Đêm chiến tranh

Thứ Hai, 23/12/2024 16:43

. TRỊNH HÒA BÌNH

 

Đêm chiến tranh
Thạch Hãn cuộn bừng sóng nổ
Đạn thù đỏ khé rạch mặt sông vỡ
Bạn và tôi dìu nhau trong cơn mưa sông

Em
Tháng chín này thả hoa trên con sông nghĩa trang
Có thấy những trang sách đang chảy ra phía biển?
Có thấy những ước mơ người lính
Quện nước sông xanh mà khé đỏ trong lòng?


Thạch Hãn mùa này nước thật xanh, xanh như mái tóc những người lính hơn năm mươi năm trước. Có người lính già quỳ gối bên dòng nước, giơ tay nghiêm cẩn chào anh linh những người bạn ngày xưa. Chiến tranh, chiến tranh… đã qua đi sắp nửa thế kỉ, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn nghe tiếng nức nở gọi mẹ của những mái đầu rất xanh vọng lên từ đáy nước…

*

*         *

Mưa nhiều, khúc sông nơi bến vượt đầy ắp nước, tràn cả vào bờ. Ngay cả chỗ trước kia có thể xắn quần lội qua được cũng thành một dòng nước xiết chảy. Đêm xuống, những làn sương lạnh giá đặc quánh như trườn từ thượng nguồn xuống, bay là là trên mặt sông. Gió thổi như gào rít, hắt tới mùi khét của đám cỏ cháy lúc chiều bởi bom napan. Chỗ con sông uốn khúc để lượn qua khu An Tiêm, những đám cỏ cháy xém bị đẩy tấp lên bờ. Mây đen từ đâu kéo đến dày đặc cả bầu trời, những hạt mưa bay xiên xiên trong làn gió bấc, thoắt ẩn hiện trong ánh chớp của sét và đạn pháo. Những tia chớp rạch trời lao xuống, trong giây lát soi rõ khúc sông như đang sôi lên. Một cánh chim đơn độc ở đâu bay vụt qua, len lỏi giữa cơn mưa, cất tiếng kêu dài đầy thê lương.

Bầu trời mới chập choạng tối mà đã xám xịt như màu tro. Mây mù từng lớp từng lớp cuộn từ mặt sông Thạch Hãn trườn lên, như những con rắn len lỏi trong các chiến hào nham nhở. Tất cả chìm trong làn sương lạnh lẽo, tăng thêm vẻ hoang tàn chết chóc. Trận đánh cuối cùng trong ngày đã kết thúc chừng nửa giờ, chỉ còn tiếng pháo nổ thưa thớt ngoài bến vượt xen lẫn tiếng rít của pháo hạm từ biển vào rồi nổ ở đâu đó phía động Ông Gio. Chỗ cống ngầm gần mé dinh Tỉnh trưởng, những đám cháy do bọn thủy quân lục chiến bắn súng phun lửa lúc chiều vẫn leo lét cháy. Khói có mùi cao su, lại tởm tởm như lông lợn cháy xộc vào mũi làm anh chợt ngưng thở, rồi vừa ho rũ rượi vừa nôn khan. Phía góc hào bên kia, Nguyễn Sơn ghé đầu sang nhìn anh. “Mày làm sao thế?” Anh ôm ngực huơ tay chỉ vào đám cháy. “À”.

Nguyễn Sơn là lính sinh viên Bách khoa, quê Quảng Nam, theo cha mẹ tập kết ra Bắc năm 1954. Sơn có đôi mắt xếch, cặp lông mày đen rậm nhìn khá dữ dằn. Dáng người chắc, đậm, các bắp chân bắp tay và bộ ngực vồng lên từng múi đầy quyến rũ, trên người mặc độc chiếc áo cổ vuông đã xé hai cánh tay, chiếc quần dài thì cắt nham nhở ngang gối, dưới chân đi đôi giày cao cổ đã rách lòi cả mõm thò ra mấy ngón chân đen bợt bẩn thỉu. Đứng ở góc hào, Nguyễn Sơn đang khoét lại hố chiến đấu và đắp thêm đất lên phía trước. Chiếc mũ tai bèo rách mướp lật lên lật xuống theo từng cử động của Sơn. Sửa hố chiến đấu xong, Sơn đặt mấy quả lựu đạn dọc theo mép hào rồi xoa tay khoan khoái. Chợt nhìn thấy anh đang ngắm nhìn, Sơn vẫy tay gọi “Lại đây, hôm qua ông Ca cho tao phong lương khô BA70, ngon lắm, loại này chỉ dành cho cán bộ cao cấp thôi, mày mang một ít cho bọn thằng Chung thằng Tụng ăn, nhắc chúng nó sửa sang công sự và chú ý bọn thám báo”.

