. CẦM THỊ ĐÀO
Nga chuyển về khu nhà mới. Sau nửa năm xây dựng, ngôi nhà ba tầng khang trang nằm khiêm tốn trong khu đại gia đã hoàn thành. Ai cũng bảo Nga sướng, về chỗ văn minh nhất thành phố này. Ừ, cũng sướng thật. So với xóm trọ chật chội, đường sá ở đây được quy hoạch, mọi thứ sạch sẽ, thoáng mát. Nhưng không phải ai ở khu này cũng giàu, chỗ của Nga toàn nhà ống, những ngôi nhà đơn giản về kiến trúc, chủ yếu dành cho công nhân, viên chức, người lao động như Nga. Nhưng Nga cũng chẳng buồn thanh minh làm gì, việc đó không cần thiết, tốt hơn hết là không rơi vào bẫy tự chứng minh mà thiên hạ giăng ra.
Phố tĩnh. Và xanh. Đúng thứ Nga muốn. Các nhà trong dãy, nhà nào cũng có một cây xanh cao lớn. Dọc từ đầu tới cuối, cây ăn quả xếp hàng tăm tắp: mít, bơ, ổi, vú sữa, bồ quân, doi, bưởi … Xen vào đó là một vài cây hoa: hoàng lan, ngọc lan, muồng hoàng yến, lộc vừng… Thêm một cây bàng vuông. Nga bị thu hút bởi nó ngay. Thật kì lạ, thứ cây phong ba bão táp chỉ thường thấy ở nơi xa khơi đầu sóng ngọn gió đó lại có thể xanh tốt ở tuyến phố này, nó cao lớn tới tầng hai ngôi nhà, tán vươn khắp phía, che mưa chắn nắng. Những nhà có trẻ con sẽ làm thêm một xích đu, thứ đu mộc mạc chỉ bằng dây thừng giữ lấy mảnh ván gỗ. Ấy vậy mà lúc nào cũng ầm ĩ trẻ con nô đùa xung quanh, có khi người lớn cũng lê la lúc nhàn rỗi, tán sôi nổi chuyện lặt vặt trong ngày.
Hôm đầu về phố, thằng con năm tuổi của Nga đã lân la làm quen khắp nơi. Lũ trẻ ở đây được chơi đùa chạy nhảy mà không lo lắng về xe cộ hay lưu manh trộm cắp. Thấy lũ trẻ đang chơi đồ hàng, Nga đem ít bánh kẹo chia cho chúng. Một đứa leo tót lên lòng Nga ngồi:
- Cô xinh chẹp, hôm sau cô lại cho chẹo nứa nhé.
Đứa bé ngọng líu lô.
- Nhất định rồi.
- Chẹo ngon cô nhé.
Nga ngoắc tay đồng ý. Sự đáng yêu của lũ trẻ khiến Nga vô cùng dễ chịu. Trẻ con ngoan ngoãn đồng nghĩa với việc được giáo dục cẩn thận. Những ngày tháng sau đó cô càng cảm thấy nơi đây đúng là đất lành chim đậu và yên tâm về lựa chọn của mình.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Thỉnh thoảng hàng xóm mới sang nhà Nga chơi. Có người đem cho Nga ít rau tự trồng, có khi vài thứ cây nhà lá vườn. Dẫu là thành phố thật đấy, nhưng Nga thấy ở đây vẫn rất gần gũi, đúng kiểu hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Nga cũng tranh thủ lúc rảnh sang làm quen. Mình bận bịu tối ngày, sống tách biệt quá lúc cấp bách biết nhờ ai. Bán anh em xa mua làng giềng gần, biết đâu sau này còn nhờ nhau đưa đón con đi học, nhận hộ món hàng, lấy giùm quần áo lúc nắng mưa thất thường… Duy chỉ có gia đình hai ông bà ở chếch phía đối diện Nga chưa tiện vào. Ngôi nhà đứng riêng một ô, chưa có nhà khác sát cạnh. Xung quanh cỏ rậm mọc đầy, có khi cao quá thắt lưng. Ngay trước nhà là cây bàng vuông. Nga thấy những người khác thường gọi là nhà bên.
Một hôm, thằng con Nga mồ hôi nhễ nhại, từ đường chạy xộc vào nhà uống nước.
- Mẹ ơi, sao con chào bà trong xóm, bà ấy lại bảo thằng này có mồm?
- Bà nói với con vậy à?
- Vâng, nhưng ai mà chẳng có mồm?
