Vũng nước xoáy

Thứ Bảy, 25/01/2025 06:32

. HỒ TĨNH TÂM
 

Nhà tôi ở đầu vàm vũng nước xoáy. Vào năm mười tám tuổi, nhờ trốn chui trốn nhủi ở miễu Linh Xà mà tôi chưa bị bắt lính. Thêm nữa, quanh vùng vàm vào thời bấy giờ hoang vắng tới rợn người, bảo an lâu lâu có tổ chức đi ốp bộ bắt lính cũng ít khi mò ra nơi hoang vắng ấy. Chưa kể, thi thoảng mỗi năm vài bận, bao giờ ngoài vàm cũng có thuyền ghe bị lật. Những người may mắn thoát được lên bờ thường xanh mặt kể lại vũng nước xoáy lớn lắm, đủ sức nuốt chửng cả ghe ngoài trăm tấn như chơi. Nhiều người còn chém tay quả quyết, nhứt định ngoài đó có ông rắn thần to dài tới vài trượng, ai lỡ độc mồm độc miệng chửi bới, hay nói bậy đụng tới linh của ổng là ổng nổi lên nhấn chìm xuống nước.

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên

Tôi không biết con xà tinh có thật hay không, còn con rắn sống sau miễu Linh Xà thì tôi đã nhiều lần thấy tận mắt. Đó là một con hổ mây ngoại cỡ, đầu bạc thếch, trên đỉnh đầu lú ra một cái sừng cụt lun lủn. Tháng một đôi lần nó bò ra nằm khoanh tròn trước miễu sưởi nắng. Nằm chán, nó từ từ bò đi hoặc quăng mình bay vù một cái qua đám lau sậy rồi biến mất. Nhờ con hổ mây dài hàng mét ấy canh giữ, phía sau miễu có rất nhiều bìm bịp. Mà đã có bìm bịp làm tổ thì thể nào cũng có rắn lục theo về ở. Những lúc trời dứt mưa, rắn lục đeo mình trên các lùm cây xanh lè, nhiều con dài cả nửa thước, nhiều con cỡ gang tay. Những đêm sáng trăng, rắn lục nổi lên huýt gió rum cả vàm nghe rợn lắm. Vì vậy, dân xứ tôi ít ai dám ra vàm cả ban ngày chứ đừng nói ban đêm. Bà cháu tôi đã bồ côi bồ cút lại càng trở nên bồ côi bồ cút thêm.

Cho đến buổi chiều nọ, tôi đang sửa soạn xách lưới đi thổi gà nước ngoài đồng, thốt nhìn thấy chiếc ghe lợp mái che bằng lá dừa nước đang bị sóng quăng quật ngoài vàm. Theo ngọn gió chướng, chiếc ghe mỗi lúc mỗi bị đẩy về phía vũng nước xoáy. Tôi lạnh gai cả cột sống. Cơ chừng này chiếc ghe khó mà thoát khỏi vòng xoáy cuồn cuộn của hợp lưu ba con sông lớn. Liệng mấy tay lưới xuống đất, tôi lật đật cởi sợi lòi tói, chèo hối hả chiếc ghe ra vàm sông. Ràng ràng trước mắt tôi, chiếc ghe bạn đang quay vòng, đang lắc lư chao đảo, dềnh lên hụp xuống. Cơ này thì coi như xong rồi chứ còn hòng cứu vớt gì được nữa. Ghe của tôi cũng là ghe nhỏ, có nhằm nhè gì trước sức hút hù hụ của vũng nước xoáy. Đang tính chèo thối lui vào bờ, tôi bỗng nhìn thấy một người đang hụp hửi phía dưới vũng xoáy khá xa. Lật đật chèo về phía ấy, tôi cứu được lên bờ một người con gái còn rất trẻ.

Lúc tỉnh dậy, cô than khóc ơ hờ tới thảm thiết. Và khi đã thật sự hoàn hồn cô mới kể. Rằng gia đình cô chỉ còn có hai cha con sống với nhau, do không còn sinh kế làm ăn, đành phải bán đất đai sắm chiếc ghe, tính bỏ đi xứ khác lập nghiệp. Lúc lạc vào vũng nước xoáy, biết không thể thoát được miệng thủy thần, cha cô vận võ công, bồng thốc cô lên, liệng ra khỏi vòng nước. Nhờ sức vóc lực lưỡng của ông mà cô gái thoát được cửa tử. Nhờ tôi chèo ghe ra kịp mà cô thoát chết. Nay cha mất, không biết bám víu nương tựa vào đâu, cô gái thật lòng xin ngoại tôi cho ở lại.

