Thợ săn

Thứ Hai, 10/02/2025 00:15

. HUY PHẠM
 

Quỳnh là mối tình đầu của tôi thời sinh viên, tôi cũng bạn trai đầu tiên của Quỳnh. Sau hai năm bên nhau, bọn tôi chia tay vào một buổi sáng mưa tầm tã trong quán cà phê vắng ngắt ở khu phố Hoa. Đó là quãng thời gian khó khăn của cuộc đời mà tôi phải trải qua như bao nhiêu người có mối tình tan vỡ khác. Nhưng tôi đau khổ hơn họ, bởi vì những lựa chọn của tôi quá hạn chế.

Có người tìm quên trong men rượu, có người trong khói thuốc, nhưng tôi không biết cả hai. Tôi ho sặc sụa trong lần hút đầu tiên và ói lênh láng bất kể rượu hay bia mà chưa kịp biết đến cảm giác say. Sau cùng, tôi đành tìm quên trong Coca Cola, bởi vì tôi chỉ thích uống mỗi thứ nước này. Tôi ngồi một mình trong quán cà phê, xây dựng hình ảnh thất tình phản cảm của mình bằng việc trầm ngâm bên li nước ngọt, cảm nhận vị cay nồng và những nhát kim chích đều trên đầu lưỡi, tưởng tượng đó là cơn đau khổ vật vã của mối tình đầu. Nhưng thật ra Coca cũng có chút tác dụng, đường làm tôi phấn chấn còn hơi gas giúp tôi tỉnh táo hơn sau những ngày buồn bã. Và đúng như khoa học nói, người ta cần quãng thời gian trung bình là hai năm để quên một mối tình, để cảm thấy hoàn toàn bình thường trước cảnh vật cũ, bài hát cũ, hình bóng cũ... Sau hơn bảy trăm ngày, trong hương nước ngọt cay nồng, tôi không còn nhớ gì nữa.

Minh hoạ: Thành Chương

Quỳnh và tôi học chung lớp, chia tay xong tôi tốt nghiệp đại học còn Quỳnh thì không. Thời hạn nộp bài tốt nghiệp là ngày cuối cùng trong tháng sáu, nhưng Quỳnh đã mang bài đến vào tháng sáu của một năm sau đó. Sở dĩ có việc chậm trễ này là vì Quỳnh ra Hà Nội và say nắng hai anh em sinh đôi người Bắc. Quỳnh mắt mũi kèm nhèm, tính tình cũng thoáng đạt nên sau khi không thể phân biệt được hai anh chàng giống nhau như đúc, Quỳnh quyết định say cả hai. Chuyện này diễn ra chóng vánh nhưng để lại hậu quả của một năm học đằng đẵng. Thật ra Quỳnh không cần phải hoàn thành đại học, bản tính Quỳnh chậm chạp, ít khi tuân theo một kỉ luật nào, khó thích nghi với việc đi làm. Để giải quyết khó khăn này, mẹ của Quỳnh, nữ doanh nhân giàu có và hãnh tiến, đã mở một công ty thiết kế riêng cho con gái cùng chàng rể mới. Hôm đám cưới Quỳnh tôi không đến dự, những người bạn trong lớp cứ nghĩ rằng tôi còn buồn bã hoặc đau khổ, nhưng thật ra tôi chỉ lười đi đến những bữa tiệc như vậy mà thôi. Đêm đó Quỳnh nhắn tin nói rằng đã rất mong chờ tôi ở đám cưới, còn tôi thực sự không thể hiểu nổi, chắc Quỳnh định nhờ tôi làm cô dâu phụ.

Chồng Quỳnh khá lớn tuổi, làm cùng công việc giống như bọn tôi, người theo Quỳnh miêu tả là hay dùng tên lửa diệt chuột. Thật ra anh này đã theo đuổi Quỳnh từ khi bọn tôi còn yêu nhau. Tôi vẫn nhớ một ngày cả lớp đang vẽ ngoài trời thì anh ấy đến, mang theo hai hộp cơm đầy ắp cho anh và Quỳnh, trong lúc tôi ngồi bên cạnh hít thở và dang tay quang hợp trong nắng cho đỡ đói...

