. NGUYỄN XUÂN THỦY
Chắc hẳn bạn đã nghe đến một Mo Rai huyền thoại. Cũng như tôi, đã từng nghe về một xã đặc biệt vùng biên giới của huyện Sa Thầy, Kon Tum, nơi quần cư của những buôn làng Gia Rai, Rơ Măm với những tập tục nghe như thuở hồng hoang. Chỉ một xã thôi nhưng luôn được ví với một tỉnh khi người ta nhắc đến nó, vì diện tích của Mo Rai vô tình tương đương với diện tích của tỉnh Thái Bình. Đó là một dải biên giới mênh mông nhưng thưa thớt, chỉ có 7 buôn làng, tính ra dân số chưa bằng một xã ở đồng bằng.
Thế rồi tôi cứ mơ mộng mãi một ngày có thể đặt chân đến Mo Rai, vùng đất vừa xa xôi, vừa bí hiểm hoang vu để cho đến mãi bây giờ tôi mới toại nguyện thì nơi đây đã mang một hình hài mới. Năm 2015, 2/3 diện tích của xã đã được tách ra để thành lập một… huyện mới mang tên Ia H’Drai. Nguyên do dẫn đến việc thành lập huyện mới này là từ cây cao su. Nhiệm vụ đưa cây cao su lên với Tây Nguyên được đặt lên vai những đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng từ những năm tám mươi của thế kỉ trước. Bây giờ, phụ trách địa bàn này là Chi nhánh 716 của Binh đoàn 15 nhưng Chi nhánh cũng mới chỉ được thành lập năm 2014, còn trước đó là các đội sản xuất tiền thân thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 và Công ty 75, cũng là các đơn vị thuộc Binh đoàn.
Vị trí của Ia H’Drai nằm về phía Nam huyện Sa Thầy với 3 xã, Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom. Điều đáng nói đây vốn là diện tích đất trắng, không có một làng bản đồng bào dân tộc bản địa nào. Vậy cơ sở nào, dân ở đâu để xây dựng huyện mới? Những người dân đầu tiên của Ia H’Drai chính là những công nhân cao su. Trước đó một năm, Binh đoàn 15 đã cơ cấu lại một số đội sản xuất trên địa bàn, lập Chi nhánh 716 để bám huyện mới chuẩn bị thành lập như một sự “đi trước đón đầu”. 12 đội sản xuất thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 và Công ty 75 được chuyển về đứng chân trong đội hình của Chi nhánh. Cùng với đó là một bệnh xá quân dân y và một trường mầm non được thành lập. Ở những đội sản xuất này là những lứa cao su được trồng từ những năm 1999 - 2000. Bình mới nhưng rượu vẫn là rượu cũ, công nhân các đội vẫn là những người lính, những người thợ gắn bó với đất này từ thời cây cao su mới gieo mầm. Cái câu “đời cây đời người” vận vào cây cao su và người thợ sao mà đúng thế. Trồng một cây xuống, nếu chăm sóc tốt, 6 năm sau cây mới cho mủ, giống như một đứa trẻ, cũng tầm ấy mới đủ tuổi đến trường. Vì những lẽ ấy tôi rất muốn làm một việc, đó là “truy vết” cây cao su trên đất Ia H’Drai.
Con đường mới mở dẫn lên cột mốc 19. Ảnh: Xuân Thủy
Đội trưởng Đội sản xuất số 7 là Thiếu tá QNCN Kiều Bá Oanh. Oanh dáng người nhỏ nhắn, chỉ cao tầm ngấp nghé mét sáu, quê Phúc Thọ, Hà Tây cũ. Bên cạnh anh là cô gái đồng hương nhà mạn Ba Vì tên Phùng Thị Hiền. Sau chuyến thị sát việc gửi trẻ vào ban đêm và thực tế việc cạo mủ tại Đội 7 tôi đã đề xuất với Thượng tá Hoàng Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy Chi nhánh 716 cho được ở lại bám đội một đêm. Phùng Thị Hiền là thành phần trong đoàn từ Chi nhánh xuống đội cùng nhưng cũng là về nhà, bởi cô vốn là người của Đội 7, nhà vẫn ở đây.
Tôi cũng vốn quê gốc Hà Tây cũ. Câu chuyện trong đêm vùng biên giữa ba người cùng quê nhanh chóng trở nên thân tình. “Ngày ấy nhà trẻ ngay ở Ban Chỉ huy đội bác Oanh nhỉ”. Hiền hỏi người đội trưởng mà không cần xác nhận, âm sắc Ba Vì ở cô còn rất nhạt, tinh ý mới nhận ra. Nhà chỉ huy đội là nhà gỗ, Hiền bảo, dựng được cái nhà gỗ những năm tháng khởi nghiệp ấy là huy hoàng lắm. Còn khi mới vào anh chị em toàn dựng nhà bạt ở tạm cơ. Hiền và Oanh đều từ Đức Cơ, Gia Lai sang, chỉ khác là Hiền sang cả hai vợ chồng, còn Oanh vợ con vẫn bên ấy. Cả hai thuộc quân số của Công ty 75 đi khai thiên lập địa trên vùng đất mới. Đầu tiên là cứ phải cao su đi trước đã. Cái này đã thành công thức bất biến của Binh đoàn. Bất luận thế nào thì đầu tiên là làm sạch đất, đào hố, đổ phân trộn đều để chờ xuống cây giống. Từng đoàn người đúng tính chất đi khai hoang, dọn rừng tạp, đốt cỏ, nhặt rễ cây... Tất nhiên trước đó là khảo sát, là rà phá bom mìn, vật liệu nổ, là nghiên cứu thử nghiệm xem có hợp với cây cao su không chán ra rồi. Oanh bảo, việc ấy Công ty 79 làm, giờ 79 làm xong lại ngược ra Quảng Bình, cũng là một mặt trận của Binh đoàn, nhận nhiệm vụ mới. 79 xong thì 75, 78 tiếp quản. Hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 3 mét, cứ thế đều chằn chặn mà đào. Hướng của hàng thì đã được cán bộ kĩ thuật chỉ định sẵn, làm sao để đón ánh nắng cho cây. Những tính toán này để chuẩn bị tốt nhất cho một lứa cao su sẽ tồn tại khoảng 30 năm, nếu làm tốt, khai thác đúng quy trình kĩ thuật thì có thể nâng lên dăm sáu năm nữa, lúc đó mới thanh lí cây để trồng lứa mới. Thế nên tính ra, một đời cây còn già hơn một đời thợ, nếu đồng hành cùng cây từ khi trồng thì người thợ ấy còn nghỉ hưu trước cây.
