. LỆ HẰNG
Chuyện bắt đầu từ khi nào tôi cũng không biết nữa, khi tôi nhận ra thì mọi thứ đã trở nên tồi tệ và cửa hàng đang đứng bên bờ vực phá sản. Tuần trước nhân viên cuối cùng buộc phải nghỉ việc mà không nhận đủ tiền công. Tôi không thể ước chừng được nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ trụ nổi trong bao lâu. Điều khủng khiếp nhất là tôi hoàn toàn mất kiểm soát, cứ như đùng một phát sét đánh vào đầu khiến người mê mê tỉnh tỉnh không hình dung được chuyện gì đang xảy ra, dường như mọi tương tác dần trở nên méo mó. Cửa hàng này là di sản của gia đình tôi, thương hiệu từ đời ông cố để lại, nó không phải chỉ là một tài sản vật chất mà nó là cuộc đời tôi, nói thật tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, tình yêu, tuổi trẻ hay gì gì nữa để giữ lấy gia nghiệp đời mình. Vậy mà tất cả đang dần tuột khỏi tay tôi. Đến điên mất thôi.
Minh họa: Lê Anh Vân
Tôi chưa làm điều gì sai cả, chắc chắn là chưa phạm một sai lầm nào trái với lời dạy của tổ tiên. Tôi tiếp quản công việc từ cha mình khi ông tới tuổi tám mươi và gần như không thay đổi bài trí trong cửa hàng. Tôi biết nó đã như thế từ đời ông cố, không phải ngẫu nhiên mà chiếc gương hình chữ nhật hành thổ nằm ở bức tường bên trái hay chiếc đồng hồ hình tròn hành kim nằm chắn hướng cửa ra vào. Từ nhỏ tôi đã được dạy cửa hàng của gia đình sở dĩ ăn nên làm ra bất chấp biến loạn của thời cuộc là bởi ông cố am tường phong thủy ngũ hành, cửa hàng luôn ở thế vượng khí, trạch vận vững vàng, hút tài hút lộc. Nhưng chẳng hiểu sao gần đây khách thưa vắng hẳn, như hôm nay tôi chọn giờ lành mở cửa từ sớm, ngồi tới giờ này đã là chập tối mà chỉ mới đón vài khách, kì lạ là không bán được món nào. Tôi không chắc nhưng thiết nghĩ tình trạng này đã bắt đầu từ mấy năm rồi và nó diễn ra âm thầm trong sự chủ quan của tôi, đến khi cửa hàng không còn khách tới nỗi nhân viên hết việc để làm tôi mới tá hoả lần mò xem lại sổ sách, đúng như dự đoán, nó đã có dấu hiệu đi xuống từ mấy năm trước, nó xuống dần đều cho đến năm nay là lao luôn xuống vực.
Có lẽ sẽ có manh mối nào đó nếu xem lại camera. Tôi nghĩ và làm ngay. Tất cả khách ghé cửa hàng hôm nay đều làm cùng một việc trong khi chờ tôi tư vấn. Động tác của họ cũng gần như nhau, họ đưa điện thoại lên dí một góc nghiêng xuống mặt mình rồi chụp liên tục mấy tấm hình bên cạnh tên cửa hàng với logo khắc nổi, ngày nào tôi cũng lau dòng chữ khắc tên cửa hàng cùng với logo cho sáng loáng. Tôi biết góc ấy ăn tiền đến mức nào, một cửa hàng truyền thống hơn ba đời hẳn thương hiệu đã có chỗ đứng nên ai đến cũng check-in ngay lập tức. Tôi thấy họ hạnh phúc khi đứng bên thương hiệu của mình, một tín hiệu tốt và họ tiếp tục hạnh phúc khi tôi tư vấn. Cuối cùng, tôi dẫn họ đến trước gương để ngắm lần cuối, họ cần được nhìn tổng thể để chắc chắn sự tư vấn của tôi và lựa chọn của họ là đúng đắn và xứng đáng cho một cuộc chi tiêu. Nhưng tất cả vị khách hôm nay, đến bước này thì họ không còn hạnh phúc nữa. Họ quay mặt đi, tìm cách gửi lại tôi món hàng mình đã tâm đắc chọn rồi nhanh chóng mất hút sau cánh cửa. Tôi không kịp trở tay và không có một cơ hội thứ hai nào cả.
