. NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG
Đêm Chúa sinh lạnh thấu xương. Hà Châu dựa vào thềm đá, nghe từng lời người giữ đền đều đều rắc vào đêm tối.
...Tôi bế đứa nhỏ trốn chạy khỏi thế giới con người. Chuyện rất dài. Bây giờ, tôi và cậu bé đã không còn hình hài cụ thể, có khi trong suốt như nước, lại có khi đỏ sẫm như hoàng hôn. Nhưng rất rõ, trong chúng tôi vẫn còn là NGƯỜI.
Mọi chuyện bắt đầu từ bữa ăn đó, trên đồi cao. Ngôi nhà lợp ngói nâu, thấp tè, chìm trong bóng chiều. Bữa tối dọn ra trên cái bàn thấp. Chừng gần chục người quây lại uống rượu. Những bữa rượu dường như đã luôn luôn diễn ra ở đây. Tôi kéo ống quần rộng, ngồi xuống. Nhưng kìa, tôi bỗng ngước nhìn lên trời, phía trước nhà. Đám mây đen kì dị ngày một lớn, xổ ra, hình thù một con quái vật. Tôi hoảng hốt đứng lên, hất đổ mâm cơm, nói lớn: “Chạy đi, họa đến nơi rồi còn ngồi đấy mà ăn sao.” Mâm bát đổ, tiếng người kêu lên, tất cả chạy túa ra khỏi nhà. Tôi cũng chạy thục mạng ra con đường vắt ngang đồi, có một đứa bé bị bỏ lại bơ vơ khóc. Tôi bế thốc nó lên tay rồi chạy. Tiếng người hò hét, đuổi nhau loạn xị...

Minh họa: Trương Đình Dung
Tôi đi trên những bờ ruộng nhỏ đầy cỏ, cánh đồng lộng gió. Nhưng tất cả như đã chết. Không khí vẩn lên như vừa được đun nóng trong cái vạc dầu khổng lồ. Cỏ cây không còn màu xanh, tất cả đều lạnh lẽo, hoang tàn. Tôi đứng trên gò cao, gỡ mái tóc rối bù ra, bện lại, cho thằng bé nằm lên đám cỏ khô ngủ một lúc. Thằng bé cuộn tròn lại, thiếp đi. Tôi ngắm nhìn xung quanh. Vệt chân trời bị kéo ra xa nhàu nhĩ bởi màu đỏ quạch của đất đai và cỏ úa. Tôi nhớ đến cái váy thấm máu của chị Hợi hồi ở làng. Chị Hợi sau bữa ăn trưa gọi tôi sang nhà trông cho nồi cám lợn đang sôi trên bếp để đi viếng đám ma. Chị đi chưa đầy chục phút đã quay về, kêu đau bụng. Khuôn mặt chị sạm lại, võ vàng, hai gồ má nhô cao như nhọn hoắt lên, giờ bắt đầu ửng đỏ. Cái bụng chửa bảy tháng khiến chị khó nhọc ngồi xuống. “Gọi anh mày hộ chị, nhanh lên”, chị nói như quát. Tôi vừa co chân lên chạy ra cổng rồi khựng lại. “Thôi không đi nữa, chắc anh đang về, không kịp rồi, dìu chị vào kia, chị buồn đi nặng.” Lẽ ra, nếu là người có kinh nghiệm, họ biết sẽ phải đưa chị lên giường nằm, gọi thêm người giúp sức, nhưng tôi, đứa bé mười tuổi biết gì, tay chân cuống hết lên, chị bảo gì làm nấy. Chị nặng như hòn đá khổng lồ, chị lết vào cái hố xí hai ngăn, ngồi bệt xuống, thở hổn hển, mồ hôi vã ra. “Đi gọi mẹ mày, nhanh lên.” Tôi chạy vù ra đường, sục vào nhà gọi ầm ĩ. “Chết thôi chết thôi, giời ơi là giời”, mẹ tôi tru tréo