. ĐINH PHƯƠNG
Sau thất bại đau đớn ở Điện Biên Phủ tháng 5/1954, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, kí Hiệp định Genève về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong điều khoản của Hiệp định có các nội dung đình chiến, chuyển quân, trao trả tù binh. Hai bên sẽ thực hiện trong thời gian ba trăm ngày. Nước Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất vào tháng 7/1956. Lúc này, trên chiến trường Nam Bộ các lực lượng vũ trang của ta được phân bố tập trung tại ba khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười, Mũi Cà Mau. Ai cũng sẵn sàng lên đường tập kết ra Bắc, nghĩ chỉ hai năm sau con cái sẽ gặp lại cha mẹ, vợ gặp chồng…
Nhưng ai biết được chữ ngờ…
Tôi có mặt ở Cao Lãnh - Đồng Tháp sau bảy mươi năm ngày tập kết diễn ra. Sự kiện chuyển quân năm xưa giờ đã phai mờ không ít trong trí nhớ nhiều người. Nhưng vẫn còn đây tượng đài Tập kết với hình ảnh người mẹ già khuôn mặt khắc khổ ôm người con trai lưng ba lô nặng trĩu, súng khoác trên vai như hẹn ngày trở về đoàn tụ không xa. Tượng đài đứng bên dòng sông Tiền, dòng chính của sông Mê Kông thao thiết chảy từ Campuchia về qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre rồi đổ ra biển Đông. Nắng hắt loang vàng mặt nước, lục bình lá xanh hoa tím chụm lại từng cụm lững thững trôi xuôi theo dòng hoặc dạt bám lại hai bên bờ. Giờ đây, khách đến Cao Lãnh thường chụp ảnh trước tượng đài rồi rảo bước xuống bến qua phà sang bên kia chợ cù lao Tân Thuận Đông. Bên đó xưa người dân làm ruộng, kéo lưới, trồng mía, thuốc lá. Sau họ trồng xoài, ớt, ít năm nay quay ra làm du lịch. Trong chợ bày bán đủ thứ đặc sản miền sông nước từ bánh tằm bì, gỏi ngó sen, cá lóc nướng, rượu sen, vịt nướng, đến các loại ốc…
Ông bà Hai Khương (bên phải) cùng tác giả bài viết
Tôi sang cù lao Tân Thuận Đông cùng nhà văn Phạm Thị Toán. Chị quê gốc Thái Bình, vào Đồng Tháp từ những năm tám mươi thế kỉ trước. Lúc ngồi trên phà ngước lên nhìn tượng đài Tập kết, tôi bỗng nảy ra ý tưởng tìm những người Đồng Tháp đi tập kết. Chị Toán bảo, khi còn làm biên tập viên cho Báo Văn nghệ Đồng Tháp chị có làm cuốn sách chân dung những người tập kết, lúc đó còn một số bác, song cũng già yếu. Chắc số bác còn sống không nhiều. Tìm được bây giờ đã khó. Điều quan trọng nữa là nhân vật còn khỏe, trí nhớ minh mẫn mới nói chuyện được.
Từ Nam ra Bắc rồi về Nam
Sáng ngày hôm sau, chị Toán gọi điện thông báo đã tìm được hai nhân vật ở Trung đội E. Chúng tôi quyết định đi gặp người ở xa trước, ông Trần Văn Khương, tên thường gọi Hai Khương.
Trung đội E được Tỉnh ủy tỉnh Long Châu Sa cũ (gồm bảy huyện Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới) thành lập với mục đích đào tạo nguồn kế cận đưa ra Bắc học, sau này quay về xây dựng quê hương. Trung đội thuộc Đại đội 961, Tiểu đoàn 311, thuộc Trung đoàn Long Châu Sa, thành viên gồm hơn bảy mươi em, độ tuổi dao động từ sáu đến mười tám. Các em được phát quân tư trang như bộ đội chính quy, chỉ khác quần áo dù có lấy bộ bé nhất cũng vẫn phải cắt bớt đi, bóp lại, mà mặc vẫn rộng thùng. Mũ cối nhờ các anh chỉ huy gắn sao cho, khi đội lên, vành che gần hết khuôn mặt. Ba lô rút cận dây lên đeo vẫn trễ quá mông. Hình ảnh Trung đội E tập kết năm nào làm tôi chợt nhớ đến vị tướng trẻ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng đội quân thiếu niên với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân” đã trở thành nỗi khiếp sợ của đại quân Nguyên Mông khi xâm chiếm Đại Việt lần thứ hai, góp phần vào chiến thắng chung khiến tướng giặc Trấn Nam vương Thoát Hoan tủi nhục chui ống đồng về nước.
