Sao cát xanh

Thứ Sáu, 07/02/2025 00:01

. NGUYỄN THANH THÚY
 

Bóng chiều nhập nhoạng đổ nhanh xuống chân núi Ngọc Đo. Kéo theo đó là sương. Sương trắng từng dải lờ đờ vắt ngang lưng chừng núi, sà xuống cả mặt sông, như khói, như mây, mờ ảo. Từ bên này bờ sông nhìn lên, đỉnh Ngọc Đo sừng sững, đen trũi, trầm huyền như bao đời vẫn thế. Trên đó là khu rừng thiêng của người làng Kon Pia. Giữa lưng chừng núi, A Đơng vẫn nhìn thấy bóng cây sao cát đó. Cây sao cát cuối cùng, đơn độc, trơ trọi trên con đường mòn dẫn lối vào rừng ma.

Minh hoạ: Nguyễn Văn Đức

A Đơng đã nghe thấy tiếng người làng Kon Pia khóc. Tiếng khóc uất hận. Phải rồi, làng khóc cho khu rừng thiêng ngàn đời. Người Xơ Đăng quanh dãy Ngọc Đo mùa nối mùa đã quen đốt rẫy, dời nương, từ ngọn đồi này sang lưng núi nọ, hết đời này sang đời khác. Riêng khoảng rừng già từ lưng chừng cổng trời trở lên luôn là cấm địa. Nơi ấy, chỗ được gọi là cổng trời, hơn chục cây sao cát cổ thụ đã từng ở đó suốt hàng trăm năm nay, um tùm rũ bóng. Cụm cây sao cát đẹp, như gom hết vẻ trầm mặc của rừng già, phủ trùm xuống hai bên đường lên núi, như một chiếc cổng lớn. Người già nhất Kon Pia cũng không trả lời được cổng trời có tự lúc nào. Chỉ biết đó là nơi bắt đầu dẫn lối vào rừng ma, là ranh giới giữa thế giới này và cõi huyền tích bên kia, nơi chỉ có người chết mới được bước vào và ở lại vĩnh viễn...

Gió bắt đầu thổi trên mặt sông. Gió mang theo tiếng khóc hờ hợ, tỉ tê từ phía làng văng vẳng vọng đến. Cả tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập từ chiều tới đêm, lúc xa, lúc gần. Làng đang cúng tạ lỗi với Yàng, với thần rừng. A Đơng như có thể nhìn thấy từng gương mặt người làng lúc này, từ mé sông ngoài rìa làng, như bao lần làng cúng máng nước, cúng mừng lúa mới, khi làng ăn trâu. Trước sân ngôi nhà rông lớn, lửa sẽ được thắp lên suốt nhiều ngày liền. Già làng Ma Lũ, đôi mắt sáng lên kì lạ, lầm rầm đọc bài cúng thần linh, trời đất. Rượu ghè sẽ bày ra la liệt, từ chân nhà rông lên tới sàn. Mùi thơm bay ra tới tận mé sông. Dưới gốc nêu, thịt heo, thịt trâu sẽ được bày ra các nia lớn, chia đều cho từng nhà. Chỉ có mẹ con A Đơng chưa bao giờ có phần trong đó.

Đã bao lâu rồi anh chưa đặt chân vào làng? Chẳng nhớ! Có lẽ là năm mười bốn tuổi. Đó là đêm làng làm lễ ăn trâu lớn, tận hai con. Chiêng nổi suốt ngày đêm, rượu ghè chất kín quanh chân nhà rông. Trai gái Kon Pia nhảy múa suốt ba ngày, uống say thì leo lên sàn nhà ngủ, tỉnh dậy lại uống. A Đơng theo chân A Mải len lỏi vào giữa đám người làng ngật ngưỡng hơi men, chui xuống gầm nhà, kín đáo núp sau tấm liếp lồ ô lớn. A Mải, người làng Kon Pia duy nhất chấp nhận anh. Nó là đứa trai làng Kon Pia đã được anh cứu lên từ dưới dòng Đăk Lung hung hãn vào một chiều nước dâng cuồn cuộn. Từ buổi chiều ấy, mỗi khi trong làng có lễ, trừ những lúc hệ trọng, phải làm cổng lớn rào làng, làm cổng nhỏ rào đường lên rừng, lên rẫy, không cho người lạ ra vào, không cho ma quỷ, không cho cái xấu vào làng, A Mải sẽ tìm cách đưa A Đơng về làng dự lễ. Mỗi chuyến đi kín đáo nhưng hồi hộp, đó là cuộc phiêu lưu trong suốt tuổi thơ của A Đơng, đứa bé bị người làng chối bỏ.