Cho đến giờ tôi cũng không biết diễn tả về tình yêu đầu tiên của mình như thế nào. Có thể đó là một tình bạn vượt quá sự lãng mạn, một cơn say nắng dài, một buổi chiều lãng đãng, một khúc nhạc, một hợp âm. Tôi và Quỳnh vẫn giữ liên lạc tuy không thường xuyên. Sau khi Quỳnh lấy anh tên lửa, tôi cũng say mê với tình yêu khác cùng một sự nghiệp chỉ vừa mới bắt đầu. Tôi mang theo quá nhiều mơ ước ra khỏi trường đại học và tôi lại có quá ít thời gian để thực hiện. Có lúc tôi muốn trở thành người thiết kế xe, có lúc tôi muốn làm giám đốc sáng tạo, đôi khi tôi cũng muốn là một người lái taxi bình thường, công việc không cần đến mấy năm đại học vừa qua. Tôi từng nộp đơn xin làm người bưng bê tài giỏi của Hard Rock nhưng mặc dù đã nêu bật thế mạnh về đam mê âm nhạc và trình độ đại học của mình, tôi bị loại từ trước cả vòng gửi xe, thậm chí còn chưa dắt được xe vào trong. Những tháng ngày cuồng nhiệt đó không có Quỳnh. Tôi như một du khách với ba lô trĩu nặng trên lưng, hai tay quáng quàng những túi xách lỉnh kỉnh, bên trong chứa toàn mơ ước, khệ nệ di chuyển khắp nơi, tò mò khám phá mọi thứ.

Phải hơn năm sau khi tôi lười biếng không đến làm cô dâu phụ, vào một buổi tối, Quỳnh gọi khá muộn, hỏi tôi có thể chở Quỳnh đi một vòng hay không. Tôi đồng ý mà không suy nghĩ gì. Từ nhà tôi đến nhà Quỳnh khá xa, hai đầu của thành phố. Bình thường khi tôi đón Quỳnh, lúc nào cũng phải chờ rất lâu, tưởng chừng sẽ được gặp một cô gái trang điểm lộng lẫy, áo quần xúng xính. Rồi Quỳnh từ từ bước ra, chầm chậm nhìn bên trái, bên phải, mặt ngái ngủ đờ đẫn, quần áo bình thường y như tôi - đó là những năm trước. Lần này Quỳnh đứng sẵn trước cửa, tóc dài buông xuống hai bên cổ điển như hồi đại học, mắt mở to nhìn thẳng vào tôi như một đứa bé đang chờ kẹo. Tôi chở Quỳnh đi trong ánh đèn vàng mờ ảo của một thành phố buồn ngủ, tôi cũng buồn ngủ. Quỳnh hỏi có thể ôm tôi được không rồi không chờ tôi trả lời, đã vòng tay từ phía sau, gục đầu lên lưng tôi khóc tấm tức. Tôi không hỏi, cũng không an ủi, đầu óc lười biếng chẳng có suy nghĩ nào. Lát sau Quỳnh sụt sịt nói: “Quỳnh là một người thất bại”. Tôi chờ đợi sau câu nói đó sẽ là một vỡ òa sù sụ đầy khó khăn nhưng Quỳnh im bặt. Tôi cũng nhẹ cả người. Tôi cứ chạy như thế khoảng nửa tiếng thì quyết định quay lại đưa Quỳnh về nhà, bởi vì việc chạy vòng quanh này làm tôi buồn ngủ rũ rượi. Quỳnh không muốn vào nhà cứ bám chặt lấy xe, nhưng tôi cương quyết bước thẳng đến bấm chuông cửa. Khi trong nhà thấp thoáng bóng người thì Quỳnh hiểu rằng không thể làm gì được nữa.