Camera những ngày trước đó cũng ghi lại cảnh tương tự. Rồi tất cả nhân viên của tôi, họ cũng tiễn khách trong trạng thái chưng hửng đến nghẹt thở như thế. Có người lịch sự chào nhanh khi chúng tôi muốn biết liệu họ đã hài lòng hay cần thử tiếp, có người chẳng nói chẳng rằng chỉ khẩn trương đưa trả món hàng rồi biến mất trước khi chúng tôi kịp mở miệng. Tôi không hiểu được hành động kì quặc của họ, nhưng thấy mình có lẽ đã đi đúng hướng và sắp sửa chạm được vào vấn đề trọng yếu. Tôi nhấc điện thoại lên gọi cho nhân viên thân cận nhất của mình, tất nhiên bây giờ đã nghỉ việc nhưng tôi cam đoan khi nào cửa hàng khởi sắc dù chỉ một chút thôi tôi sẽ mời cô quay trở lại. Tôi không biết mình đang nghi vấn điều gì nhưng cứ hết lời mong cô hợp tác để cứu cửa hàng. Thật sự tôi không biết mình đang phải đối mặt với vấn đề gì nữa, điều duy nhất có thể làm trong lúc này là kể lại toàn bộ những gì mà cô cũng đã biết khi còn làm việc. Nhân viên của tôi xác nhận đúng là như vậy, chẳng hiểu sao đến bước quan trọng là khách hàng đột ngột đổi ý bỏ đi.
“Lạ lắm”, giọng cô rờn rợn trong điện thoại, “cứ soi gương xong là họ thay đổi hoàn toàn, họ làm như gặp phải cái gì dễ sợ lắm ấy. Họ đi như trốn chạy nó vậy. Phải rồi, người nào cũng đi như chạy trốn.”
Tôi đồng ý, nó đúng y như những gì tôi vừa cảm nhận khi xem lại camera.
“Tốt rồi, cảm ơn cô.”
Dù những điều chúng tôi vừa kết luận chẳng có cái gì gọi là giải pháp hay một chút manh mối để lần ra nguyên nhân nhưng tôi vẫn kết thúc cuộc điện thoại trong trạng thái lạc quan.
Tôi mở vòi vỗ nước lên mặt để xốc lại tinh thần. Những lúc thế này cần phải lấy lại tâm thế của người chủ và phải giữ cho cái đầu được lạnh. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với khách hàng của mình, họ không thể vô cớ mà bỏ đi thế được. Khách hàng từ chối mua sau khi đã thử là chuyện bình thường, hết sức bình thường nhưng bao giờ họ cũng chọn tới chọn lui năm lần bảy lượt và ít nhất phải có một lí do khiến họ từ chối, họ không cần phải nói, họ cứ việc che đậy nhưng dù kín đáo đến đâu tôi cũng âm thầm đoán được. Tôi đã học những điều này từ cha tôi, cha tôi học từ nội tôi, nội tôi học từ cố tôi. Mỗi thời đại có một màu sắc riêng, một xu hướng thẩm mĩ riêng nhưng dù xã hội có thay đổi thế nào đi nữa thì những điều cốt lõi trong tâm lí khách hàng là bất di bất dịch. Tôi đã tự tin vào khoản nắm tâm lí khách hàng biết bao nhiêu, cho đến lúc ngỡ ngàng chới với đứng bên bờ vực. Tôi muốn lùi lại một vài năm trước để xem mọi chuyện đã bắt đầu thế nào và từ đâu nhưng dữ liệu camera không lưu được xa đến thế.
Bây giờ chỉ có thể sử dụng cái đầu này...