Như Oanh, vào với cao su Tây Nguyên từ năm 1994, ngày ấy còn là Nông trường 706, sau sáp nhập với Nông trường 77 mới lấy phiên hiệu là Công ty 75. Tính đến giờ là tròn 30 năm, cái hưu cũng thập thò ngoài cửa rồi, đôi ba năm nữa thôi là Oanh bàn giao cho thế hệ cán bộ mới. Ban đầu Oanh làm bảo vệ nông trường, một ngày anh bỗng hốt hoảng khi nhận thấy cả rừng cao su úa tàn, lá chuyển màu vàng tía, rụng lả tả, Oanh lo lắng chạy về hỏi người đội trưởng, “anh ơi, sao cao su lại chết hàng loạt thế kia?”. Người đội trưởng cười vang giải thích cho chàng thanh niên lính mới biết về mùa cao su thay lá. Oanh ngẩn ra. 18 tuổi đầu từ miền Bắc vào Gia Lai, đã nhìn thấy cây cao su bao giờ đâu. Mỗi năm cây cao su sẽ thay lá một lần, như một sự rũ bỏ, rũ bỏ để tái sinh, lớp lá vàng rụng xuống, lớp chồi non sẽ nhú lên thế chỗ. Đó cũng là lúc mùa khô bắt đầu, lúc này cây cần nghỉ ngơi giữ mình để chống hạn. Ba tháng ấy người ta sẽ ngừng khai thác mủ, chăm sóc, bỏ phân để cây tự chữa lành, tái sản xuất mủ cho vụ sau. Từng mùa cao su rụng lá, từng tuổi xuân trôi, từ nông trường thành công ty, từ công ty thành chi nhánh, bây giờ thì Oanh ở đây, trên cương vị Đội trưởng Đội sản xuất số 7.
Chức danh đội trưởng Oanh đã đảm nhận tròn 20 năm rồi, nên có việc gì của đội trưởng mà Oanh không biết. Oanh rủ rỉ, ngày ấy thú rừng ở Ia Đal nhiều lắm chú ạ, ban đêm heo, hoẵng còn mò cả vào đơn vị. Hiền chen vào, đi dọc đường thú rừng còn mò ra chặn đường phải tránh chúng ý anh ạ. Có công nhân đang trồng cao su ở bìa rừng còn bị lợn rừng lao vào tấn công. Còn nai thì lại rất thích gặm vỏ cây cao su non một hai năm tuổi. Gặm hết lớp vỏ thì cây chết. Chết là phải trồng dặm. Việc này đã có lúc làm đau đầu các cấp lãnh đạo. Con số thống kê của Đoàn 78 khi đó số cây chết lên tới 8.770, tương đương gần 16ha. Thế thì đau đầu quá. Chết cây là phải trồng lại, vì nghị quyết đã ra, số cây sống phải đảm bảo 98%. Từng đoàn công nhân đổ bộ vào rừng, người đi đến đâu cao su bén rễ đến đấy. Đội hoàn thành sớm hỗ trợ đội chưa hoàn thành. Hỗ trợ bằng cách đi từ đội này sang đội kia cả chục cây số, mà toàn đi bộ. Tuổi trẻ phơi phới vác cuốc vác xẻng lên đường, đường rừng, đi từ sáng đến 4 giờ chiều mới tới, vẫn vui, phơi phới một niềm tin.
Cả năm sau thì vài ngôi “nhà gỗ huy hoàng” cũng dựng xong. Cho Ban chỉ huy đội, cho công nhân, dành riêng một cái làm nhà trẻ. Cô Hiền trông giữ, lứa tuổi không hạn chế. Non nhất có cháu mới 3 tháng tuổi, già thì 6 tuổi. Một cô chín cháu trông nhau để bố mẹ đi làm. Ngày ấy dù sao cũng còn ở thời làm công, trồng và chăm sóc, làm cỏ cho cây nên chỉ làm ban ngày. Đến khi cây cho mủ thì cũng là lúc “A Kay đi nhà trẻ” ban đêm, vì giờ vàng cạo mủ của cây cao su bắt đầu lúc 12 giờ đêm, nên 11 giờ các bố các mẹ bắt đầu lục tục chở con đến nhà trẻ gửi để đi làm. Không dạy múa dạy hát, không tập trung chơi trò chơi mà là đến trường để… ngủ. Đến trường để cô trông, đến trường ngủ với cô. Ngày ấy là Đội 24, khi thành lập Chi nhánh 716 mới đổi tên thành Đội 7. Oanh làm đội trưởng ở đây từ năm 2013. Trước khi làm đội trưởng tại Ia H’Drai thì anh đã làm đội trưởng chục năm bên Đức Cơ rồi. Bên Đức Cơ công nhân chủ yếu là đồng bào Gia Rai bản địa. Đồng bào có nhiều phong tục, tập quán mâu thuẫn với tính kỉ luật lao động hiện đại. Phải khéo léo vận động kết hợp với già làng, trưởng thôn thì việc mới trôi, mọi thứ mới xuôi thuận. Chứ công nhân đi cạo mủ mà nhà có đám lại nghỉ mất cả tuần là không xong rồi. Mủ cao su đêm nào cũng chảy, không lô nọ thì lô kia cần cạo. Không cạo là mất mủ, mất năng suất, cuối năm hoàn thành kế hoạch thấp, đồng nghĩa với lương thấp. Lương thấp thì là phần thiệt thòi cá nhân, còn thiệt hại tập thể là mất đi tài nguyên không khai thác kịp. Mủ trong cây còn đấy, nhưng nếu cạo thì cây sẽ ra lớp mủ mới, không cạo thì cây không ra. Tự nhiên