thế rồi ù té chạy sang cùng mấy bà hàng xóm. Tôi nghe tiếng chị Hợi thều thào. Tôi kéo mẹ vào cái hố xí. Một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt. Cái váy vải thô chị mặc nhuốm máu đỏ thẫm. Dưới háng chị là cái bọc bùng nhùng và thứ nước màu vàng tanh hôi nồng nặc. Cái bọc đó nối với người chị bởi một sợi dây nhuốm máu. Tro bếp và cả đống phân của chị dính be bét. Mắt tôi như nổ ra. Mẹ tôi hét lên, hô mọi người mang nước, mang ni lông, quần áo ra. Mẹ đỡ chị Hợi xuống sàn, đắp cho cái chăn rồi bảo, “khổ quá, chắc nó đi rồi”. Chị Hợi lúc này mặt trắng bệch. Hai mắt lồi ra, chảy hai hàng nước. Đôi bàn tay đầy máu ôm bụng, cố nghển cổ lên: “Thím ơi, sao lại thế.” “Nào nào, nằm nghỉ, đây uống cốc nước lá huyết dụ pha đường này vào cho cầm máu, nằm yên”- mẹ dỗ thế rồi bắt đầu cùng mấy bà lớn tuổi xử trí cái bọc lùng nhùng dây rợ kia. Mẹ lấy cái kéo đã sát trùng cắt cái dây loằng ngoằng, mãi sau này tôi mới biết đó là dây rốn. Mọi người trố mắt, há miệng nhìn nhau sợ hãi. Dù đẻ non thì phải là một hình hài con người chứ nhỉ, cái bọc kia… Chồng chị và vài trai tráng đã về, bọc chị Hợi vào cái chăn con công rồi đặt lên cáng, lau máu trên mặt và tay rồi phủ tấm chăn mỏng lên trên đòn cáng, khiêng ra trạm xá. Mẹ tôi châm vào bọc nước, nó túa chảy ra thứ nước xanh vàng kì dị, một khối da thịt bèo nhèo, tím tái. Mẹ đuổi cút tôi ra ngoài, tôi chỉ kịp nhìn thấy hai cái tay không có ngón bé xíu ôm một khối hình cầu. Cô tôi ôm đống giẻ rách lau dọn máu, đổ cả nồi nước đun từ cây hương nhu lên cái hố xí. Mẹ tôi mặt đỏ phừng phừng, quần áo ướt đẫm, ôm bọc ni lông đặt vào cái thúng, im lặng. Mấy bà hàng xóm không giấu nổi sự thất kinh trên đôi mắt. Chắc hẳn, chị Hợi đã sinh ra một cái gì đó chưa thể gọi là con người…
Lúc này, không biết chị Hợi năm xưa ở đâu trong đám người tìm đánh mẹ con tôi kia nhỉ. Chị Hợi sau lần đó không thể sinh nở nữa. Chị bảo, tại chồng chị ham đi làm trong cái nhà máy độc hại kia mới thế. Hai vợ chồng dắt nhau bỏ làng đi bán hàng thuê trên cửa khẩu vài năm rồi lại về. Biết đâu, chị đã lại tiếp tục bỏ làng đi đâu đó xa rồi. Bởi vì, dù có tàn nhẫn đến mấy, chị cũng không thể cầm một thứ gì đánh giết tôi. Chị đã luôn cảm thấy có lỗi khi bắt tôi chứng kiến thảm cảnh máu me bê bết của mình năm nọ. Chị cũng đã không biết rằng, mỗi lúc yêu một người đàn ông nào đó, tôi lại nghĩ đến cảnh mình sẽ nằm trên cái vũng nước tanh hôi, lẫn cả phân tro và máu kia. Xa xa đám người hò hét, đốt lửa và chặn mọi ngõ ngách ra vào làng. Chắc thiếu nước đào xới đất lên tìm mẹ con tôi mà thôi.