*
* *
Vật vã quay tới quay lui cuối cùng cũng tìm được chỗ đỗ xe. Tôi đã ra ngoại ô, tiến sâu vào một ngôi làng heo hút dưới chân núi. Tôi hỏi thăm, được người làng chỉ đến lối đi nhỏ vào cái am thờ hay điện thờ gì đó nghe nói rất linh. Gia đình tôi không có truyền thống xem bói toán kiểu này, “bói ra ma quét nhà ra rác”, cha tôi nhiều lần nhắc nhở thế và ông thường coi rẻ mấy người hành nghề này, gọi họ là bọn “thầy phù thuỷ dởm”. Tôi cũng chưa từng xem bói bao giờ nhưng nguy cấp lắm rồi đành phải thử một phen. Sau khi tìm hiểu qua vài chỗ trong thành phố nhưng không thấy chỗ nào đủ thuyết phục để đặt cược niềm tin, tôi quyết định bỏ ra một ngày để lần mò đến nơi thật xa và heo hút thế này. Ít nhất thì ở đây không ai biết gì về tôi, như thế tôi có thể đánh giá được phần nào lời nói của họ. Phía trước tôi có vài người nữa, họ cũng là người thành phố và cũng đi xem bói như tôi, tôi đoán được ngay vì cách ăn vận sang trọng và thẻ nhang họ cầm trên tay. Lần lượt, chúng tôi tiến vào một cái am nhỏ, thắp nhang và ngồi chờ, có một vị chắc là phụ tá ở đây hướng dẫn chúng tôi từng chút một, từ việc thành tâm khấn nguyện, thưa gửi thế nào, đặt quẻ ra sao… Phải thành tâm, anh ta nhắc nhở tất cả người xem. Nơi này rất thiêng, mắt cô nhìn xuyên thấu, không phải ai cô cũng đồng ý xem cho, người nào tâm chưa đủ duyên chưa tới cô sẽ mời về. Tôi ngồi im, không biết mình đã đủ tâm đủ ý chưa.
“Nam này lòng tin còn yếu lắm”.
Mắt ông thầy bói trừng trừng nhìn tôi, à không, là mắt cô chứ. Tôi định mở miệng nói điều gì đó thì cô đã phả thuốc lá ra đầy mặt và tóc tôi.
“Quẻ này cô xem là vì thương nam đường xa lặn lội lại đang gặp chuyện rối ren chứ không là cô tiễn, biết chửa?”
Tôi giật thột, tôi đã trang bị đủ nghiệp vụ cho mình để không mắc mấy lỗi cơ bản như tô hô tuôn huốt về công việc, gia thế hay chỗ ở của mình với bất kì ai ở đây.
“Đội ơn cô”, tôi thành khẩn.
“Căn mạng của nam đang gặp điều không vui vẻ. Một đám mây đen choán trước tầm nhìn… rối, rối lắm đấy”.
“Dạ, trình cô…”
Tôi xuýt xoa cuống quýt dạ thưa kể hết câu chuyện của mình, lòng đã không còn chút nghi ngờ nào nữa. Cô nghe mà như không nghe, cứ tung đồng xu sấp ngửa rồi lật úp lật ngửa những chiếc li. Lúc lâu, người phụ tá đánh một hồi chuông, cầm nắm nhang lại bắt đầu hồi khấn, những âm thanh rù rì mụ mị, những vòng nhang mù mịt trước mắt, tôi không còn suy nghĩ gì được nữa, lòng vừa sợ vừa khấp khởi mừng.
“Việc của nam rối lắm. Nam nghe cho rõ lời cô đây, đường tiền tài của nam đang bị chặn. Nam về coi lại chỗ của mình, hướng chính có vật cản. Ở hai bên lại có vật chiếu vào làm tổn khí, nếu để lâu nó hại đến dương thọ của gia chủ nữa”.
Tôi cố gắng thanh minh cho cô hiểu cửa hàng ấy là cơ ngơi của gia đình, đến tôi đã là đời thứ tư và nó đã như vậy từ đời ông cố cho đến đời tôi.
“Việc ấy là của nam, cô chỉ chỉ điểm cho nam được đến đó”.
Một cơn rùng mình ớn lạnh, người cô lắc lư rồi thăng, chỉ còn gã thầy bói người trần mắt thịt nhìn tôi. Hết quẻ, thầy phải nghỉ ngơi cho lại sức. Vậy là về, một vài người ngồi đợi ở ngoài đón lại hỏi han nhưng tôi không nói gì cả, dọc đường nghĩ mãi về lời phán nửa úp nửa mở khi cô nhập. Cái vật chắn và cái gì chiếu ngang làm tổn hại đến tiền bạc, sức khoẻ tôi nghĩ mình đoán ra rồi. Chỉ có thể là chúng.
Chiếc đồng hồ cổ được tháo xuống đưa vào góc khuất hơn. Còn chiếc gương, hì hục một lúc tôi mới chuyển được sang bức tường đối diện. Thêm vài thứ cần phải sắp xếp lại vì những thay đổi quan trọng này.