Tôi thong thả ra về, lúc này tôi lại tỉnh hẳn. Tôi có chút ngạc nhiên vì những gì vừa xảy ra. Ngạc nhiên về Quỳnh thì ít còn về tôi thì nhiều. Tôi đã hành động đúng như bản năng nghĩa hiệp của mình, không hỏi han, cũng không an ủi, hoàn toàn bình thường với những thất bại hay đau khổ của Quỳnh. Tôi rong ruổi trên đường phố hôm đó như một người có trách nhiệm làm chỗ tựa cho cô bạn đang đau khổ buồn bã, tôi cũng không cần biết nỗi buồn đó là gì. Mọi thứ đã xong từ rất lâu và đóng lại vĩnh viễn. Dù cho hôm nay không phải là Quỳnh, tôi vẫn đến và chở bất kì ai đi một vòng thành phố, lắng nghe đau khổ của họ, cho họ một lựa chọn, không bàn luận, không tò mò, không phán xét...

*

*         *

Tôi không bao giờ chủ động liên lạc với Quỳnh, không phải vì lí do này hay lí do kia, nguyên nhân duy nhất tôi là tôi quên, tôi có những dự định và mục tiêu để theo đuổi. Cuộc sống của Quỳnh hoàn toàn khác, công ty mà Quỳnh và anh tên lửa mở ra cũng không còn, đó là thời điểm các tập đoàn quảng cáo lớn phát triển rực rỡ, không có chút cơ hội cho những doanh nghiệp gia đình ít kinh nghiệm. Lúc này, Quỳnh dần tiếp quản công việc kinh doanh của mẹ, doanh nhân hãnh tiến ngày trước nay thấm mệt...

Sau lần vòng vòng thành phố, Quỳnh có gọi cho tôi lần nữa, lần này bọn tôi uống rượu với nhau. Nhiều năm trôi qua, tôi đã biết uống rượu nhưng không còn cơ hội thất tình. Quỳnh đi cùng bạn trai mới, một thanh niên kém Quỳnh nhiều tuổi. Suốt buổi tối, tôi và Quỳnh nói chuyện với nhau về đủ mọi thứ trên đời mà quên đi sự có mặt của anh bạn kia. Sau đó là một cơn say ghê gớm đến nỗi mặc dù vẫn rửa mặt, khoá cửa cẩn thận khi đi ngủ, tôi thức dậy với ba lô còn đeo trên lưng.

Tiếp đến ngày tháng trôi đi vùn vụt. Có thời điểm tôi cũng lạc lối trong những ảo vọng của chính mình. Nhưng điều đó vẫn không cho tôi cảm giác chán chường bằng buổi tối tôi đến tiệc sinh nhật của người bạn, đó là quán bia Đức nổi tiếng trong thành phố. Mọi người sắp xếp cho tôi một chỗ ngồi dở tệ, trước mặt là cô gái không quen biết với chiếc áo trễ sâu, phô bày trong tầm mắt tôi cả bộ ngực phúc hậu. Nếu tôi tế nhị nhìn quá hơn một chút, phía trên bậc tam cấp xa xa kia là bàn của vợ chồng Quỳnh. Quỳnh ngồi ngay ngắn, gương mặt không chút cảm xúc còn anh diệt chuột im lìm buồn bã bên li bia nhợt nhạt, không ai nói với ai câu nào. Sau một lúc, tôi cũng không biết nên nhìn vào bộ ngực phúc hậu hay khung cảnh đôi bạn đời già nua mệt mỏi kia. Có khoảng lặng rất lớn giữa hai người, đến nỗi tôi nghĩ rằng họ sẽ rất tự nhiên và hạnh phúc nếu người còn lại bỗng nhiên chui xuống gầm bàn. Vì vậy thật kì lạ khi có một áp lực nào đó khiến vợ chồng Quỳnh phải đi uống bia với nhau trong buổi tối cuối tuần.

