Người lính trẻ và chú mèo trong hang đá

Thứ Năm, 20/02/2025 00:14

. HỒNG CHIẾN
 

Ùynh…

Tiếng nổ từ rất xa vọng đến, tạo nên dư âm kéo dài đánh thức Phúc tỉnh lại. Xung quanh lặng ngắt. Kí ức chập chờn trở về, sáng nay đi kiểm tra đường dây thì máy bay Mĩ ào đến ném bom, chạy lại bên vách đá định núp mới phát hiện ra một cửa hang nên chui vào…

Bình thường, trên núi cao thuộc dãy Trường Sơn này không có tiếng gào thét của máy bay, bom nổ thì gió cũng nô đùa với lá cây ồn ào như sóng biển ngày động trời. Đến khi màn đêm buông xuống tiếng của các loài thú, chim chóc, côn trùng đua nhau tâm sự...

Vậy mà hôm nay sao lại lặng ngắt thế này?

Phúc cố mở mắt nhìn nhưng tất cả chỉ một màu đen đặc quánh. Hay mình chết rồi? Ừ, có thể mình đã về thế giới khác nên mới có sự im lặng đến khủng khiếp thế này. Mình chết thật ư, nhưng sao lại nhớ được sự việc xảy ra trước lúc chết rõ như thế?

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nắm tay xem nào.

Ơ… tay nắm được có nghĩa mình còn sống.

Phúc bật dậy, giơ tay sờ xung quanh, chạm vào khẩu AK rồi bình toong nước và cây đèn pin đeo bên hông. Bật đèn, ánh sáng bừng lên lóa mắt, mấy giây sau mới nhìn rõ vách đá, quét lên trời cũng đá, hai bên cũng vậy và đột ngột một cặp mắt xanh lét phản chiếu ánh đèn. Phúc giật mình nhận ra con mèo rừng to hơn bắp chân một chút đứng trên hòn đá cuối hang giương mắt nhìn.

Giờ thì Phúc hiểu và nhớ ra, mình chạy vào hang, chắc có quả bom nổ gần nên bị ngất đi. Nghĩ vậy, Phúc đứng bật dậy soi đèn tìm đường ra nhưng xung quanh toàn đá. Cửa hang giờ đây cũng có một hòn đá to hơn cả chiếc chiếu bịt kín như được ghép vào. Phúc lao lại cửa hang lấy hết sức xô, đẩy; bấu mười đầu ngón tay đến tóe máu vào khe hở của hòn đá, nhưng vô vọng. Mình không thể chết ở đây như thế này được. Mình phải sống, phải ra khỏi đây. Phúc lại đẩy, lại xô... Nhưng hòn đá im lìm không xê dịch. Kiệt sức, Phúc nằm vật xuống đám lá mục, mặc kệ lũ muỗi như bầy ong vây quanh.

Phúc miên man nghĩ, bố mẹ đặt tên mình là Phúc vì muốn mình là người hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho gia đình, bạn bè, làng xóm, vậy mà giờ đành nằm đây chờ chết sao. Không. Không thể để tuyệt vọng xâm chiếm thêm, phải tìm cách thoát ra trở về đơn vị. Nghĩ thế, Phúc đứng dậy soi kĩ. Dưới nền hang, cành cây gãy, lá mục chồng chất lên nhau tạo nên một lớp dày. Con mèo rừng thấy Phúc lần theo thành hang đi vào, nó cũng men thành hang phía đối diện đi theo chiều ngược lại. Gần cuối hang, một tảng đá không lớn lắm, mặt nghiêng nghiêng có thể làm giường ngủ tạm.

Vơ lá, lấy cành khô nhỏ để lên trên đá, bật quẹt nhóm lửa. Ánh sáng leo lét soi rõ chiếc hang đá lồi lõm, dài hơn chục mét, rộng khoảng ba sải tay, chỗ cao nhất đến trên sáu mét do nhiều khối đá xếp lên nhau tạo thành.