Đêm ấy cũng thế, trong bóng tối, dưới sàn nhà rông, A Mải dúi cần rượu vào tay A Đơng. Đó là lần đầu tiên trong đời A Đơng uống rượu của làng. Thứ rượu nóng như lửa, chảy qua cổ họng, đốt cháy từ đầu lưỡi xuống tận lồng ngực. Đó cũng là lần đầu tiên anh thấy mình ở gần làng, thuộc về làng, giống một người làng Kon Pia đến vậy. Dòng máu Xơ Đăng chảy trong huyết quản nóng lên hừng hực. A Đơng nheo mắt nhìn qua những mắt liếp, mê mải ngắm ngọn nêu cao vút. Từ đó trổ ra những chùm tua rua bằng những sợi tre được đánh bông cẩn thận, tung xòe trắng xóa. Con trâu đực được chọn bị buộc bằng sợi Rơ Pong, chạy cuồng chân quanh gốc cây nêu sặc sỡ. Lũ trai làng ngồi vạc những thanh nứa sắc nhọn, lần lượt lao vào vòng tròn, cố tìm chỗ hiểm hóc nhất trên thân thể con trâu, dồn sức cho những nhát đâm chí mạng. Tiếng chiêng dồn dập, thôi thúc. Vòng xoang lúc giãn, lúc gần. Rượu được rót ra tràn trề. Lửa bập bùng nhảy trên từng gương mặt người, lửa tạc những cái bóng xiêu vẹo, ngả nghiêng giữa trời đất. Dưới ánh lửa, A Đơng đã nhìn thấy phía bên kia vòng xoang, nụ cười Y Nương chao lượn, lấp lánh như đốm than hồng. Nụ cười bay thẳng vào trái tim anh và ở lại suốt nhiều năm liền sau đó. Khi con trâu gục xuống, chiêng trống nổi lên dồn dập hơn bao giờ hết, A Đơng cũng gục xuống trong hơi thở trĩu nặng, nồng nàn. Trong giấc mơ, giữa những hồi chiêng, anh thấy mình hiên ngang bước ra từ sau tấm liếp, tự tay đẽo thanh nứa sắc như nước, hạ gục con trâu lớn kia. Anh thấy mình uống rượu giữa người làng, ngồi bên đống lửa, giữa những nhịp xoang thoăn thoắt. Nụ cười Y Nương lấp lánh như ánh than hồng…

Khi A Đơng tỉnh dậy, trời hưng hửng sáng, lửa gần tàn, không gian yên tĩnh. Người làng say ngủ trên sàn nhà rông, nằm la liệt cả dưới đất, quanh bếp lửa, dưới sương đêm. Lưng chừng gốc nêu, đầu con trâu đêm qua buộc lủng lẳng. Hai con mắt nhắm nghiền, khuất phục. Con trâu đã được xẻ thịt, cả bộ lòng cũng bị treo lên cây nêu. Gần đó, những ngọn giáo ngập máu vẫn còn cắm ngả nghiêng trên nền đất. A Đơng nhìn những ngọn giáo, như bị thôi miên. Chẳng biết tự lúc nào, bước chân đã đưa anh ra trước khoảng sân rộng. Bàn tay cũng chẳng biết nghe lời, chầm chậm đưa lên sờ nắn những ngọn nứa sắc nhọn. A Đơng đã quên mất những gì mẹ dặn, quên luôn những gì người bạn A Mải dặn, ngửa cổ mê mải nhìn lên trời. Nơi đầu ngọn nêu, những chòm tua rua bung xòe, ướt đẫm sương đêm.

“A Đơng, có phải là mày không?”

Tiếng gọi làm A Đơng giật mình, thảng thốt quay về thực tại.