Chúng tôi đi qua những hàng cây dầu thẳng tắp tìm đến nhà ông Hai Khương trên đường Điện Biên Phủ. Lúc chúng tôi đến, ông cùng vợ đã pha trà sẵn ngồi đợi khách.
Khi gợi lại kí ức về những ngày tập kết năm xưa, ông lắc đầu bảo không nhớ được hết, nhưng cái không thể quên là lạnh. Trung đội E tập kết ra Bắc trong những ngày cận tết, cao điểm của rét đậm rét hại. Một đứa trẻ mười hai tuổi sinh ra lớn lên trong xứ nắng giờ đột ngột bị thả vào cái lạnh cắt da cắt thịt thật chẳng có gì diễn tả nổi. Trong này thì quanh năm vận quần đùi, cởi trần, cùng chúng bạn đi lội ruộng tát cá, leo cây bắt chim vặt quả, chân chẳng mấy khi xỏ dép. Thế mà ra ngoài kia nghĩ chạm vào nước là thấy sợ, đầu ngón chân ngón tay bị cước phồng rộp tím lịm, ra khỏi chăn phải mặc áo ấm, khăn quấn cổ, đi tất dày. Trong cái êm ấm quan tâm của chính quyền, bà con Sầm Sơn - Thanh Hóa, nơi tàu của Liên Xô đưa người tập kết xuống, ông vẫn thấy có điều gì đó gờn gợn trong lòng. Ánh mắt người già, trẻ con ra đón đoàn vui tươi đấy mà vẫn có vẻ như cấn cá.
Trung đội được chia ra về ở trong các nhà dân. Để ý thấy bà con phải ăn cơm độn khoai sắn khô; trẻ con ăn mặc phong phanh, vá chằng vá đụp; trong khi trung đội có bếp riêng, anh em được ăn cơm trắng, mặc quần áo ấm của Liên Xô, Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ, mọi người trong trung đội suy nghĩ lắm. Sau vài buổi ăn chung bếp, thấy các anh lớn thường không ăn ngay mà lấy cơm về ăn cùng gia đình chủ, chú bé Hai Khương cũng làm theo. Ban đầu anh chị chủ nhà cùng đàn con nhỏ còn ngập ngừng, nhưng sau Hai Khương nói dối rằng mình ăn cơm độn thấy ngon hơn cơm trắng, mọi thứ mới trở nên tự nhiên. Dần dà, anh em trung đội quen dần với lối sống tiết kiệm, tằn tiện của người dân xứ Bắc. Lối sống này do thời tiết khắc nghiệt, do chiến tranh liên miên loạn lạc mà ra. Vùng đất này khác với vùng đất Nam Bộ trù phú, sản vật đãi đằng con người, khi trên đồng, dưới sông là lúa gạo cá tôm ăm ắp, trên bờ cây trái trĩu trịt.
Những năm này tỉnh Thanh Hóa rất khó khăn bởi đã dồn toàn bộ sức người sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà con đã cào cọt dồn từng cân thóc giống chuyển lên Tây Bắc. Thêm hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát, lương thực, hàng tiêu dùng thiếu hụt nghiêm trọng, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Mặc dù vậy, hơn mười trạm tiếp đón đã được lập, nhân dân các tầng lớp từ miền núi, đồng bằng, miền biển góp gỗ, luồng, lá, tre nứa để làm nhà ở tạm, trạm xá, nơi đặt cơ quan làm việc. Trâu bò lợn gà, gạo củi, chăn màn, quần áo từ những huyện ít thiệt hại vì thiên tai như Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thọ Sơn, Yên Định… nườm nượp đổ về Sầm Sơn, kịp thời phục vụ đồng bào tập kết.
