. VĂN XƯƠNG
Năm ấy, sau khi nghỉ hưu được hai năm thì bố tôi lâm bệnh nặng. Công tác trong ngành y, tôi biết bệnh tình của bố đã vào giai đoạn cuối. Tôi thương bố đến thắt ruột, cảm nhận nỗi mất mát lớn lao của cuộc đời mình đang ngày một cận kề. Mồ côi mẹ khi mới lên năm tuổi, bố đi kháng chiến biền biệt. Tuổi thơ tôi sống với ông bà nội, chỉ đến khi bố nghỉ hưu cha con mới được gần gũi bù đắp tình cảm cho nhau, nào ngờ quá ngắn ngủi.
Tôi không muốn bố buồn nên cố giấu sự thật về bệnh tình của ông. Hình như bố cũng vậy, cố giả bộ sức khoẻ của mình không có gì trầm trọng. Cho đến một hôm ông gọi tôi vào phòng.
- Thịnh này! Con thu xếp nghỉ ít ngày đi vào miền Trung với bố một chuyến.
- Có việc gì mà gấp vậy bố?
- Ừ... Là nơi mà ngày xưa bố đóng quân ấy mà.
- Nhưng bố đang bệnh. Mà trong ấy mùa này thời tiết nóng nực lắm.
- Con yên tâm. Lần này bố muốn con cùng đi.
Tôi biết tính bố không muốn làm phiền ai bao giờ, kể cả tôi. Vì vậy, yêu cầu của ông hẳn liên quan tới một chuyện hệ trọng.
Minh hoạ: Nguyễn Vân Chung
Gần hai ngày hành trình với nắng gió hầm hập cháy da cháy thịt của dải đất miền Trung, chúng tôi tới một vùng quê. Những hàng dương cao vút, trời nước bao la. Biển, tôi thầm reo lên và ngỡ ngàng trước muôn ngàn con sóng đang nối nhau dưới ánh hoàng hôn lấp lánh như rải vàng. Bờ cát phẳng mịn trắng xóa uốn lượn theo hình vòng cung chạy tít tắp về phía Nam. Gió nhè nhẹ mang hương vị biển nồng nàn...
Không kịp nghỉ ngơi, bố đưa tôi đi dọc bờ biển đến một đường hầm ngầm. Ông bảo đây là địa đạo Vịnh Mốc, rồi len lỏi hết các ngõ ngách, giới thiệu từng vị trí rành rẽ như thuộc lòng bàn tay. Giọng bố thoắt trở nên trẻ trung sôi nổi như chưa hề bệnh tật.
- Con thấy địa đạo thế nào?
- Thật tuyệt vời! Một lâu đài kì lạ trong lòng đất.
- Nó là một trong một trăm mười bốn địa đạo nơi đây con ạ! Đơn vị của bố đã tham gia đào và chiến đấu với địa đạo này.
Bố bỗng bâng quơ:
- Thời buổi bây giờ điều kiện thuận lợi, có khi chỉ trong một tuần người ta đi năm bảy quốc gia, hôm nay ở Hồng Kông vài ngày sau ở Úc, ở Pháp..., vậy mà nhiều địa danh lịch sử máu thịt trên đất nước mình lại thờ ơ, hờ hững…
Tôi xuê xoa:
- Không phải ai cũng thế đâu bố ạ.
- À… ừ… ờ… - Bố cười như nhận lỗi - Những năm qua con bận bịu với học hành, nghiên cứu, bố cũng bận công tác, hơn nữa sức khoẻ còn tốt. Bây giờ thì…
Nói đến đây bố đưa tay hướng ra phía biển. Một khối xanh mờ đang dần thẫm lên trên những con sóng triền miên, tít tắp.
- Đảo Cồn Cỏ ! - Giọng bố hơi thảng thốt.