- Đó là bà khen con biết chào hỏi người lớn đấy, chỉ là bà nói theo cách của mình thôi.
- Thảo nào, con còn nghe thấy bà bảo bác Hường lắm mồm cơ! Vậy là khen hay chê mẹ?
Nga không biết giải thích cho con thế nào, đành bảo:
- Một miệng thì xinh chứ nhiều là không hay con ạ.
Có hôm Nga quét sân, rồi tiện tay quét luôn cả đường phố. Bà đứng ở phía sân nhà mình trông ra, bảo Nga phải quét thế này thế nọ, rác phải để như kia… rồi nói gần nói xa bảo người lớn phải làm gương cho trẻ con, không được bảo thủ, người ta góp ý mà cứ lì mặt.
Tự nhiên Nga thấy mệt. Chắc lúc ấy mặt Nga nhăn nhó khó coi lắm. Về sau, bà muốn nói gì thì nói, Nga cũng chẳng cho vào tai nữa.
Hôm ấy, chị Hường thấy Nga đi làm về, vẫy vẫy tay ra hiệu đứng lại, sấn sổ chạy tới:
- Này, biết gì chưa?
- Biết gì là biết gì? Mấy nay em bận sấp mặt.
- Thằng con giai nhà ấy bị bắt rồi.
- Hả, cái gì? Sao mà bắt. Nó hiền lành thế cơ mà.
- Úi giời, cô chả biết gì. Nó ăn trộm đồ công ty. Hai năm nay rồi, bây giờ người ta rình bắt tận tay. Tù tội nó có nòi đấy!
- Nòi á?
- Ừ, bố nó ngày xưa cũng đi tù vì ăn trộm. Siêng ăn nhác làm, đầu tiên trộm ngô khoai gà vịt, trộm mèo gà chó má, đến khi trộm trâu thì bị bắt bỏ tù.
- Ôi!
- Thằng con gan to bằng giời, công ty có vải thừa vải vụn không dùng hết thường cất vào kho, nó phụ trách chuyển hàng tới. Dần dần, nó lân la làm quen thằng trông coi, chuốc thằng đó say, lén đánh lấy một chiếc chìa khoá. Rồi năm vài bận, nó gọi bọn mua hàng đánh xe vào tận kho bốc. Kinh chưa, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Lần này thì chục năm là ít.
- Thế cơ á. Nghĩ cũng tội.
- Tội cái gì, vừa tham vừa gian thì cho chết.
Nga vội vàng chấm dứt câu chuyện ở đấy, cô không muốn nghe gì thêm nữa, dẫu sao nhà người ta cũng vướng vòng lao lý, hay ho gì mà đứng đây liếc mắt sang buôn với chả bán.
Thế là từ hôm ấy, nhà bên còn lại hai người. Căn nhà vốn âm u lại càng trở nên buồn thảm. Bình thường, xóm vẫn có ánh đèn đường của cả dãy lắp chung, cùng nhau trả tiền. Dẫu vậy, ở mỗi nhà đều có ánh sáng từ ngõ nhà mình hắt ra, trẻ con mỗi tối tụ tập chơi dưới đèn điện sáng choang. Duy chỉ có đoạn đường trước ngõ nhà bên tối om. Trong nhà tắt hết bóng điện để tiết kiệm, còn điện đường thì ông bà bảo ban đêm không đi đâu nên không cần ánh sáng, thế là không đóng tiền. Cả dãy biết vậy cũng chẳng đấu tranh làm gì, vài đồng bạc, những nhà khác thêm vài chục để ngõ xóm sáng sủa, với cũng phải dè chừng kẻ trộm nữa chứ.
*
* *
Xoảng!
Thằng con Nga hớt hải chạy về.
- Mẹ… mẹ ơi!
- Gì vậy, từ từ nào?
- Ông bà ấy đánh nhau, vứt bao nhiêu là đồ đạc ra cửa! Loạn cực!
Nga vội vàng ra cổng, hàng xóm cũng túa ra đường đứng, nhìn về phía ngôi nhà mái bằng xam xám màu xi măng.
- Có chuyện gì thế không biết.
- Chắc lại rượu chè cờ bạc.
- Hình như không phải, thấy bảo ông ta có bồ.
- Hả?
Cả phố há hốc mồm. Là vì người ta không thể tin được cái người đàn ông ấy còn có thể hấp dẫn được người đàn bà nào khác. Gần sáu mươi tuổi, người cao gầy, khuôn mặt khắc khổ dữ tợn có thể doạ trẻ con. Mỗi khi cười thường lộ ra hàm răng ố vàng tự nhiên chen vào một cái răng giả sáng hơn những cái còn lại. Ông không nghề nghiệp gì, thỉnh thoảng đi phụ hồ hoặc xây xáo lặt vặt. Vậy mà vẫn có đàn bà theo.
