Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Thứ Hai, 14/10/2024 00:07

. PHAN TRUNG NGHĨA
 

Đã 44 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày xách chiếc giỏ đựng hai bộ đồ, thập thò bàn chân nạm phèn về làm phóng viên cho Báo Minh Hải. Lúc đó là tháng 7/1980, mưa chớm mùa, hàng me ở đường Trần Phú, ngang Bưu điện Bạc Liêu bây giờ khoác lên mình cái màu mạ non mướt rượt, chợ nhà lồng Bạc Liêu bé tí, thị xã Bạc Liêu cũng bé tí, những con đường gồ ghề trải đá 4x6 cũng bé tí. Trên lộ đầy những xe vua chạy phát ra tiếng rầm rầm. Thời bao cấp, người người hối hả ngược xuôi tìm miếng cơm manh áo ở một thị xã, một đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh 40 năm không còn sinh lực và vừa phải đối diện với cuộc chiến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hơn 20 năm vui buồn có đủ và cả niềm tự hào nữa, đó là nơi dung dưỡng, chở che cho tôi khi chấp chới vào đời rồi mọc lông, mọc cánh. Hôm nay tôi viết, nghĩ về nó bằng niềm thương, nỗi nhớ mái nhà thời tấm mẫn của mình. Tôi tự hào về nó bằng những nỗi niềm chưa có dịp cùng nhau cạn tỏ.

Cà Mau ngày mới. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngày tôi về Báo Minh Hải thì đã thấy có mặt rất nhiều các anh, chị là thế hệ thứ nhất sau hòa bình, là đội ngũ được rèn luyện bởi các anh, các chú từ chiến tranh đi ra. Và tôi bỗng ngạc nhiên, bỗng tự hào, bỗng muốn bật khóc vì phát hiện sự trưởng thành lạ lùng của đội quân thế hệ thứ nhất ấy. Tôi về báo lúc 20 tuổi, bước chân chạm đời từ một cái làng nghèo rớt mồng tơi vì chiến tranh đày đọa đến tả tơi manh áo. Giải phóng miền Nam xong, tôi học lớp bốn trường làng, rồi đi học trường Công Nông huyện Vĩnh Lợi mỗi năm học ba lớp, cho đến lớp 9 thì tôi đi làm báo. Hành trang, vốn liếng để tôi chuyển từ giai cấp nông dân sang tầng lớp trí thức chỉ vỏn vẹn như thế. Quanh đi quẩn lại, tôi nhìn thấy những người thành công sau này hoàn cảnh cũng có nét giống tôi. Anh Nguyễn Bé cha hi sinh, mẹ lại bận công tác nên từ nhỏ anh đã ở với các cô các chú trong các cơ quan kháng chiến. Đỗ Kiến Quốc cha mất sớm, ở với bà mẹ nghèo trong một làng quê xa xôi của huyện Trần Văn Thời. Nguyễn Duy Hoàng, Phạm Phi Thường, Trịnh Bích Ngân… cha đi kháng chiến, ở nhà với mẹ, từ nhỏ đã tự kiếm miếng ăn bằng cách đi giăng câu, thả lưới. Rồi theo mẹ bồng chống gia đình từ nơi này đến nơi khác để trốn bom đạn, chẳng được học hành bao nhiêu. Võ Đắc Danh cha và 2 anh ruột hi sinh, sống trong một làng quê bom đạn đầy trời với mẹ. Còn Hàn Ái Tiến cũng theo gia đình chạy giặc về Bạc Liêu mà sống… Còn tôi, chị Hai tôi lãnh nguyên một trái pháo của con đầm già, chị chết mà đầu tóc cháy xém, tay chân gãy hết khi mới 17 tuổi. Anh Ba tôi hi sinh khi mới 22 tuổi. Nước mắt má tôi chảy suốt trong những năm chiến tranh cho tới khi hòa bình vẫn không dứt… Tóm lại đó là lớp người bị chiến tranh máu lệ đọa đày, không được học hành bao nhiêu. Họ từ trong tăm tối lạc hậu đói nghèo mà đi ra cuộc đời rồi đến với nghề báo - một nghề của những người trí thức, hành nghề bằng trí tuệ, một nghề không phải của tầng lớp họ.

Thế thì làm sao họ bắt nhịp kịp với đời sống báo chí?