Rồi bố kể… Năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm, bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, Mĩ - ngụy điên cuồng cho máy bay đánh phá miền Bắc. Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu hứng chịu bom đạn của quân thù. Đơn vị bố trực tiếp chiến đấu đánh trả máy bay tàu chiến địch ở vùng biển này và có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đầy hiểm nguy, đó là cùng với quân dân địa phương tiếp tế đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ở đảo Cồn Cỏ, “vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc”, một vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà Mĩ, ngụy đã tìm mọi cách để chiếm bằng được hoặc không thì phải hủy diệt để phá vỡ hệ thống phòng thủ, cắt đứt con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Bây giờ ra đảo chỉ hết một hai giờ đồng hồ, còn hồi ấy là cả một hành trình sinh tử, tàu chiến máy bay địch tuần tiễu vây hãm đánh phá suốt ngày đêm với đủ loại bom đạn tối tân nhất. Phải nói rằng đảo và đất liền đã được nối với nhau bằng máu, nước mắt... Một trong những đồng đội của bố hi sinh ngày ấy có chú Hưng. Chú quê vùng biển Đà Nẵng, tập kết ra Bắc năm một chín năm tư. Sau khi tốt nghiệp đại học, chú được đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô nhưng tình nguyện vào Nam chiến đấu. Chú được bổ sung vào đơn vị của bố khi đơn vị đang ở Xuân Mai chuẩn bị hành quân vào trong này. Cũng trong những ngày ấy, bố được đơn vị cho về nghỉ phép. Gọi là nghỉ phép nhưng chỉ đủ cho bố mẹ tổ chức xong đám cưới là lên đường. Cũng thật oái oăm, những ngày ấy mẹ “bị bệnh phụ nữ” thành ra... Ngày chia tay, mẹ buồn lắm vì chưa làm tròn bổn phận một người vợ...
- Đàn ông đã đành, phụ nữ thời chiến tranh cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, hi sinh lắm con ạ. - Bố bất chợt quay lại nhìn tôi, đôi mắt ưu tư trũng xuống.
Tôi chưa biết phải nói gì, bố kể tiếp: Vào trong này bố và chú Hưng cùng một tiểu đội, hai đứa được phân công ở trong một ngăn hầm địa đạo. Như hồi nãy con đã đi xem, địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong lòng đất, có ba tầng với độ sâu từ mười lăm đến hai mươi ba mét, dài gần hai cây số, vừa là nơi nhân dân trú ẩn, tránh bom đạn, sinh hoạt như trên mặt đất vừa là nơi cất giữ vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho đảo Cồn Cỏ, đồng thời cũng là trận địa chiến đấu. Những chuyến hàng cảm tử ra đảo Cồn Cỏ, những trận đánh trả máy bay tàu chiến địch, những đêm gối đầu tâm tình, bố và chú ấy đã trở thành đôi bạn tri kỉ. Chú ấy dáng người mập chắc, nụ cười rất có duyên, đặc biệt là đàn giỏi hát hay nên mỗi khi sinh hoạt quân dân bao giờ cũng được các cô gái chú ý nhiều nhất. Hồi ấy ở Vĩnh Linh đồng bào ở miền Nam sơ tán ra nhiều lắm. Họ sống yêu thương đùm bọc nhau như trong một gia đình nên chẳng phân biệt được ai người miền Bắc, ai miền Nam. Một đêm sau khi sinh hoạt về, chú Hưng cứ thao thức, trằn trọc nhưng có vẻ vui lắm, thấy vậy bố trêu: “Chắc là tương tư o nào rồi phải không?” Chú cười hì hì: “Sau này hết chiến tranh mày về hành nghề thầy bói được đấy”. “Vải màn không che được mắt thánh đâu. Đằng này đã từng trải qua rồi đấy nhé. Có khai báo không thì bảo!” “Ờ... ờ nhưng mà mày không được kể với ai. Cô ấy người miền Nam, tên là N.A…” “Lại còn bí mật nữa, Ngọc Anh, Ngọc Ánh.... chứ gì?” Chú lại cười hì hì rồi bảo: “Chỉ giỏi đoán mò. Biết ngang từng đó thôi, tao chẳng