Trời lại mưa, những hạt mưa nhỏ lạnh buốt rơi trên đầu trên mặt. Anh kéo cái mũ tai bèo sụp xuống mí mắt, vuốt vuốt mấy hạt mưa rồi căng mắt ra quan sát. Đã bắt đầu có pháo sáng, những chiếc pháo sáng bay lừ đừ trong mưa như người say, hắt ánh sáng vàng vọt lên toàn trận địa. Đầu váng vất vì trận bom lúc chiều, những quả bom treo lủng lẳng dưới tán dù đỏ như máu đã xé toang dãy chiến hào liên hoàn của các anh. Mười mấy chiến sĩ đã hi sinh trong loạt bom ấy. Miệng khô bỏng, răng va vào nhau lập cập vì lạnh, anh lần sờ vào chiếc bi đông. Chả còn giọt nào, một viên AR15 găm vào đã làm nó chảy hết nước. Hất chiếc mũ ra sau, anh ngửa mặt rồi thè lưỡi đón những giọt mưa.

Thấm thoát cũng đã mười mấy ngày, kể từ khi anh cùng đồng đội vượt sông vào Thành Cổ. Con thuyền cao su đưa các anh qua sông mấy lần suýt trúng đạn pháo. Những hiểm nguy đầu đời lính cũng làm anh có đôi chút dao động, hoang mang sợ hãi. Nhưng nhìn thái độ bình tĩnh, dứt khoát của lính công binh mà anh cũng thấy vững lòng phần nào. Lúc cả bọn tồng ngồng nhảy từ xuồng cao su rồi lội vào bờ, anh lính công binh còn dặn với: “Lau kĩ người cho khô rồi hẵng mặc quần áo nhá”. Một lời dặn ấm tình đồng đội khiến anh thấy ấm lòng. Ngay đêm ấy, nhóm anh được bổ sung về Đại đội 5 của Trung đoàn 95. Ra đón ở bến vượt là một cậu liên lạc tiểu đoàn người bé choắt, khẩu AK báng gấp trông gọn thế, mà như kéo cậu ta chúi xuống mỗi khi nhảy qua hào. Mà cái giọng của cậu ta nghe cũng ngồ ngộ “Các đồng chí phãi luôn sẳn sàng, nghe tôi hô là phãi nhãy ngay xuống hào”. Anh còn nhớ cái cảm giác thèm thuồng khi nhìn thấy khẩu AK báng gấp trên lưng cậu liên lạc. “Mình phải xin được một khẩu như thế...” Về tới Đại đội 5, anh cùng Tụng, Chung, Trụ, Đồng bổ sung vào trung đội của Nguyễn Sơn. Vân, Tiểu đội trưởng, sau mới biết là lính Sư phạm, nhận anh và Trụ về Tiểu đội 1. Vân lầm lũi dẫn hai người về khu vực chốt. Đến nơi, Vân dừng lại rồi bảo “Bên phải tôi, cái nhà đen đen kia là trường Bồ Đề. Chếch chỗ kia là nhà bằng, chếch tí nữa là nhà Xanh. Địch ở đấy cả. Còn sang bên này, chỗ có đạn thỉnh thoảng bắn đỏ đỏ kia là An Tiêm - Chợ Sải, cũng có địch. Sau lưng mình là dinh Tỉnh trưởng, chỗ ấy là quân ta, lúc nãy các cậu vừa đi qua đó. Chỉ cho các cậu để còn biết đường mà lần về, kẻo lạc. Chú ý các mảnh tôn, đừng dẫm vào đấy. Lính thủy quân lục chiến tinh lắm, nghe tiếng động là bắn M79 ngay, chết cả lũ”.