“Chính nó đấy, con của người đàn bà cùi ngoài kia.”

“Đứa trẻ trở về từ rừng ma đây mà.”

A Đơng tung người chạy. Bước chân nhanh như con sóc nhỏ. Mặc kệ tiếng bước chân đuổi theo sau, tiếng hét của A Mải, của người già gọi đứng lại.

Mẹ Y Lim ngồi ở cửa ngôi nhà bên sông, đón A Đơng bằng gương mặt đẫm nước. Có lẽ mẹ đã thức suốt đêm. Bà biết A Đơng ở đâu, nhưng cũng như anh, mẹ không thể vào làng. Gương mặt khắc khổ, tủi hờn của mẹ đi theo A Đơng suốt những năm tháng dài về sau…

*

*        *

A Đơng nghiêng lưỡi rìu, khéo léo vạc từng thớ gỗ, cố khoét rộng thêm lòng thuyền. Nắng vẫn hanh hao trải vàng trên bãi cát dọc bến sông. Gió thi thoảng thốc từ mặt sông vào lồng lộng. A Đơng vuốt đám mồ hôi trên mặt, nhìn bụng thuyền rộng gần một mét, thân dài gần tám mét, đây sẽ là con thuyền độc mộc lớn nhất, đẹp nhất trên dòng Đăk Lung này. Con thuyền làm bằng gỗ cây sao cát lưng chừng đỉnh Ngọc Đo kia, nó là duy nhất. Từng thớ gỗ quý sáng lên dưới ánh mặt trời. A Đơng mỉm cười mãn nguyện nhớ lại đã bao lần, mẹ ôm lấy chân anh, trong ngôi nhà tuềnh toàng gió, run rẩy đôi bàn tay cụt lủn, xòe ra đống tiền cũ nhàu được buộc cẩn thận. “A Đơng à, có tiền rồi, đủ để mua trâu cúng cho làng. Mày về làng lại nhé A Đơng. Mẹ có tiền…” A Đơng nhìn mẹ, nhìn tiền, nhìn đôi bàn tay chỉ còn duy nhất một ngón cái kì dị lủng lẳng, kiên quyết lắc đầu.

A Đơng đã chết rồi kia mà. Anh đã được người làng đưa qua nơi cổng trời đó, chôn cùng với mẹ ruột của mình. Đứa trẻ Xơ Đăng nào dưới chân núi Ngọc Đo này vừa sinh ra đã bắt hồn mẹ, thì chỉ có một con đường làm ma cùng người chết mà thôi. A Đơng đã được đưa qua cổng trời, là người của cõi ma rồi, không còn là người làng nữa. Mẹ cứu A Đơng trở về bằng đôi tay cụt đó. Anh lớn lên như cái cây dại trên chính bến sông này. Anh đâu còn là người làng nữa. Anh cũng đâu cần làng nữa. Già Ma Lũ nói, làng đã họp rồi, chỉ cần cúng trâu cho Yàng, A Đơng có thể về làng. Nhưng A Đơng đâu cần nữa.

Người làng Kon Pia làm sao có thể biết, ai là kẻ dẫn đường cho đám người dưới xuôi kia leo lên lưng chừng Ngọc Đo, cưa hạ cổng trời. Cũng không một ai biết, kẻ đã nghĩ ra cách lăn những thân gỗ theo triền núi xuống dòng sông này ngay trong đêm mưa lớn đó. Nước đã phụ sức vào với người để mang cây đi xa hơn, nhanh hơn, không một dấu vết. Làng làm sao biết, cây sao cát lớn nhất không thể nhờ sức nước mang đi đã được neo lại bến sông này, để trả công cho người dẫn đường tận tụy.

“Không một ai biết cả, A Đơng à, nhưng Yàng biết, thần rừng biết, hằng trăm con mắt, hàng trăm linh hồn trong rừng ma kia đều đã nhìn thấy mày, A Đơng à. Mày sẽ bị trừng phạt, con à…” Mẹ đã bảo thế. Nhưng anh mặc kệ.