thành mất, mất mà như không mất, nên nói mãi đồng bào cũng hiểu mà như không hiểu. Không hiểu nói mãi cũng thành hiểu. Dần dần tục tang ma được rút gọn lại, đôi ba ngày thôi, uống rượu ít thôi. Uống rượu mà đi cạo thì răm dày lắm, xiên xẹo lắm, lại dễ phạm vào cây. Cây bị lưỡi dao phạm vào là khi đùn vỏ tái sinh sẽ nổi u nổi cục, sần sùi như người bị vết thương, chỗ ấy sau chẳng cho mủ nữa. Mưa dầm thấm lâu, thời gian chứng thực cho những gì cán bộ nói. Bà con dần dần nhận thức được vấn đề. Sang Ia H’Drai cũng đồng bào dân tộc nhưng là dân tộc di cư, dân tộc pha trộn. Thế nên dù chẳng có một buôn làng bản địa nào nhưng các đội sản xuất ở Ia H’Drai có tới 18 dân tộc anh em chung sống. Họ là người Tày ở Lạng Sơn vào, họ là người Mường, người Thái ở Thanh Hóa đến, họ là người Khơ Mú ở tây Nghệ An, người Gia Rai ở các địa phương trong tỉnh Kon Tum nữa… Nhiều, nhiều lắm! Như cộng đồng các dân tộc Việt Nam thu nhỏ vậy. Bao nhiêu dân tộc bấy nhiêu tập tục, bấy nhiêu nếp văn hóa, thói quen cố hữu mang về “hội nhập”. Hầu như đội sản xuất nào cũng đa sắc tộc. Cả thôn có 67 hộ từ hai đội sản xuất số 6 và số 7, toàn công nhân mình cả chứ có người dân nào đâu. Trưởng thôn chính là Oanh đấy. Trên chỉ định thế thì Oanh phải lãnh nhiệm chứ thực ra hộ khẩu của Oanh vẫn ở bên Đức Cơ. Vợ con anh ở bên ấy, chỉ mình Oanh đơn vị điều đi khai sơn phá thạch rồi neo lại ở bên này. Từ quân 75 bắn sang thành quân 716, cảm giác xa xôi hơn một tí.
Ở vai trò trưởng thôn Oanh cũng có vô số chuyện. Ngày chưa tách huyện, lập xã, từ thôn lên trụ sở xã Mo Rai phải đi 60 cây số. Đi xin cái giấy khai sinh là phải chừng ấy đường đất. Ngày kéo điện về thôn Oanh làm hợp đồng điện mang lên xã kí, mất bốn năm ngày chưa xong. Sau anh đành về gửi lại nhờ đóng dấu để lên lấy sau. Cả thôn được lắp có 4 cái công tơ điện, thế là hàng tháng cứ phải cộng trừ để chia tiền cho từng hộ sao cho công bằng. Cái việc lắp điện nó cũng li kì. Đường điện vốn là của một doanh nghiệp kéo để khai thác quặng. Khi họ rút đi thì Công ty 75 tiếp quản, nâng cấp để kéo điện về cho các đội sản xuất có cái dùng chứ trước đó đã làm gì có điện. Đường cũng công ty làm. Trường cũng do công ty lập. Trạm y tế cũng công ty gây dựng. Thành ra điện - đường - trường - trạm đều một tay công ty lo cả. Sau này có huyện có xã rồi, quản lí điện phức tạp thì mới chuyển giao cho điện lực quản lí. Trường cũng chuyển cho ngành giáo dục tiếp quản để hợp lí trong hệ thống giáo dục địa phương. Cao su đi trước, làng nước theo sau là như thế. Bây giờ thì tiện hơn, xã ở gần rồi, có việc gì giải quyết trong ngày là xong. Oanh bảo huyện mới rồi đấy nhưng cả huyện không có một cái đèn xanh đèn đỏ, ô tô có thể ngồi đếm từng cái chạy qua được. Ia H’Drai phấn đấu năm 2025 đạt số dân 22.000 người nhưng hiện tại mới đạt tầm 17.000. 5.000 nữa ở đâu chưa ai biết. Mật độ dân cư ở đây mới dừng ở con số 22 người trên một cây số vuông, vào diện thấp nhất cả nước. Chính sách thu hút người dân thì đã có. Khu định cư 64 dưới huyện mỗi hộ đến ở ngoài việc được cấp đất còn hỗ trợ 30 triệu để làm nhà, lại cấp gạo ăn trong vòng một năm rưỡi nhưng vẫn chẳng mấy người vào. Đến cán bộ chiều thứ 6 cũng về xuôi thì làm gì còn ai ở lại. Nên là vẫn chỉ có dân cao su bám đất bám rừng, bám đường biên mốc giới.
Phùng Thị Hiền sinh năm 1991, nhấm nháy với Tây Nguyên từ trước mãi rồi nhưng lại vướng lấy chồng, sinh con. Năm 2011 sinh con xong, con được 2 tuổi mới gửi lại cho ông bà để hai vợ chồng vào Đức Cơ. Năm sau thì sang Ia H’Drai. Hiền học hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, do đặc thù công ty thể tất nhận vào làm miễn là chịu lên biên giới, chứ sau này theo chuẩn giáo dục cô giáo mầm non là phải từ cao đẳng trở lên. Hiền cũng đã tính đi học lên đại học, đã học rồi đấy nhưng việc nhà, việc đơn vị quấn chân quá lại đành dời lại.