Trước tiên tôi nói về nguồn năng lượng tối thượng, năng lượng của trời đất và cuộc đời. Nghe qua như không dính tới báo chí, nhưng không, nó là nền tảng của mọi nghề nghiệp mà người ta hay gọi là trường đời. Các nhà báo của Báo Minh Hải ngày xưa đã thừa hưởng một di sản mà không phải thời nào, ở đâu cũng có. Do đặc điểm lịch sử chia tách, sáp nhập của ba tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, có lúc Cà Mau là của Bạc Liêu, có khi Bạc Liêu thuộc Sóc Trăng và ngay thời điểm các nhà báo sau chiến tranh học việc là một tỉnh Minh Hải rộng lớn của hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Một địa bàn rất rộng, một không gian rất xa xôi. Đó chính là lúc “cuộc đời báo chí” thực hiện quá trình trao đổi chất, kinh nghiệm trao truyền để kết tinh thành văn hóa báo chí trong cuộc đời song hành với văn hóa chung cho mảnh đất này một tầng sâu văn hóa mà không phải ở đâu cũng có. Hồi đó chúng tôi đọc tác phẩm báo chí của nhà văn Nguyễn Mai ở Cà Mau (sau này là Anh hùng Lực lượng vũ trang) một cách ngấu nghiến. Truyện ngắn Mối tình năm cũ của ông không ít thì nhiều ai cũng thuộc bởi tính đằm thắm, thủy chung của trai gái thời loạn. Người tị nạn của nhà văn Lê Vĩnh Hòa ở Sóc Trăng cho thấy được không khí hừng hực của chiến tranh. Chúng tôi đọc tác phẩm báo chí của thầy giáo Phan Ngọc Hiển (Anh hùng Lực lượng vũ trang), một người vừa dạy học vừa viết văn, viết báo, vừa lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1930. Không chỉ có thế, đất Bạc Liêu còn có nhà báo Cao Triều Phát, ông qua Pháp, viết báo cùng thời với Bác Hồ và khi chưa có Đảng, năm 1922-1924 ông đã thành lập 2 tờ báo để phản kháng thực dân, bênh vực thợ thuyền. Nếu tôi không lầm thì Cao Triều Phát là nhà báo đầu tiên của Bạc Liêu. Bạc Liêu còn có nhà báo Phi Vân, đầu thế kỉ XX đã có những bài kí về đồng quê miền Nam đầy day dứt. Và Bạc Liêu còn có một nhà báo Lê Trung Nghĩa đã đi đến tận cùng vụ án đồng Nọc Nạng, một vụ án tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, vừa viết mấy chục bài báo đăng ở các báo lớn ở Nam kỳ thời đó, vừa vận động luật sư cãi không lấy tiền cho gia đình Mười Chức để rồi chúng ta có sự kiện thể hiện sự phản kháng dữ dội của nông dân Nam bộ.

Tất cả những vấn đề trên cho ta thấy Minh Hải xưa có một truyền thống báo chí nằm trong truyền thống văn hóa của một vùng đất giàu văn hóa. Là địa linh của báo chí văn chương với rất nhiều nhân kiệt của báo chí, của văn chương và chúng tôi, những người học việc báo chí sống, thừa hưởng và lớn lên từ vùng đất ấy.

Nói như thế nghe có vẻ chưa đủ. Trường đời mở rộng cánh cửa cho mọi người, ai muốn vào học cứ học, song lĩnh hội được bao nhiêu để biến thành nguồn năng lượng cá nhân thì ngôi trường ấy cũng đặt ra những điều kiện.