Thế rồi, một tuần hai ba bận, nhà bên lại loảng xoảng nồi niêu xoong chảo, lũ trẻ dạt ra rất xa nhà ấy để chơi, người lớn mải mê làm ăn, chả có thì giờ đâu mà hóng. Cái gì nhiều cũng thành nhàm. Đôi khi, Nga vẫn được thằng con thuật lại vài chuyện:
- Ông đánh bà kinh lắm mẹ ạ.
- Hôm bọn con chơi bóng, quả bóng lăn vào sân nhà, con vào lấy bị quát cơ, ông bảo: “Bọn nít ranh, xéo”!
- Mà mẹ ơi, bà ấy hay cực, cũng biết cười nhé. Có hôm bà gọi bọn con lại cho chuối nhưng con chưa bao giờ thấy quả chuối nào nhũn thế mẹ ạ.
Nga dặn con chơi xa nhà ông bà chút, tránh phiền hà. Nhưng ngay cả khi Nga không muốn tọc mạch thì chuyện nhà hàng xóm ly hôn cũng ầm ĩ cả phố nhỏ. Thì rõ, hai ông bà ngót nghét sáu mươi còn bày đặt. Nhưng chắc bà vợ không thể chịu đựng được nữa mới nảy ra cái quyết định động trời đó. Nhất là hôm ấy, ông đuổi đánh bà chạy khắp nơi, bà chân đất vọt ra khỏi nhà mà không kịp tránh chiếc gậy nện xuống tấm thân gầy với làn da xam xám vàng vọt. Đến quá khuya, bà gọi cửa nhà Nga xin ngủ nhờ. Nga băng bó vết thương cho bà rồi sắp xếp chỗ ngủ ở phòng trống. Trong đêm khuya, thỉnh thoảng có tiếng rấm rứt của người hàng xóm, Nga cũng trở mình liên tục. Sáng sớm, bà cảm ơn Nga, vừa nói vừa khóc:
- Chắc tôi bỏ nó thôi cô ạ! Khốn nạn quá rồi!
Nga cũng chẳng biết an ủi sao, cầm lấy bàn tay nổi đầy gân xanh và đồi mồi siết mạnh.
Mấy hôm sau, ngân hàng đến định giá ngôi nhà. Nga đứng ở tầng hai nhà mình nhìn sang, chợt thấy một nỗi buồn khó tả. Trong sự sinh sắc của toàn bộ dãy phố nhờ những màu sơn chói chang, còn duy nhất ngôi nhà hai tầng lẻ loi vẫn một màu thâm xám. Ban đầu, do chưa quen nên người ta thấy khó chịu, tức mắt, về sau, nhìn mãi cũng thấy quen, thành thử nó mang một vẻ riêng u ám. Cửa xếp mở he hé. Mỗi buổi sớm Nga đều nghe thấy tiếng đẩy “xoẹt” từ bàn tay to táp thô vụng. Cây bàng cao lớn rũ rượi sau cơn mưa càng mang vẻ lạnh lẽo hơn khi chủ nhân sắp tan đàn xẻ nghé. Xung quanh gốc và ở khắp sân, những tảng rêu xanh gần bò kín nền xi măng trát cẩu thả. Có lẽ bởi rất lâu rồi, ngôi nhà ít người ra vào. Thỉnh thoảng, một vài quả bàng rụng xuống, lăn lóc chán chê rồi nằm yên vị trong ngóc ngách nào đó.
Nhưng cuộc đời vẫn luôn có những cú quay xe không ai lường được. Cả dãy phố đã chắc như đinh đóng cột rằng nhà bên sẽ ly hôn thì đùng một cái, bà vợ đau ốm đi khám phát hiện ung thư gan giai đoạn ba, thế là dừng. Có lẽ, trước sinh ly tử biệt người ta chẳng cần phải so đo làm gì. Thế rồi hằng tháng, ông chở bà đi viện, ngôi nhà hoà bình êm ấm trở lại, như tán bàng xanh rười rượi trước sân.