Mười hai giờ đêm, tôi lái xe về nhà, thắp nhang khấn trước anh linh tổ tiên ba đời, rồi yên tâm đi ngủ. Ngày mai là một ngày khác…
Minh họa: Lê Anh Vân
Một ngày khác rồi thêm ngày khác nữa, rồi thêm nhiều ngày khác nữa vẫn chẳng có khách nào mua. Món duy nhất tôi bán được trong tháng này là cho một cụ đã ngoài tám mươi, cụ mua làm quà nên chẳng soi gương, tôi đã cố tình dẫn cụ đến trước chiếc gương, cụ cười rồi quay đi, chẳng có vẻ gì là soi gương cả. Tuần trước, cô nhân viên mà tôi đã gọi cầu cứu đích thân ghé cửa hàng an ủi. Một thời gian không thấy tôi gọi, cô tự biết tình hình đang ngày một xấu đi.
Tôi quyết định lái xe ra ngoại ô tìm về ngôi làng heo hút ấy lần nữa. Tôi không biết còn có thể mong chờ được gì nơi mấy chuyện mê tín thế này nhưng vẫn đi, căn bản là giờ tôi không biết bấu víu vào đâu nữa. Mọi thứ vẫn như cũ nhưng lần này người đến xem bói đông hơn, những chiếc ghế nhựa xếp san sát bên nhau chứ chẳng còn khoảng cách như lần trước. Chúng tôi im lặng chờ đến lượt mình, ai đó hút thuốc khiến không khí trở nên ngột ngạt, tôi cố nhích về phía trước để tìm khoảng trống, nhích từng chút một cho đến khi ngồi sát bên tấm phản đang nghi ngút khói và rù rì tiếng khấn. Cô đang nhập để chỉ điểm cho một người phụ nữ, tôi dỏng tai nghe. Tự nhiên tôi thấy tò mò nên cố ý nhích đến thật gần, vị trí an toàn ngay sau lưng ông thầy. Hôm nay khách ngồi nghênh ngang từ trong nhà ra đến ngoài hiên, anh chàng phụ tá chạy quắn đít không hết việc chẳng có thì giờ mà nhắc nhở hay để ý đến người mon men gần cô. Tôi thấy người phụ nữ khóc ngon lành chỉ sau mấy câu phán vu vơ. Đến phần quan trọng nhất, tôi nghe rõ từng âm thanh rùng rợn phát ra từ kẽ răng nghiến chặt, cô phán những điều y hệt như đã phán cho tôi lần trước chỉ thay từ nam thành nữ. Có thêm một vài ý nhỏ nữa, nhưng đại khái là thế.
Đến lượt tôi, lần này cô không còn chê tôi yếu lòng tin nữa. Sau một hồi vòng vo cô bắt đầu chỉ điểm khi mặt đã tái xanh phờ phạc. Đại ý là chỗ tôi có vật bị uế, muốn công việc hanh thông thì phải giải quyết nó ngay. Tôi cố hỏi cặn kẽ thì nhận được câu trả lời là vật này tuổi thọ đã lâu, hỏi thêm nữa thì cô rùng mình bật ngửa ra trên phản, hết quẻ, gã thầy lồm cồm ngồi dậy lấy tay quệt mồ hôi bảo rằng quẻ này phải cao tay lắm mới xem được.
Lần này tôi không về ngay, tôi ngồi lại lân la hỏi người này người kia, tôi không quen biết họ, chắc chắn chẳng thể làm gì phương hại đến nhau nên họ rất cởi mở. Họ kể về con đường đi xem bói gian nan có khi từ tỉnh này sang tỉnh khác, rồi kể về gia đạo, công danh, tình duyên và về những lời chỉ điểm mơ hồ của cô nữa. Họ cũng như tôi tin rằng cô là bậc thánh không phải người phàm, bậc thánh thì nói chuyện cao siêu huyền bí nên chỉ điểm không bao giờ rõ ràng như mình mong muốn được. Ngôn ngữ của thánh thần nó thế. Tôi đã tin như họ cho đến khi khám phá ra mọi lời chỉ điểm dành cho chúng tôi đều na ná như nhau, dường như lui tới chỉ một bài. Vậy là thôi, hết rồi, chẳng hi vọng được gì nơi đây nữa, tôi ra về thất vọng ghê gớm.