Theo tính toán của tôi, không cách nào tránh mặt Quỳnh được. Họ ngồi ở vị trí khá hiểm, nên đúng vào thời điểm sắp nhịn hết nổi, tôi đi ngang hai người, cười thân mật xã giao rồi chạy vội vào nhà vệ sinh như một cơn gió. Lúc quay ra, Quỳnh và chồng vồn vã chào đón như thể tôi vừa bước xuống máy bay, một người thân đi xa trong gia đình, cô dâu phụ lâu ngày gặp lại sau đám cưới. Tôi ngồi với vợ chồng Quỳnh một lúc, trong những câu chuyện rôm rả về công việc, phim ảnh, nghệ thuật... Lúc này, bầu không khí bỗng nhiên tràn đầy năng lượng, mới mẻ, đầy ắp niềm vui mà sau khi tôi rời đi, đã để lại khoảng trống còn lớn hơn lúc trước, bên hai li bia ngả màu không thể nào cạn nổi. Tôi trở về bàn mình, lâu lâu vẫn thấy họ phía xa chìm dần vào im lặng, mệt mỏi như thể đã sống hàng trăm năm, mãi không ai chịu chui xuống gầm bàn để mang lại cho người kia chút thoải mái. Cứ như thế, họ ngồi bất động kiểu hai bức tượng đồng suy tư. Tôi ngại ngùng tiếp chuyện bộ ngực phúc hậu của mình. Một lúc sau cả hai người biến mất lúc nào không rõ.

Trên đường về nhà tôi nghĩ về buổi gặp gỡ kì dị đó, ánh mắt xa xăm của Quỳnh và năng lượng tràn trề của hai người khi tôi đến. Như thể cả hai đã nhầm lẫn, họ muốn cưới tôi thay vì cưới nhau suốt mấy năm trời. Lúc xe quẹo phải vào cư xá yên tĩnh quen thuộc, tôi cảm giác như mình đã rũ bỏ được mọi gánh nặng, cắt đứt với tất cả, cuộc sống ồn ào của thành phố, buổi tiệc nhàm chán và những ngổn ngang của cô gái tôi từng yêu.

Hơn tháng sau tôi gặp lại chồng Quỳnh cũng trong quán bia Đức hôm nào, với một cô gái khác. Chồng Quỳnh dùng bàn tay to tướng che mặt khi tôi đi ngang. Tôi tự hỏi tại sao người đàn ông điên rồ này cứ phải ngồi trên cửa ngõ duy nhất đến nhà vệ sinh thì mới chịu.

Thi thoảng Quỳnh vẫn gọi điện và tôi lắng nghe những nỗi niềm của Quỳnh rất lâu. Tôi có cảm giác Quỳnh cũng không cần tôi hỏi han hay an ủi nên thường tôi im lặng suốt. Sau khi Quỳnh tắt máy, tôi không thể hình dung hay tóm gọn được những buồn bã đó là gì, dường như bọn tôi đã quá khác nhau, đến nỗi khi nói cùng một ngôn ngữ thì người này vẫn không cách nào làm cho người kia hiểu được. Trong cơn vật vã của Quỳnh, có lúc tôi đã định hỏi lại: “Đó thật ra là chuyện gì?”. Nhưng tôi ngăn mình làm thế và trên thực tế, lắng nghe là điều tốt nhất tôi có thể làm rồi. Dường như có hai tính cách bên trong Quỳnh, một tươi tắn vui vẻ với tất cả mọi người ban ngày và một phiên bản u uất đen tối với riêng tôi ban đêm, trong những cuộc gọi kéo dài. Đôi khi, số của Quỳnh hiện lên màn hình và đó dường như là một gánh nặng. Có lúc tôi vờ như không nghe thấy nữa. Dù vậy tôi luôn biết nội dung sẽ là gì, có thể những chi tiết ở những lần khác nhau thay đổi, nhưng tất cả nguyên nhân và mọi cảm xúc đều được giữ nguyên, đó là những thứ không thể nào nắm bắt được.