Lúc đầu ở nhà tập thể, sau đơn vị cấp đất vợ chồng Hiền làm căn nhà nhỏ đối diện ngay trường mầm non Hiền dạy học. Dạy học nhưng chả việc gì của công nhân mà Hiền không biết, chả việc gì anh em trong đội làm mà Hiền không hay. Lớp trẻ Hiền trông ngày ấy giờ đã lớp 8 lớp 9 cả rồi. Hai đứa Bùi Minh Trưởng, Bùi Minh Đăng con anh Bùi Văn Mạnh cũng ngay cổng đội đó, giờ đã lộc ngộc cao hơn cả bố. Lớn rồi thì phải đi học ngoài Ia Tơi, ở trung tâm huyện, có Trường THCS Hùng Vương gần phía Hiền làm ở Chi nhánh bây giờ đó. Từ Đội 7 ra trung tâm hơn hai mươi cây số, đi qua cầu Trường Thành bắc qua sông Sa Thầy. Bây giờ đường mới có khá hơn chứ ngày trước cứ mưa là nước sông lên cao, đường ngập, giao thông chia cắt. Trước mỗi lần mưa là đơn vị như ốc đảo. Trong ngoài bị chia cắt không qua lại được. Nước dâng lên hàng mét, cao su của Đội 9 gần đó còn bị trôi hết cả bát hứng mủ. Cứ mưa là biên phòng, dân quân tự vệ và chi nhánh phải tổ chức phân công đứng ở hai phía ngăn không cho công nhân qua suối, đề phòng nguy hiểm. Có việc gấp phải đi chỉ còn một cách là đi vòng theo đường tuần tra biên giới 45km. Ngày trước trụ sở Chi nhánh đóng ở Đội 1, di chuyển ra đó mất khoảng 15km, bây giờ trụ sở chuyển ra xã Ia Tơi thì 23km, đấy là theo đường mới chứ đường cũ thì phải đi 26km. Ngày ngày Hiền đi làm, gặp mưa là đến dốc Thủy Hoàng, đường trơn, xe kẹt cứng bùn đất không đi nổi. Chỗ này cũng là nơi đánh dấu sự biến đổi của thời tiết, lên đến đỉnh dốc là bên này trời trong, bên kia mây bay la đà. Năm 2021, lãnh đạo Chi nhánh rút Hiền lên làm Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở kiêm làm công tác dân vận. Vậy nên Hiền đang ở Đội 7 lại phải đi làm hơn hai chục cây số là vì thế. Cũng trên cung đường này còn có một cây cầu khác, dân ở đây vẫn gọi là cầu ông Tỏa. Đây là cây cầu do đơn vị xây dựng. Đơn vị ở đây là thời còn Công ty 75, ngày ấy Đại tá Hoàng Văn Tỏa đang làm Bí thư Đảng ủy. Anh Tỏa là người nói là làm, một kiểu thủ lĩnh hiện trường với chất giọng Quảng Bình oang oang, con người của hành động. Khi thấy sông ngập nhiều quá anh đã cho làm cầu mới thay cho đập tràn để công nhân đi lại đỡ vất vả. Từ phong cách chỉ đạo quyết liệt của anh, cây cầu đã nhanh chóng hiện hình, từ đó công nhân quen miệng gọi cầu ông Tỏa. Bây giờ Đại tá Hoàng Văn Tỏa làm Bí thư Đảng ủy của Công ty 715 bên Ia Grai, Gia Lai nhưng cái tên của anh vẫn lưu lại chốn biên cương này. Năm 2014, trạm y tế mới được xây dựng, giải quyết các vấn đề về sức khỏe cho người lao động. Công nhân sốt rét nhiều quá, đến nỗi sắp xếp mãi vài năm mới về thăm quê được mà quà cáp chả có gì còn phải mang theo bịch thuốc sốt rét để phòng xa nếu sốt còn có cái mà cắt cơn.
Câu chuyện của Hiền tôi đã được chứng thực vào hôm sau, khi tôi theo công nhân đi thu mủ. Muỗi trong rừng nhiều vô kể. Để ý tôi thấy mỗi công nhân đều đeo một thiết bị khoanh tròn, giống như kiểu quạt thông gió của áo bảo hộ thế hệ mới bây giờ. Nhưng nhìn đi nhìn lại tôi nhận định rõ ràng không phải, với lại thời tiết ở đây cũng không nóng bức đến nỗi phải mặc áo tản nhiệt. Quả nhiên khi tôi hỏi thì được biết đó là thiết bị đuổi muỗi, trong chiếc hộp hình tròn có những lỗ thoát khí kia là… hương vòng đuổi muỗi. Mỗi công nhân khi ra lô cạo mủ, thu mủ sẽ đeo nó bên hông để xua muỗi đốt. Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, môi trường làm việc tốt hơn, họ cũng tự trang bị cho mình thiết bị này để bảo vệ sức khỏe. Trước đây công nhân thường tự phát đuổi muỗi bằng cách châm hương gắn vào vành mũ, cũng có người đính luôn vào con dao cạo mủ, mỗi lần cạo, dao đưa lên đưa xuống xua muỗi luôn thể, khá là hiệu quả. Bây giờ thì nó đã được chuẩn hóa để dùng hương vòng, lâu hết hơn cho cả buổi vài tiếng công nhân lặn lội ở trong rừng.
Thiếu tá CN Kiều Bá Oanh bên một cột mốc phụ trong khu vực Đội sản xuất số 7. Ảnh: Xuân Thủy
Ia H’Drai, tôi dám chắc nếu không phải người bản địa bạn sẽ phải uốn lưỡi bảy lần mới phát âm được địa danh này. Cái tên xuất xứ từ tên của người con gái, con gái Êđê đều bắt đầu bằng chữ H’. Ia là nước. Còn Drai là tên một khúc sông của sông Sa Thầy. Chữ H’ là để tưởng nhớ một người con gái có công với mảnh đất này. Tuy nhiên, cái tên đầy bản sắc này cũng gây ra những phiền toái nhất định. Hiền bảo mấy năm trước khi bố mẹ ở quê cho vợ chồng cô mảnh đất cần phải sang tên, cô phải xin nghỉ phép lần mò ra Hà Nội để làm thủ tục, khi cô khai nơi ở hiện nay là Ia H’Drai thì cán bộ văn phòng đăng kí nhà đất loay hoay mãi không gõ nổi, bởi trên máy tính, chứ I viết hoa bị mặc định biến thành chữ l viết thường, thành ra không khớp. Công nhân các đội có việc chuyển khẩu, cắt khẩu, làm tạm trú cũng đến khổ, diễn giải phát âm đi phát âm lại đến méo mồm không được đành nối máy cho cán bộ đầu bên kia nói chuyện với cán bộ đầu bên này, hai bên lại lặp lại, đánh vần méo mồm địa danh để ghi cho chuẩn. Chứ sai một tí là rầy rà to sau này, bởi giấy tờ đi liền với mỗi con người trong suốt cuộc đời.