Nơi này, vốn là bờ xôi ruộng mật của cả cái làng trù phú. Tuy không dư giả bạc tiền nhưng no ấm quanh năm. Khoai sắn, thóc lúa luôn sẵn, trâu bò lợn gà béo núc, rau quả đầy vườn. Người làng chẳng cần đi đâu kiếm cái ăn, mọi thứ đều làm ra. Nhưng rồi, đã có mầm mống tai họa đến, khi có người mang về làng những thứ của phố thị, đó là rượu ngon, thịt chế biễn sẵn, là hoa quả nước ngoài, là váy áo ăn chơi… Dần dần, người làng quên mất phải làm ra mọi thứ, họ đem đồ và tiền để đổi lấy các thú mới lạ. Gái làng bắt đầu xăm mắt, xăm môi, và những nơi khác trên cơ thể. Trai làng nhảy thâu đêm trong quán rượu. Có cả hít bóng cười, cười như ma cả đêm. Rồi cả đám đông quay cuồng trong váy áo, tiện nghi, sự hưởng lạc mới mẻ, bất tận trong cái vẻ “phì nhiêu giả tạo”. Trưởng làng hào hứng mở tiệc chiêu đãi tất cả mọi người, giới thiệu với cả làng vị giám đốc người nước ngoài sẽ về xây nhà máy tại đây. Cả làng được mời kí vào tờ giấy trắng khổ lớn. Mấy trăm chữ kí. Kí thì kí chứ có gì mà xoắn, họ bảo nhau vậy và kí. Kí để làm gì, có người hỏi thế lập tức bị túm tóc tống ra ngoài. Kí vào thể hiện sự đoàn kết, có vậy mà không hiểu. Rồi trưởng làng xây biệt thự, mua ô tô trong thời gian ngắn. Nhiều người ao ước giống trưởng làng. Ba tháng sau, nhà máy sản xuất hóa chất được khởi công xây dựng. Dân làng được thông báo dỡ bỏ cánh đồng khoai tây sắp thu hoạch lấy mặt bằng. Mọi người ớ ra. Tờ giấy có mấy trăm chữ kí trải ra giữa nhà văn hóa ngay lập tức. Rõ ràng đây, thỏa thuận hai bên cùng có lợi, xây nhà máy hóa chất, nhận người làng làm công nhân, người làng phải nhượng ruộng… chữ kí còn chưa ráo mực đây. Ơ, bọn tôi kí tờ giấy trắng mà, lừa đảo à. Vài tiếng người phẫn uất. Lập tức có người lạ vào dẫn họ ra ngoài. Số còn lại im thít. Trưởng làng hô tập hợp thành hàng nhận tiền đền bù. Từ chục triệu đến vài chục triệu, ai cũng cầm một nắm tiền. Mới thì háo hức, ra vẻ thích, sẽ mua sắm ti vi tủ lạnh, dàn karaoke cho vui, sau thì bỗng ngớ ra, từ nay mất ruộng thật à. Đây không phải trò đùa nhé, muốn giàu có thì phải biết hi sinh… tiếng trưởng làng oang oang. Đám người tự an ủi, thôi mất ruộng này còn ruộng khác. Họ mua sắm đồ điện tử, những thứ tiện nghi về nhà cho ăn nhập với thế giới hiện đại. Có người còn sống sang chảnh bằng cách uống sữa “anphalipit” để thanh lọc cơ thể chứ không ăn cơm gạo, rau củ quả của nhà làm ra nữa. Ruộng vườn thiếu sức sống bởi lòng người rời rạc. Nhà máy hóa chất khánh thành uy nghi che khuất cả tầm nhìn của làng, biển tên tiếng nước ngoài mạ vàng sáng lóa. Cả làng được mời dự tiệc khánh thành, cơm rượu no say. Khoảng trăm trai tráng khỏe mạnh vào nhà máy làm việc, đổi thân phận từ nông dân sang công nhân. Tôi sống xa nhà, trở về làng như đến nơi xa lạ. Bố mẹ và người thân bảo, thôi kệ đi, mình có nói cũng không giải quyết gì, xã huyện đều thống nhất thế. Với lại, trong thân phận “người bói bài”, ai sẽ tin tôi. Thật ra tôi là giáo viên dạy tiểu học miễn phí cho con em giáo dân trên thị trấn. Ở làng, người ta chỉ biết tôi đi quanh năm, thi thoảng bói bài cho người làng. Mỗi khi trải bộ bài Tarot 78 lá, 22 lá bài chính và 56 lá bài phụ, tâm hồn tôi đã thuộc về thế giới khác, tôi nhìn thấy quá khứ và tương lai khốn khổ của làng tôi. Cảm thấy có gì đó lụi tàn đang trùm lên nơi này. Những con người đẹp đẽ một thời bỗng biến đổi, không còn là người nữa… Mỗi nhóm 14 lá bài “Gậy”, “Tiền”, “Kiếm” “Cốc” của lá phụ (Minor Arcana) tùy theo sự xáo bài đã báo hiệu những tồi tệ khó lường. Người cuối cùng đến bói bài là chủ nhân ngôi nhà nhỏ trên đồi. Ông chủ bảo sau nhiều tháng làm việc trong nhà máy, giờ tao bị nhiều bệnh lắm, cô xem, liệu có chữa khỏi bệnh không. Tôi không thể trả lời. Động viên rằng, hãy tin vào sức mạnh của chính mình ông ạ.