*
* *
Tôi vẫn còn mở cửa hàng, mỗi ngày đều đặn từ sáng đến tối thui thủi hoang mang. Chiếc đồng hồ cổ và chiếc gương đã tồn tại ba đời của gia đình được đặt về lại vị trí cũ. Ít nhất thì cố tôi, nội tôi, cha tôi đã làm vậy và họ, trong tư cách là người bán hàng, đều đã viên mãn với công việc của mình, nếu nó không đúng thì cũng không thể sai hay nguy hại gì được. Nhưng sáng nay tôi vừa nảy ra một sáng kiến và đang cân nhắc. Tôi thấy cửa hàng bên kia đường thay gương mới, người ta vừa chở về một chiếc gương đường viền trang trí bao quanh như mạ vàng sáng choang, rất sang trọng, hiện đại. Chiếc gương làm tôi nhớ tới lời chỉ điểm của gã thầy bói. Hẳn là tôi đã thấy mình bị tổn thương và mất lòng tin ghê gớm nhưng hôm nay tôi lại muốn tin. Biết đâu được…
Tôi vào một cửa hàng bán gương decor nổi tiếng trong thành phố trình bày ngắn gọn mục đích của mình. Chủ cửa hàng đích thân tiếp tôi, anh ta dẫn tôi lại xem một sản phẩm theo phong cách cổ điển châu Âu, đường viền trang trí bằng đồng chạm trổ tinh xảo đến từng chi tiết.
“Hàng nhập khẩu nguyên kiện từ châu Âu. Nó khá trầm nhưng sang trọng. Lên hình đẹp lắm”.
Anh ta nói và mở điện thoại chìa ra mấy tấm hình có người mẫu chụp cùng cho tôi xem.
“Nó khá giống cái cửa hàng tôi đang dùng. Xưa ông cố tôi cũng mua nó từ châu Âu.”
Tôi chốt mua chiếc gương ấy, trong đầu hình dung ra cảnh khách hàng của tôi sẽ chụp ảnh tự sướng và lan truyền trên mạng, như trước đây đã từng. Chiếc gương cũ ba đời được tôi cất tạm vào nhà kho. Dù phải cất đi nhưng tôi vẫn trân trọng lắm, nó là báu vật của gia đình.
Chiếc gương mới mang lại cho tôi niềm hi vọng mới và cuối cùng là niềm thất vọng như cũ. Tôi không thể nói với họ là mình vừa thay chiếc gương, đó không phải là điều mà họ muốn nghe. Khi đứng trước gương điều họ cần nghe là mấy câu đơn giản súc tích như “đẹp và sang lắm” hay tinh tế hơn, “hôm nay nó đã tìm ra người chủ đích thực của mình”, “nó được làm ra để dành cho chị”. Hôm nay tôi cũng nói những điều này, thậm chí còn nói to rõ hơn và cảm xúc hơn nhưng tôi chẳng bán được món nào. Khách hàng của tôi, họ vẫn rời đi một cách khó hiểu như ma ám.
Tôi có thêm chiếc gương mới thứ hai, chiếc gương mới thứ nhất được đem vào nhà kho xếp bên cạnh chiếc gương cũ ba đời truyền lại. Tôi vốn dĩ có thể quên đi việc chi tiêu vô nghĩa vào những chiếc gương nếu không có chuyện lạ này xảy ra. Chuyện lạ đó là khắp con phố này cửa hàng nào cũng đổi gương. Ban đầu chỉ là cửa hàng đối diện, rồi đến tôi, rồi đến cửa hàng bên cạnh, rồi tôi thấy người ta tháo ra lắp vào ì xèo một cách quái đản. Ngày nào cũng thấy nhân viên mấy cửa hàng gương decor chạy ngược chạy xuôi. Đúng là gương thì cửa hàng nào ở đây cũng cần, phố này là phố mua sắm lâu đời nhất và cũng sầm uất nhất, nhưng thế quái nào mà người người nhà nhà đồng loạt thay gương như trúng tà vậy chứ. Tôi không thể hiểu nhưng vẫn thấy mình cần một chiếc gương mới. Lần này, tôi đổi tiêu chí, chọn một chiếc gương nhập khẩu từ Ý phong cách hiện đại, thiết kế trơn và đơn giản nhưng đầy ý thức tạo hình.