Có lẽ Yàng biết. Có lẽ bằng cách nào đó, Yàng đã báo cho người làng Kon Pia trong đêm mưa gió. A Mải dẫn theo đám người đuổi đến nơi khi cây sao cát cuối cùng chưa kịp ngã xuống. Cây sao cát cuối cùng, vết cưa đã đi vào thân cây sâu lắm, nhưng nó vẫn đứng đó. Mỗi sáng mỗi chiều, A Đơng nhìn lên lưng chừng Ngọc Đo vẫn thấy nó ở đó, sừng sững, xanh ngời, như trêu ngươi, như thách thức…

Mỗi sáng mỗi chiều, A Đơng cũng nhìn mẹ, người đàn bà cùi bị cả làng xa lánh. Dáng người khô rang như cây lồ ô cằn cỗi. Cả đời giấu nỗi thống khổ dưới những lằn nếp nhăn ngang dọc. Vì đâu mà mẹ khổ thế? Vì đâu mà anh khổ thế?

Mẹ nói, cuộc đời đã lấy đi của bà quá nhiều thứ, chín ngón tay, và một bàn chân. Lần lượt. Nhưng cuộc đời cũng cho bà quá nhiều thứ. Đó là A Đơng, món quà Yàng gửi cho mẹ từ cõi linh thiêng đó. Mẹ nói, là anh đã cứu mẹ, chẳng phải mẹ cứu A Đơng về. Mẹ đã leo lên lưng chừng Ngọc Đo để tìm những bụi cây ngón hoa vàng đó, mẹ muốn tự mình qua cổng trời, về với nơi người Xơ Đăng quanh đỉnh Ngọc Đo này sẽ nằm lại, vĩnh viễn. Là tiếng khóc của A Đơng buổi sáng đó đã đánh thức mẹ, đưa mẹ một lần nữa quay bước ra khỏi cổng trời, về lại bến sông này cùng với một đứa bé trai.

Cuộc đời cũng cho mẹ đôi bàn tay này, đôi bàn tay không lành lặn nhưng biết làm ra thứ rượu ghè ngon nhất. Mẹ đã vịn leo lên lưng chừng núi, ngày qua ngày, mang về thứ lá cây, vỏ cây để làm ra loại men rượu của riêng mình, ủ những ghè rượu sánh thơm kì lạ. Thứ rượu người làng Kon Pia, Kon Kinh, người Xơ Đăng quanh núi Ngọc Đo không một ai dám uống. Nhưng dân ở thị trấn thỉnh thoảng vẫn chở gạo lên đổi vài ghè. Mẹ đã nuôi A Đơng lớn lên, để dành từng cuộn tiền nhàu nhĩ cho anh từ những ghè rượu đó.

 

Minh hoạ: Nguyễn Văn Đức

A Đơng cắm cọc lồ ô neo con thuyền độc mộc. Nhìn đất trời xám xịt, gió phần phật đổ gấp trên mặt sông, anh đổi ý, vội vã tháo dây thừng choàng qua vai, kéo lê con thuyền lên bờ, đi thật sâu vào bãi. Bao nhiêu năm sống với sông, với thuyền, anh biết dòng sông sắp nổi giận. Cơn bão sẽ quần nát bãi sông này. A Đơng lập bập chạy về nhà, định bụng buộc chằng thêm chỗ vách nhà nứa trát.

Mưa ném những hạt nước nặng trịch, rát rạt lên trán, lên mặt. Ngôi nhà cách bãi sông hơn trăm mét, nhỏ bé giữa không gian xám ngoét. Từ ngày có Y Nương, A Đơng đã mang sức lực trai tráng đi kiếm từng cây gỗ, xẻ từng miếng ván, vác về từng bó le lớn, làm cho ngôi nhà vững chãi hơn. Dưới sàn nhà mẹ chất hơn chục ghè rượu ủ men lá, mùi thơm lúc nào cũng cũng làm cho đám đàn ông có việc ngang bãi sông này dềnh dàng chân bước. Mẹ đang lết đôi chân cụt lên cầu thang, tay ôm ghè rượu, nhìn thấy A Đơng thì mừng rỡ. Anh vội ghé vai vác từng ghè rượu cất lên sàn nhà. Gió vẫn thổi phành phạch, mưa tạt ào ào, ướt quá vào cả mé trong sàn nhà. Từ trong nhà, tiếng khóc trẻ con the thé cất lên. Mẹ nghe thấy tiếng khóc vội vã bò lên cầu thang bằng cả tay và chân. A Đơng lẳng lặng buộc lại những phên cửa chống hai bên vách.