Chiến trường. Nó hiện trước mặt anh với cái vẻ lổn nhổn, bầy nhầy, hỗn độn, không rõ ranh giới địch ta, không giống như những bộ phim chiến đấu của Liên Xô với phát xít Đức mà anh đã từng xem. Chốc chốc, một quả pháo sáng ở đâu đó vụt lên, ánh sáng vàng vọt ma quái chiếu vào những ụ đất, góc tường và chiến hào nham nhở. Những đám mây vàng ệch mọng nước bay lạt sạt trên mặt đất, tưởng như có thể giơ tay tóm được chúng. Ở góc chỗ An Tiêm, đường viền của đám mây nham nhở, như những chiếc răng quỷ nhe ra đầy vẻ hăm dọa. Một mùi tanh khẳm váng vất của máu và xác chết, trộn lẫn mùi khét lẹt của thuốc súng, ngoài ra còn một cái mùi gì đấy không thể phân tích được, gồm đủ các mùi khác nhau, hòa lẫn nhau, tạo ra thứ mùi đặc trưng đầy chết chóc của chiến trường.

“Các cậu sửa sang lại hầm hào đi, hôm nay pháo bắn làm sạt lở nhiều quá”. Vân nói nhỏ nhưng rõ. “Phải đào sâu thêm chỗ hào bị sạt thì mới vận động được mà không bị lộ. Mấy cái hầm chữ A kia, đừng đắp cao như thế, để nó bằng chỗ khác thôi”. Rồi Vân chỉ vào anh. “Cậu sửa lại chỗ ngách hầm bị sụt, cho nó rộng ra, dễ ra vào. Còn ụ chiến đấu thì xa xa cái hầm ra, đừng sát vào thế”. Nói xong Vân cũng cầm xẻng sửa lại các đoạn hào, rồi đi kiểm tra lại một lượt. Đất ở đây khá mềm, lại sũng nước nên dễ đào, chỉ việc ấn nhẹ xẻng là xúc được. Có một đoạn hào toàn bùn là bùn, anh lội bì bõm xúc mãi mới xong. Đôi dép cao su anh đi gặp chỗ bùn trơn, tuột lên tận bắp chân. Thấy anh loay hoay kéo đôi dép xuống, Vân cau mày bảo. “Có giày cao cổ không, lấy ra mà đi. Mai tôi bảo cách lấy vỏ đạn đục lỗ cho giày thoát nước. Ở đây không đi dép được đâu”. Nhưng không có ngày mai nào nữa. Ngay đêm ấy, Vân đã hi sinh trong một trận đánh.

Khoảng nửa đêm, không biết là mấy giờ, trung đội của Nguyễn Sơn được lệnh đi tập kích. Nguyễn Sơn, sau khi kiểm tra một lượt lũ lính mới các anh, đã phân công Tiểu đội 1 tiến về khu vực nhà bằng nhà xanh gì đó. Còn Nguyễn Sơn dẫn phần còn lại chếch sang bên trái một chút làm mũi vu hồi. Vân hỏi anh. “Cậu bắn được B41 chứ?” “Dạ được.” “Tốt, cầm khẩu B41 này, bò bên trái tôi. Tôi ở giữa. Cậu Trụ giữ khẩu RPD ở bên phải. Bò hết sức nhẹ nhàng, khi nào tôi hô H1 thì mới được bắn. Tập kích xong thì rút luôn. Rõ chưa?” Anh và Trụ trườn lên mép hào, lợi dụng các hố pháo hố bom bò theo Vân. Mặt đất sũng nước, lổn nhổn đầy gạch đá và mảnh bom. Lúc ở bến vượt còn thấy vài bụi cỏ, chứ ở đây tịnh không thấy một cọng cỏ nào. Một quả pháo sáng từ đâu bắn lên, nở bừng trong đám mây sà thấp và hắt ra thứ ánh sáng đùng đục. Anh nép xuống hố pháo, nhìn lên phía trước thấy Vân đang khua tay ra hiệu cho Trụ. Trụ đang bò lổm ngổm, khẩu RPD trên lưng cậu ta lắc đi lắc lại, đập vào mông kêu lạch xạch. Cái dáng nó bò thật tức cười. Trụ quê Nghệ An, nhập vào đoàn của anh sau khi vượt sông Bến hải. Cái đầu cắt cua trắng nhởn, khuôn mặt dài, nước da sẫm màu bánh mật, thân hình chắc khỏe xúng xính trong bộ quân phục mới tinh, trông nó giống một gã nông dân hơn là anh lính. “Em mới nhập ngũ, anh ạ. Từ Nghệ An quê em, đi bộ thẳng vào bãi Hà luôn, vừa đi vừa tập luyện”. “Thế các cậu đã được bắn đạn thật chưa”? “Có, rồi anh ạ. Lúc ở đường 15, đơn vị cho chúng em mỗi đứa bắn 3 viên. Nhưng mà lúc vào đến bãi Hà, em cũng bắn trộm được mấy loạt. Các anh cứ yên tâm, em bắn được thật mà”. Ừ, thì yên tâm. Nhưng anh cũng có hơn gì cậu ta đâu. Huấn luyện cơ bản thì 3 tháng, bắn hết bài 1 bài 2 rồi vào chiến trường. Bây giờ ở đây cũng bỡ ngỡ như nhau cả thôi.