Cứ thế, tôi đã sở hữu một bộ sưu tập gương đủ phong cách đủ xuất xứ đủ kiểu dáng vuông tròn nhưng cửa hàng vẫn đứng trước nguy cơ phá sản. Dường như tôi đã vướng vào một lời nguyền nào đó, lời nguyền của những chiếc gương. Nghĩ thế thì cũng thật lạ, vì chẳng phải tôi mà cả khu phố sầm uất này mắc phải lời nguyền. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, chúng tôi cần được giải thoát. Tôi quyết định sẽ không mua thêm chiếc gương nào nữa. Chúng nằm ngổn ngang trong nhà kho và làm tôi kiệt quệ lẫn mụ mị đầu óc vì nghĩ ngợi. Thực sự tôi khánh kiệt rồi. Không thể chi trả cho hoạt động của cửa hàng được nữa, và sớm muộn gì các khoản vay cũng bóp nghẹt tôi. Suốt cả tháng nay, cứ nhắm mắt lại là tôi thấy cửa hàng náo nhiệt như trước, người ra người vào, soi gương, mỉm cười, thanh toán… Mộng mị khiến người tôi bệ rạc như một âm hồn và chẳng dám soi gương nữa. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng chiếc gương có nhiều ý nghĩa tâm linh, người ta có thể thấy quỷ ám, có thể đọc được tương lai hay gặp gỡ những linh hồn. Đôi lần tôi ước gì có thể thấy cha tôi, nội tôi, cố tôi trong gương và có thể bước một bước xuyên không đến vùng đất của họ, nơi ấy chắc chắn bình an hơn và không còn áp lực như lúc này...
*
* *
Trong nỗ lực cuối cùng và tuyệt vọng của mình, tôi quyết định treo lên cửa tấm bảng ghi ngắn gọn mấy từ to đậm có thể đập ngay vào mắt: Giảm giá 40%. Tôi có thể sẽ mất cửa hàng, có thể sẽ phá sản, sẽ khánh kiệt cho tới chết nhưng đến lúc này tôi không còn sợ hãi một điều gì, tôi dám đánh đổi cuộc đời này để có được hai thứ: thứ nhất là có người mua hàng dù giá trị món hàng có nhỏ đến cỡ nào và có phải chịu lỗ đến cỡ nào đi nữa, thứ hai là biết bí mật về chiếc gương. Điều thứ nhất thực ra không quan trọng bằng điều thứ hai. Thật, trong cơn điên này tôi nghĩ chỉ cần được biết là tôi cam tâm đánh đổi tính mạng, thứ duy nhất và quý giá nhất mà chắc chắn là tôi đang sở hữu. Tôi không chịu nổi cảm giác mất kiểm soát, mất kết nối, mất định vị như lúc này.
Giảm giá 40% là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của cửa hàng, tôi nghĩ nó cũng chưa từng xảy ra trong bất kì cửa hàng nào khác bán cùng mặt hàng này. Ai cũng biết điều đó nên tôi có người khách đầu tiên chỉ mười phút sau khi tấm bảng được treo lên.
“Chào chị, nếu chị cần tư vấn hay bất kì điều gì, tôi sẵn sàng”.
Tôi tiến lại, đứng cách chị ta một khoảng cách vừa phải để có thể quan sát nhất cử nhất động nhưng đồng thời cũng đủ không gian để khách hàng thoải mái, không cảm thấy bị đeo bám hay chèo kéo sỗ sàng. Chị ta quan sát một lượt, đi quanh cửa hàng hết một lượt mới tập trung chọn thứ mình muốn. Có lẽ đây là lần đầu tiên chị ta ghé vào chỗ tôi. Tôi lấy ra vài thứ cho chị ta xem, tư vấn nhẹ nhàng khéo léo theo nguyện vọng của khách hàng. Người khách hàng này của tôi có vẻ dễ tính trong chọn lựa và không có nhiều tiền. Cuối cùng, như đã lập trình, tôi chỉ vào gương để chị chốt lại quyết định của mình.
Chợt, tôi thấy chị ta đổi sắc mặt. Nó dường như tối sầm lại. Tôi thực sự không nhìn vào gương, tôi chỉ nhìn vào khách hàng của mình để biết cận cảnh điều gì đang xảy ra. Lúc tôi chưa kịp định vị xem mình nên làm điều gì tiếp theo thì chị ta đã rời khỏi chiếc gương và cũng rời khỏi cửa hàng như bao người khách trước. Tôi không muốn mình để vụt mất cơ hội thêm lần nào nữa. Tôi bám theo chị ta, chặn đầu lại và ngắn gọn đưa ra thỏa thuận.
“Tôi sẽ tặng chị bất kì món nào chị thích nếu chị cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra... Chuyện gì đã xảy ra với chiếc gương?”. Tôi gằn giọng.