Với tôi, đó là duyên kì ngộ. Đang không tự dưng có một cô gái từ xứ nào đến sống với tôi. Cô sống với chúng tôi được chừng hơn tháng, thấy tình cảm gắn bó đã mặn mà, ngoại tôi mới tình thiệt mà nói:

- Tụi bây còn trẻ, cứ xáp lại với nhau như chồng vợ phứt đi cho rồi. May ra sang năm ngoại còn có đứa cháu.

Lúc ngoại nói xong câu đó, tôi nghe văng vẳng tiếng kèn trống đưa lại từ trong làng. Đó là nhạc kèn của bà con đang áo gấm khăn nhiễu cung nghinh ngọc xá lợi về chùa làng. Hồi xế chiều vô làng mua dầu hôi, tôi thấy nhà nào cũng lập bàn hương án trước cửa nhà, đèn nhang rực tỏa, hoa quả chưng bày ngồn ngộn. Nhất nhất Phật tử, ai nấy đều đã vận những bộ đồ xám mới nhất của mình. Nhiều người không quên dặn tôi nhớ về đưa ngoại vô chùa đặng được hưởng lộc phước của Phật.

- Ông trời ổng có mắt chớ bộ. Lấy đi cái này thì ổng bù đắp cho cái khác. Hai đứa bây sắm sữa lễ cúng chùa đi. Vừa cầu nguyện siêu thoát cho ông già bị mất, vừa tạ ơn trời đất luôn thể. Ngoại cũng đi nữa.

Hôm đó nhằm bữa trăng sáng vằng vặc. Ngoại dự lễ cung nghinh ngọc xá lợi xong biểu chúng tôi cứ đưa nhau về trước, ngoại ở chơi với bà cô của tôi tới chiều mai mới về. Hai chúng tôi kẻ trước người sau, căm cắm lội theo bờ ruộng ra vàm. Đến miễu Linh Xà, tôi đứng lại đợi cô gái. Khi cô bước ngang tới bên tôi, tự nhiên con rắn hổ mây xuất hiện. Ngó thấy con rắn, cô gái hoảng sợ níu lấy tay, nói thì thào: “Chèng ơi, rắn gì mà lớn con hết biết”. Nghe tôi nói là rắn hổ mây, cô gái càng tỏ ra sợ hãi. Từ đó cô riu ríu bước sát bên tôi. Lúc lúc lại nắm lấy tay tôi mà hỏi: “Nghe nói quanh miễu Linh Xà nhiều rắn lắm phải hông anh?”. Tôi biểu cô lắng nghe tiếng rắn lục huýt gió trên các tàng cây, rồi nói: “Nhiều nhứt là rắn lục. Rắn lục càng nhỏ càng đáng sợ. Trong làng đã có người chết vì rắn lục cắn khi thò tay vô tổ bìm bịp bắt chim con”. Nghe nói vậy, cô gái lại hỏi: “Ban đêm rắn lục có bò xuống đất không anh?”. Tôi cười: “Làm gì có chuyện đó. Rắn lục chỉ sống trên cây. Ban đêm rắn lục bao giờ cũng bò tuốt lên trên cao để uống sương”.

Và không hiểu sao lúc về tới nhà cả hai chúng tôi đều cảm thấy khó ngủ. Cô gái xuống bếp nhúm lửa nấu nồi cháo cá. Chúng tôi vừa ăn cháo vừa nói chuyện về rắn. Nói mãi nói mãi cũng hết chuyện. Khi không còn biết nói gì thêm nữa, tôi lúng túng nói với cô: “Hai à, Hai đi ngủ đi! Quá nửa đêm rồi còn gì!”. Nói xong câu đó, tôi thấy tim mình đập thình thịch, trong lòng trống rỗng như đang bị đánh mất một điều gì không biết nữa. Rồi thốt nhiên tôi nhận thấy bàn tay của Hai nắm lấy tay tôi. Giọng Hai nói nhỏ như chùng xuống, nhưng rõ ràng: “Em ngủ với anh được không? Em sợ rắn lắm!”.

Vậy là chúng tôi thành chồng thành vợ.