Không biết lúc này là mấy giờ, trời sáng hay đã tối, Phúc đi xung quanh hang không biết bao nhiêu vòng; quan sát, sờ mó từng cạnh đá nhô ra hay các kẽ hở của vách đá xem có thế lách người vào được không. Vô vọng, mệt quá anh quay lại ngồi bên đống lửa. Ngoài cửa hang, hình như con mèo rừng đi mãi cũng mỏi chân nên nằm lên hòn đá nghỉ, nhưng mắt thì vẫn nhìn Phúc đầy cảnh giác.

*

*          *

Đói…

Cái đói từ từ giày vò bụng Phúc, lúc nhân nhẩn đau, lúc cồn cào như sóng cuộn làm hoa cả mắt. Bây giờ giá như được một củ khoai lang ăn sống thì sung sướng biết chừng nào. Ngày nhỏ ở nhà đi chăn trâu về mẹ nấu cơm chưa chín, chạy vào buồng bốc nắm khoai lang khô trong chum nhai cho đỡ đói. Còn mùa hè vào vụ thu hoạch khoai lang, vơ đại một củ chùi luôn vào quần cho bong lớp vỏ mỏng bên ngoài và gặm một miếng thật to. Ôi miếng khoai lúc ấy, giờ nghĩ lại thấy ngon biết chừng nào. Phúc nuốt nước miếng đánh ực một cái, ngả mình lên mặt đá lạnh, lơ mơ ngủ, mơ thấy mình trở về ngôi nhà ba gian lập lá kè thưng ván.

Từ lúc biết cảm nhận xung quanh và nhớ được, ngôi nhà chỉ có hai mẹ con, bố vào Nam đánh giặc mãi chưa về. Rồi tin xấu ập đến, bố hi sinh. Mẹ gạt nước mắt chắt chiu từng hạt gạo, mẩu khoai nuôi Phúc ăn học, mong muốn nên người. Học xong lớp mười, anh bí mật đăng kí đi bộ đội, dù con một liệt sĩ được ưu tiên đi học nước ngoài. Nhận giấy báo, trong bữa ăn trưa Phúc mới nói với mẹ:

- Con trúng tuyển nghĩa vụ rồi mẹ ạ!

- Sao?

Mẹ giật mình làm rơi cả đũa đang cầm trên tay xuống nền nhà. Phúc biết mẹ buồn nên nói dứt khoát:

- Con sẽ về học tiếp, mẹ đừng lo.

Khuôn mặt trái xoan của mẹ hình như hơi tái đi một chút, một lúc sau mẹ mới thở dài:

- Con nghĩ thế cũng phải.

Nhắc đến cha, không chỉ mẹ, họ hàng, mà cả làng, cả xã đều tự hào về người trung đội trưởng dũng cảm, chỉ huy đơn vị bảo vệ chốt; diệt hàng trăm tên địch, bắn đến viên đạn cuối cùng..., được báo đăng bài kể lại. Phúc tiếp bước cha ra trận nhận nhiệm vụ bảo vệ đường dây liên lạc vắt qua các triền núi trên dãy Trường Sơn. Trên lưng luôn có cuộn dây điện lớn bên trên chiếc ba lô trong những chặng đường.

Hơn ba tháng vào Nam chiến đấu, chưa lập được chiến công gì, giờ đây Phúc đã bị nhốt trong hang đá như bị chôn sống. May, phía trong cùng hang còn có nước từ trên nhỏ xuống, hứng uống tạm đỡ khát, nhưng thức ăn thì không. Chắc hang này là nơi ở của con mèo rừng từ lâu nên các loài như tắc kè, thằn lằn, dơi... không con nào còn ở được.