*
* *
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng/ Chiều đong đưa những bước chân đau mòn/ Chợt nghe mùa thu bay trên trời không…
Tiếng karaoke vang lên giữa trưa khiến Nga giật mình. Sao lại đi hát giữa trưa, lúc người người đang ngủ, khi nắng nực muốn lột trần tất cả thế này. Cả dãy phố bỗng trở nên não nề, những ca từ lênh bênh trên các mái nhà, lọt qua các khe cửa, đập lên khối bê tông cốt thép, chui tọt vào tai. Cứ tưởng người hát chỉ ngẫu hứng tí chút cho vui, ai ngờ tiếng hát đeo bám tới tận chiều tối.
Những ngày sau đó, gần như buổi nào ông già cũng cất tiếng nỉ non. Ông hát từ bảy giờ sáng đến mười hai giờ trưa, từ ba giờ đến sáu giờ chiều, tối vẫn hát tiếp. Khi thì “Hoa trinh nữ”, lúc lại “Đắp mộ cuộc tình”, sợ nhất là những câu hát kiểu “Lỡ mai anh chết em có buồn không…” Hàng xóm vừa kinh hãi vừa hoảng sợ, người ta chán ngán thứ âm sắc nghẽn thuốc lào cất lên khàn đặc, hoảng sợ những ca từ đầy bi ai réo rắt mỗi tối. Ban ngày đi làm cả, muốn hát bao nhiêu tuỳ ý, hễ có người ở nhà là bảo nhau đóng cửa, tối đến dặn dò con cái ăn nhanh còn học hành kẻo tiếng hát lại tấn công.
Cứ như vậy, một cuộc đối đầu dai dẳng giữa những gia đình coi trọng tình làng nghĩa xóm, không muốn chuốc lấy phiền hà và một ông già ngoài sáu mươi bỗng nhiên có sở thích quái dị diễn ra âm thầm mà mãnh liệt. Cũng có lúc người ta nghĩ đến chuyện góp ý, nhưng những người như vậy có khi càng góp ý, họ càng làm quá hơn. Hơn nữa pháp luật đâu có cấm hát, chỉ sau 22 giờ mới bị tuýt còi. Thôi thì, cứ đóng cửa lại, được đến đâu thì đến.
Dần dần, tiếng karaoke đã trở thành nỗi thống khổ của cả khu phố. Người ta rì rầm mỗi ngày, bàn tán mỗi đêm nhưng tuyệt nhiên không một ai dám xông thẳng vào nhà yêu cầu ngừng hát. Hình như ai cũng hiểu rằng, sân nhà ấy là một vùng cấm, là lãnh địa của một kẻ bất cần đời, nó làm chùn bước trẻ con và những người lớn hiểu chuyện.
Bẵng đi một tuần, Nga chợt thấy có gì khang khác. Cái quái gì nhỉ, Nga thầm nghĩ phố mình có gì đó thay đổi mà nghĩ mãi không ra.
- Sao mấy nay ông ấy không hát karaoke nữa mẹ nhỉ ?
Thằng con chợt hỏi khiến Nga bừng tỉnh.
À, thì ra là tiếng hát.
Quả thế thật, sau hai tháng rền rĩ, mấy ngày nay tiếng hát chợt im bặt. Lạ! Hay hết đam mê rồi? Thế thì phúc cho hàng xóm quá. Nhưng Nga chưa kịp vui mừng thì tiếng hát lại vang lên giữa ban ngày ban mặt. Thật là não ruột!
- Này, biết gì chưa ?
Chị Hường trông thấy Nga, sán đến.
- Lại gì nữa chị?
- Nhà kia vừa đi cấp cứu về đấy.
- Ôi, sao em không biết gì vậy.
- Đêm hôm kia, xe cấp cứu đến, đưa thẳng ra viện tỉnh, nay chắc đỡ lại cho về. Bệnh ấy thì chỉ có nằm chờ chết.
Nga hoảng hốt:
- Bệnh gì?
- Ô, thế cô không biết gì à, chán cô lắm, người ta ung thư giai đoạn cuối, di căn khắp nơi rồi.
- Ung thư mà sao hát karaoke khoẻ thế - Nga lẩm bẩm. Nghĩ cũng tội. Nhà ấy cách đây hai năm người vợ mất cũng vì ung thư gan, nay đến ông già đổ bệnh. Đứa con trai duy nhất đang ở tù, mẹ mất còn chẳng được về, giờ đến lượt bố, lấy ai chăm sóc.