Quả pháo sáng khi nãy đã rơi xuống đất, còn kịp lóe lên soi cái đuôi khói ngoằn ngoèo rồi mới tắt. “Giá mà lấy được cái dù pháo sáng nhỉ”? Anh thầm nghĩ. Các anh lại tiếp tục bò trườn về phía trước. Anh cố gắng thực hiện đúng các động tác đã được huấn luyện. Tay phải nắm lấy đầu quai súng, cả thân súng nằm trên cánh tay, còn trên lưng là cái ba lô đựng những quả đạn đã lắp sẵn liều. “Lúc vào trận, đạn B40, 41 phải lắp sẵn liều, rõ chưa, chứ lúc đánh nhau không kịp lắp đâu”. Đó là lời của Nguyễn Sơn khi kiểm tra bọn lính mới các anh trước lúc xuất kích. Càng về sau, anh càng thấm thía lời nói: “Ra trận chỉ nhanh chậm một giây thôi có thể đổi bằng mạng sống”.

Phía trước Vân vẫn đang trườn đi nhẹ nhàng, chếch phía sau là Trụ với điệu trườn loằng ngoằng của cậu ta. Anh cũng mải miết bò theo hai người, vừa bò vừa căng mắt căng tai lên quan sát. Trời tối đen, những hạt mưa lạnh bay lất phất. Nếu không có ánh sáng lờ mờ từ xa của quả pháo sáng đang rơi mé An Tiêm, chắc anh cũng chẳng nhìn thấy gì. Chợt có tiếng súng nổ ré lên phía bên trái, nghe vừa giống tiếng người bị nghẹn vừa giống tiếng kim loại xiết vào nhau. Sau đó là tiếng điểm xạ đĩnh đạc hai viên một, cùng ánh chớp lửa của B40 và lựu đạn. Vào trận rồi. Anh nằm mọp xuống hố pháo, kéo khẩu B41 lên vai, hướng về phía trước chờ đợi. Trong mớ âm thanh hỗn loạn ấy, anh chợt thấy một tiếng xoèn xoẹt, nghe rất rõ, rồi một tiếng nổ gắt cách chỗ anh chừng ba chục thước. Một tiếng xoèn xoẹt, tiếng nổ gắt nữa, nghe đã gần hơn. Cái này có lẽ là đạn cối của địch, nó đang chỉnh tầm ngắm đây. Đúng là cối mới có tiếng loẹt xoẹt thế, lúc ở bến vượt anh đã được nếm món pháo, nó hú khác hẳn. Toàn thân anh cứng đờ, một bản năng bảo anh chạy đi, vì quả đạn sau thể nào cũng rơi trúng chỗ anh đang nằm. Nhưng một ý nghĩ tê dại hơn cứ ấn anh nằm mọp sâu xuống hố pháo. Oành. Một chớp lửa lóe sau lưng, sóng xung kích của nó như lướt sau gáy, nóng rãy. Rồi liên tiếp những tiếng nổ , ánh chớp vây bốn bề, xen vào đó là tiếng AK, tiếng AR15 và tiếng B40 chát chúa. “Tiểu đội mình rơi vào giữa bãi pháo rồi. Mình chết mất”. Anh muốn làm một điều gì đó, bắn một phát đạn chẳng hạn, nhưng chưa có lệnh, cái lệnh “H1” mà Vân đã dặn. Qua chớp đạn, anh vẫn thấy dáng Vân nằm phủ phục sau mô đất, chếch sau một tí là Trụ đang ghì chặt khẩu RPD.