*

*           *

Lớp lá mục lâu ngày có được ít dế và giun, đào bới bắt mãi cũng không còn. Biết lấy gì để ăn mà sống và hi vọng có phép màu nhiệm để thoát ra khỏi hang - Phúc tự nhủ. Phía đối diện con mèo rừng cũng gầy tóp lại, chắc nó cũng đói như anh, không kiếm được gì ăn. Thế nào nó cũng sẽ chết đói, giờ bắn một phát giải thoát cho nó mà mình còn có thêm miếng thịt sẽ sống thêm ít ngày và hi vọng thêm một chút thời gian được cứu.

Nghĩ vậy, Phúc nằm xuống kê súng lên hòn đá ngắm thẳng vào đầu mèo rừng. Con mèo hình như cũng tò mò, ngồi chống hai chân trước xuống mặt đá, giương đôi mắt phản chiếu ánh đèn pin trong xanh. Đôi mắt tròn xoe mới đẹp làm sao, hình như trong đôi mắt ấy có một chút tự tin và tỏ ra thân thiện với người nhìn.

Phúc hạ súng xuống. Bây giờ, trong ngôi mộ này, cả hai đang bị chôn sống, hi vọng thoát ra chỉ có một phần tỉ, chứ không phải một phần triệu nữa. Ít ra trong cảnh cô đơn này cũng còn có nó làm bạn cho bớt lạnh lẽo. Giết mèo cũng chỉ sống thêm được ít ngày, nhưng lại sống trong cô đơn đến cùng cực thì… sống vậy để làm gì. Thôi, hãy để nó sống cùng cho đỡ lẻ loi những giây phút cuối cuộc đời này.

Lơ mơ, Phúc lại nằm xuống để tiết kiệm sức. Phúc nhớ mẹ, nhớ kỉ niệm năm học lớp hai, buổi sáng nhịn đói đi học - bởi thời đó không ai ăn sáng cả, trưa về có bát cơm không độn. Ăn hết cơm còn đói ăn thêm bát củ chuối hột luộc là no căng bụng. Mấy hôm liền, trưa nào đi học về mẹ cũng ăn trước, để phần cơm cho anh. Buổi tối thì ăn củ chuối thái nhỏ nấu với cá, hoặc cua đồng. Hình như thời gian ấy vào tháng ba nên đồng ruộng nhiều cua, cá.

Một hôm cô cho nghỉ học sớm vì trường xã bên bị máy bay ném bom trúng vào lớp học. Phúc về đến nhà đói bụng nên vào bếp xem có gì ăn không. May, trên bếp đã có nồi hai bằng đồng để sẵn, chắc là mẹ nấu cơm rồi mới ra đồng. Mở nồi, thấy toàn củ chuối thái nhỏ, giữa nồi có gói vải màn. Tò mò, Phúc mở gói vải màn ra và òa khóc. Giờ thì Phúc hiểu vì sao mấy hôm nay, buổi trưa nào mẹ cũng ăn trước, để mình ăn một mình và có hẳn một chén cơm.

Trưa, mẹ đi làm đồng về, Phúc dọn cơm, mời mẹ lại ăn. Mở nồi ra, mẹ tái mặt hỏi:

- Sao con làm vậy?

Nhìn mẹ, Phúc nói:

- Mẹ ơi, con đã học lớp hai, lên tám tuổi là lớn rồi, mẹ không cần phải làm thế nữa.

- Không được, con phải ăn cơm lấy sức lớn còn học tập.

Nhìn mẹ, Phúc rưng rưng:

- Mẹ chỉ ăn củ chuối không, lỡ mẹ ốm thì con biết làm sao.

Mẹ choàng tay ôm Phúc vào lòng, hình như trên đầu anh có những giọt nước ấm rơi xuống tóc. Thì ra mỗi ngày mẹ chỉ bỏ một nắm gạo vào tấm vải màn đặt lên trên nồi củ chuối luộc để cho Phúc ăn...