Ngoại là người vui nhất. Ngoại biểu tôi đi đốn tre, đi chặt dừa nước, nới thêm một cái buồng. Cái buồng đó là tổ chim bìm bịp của chúng tôi. Đêm đêm, chúng tôi như hai con rắn cuộn lấy nhau, vặn xiết lấy nhau theo con nước triều lên xuống rào rạt ngoài vàm sông…

*

*          *

Vào một ngày gần cuối năm, tôi đi thổi gà nước về tới nhà lúc hừng đông, thốt nhiên cảm thấy có sự lạ phả vào da thịt thon thót. Ngôi nhà im ắng tới kì lạ. Linh tính mách bảo tôi lẩn ra bờ ô rô gần rạch nước. Ở đó, tôi nhìn thấy mấy dấu giày của lính com măng đô. Vậy có nghĩa là lính quận. Chắc tụi nó tới rình bắt tôi sung vô lính. Dúi xâu gà nước vô bụi ô rô, tôi trườn xuống con rạch, men theo bờ lá mái dầm, lần đến chiếc ghe của mình. Nín thinh như con rắn, tôi lẹ làng cởi sợi dây lòi tói, lặng lẽ đẩy chiếc ghe ra mí nước sông cái, rồi nhảy lên chèo tắt qua bờ bên kia.

Ra tới gần nửa sông, ngoái lại, tôi thấy tụi lính xuất hiện lố nhố trên bờ. Nhiều thằng khoát tay vẫy tôi quay trở lại. Điều đó càng xúi tôi guồng sức bơi riết. Có tiếng súng nổ. Tôi càng gồng sức mà chèo. Tiếng súng rộ lên, đạn bay cheo chéo, ghim sủi bong bóng phía sau chiếc ghe tôi. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng lúc tôi nhìn thấy một chiếc ca nô từ mí vàm lao vọt ra. Vàm sông rộng mênh mang, sóng lưỡi búa mùa chướng dựng bựng bựng, cứ như vầy thì tôi khó mà thoát được.

Đang trong cơn bấn bí, thốt nhiên tôi nhớ tới vũng nước xoáy. Nếu bơi vòng phía trên, thể nào tụi lính cũng phóng ca nô cắt ngang đường chạy của tôi. Mớn nước ca nô không sâu, lọt vô vũng nước xoáy chắc chắn sẽ bị lật.

Quả nhiên như tính toán của tôi, chiếc ca nô bị dòng xoáy cuốn mòng mòng một vài vòng rồi chìm lỉm. Nhờ vậy tôi trốn thoát được qua bờ bên kia.

Suốt ba ngày liền tôi không dám mò về nhà. Tôi trốn chui trốn nhủi trong rừng bần của cồn non. Cồn non còn chìm dưới nước, họa hoằn lắm mới có một cuộc đất khô ráo. Trên những cuộc đất ấy, lùm bụi ken dày tới không có lối đi. Trốn ở cồn non, nếu lính có đột tới lùng sục, tôi có rất nhiều lối thoát vào bờ. Cồn non cách bờ đất chỉ trên dưới mười mét nước. Mà bên bờ đất ấy là đất hoang, cây cối mọc rậm rạp như rừng.

Tới ngày thứ tư, tôi tới nhà thím Bảy mượn chiếc xuồng bơi qua sông lớn từ lúc trời còn chưa rạng sáng. Dìm xuồng giấu dưới xẻo nước xong xuôi đâu đó, tôi lần tới nhà dì Tám, con ông hội đồng Hưng giàu có nhứt nhì trong vùng. Dì Tám là người thường mua gà nước của tôi, đối xử với bà cháu tôi rất tốt. Thêm nữa tính dì rất ưa làm phước, hay giúp đỡ dân nghèo trong làng trong xã.

Tôi trèo lên một cây mù u khuất giữa rặng mù u tán lá đan dày như bưng như bít, kiên nhẫn ngồi đợi dì Tám có việc nào đó phải ra vườn. Mãi tới gần sáng mới có cô người ở ẵm con cho dì ra vườn đi cầu cá. Cầu cá vừa cách xa nhà, vừa cách xa rặng mù u, bởi vậy tôi phải tụt từ trên cây xuống để đến tìm gặp cô.

Khi cô quay trở vô nhà, tôi đứng núp sau cây còng sát mí mương, gọi:

- Tím à, dì Tám có nhà không?

Tím với tôi là chỗ quen biết từ lâu nên cô dễ dàng nhận ra giọng nói của tôi.

- Chèng ơi, anh Hai hả? Nhà chỉ còn mình ên dì Tám. Vô lẹ đi!

Rồi dì Tám kéo tôi xuống bếp, nói cho tôi biết.

- Vì rượt theo mầy mà quan Tây chìm mất chiếc ca nô. Hiện thời họ đang nhốt bà ngoại với vợ mầy trên bốt Bờ Đắp của làng. Bà với cổ hổng liên can gì, để thủng thẳng rồi dượng với dì tính cách xin cho tại ngoại. Phần mầy lo lánh đi đâu được thì lánh. Nhắm yên bề rồi thì về rước vợ với bà theo luôn.