Hai năm sau. Buổi họp dân làng đột xuất vì kiện tụng.
“Đền lúa cho tôi, nước thải nhà máy các ông làm chết lúa nhà tôi”- bà Tảo góa chồng gào lên rất thảm. “Bà yên tâm về đi, rồi chúng tôi sẽ khắc phục”. “Khắc phục cách gì, nhà tôi có mỗi chỗ này cấy lúa nữa thôi, mấy sào đất các ông xây nhà máy rồi, hu hu…”. “Bà cầm lấy, đủ đong thóc bằng hai lần cái ruộng của bà”… Hóa ra họ đưa tiền. Tuần nữa, cả cánh đồng gần đó lúa khô héo, chết rụi. Người người kéo lên ủy ban. Cán bộ giải thích hết cả hơi. Lại đền bù. “Nhà nước chủ trương thu hồi đất chỗ này làm đường vành đai, các ông bà hết thắc mắc”. Quả đúng thế, thời gian ngắn sau khu đất lúa trở thành đất công, phục vụ làm đường, xây kho bãi… Một vùng bát ngát thuộc về nhà máy. Lâu lâu, làng mất ngủ vì khí thải, cây cỏ gần khu đó lụi nhanh. Nhiều công nhân xin nghỉ việc bởi chứng đau đầu ù tai không rõ nguyên nhân. Gần đây, người làng như ăn phải thứ gì có độc, ai cũng nhao lên như phát cuồng. Họ thức thâu đêm chè chén, hát hò, nhảy múa, kêu khóc… Người đàn ông sống trên đồi mò đến cổng nhà máy hỏi cho ra lẽ. Nhưng không, vòng quanh nhà máy rào dây thép gai, cổng có người gác cẩn mật, họ không nói tiếng Việt. Ông lão quay về, ngồi thẫn thờ trong bóng đêm.

Minh họa: Trương Đình Dung
“Làng có quy hoạch di dời đi nơi khác”. “Đi đâu”? “Lên khu đất cách đây vài chục cây, sát thị trấn”. “Cái gì, bãi hoang đó á, trước là trại chăn nuôi và kho chứa thuốc trừ sâu, các ông không biết à”. “Họ sẽ thanh tẩy kĩ trước khi lập quy hoạch rồi”. “Thanh tẩy? Tôi không tin, bọn tôi đâu phải trẻ con”. “Còn không bằng trẻ con”. “Thế nghĩa là phải bỏ làng à? Bao đời sống ở đây, mồ mả cha ông, ruộng vườn…”. “Mồ mả di dời đi, sau này làng là khu công nghiệp”. “Này thì công nghiệp, chính mày và bọn xã đã bán đứng chúng tao, bán rẻ cái làng này, mày có nhìn thấy lũ trẻ con mới đẻ ra không hả? Đứa thì mờ mắt, đứa thì điếc tai… mày chết đi”. Tiếng cái xẻng đập mạnh vào đầu trưởng làng. Máu túa ra. Mọi người xô đến ầm ĩ. Tiếng còi xe cứu thương nhức óc…
Bố mẹ tôi đã rời làng từ trước đó lâu lâu. Ông bà mua một khoảnh rừng mãi trên miền núi, sống ẩn dật thanh đạm tuổi già, bỏ lại cái nhà cũ. Tôi thì chưa dễ từ bỏ nơi này. Tôi vẫn về làng. Nơi này giữ cả tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi. Trước khi độc thân tôi cũng từng có tình yêu với anh chàng họa sĩ của làng. Chàng thường vẽ tặng tôi đủ thứ. Nhưng