Chị ta nom sợ hãi, không rõ vì thái độ đường đột dữ dằn của tôi hay vì cái điều chị ta thấy trong gương, nhưng thỏa thuận này chắc chắn là hấp dẫn không cưỡng lại được nên chị ta đi vào. Tôi giúp chị ta bình tĩnh bằng cách rót một cốc nước mời.
“Tôi xin lỗi vì làm chị hoảng… nhưng không có gì đâu. Tôi chỉ muốn biết chị nghĩ gì hay đã thấy gì khi soi gương. Chị có thể nói tất cả cho tôi nghe, có được không?”
Tôi năn nỉ. Là tôi trấn an chị ta thế thôi chứ tôi điên lắm rồi, nếu chị ta không thành khẩn, giấu giếm thì tôi không biết mình sẽ làm gì. Bóp cổ chị ta chẳng hạn. Trong đầu tôi lúc này chỉ hiện lên được có thế.
“Tôi thích nó lắm”, chị ta chỉ vào món hàng lúc nãy, “Nhưng khi soi gương tôi không còn thích gì nữa cả.”
“Tại sao? Xin chị đừng ngại, tôi sẽ tặng chị, cái chị chọn hay bất kì cái nào khác cũng được nhưng xin chị nói rõ mọi chuyện cho tôi, xin chị đấy”.
“Nhìn vào gương là không còn cảm xúc gì nữa. Nó xấu quá”.
“Chị nói cái gì xấu? Nó vẫn y như lúc chị xem mà, chẳng phải lúc xem chị xuýt xoa khen đẹp đó sao? Trong gương nó phải đẹp hơn chứ!”
“Tôi không nói nó, tôi nói tôi kìa. Tôi chẳng biết nữa, nhìn trong gương tôi xấu hẳn đi, mà tôi xấu thì nghĩa là nó không hợp rồi còn gì. Tôi không có ý chê gì đâu, chỉ là soi gương tôi thấy tôi trong gương xấu quá mức chấp nhận của tôi nên tôi sẽ không mua nó. Ai lại mua một món hàng làm mình xấu xí đi, tôi nói đúng không nào? Nó làm tôi tụt hẳn cảm xúc. Nhưng mà anh cho không thì tôi lấy chứ, tôi sẽ bán nó, rồi tôi có thể tìm một cái thật đẹp...”
Tôi nghe say sưa không cắt lời chị ta cho đến khi chị ta dừng lại.
“Nhưng tôi thấy chị vẫn vậy mà. Sao có thể xấu hơn khi soi gương được”.
“Vậy đâu mà vậy. Anh xem đi”.
Chị ta mở điện thoại cho tôi xem ảnh.
“Tôi đây này”.
Tôi xem trong trạng thái thiếu bình tĩnh vì tôi vẫn chưa thấy mình chạm vào câu trả lời mà tôi tìm kiếm.
“Chị đây. Thế trong gương thì sao? Vẫn là chị mà”.
“Này, này, không phải nhé. Nếu thế thì tôi đã không bỏ đi. Có hồi nào cái gương của anh nó bị sai không?”
“Sai là sai làm sao? Tôi nói cho chị biết nó là chiếc gương ba đời nhà tôi để lại, tận châu Âu mang về nhé. Mà gương hay ảnh thì vẫn là chị chứ”.
“Tôi không biết nhưng tôi nói hết rồi đó, anh sẽ đưa nó cho tôi thật chứ?”
Tôi không trả lời vì lòng đang nghĩ ngợi, những gì tôi muốn biết vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
“Nếu tôi soi gương lần nữa, chứng minh cho anh thấy trong gương và trong ảnh khác nhau thì anh sẽ tặng nó cho tôi chứ?”
Một cách tự động, tôi gật đầu. Chị ta đứng dậy, cầm theo món đồ, tôi đứng dậy theo. Cả hai đứng trước gương, y như lúc nãy nhưng lần này tôi không nhìn chị ta nữa mà nhìn vào gương, tôi phải nhìn để tìm câu trả lời cho mình. Chị ta đưa các bức hình lúc nãy ra.
“Thấy chưa. Tôi nói rồi mà”.
Tôi hiểu điều chị ta đang nói, quả là khác thật. Tôi nhìn vào thằng tôi trong gương, tất cả những gì diễn ra trong lúc này và bao lâu nay khiến tôi mông lung không biết mình đang nhìn gì và thấy gì trong gương nữa.