*

*         *

Tôi không cố gạt Quỳnh ra khỏi đời sống của mình. Nhưng những bận rộn của tôi không còn chỗ cho Quỳnh nữa. Ba tôi bệnh nặng, tôi chăm sóc ông nhiều năm trời với một nỗ lực chưa từng có và sau cùng, tôi chấp nhận rằng lần này ông không thể qua khỏi. Những mùa bấn loạn trôi qua trong buồn bã, khi tôi phải chứng kiến mọi việc tệ đi từng ngày, đếm số thời gian ít ỏi còn lại. Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ trên đời, những việc cần phải làm hay cần nói với ba tôi, nhưng tôi chưa từng chuẩn bị cho cái chết. Tôi thức nhiều đêm dài đằng đẵng bên giường ông để chờ xem điều tồi tệ tiếp theo là gì, rệu rã trong buổi sáng hôm sau đến văn phòng và trên thực tế tôi không thể hoàn thành nổi bất cứ công việc nào. Suốt thời gian đó, niềm vui duy nhất của tôi chỉ là con đường từ công ty về đến cư xá. Tôi chạy xe thật chậm, nhìn mặt trời lặn phía sau cầu Sài Gòn, cảm thấy làn gió mát từ phía sông thổi lên, tạm quên đi những ưu phiền đang chờ mình phía trước, cách tôi vài kilomet. Khi quãng đường càng ngắn lại, tôi càng cảm nhận rõ ràng sự tuyệt vọng đang lớn dần thầm lặng bên trong…

Cơn hấp hối của ba tôi kéo dài trong nhiều ngày. Một trong những ngày đó, Quỳnh gọi đến bằng một số lạ lẫm vào giữa khuya. Có khoảng lặng nhỏ khi hai bên nhận ra nhau, sau đó là vô số nỗi niềm quen thuộc. Tôi nói thẳng với Quỳnh tôi không thể nghe điện thoại và tôi cũng không muốn nghe điện thoại. Tôi không tiện nói về hoàn cảnh của mình nhưng tôi cố gắng giải thích cho Quỳnh hiểu rằng ai cũng đều phải trải qua những giai đoạn thăng trầm trong cuộc sống và Quỳnh chỉ là một người trong số đó. Còn tôi, tôi đang ở trong thời khắc khó khăn nhất của mình. Tất cả những điều này rất bình thường, tôi nghĩ rằng mọi người có thể hiểu được dễ dàng, giống như mình lớn lên và đành phải nếm trải thất bại, thành công, buồn vui hay hạnh phúc. Nhưng Quỳnh không hiểu, Quỳnh quen nói về đau khổ của mình hơn là hiểu về người khác. Sau cùng, sự kiên nhẫn của tôi đã đến giới hạn. Tôi tắt máy trong lúc bên kia vẫn đang kể lể dài dòng.

Rồi đám tang của ba tôi qua đi, bấn loạn và tuyệt vọng cũng qua đi, tôi có lại những ngày tưởng như bình thường nhưng không thể bình thường được nữa. Sau mỗi giấc ngủ dài tôi thức dậy với cảm giác trống rỗng và hụt hẫng kì lạ. Tôi quá quen với việc chăm sóc một người nên giờ đây buổi chiều ra khỏi văn phòng, tôi lang thang trên đường phố mà không biết phải làm gì, cảm giác như mình đang ở một đất nước xa lạ. Việc nhìn vào căn phòng trống rỗng của ông cũng gây ra cho tôi cơn bối rối kéo dài. Đó không hẳn là nỗi đau khủng khiếp như sách vở từng miêu tả, tôi hiểu rằng ai rồi cũng phải chết, nhưng đó là một nỗi buồn nhè nhẹ dai dẳng khi không còn có thể nhìn thấy vài điều quen thuộc. Một cảm giác mất mát chính bản thân mình sau quá nhiều biến cố và những cố gắng không có kết quả.

Nên mấy tháng sau tôi dọn ra ngoài, trong một căn hộ nhỏ cách xa nhà cũ. Ở đây tôi tìm thấy niềm vui bình thường mới. Tôi chạy bộ, lang thang, khám phá con đường và dòng sông uốn khúc xung quanh khu nhà. Những ngày cuối tuần thật sự là lễ hội, khi tôi nằm dài trên bãi cỏ cả buổi chiều hoặc lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, bia bọt với những nhóm bạn khác nhau cho đến lúc say khướt. Ngay cả việc nấu nướng cũng là một trải nghiệm mới mẻ dù tỉ lệ thành công của tôi không cao. Có nhiều ngày, tôi phải đau khổ ăn hết những thứ do chính mình làm ra. Đó là khoảng thời gian đẹp, khi tôi nhìn thấy mọi thứ lung linh hơn những gì tôi từng biết. Thậm chí, tôi đã bất ngờ và khâm phục khả năng của cái tủ lạnh, vài điều kì diệu mát mẻ mà tủ lạnh làm được còn tủ quần áo thì không. Tôi ngạc nhiên trước sự giống nhau lạ thường của bí và bầu, đến nỗi tôi không biết những thứ trước kia tôi thường ăn ở nhà là bí hay bầu nữa. Hoặc cái đuôi heo ở mỗi thời đại dài ngắn khác nhau. Khi tôi còn nhỏ, đuôi một con heo sẽ dài, nhỏ dần lại, cong lên ở phía dưới cùng. Còn ngày nay, đuôi heo đại khái như đuôi vịt, ngắn ngủn, bè ra, chỉ khác ở việc đuôi heo người bán sẽ gọi là “đuôi heo”, còn đuôi vịt thì người ta gọi là “phao câu”. Tất cả những điều đó là khám phá vĩ đại mà nếu không dọn ra ngoài sống một mình tôi không bao giờ biết đến…