Nghe dì Tám nói vậy, tôi cung kính tạ ơn, ngỏ lời xin dì giúp cho ngoại và vợ rồi chào dì ra đi.

Khi tôi đem trả xuồng, thím Bảy khều tôi ra mé vườn mà nói:

- Nghe nói trong miệt rừng tràm kinh Nước Đục ở Hồng Ngự có Việt Minh tụ nghĩa, mầy nam nhi chi chí, hay là tìm vô đó theo họ, biết đâu sau này nên sự nghiệp.

Dù không biết Việt Minh là gì nhưng tôi nghĩ ngay Việt Minh là người tốt. Vậy là tôi xấp xải tìm đường vô kinh Nước Đục. May cho tôi là ngay buổi đầu chân ướt chân ráo tôi đã gặp được thằng Cò là bạn coi trâu mướn với nhau từ nhỏ.

Thằng Cò mừng húm, hăm hở dẫn tôi đi gặp Năm Binh, xin cho tôi về trung đội của nó. Vậy là tôi thành tân binh của Tiểu đoàn 308, được lãnh ngay một cây trường mát. Tôi cũng không ngờ là tôi có tài bắn như để - bắn đâu trúng đó. Nhờ tài xạ kích của mình, không trận đánh nào của tiểu đoàn mà tôi không có mặt.

Thời gian cuốn hút tôi theo tiếng súng mặt trận. Hết chiến trường này đến chiến trường khác. Liên miên liên miên. Cho tới ngày kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, bấy giờ tôi mới được nghỉ phép ít hôm trước ngày di tập kết.

Làng tôi nhiều lần bị máy bay Dacota ném bom, nhiều lần bị lính Pháp càn quét bắt bớ. Ngoại tôi đã mất. Còn vợ tôi, sau khi sinh nở, không biết đã ẵm con dạt đi xứ nào. Tôi đoán là hai mẹ con đưa nhau về quê nội. Ngặt nỗi, sống với nhau hơn tháng trời, tôi chưa bao giờ nghe vợ tôi nói một lời về quê nội.

Dì Tám thấy thế an ủi tôi:

- Chỉ hai năm là hiệp thương tổng tuyển cử, chừng đó chú trở về tìm vợ con cũng không muộn. Thôi, cứ an tâm đi với anh em. Nội vụ ở nhà để dì với dượng lo cho.

Vậy là tôi theo anh em ra Bến Tre.

Từ Bến Tre xuống ghe đi thẳng ra cửa sông Hồng...

 

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên

Phải đợi tới mãi năm 1966 tôi mới được vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu với cái tên mới là Huỳnh Tiến Công, khác hẳn một trời một vực với tên cúng cơm là Huỳnh Hai Được.

Chiến trường tôi có mặt đầu tiên là khu Năm. Đánh đấm suốt hai năm ở Gia Lai, Plâyku, tôi bị trọng thương phải ra Bắc điều trị. Đến giữa năm 1972 mới lại được trở vào chiến trường. Trung đoàn tôi khi đó tác chiến chủ yếu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Tham mưu trưởng của tôi tên Trần Thành Được, một sĩ quan trẻ, người chắc lọi, đen nhẻm như cột nhà bằng gỗ lim. Mặt anh ta nhằng một vết sẹo sâu hoắm kéo dài từ đuôi mắt trái qua khóe miệng, lẹm xuống tận cằm, coi rất dữ dằn.

Không hiểu sao mọi phương án tác chiến của anh ta đề ra bao giờ cũng có những điểm trái khoáy với dự kiến của tôi. Tôi không phật lòng về điều đó, tôi chỉ bực là anh ta bao giờ cũng khư khư bảo thủ ý kiến của mình. Lúc phải buộc lòng chấp hành mệnh lệnh, bao giờ anh ta cũng nói: “Để rồi đồng chí coi. Mọi việc sẽ không diễn ra đúng như tinh thần cuộc họp chiếu lệ này đề ra đâu”. Tất nhiên ở chiến trường, mọi dự đoán ban đầu không phải bao giờ cũng đúng. Tỉ lệ dự đoán đúng sai giữa tôi với tham mưu trưởng của mình là năm trên năm. Chính vì điều đó, trong nhiều cuộc họp, tôi với tham mưu trưởng tranh luận với nhau tới đỏ cả mặt. Nếu hai bên không ngã ngũ được với nhau, chúng tôi buộc phải vời chính ủy trung đoàn cho ý kiến cuối cùng. Và để bảo vệ cho phương án tác chiến của mình, khi nổ ra chiến sự, tôi với tham mưu trưởng có điều kiện mỗi người trực tiếp xuống đeo bám một tiểu đoàn.