dại gì để lộ tên người mình thương cho những thằng đã có vợ như mày”. Bố dọa, nếu không kể hết thì sau này đừng trách, chú Hưng bảo: “Tao đùa vậy thôi, nhưng mà... hồi sau sẽ rõ”. Biết chú dùng chiêu thức kể chuyện đêm khuya hàng đêm cho bố nghe để lảng tránh nên bố không ép chú nữa. Thế rồi đêm hôm sau bố vừa mới giao ban trên đại đội về thì thấy mẹ đột ngột như từ trên trời hiện ra. Chú Hưng cười bảo: “Tao mới bắt cóc cho mày một o xinh đẹp đây nè, bây giờ bàn giao nhé” rồi đi ngay. Mẹ đi trong đoàn văn công xung kích của thành phố phục vụ giới tuyến. Bố mẹ gặp nhau mừng vui khôn xiết. Nhưng rồi bố bối rối vô cùng vì đêm ấy bố được đơn vị giao nhiệm vụ cùng mười người vận chuyển hàng ra đảo. Chú Hưng thuộc quân số tiểu đội nhưng vì nhiệm vụ tổ chức đêm văn nghệ nên không đi cùng. Bố nghĩ, vậy là lại một lần nữa... Còn mẹ sau khi biết tin, cố giấu đi dòng nước mắt. Thế nhưng gần đến tám giờ tối, bố chuẩn bị đến địa điểm tập trung thì chú Hưng xuất hiện với nụ cười ý nhị: “Có mệnh lệnh mới của Ban chỉ huy!” Bố hồi hộp chờ đợi. “Tao được cử đi thay mày chuyến này. Mày rõ chưa? Nhưng mày cũng có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đây”. Chú lôi một lá thư trong túi áo ra, rồi ghé sát vào tai bố: “Biểu diễn văn nghệ xong mày ra Mũi Si đưa lá thư này cho N.A giúp tao. Tao đi đây, à.... nhớ chăm sóc bà xã chu đáo nhé!” Chú nháy nháy mắt tinh nghịch rồi vội vã nhoà đi trong màn đêm. Còn bố thì ngớ người ra không kịp nói với chú điều gì…
Dừng một lúc, ông mới nói tiếp, giọng nghèn nghẹn:
- Đêm ấy tổ chức văn nghệ xong, bố chuẩn bị mang thư của chú Hưng đi thì một trận máy bay và tàu chiến địch bất ngờ bắn phá dữ dội vào trận địa, đến khi ngớt thì đã hơn mười một giờ đêm. Bố vội vã ra Mũi Si, một dải đất bazan bằng phẳng hình tam giác nhô ra phía biển, bên dưới là bãi đá hoang sơ rất đẹp. Bố chờ đợi hồi lâu nhưng chẳng thấy cô N.A đâu, đành phải quay về. Thấy bố nét mặt thẩn thờ, mẹ lo âu: “Không biết chú Hưng đi ra đảo thế nào?” “Không sao đâu em!” Bố trả lời thế cốt để mẹ yên lòng, chứ lênh đênh giữa biển khơi trên bom dưới đạn chỉ biết “lấy biển làm hầm, mạn thuyền làm công sự chiến đấu” thì thật khôn lường.
Bố dừng lại hồi lâu trầm lặng dõi nhìn những đụn mây trắng đang từ từ hồng rực lên như những con thuyền dập dìu chao sóng. Đảo Cồn Cỏ cũng loang dần ra rồi mờ đi trong màn sương biển bao la.
- Đêm ấy trong địa đạo Vịnh Mốc, dưới làn bom đạn rền rã của kẻ thù là đêm tân hôn đích thực của bố mẹ. Và kết quả của những giờ phút hạnh phúc ấy là con. Còn chú Hưng... đã mãi mãi không về...
- Dạ! Thế còn lá thư của chú ấy? - Tôi sốt sắng hỏi.
- Nhiều đêm sau bố vẫn ra Mũi Si để chờ đợi người con gái ấy nhưng vô vọng. Sau này bố mới biết đó là cô Nguyệt An cùng ở trong hầm địa đạo Vịnh Mốc. Cô ấy ở tầng hầm dành cho đồng bào miền Nam sơ tán chỉ cách ngăn hầm của bố và chú Hưng chưa đầy trăm mét. Và đêm chú Hưng nhờ bố chuyển lá thư cũng là đêm cuối của cô ở đây. Hôm sau cô lên đường ra miền Bắc học. Chiến tranh ngày một ác liệt hơn, đơn vị bố được điều động ra chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Rồi chiến trường K, biên giới phía Bắc… Hơn ba mươi năm, lá thư theo bố...
Nói đến đây bố phủ phục xuống bờ biển, nâng lá thư lên mặt nghẹn ngào:
- Hưng ơi! Hưng ơi... Đây là lần cuối tao về với mày. Tao không còn dịp nào nữa rồi. Mày thứ lỗi cho tao đã không làm tròn việc mày nhờ. Tao đành gửi lại mày đây Hưng ơi!