Sau khi ổn định đời sống, đồng bào tập kết được bố trí làm việc, học tập tại nhiều tỉnh thành trên đất Bắc. Cậu bé Hai Khương tiếp tục đến trường. Dù trong Nam cậu đang học lớp ba nhưng vì môn chính tả thầy kiểm tra không đạt, hai chữ trích thơ, nghe thầy giáo đọc, chưa quen tiếng Bắc nên cậu viết thành chích thơ, bị đánh xuống học lớp hai. Nhưng sau khi học hơn tháng, cậu lại được nhấc lên học lớp ba.
Hai năm sau Hai Khương được đưa sang Nam Ninh - Trung Quốc học tiếp. Mấy năm sau này, tin tức về cách mạng miền Nam đưa sang đều là những tin không vui. Như việc chính quyền Ngô Đình Diệm, đứng sau là đế quốc Mĩ ngang nhiên phá hoại hiệp định Genève, triển khai chính sách tố Cộng, diệt Cộng toàn miền. Đỉnh điểm là việc Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 - thành lập các tòa án quân sự lưu động, cùng các đội vũ trang chống Cộng càn quét từ thành thị đến nông thôn, tổ chức các buổi xử án với thời gian tối đa ba ngày, chỉ có hai mức án là tử hình bằng máy chém và chung thân khổ sai, không giảm hình, không kháng cáo... Ở nhiều nơi các tổ chức đảng của ta bị vỡ, cán bộ bị giết hại, tù đày rất nhiều.
Nhiều đêm nằm ngủ cậu bé Hai Khương cứ chập chờn mơ cảnh ba mình cùng các chú các bác hoạt động trong Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ những năm 1929 ở xã Mỹ Trà bị bắt, tra tấn, tử hình. Vết người nằm trên nền xi măng ở phòng tra tấn dinh quận, nơi cậu được dẫn đi thăm trước khi ra Bắc đã ám ảnh cậu mãi. Để quên đi nỗi sợ, cậu nhớ lại cảnh ngày trước vẫn thường cùng ba, các chú như Trần Hựu, Bảy Lửa, Lưu Văn Cương… nhào bột, chuẩn bị khung, mực tím in tài liệu ngay trong nhà. Rồi rảnh rỗi thường được ba sai đọc sách cho nghe, cuốn sách có tên Mười lăm cô gái Stalin, tức mười lăm nước cộng hòa của Liên bang Xô viết. Nhớ khi đình chiến ba về bảo tập kết ra Bắc học tập, được gặp Bác Hồ. Má giữ không cho đi, nhưng cậu quyết chí đi. Nhớ những nồi chè đậu ngọt lịm bà con nấu để ven đường, vẫy vào múc cho ăn mỗi khi đi tập hành quân qua, nhớ tiếng nói tự hào của bà con về đám trẻ được gọi thân thương là tương lai của Tổ quốc. Nhớ mùi bánh tổ, chuối nhào đường, cơm khô… bà mang tới bến tàu tiễn đoàn quân ra Bắc. Nhớ cơn mưa bất chợt trên tàu trung chuyển từ Cao Lãnh ra Ô Cấp - Vũng Tàu. Nó là một cái phà to không mái che của quân đội Pháp. Mưa ào xuống hơn hai mươi phút, lính Pháp người đỏ như tôm luộc, tay chân lông lá xồm xoàm đứng dậy nháo nhào, các anh bộ đội trong Đại đội 961 lo lũ trẻ ốm nên cáu ầm lên, có người biết tiếng Pháp ra vặc toán lính đang lái tàu. Sau đấy thì có bạt, nhưng nào che hết hơn trăm con người. Và trời vừa mưa đấy lại thoắt nắng như rang. Hơi nước từ người bốc lên ngùn ngụt, vậy mà rồi cũng chẳng ai ốm, chẳng ai say sóng. Qua hết một đêm thì chuyển sang tàu Liên Xô. Đến giữa biển nhiều người bắt đầu say. Anh em trung đội nói đùa với nhau say đây là do hơi đất liền chẳng còn nữa. Đoàn tổ chức nấu cơm nhưng chẳng ai ăn được. Các bạn nhỏ được các anh bộ đội đút sữa rồi cõng ra boong tàu ngắm sóng trắng xóa vỗ ầm ào vào mạn tàu…