Thế hệ được Đảng giao phó nhiệm vụ trực tiếp rèn luyện nghề báo cho chúng tôi là lớp người từ trong cuộc chiến tranh đánh Mĩ đi ra. Hôm nay ngồi đây với hoài nhớ rưng rức từng khuôn mặt thân quen 40 năm trước, họ là cán bộ cách mạng nhưng khi dạy dỗ mình thì như anh, như chú. Văn hóa Việt Nam của chúng ta là như thế. Đảng huy động văn hóa thành nguồn lực rồi dạy dỗ các anh, các chú và các anh, các chú “truyền thụ võ công” cho thế hệ chúng tôi. Đoạn này xin được dài dòng một chút, bây giờ có vài nhà báo, nhà văn thành danh rồi thì rất vắng vẻ, lạnh giá cái thời gian, cái tình đời để suy nghĩ về nguồn cội nghề nghiệp của mình. Rất vắng vẻ những bài viết, những áng văn chứa cái tình nguồn cội. Họ cứ nghĩ, tài năng của họ là trời sinh. Về điều này thì tôi đồng tình mức độ, khả năng thiên phú là có thật. Nhưng phải nghĩ thêm cho có ngọn có ngành. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi từ trong một làng quê tăm tối ra đời ngơ ngơ ngác ngác vì hành trang của người viết báo không có, nếu không được nuôi dạy thì sẽ ra sao. Cuộc đời hôm nay của chúng ta là sản phẩm của nhiều bàn tay nhân hậu chăm chút. Đó là cơ quan, tổ chức, là cha mẹ, ông bà, là quê hương đất nước… Đúc kết lại đó là cuộc đời. Sống, hành nghề không bằng tấm lòng hàm ơn cuộc đời thì sẽ trở thành những kẻ phản trắc. Đã có lòng hàm ơn rồi thì nó là một ưu thế tuyệt đối của nhà báo, nhà văn, là nội lực của họ.

Tôi nhớ như in, năm 1980 vào làm phóng viên, suốt hai năm đầu tôi chẳng viết được một cái tin cho ra hồn. Nguyên nhân là tôi không có kiến thức nền và kinh nghiệm viết báo. Năm 1983, chú Bảy Khanh, Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Ông đề nghị Ban Biên tập chuyển tôi xuống làm công nhân xí nghiệp bột giấy, vì tôi không có khả năng viết cũng như kiến thức. Hơn thế nữa, tôi còn mắc cái tật nói lắp (cà lăm) rất hạn chế trong giao tiếp. Chú Bảy Khanh nói có sai đâu, tôi cũng chưa bao giờ trách chú. Hồi đó tôi chỉ buồn tủi, khóc ngày khóc đêm vì phải xa nghề báo mà tôi yêu quý. Thế rồi anh Bảy Minh đề xuất với Ban Biên tập xin tôi lại một năm và anh kèm cặp tôi. Một bữa anh mời tôi vào phòng rồi cười rất tươi và bảo: trước tiên là đọc, đọc thật nhiều vô. Đọc để nắm tình hình trong tỉnh, trong nước, đọc để nâng cao kiến thức nền. Đọc để xem vấn đề như vậy người ta viết nó, miêu tả nó ra sao mà hay. Bắt đầu là đọc báo Minh Hải trước, để mà học tập các anh, các chú. Sau nữa thì đọc các nhà văn, nhà báo nổi tiếng của vùng đất này như Nguyễn Mai, Lê Vĩnh Hòa, Trần Ngọc Hy… sau nữa thì đọc các tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới để nâng tầm kiến thức và đánh thức tâm hồn, tư duy cho nó nhạy cảm” (Cái này thì hồi đó anh Bảy nói tôi nghe như vịt nghe sấm chẳng biết tròn, méo thế nào. Chỉ có điều là tôi làm theo, các phóng viên khác cũng làm theo, có bao nhiêu tiền dư, bọn tôi mua sách đọc hết. Chúng tôi đọc nhiều sách nổi tiếng là vào thời gian này). Hai là, viết nhiều vào. Không phải gặp gì viết nấy. Hãy viết những thứ mình yêu quý, sâu nặng, có sức huy động tất cả sự rung cảm của mình. Và phải viết vào một không gian thời gian thích hợp, cần sự tĩnh lặng tối đa, khi đó ta mới huy động được tâm hồn và trí tuệ.

Tôi làm đúng như những lời anh Bảy dạy. Tôi bất ngờ và học được những ý tứ câu cú trong bài viết của mình qua bàn tay sửa chữa của anh Bảy. Trong năm đó tin bài của tôi đăng trên báo Minh Hải nhích dần lên. Báo xuân năm 1983, tôi được đăng một bài rất hoành tráng có tựa đề là Anh Tư Sành với đất Bào Năng, anh em Báo Minh Hải thời đó bất ngờ rồi hết lời khen ngợi. Sau này, anh Bảy Minh hay nói với anh em cơ quan rằng nguyên nhân mà anh giữ tôi lại Báo Minh Hải là: “Thấy nó yêu nghề tội nghiệp”.

