huân chưa từng tưởng tượng, những con người từng xa lạ, nhưng một ngày nào đó bỗng trở nên thân thiết. Họ đến khắc vào cuộc đời Huân, treo lên bức tường kỉ niệm những khung hình kí ức không phai.

Cuộc hội ngộ giữa lằn sinh tử ấy, với Huân, vượt qua sức tưởng tượng. Hiện thực như đi ra từ kí ức. Cho đến lúc này, Huân vẫn chưa thể tin nổi. Có những sự ngẫu nhiên mà ta không thể ngờ tới, và chỉ có thể giải thích bằng một từ: số phận. Số phận đã cho Huân được gặp các chị ở một nơi xa xôi, giữa cánh rừng xa lạ. Nếu không có sự may mắn gặp được đoàn dừng lại ở trạm nghỉ, có lẽ Huân đã bỏ lại xác trong rừng. Huân càng không thể tưởng tượng, lại gặp được chị Hoa ở nơi này. Cứ như chị vừa bước ra từ vùng kí ức mịt mù sương, từ những nỗi nhớ mong thao thiết, từ trong ánh trăng lếnh loáng của vùng tưởng tượng. Chị, trong kí ức của Huân luôn rõ ràng như thật, và chị trước mặt thật lại như huyễn hoặc, mông lung như một giấc mơ. Huân và các đồng đội ở trong khu rừng này, khai phá dần các con đường mòn, bí mật vận chuyển vũ khí từ Khe Hó, lên Khe Che, Vĩnh Ô rồi từ đó vào chiến trường. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Thần kinh và các giác quan căng lên trong một sự yên ắng rợn ngợp. Thế mà trong phút chốc vỡ òa. Tất cả. Mà có lẽ, trong giấc mơ, Huân cũng không thể thấy.

Huân không nói được gì. Chỉ nhìn các chị như nhìn những vì sao đêm. Qua câu chuyện, Huân mới hay, các chị là những người có khả năng ca hát được tuyển chọn ở các vùng quê khác nhau, tham gia đoàn văn công để phục vụ bộ đội trên các tuyến đường vào chiến trường miền Nam. Huân nhìn quanh thấy nhiều người nữa đang tụ lại góc phía xa rì rầm. Hóa ra, nơi đây là trạm nghỉ của đoàn văn công và dân công hỏa tuyến. Thật may là bước chân trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê đã đưa Huân đến gần trạm.

Khi chỉ còn lại hai người, chị Hoa mới tíu tít hỏi thăm. Trong trí nhớ chị, Huân là một cậu thanh niên trắng mảnh khảnh, mặt lấm tấm trứng cá đứng rụt rè xem hát hội. Còn giờ đây Huân thành người đàn ông cao lớn, đôi vai rộng gồ lên, bắp tay cuộn những thớ thịt tựa như bện bằng dây leo rắn chắc. Đôi mắt Huân đã in vết dấu tháng năm gian khổ, trầm tĩnh, thận trọng. Huân thấy chị Hoa nhìn mình, một ánh nhìn khác hẳn ngày xưa mỗi lần Huân gặp chị. Có một cái gì đó lạ lắm, khiến lòng Huân xao xuyến, rạo rực. Một niềm vui len lỏi chảy khẽ khàng như mạch suối qua từng khe đá.