Nói rồi bố định thả lá thư xuống mặt biển, nhưng như có một điều gì đó níu kéo khiến ông không sao buông tay được. Nước mắt giàn giụa, bố nức lên:
- Hưng ơi! Hưng ơi!
Tiếng gọi của bố vỡ ra, hoà trong tiếng sóng ào ạt, dội ngược lên trời cao vòi vọi rồi rót buốt vào tận thẳm sâu. Tôi vội chạy lại đỡ bố. Nhận lá thư bố trao, tôi run run áp vào lồng ngực…
Một tháng sau bố qua đời. Trước khi nhắm mắt ông vẫy tôi lại gần, cố hết sức nói trong hơi thở trút ra cuối cùng: “Chú Hưng... đảo Cồn Cỏ…”
Lời trăng trối của bố cứ canh cánh trong lòng tôi. Tôi đã nhiều lần về thăm lại Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc, nơi bố mẹ tôi đã có những giờ phút đẹp đẽ, hạnh phúc nhất, nơi đã trở thành máu thịt của tôi. Nhưng điều bố gửi gắm tôi vẫn chưa thực hiện được…
*
* *
Rồi niềm mong mỏi của tôi cũng thành hiện thực, mặc dù phải chờ đợi khá lâu. Thằng bạn nối khố thời học trò hồ hởi báo tin, có đoàn cán bộ trung ương đi khảo sát xây dựng đảo Cồn Cỏ. Nó đã thu xếp cho tôi một suất như thành viên thực thụ của đoàn.
- Hôm nay ông đi tạm con tàu dã chiến này, lần sau ông về sẽ có tàu cao tốc, lúc đó đi đảo Cồn Cỏ như đi chợ huyện chợ xã thôi. Tôi đã tìm cho ông được một người tâm đầu ý hợp. Đảm bảo ông sẽ… Nói thế nào nhỉ? Đại loại là rất hài lòng!
Gặng hỏi người mà nó sắp xếp cho tôi, nó nháy mắt ra vẻ bí mật, rồi đánh trống lảng bằng cách hào hứng vẽ ra một viễn cảnh rất đẹp. Rồi đây Cồn Cỏ “Hòn đảo lửa” thuở nào sẽ trở thành “Đảo Ngọc”.
Tàu khởi hành. Những con sóng ì oạp vỗ vào thân tàu. Một âm hưởng hùng hồn, tha thiết, từ sâu thẳm vọng về, dâng trào lên trong tôi. Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kì (1).
Người phụ nữ ngồi cạnh tôi mà thằng bạn đã sắp xếp, tuổi chừng thế hệ của bố tôi. Cô người miền Nam và cũng từng có thời gian sơ tán ở Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc, Mũi Si. Tất cả những điều đó khiến tôi bỗng trở nên hồi hộp. Biết đâu… Tôi chăm chú lắng nghe, kể cho cô nghe và gặng cô kể về quãng thời gian cô sơ tán ở nơi bố tôi và chú Hưng chiến đấu, nhất là chuyện kẻ nhớ, người thương.
- Hồi ấy, hầu như con gái miền Nam tụi cô đều có vài anh bộ đội thương. Không dám thương thật thì thương thầm. Có khi tụi cô nhận được thư tỏ tình của mấy anh liền. Đạn bom khốc liệt, lằn ranh sống chết tính bằng giây… Cô hỏi con, có ai trong số các anh ấy không đáng được mình thương lại không? Đặt con ở cương vị các cô khi đó, con có dám từ chối ai không?
Những lời cuối của cô đầy buồn lắng, ưu tư. Cô lặng im, mắt ngân ngấn nhìn xa ra ngoài biển.
Bỗng từ phía mũi tàu có tiếng reo: “Đảo.... đảo Cồn Cỏ!”
Mọi người xôn xao đứng dậy. Một khối núi xanh mờ sừng sững như một con rùa thần khổng lồ chờn vờn bơi trên sóng nước. Cô và tôi, cũng như mọi người lần bám vào lan can tàu. Dường như không kìm giữ được nỗi xúc động đang dồn nén mãnh liệt, tôi nắm lấy tay cô bật thốt lên:
- Cồn Cỏ! Cô... Cô Nguyệt An... Cô Nguyệt An…
Cô sững nhìn rồi ôm lấy tôi, vỗ vỗ lên vai tôi trong tiếng còi hú liên hồi báo hiệu tàu cập bến
V.X
1. Thơ Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ.
VNQD