Thế hệ dạy dỗ lớp nhà báo sau chiến tranh chúng tôi là lớp người có nhiều nội lực văn hóa. Chính vì thế họ mới dạy dỗ được cái lớp người nghèo đói, dốt nát đến trưởng thành như bọn tôi.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một sòng nhậu, có đờn ca tài tử. Một sòng nhậu sẽ thật vui, dài đến nửa khuya và để lại nhiều dấu ấn là một sòng nhậu không chỉ có nhạc sĩ đánh đàn hay, ca sĩ ca mùi mà nó cần thái độ và trình độ thưởng thức văn nghệ. Như thế văn nghệ mới đủ sức đẩy cuộc vui lên đỉnh. Nếu người đờn cứ đờn, người ca cứ ca, còn bàn nhậu ai cũng vô hồn nói chuyện riêng tư, lời ca tiếng đàn không làm thổn thức họ thì là một sòng nhậu đàn ca hỏng, nhạt lắm. Người đời hay bảo “đồng thanh tương ứng”… thì nó mới ra câu chuyện. Tương tự như thế, cái lò Báo Minh Hải chỉ có lớp người đi dạy hay mà lớp học không có học trò “đồng thanh tương ứng” thì sẽ không có kết quả như hôm nay. Lớp học việc làm báo sau chiến tranh chúng tôi gặp các ông “thầy” từ trong rừng đi ra xảy ra hiện tượng chẳng những “đồng thanh tương ứng” mà còn có một sợi dây vô hình, huyền diệu liên kết chúng tôi. Ở các ông thầy này không có lí luận chuyên ngành, chủ yếu chúng tôi lĩnh hội thực tiễn, lĩnh hội cái tinh thần, ý chí, hoài bão của các ông. Nếu các anh, các chú trải nhiều bom đạn, hi sinh mất mát thì bọn tôi cũng là lứa tuổi trải hết tuổi thơ trong bom đạn, nhiều đau thương mất mát. Thế nên chúng tôi sợ chiến tranh, mơ một ngày tự do độc lập để được sống yên bình trong đất nước phồn vinh. Khát vọng của chúng tôi cũng chính là mục tiêu của chế độ, là hoài bão của mấy ông thầy. Thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cơ quan giao cho giống như thực hiện ý nguyện của mình, thế là hăng say, hết mình, máu lửa. Học trò mà tâm thế như vậy thì mấy ông thầy dạy nhanh lắm và cũng hăng say, hết mình.

Mới đây, vào đầu tháng 6/2024 tôi và anh Hai Bé có một chuyến đi Hà Nội chung. Anh đi chấm giải báo chí quốc gia, còn tôi thì đi theo lời mời của mấy ông bạn. Đã rất lâu, dễ chừng cũng mấy chục năm, tôi với anh mới có dịp ngủ chung phòng. Trí nhớ anh tuyệt vời lắm, tôi thì hay quên, anh rủ rỉ rù rì những kỉ niệm của chúng tôi thời làm báo sau hòa bình. Lập tức trí nhớ tôi được khơi dòng, thấy không khí làm báo xưa nó hừng hực như lửa. Anh bảo: Mày nhớ mỗi lần thông qua báo xuân không. Tác giả bài báo ngồi đọc bài của mình trước một hội đồng gồm Ban Biên tập, các trưởng, phó phòng. Mặt ông nào ông nấy bậm trợn như “thằng cha Tư Hậu”. Còn bài báo được thông qua “ngọt”, được khen ngợi thì vui đến nức trời. Bài bị chê, bị loại thì cái anh phóng viên ấy mặt mày ủ ê suốt năm. Những phóng viên không được dự, ở ngoài nghe ngóng rình rập cũng buồn lây. Những anh may mắn được chọn thì đi trên mây trên gió.

Thời ấy, sáng sớm chúng tôi túm tụm, ra cửa hàng số 12 uống cà phê, câu chuyện rôm rả nhất là bàn về những bài báo của nhau. Ăn đói ăn khát nhưng những câu chuyện về cơm áo gạo tiền ít ai nhắc đến. Làm báo hồi xưa nóng và chân phương, chân thành, bây giờ lạnh và xen vào nhiều câu chuyện quá.