Kể đến đây giọng ông Hai Khương chùng xuống. Ông bảo, ba của ông giờ được đặt tên đường bên xã Mỹ Trà, đường Trần Cự, nơi ngày xưa ba ông đã cùng các đồng chí của mình hoạt động, xây dựng cơ sở. Lần ông gặp ba cuối cùng chính là trước ngày tập kết. Ba dặn ông ra Bắc cố gắng học tập, giữ gìn sức khỏe. Lá thư duy nhất ông nhận được từ ba do hội đồng hương mang ra, trên giấy pơ luya mỏng, ba ông cũng hỏi han con khỏe không, học hành ra sao, bà con trong này biểu tình chống Mĩ - Diệm mạnh lắm. Khi ấy cậu bé Hai Khương đã viết nhiều thư trả lời, nhờ người gửi vào nhưng chẳng biết có đến được tay ba không. Đến khi về Nam mới biết ba đã hi sinh…
Đợi mãi, đến khi Hiệp định Paris kí kết, anh thanh niên Hai Khương vui mừng nhận lệnh về Nam. Đi theo đường quân sự vượt Trường Sơn, vừa đi xe, vừa đi bộ hơn tháng mới về đến Tây Ninh. Anh được biên chế vào Ban Nông nghiệp R ở Lò Gò - Xa Mát. Công việc chính khi này là về xã Cẩm Sơn - Cai Lậy - Tiền Giang đào hầm tránh bom, chuẩn bị hậu cứ cho cơ quan khi cuộc tổng tiến công sắp diễn ra. Nhưng cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 ta giành toàn thắng, lật đổ hoàn toàn chính quyền Mĩ ngụy, không như hồi Tết Mậu Thân phải rút ra.
“Tiếp quản xong, mấy ngày sau tôi mới về thăm má cùng các em được. Ngày đi tôi mặc đồ bộ đội rộng thùng với cái ba lô lép kẹp sau lưng, ngày về cũng chừng ấy quần áo đồ đạc. Bao năm đi tôi chẳng mang về được cho má quà cáp gì. Cảnh vật sau chiến tranh xa lạ, đến gần nhà tôi phải hỏi mấy em nhỏ, nhà bà Tư Nổi ở đâu. Các em nhìn tôi bảo rằng có phải anh là anh Hai Khương không rồi kéo tay dẫn đi. Hóa ra mấy em nhỏ đó là con bà dì, lúc tôi tập kết chúng còn chưa đẻ. Má thấy tôi về thì mừng và hỏi ngay vợ con đâu. Tôi nói thật với má là con trai đang gửi ở Ban Nông nghiệp R, chị gái vợ đưa cháu vào trước, vợ làm thủ tục chuyển vào trong này chưa về được. Nghe thế má đuổi tôi đi ngay, bảo nỡ lòng nào mi về một mình không mang cháu về cho tao…”
“Sau đấy anh Hai Khương còn sang làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia nữa đúng không?”
Nhà văn Phạm Thị Toán lên tiếng. Ông Hai Khương đứng dậy ra tủ gỗ góc nhà lấy ra cuốn album, có ảnh chụp từ thời chuẩn bị tập kết, sau giải phóng, có cả những bức ảnh sau này khi ông làm chuyên gia nông nghiệp giúp huyện Kampong Trabaek tỉnh Prey Veng. Ông nói khi sang giúp bạn, cái khó nhất là học tiếng, dù đã có thời gian mấy tháng học ở trường trên Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn bỡ ngỡ. Để học thêm tiếng, ông thường mua kẹo bánh ngồi nói chuyện với các em nhỏ, vào phum sóc hỏi chuyện người già về nếp sinh hoạt, canh tác đất đai bao đời. Bởi từ kinh nghiệm thực tế, sau giải phóng ông về Ty Nông nghiệp công tác, có nhiều cán bộ từ Bắc vào không biết mùa nước nổi, lúa trời, ngay cả cách ủ bón phân hai miền cũng khác nhau nên có những quyết định đi ngược với thực tế đời sống, không đem lại hiệu quả, nhiều khi gây hại cho bà con nông dân…
Ba chị em họ Võ trên đất Bắc
Sau khi giúp nước bạn trở về đến khi nghỉ hưu, ông Hai Khương trải qua nhiều vị trí công tác từ huyện đến tỉnh. Dù ở vị trí nào phía sau ông cũng có sự hậu thuẫn của người vợ, đó là bà Võ Thị Kim Hòa.