Câu chuyện giữa tôi, anh Oanh và Hiền cứ rỉ rả trong đêm vùng biên, trước giờ công nhân Đội 7 đi cạo mủ. Gần 12 giờ đêm, Oanh nhắc đội phó Văn Trọng Vượng đánh kẻng báo giờ đi lô. Chiếc kẻng làm từ vỏ quả bom treo phía cổng, một hồi ngân vang khắp dọc biên giới. Từ đây ra cột mốc có trên trăm mét, gần quá gần. Đi qua nhà chỉ huy Đội 7 một chút, rẽ xuống là khu dân cư cũ, đi tiếp một đoạn nữa mới rẽ vào khu dân cư mới. Sau hồi kẻng, công nhân từ các ngôi nhà bắt đầu lên xe máy chạy qua cổng Đội. Trước ngực mỗi người là chiếc túi vải đựng mủ tạp bóc từ các vết cạo của lần trước đã đông lại bám trên miệng cạo, trước khi cạo vết mới người công nhân sẽ bóc dải mủ đông này cho vào túi vải để gom mủ tạp, như một cách tận thu. Mủ dính trên bát cũng thế.
Đêm ở Đội 7 ấy anh Oanh dẫn tôi ra lô cao su. Những ánh đèn trên trán từng người thợ ánh lên trong mỗi vườn cây, thấp thoáng, xa xa trong đêm. Có tiếng loa phát ra, chỗ thì nhạc Thái, chỗ thì nhạc trẻ, chỗ lại như tiếng tụng kinh. Oanh bảo, công nhân mở loa vừa làm vừa nghe cho đỡ buồn. Có thể nghe tai nghe nhưng họ thích mở loa, phần vì có âm thanh cho đỡ hiu quạnh, phần cho đỡ… sợ ma. Màn đêm được thắp sáng, gần gũi và ấm áp hơn khác với vẻ hoang liêu cô quạnh thường thấy trên các vùng biên giới. Chúng tôi lại gần một người thợ. Oanh giới thiệu đó là Vi Văn Mưu, anh đang thoăn thoắt thao tác trên từng miệng cạo, di chuyển từ cây này sang cây khác, mỗi cây chỉ dừng lại tầm vài chục giây. Tôi đành nhờ Mưu làm chậm lại chút để ghi vài tấm hình tư liệu. Với tác phong làm việc như thế tôi không nỡ cắt ngang để hỏi chuyện. Mưu cho biết cạo chừng hơn một tiếng sẽ xong vườn. Tôi hẹn anh lúc quay về ghé trụ sở đội để hỏi chuyện.
Mưu nằm trong lứa công nhân thế hệ đầu của Đội 7. Anh về đội năm 2012. Tuy không phải sớm nhất nhưng có những gắn bó nhất định để khi nhắc đến Đội 7 là mọi người thường nhắc đến anh. Mưu sinh năm 1995, quê Thường Xuân, Thanh Hóa. Đã vào thực địa từ năm 2012 nhưng để tính kế sách lâu dài thì phải đến năm 2013, sau khi anh về quê đưa người yêu vào để thị sát cuộc sống ở đây, có được sự đồng thuận, năm 2014 về quê cưới vợ xong hai vợ chồng mới vào quyết tâm lập nghiệp ở vùng đất này. Hai vợ chồng Mưu được đơn vị giao 12ha cao su mới trồng, ngày ngày làm cỏ bỏ phân, làm sạch bờ lô hợp thủy chống cháy. Bờ lô được tính từ cây ngoài cùng ra 6 mét nữa, làm bao giờ “sạch cỏ đỏ đất” thì mới đạt tiêu chuẩn. Cây cỏ phát rẫy ra thì gom lại đốt. Cây cao su non thường mắc các bệnh rệp, nấm hồng làm chết cành, xoăn ngọn. Ngoài ra thì thú rừng phá. Có lần Mưu cùng anh em đội đi trồng cây, ngồi trên máy cày, đường xóc cậu bé 17 tuổi khi đó bị rơi dọc đường, ngất xỉu phải đưa lên Đồn Biên phòng 703 sơ cứu.
Bây giờ thì Vi Văn Mưu đã là thợ cạo giỏi của đơn vị, nhiều năm đoạt giải “Bàn tay vàng”. Hàng năm anh đều hoàn thành trên 100% kế hoạch. Mưu cũng đã xây dựng cho mình được một tổ ấm tại khu công nhân. Ngôi nhà mới vợ chồng Mưu đang ở thuộc chương trình “Nhà đồng đội” mà vợ chồng anh là một trong số các hộ được thụ hưởng, quỹ “Nhà đồng đội” hỗ trợ 70 triệu đồng, Mưu đầu tư thêm 120 triệu nữa để xây dựng. Sáng hôm sau, Mưu tiếp tôi trong căn nhà mới với rất nhiều bằng khen, giấy khen của cả nhà treo trên tường, tôi đếm được tất cả 38 chiếc. Vi Văn Mưu và vợ anh, chị Vi Thị Nhâm mấy năm qua đều là Chiến sĩ thi đua của Đội 7. Mưu khoe còn nhiều bằng khen nữa mà không có chỗ treo nên là treo… đại diện. Trên tay vợ Mưu là đứa con nhỏ 8 tháng mới sinh đầu năm 2024. Con đầu của vợ chồng Mưu sinh năm 2015, hiện đã học lớp 4. Số tiền tích lũy được Mưu gửi về quê cho bố mua rẫy ở quê để trồng keo, còn mẹ anh hiện cũng đang vào hỗ trợ con dâu trông cháu nhỏ. Tận dụng những đầu thừa đuôi thẹo giữa các vườn cao su, vợ chồng Mưu cũng trồng được khoảng 1ha điều, năm rồi cũng cho nguồn thu hơn chục triệu.