Một vấn đề làm nên cái đặc biệt của chiếc nôi báo chí Minh Hải, thế hệ sau chiến tranh là những người viết báo có lòng và giàu kí ức, bọn tôi từ trong tăm tối lạc hậu, từ cuộc chiến tàn khốc đi ra, mang trong lòng nhiều niềm đau rỏ máu, đôi lúc bưng chén cơm lên ăn nhớ đời mẹ cha nghèo như thân cò lặn lội đồng sâu. Trong cái vị hạt cơm không chỉ phảng phất mùi phù sa của đất đai xứ sở mà còn có cả mùi máu của cha, anh, mùi nước mắt của mẹ. Thế là “đất bỗng hóa tâm hồn” như một nhà thơ nổi tiếng đã viết. Đất khi nó ở trạng thái tâm hồn của ta thì ta máu thịt và ta yêu đương, ta tình tự, ta đi viết báo về đất về đời bằng một tình yêu đằm thắm chan chứa. Ta nâng niu, chăm chút tất cả, ta không dám xúc phạm đến một bụi cây ngọn cỏ của làng nước quê mình.

Đối với nghề viết văn làm báo, khi đã hội đủ hai điều kiện, có hoài bão, có tình yêu quê hương làng nước cháy bỏng thì sẽ đạt được một cảnh giới thượng thừa. Phim kiếm hiệp Hồng Kông chúng ta thường bắt gặp, một người luyện võ đến một trình độ nào đó, vào một đêm anh ta ra đứng giữa trời mà vận nội công để thu nạp linh khí trời đất và võ công anh ta trở nên thượng thừa. Tôi hiểu đây là một cách thu nạp nguồn lực văn hóa. Đã có hoài bão đẹp đẽ, lòng yêu quê hương chân thành là lúc ta đủ điều kiện và ta hãy ra đứng giữa trời, giữa đời mà học mà vận nội công, lập tức các nguồn năng lượng văn hóa sẽ được quy tụ trong ta.

Phàm sống trên đời, con người ta hơn nhau chưa chắc trong túi nhiều tiền hay ít. Tiền nhiều có khi bại hoại gia phong, hạnh phúc đổ nát vì ăn chơi sa đọa. Còn hàm lượng văn hóa nhiều thì được người đời kính trọng, bởi cách ta sống, việc ta làm đều thông tuệ, lễ nghĩa. Con mắt người nhiều văn hóa nhìn xuyên đất đai, xuyên thấu cuộc đời, anh ta viết báo, viết văn sẽ thâm sâu trí tuệ hơn người khác. Biết đời sống cần gì để mà viết, để mà thực hiện sứ mệnh nhà báo nhà văn trong con người mình. Ngược lại, một người thiếu văn hóa sẽ chạy theo thị hiếu bạn đọc, lao vào những vấn đề nhạy cảm kiểu “thằng cha này lấy con mẹ kia” thì mới sống được. Anh ta ở trạng thái như thế là vì anh ta bí đề tài, con mắt anh ta không thể thấy được những điều cao quý, vẻ đẹp lung linh của đất đai, con người đang nằm trong lòng đất, lòng đời.

Hơn thế nữa, một nhà báo thiếu hàm lượng văn hóa, thiếu tình cảm chân thành với cuộc đời, bài viết anh ta rất thô, rất khô. Anh ta ném cho bạn đọc một sự kiện thiếu xúc cảm vì vô hồn. Ngược lại, khi nắm được sự kiện rồi thì nhà báo có văn hóa sẽ ngồi bóc chữ, bỏ vào bài viết mình một tình yêu chan chứa, nên chữ nghĩa anh ta đầy hồn phách, đầy xúc cảm.

Đây là một hồi ức dài mong bạn đọc lượng thứ vì người viết nó ra là một nhà báo có nhiều tâm tư. Nếu có ai bảo tôi tô son vẽ phấn cho tờ báo khai sinh ra tôi thì cũng có lí. Ai chẳng có tình với nơi nuôi dạy mình lớn lên. Thế nhưng trong bài báo này mục đích của tôi là muốn nói đôi điều chưa cạn tỏ về Báo Minh Hải - chiếc nôi báo chí vùng bán đảo Cà Mau và về nhiều thứ của hôm nay.

P.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)