Cho đến gần cuối năm 1974, Quân khu 8 được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tức tốc ghép một số trung đoàn độc lập lại để bổ sung quân số thành lập Sư đoàn 8. Một hôm tôi đang làm việc với đại đội hỏa lực để xem xét chấm tọa độ cho hỏa tiễn ĐKB, công việc vừa mới tạm ổn thì tham mưu trưởng tìm đến xin gặp. Tay này chắc lại đến tranh luận phương án tác chiến đây. Tôi nghĩ thầm. Hôm qua anh ta chưa nhất trí với tôi phương án điều Tiểu đoàn 3 vận động đánh vu hồi bên cánh trái. Nghĩ vậy, tôi khoát tay gọi trung đoàn phó ra luôn để cùng gặp tham mưu trưởng với tôi.

Trái hẳn với dự đoán của tôi, tham mưu trưởng hàng ngày vốn ăn nói ào ào, không hiểu sao hôm nay lại cứ đứng mãi một chỗ mà xoa xoa liên hồi lên vết sẹo nâu xám trên mặt. Phải một lúc sau anh ta mới rụt rè nói:

- Chắc thủ trưởng biết Sư 8 đang thiếu cán bộ?

- Biết! Nhưng họ ở vùng bốn chiến thuật, liên can gì đến miền Đông tụi mình?

Dụi tắt điếu thuốc, tham mưu trưởng nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói:

- Thủ trưởng cho em về Sư 8. Em đánh đấm trên này riết, nhớ quê không chịu nổi.

Nghe anh ta nói vậy, bất giác tôi phá ra cười tới chảy cả nước mắt. Cười đã rồi tôi mới nói:

- Ông ơi, chính tôi cũng dân Đồng Tháp chánh hiệu đây. Ông đừng có mà khôn một mình. Xong trận này, tôi với ông cùng đệ đơn lên phòng quân lực. Nếu được về vũng nước xoáy, trên cử làm du kích tôi cũng chịu. Nhà tôi ở ngay vàm sông. Tôi nhớ miễu Linh Xà tới đứt ruột hằng đêm.

Nghe tôi nói tới đó, tham mưu trưởng chụp ngay lấy bàn tay phải của tôi mà lắc lấy lắc để.

- Trời đất! Vậy là em với thủ trưởng không chỉ cùng tên mà cùng cả đồng hương nữa. Nhứt định xong trận này em với thủ trưởng tìm cách xin về Sư 8 nghen. Lính tráng, phải được đánh đấm ngay trên đồng đất quê mình mới đã.

Nhưng chưa kịp nhận đồng hương với nhau tới nơi tới chốn thì liên lạc đã gọi tôi phải về ngay chỉ huy sở gặp sư trưởng trên máy điện đàm. Rồi ngay trong đêm ấy, trung đoàn tôi được lệnh hành quân cấp tốc về phối hợp với mặt trận Bình Long.

Trung đoàn lập tức lao vào chiến dịch. Ngay trong trận đánh đầu tiên, tôi nhận được tin tham mưu trưởng hi sinh. Không trận đánh nào mà trung đoàn không có tử vong, nhưng không hiểu vì sao khi hay tin tham mưu trưởng hi sinh trong tôi cứ dấy mãi lên một tình cảm đau xót tới nghẹn ngào. Tôi biết đó chính là tình cảm thiêng liêng mà chỉ những người cùng quê hương bản quán với nhau mới có.

*

*         *

Hai vợ chồng tôi mãi tận cuối năm 1975 mới tìm được nhau, mừng mừng tủi tủi. Bà ấy cho tôi biết về giọt máu của mình - Trần Thành Được, hi sinh cách ngày toàn thắng chẳng xa. Lúc này tôi mới biết hai cha con cùng chiến hào suốt hơn hai năm trời mà không nhận ra. Tôi thường an ủi, kể cho bà ấy nghe về những khi hai cha con tranh luận đến đỏ mặt tía tai trước mỗi trận đánh để bảo vệ phương án tác chiến của mình. Về sự “giá như” nếu như thằng Được còn sống…

Và cho tới tận hôm nay vùng nước xoáy vẫn còn, nhưng miễu Linh Xà thì không.

Hai vợ chồng tôi vẫn hằng ngày lụm cụm thắp nhang cúng vái ông bà cha mẹ bên vàm sông. Trong những cây nhang ấy, có hai cây chúng tôi dành riêng cho vợ chồng ông Trần Thành Long, con rể và con gái thứ tám của ông hội đồng Hưng, người đã cưu mang hai má con thằng Được trong những ngày cha nó biền biệt...

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)