Đêm. Nước sông sôi lục bục. Ngôi nhà rung lắc, rệu rạo dưới làn mưa. A Đơng không ngủ. Cái lạnh lọt từ những khe hở dưới sàn nhà thốc lên làm anh nhớ cái đêm bão đầu tiên trong đời mình. Chiều ấy, bão cũng nổi, mặt sông òng ọc nước. Nước từ trên núi đổ về tràn hết lên bãi. Gió mang theo cái lạnh quần thảo, cắt từng nhát tái tê da thịt. Cả làng Kon Pia chỉ còn mỗi Y Nương đi rẫy mắc lại bên kia sông chưa về kịp. A Đơng đã kéo con thuyền độc mộc lên bãi cột. Nghe tiếng cô gọi, lại tháo thuyền, vơ sào lao xuống. Hai người đã vật lộn với dòng nước bao lâu anh cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ nhớ cánh tay của mình dẻo lắm. Ngoài hai mươi đã thạo sông, thạo thuyền như người đi rừng thuộc lối. A Đơng đưa được Y Nương an toàn qua sông.

Y Nương, đứa con gái đẹp nhất Kon Pia ngày ấy. Hai cánh tay trắng nõn, bắp chân cũng trắng. Nụ cười lún hạt gạo, lấp lánh như ánh than hồng, hàm răng cũng trắng như hạt gạo. Cô làm thanh niên Kon Pia say như say thứ rượu men rừng. Ai uống được chỉ biết vui, cả đời vui, không biết hờn, biết giận. Đứa con gái đó cũng đã bao đêm làm A Đơng mất ngủ. Nhưng trái tim cô lại thuộc về làng, thuộc về A Mải, người bạn niên thiếu duy nhất đã sẵn sàng mở lòng với A Đơng. Họ đã hẹn trao nhau vòng đồng. Nhưng ngay trong buổi chiều bão ấy, Y Nương lại ở thật gần A Đơng. Cả tấm thân nhỏ bé rét run vì lạnh. Tấm áo dệt dính chặt lấy thân người phập phồng, cả mớ tóc đen lay láy dính bết trên bầu ngực cũng phập phồng. Buổi chiều ấy, A Đơng đã uống rượu, thứ rượu ấm nóng lũ trai làng Kon Pia vẫn mơ ước được uống. Mặc cho cô kêu gào, lăn lóc. Anh đã uống cật lực. Nước mưa rơi trên bầu ngực Y Nương ngọt hơn bất cứ thứ rượu nào A Đơng uống về sau.

Y Nương căm hận A Đơng, nhưng cô lại có chửa. Cả Kon Pia dậy sóng, sóng cao hơn, dữ dội hơn sóng trên dòng Đăk Lung. Dòng sông đêm ấy chỉ cuộn sóng một lần đã đẩy Y Nương mãi mãi trôi về phía bờ không bao giờ có A Mải ở đó, vĩnh viễn. Sóng ở Kon Pia lại một lần nữa đánh bạt Y Nương ra khỏi làng, rời xa những thân thuộc cuối cùng còn lại. Đó là cái tội xấu xa nhất của đàn bà xứ này. Cô không biết trôi về đâu, đành lao đầu xuống sông Đăk Lung hai lần, để mặc đời mình cho sóng đánh. Cả hai lần đều được A Đơng vớt lên. Mỗi lần như vậy, A Đơng ôm lấy chân Y Nương, ngồi suốt mấy ngày đêm. Chết không được, về làng cũng không được, A Đơng dựng ngôi nhà nhỏ ở bến sông này, Y Nương sinh ra Y Blao ở đó. Có lẽ đêm đó là lần sau cùng A Đơng thấy Y Nương cười. Nụ cười lún hạt gạo, như đốm than hồng, chỉ vừa nở đủ một khắc rồi thôi.