Rất lâu, rất lâu sau, anh cũng không biết là bao nhiêu thời gian đã trôi qua, tiếng súng tiếng đạn cối mới giảm dần rồi dứt hẳn. Những quả pháo sáng lại vọt lên, ngó nghiêng từng góc chiến hào, từng hố pháo. Cơn mưa đã dứt từ lúc nào, một làn sương mờ luẩn quẩn là là trên mặt đất. Sương hay khói súng, anh cũng không biết nữa. Nhưng anh cảm nhận rõ một cơn lạnh trườn dọc sống lưng rồi lan ra các đầu ngón tay ngón chân. Rồi đến lượt hai hàm răng va vào nhau lách cách dù anh đã gắng nghiến chặt đến tê dại. Trụ phía bên kia bò tới, lay lay vai anh “Anh ơi, rút thôi”. “Rút à, sao lại rút, anh Vân đâu?” “Anh Vân hi sinh rồi. Em cũng bị thương. Đây này”. Trụ kéo tay anh sờ vào vai trái của cậu ta. Một vết thương lớn ở bả vai, máu đang chảy ướt đẫm. Lần sờ vào túi áo ngực của Trụ, anh lấy hai cuộn băng cá nhân. Băng hết cả hai cuộn, máu vẫn chảy, anh lấy tiếp cuộn băng trong túi áo mình băng cho Trụ. “Mình cũng cần giữ lại một cuộn, chẳng may có bị thương thì còn có cái mà dùng”. Lính từ Bắc mới vào, mỗi người được phát một hộp cứu thương cá nhân bằng nhôm, trong đựng hai cuộn băng, một lọ thuốc sát trùng, một lọ thuốc lọc nước, hai ống chống hơi cay. Ngoài ra mỗi người tự trang bị cho mình một lọ penicilline, trong đó đựng một tờ giấy ghi rõ họ tên địa chỉ quê quán, phiên hiệu đơn vị. Tất cả những thứ ấy phải để trong túi áo ngực bên trái, khi cần là lấy được ngay. Anh và Trụ là lính mới, nên những thứ ấy vẫn còn. Băng bó xong cho Trụ, anh bò sang chỗ Vân. Vân nằm gục sau mô đất, đầu ngoẹo sang một bên, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng trong tư thế chiến đấu, chiếc mũ tai bèo lật ra phía sau để lộ một lỗ đạn sâu hoắm ngay giữa vầng trán. Lặng lẽ gỡ khẩu AK khỏi tay Vân, khóa chốt an toàn lại, anh bò về chỗ Trụ. “Cậu có tự bò về được không?” “Em bò được”. “Phải mang cả khẩu RPD với khẩu B41 của tôi nữa đấy, để tôi còn cõng anh Vân”. “Dạ, em làm được”.

Các anh bò ngược trở về nơi xuất phát mà địa hình địa vật đã được Vân chỉ dẫn lúc chiều. Trụ bò ở phía trước, tiếng thở hồng hộc như trâu cày, tay phải vừa nắm quai hai khẩu súng, vừa dùng khuỷu tay để chống người nhích lên, cái tay trái bên bị thương thõng thượt kéo lê trên mặt đất, cặp mông của nó vật lên vật xuống nhấp nhô như lưng con trâu trên đồng ruộng. Anh gắng hết sức, kéo nửa thân trên của Vân vắt lên lưng mình rồi bắt đầu bò sau lưng Trụ vài bước. Thân hình Vân như đứa trẻ mà sao nặng thế, phải gắng hết sức anh mới kéo được Vân đi từng chặng. Đến một hố pháo khá lớn, anh đỡ Vân nằm xuống lòng hố, rồi lăn ra thở dốc.

Vân nằm đó, trong hố pháo, như một đứa trẻ đang ngủ. Khuôn mặt vàng như sáp chập chờn trong ánh pháo sáng, đôi môi thanh tú mím chặt cùng chiếc mũi dọc dừa, khiến ta liên tưởng đến khuôn mặt của một cô gái. Đôi mắt Vân vẫn hé mở, trong veo, nhìn lên bầu trời vần vũ của đêm chiến tranh, như đang suy ngẫm điều gì.

T.H.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)