*

*         *

Sáng sớm, Huân vòng ra sau trạm nhìn về phía đường mòn. Con đường mòn buổi sáng sương vẫn chưa tan, phả chút hơi lạnh hăng hăng mùi cỏ ngọt. Dãy Tây Trường Sơn phía xa mờ xanh thăm thẳm. Bên này nắng lấp lóa, bên kia sườn núi còn lãng đãng mây. Phía đường mòn thấp thoáng bóng chị Hoa đeo gùi đi lấy măng. Huân đuổi theo, đỡ lấy. Chị vén tóc nhìn Huân, đôi mắt trong suốt như định nói gì lại thôi. Rừng Trường Sơn mùa này măng tre mọc thưa thớt, bụi rau dớn mọc bên bờ suối lúp xúp như dương xỉ vươn những chiếc ngọn mập mạp hình móc câu. Những lùm bầu đất tim tím, lá nhọn khía răng cưa. Rau rừng làm tan đi cái xót ruột trong những ngày thiếu lương thực, khoai sắn cũng hết, phải ăn đỗ xanh, lạc khô thay cơm. Chị Hoa cười khi thấy bàn tay Huân hái rau vụng về. Những khóm cải dại hoa nở vàng như nắng. Chị hỏi Huân về những ngày tháng hành quân trong rừng. Chị kể với Huân về niềm vui của chị khi xung phong vào văn công, đem những làn dân ca quê mình đến với tiền tuyến. Huân quay sang nhìn chị, những câu dân ca sẽ xóa đi những khốc liệt bom đạn, làm ấm lòng chiến sĩ. Tiếng hát vượt qua bom đạn, không thế lực nào làm tổn thương được nó. Nụ cười của chị làm Huân bối rối. Đến bên một tảng đá cạnh gốc cây, chị bảo nghỉ một chút trước khi qua suối. Nắng mới vừa lên, trời chưa nóng lắm, nhưng mồ hôi Huân đã chảy trong ngực áo. Trước chị, Huân chưa bao giờ bình tĩnh. Chị hỏi Huân, hơn một năm chưa về thăm nhà, những lúc một mình giữa rừng, Huân nhớ gì về quê mình nhất? Huân đỏ mặt, trong đầu hiện lên những lần theo chân chị khi tan buổi hát. Chị cũng biết có chàng trai lặng lẽ sau mình, chị không quay lại, chỉ mỉm cười, bước chân chị nhanh hơn, như lướt trong ánh trăng xanh… Như sợ chị đọc được ý nghĩ của mình, Huân khẽ liếc sang, bất thần chạm ánh nhìn hun hút của chị vào đôi mắt nâu đen của Huân. Nó như nam châm hút lấy tâm trí Huân, không cách nào dứt được. Thời gian ngưng đọng. Một loáng sáng xẹt qua. Bất thần chị đặt lên môi Huân một nụ hôn.

Tối đó, Huân ngồi cạnh chị, dưới tán lim phía sau trạm. Chị tựa đầu vào vai Huân, im lặng nhìn những ngôi sao lấp lánh trong tán lá. Huân chỉ về phía chòm sao sáng nhất phương Bắc. Sau này hòa bình… Huân đột ngột dừng lại câu nói giữa chừng bởi một nỗi sợ mơ hồ vừa dậy lên và liếc sang nhìn chị. Chị đang nheo mắt nhìn theo hướng tay Huân chỉ, như thể dõi được ánh sáng của nó rót luồng sáng xuống mảnh đất xa xôi… Ở đó, Huân đứng trước hàng rào duối đang nở những bông hoa màu xanh lục. Chị chạy ào đến. Trong đôi mắt ấy, Huân đọc được niềm hạnh phúc vô bờ của chờ đợi, khát khao. Huân nhìn thấy một ánh sao vừa rơi vào đáy mắt, một tia lửa vừa bùng lên trong tim chị. Huân khẽ nén một nhịp thở.

Phía đông bất chợt lóe lên ánh chớp. Những ngôi sao và cánh rừng chợt như chao nhẹ…

Minh họa: Đỗ Dũng

Hôm sau, khi đoàn chuẩn bị lên đường thì trời đổ mưa. Rừng xối xả thác lũ. Mưa như tấm màn nước bị gió bão giày vò, dềnh trong không trung. Sấm gầm gừ từ những khối mây đen đặc khổng lồ. Mưa như thế này thì không thể đi tiếp. Cơn mưa bốc theo mùi lá mục và tạp khí từ đâu đó trong đất, trong nước ngầm. Và muỗi. Những binh đoàn muỗi hung hăng đến nhiều hơn sau mỗi trận mưa, liều lĩnh và đói khát. Chúng thậm chí không lẩn khuất trong cành cây, gầm lán mà ngạo nghễ đậu trên tán lá, trên những bức vách lán đen đặc. Huân lại nhớ đến mùi máu của anh Hải khi ngã xuống bên cạnh mình, cảm thấy nó đang nồng lên cùng mùi của khu rừng này.

Anh Hiệu - người lính dẫn đường của đoàn, một người có thâm niên trên cung đường này, dáng dong dỏng, nhìn phía sau khá giống anh Hải, chỉ có cái gáy vuông vức hơn và lưng hơi gù. Anh chăm chăm nhìn vào màn mưa phủ kín đầy lo lắng. Nỗi lo mơ hồ lan sang Huân. Và nó dần trở thành hiện hữu khi vài hôm sau, đoàn có người đầu tiên bị sốt. Đó là một chiến sĩ hơn Huân vài tuổi, quê Thái Bình. Đôi bàn tay của người chiến sĩ mở đường vốn đã chai sạn vì san lấp hố bom trở nên cứng ngắc, vàng võ sau những cơn sốt rét. Anh nằm trong chăn, run cầm cập, đắp đủ thứ màn mùng, tăng võng mà vẫn rét. Cái lạnh đến từ trong xương tủy. Mầm mống bệnh tật len lỏi vào từng tế bào, quật ngã người đàn ông vốn dẻo dai nhanh nhẹn bằng một sức mạnh vô hình không thể kháng cự. Cơn sốt rét trên khu rừng Trường Sơn giống như bóng ma lẩn khuất. Vô hình la đà trong gió, trong mạch nước, trong những con muỗi vằn hung tợn, đánh hơi tìm kiếm rồi bám lấy, quật ngã con người bằng những cơn sốt, những biến chứng. Hôm sau, thêm hai người nữa ngã nước, trong đó có chị Hoa.