Nghe chồng kể chuyện đời mình, bà ngồi bên cạnh, thi thoảng châm nước vào chén, cười hiền lành đính chính những chuyện ông không nhớ rõ. Khi tôi hỏi bà quê đâu, bà khẽ trả lời mình quê Rạch Giá - Kiên Giang, cũng dân tập kết ở Mũi Cà Mau, lúc mới lên mười, ra Bắc cùng với chị gái Võ Thị Kim Thoa và em trai Võ Bá Thành. Còn ba bà là Liệt sĩ Võ Văn Vệ. Ông bị giặc Pháp giết trước Cách mạng tháng Tám. Bà không biết mặt ba, hỏi má, anh chị xem tóc tai, mắt mũi, răng môi, dáng người… ba giống những ai trong nhà rồi ghép lại tự hình dung ra.
Ba chị em đi tàu Ba Lan vượt biển đến Sầm Sơn. Ở với nhau một thời gian, hai chị về Hải Phòng học trường học sinh miền Nam - tuy cùng thành phố nhưng theo lứa tuổi học và ở hai nơi khác nhau, còn cậu em trai học ở Hà Đông. Mỗi năm ba chị em chỉ gặp nhau đầy đủ một lần vào dịp hè. Khi đó thường kéo nhau đi ăn kem, ăn chè, làm bún chả, nấu canh chua, tắm biển… Vật chất không thiếu thốn nhưng cái cần là tin tức thì chỉ được nhận nhỏ giọt. Những năm ấy, mấy chị em chỉ một lần nhận được thư của anh rể qua hội đồng hương báo rằng má đi đường vòng qua Campuchia ra Bắc thăm con nhưng không thành phải quay về.
Nỗi nhớ nơi đất Bắc trời Nam cũng tạm nguôi theo năm tháng nhờ có bạn bè, thầy cô bên cạnh động viên, giúp đỡ. Đến khi học hết phổ thông, các bạn rủ học ngành y, nhưng cô chọn Đại học Nông nghiệp vì cả đời ba má cô gắn với đất đai. Trong thâm tâm của cô gái miền Tây, hình ảnh cây lúa trời lúc nào cũng hiển hiện. Nó thôi thúc cô nhớ về những cánh đồng mênh mông mùa nước nổi, lúa mọc thành từng cụm vươn lên. Như thân phận của những người tập kết ra Bắc trong cảnh nước rối ren. Như hạt lúa trôi ngược ra Bắc, nảy mầm, lớn lên, rồi khi trổ bông đậu hạt nhất định sẽ ngược về cố hương phương Nam.
Bà Hòa giải thích cho tôi hiểu, lúa trời ở đây là loài lúa tự nhiên mọc thành từng cụm ven ao đìa, đồng bãi, rừng ngập mặn chẳng cần chăm bón, có thể chịu được hạn hán, ngập mặn, phèn chua. Lúa có rễ chùm, ăn sâu xuống lòng đất, thân cứng cáp, lá bản to, vào đỉnh lũ có thể vươn cao vài ba mét để chống chọi với nước. Người dân Nam Bộ trong thiên tai, loạn lạc, chạy trốn giặc giã nhiều khi vẫn dựa vào giống lúa trời này để sống. Lúa trời không chín rộ như lúa đồng, mà chín từng hạt trên bông vào quãng tháng ba âm lịch, muốn thu hoạch phải đi vào đêm, ghé xuồng lại rung rung thân cho hạt rụng xuống. Thu hoạch về phải ngâm nước vài ngày, rồi đem phơi để đuôi hạt rụng đi, sau đó mới đem giã tách vỏ trấu và thu được hạt gạo màu hồng nhạt. Nếu không được thu hoạch, lúa chín rụng theo con nước rồi dạt vào đâu đó, chờ ngày nẩy mầm vươn lên. Lúa trời là nguyên liệu để lai tạo các giống lúa mới có khả năng chịu hạn, chịu phèn…
Học xong, cô gái Võ Thị Kim Hòa về hợp tác xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa làm việc. Còn chị gái được tổ chức cử đi học bên Trung Quốc, em trai học ở Tiệp Khắc. Đến đầu năm bảy mươi cô lập gia đình với chàng trai Hai Khương. Lễ cưới đơn giản với vài lạng chè, mấy gói thuốc, ít bánh bích quy, khách mời là bạn bè cùng tập kết. Hơn năm sau vợ chồng sinh con trai đầu lòng, đặt tên Trần Long Trung. Sau về Nam sinh thêm một người con gái tên Trần Thị Mỹ Trà.