Con Y Blao lại giống A Đơng, càng lớn càng giống. Giống đến kì lạ. Gần hai tuổi, da đã đen như cột lim, tóc vàng xơ như bụi tre bật rễ. Chỉ có đôi mắt lúc nào cũng rừng rực. Hai năm, A Đơng không uống giọt rượu đó thêm lần nào nữa. Dù A Đơng biết mình khát thèm đến cháy da thịt. Hai năm, Y Nương sống giữa ngôi nhà như một cái bóng, lặng lẽ, ơ hờ. Những đêm bão nổi, mưa quật đùng đoàng, gió réo trên sông nghe như tiếng khóc, Y Nương lại nắm lấy A Đơng mà mắng, mà chửi. Đêm nay cũng thế. Gió the thé rít từng cơn qua mái nhà. Tiếng cột nhà vẹo vọ nghiến vào nhau trèo trẹo. Y Nương đang nằm bỗng ti tỉ khóc, rồi ngồi bật dậy. A Đơng đang ngồi bên bếp lửa bị Y Nương túm lấy, vày vò xác xơ đầu tóc, vừa khóc, vừa chửi. Mặc kệ Y Nương đấm thùm thụp vào ngực, vào lưng, A Đơng vẫn lặng lẽ ngồi, trơ lì chịu đựng. Bà Y Lim lắc đầu, ôm lấy đứa nhỏ chui vào ổ chăn dày gần đó, miệng lầm rầm câu hát ru. Khóc chán, Y Nương cũng nằm xuống bên cạnh bếp lửa. A Đơng lôi ghè rượu ra uống, uống đến môi mềm đi, một mình.

Sáng trời, bão tạnh. Chỉ còn A Đơng nằm co ro bên ghè rượu. Trong cái tổ chăn dày bên cạnh, hai bà cháu Y Blao vẫn ôm nhau say giấc. Không thấy Y Nương đâu, A Đơng lao ra cửa.

Bão tan. Mưa tạnh. Nhưng nước vẫn cuồn cuộn đổ về. Lòng sông khoét rộng ra hai bên bờ. Ngôi nhà của A Đơng chỉ cách mé nước vài chục mét. A Đơng chưa bao giờ thấy trận bão lớn như vậy trong suốt cuộc đời mình. Anh đứng trên sàn nhà, lo lắng nhìn dòng nước lớn. Từ trên thượng nguồn trôi xuống cơ man những thân gỗ lớn, gỗ nhỏ, từng thân cây bật gốc, đến le, lồ ô, cành cụt. Chiếc thuyền độc mộc dập dềnh ở mé xa, giữa những lộn xộn, ngổn ngang. Y Nương đi đâu? A Đơng chợt thấy lòng nóng như lửa, ruột gan óc ách, cồn cào. Anh chạy suốt bãi sông, suốt nhiều giờ liền, bóng Y Nương vẫn bặt tăm.

Gió vẫn lồng lộng thổi. Lưng chừng núi, cây sao cát vẫn xanh, kiên cường đứng đó, như chưa hề biết đến đêm giông bão vừa tràn qua. A Đơng nhìn lên lưng chừng núi, chợt như nghĩ ra điều gì, hấp tấp chạy xuống bến sông, lao đến con thuyền độc mộc. Cả cuộc đời về sau, A Đơng sẽ không quên được giây phút đó. Giây phút tìm thấy Y Nương, một mình, lọt thỏm giữa lòng thuyền, con thuyền được đẽo từ thân cây sao cát lưng chừng đỉnh Ngọc Đo. Nước ngập xâm xấp, Y Nương nằm đó, cả người trắng bệch, tái dại. Gương mặt vẹo vọ như vừa trải qua một cuộc kinh hoàng. Gió vẫn gầm rú. Gió đổ gấp trên mặt sông. Gió thổi tung tóe nắm lá trong tay Y Nương cầm. Nắm lá có những chùm bông vàng, dập nát…

*

*         *

A Đơng đã nghe thấy tiếng cây sao cát khóc. Tiếng khóc i ỉ đau thương. Có lẽ từ chỗ vết cưa bỏ dở, khi thân cây vẫn đang rỉ ra thứ nhựa nửa vàng nửa đen, như máu, âm ỉ. Vết cưa đã vào đến một phần ba gốc cây. Nhưng cây sao cát không chết. Nó vẫn đứng đó, sừng sững, vừa khóc, vừa tự chữa lành chỗ nhát cắt đã ăn sâu vào thân thể mình.