Huân chỉ biết đứng chôn chân từ xa nhìn các chị văn công chạy ra chạy vào cái lán tạm. Rồi quá nửa đoàn bị sốt rét. Quân y tất bật phát những viên kí ninh vàng vàng, chống chọi lại cơn sốt đang lấn lướt, gặm nhấm, ăn mòn từng cơ thể. Người lính công binh ra đi lúc rạng sáng, sau một đêm giằng co với cơn sốt ác tính. Từ một người to cao vạm vỡ, sau mấy ngày sốt, anh trở nên héo hắt, gầy ủng, bệu bạo như quả chuối chín nẫu. Đầu ngoặt sang một bên, đôi mắt trũng, khóe miệng rỉ ra thứ dịch mật xanh đen. Cứ vài hôm, đoàn mất đi một vài người vì mưa lũ không thể đưa đến bệnh xá. Anh Hiệu và Huân ghi tên từng người, cuốn vào ni lông, chôn dọc con đường mòn trong cơn mưa tầm tã.

Một tuần trôi qua, Huân sốt ruột đứng nhìn cửa lán được che bằng tấm chăn rằn ri loang lổ nơi chị Hoa nằm. Nỗi lo lắng lớn dần. Huân cũng nằm trong số người bị sốt, nhưng nhẹ hơn. Cơn sốt lúc bùng lên, lúc lại dịu đi như người giả vờ. Huân vẫn có thể hỗ trợ y tá phục vụ người ốm nhưng không dám đến gần khu nữ. Đến hôm nay, quá sốt ruột, Huân đánh bạo gõ tay vào cột lán. Một chị văn công ngó ra, tóc mái xõa xuống mỏi mệt. Chị nhìn Huân, do dự thụt vào trong lán một lúc rồi ra vén hẳn chiếc vỏ chăn cửa lán lên. “Huân vào ngó Hoa giúp chị một lát”. Nói rồi, chị bưng cái chậu nhỏ có chiếc khăn đi giặt. Huân chẳng kịp nhìn theo chị mà vội vã bước vào.

Trên chiếc cáng tre có phủ thêm cái chăn bông nhỏ, chị Hoa nằm im lìm. Nghe tiếng động, chị hé mắt, hơi nghiêng đầu khiến lọn tóc rơi xuống một bên má. Huân chết lặng nhìn chị, đôi má trắng trẻo đã hóp lại. Chị giống bông hoa sen bị bứt khỏi đầm, rũ những cánh hồng nhạt dưới nắng trưa. Héo úa và cạn kiệt. Chỉ còn đôi mắt vẫn đẹp nguyên nhưng buồn thẳm.

“Đừng nhìn. Trông Hoa xấu xí lắm nhỉ?”

Huân không nói gì. Khoảnh khắc ấy như có tiếng sấm dội. Có mưa, tuôn một cách tuyệt vọng. Huân chới với, ngột ngạt như kẻ sắp chết đuối. Huân ngồi xuống cái ghế bên cạnh, nắm tay chị, không nói được câu nào. “Rồi Hoa sẽ khỏi thôi, Hoa mới đi được nửa chặng đường, còn chưa đến chiến trường...” Giọng chị đứt quãng. Chị đưa tay vuốt lọn tóc vướng trên má. Im lặng. Một sự im lặng khác thường. Nó dài dặc và mênh mông. Tay chị run rẩy, những sợi tóc rụng tơi bời trên các kẽ tay. Những sợi đen nhánh, óng ả quyến luyến, tiếc nuối rời ra. Nó vẫn ánh lên như không hề chết, khẽ đung đưa trên tay chị. Mái tóc đen nhánh vẻ thanh xuân ngày nào chị ngồi chải trước hiên nhà, buông như nước chảy sau vành khăn vấn. Chị ôm mặt khóc nức nở. Cảm giác nghẹn đắng chẹn ngang họng, Huân ôm lấy vai chị, bờ vai bỏng rực bởi cơn sốt. Chị không khóc nữa, nhưng quay mặt vào trong vách. Có gì đó vô hình đang lặng lẽ rời đi, không sao níu giữ. Huân im lặng nhìn bóng lưng chị. Có lẽ Huân sẽ ngồi mãi thế. Cho đến khi có tiếng bước chân gần lại, anh mới uể oải đứng dậy.

