Người duy nhất trở về sau trận Rongvean

Thứ Ba, 03/12/2024 00:00

. NGUYỄN VŨ ĐIỀN
 

Tôi đã nghe đồng đội kể về trận đánh bi hùng của Đại đội 13, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 tại Rongvean khá nhiều, nhất là trong những dịp anh em cựu chiến binh Trung đoàn 4 tổ chức ngày “Giỗ trận” 29/11 hàng năm.

Từ cảm xúc đó, tôi đã nhiều lần cầm bút để viết về trận đánh vô cùng khốc liệt này, nhưng rồi cũng nhiều lần tôi buông bút. Bởi nếu viết, nhất định không được hư cấu, không được bôi đen, cũng không thể tô hồng. Tất cả phải chính xác. Hơn nữa, nhắc đến trận đánh ngày 29/11/1986 là nhắc lại những kỉ niệm đớn đau về một trận đánh sinh tử một mất một còn giữa những người lính tình nguyện Việt Nam với quân Pol Pot. Viết về một trận thắng thì dễ. Viết về một trận đánh mà ta mất mát và hi sinh quá lớn, có cái gì đó khó chấp nhận.

Nhưng rồi đồng đội giục tôi phải viết, bởi nếu không viết, trận đánh quả cảm của Đại đội 13 tại Rongvean - một địa danh rất xa Tổ quốc, nơi mà máu xương của những người con đất Việt đã đổ xuống, góp phần làm hồi sinh đất nước và dân tộc Campuchia sẽ bị lãng quên, không ai còn nhớ nữa.

Biết tin tôi viết lại trận đánh này, Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, tác giả của nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến tại Campuchia, trong đó có cuốn Cuộc chiến tranh bắt buộc rất nổi tiếng đã khuyến khích tôi: “Cậu hãy viết đi khi còn có thể. Viết thật nhất về những gì đã xảy ra trong những năm tháng bộ đội ta chiến đấu trên đất bạn. Văn học đang rất cần những tác phẩm như vậy. Nó không chỉ giá trị bởi do chính người trong cuộc viết ra, mà còn lột tả bản chất thật của chiến tranh. Cái ác liệt, chết chóc không dành riêng cho bên nào và không nên né tránh. Cuộc chiến của thế hệ chúng ta chưa phải là cuộc chiến duy nhất, vĩnh viễn không lặp lại, bởi nguy cơ đối với một đất nước có ý nghĩa cực kì quan trọng trong một thế giới bất ổn hôm nay. Viết đi để mọi người hiểu được cái giá của hòa bình, bởi tương lai gần sẽ chẳng còn ai viết để mà nhớ nữa. Tớ già mất rồi…”

Lời căn dặn của vị chỉ huy nay đã bước vào tuổi tám mươi, người kinh qua mấy cuộc chiến tranh, từng đồng cam cộng khổ với bộ đội, từng khóc nấc lên khi nhìn thấy anh em ta bị Pol Pot lấy dao vạch mặt khi đã hi sinh khiến tôi càng không thể lần lữa. Và tôi đã đi gặp anh để viết nên những dòng này...

 

Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh hân hoan đưa tiễn quân tình nguyện Việt Nam sau những năm tháng chiến tranh chống lại quân Pol Pot. Ảnh: TTXVN

Anh tỉnh dậy.

Toàn thân đau ê ẩm và nặng trịch. Cảm thấy như đang có vật gì đó đè ngang mặt mình. Anh cố mở mắt, nhưng xung quanh tối om. Mặt anh đang bị vật gì đó đè lên. Cơ thể như bị những sợi dây quấn quanh, bó cứng lại, không thể cử động. Thu hai cánh tay lên ngang vai, anh cố đẩy cái vật đang đè trên mặt mình lên đỉnh đầu. Bàn tay anh bỗng chạm phải cái gì đó như cẳng chân và miệng một chiếc giày cao cổ. Đến lúc ấy, anh mới thấy cái mùi khăm khẳm từ chiếc giày xộc ngay vào mũi. Cố đẩy chiếc giày ra, nhưng cái cổ chân cứng đơ và lạnh ngắt chèn ngang mặt, khiến anh không thể. Nghĩ ai đó đùa mình, anh mắng vu vơ, giọng thều thào:

- Chân thằng nào đấy? Bỏ ra đi. Đùa gì mà khiếp thế?

Không có tiếng trả lời. Xung quanh lặng phắc.