*

*         *

Một buổi tối, tôi ngồi lại văn phòng khá muộn. Tôi không có việc để làm, chỉ vì tôi lười biếng và cứ thế trượt dài trên Facebook, chờ đợi một điều kì diệu lôi mình khỏi trạng thái mệt mỏi chán chường. Quỳnh lại gọi đến. Bình thường, Quỳnh luôn bắt đầu bằng một kiểu thỏ thẻ đặc trưng nhưng lần này gấp gáp hơn và có chút thổn thức. Quỳnh nói Quỳnh không biết phải gọi cho ai, Quỳnh chỉ nghĩ đến tôi. Quỳnh đang ở trong một khách sạn, bị đánh ghen, bị cắt tóc và rất sợ hãi. Tôi bối rối trước một tình huống như thế này, đến nỗi lúc đầu tôi nghe nhầm Quỳnh nhờ tôi đi đánh ghen và tôi đã nghĩ ngay đến việc Quỳnh sẽ mượn dép mình. Phải mấy giây sau tôi mới kịp hiểu ra mọi thứ. Tôi khuyên Quỳnh nên đi về, vì nếu chưa có chuyện gì xảy ra mới cần phải sợ nhưng đã bị đánh, bị cắt tóc rồi thì xem như xong, kết thúc, có thể thoải mái ra về. Nhưng Quỳnh nói những người đó vẫn còn ở trước khách sạn và Quỳnh không thể ra ngoài. Tôi cảm thấy chút kì quặc, có một sự thù hằn ghê gớm nào đến nỗi sau những thứ Quỳnh vừa kể mà phía bên kia vẫn chưa nguôi ngoai, vẫn chưa muốn dừng lại. Nhưng tôi cũng không thể bỏ mặc Quỳnh. Điều duy nhất làm tôi chán ngán là trong tất cả sự việc kinh khủng mà những người đàn bà này gây ra, cũng chỉ vì một người đàn ông, nhưng người đàn ông - nhân vật chính đó - không bao giờ xuất hiện hoặc đóng bất cứ một vai trò mờ nhạt nào. Tôi tự hỏi anh ta đang ở đâu và làm gì lúc này? Vừa rồi trong khách sạn anh ta đã làm gì?

Quỳnh cho tôi địa chỉ khách sạn, tôi đón Quỳnh trên một chiếc taxi và mọi thứ diễn ra nhanh đến nỗi tôi không kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi ngồi ngang Quỳnh ở ghế sau, im lặng một lúc lâu, không nhìn Quỳnh, cũng không muốn hỏi han gì. Tôi đề nghị xe chở Quỳnh về nhà nhưng Quỳnh không muốn gia đình nhìn thấy tình cảnh này. Tôi nói sẽ tìm cho Quỳnh một khách sạn khác, Quỳnh từ chối. Có vẻ Quỳnh còn hoảng loạn và sợ phải ở một mình. Tôi đành đưa Quỳnh về nhà.