“Nhưng mà tôi thì đúng, đúng tôi như vậy chứ? Chị thấy không?”
“Xem nào,” chị ta đưa điện thoại lên, vào một phần mềm chụp ảnh có sẵn trên màn hình rồi bảo tôi nhìn vào camera. Chị ta cũng nhìn vào. Tôi thấy cả hai chúng tôi.
“Anh thấy anh chưa?”
“Thấy”.
“Cười nào, chụp nhé”.
Tấm ảnh cho ra y như những gì tôi vừa thấy trong camera.
“Này, chưa chỉnh gì cả nhé”.
“Ối, tôi đây sao? Thật sao?”
“Thật”.
Chị ta đáp rồi mân mê món hàng, bảo.
“Giờ nó là của tôi”.
Tôi gật.
Chị ta mỉm cười, nụ cười đẹp lắm. Món hàng lấp lánh. Tôi thấy điều đó trong camera khi chị ta đưa điện thoại lên chụp liền cả chục tấm, xong thì nói cảm ơn và về. Có một người phụ nữ hạnh phúc vừa bước ra khỏi cửa hàng. Và có một người đàn ông hạnh phúc bên trong cửa hàng. Người ấy là tôi. Lần đầu tiên sau những ngày đằng đẵng tôi mỉm cười mà cười thật chứ không phải gượng cười. Tôi cười với tôi trong camera, gã đàn ông gương mặt chữ điền mũi cao chân mày rậm đã quá trung niên nhưng mắt còn tươi lắm chứ không phải gã đàn ông xập xệ quai hàm bạnh ra, hai mắt không cân đối và sâu như cú u uẩn như bao lần tôi thấy trong gương.
“Đồ phản bội”.
Tôi hét vào chiếc gương đang ngự trên tường. Đồ phản bội. Chẳng có lời nguyền nào cả chỉ có sự phản bội của chiếc gương. Tôi vẫn nhớ những gì cha tôi nói. Khi soi gương là khi thấy mình đẹp nhất. Con biết vì sao không? Vì ta chỉ thấy ảo ảnh của chính mình, tâm trí ta luôn ghi nhớ và nhìn thấy những gì đẹp nhất ở bản thân, ta sẽ bỏ qua rất nhiều khuyết điểm và chỉ tập trung vào những gì mình muốn thấy nhất, ví dụ như chiếc mũi cao hay đôi mắt sáng… Con phải biết phụ nữ luôn thấy hạnh phúc vì những điểm vô cùng nhỏ bé, như một sợi tóc mai hay một cái mím môi chẳng hạn. Phải luôn chăm sóc chiếc gương, giữ cho nó thật sáng, họ sẽ thấy mình xinh đẹp biết bao khi ở cửa hàng của chúng ta…
“Đồ phản bội”.
Tôi đập nát chiếc gương ba đời tổ tiên tôi truyền lại. Tôi đã luôn tin điều cha tôi nói để bị phản bội lúc nào không hay. Cả chúng nữa, lũ phản bội. Tôi mang tất cả gương trong nhà kho ra, soi và đập đến chiếc cuối cùng.
*
* *
Cửa hàng vẫn cần một chiếc gương. Tôi tìm đến đại lí bán gương nổi tiếng nhất thành phố.
“Bán cho tôi một chiếc gương. Giá nào cũng được”.
“Ông muốn kiểu nào, đây là những mẫu sáng nhất hiện nay”.
“Tôi không cần sáng. Tôi muốn mua một chiếc gương hạnh phúc”.
Tay bán hàng có vẻ lúng túng, anh ta nhìn ông chủ của mình cầu cứu. Một người đàn ông bệ vệ trong bộ com-lê đến tiếp tôi.
“Tôi muốn mua một chiếc gương thật đẹp, ý tôi là soi vào thấy đẹp, chiếc gương cho người ta thấy hạnh phúc khi soi ấy, anh hiểu không?”
“Lạ thật, có chuyện gì vậy nhỉ,” ông ta thở dài, “Sao người nào đến cũng đòi gương kiểu này!”
Ông ta nhìn tôi như chúng tôi đến từ hai thế giới khác nhau.
“Xin lỗi anh, chúng tôi chỉ sản xuất những chiếc gương trung thực, tiêu chí của chúng tôi là soi vào thấy thật, anh ạ”.
L.H
VNQD