Anh nhắm mắt, cố nhớ xem chuyện gì đã xảy ra. Đầu anh bồng bềnh như say sóng. Nằm thêm chút nữa, đưa tay xuống bụng, anh sờ thấy một thân người cứng đơ đang nằm chéo trên người. Một cái đầu với chiếc mũ cối lật ngửa ngay bên mạng sườn và một cánh tay ôm ngang eo mình. Thôi chết! Trong đầu bỗng vụt lên những tiếng nổ chói tai, những vệt lửa bùng trước mặt. Những tiếng kêu “Mẹ ơi” của đồng đội khi đạn địch bắn xối xả trong trận đánh lúc tang tảng sáng… Nghĩ đến đó, anh hoảng sợ, cố lấy hết sức bình sinh của một kẻ sắp chết, hất chiếc giày ra khỏi mặt rồi dùng hai gót chân đạp mạnh xuống đất, truồi cơ thể ra khỏi cặp mông to tướng kia. Chân anh tê cứng. Đùi trái đau nhói. Vẫn chưa thể thoát được. Anh lại cố bươi bươi cái chân còn lại xuống mặt đất, lách người qua những xác chết, cố tạo ra một khe hẹp giữa những cơ thể cứng đơ rồi trồi đầu lên để bò ra ngoài.

Mở mắt ra. Quanh anh là bóng tối. Gió từ sông hắt lên mặt mát rượi. Mùi khăm khẳm từ chiếc giày cũng đã không còn. Nhưng thoang thoảng trong gió là mùi máu, mùi mồ hôi người trộn với mùi thuốc súng. Chúng quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi ngai ngái lợm giọng. Tanh nồng. Khét và thum thủm, rất khó chịu. Thẳng lưng dậy, bàn tay anh lần sờ xung quanh. Thằng Khường, thằng Vân lạnh ngắt đè lên người anh. Thằng Mỹ nằm úp mặt trên nền đất, tay nó vẫn nắm chặt khẩu AK.

Khi biết mình còn sống, trong lúc rất nhiều xác đồng đội xung quanh anh hoảng sợ gọi nhỏ:

- Lợi ơi, Trương ơi, Liêm ơi… chúng mày đâu rồi? Có còn ai không…?

Không có tiếng trả lời. Xung quanh vẫn lặng phắc. Trong ánh sáng nhạt nhòa của những chớp đạn phía xa và bóng tối nhập nhoạng lúc rạng sáng, anh bò dọc chiến hào. Ngổn ngang xác đồng đội. Thằng Minh, thằng Mỹ, thằng Hơn cá lóc, thằng Thắng vâu... Mỗi người một tư thế. Tất cả bất động. Không ai nói với anh lời nào.

Còn lại một mình, anh hiểu mình cần phải rời khỏi nơi này. Càng sớm càng tốt, bởi bất cứ lúc nào địch cũng có thể quay lại. Ngoái nhìn đồng đội lần cuối, anh thì thầm: “Chúng mày ở lại nha. Tao về đơn vị gọi anh em đến đưa chúng mày về…” rồi với cây AK trên tay thằng Hơn cá lóc, khoác thêm chiếc bao xe có ba băng đạn còn đầy nhóc, anh bò xuống triền sông, lầm lũi tìm về đơn vị khi ánh bình minh đang bừng lên phía chân trời.

*

*         *

Cho đến lúc này, nghĩa là sau gần 40 năm trận chiến ấy kết thúc, trong tiếng nhạc Chiêu hồn tử sĩ vừa trang nghiêm, vừa bi hùng được cất lên tại buổi Lễ tưởng niệm 39 liệt sĩ đã hi sinh trong trận đánh tại Rongvean ngày đó, Châu vẫn không thể quên được cái cảm giác khủng khiếp lúc ấy. Lúc mà anh biết mình là người duy nhất còn sống...

Anh lặng nhìn lên tấm pano in hình 39 ngôi mộ, với 39 ngôi sao vàng rực rỡ, ghi tên 39 đồng đội của anh đã hi sinh. Những ngôi sao được xếp thành 4 hàng, ba hàng 10 và hàng cuối cùng 9. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu anh: Nếu mình cũng hi sinh trong trận đánh hôm ấy, thì trên tấm pano kia sẽ có thêm một ngôi sao nữa. Tấm pano sẽ có đủ 40 ngôi sao vuông vức và đại đội sẽ vẫn đủ 40 người…