Xe dừng trước cổng, tôi cùng Quỳnh băng qua một khoảng sân lớn. Trong ánh đèn vàng tù mù, tôi liếc nhìn Quỳnh. Ai đó đã cho Quỳnh một cái mũ lưỡi trai, có thể là nhân viên khách sạn, quần áo Quỳnh vẫn tươm tất chứ không bị xé nát tả tơi như tôi tưởng tượng. Chắc chỉ là một vụ đánh ghen lịch sự. Nhưng khi vào đến nhà, ngồi đối diện nhau, tôi choáng váng trước một hình ảnh mới mẻ. Cô gái mà tôi từng yêu vẫn tóc dài buông xuống hai bên như trước, nhưng thưa thớt xơ xác, toàn bộ đỉnh đầu đã bị cắt trụi sát tận da, chỉ chừa xung quanh gần hai bên tai. Tay có vài vết bầm nhưng tôi nghĩ ngoài việc dung mạo quái gở thì Quỳnh vẫn khoẻ. Tôi đã cố nhịn cười vì cái đầu mới của Quỳnh nhưng không thể nên tôi cố gắng biến nó thành một nụ cười nhẹ xã giao sau lâu ngày gặp gỡ và suýt nữa đã phì ra.

Quỳnh rửa mặt xong liền lôi trong túi xách ra một chai rượu, ngửa cổ lên trời tu ồng ộc. Tôi choáng váng đứng dậy giằng lấy cái chai, đi thẳng vào nhà vệ sinh đóng cửa, đổ hết vào bồn cầu, dội nước. Quỳnh bên ngoài tiếc rẻ la oai oái nhưng tôi không quan tâm. Mùi rượu bốc lên thơm ngào ngạt. Đó là một chai Chivas 25 với thiết kế cổ điển hoàn hảo, cổ mạ vàng và nút chai đóng mở nhẹ nhàng nhưng kín mít. Chai rượu sau này được một người bạn xin về đựng nước mắm, đó là một ý tưởng tuyệt vời. Quỳnh hỏi tôi có biết chai rượu đó quý thế nào không, nhưng tôi giải thích cho Quỳnh biết trong nhà tôi không uống rượu bằng cách này. Bia rượu để thưởng thức, việc tu ào ào trông rất phản cảm nên việc tôi đổ đi là bình thường. Quỳnh không cãi lại, đi ra ban công đứng nhìn xuống đất rất lâu. Giờ thì tôi lại không biết phải xử trí như thế nào, tôi ngồi trên sofa, tưởng tượng đêm sẽ còn rất dài. Lúc sau Quỳnh quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi như thể tôi chính là người vừa cắt trụi tóc Quỳnh:

- Sao người ta lại đối xử như vậy với Quỳnh?

Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Người ta cũng hỏi tại sao Quỳnh lại làm như vậy với chồng người ta.

Quỳnh gào lên với tôi tức tối:

- Lúc chồng Quỳnh đi với người khác Quỳnh cũng đâu làm như vậy?

Tôi cố gắng kiên nhẫn:

- Không làm thì tốt, nhưng mình cũng không thể bắt người khác cư xử như mình. Rất nhiều người sẽ làm như thế và mình cũng phải hiểu chuyện mình làm với chồng người ta chưa hẳn là đúng.

Quỳnh lại hỏi:

- Nhưng mà làm như vậy để làm gì?

Lần này thì tôi im, tôi thật sự cũng không rõ. Có thể đó là đam mê của những người phụ nữ, họ phải làm điều gì đó để thỏa mãn cơn điên dại bên trong, tôi làm sao biết được. Tôi ngồi lắng nghe Quỳnh kể lể. Người đàn ông kia là bạn thời trung học của Quỳnh, hai người gặp lại nhau trong lần họp lớp, và cứ thế họ tạo ra một cuộc phiêu lưu hơn năm trời thì bị phát hiện. Tôi hỏi Quỳnh anh ta ở đâu tối nay, Quỳnh nhìn xa xăm rồi đáp: - Anh đó phải về xử lí việc gia đình. Tôi định hỏi tại sao xử lí rồi mà vẫn be bét như thế nhưng tôi thấy mình hoàn toàn chán ngán trước sự việc này nên chỉ ngồi nhìn Quỳnh, nhìn lại những năm tháng xa xưa cũ kĩ, nhìn những đổi thay của người đối diện và các nếp nhăn ngày càng rõ ràng xung quanh đang kéo hai mắt Quỳnh trũng sâu, chìm xuống. Đêm dần khuya, tôi chỉ muốn đi ngủ, nhưng Quỳnh thì không. Quỳnh uống hết số bia tôi còn trong tủ lạnh, lè nhè những câu hỏi và những dằn vặt mà tôi hoàn toàn xa lạ. Quỳnh đòi nghe nhạc, đổi nhạc, uống thêm bia... Sau cùng, khi tôi nhận ra rằng mình đang hối hận và quá mệt mỏi thì Quỳnh đã kịp làm cho ngôi nhà nặng trĩu một không khí u uất, một sự trì trệ bế tắc đến nỗi sau khi vào phòng, bỏ mặc Quỳnh với những câu hỏi hóc búa, khóa cửa lại và nằm xuống, tôi vẫn không thể ngủ được.