Khi tôi hỏi điều gì nhớ nhất sau chừng ấy năm gắn bó với vùng biên này, Mưu đã giơ bàn chân chìa cho tôi xem vết sẹo dài. Anh kể lại lần cắt cỏ trong lô cao su bằng máy, lưỡi dao va dính đá đã khiến máy cắt cỏ tuột ốc, lưỡi dao văng vào chân Mưu chém ngang một vết song song với bàn chân sâu vào đến một nửa. Vợ Mưu làm cùng đã hoảng hốt báo về Đội, anh em đưa Mưu xuống trạm y tế rồi chuyển ra bệnh xá. Vết thương được khâu nhưng vì chưa vệ sinh hết, bên trong còn cỏ nên lại bị nhiễm trùng phải lên Bệnh viện Quân y 15 của Binh đoàn mổ lại. Nằm viện mất hơn một tháng Mưu mới trở về Đội. Sau sự cố đó bàn chân anh bị co rút, ai tinh ý sẽ nhận ra anh đi lại không hoàn toàn bình thường. Mưu bảo như anh là còn may, trường hợp công nhân Cầm Bá Đoàn còn bị nặng hơn, cũng là dao cắt cỏ văng nhưng trúng vào ống chân, tiện ngang gần đứt lìa “ống đồng”. Anh em phải gỡ cánh cửa ở nhà chỉ huy Đội làm cáng khênh xuống bệnh xá và đưa lên ô tô chở đi cấp cứu. Chữa trị xong anh Đoàn đi giám định, thương tật 22%, chưa đủ để hưởng chế độ, vì theo quy định phải mất 31% sức khỏe mới đạt. Hiện tại anh Đoàn làm bảo vệ tại Đội sản xuất 11.
*
* *
Đêm ở Đội sản xuất số 7, mãi 2 giờ sáng tôi vẫn còn nghe những tiếng xe trở về từ những vườn cao su. Họ đã lần lượt làm xong việc cạo mủ, về ngả lưng để tờ mờ sáng sẽ trở lại thu mủ cao su. Tôi cũng ngả lưng tranh thủ chợp mắt nhưng không thể ngủ nổi. Đang chập chờn thì tôi giật mình khi tiếng kẻng vang lên. 4 giờ 30 sáng những âm thanh vang dội xé toạc màn đêm. Tôi bật dậy quan sát một ngày mới ở vùng biên. Bên kia cổng Đội ngôi quán nhỏ cũng lục tục kéo cửa bày hàng. Đây là quán của gia đình anh Bùi Văn Mạnh, vừa là công nhân của Đội vợ chồng anh vừa kiêm thêm công việc này. Cửa hàng nhà anh bán dựng trên đất của Đội, đầy đủ các vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm phục vụ công nhân nên cũng hoạt động theo nhịp điệu lao động nơi đây. Lúc tối tôi đã thấy một toán công nhân ngồi uống nước, thì ra trong Đội vừa tổ chức lễ kết nạp Đảng cho anh Bùi Văn Tiến, y tá của Đội, sau lễ kết nạp mấy anh em kéo nhau sang nhà Mạnh ngồi chơi nói chuyện đến khuya. Thế mà bây giờ họ đã lại dậy bắt đầu một ngày mới. Ông Bùi Văn Lam và bà Nguyễn Thị Thơm bố mẹ anh Mạnh cũng dậy phụ giúp con. Bà Thơm đưa chõ xôi và nồi bánh bao ra gần với lề đường để các công nhân trên đường đi thu mủ dừng lại tiện mua suất ăn sáng. Kì lạ thay, đàn gà trong Đội cũng đã dậy kiếm ăn thơ thẩn trong sân dưới ánh điện. Thì ra con người và vạn vật vùng biên này đều quay quanh nhịp điệu của cây cao su, quay quanh việc khai thác mủ, điều lạ thường trong mắt tôi đã trở nên bình thường ở nơi này suốt hàng chục năm qua, kể từ khi những lứa cao su đầu tiên của Binh đoàn 15 bắt đầu cho mủ sau 7 năm trồng.
Anh Bùi Văn Mạnh làm bảo vệ tại Đội sản xuất số 7, còn vợ anh, chị Phạm Thị Thương làm công nhân. Vợ ra lô cạo mủ, chồng dọn hàng vì công việc bảo vệ của anh chưa cần có mặt. Dọn hàng xong Mạnh nhanh tay đổ cà phê ra đầy các phin và chế nước sôi sẵn cho hàng chục chiếc để trên bàn để công nhân thu mủ về có thể dùng cà phê đồng loạt, sau đó anh lục cục lôi ra một khúc gỗ, chiếc giũa và ca nước bày lên bàn. Tôi còn đang tò mò không biết Mạnh định làm gì, thì anh đã nhả điếu thuốc hút dở khỏi miệng đặt xuống mép bàn, cầm con dao cạo mủ lên đưa tay vuốt vuốt như thể kiểm tra độ cùn của nó. Hóa ra anh tranh thủ mài dao cạo mủ cho vợ. Dụng cụ chuyên dụng này phần có lưỡi sắc được bẻ gập một đường gần như vuông góc, để có thể tì vào bề mặt cây và cắt đi lớp vỏ một cách chính xác, không dày quá, cũng không bị phạm vào thân cao su. Đó là một thao tác đòi hỏi dứt khoát, chuẩn xác nhưng cũng cần nhẹ nhàng, khéo léo.