Từ lúc hay tin ông già nhà bên bệnh nặng, bỗng nhiên Nga thấy áy náy. Bức thành luỹ vô hình dựng lên để bảo vệ mình và những người xung quanh khỏi cái tiêu cực đồng thời cũng che chắn Nga khỏi một lòng tốt đơn thuần, một sự thấu cảm bình dị. Nhà ấy như thế cũng có thể coi là tận cùng của bất hạnh rồi. Vậy mà, ai nhìn vào cũng chỉ muốn lánh xa.
Tối hôm ấy, Nga dắt con sang thăm ông, đây là lần thứ hai Nga bước chân vào ngôi nhà này kể từ khi về đây. Bên trong giản đơn hết mực, một chiếc tivi, dàn âm li cũ kỹ lỗi thời, vài bức ảnh gia đình.
- Bệnh của tôi thì chịu rồi, bệnh viện cũng bó tay. Có mấy đồng tiết kiệm để dành mua thuốc hết, mỗi ngày uống hai triệu tiền thuốc cô ạ.
- Ông cảm thấy trong người thế nào ạ?
- Đau, những cơn đau liên tục.
Ông kể mấy tháng trước ông sụt gần chục ký, bây giờ thuốc thang vào đã tăng cân trở lại nhưng da dẻ bắt đầu sần sùi, từng mảng thịt ửng đỏ dàn khắp cơ thể. Tóc bạc trắng. Như biết được Nga đang nghĩ gì, ông già nói như thanh minh:
- Tôi ở một mình, hôm vào tù thăm con định nói bố bệnh mà không dám, sợ nó buồn. Nó còn mấy năm nữa, tôi chắc sắp chết rồi, đành phải phiền anh em họ hàng và bà con lối xóm đoạn đường cuối. Có chuyện này, mong cô thông cảm. Mỗi lần đau đớn quá chẳng biết làm gì, tôi lại ngồi hát. Tôi hát để quên đi thân thể giày vò. Biết là sẽ phiền hà mọi người lắm nhưng thú thật tôi cũng chẳng có tiền mà đi viện, còn căn nhà này để cho thằng con, chả nhẽ bán nốt.
Ông cố gắng kiềm chế không khóc trước mặt hai mẹ con Nga. Lòng thương hại của người khác đôi khi như thuốc độc. Thằng bé con thấy mắt ông ngấn lệ liền sẽ sàng tới bên ông ngồi, rồi vỗ vỗ vai như một người bạn, nó không thấy ông đáng sợ như mọi ngày mà chỉ còn là một ông già hiền lành như bao người già khác. Nga chợt hình dung ra ông đã cô độc cỡ nào. Cô cảm nhận được sức chịu đựng miệt mài. Người đàn ông này ở một mình, ăn nhậu một mình, hát hò một mình và đớn đau cũng một mình. Bi ai mà hát. Đau đớn quá mà hát. Lạ thật và cũng xót xa thật.
Thế là từ hôm đó, Nga không còn khó chịu về tiếng hát của người hàng xóm nữa. Thậm chí cô còn mong ông cứ hát lên nếu tiếng hát có thể khiến ông quên đi nỗi thống khổ của chính mình. Ông còn hát được nghĩa là còn sức lực. Sự khó chịu của Nga và những người khác có là gì so với thân phận đầy ắp ai oán của một người gần đất xa trời. Nhưng tiếng hát hình như càng ngày càng yếu dần. Và thưa thớt. Cho đến một hôm nó hoàn toàn tắt lịm.
*
* *
Không biết từ bao giờ, Nga có thói quen đứng trông sang nhà bên. Ngôi nhà giờ cửa khoá then cài.
Cây bàng vẫn đứng canh ở cửa. Suốt từ khi Nga về dãy phố này, sân nhà ấy chẳng mấy khi có nắng. Mùa hè thì mát rượi. Nhưng những mùa khác trông rất thê lương. Lại thêm cỏ dại cao lút đầu người, cây xấu hổ quấn quýt tới tận cửa xếp. Ông đã nhờ Nga để ý ngôi nhà cho đến khi con trai ông trở về. Nhìn cây bàng cô độc mà cành tán loà xoà khắp nơi, Nga bỗng nảy ra một ý. Cô quay vào nhà lấy con dao rựa rồi sang nhà hàng xóm. Nga mở cửa, thắp cho ông bà nén hương, quét dọn một hồi.
Nga đứng dưới sân ngó nghiêng tán bàng, rồi leo lên chiếc ghế cao mấy bậc bắt đầu chặt tỉa, những tán cành thừa thãi nằm ngổn ngang giữa sân, cho đến khi những khoảng nắng đầu tiên rọi thẳng vào ngôi nhà quanh năm âm u.
C.T.Đ
VNQD