rồi chàng đã theo gia đình âm thầm vượt biên, bỏ xác ở vùng biển xa xôi nào đó. Mộ gió của chàng còn trên đồi cây. Tôi thi thoảng vẫn trải những lá bài lên đó, trò chuyện với những gì đã qua. Và tôi không lấy chồng, không phải chưa quên chàng hay ghét đàn ông, mà thấy việc đó không cần thiết với mình. Tôi có hàng trăm đứa con nuôi từ các lớp học. Mỗi chủ nhật tôi dẫn chúng đến nhà thờ gặp Cha, hỏi Cha vài câu chuyện và tham gia buổi cầu nguyện với mọi người. Từ lúc nào đó, tôi bỗng nhẩm thuộc mười điều răn của Thiên Chúa trong kinh Cựu Ước, khi mà Người phán truyền cho ông Mô-sê. Mỗi lần về làng, trước khi rời đi, tôi đều qua ngôi nhà của ông lão trên đồi. “Tao sắp chết rồi, vùng đất này cũng sẽ chết” - lão rên lên như vậy. Tôi xáo bài, nổi lên lá bài báo hiệu sự lụi tàn. Tôi im lặng. Lão bảo, không hiểu sao cả đám cứ bị đồng tiền làm cho mê muội đi, những người ngày xưa ra sức bảo vệ làng giờ cũng vui vẻ nhận tiền, sống hưởng lạc rồi. Ông lão ngồi vò đầu bứt tóc, vứt cả nắm tóc xuống mặt đất, lấy chân chà lên rồi lầm bầm “có khi, tao sắp thành chó sói rồi, căn bệnh trong người tao quái ác lắm, tao biết, nó sẽ giết chết con người”…
Nhiều năm sau. Làng không còn rau quả, lúa khoai. Làng thành khối bê tông ép cứng. Tối tối đèn xanh đỏ nhấp nháy. Các con ngõ náo loạn bởi tiếng xe cộ gầm rú, tiếng hú hét của thanh niên, tiếng nhạc sàn nhảy to bất thường. Tất cả ruộng đồng đã thành dự án, quy hoạch mới… Chiều ấy, đột nhiên làng đón một đoàn người mặc quần áo bảo hộ trắng toát, đeo mặt nạ phòng độc đến lấy mẫu đất, nước, thức ăn, cây lá trong làng. Họ im lặng làm việc rồi lên xe đi. Cả làng bỗng chùng lại. Khuya, một người phát hiện ra toàn bộ nước ngầm trong làng đều chuyển màu đen và bốc khói.
Vậy là hỗn loạn. Nhất là khi nghe tin người ta sẽ cho làng sống cách biệt với dân cư bên ngoài một thời gian, để theo dõi và ghi chép mọi thứ liên quan đến những em bé mới ra đời. Chỉ trong một đêm, toàn bộ khu nhà máy rộng cả nghìn héc ta bỗng hoang phế như chưa từng có người. Không rõ giới chủ người ngoại quốc đã đi đâu.
Mẹ con tôi từ chối làm người, và trốn khỏi làng, dù đích thị, chúng tôi là con người. Tôi và đứa bé sẽ đợi, đến một lúc nào đó, có một nơi xứng đáng để lại làm người, từ bỏ chút phép thuật nhỏ bé. Tôi và nó vẫn đang đi tìm. Nhưng khi nào gặp nơi mình có thể làm người một cách tự do và hạnh phúc thì mẹ con tôi chưa biết được.