Đôi mắt anh đờ đẫn. Nhìn đấy mà như đang nhìn vào cõi hư vô. Nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt của người lính già duy nhất may mắn còn sống trong trận đánh năm nào. Trên nền nhạc chiêu hồn, anh nghe rõ tiếng AK47 của địch bắn rất gần, bung lên ngay bên mang tai và máu từ đâu cứ xối xả chảy xuống người anh nóng hổi. Mùi máu, mùi thuốc súng và sức nặng của xác đồng đội đè lên người anh, cộng với vết thương ở đùi, khiến anh ngất đi không biết gì nữa. Văng vẳng bên tai là tiếng sột soạt khi những con chuột rừng đi tìm xác chết đuổi nhau trên mặt đất… Trận đánh mà anh và đồng đội đã trải qua hôm đó là một trận đánh kinh hoàng mà cả đời này anh không thể nào quên được…

Đêm 29/11/1986, đại đội của Châu nhận nhiệm vụ tổ chức phục kích tại Srei Snam, sẵn sàng tiêu diệt địch, không cho chúng chạy về Krolanh khi bị các đơn vị thuộc Sư đoàn 302 và Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 truy quét tại Coprich. Sau khi nhận lệnh, cán bộ đại đội đốc thúc bộ đội khẩn trương hành quân ngay trong đêm. Bốn mươi người lính, mà phần đông là những chàng trai mười tám, đôi mươi của tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương), nhập ngũ cùng đợt với Châu, tất cả được trang bị vũ khí nhẹ, khẩn trương lên đường. Từ vị trí đóng quân, anh em hành quân qua phum Rongveang, vượt sông sang điểm chốt tại Srei Snam.

Đêm cuối tháng, trời tối om. Bộ đội bám sát đội hình, lặng lẽ qua sông. Đoạn sông tại khu vực này gấp khúc thành hình chữ V nên lòng sông rộng hẳn ra, khá nông. Tất cả mọi người đều cởi quần dài, vắt lên vai, lõm bõm lội sang bờ bên kia. Mấy chàng lính vừa lội vừa tranh thủ vớt nước lên lòng bàn tay rửa mặt cho đỡ buồn ngủ. Nước sông mát lạnh, sóng sánh trong đêm.

Khu vực chốt chặn của đại đội là một doi đất hình tam giác, nhô lên ở đoạn sông gấp khúc, chỗ rộng nhất chỉ khoảng năm sáu trăm mét, cách mép nước khoảng một trăm mét. Địa hình chốt nằm giữa một cánh rừng nghèo, phía trước là trảng trống. Phía bên kia sông là phum Rongveang. Sau bao năm bị Ăngka xua đuổi, người dân Rongveang đã trở về quê hương mình. Lúc đơn vị hành quân qua, những ánh lửa bập bùng và những tiếng động phát ra sau những tấm vách đơn sơ trên những mái nhà sàn cho thấy đã có người thức giấc. Từ Srei Snam nhìn sang bên kia sông, Rongveang chỉ là một khoảng tối om trên nền trời nhá nhem của những cánh rừng đen sẫm. Đó là vật chuẩn để đơn vị xác định hướng bắn.

Đại đội khẩn trương bố trí đội hình chiến đấu. Khẩu đội đại liên của Châu được giá ngay cạnh một ụ mối nhỏ. Sau khi giá súng, Châu lắp nguyên cả thùng đạn đầy nhóc và lên đạn chờ sẵn. Các trung đội bố trí lực lượng cảnh giới sát mép nước để sẵn sàng phát hiện khi địch vượt sông…

Đúng 4 giờ 50 phút, khi đơn vị vừa bố trí xong đội hình thì địch nổ súng. Tiếng đạn địch nổ rát rạt phía trước. Nghe tiếng đạn địch, bộ đội lập tức bắn trả quyết liệt, hất ngược địch xuống lòng sông. Tiếng các loại hỏa khí của hai bên thi nhau nổ. Những chớp lửa đầu nòng sáng rực cả triền sông. Tiếng nổ của đạn AK, B.40, B.41, M.79 và cả đại liên, trung liên tạo thành một biển âm thanh hỗn tạp kinh hoàng bên bờ sông thơ mộng.

Châu ghì chặt khẩu đại liên siết cò, xả cả dây đạn về phía trước. Tiếng đạn rít trong không khí thẳng căng… Tiếng kêu của những thằng địch nghe như tiếng bò rống ngay phía bờ nước. Dù bị ta phản kích quyết liệt và thương vong khá nhiều, nhưng cậy vào số đông và hỏa lực mạnh, địch vẫn lao lên. Tiếng hô “chô, chô…” (lên, lên...) của chúng âm vang trong đêm, hòa trong những ánh chớp của đạn, của cối nghe như tiếng ma quỷ gọi đàn, thật rùng rợn.