Mạnh cho biết, mỗi con dao có giá 200 nghìn đồng, mỗi lần lưỡi mòn thợ cạo mủ sẽ đem ra lò rèn nhờ tạo hình lại lưỡi cạo với chi phí khoảng 60 nghìn đồng. Sau vài lần tạo hình lưỡi sẽ thay dao mới. Còn trong quá trình sử dụng, lưỡi dao bị cùn thì người công nhân sẽ tự mài như Mạnh đang làm. Công việc này tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Những công nhân đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị đã phải hướng dẫn rất nhiều lần, thậm chí mài hộ cho họ. Bởi độ sắc của dao quyết định đến kĩ thuật và năng suất làm việc rất lớn. Với miệng cạo dưới, người thợ dùng dao cán ngắn để cạo xuôi, khi khai thác lâu năm, mở đường cạo trên thì sẽ cần đến dao cán dài để cạo ngược. Chẳng mấy chốc con dao trong tay Mạnh đã được mài sắc, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Những việc làm nhỏ như vậy sẽ góp phần tăng hiệu suất làm việc cho người thợ. Trước cửa quán, những chiếc xe thu mủ lần lượt vút qua mất hút vào các lô cao su dọc ngang xung quanh Đội sản xuất số 7.
Nếu như xã Mo Rai trước đây được ví với tỉnh Thái Bình thì gia đình Mạnh chính là người đến từ tỉnh này. Bố mẹ anh quê ở Đông Hưng, Thái Bình, vào Gia Lai lập nghiệp tại Krông Pa. Năm 2011, khi việc trồng cao su được triển khai tại vùng đất mới của tỉnh Kon Tum này, vợ chồng anh đã vào đầu quân, cuộc sống ổn định thì đón cả bố mẹ vào. Kí ức của Mạnh về Ia H’Drai cũng có nhiều điểm chung với chị Hiền, với anh Oanh, với những công nhân thời kì đầu của Chi nhánh 716. Đó là những căn nhà tạm, những mùa mưa buồn nẫu, những mùa khô ngầu bụi. Một trong những khó khăn hàng đầu ở đây là nguồn nước. Để đảm bảo sức khỏe, không thể để công nhân dùng nước suối, trồng cây xong thì khoan giếng. May mắn là cây cao su không phải tưới, chỉ lo phần nước sinh hoạt. Nước sạch cũng là điều trăn trở của Trung tá Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Chi nhánh 716. Trung tá Hoàng Văn Quyết vốn là Phó giám đốc Chi nhánh 716 từ những năm mới thành lập, đầu năm nay anh lại được lãnh đạo Binh đoàn 15 tin tưởng giao quay lại 716 nắm giữ cương vị Giám đốc. Bố anh Quyết cũng là người gắn bó cả đời với cây cao su Binh đoàn 15, lăn lộn cùng bà con Tây Nguyên trên những vùng đất đỏ hoang sơ nhiều tàn tích chiến tranh, trong đó có những vùng nhiễm chất độc hoá học. Trước khi nghỉ hưu bố anh là Giám đốc Công ty 715. Về hưu được một thời gian, cả bố và mẹ anh sức khoẻ đều suy giảm. Năm 2008, anh đưa bố mẹ ra Hà Nội khám tại Bệnh viện 108 thì bàng hoàng phát hiện cả ông và bà đều mắc ung thư. Trong một năm anh mất cả bố và mẹ. Đưa ông bà về yên nghỉ tại quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ xong anh Quyết lại ngược vào Tây Nguyên tiếp tục công việc. Anh Quyết bảo, sốt rét, dịch bệnh, thậm chí là di chứng chất độc da cam từ vùng đất chiến trường xưa là những nguyên nhân khiến vùng đất này trắng dân, không có một buôn làng nào cho đến khi xuất hiện bước chân tiên phong của những người lính đi mở đất. Năm vừa rồi mùa khô kéo dài, nước giếng khoan cũng cạn kiệt, không có nước sinh hoạt, Chi nhánh 716 phải tổ chức cứu trợ, tiếp nước cho các đội sản xuất tạm thời bằng xe bồn chở từ trung tâm huyện lên, không để anh em dùng nước sông. Thế mới biết mọi thứ còn khó khăn đến nhường nào. Có những thứ bàn tay con người có thể thay đổi nhưng cũng có những thứ cần nhiều nhân tài vật lực hơn thế. May mà giao thông bây giờ đã được kết nối, đường được làm, cầu được bắc, việc giao thương tốt hơn.
Hai đứa con anh Mạnh đã cao hơn bố một cái đầu, Bùi Minh Trưởng sinh năm 2009, Bùi Minh Đăng sinh năm 2011, cả hai anh em đều do cô Hiền trông để bố mẹ đi làm. Con của các công nhân khác cũng thế. Trời hửng sáng, cũng là lúc cậu bé Bùi Minh Đăng tranh thủ cho chú chim trong lồng ăn trước khi đi học tại Trường THCS Hùng Vương ngoài trung tâm huyện. Cùng với cây cao su, một thế hệ những đứa trẻ sinh ra ở đây cũng đã lớn lên, đến tuổi tới trường, đã chuẩn bị ra đời thành những công dân mới. Nơi khai sinh của chúng sẽ là Ia H’Drai.
Bên điểm thu gom mủ cao su của Đội sản xuất số 7 buổi sáng hôm ấy tôi đã được chứng kiến không khí tấp nập của những chuyến xe từ các lô tập kết về. Xe nào cũng chất nặng những can mủ tươi thơm mát như dòng sữa mẹ. Những dòng sữa ấy sẽ chảy về đây, tập trung trong bồn chứa trước khi xe của đơn vị chở về nhà máy sơ chế để xuất khẩu. Kề đó là dãy nhà tập thể cho những hộ công nhân mới đến. Đầu dãy nhà là cây bằng lăng cổ thụ, Hiền bảo, nó đã ở đây từ những ngày đầu tiên, khi những cây cao su được trồng xuống. Đi thêm chút nữa là khu dân cư của công nhân thế hệ đầu, đi nữa là khu dân cư mới. Đi thêm chút nữa vòng trở lại nhà Ban Chỉ huy đội là trường mầm non. Hiền chỉ cây xà cừ đã cao gần chục mét khoe đó là cây do chính tay cô trồng khi còn gắn bó với điểm trường này.