Đêm tối, hơi lạnh từ khe núi phả ra buốt cóng. Sương cuồn cuộn đùn lên. Đứa bé rúc chặt vào người tôi. Hai mẹ con dò dẫm bước vào hẻm đá. Sờ túi lấy cái bật lửa, vơ nắm lá, cành cây khô đốt lên. Thấy ánh lửa, đám dơi trong hang đập cánh bay loạn xạ. Mùi hôi xì từ lòng hang bốc lên. Tôi lấy lá cây lót trên nền hang, gỡ tấm vải bạt buộc ngang lưng trải xuống, đặt thằng bé nằm gần lửa. Mấy nắm cơm khô cứng. Tôi nhai và bón cho bé con. Khuôn mặt nó sáng dần lên. Nó có nét giống tôi, như là con đẻ của tôi vậy. Hình như phía sau màn sương mờ đục kia thấp thoáng cây thập giá của ngôi đền thờ Chúa. Lòng tôi bỗng ngân lên những tiếng chuông mỗi cuối chiều. Tôi thật ra có chút tiếc nuối thế giới mà mình vừa rời bỏ. Không hẳn tiếc mà rõ hơn là thương xót. Tôi gục mặt vào giữa hai đầu gối, mặc cho những giọt nước mặn chát nhỏ xuống. Nếu cha mẹ biết tôi đã có hành trình khác của mình biết đâu sẽ buồn. Nhưng tôi tin là không. Cha tôi hay nói, hành trình của ông bà đang về gần cát bụi, đã hoàn thành sứ mệnh trần gian, còn con cái, nhất là tôi, có con đường cho chính mình, hãy tự cứu lấy mình, vì cuộc đời rộng lớn, quỷ dữ cũng nhiều. Tôi mơ màng thiếp đi. Có mùi lá nguyệt quế cháy thơm thơm… Bàn tay một người đàn ông phả hơi ấm vào gáy tôi…
“Mẹ tôi đã có cuộc đời như vậy đấy. Cô có tin không, nhưng mẹ tôi không rõ đã đi đâu. Tôi tin mẹ tôi đã đến xứ được làm người hạnh phúc. Người ta kể, sớm hôm sau một nhóm thầy lang đi tìm cây thuốc chỉ thấy cậu bé nằm ngủ trong hang đá, nằm trên 72 lá bài Tarot, cạnh đó là con đười ươi khổng lồ và một đống lửa. Mẹ đã đi đâu đó không dấu vết. Người thì bảo mẹ trượt chân dưới suối khi tìm nước uống, người thì bảo bà đã đi rất xa. Kì lạ nhất là bức tượng Đức Mẹ trong ngôi đền từ đêm ấy luôn rực sáng suốt nhiều năm, cho đến bây giờ”. Người đàn ông nói như hát, giọng trầm buồn, ngân nga.
Hà Châu thấy bàng hoàng. Trong túi của cô, có đủ 72 cây bài Tarot. Và hình như cô đã gặp người mẹ kia ở đâu đó trong giấc mơ của mình. Cứ như chính bà mẹ đã là một kiếp sống của mình trong vòng luân hồi vậy. Một giấc mơ về thế giới không còn thù ghét. Cô dường như đã thiếp đi rất lâu bên thềm đá, sau cả ngày đi lạc trên vùng heo hút này. Mọi người chắc đã báo cơ quan chức năng để đi tìm Hà Châu. Không ai nghĩ ở điểm dừng cuối cùng, nơi có con đường cụt và cái thác lớn lại có nơi ở của con người. Hà Châu biết thêm một câu chuyện kì lạ. Bóng tối dần tan. Giấc mơ chập chờn về ngôi làng xa xôi nào đó đã hồi sinh đánh thức cô. Người đàn ông đã đi đun sữa nóng mời khách. Khi nãy, ông bỏ lửng câu trả lời có trở về làng xưa hay không.
Mặt trời lên. Trước mắt cô là một thung lũng đầy hoa dại yên bình. Câu chuyện người giữ đền chỉ tạm dừng ở đó. Cậu bé ngủ trong lòng người đàn bà chơi bài Tarot kia chính là ông lão trông coi đền thờ Chúa. Hà Châu nghĩ, có lẽ cần đặt cho xứ sở này một cái tên…
N.T.M.P
VNQD