*

* *

Phúc lại tỉnh. Đói quá. Mắt đã hoa. Chân tay không làm theo ý của đầu nghĩ nữa. Anh nằm ngửa trên đống lá mục đã đào bới rã rời không biết bao nhiêu lần, nhìn lên trần hang còn mờ mờ sáng do ánh lửa hắt lên. Phải kết thúc thôi, kéo dài làm gì khoảnh khắc đợi chết trong cơn đói dằn vặt thế này. Chỉ cần đứng dậy dựa nòng súng vào ngực, đạp cò... Thế là hết mọi chuyện. Nhưng còn mẹ? Ừ, mẹ chắc buồn lắm và cả cha nữa. Nhưng mẹ ơi, mẹ hãy tha thứ cho con, con đi tìm cha đây.

Phúc lật mình, định bò lên hòn đá, nơi có khẩu AK.

Cái chân tệ quá, không nâng nổi người nữa rồi.

Tay vịn được hòn đá, rồi bỗng Phúc hụt người ngất đi…

Mát, mát quá. Cánh rừng nhiều cây to xòe bóng che luôn cả bầu trời. Một cơn gió mát ào qua. Anh giải phóng quân còn trẻ, đầu đội mũ tai bèo, trước ngực đeo khẩu AK báng gấp nhìn Phúc, ánh mắt vừa ấm áp lại vừa như nghiêm khắc. Mình gặp anh ấy ở đâu rồi nhỉ. Khuôn mặt này nhìn quen lắm...

Ôi, bố, đúng bố rồi!

Tấm ảnh đen trắng to bằng bốn ngón tay, kỉ vật của bố còn lại mà mẹ cất giữ được Phúc đã xem không biết bao nhiêu lần. Anh cất tiếng gọi:

- Bố ơi! Bố về đón con à?

Mắt bố đượm buồn, nhìn Phúc nghiêm lại, nói:

- Con đã cố hết sức chưa?

- Bố ơi con đã cố lắm rồi…

- Cố gắng như vậy chưa đủ.

Bố quay người bước đi, Phúc gọi mãi không được.

Rồi anh chợt tỉnh vì tay vung đập vào đá đau điếng. Con mèo rừng hình như cũng giật mình kêu meo…

Mãi Phúc mới lăn người lên được hòn đá. Chắc anh không thể trụ thêm để chờ phép thần nào đó.

Nhưng còn sống còn phải hi vọng chứ, Phúc nghĩ mình phải cố lên như lời bố nói. Vậy thì… Mèo ơi, mày đừng giận tao nhé.

Phúc tháo băng đạn để lên trên bộ quần áo kê súng, nằm xuống, ngắm...

Hồi học cấp ba, năm nào tập bắn anh cũng được thầy cô tuyên dương: “Đồng chí lớp trưởng, bí thư chi đoàn bắn giỏi ba phát ba vòng mười”. Giờ đây khoảng mười mét này chắc chắn không thể trượt được. Con mèo như không biết gì, vẫn ngồi trên hòn đá trước cửa hang, vô tư giương đôi mắt tròn nhìn Phúc. Đôi mắt mới dễ thương làm sao. Nhưng vì sự sinh tồn, ta phải quyết định thôi. Mà lạ quá, chắc vì đói tay run, mắt mờ nên hình con mèo lúc ẩn, lúc hiện; lúc xa tít bé như con chuột nhắt, lúc lại to như con chó nuôi hơn năm ở nhà. Thế này thì bắn không trúng được rồi, Phúc mệt quá buông súng nằm lăn ra thở rồi thiếp đi…

*

*          *

- Bố ơi, con mệt lắm!

Phúc nắm tay bố rên rỉ. Bố trả lời, giọng buồn buồn:

- Cố lên, nhiệm vụ của con lúc này là phải sống.

- Nhưng con...

- Bố biết, con phải ráng lên.

Mắt bố mở to sâu thăm thẳm, đượm buồn, đôi lông mày rậm khẽ nhíu lại.