Đêm nay, A Đơng lại nghe thấy tiếng khóc. Tiếng khóc từ lưng chừng cao vọng xuống giữa tiếng mưa. Tiếng khóc lạ lắm. È è từng cơn, rền rĩ. Anh nghiêng người lắng tai nghe. Tiếng khóc vẫn ở trong tai, nghe như tiếng gọi. A Đơng ôm đầu, như ngủ, như thức, rồi bất ngờ đứng phắt dậy, rút con dao trên vách nhà, lao ra cửa, mặc cho tiếng mẹ gọi theo sau bời bời, rồi tắt lịm sau cánh cửa, sau màn mưa.

Anh lôi con thuyền xuống bờ sông. Con thuyền đã từng bị úp trên bãi này mấy con trăng liền, kể từ ngày A Đơng tìm thấy Y Nương nằm trên đó. A Đơng đã cướp được đứa con gái đẹp nhất Kon Pia ra khỏi làng, đã chạm tay vào những thứ quý giá nhất. Nhưng có lẽ mẹ đã đúng. Yàng sẽ lấy lại từng thứ, lần lượt. Khi đó anh kéo con thuyền lên bãi châm lửa đốt. Mẹ lao xuống từ trên sàn nhà, điên cuồng dập lửa. Mẹ đánh A Đơng bằng tất cả sức lực của đôi bàn tay chỉ còn duy nhất một ngón đó.

“Đừng gây thêm tội nữa, A Đơng à. Yàng đang nhìn mày, cả làng Kon Pia đang nhìn mày. Mày nhìn xem, A Đơng, mày không còn giống con người nữa…”

A Đơng không còn giống con người nữa. Từ lúc nào, A Đơng đã không còn giống người nữa. Khi mẹ nhìn anh bằng đôi mắt đó, đôi mắt như người làng Kon Pia, A Đơng cũng không thiết giống con người nữa...

Nhưng đêm nay, cây sao cát xanh lại khóc. Anh nhảy lên thuyền, vượt qua bên kia sông, leo lên lưng chừng đỉnh Ngọc Đo. Ở đó, ngay cổng trời, đám người lạ một lần nữa kéo lên tận nơi, trong đêm mưa, cật lực cưa hạ cây sao cát cuối cùng. Tim A Đơng thắt lại. Hai chân run lẩy bẩy. Một nỗi uất hận dâng lên, dồn tắc nơi cổ, tức nghẹn. Anh nghe máu trong người đang sôi. Dòng máu của người Xơ Đăng, chân dẫm trên đỉnh Ngọc Đo, bụng uống nước chảy từ trên đỉnh núi, đổ về suối Đăk Sao, chảy về dòng Đăk Lung này. A Đơng hét lớn, vung dao lên trời, lao vào giữa đám người. Tiếng cưa ngừng, tiếng hốt hoảng gọi nhau, tiếng dao chém loạn xạ, đôi lúc bập vào thân cây, đôi lúc cắm luôn xuống mặt đất. Đêm tối quá, anh chỉ biết nhằm vào chỗ có ánh đèn pin, vừa la hét, vừa chém. Đám người hè nhau trói gô A Đơng lại, đè nghiến dưới đất.

“Không được cưa nữa.”