Đang bắn về phía trước, bỗng Châu nghe thằng Biên thì thào:

- Quẹo trái đi. Chúng nó kìa, đông lắm, mày nhìn thấy chưa, bọn nó đang chạy chỗ bờ trảng ấy... bắn đi.

Châu quay nòng khẩu đại liên sang trái. Địch đông quá. Chúng từ phía trái phum Rongveang tràn qua sông, nổ súng quyết liệt vào đội hình ta. Vậy là đã rõ, địch chia thành hai mũi, một đánh vỗ mặt; một vòng sang cánh trái đánh vào sườn, hòng vây chặt, không cho ta rút lui.

Tiếng anh Bình hô lớn:

- B1, B2, tập trung hỏa lực sang cánh trái. Thằng Liêm rót cối hướng này đi!

Đạn cối 60, đạn B.40 của ta nổ bung lên phía bờ sông khiến địch dường như khựng lại. Nhưng chỉ vài phút sau, tiếng đạn lại toang toác khắp nơi. Hỏa lực của chúng rất mạnh. Khẩu đại liên của Châu đã bắn đỏ cả nòng, nhưng cảm giác như nắm hạt vừng vãi xuống bờ sông.

Đang bắn, ánh sáng chói lòa bỗng vụt lên ngay bên cạnh, một tiếng nổ lộng óc bùng lên khiến Châu bất tỉnh, không còn biết gì nữa…

Mãi tới gần trưa ngày 30/11/1986, lực lượng tăng viện của tiểu đoàn mới có mặt. Trận chiến đấu không cân sức giữa bốn mươi cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 13 với hơn hai trăm tên địch bị dồn đuổi từ Coprich chạy về, trong thế “chó cùng rứt giậu”, lại được một số tên trà trộn trong phum Rong veang mật báo, nên địch nắm chắc vị trí chốt chặn của ta, tổ chức bao vây và cận chiến. Với lực lượng rất mỏng của đại đội, đơn vị đã chống trả đến cùng, tiêu diệt rất nhiều địch. Cả cánh rừng ven sông không một tiếng người. Ruồi nhặng bay rào rào. Xác bộ đội ta, xác địch ngổn ngang nằm đè lên nhau quanh các ụ đất dọc cánh rừng ven sông. Một quang cảnh thật khủng khiếp mà mãi sau này, những người làm công tác thương binh tử sĩ vẫn không thể nào quên được. Ba mươi chín cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 13 hi sinh, Phạm Văn Châu là người duy nhất còn sống sót trở về, nhờ xác của đồng đội đè lên người lúc anh bị thương.

*

*          *

Năm 2019, khi trở lại Campuchia, trở lại những địa danh một thời sống, chiến đấu, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự hồi sinh mãnh liệt của đất nước này. Sau những năm tháng đau thương tang tóc, đói khát và đầy chết chóc dưới bàn tay của bọn đao phủ Pol Pot, đất nước Chùa Tháp đã thay đổi đến kinh ngạc. Nụ cười thường trực trên môi những người dân chúng tôi gặp trên đường phố hay ở bất kì địa danh nào chúng tôi qua. Phố phường tấp nập với muôn màu trang phục. Muôn hãng xe cộ, mà nhiều nhất là những chiếc xe hơi đời mới chạy nườm nượp trên đường. Những bến xe đông nghẹt người. Những hàng dừa, rặng thốt nốt xanh thẫm bên những phum làng đầy sức sống... Vết tích của chiến tranh, hình ảnh những người dân đói rách lê lết trên những con đường muôn nẻo; những phum làng xác xơ vắng tanh vắng ngắt, những cánh đồng tiêu điều và những cánh rừng nham nhở cháy khét vì bom đạn... không còn nữa. Một màu xanh bất tận đang hiển hiện ở khắp mọi nơi.

Những người dân hiền lành của đất nước Angkor đón chào chúng tôi như những đứa con yêu trở về đất mẹ. Những tình cảm mà nhân dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam vẫn sâu nặng như ngày nào, cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng: Sự hi sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất nước Campuchia trong những năm tháng chiến tranh chống Pol Pot, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng là không thể phủ nhận. Máu xương của những người lính Việt Nam đổ xuống đất này là vô cùng ý nghĩa, góp phần hồi sinh chính mảnh đất này.

Viết lại trận đánh này, thay một nén tâm nhang, tôi xin được tri ân những đồng đội đã hi sinh trong trận Rongvean ngày 29/11/1986 và thay đồng đội Phạm Văn Châu kể lại cho mọi người biết về những ngày chúng tôi đã sống và chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp hơn 40 năm trước.

N.V.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)