Kỉ niệm về đất Bắc của bà Hai Khương thì nhiều, nhưng ấn tượng nhất là chuyện khi chị gái học Trung Quốc về kể chuyện mơ thấy má trong Nam mất. Hai chị em cứ ôm nhau khóc mãi chẳng biết làm sao. Vậy nên, khi hoàn tất thủ tục vào Nam, bà không về nhà chồng ở Đồng Tháp mà tìm xuống ngay Rạch Giá. Sau hai mươi hai năm, nhà mười một anh chị em mới gặp lại đầy đủ, có người quên mặt chẳng nhớ là thứ mấy…
Bà Hai Khương kể thêm rằng ngôi nhà ông bà đang ở giờ là đất của má ông Hai Khương để lại cho mấy anh em; nhà xây cách nay hơn chục năm, từ tiền lương tích góp của ông bà thêm vào với hai con. Còn ông, bà dặn dù ở vị trí công tác nào cũng tuyệt nhiên không nhận của ai một đồng. Nhưng chẳng cần bà phải dặn, cán bộ đến chúc tết ông bắt bóc quà “ngay tại trận”, chỉ lấy gói trà hoặc gói bánh gọi là. Ông bảo thế cho anh em sau dễ làm việc, có luật nhân quả cả, dân tập kết nhà nước cho đi học đàng hoàng giờ sống làm việc cũng phải đàng hoàng, không có bà con khinh.
Đếm từng ngày trở về đất quê hương
Phó tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, tên thường gọi Ba Cang, niềm nở đón chúng tôi ngay khi xe vừa dừng trước cửa. Nhà ông giữa phố, dễ tìm hơn nhà ông Hai Khương.
Với giọng nhỏ nhẹ pha chút chất Bắc, ông kể ba mình là Nguyễn Văn Phàn (Năm Phàn), cán bộ lão thành cách mạng, vào Đảng trước Cách mạng tháng Tám, nguyên là Huyện đội trưởng Cao Lãnh, Huyện đội phó Tân Hồng, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong (tỉnh Đồng Tháp cũ). Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời hoạt động của ba ông là làm chính trị viên của Tiểu đoàn 502 (nay là Tiểu đoàn bộ binh 502, thuộc Trung đoàn bộ binh 320) từ những từ ngày đầu. Sau ba ngày thành lập, với bốn hai tay súng, trong ngày 26/9/1959 tiểu đoàn đã đánh hai trận lẫy lừng ở Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung, diệt gọn Đại đội 12, Đại đội 7 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực Sài Gòn; đánh bại cuộc hành quân cấp trung đoàn do phân khu Bắc tổ chức…; thu được nhiều vũ khí quân dụng; đồng thời làm tốt công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa, phóng thích tù binh. Đây là trận mở màn tập dượt, chuẩn bị cho cuộc đồng khởi của quân và dân miền Nam, là sự đáp trả Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ông Ba thuộc diện con cán bộ. Nhưng con cán bộ thời Pháp thì khổ hơn con dân thường rất nhiều. Vì ba tham gia kháng chiến nên con không thể học ở Cao Lãnh mà phải lên Gò Sa Rài học ông giáo Thi, người chuyên dạy cho con em cách mạng. Thầy dạy miễn phí, chia làm nhiều lớp, nhiều lứa tuổi, các em học sinh tự dựng lán chia lớp, tự lo ăn ở. Lớp chia thành từng nhóm vào nhờ nhà người dân; ăn thì cá tôm, chim, chuột, rau cỏ… trên đồng rất sẵn. Gạo thì lâu lâu cậu lội bộ băng đồng về Tân Thành lấy ở nhà bác Bảy Ruộng, vác được bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nhưng vì quãng đường đi về phải mất hơn sáu tiếng nên mỗi lần chỉ mang được hơn chục cân.