Bộp…

Hình như có tiếng gì đó rơi, ngay sau đó như có ai đấm vào bụng, Phúc mở mắt nhìn chỉ thấy trần hang mờ mờ tối. Trên bụng có vật đè lên nằng nặng nên nhấc tay sờ, chạm ngay con mèo rừng làm nó giật mình kêu meo rồi chạy mất.

Khét.

Có mùi gì khét như sừng bị cháy. Sau nữa là thơm, một mùi thơm như thịt nướng ập đến làm Phúc tỉnh hẳn, ngồi bật dậy ngó quanh. Vơ cây đèn pin chỉ còn sáng một vùng bé tẹo, đỏ quạch về phía mùi thơm phát ra. Trong đống lửa một cục đen đen nghi ngút khói. Phúc vội buông cây đèn, thò tay vào đống lửa bốc luôn cả than ném lên hòn đá. Một con tắc kè to hơn ngón chân cái một tí, không biết vì sao lại rơi vào đống lửa. Thích quá, Phúc vặt ngay cái đuôi cháy đen bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Mùi thơm xộc lên mũi, vị ngọt thấm vào lưỡi làm người tỉnh táo hẳn. Mình phải ăn từ từ, thưởng thức chút hương vị quý giá lần cuối của cuộc đời - Phúc tự nhủ.

Có lẽ do mùi thơm của tắc kè bị cháy nên con mèo rừng cũng không chịu đựng được sự cám dỗ, nó mon men đến gần rồi leo lên hòn đá cạnh chỗ Phúc ngồi ăn, đứng nhìn. A, chúng ta là bạn nên no đói phải có nhau, nghĩ vậy Phúc nói:

- Phần mày đây.

Vặn cái đầu tắc kè đẩy lại gần con mèo rừng, Phúc vừa buông tay, con mèo chồm lên cắn, nhai rau ráu. Nhìn con mèo ăn, Phúc chợt nghĩ, chắc chỗ nào đó trong hang có kẽ hở nên con tắc kè này mới bò vào, bị mèo rừng truy đuổi nó trượt chân rơi xuống đống lửa. Vậy phải thưởng thêm cho nó bộ lòng...

Lúc lâu, Phúc thức dậy, đống lửa gần tàn nên phải xuống dưới bốc thêm ít lá và cành cây mục cho vào giữ lửa. Phúc tuyệt vọng quỳ xuống hòn đá lạnh ngắt, ngửa mặt nhìn theo ngọn khói từ từ leo lên nóc hang.

- Bố ơi, con đã cố hết sức rồi, nhưng không có cách gì thoát ra khỏi cái hang quái ác này. Bố cho con theo nhé.

Nói đến đây nước mắt Phúc trào ra. Ngọn khói mỏng manh hình như muốn mang lời trăng trối của Phúc đến bố nên chui luôn vào kẽ hang, biến mất. Phúc trân trân nhìn vết nứt trên nóc hang rồi thét lên:

- Bố ơi con có cách thoát ra khỏi hang rồi!

Phúc bò xuống khỏi hòn đá, nhen lửa đốt luôn đống lá còn lại. Khói trong hang mỗi lúc một nhiều, Phúc phải bò vào cuối hang, cạnh nơi có các hạt nước rơi xuống để né khói. Khói nhiều thế này mà bay lên thì máy bay Mĩ thế nào cũng thấy, chúng sẽ đến ném bom vào đây. Hi vọng có quả bom phá được hòn đá lấp cửa hang.

Con mèo rừng hình như được cho ăn nên cũng mến người, bước đến dụi đầu vào chân Phúc.

*

*           *

Ầm… ầm… ầm...

Tiếng bom dội xuống làm cái hang đá chao đảo như thuyền bơi trong bão. Phúc ngất đi. Rồi có thứ gì đó lành lạnh lướt trên mặt làm Phúc tỉnh lại. Loáng thoáng trong kí ức hiện về: đói, anh được ăn thịt một con tắc kè, ngon đến độ chưa bao giờ ngon đến thế. Rồi tiếng bom nổ và...