A Đơng lại hét lên. Đám người trả lời anh bằng những cái bạt tai, cả những cú đá vào mạn sườn, đau điếng. Hết con bực dọc, họ bỏ lại A Đơng trên nền đất nhão nhoẹt, tiếp tục công việc của mình, mặc kệ anh lăn lóc mắng chửi. Tiếng cưa è è lại vang lên. A Đơng cố lăn trên đất, lết về phía gốc cây sao cát. Đến vòng thứ ba thì lăn luôn xuống triền dốc nhỏ, nện lưng vào thứ gì đau nhói. Anh cố đưa tay đang bị trói rờ rẫm. Có lẽ là một gốc le ven đường. A Đơng nghe cơn đau dâng lên tới tận óc. Gốc le ai đó chặt dở, nhọn hoắt, đâm xuyên vào sau lưng. A Đơng cố nhấc người mình dậy, thoát khỏi gốc le nhọn, nghe máu nhỏ từng giọt từ lưng xuống lòng bàn tay, nóng hổi. Tiếng cưa máy vẫn è è phía trên dốc. A Đơng gào thét, bất lực. Mưa vẫn xiên từng nhát nặng trịch trên mặt. Cây sao cát đang khóc. Rõ ràng A Đơng đang nghe thấy tiếng nó khóc. Lẫn trong đó có tiếng khóc của Y Nương, tiếng khóc của đàn ông, đàn bà, của người già, người trẻ, tiếng khóc của những linh hồn trong rừng ma kia. Tiếng khóc đồng loạt vọng ra, dội vào tai, dồn vào lồng ngực A Đơng, căng cứng. Anh cũng khóc. Tiếng khóc ồ ồ xối xả lẫn vào tiếng cưa, tiếng mưa rơi lộp bộp.

Lúc lâu, bỗng từ dưới chân núi, ánh đèn nhập nhoạng lóe lên. Đám người gọi nhau vội vã thu dọn đồ đạc, liêu xiêu chạy về bên kia dốc, đổ xuống bến sông. Người làng Kon Pia đây rồi. A Đơng nghe thấy từng tiếng chân rầm rập chạy đến. Tiếng A Mải hét gọi người làng đuổi theo đám người xấu. Ai đó cởi trói cho A Đơng. Ai đó đã dúi vào tay A Đơng con dao lúc nãy. Anh bò lên dốc. Chỗ đau ở lưng quặn lên. Cây sao cát vẫn đứng đó. A Đơng đưa đôi bàn tay dính máu, sờ soạng chỗ vết thương mới trên thân cây. Từ chỗ đó, nhựa lại ứa ra, dính dấp. Có lẽ, nó cũng đau đớn như chính anh lúc này.

Người làng vẫn rầm rập chạy. A Đơng muốn lao theo nhưng bị cơn đau kéo trở lại, đành chống dao, mò mẫm xuống núi, tìm đến chỗ cột thuyền. Lòng thuyền xâm xấp nước. Anh ngã vào lòng thuyền, cả người rã rượi.

A Đơng tỉnh dậy giữa lòng thuyền. Mưa đã tạnh. Trời hưng hửng sáng. Núi rừng bừng sáng sau đêm mưa. Từng đám sương lờ nhờ, lạnh lẽo kéo nhau sà xuống ngang tầm mắt. Lòng thuyền ngập nước, thứ nước màu đỏ quạch, tanh nồng. A Đơng nằm đó, lắng nghe từng âm thanh đầu ngày từ rừng rộn rã vọng xuống. Ngay chỗ anh nằm, vách thuyền đen xỉn, nham nhở. Đó là vết cháy từ lần anh châm lửa đốt, sau ngày đưa ma Y Nương.

A Đơng thấy lạnh, cái lạnh từ trong thân thể lạnh ra, buốt từng đợt. Con thuyền từ từ dập dềnh, bềnh bồng trên sông. A Đơng đã thấy, ngay dưới gốc cây sao cát, Y Nương đang đứng đó, nụ cười lún hạt gạo, như đốm than hồng. Quanh thân cây sao cát, người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà, tất cả đều đứng đó. Người làng Kon Pia kia rồi. Mọi người đều đứng đó. Từng người vẫy tay với anh. A Đơng bất giác mỉm cười...

*

*          *

Nắng vẫn hiu hắt đổ giữa bóng chiều đỏ ối. Trên con đường đất dẫn về làng Kon Pia, hai cái bóng, một lớn, một bé dắt nhau liêu xiêu đi trong nắng chiều. Người đàn bà cụt, lưng đeo gùi, mái tóc bạc nhuốm màu chiều, bước thấp bước cao, nắm chặt tay đứa con gái nhỏ.

“Đi thôi, Y Blao à, về làng nhé! Trâu đã có. Đã đến lúc rồi. Con về với làng đi thôi…”

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)