Một ngày đang ngồi trong lớp học thì có người chống xuồng ghé vào hỏi: “Ai con ông Năm Phàn?” “Là cháu!” “Cháu về sắp xếp đồ đạc theo chú đi Cao Lãnh tập kết”. Cậu bé Ba vội vàng về nhà người dân ở nhờ lấy quần áo, chẳng kịp chia tay thầy Thi cùng chúng bạn. Trong lòng vẫn canh cánh câu hỏi đi tập kết là đi đâu. Cả đêm chèo đường đồng về hướng Mỹ Trà. Tại đây cậu được dẫn vào sâu trong khu ruộng trại bỏ hoang để gặp bác Nguyễn Văn Phối (Hai Phối) Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Sa. Bác nói tỉnh cho cháu đi học ở miền Bắc. Cậu hỏi, cháu có được về thăm nhà không. Bác bảo không, muộn rồi, giờ phải đến ngay điểm tập trung ở kênh Sáu Quốc.
Thế là lại chèo tiếp một hơi theo ngả kênh cụt, qua xã Hòa An. Đến nơi, Trung đội E đã có mấy chục người tới trước, sàn sàn tuổi nên làm quen rất nhanh. Các anh chỉ huy khi này quản lí rất chặt, phải có người nhà đến mới được phép ra ngoài. Gần tuần sau thì ba xuống thăm, dẫn ra chợ may thêm cho bộ quần áo cùng tấm khăn rằn, xong tháo ở tay chiếc đồng hồ Ville - Thụy Sĩ bảo cậu đeo để biết giờ, ra Bắc cần có thể bán lấy tiền. Đắn đo mãi cậu mới hỏi ba: “Năm nay con mười lăm tuổi mà không biết ngày sanh tháng đẻ ba ơi”. “Con sanh năm 1939, nhưng ngày tháng thì ba không nhớ, thôi lấy mùng 5/5 vậy”. Sau này cậu mới biết mùng 5/5 là ngày sinh Các Mác, một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi nhưng cứ đến ngày này ở đất Bắc là ông lại nhớ ba da diết.
Trong thời gian học tập, rèn luyện nơi miền Bắc, hay khi sang Bungari làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án phó tiến sĩ, lúc nào Ba Cang cũng đếm từng ngày trở về. Đầu năm 1975, Ba Cang theo đường Trường Sơn vào Nam, tham gia tiếp quản Sài Gòn, đánh tư sản mại bản, rồi được điều về làm Hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Trung cấp ăn uống công cộng thành phố Hồ Chí Minh. Khi này ông được chính quyền mới chia nhà, tạo điều kiện công tác nhưng lòng vẫn thấy chẳng yên. Bởi như ông chia sẻ, đi tập kết năm xưa là muốn trở về cống hiến xây dựng chính quê hương Đồng Tháp chứ không phải vùng đất khác.
Ba năm sau ông mới toại nguyện, được mời về làm việc ở văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ông trả lại nhà được cấp không cần suy nghĩ, ba lô khăn gói làm ngay cuộc “tập kết gần” kéo dài đến khi về hưu.
Và cũng như ông Hai Khương, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và tổ chức giao phó, bên ông còn có sự đồng hành của người vợ, bà Lưu Thị Bình, cũng dân tập kết, đồng cảm với nỗi niềm xa xứ nhớ quê mà đến với nhau trên đất Bắc. Hai ông bà có một người con tên Nguyễn Thị Thanh Xuân, hiện đang là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Cao Lãnh. Sau tìm hiểu tôi biết thêm, bà Ba Cang là con út của nhà cách mạng Lưu Nhơn Sâm, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy viên Xứ ủy Nam kì, được đặt tên đường ở tỉnh Vĩnh Long và Kiên Giang.
May mắn cho tôi, sau bảy mươi năm ngày kí Hiệp định Genève gặp được những nhân chứng lịch sử trên đất Cao Lãnh - Đồng Tháp. Cuộc đời họ là cuộc đời của những chuyến đi, của sự chia cắt và cũng là cuộc đời của những sum họp, thống nhất. Họ có nhiều cơ hội để tạo dựng cuộc sống nơi vùng đất khác, nhưng cuối cùng họ vẫn chọn trở về khi còn sức khỏe, để kiến tạo và xây dựng vùng đất nơi mình sinh ra ngày càng giàu đẹp.
Đ.P
VNQD