Hình như đó là bữa ăn cuối cùng trên dương thế thì phải. Mình chết rồi chăng? Ừ, mình bị chôn sống trong hang đá trên triền một đỉnh núi trong dãy Trường Sơn. Mình thật có lỗi với mọi người khi ra đi đột ngột thế này...

Khoan đã… nếu đã chết sao còn có cảm giác như có ai đang xoa trên mặt mình thế này. Mát. Ai đó rất nhẹ nhàng đưa chiếc khăn ướt chà lên mặt. Mình còn cảm nhận được tức là còn sống. Còn sống thì mình phải mở mắt được chứ. Một vầng sáng chói chang ập đến, Phúc vội nhắm mắt lại, tai o o như có tiếng máy bay OV10 bay gần.

Tại sao thế nhỉ?

Phúc lại cố từ từ hé mắt ra nhìn, một đám lông màu xám... A, đúng rồi, con mèo rừng đang liếm mặt lôi anh tỉnh lại. Phúc cố nhấc tay lên thử, hình như con mèo cảm nhận được nên ngừng liếm, nhảy qua bên cạnh ngồi nhìn.

Mãi rồi Phúc chống tay từ từ ngồi dậy được. Con mèo kêu lên một tiếng meo rồi lao vút ra phía cửa hang. Không biết hòn đá lấp cửa hang biến đi đâu mất để lộ một mảng trời xanh méo mó hiện ra. Phúc mừng quá, kêu lên:

- Ta sống rồi!

Miệng nói, tay vơ súng, Phúc định chống xuống đá đứng lên, nhưng không được. Phúc ngã dúi xuống đám tro nóng bỏng. Phải ra cửa hang, ngoài đó có anh em đơn vị sẽ đến tìm mình, Phúc tự nhủ rồi nắm súng, nhắm cửa hang.

Thời gian chầm chầm trôi đi, Phúc cứ nhích từng tí, từng tí một. Hơn chục mét thôi mà sao khoảng cách xa đến thế. Phải cố lên, không được ngủ, ngủ sẽ không dậy được. Khuôn mặt của mẹ, ánh mắt của mẹ chập chờn hiện ra và cả bố đang cười, động viên cố lên, cố lên...

Ôi nắng! Ôi gió!

Tiếng gió thổi nghe mới sướng làm sao, rồi tiếng của cành lá đập vào nhau nô đùa cùng gió. Hình như có tiếng người, tiếng của Thanh cùng đơn vị đang gọi... Phúc dùng hết sức hướng nòng súng lên trời, xiết cò.

Đoàng…

*

*          *

Bây giờ ông Phúc sống với con gái ở chung cư. Bí bách, tù túng đủ đường đã đành. Cái làm ông khó chịu hơn cả là giữa phố xá nhộn nhịp chỉ nhiều tiếng còi xe chứ hiếm khi nghe thấy tiếng mèo. Ông thèm nghe tiếng mèo, thèm nhìn sâu vào đôi mắt xanh, được bộ lông mềm mại của chúng cọ cọ vào chân mỗi khi đói hay đòi đi vệ sinh. Xưa ở quê lúc nào nhà ông cũng có đôi ba con, là giống mèo rừng lai, bắt chuột giỏi đã đành, lại còn như có linh tính hiểu được tiếng người, hiểu được khi nào chủ vui cần chia sẻ, chủ buồn cần an ủi.

Vợ ông hiểu ông, hiểu được cái lí do sâu xa ông nuôi mèo. Nhưng rồi vợ mất, ông đau ốm liên miên, đủ thứ bệnh từ huyết áp đến tiểu đường, xương khớp. Con lại chỉ có một đứa làm việc tuốt trên phố, chưa kể nhà có cháu nhỏ, cực chẳng đã ông đành cắn răng cho lũ mèo đi với mấy người quen, dặn đi dặn lại không nuôi thì cho người khác nuôi chứ đừng thịt, phải tội…

H.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)