Chị không giữ lời hứa của mình. Trưa ấy, chị bạn văn công vung tấm chăn che cửa chạy ra gọi mọi người khi thấy chị Hoa bắt đầu lịm đi và co giật. Không nói gì, Huân tung cửa lán, cõng chị lên lưng.

Anh Hiệu quát lớn đằng sau, nhưng Huân không nghe thấy. Chỉ còn một cảm nhận duy nhất là thân hình run rẩy chốc chốc co rút trên lưng. Huân chạy qua con đường mòn ven rừng. Xa kia là con suối nơi lần đầu Huân đi cùng chị. Là nó, chỉ cần qua đó một đoạn sẽ tới bệnh xá. Mưa đã tạnh, nhưng con suốt cắt ngang để đến trạm xá đã không còn là con suối nhỏ trong trẻo hôm nào, giờ đây nó to lớn gấp năm, gấp bảy lần lúc nước cạn. Nước chảy xiết, sủi bọt, ầm ào cuốn phăng phăng những nhánh củi khô, cả những cây rừng bị bật gốc. Huân đứng đó, mắt đỏ ngầu nhìn dòng nước. Huân mãi mãi không thể quên cảm giác bất lực khi ấy. Nước mắt Huân chảy dài. Những giọt nước mắt của đàn ông chưa từng rơi ngay cả khi đối diện với sống chết. Mặn đắng và yếu đuối.

Sau khi đặt lại chị trên cái cáng tre, ở chỗ cũ, Huân bỏ ra đằng sau nơi tập kết, tựa lưng vào gốc cây ngồi bất động. Huân thấy trong mình trống rỗng, một sự hoang hoải rút mòn cả thân xác và lí trí.

Rừng Trường Sơn sau những ngày mưa ánh lên ráng vàng kì quái. Không khí vừa bức bối, vừa ẩm ướt sực mùi tanh nồng của rêu mốc, dương xỉ và những con sên nhớt bò ngang dọc. Đêm ấy chị Hoa tỉnh lại. Chị nhìn trân trân lên mái lán và nói gì đó tựa vô thức. Huân và mấy chị ngồi quây lại bên chiếc cáng. Chị hơi hé mắt, giọng mỏng mảnh:

“Có thể lấy giúp em bộ váy được không?”

Khi bộ đồ được đặt bên cạnh, chị chớp mắt, tròng mắt chị rất trong. Chị muốn Huân hát cho mình nghe. Huân cầm bàn tay chị siết chặt.

Trong căn lán chật hẹp, mắt Huân mờ đi, không còn thấy tấm thân mỏng trước mặt như dán chặt vào giường. Trước mắt anh là đình làng thân thuộc nhìn về phía xa con sông Ngũ Huyện hiền hòa chảy. Chị Hoa xinh đẹp với chiếc khăn duyên dáng, chiếc áo mớ bảy có vạt đỏ tươi, đôi dép và gót chân chị xinh xắn, nhẹ nhàng. Người ơi, người ở đừng về/Người về em vẫn/ có mấy trông theo/ trông nước tình/ Chung là như nước chảy/ Mà này cũng có a trông bèo/ trông bèo là bèo trôi... Những đôi mắt liền anh đắm đuối nhìn chị đầy ngưỡng mộ. Còn chị vô tư thả hồn theo những làn điệu quan họ vấn vít. Đình làng, dòng sông óng ánh trăng vàng sau lưng chị, con thuyền cũ vẫn chòng chành chở đầy sương khói. Chị đẹp, cho đến giây phút cuối cùng. Huân hát, chị cũng hát bằng đôi môi mấp máy. Bài quan họ kết thúc. Huân đọc được trong ánh mắt mất dần thần khí, trong hơi thở nhẹ dần lẫn vào không gian im ắng. “Hoa sẽ vẫn chờ, chờ Huân quay về ngày chiến thắng, bên hàng duối trước hiên nhà...”

Huân nắm chặt hơn bàn tay của chị dần giá lạnh…

Trong giây phút ấy, Huân chợt nhận ra rằng, chiến tranh, có những khoảnh khắc không phải đối diện với kẻ thù, không tiếng súng, tiếng bom nhưng sự mất mát, hi sinh vẫn hiện hữu. Tất cả họ, vẫn mãi, như những vì sao trên bầu trời, có thể có những lúc lặn đi, nhưng mãi, không bao giờ tắt.

*

*         *

Những ngày chiến đấu ác liệt trên cung đường Trường Sơn, có một người lính làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, mỗi khi qua con đường mòn xuyên rừng, luôn tìm đến gốc mít đơn độc mọc lên giữa rừng tràm và không thôi nhìn những ngôi sao sáng trên bầu trời phía vùng Kinh Bắc

N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)