Cây cao su đã thổi một luồng sinh khí mới cho dải đất vùng biên Ia H’Drai. Đội trưởng Kiều Bá Oanh chở tôi đi dọc các lô cao su dọc đường tuần tra biên giới. Mênh mang là cao su đang ở tuổi sung sức cho mủ, những thân cây đều tăm tắp có gắn máng che đường cạo, túp che bát mủ như hình ảnh quen thuộc khắp các đơn vị của Binh đoàn 15. Oanh rủ tôi ra thăm cột mốc 19, nơi dự kiến sẽ mở cửa khẩu phụ giữa Việt Nam và Lào. Đó cũng là tín hiệu kì vọng đánh thức vùng đất phía Tây này. Mặt trời lên ánh xạ qua những giọt sương long lanh đậu trên cỏ đuôi chồn, bóng những cây kơ nia xòe giữa màu xanh của rừng, của nương rẫy trong sự trù phú. Oanh bảo, một hai năm nữa anh sẽ nghỉ hưu, sẽ chia tay vùng đất này để trở về Đức Cơ nhưng những năm tháng ở đây sẽ là những kỉ niệm khó có thể quên.
*
* *
Rời Đội sản xuất số 7, Thượng tá Hoàng Xuân Thắng tiếp tục dẫn tôi đi thị sát ở các đội sản xuất khác của Chi nhánh 716. Trước khi về đảm đương cương vị Bí thư Đảng ủy Chi nhánh 716 Thượng tá Hoàng Xuân Thắng vốn là một cán bộ biên phòng có gần 20 năm gắn bó với biên giới Tây Nguyên nên anh thuộc thung thổ đất này như lòng bàn tay. Bởi thế anh muốn đích thân dẫn chúng tôi đi dọc dải đường tuần tra biên giới, chỉ cho chúng tôi từng vạt rừng, từng góc núi gắn với những câu chuyện khai mở Ia H’Drai. Tất cả mọi thứ đều mới đang bắt đầu, dù còn nhiều khó khăn. Một số điều mà huyện mới đã làm được như tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm nhanh đến không ngờ, từ 67,59% hộ nghèo năm 2015, đến năm 2023 xuống còn 7,93%, rất nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu. Từ 12 đội sản xuất của Chi nhánh đã hình thành 12 cụm điểm dân cư, với 756 hộ/2.443 nhân khẩu. Lực lượng công nhân của đơn vị đã quy tụ 18 thành phần dân tộc khác nhau, hợp thành 6 thôn của xã Ia Đal và 1 thôn của xã Ia Tơi. Thực hiện chương trình chuẩn nông thôn mới, mỗi thôn được đầu tư làm 1km đường bê tông, điều này đã góp phần nâng cấp hệ thống đường liên thông giữa các đội, kết nối với đường tuần tra biên giới. Đến năm 2023 tất cả 7 thôn biên giới của huyện đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các đội sản xuất được bố trí đan xen giữa các thôn, hình thành các cụm điểm dân cư trên tuyến biên giới, góp phần tạo lập thế trận quốc phòng liên hoàn, bảo đảm tính cơ động, vững chắc trong khu vực phòng thủ. Mỗi đội sản xuất đều có đội tuần tra bảo vệ biên giới, mỗi tháng một lần đội sẽ tổ chức phát cỏ, kiểm tra, vệ sinh xung quanh mốc.
Giữa ánh nắng chan hòa của một ngày mới, Thượng tá Hoàng Xuân Thắng chỉ cho tôi một khu dân cư mới xây dựng với những căn nhà đều tăm tắp đang hứng ánh bình minh, những mái tôn bắt nắng sớm sáng lấp lóa như hứa hẹn về một sự quần cư đông đúc và đầm ấm nơi vùng biên. Chúng tôi trở về trụ sở Chi nhánh 716 trên con đường rải nhựa xám ghi phẳng lì uốn lượn theo thế đất, hai bên là những rừng cao su tăm tắp miên man. Đây là con đường mới làm dẫn từ trung tâm huyện lên vị trí mở cửa khẩu phụ vừa được nâng cấp bên cột mốc 19 nhưng nó chưa được đặt tên.
Dọc đường chúng tôi gặp rất nhiều cây kơ nia biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên. Đã đi đủ 5 tỉnh của Tây Nguyên nhưng chưa ở đâu tôi thấy nhiều kơ nia như thế. 4km đường này là vốn liếng ban đầu để kết nối giao thông, mở ra cơ hội phát triển cho Ia H’Drai, tuy rằng chưa đồng bộ nhưng đã thấy hình hài. Điểm đầu của con đường bắt vào trung tâm huyện là đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trên mảnh đất Mo Rai trước đây, Ia H’Drai sau này, nơi chiến trường B3 năm xưa. Bên mái ngói của nhà bia lưu danh các liệt sĩ hai cây kơ nia đứng thẳng như hai người lính độc lập mà mạnh mẽ, ngọn vút lên trời xanh Tây Nguyên như một lời tuyên thệ. Con đường ấy vẫn chưa có tên, cũng như nhiều vùng đất, nhiều khu dân cư ở nơi này vẫn thiếu những tên gọi. Trong những ầu ơ thuở ban đầu ấy, những người lính Binh đoàn 15, những công nhân cao su của Binh đoàn đã về đây, phôi thai nên những hình hài đầu tiên, dù đơn sơ nhưng mang một sức mạnh tiềm tàng. Dấu chân tiên phong của những người lính đã khai mở, đã gọi tên xóm làng. Lịch sử đã được họ viết những trang đầu tiên về một vùng đất mới.
N.X.T
VNQD