Sáng sau, tôi dậy muộn hơn bình thường, còn Quỳnh đã thức từ lâu. Quỳnh hỏi tôi có thể cho Quỳnh ở thêm vài hôm, hoặc thuê nhà của tôi không nhưng tôi từ chối. Quỳnh không thể trốn tránh cho đến khi tóc dài lại được, tôi khuyên Quỳnh nên về nhà. Cuối cùng Quỳnh đồng ý, tôi tiễn Quỳnh ra taxi rồi đi làm. Nắng của buổi sáng thật đẹp. Cuối cùng, tôi đã chấm dứt câu chuyện kì quái tưởng như kéo dài vô tận kia.

Tôi hoàn toàn quên mất những rắc rối khó hiểu của đêm đó sau vài ngày. Dù sao, không phải câu chuyện của tôi, tôi là nhân vật rất phụ, tên lính cầm khiên trong vở kịch ngắn ngủi. Mọi thứ giống như một tai nạn nhỏ, một vết xước tầm thường, cơn mưa không đúng lúc. Nhưng tôi nghĩ với Quỳnh thì khác. Chắc hẳn Quỳnh đã phải nghĩ rất nhiều mỗi ngày khi nhìn mình trong gương, khi chờ đợi những sợi tóc mới dài ra che lấp các vết cắt hỗn loạn cũ.

Rồi đúng ba trăm sáu mươi lăm ngày sau, Quỳnh gọi điện vào buổi sáng, bằng một giọng tươi vui trong trẻo, Quỳnh hỏi tôi có nhớ chuyện gì năm trước không và tôi ngớ người ra. Quỳnh cám ơn tôi vì tối hôm đó, nhân tiện tặng tôi cây đàn dương cầm áp tường của Quỳnh, thứ mà tôi chưa có trong nhà, mời tôi đi ăn tối để mừng mọi thứ trở về như cũ. Tôi từ chối tất cả. Tôi hỏi Quỳnh tóc tai dạo này ra sao rồi cả hai cười vui vẻ. Hẳn là Quỳnh đã hoàn toàn bình phục. Đó gần như lần cuối cùng tôi nói chuyện với Quỳnh.

Sau này tôi gặp Quỳnh vào một buổi tối khác, ủ rũ trong quán ăn với người đàn ông mới. Quỳnh không thấy tôi và tôi cũng không chào. Tôi nhìn Quỳnh từ đằng xa, từ phía sau. Một hình bóng vừa xa lạ vừa quen thuộc, đến nỗi tôi nhầm lẫn với lần đầu tiên gặp Quỳnh trong hành lang trường đại học. Khi Quỳnh ra về, bước bên cạnh người đàn ông kia, bỗng trong phút chốc ngắn ngủi, một tia sáng lóe lên, một ánh chớp tường tận. Tôi nhận ra một điều mà mình từng ngờ ngợ nhưng đã phải mất rất lâu mới có thể hiểu rõ ràng mạch lạc như lúc này. Quỳnh đang đi bằng những bước đi gọn gàng, chắc chắn, đầy đam mê của một người chuyên nghiệp, một tay thợ săn lão luyện từng trải.

Những người khác nhau sẽ tìm kiếm những điều khác nhau trong đời. Có thể là tiền bạc, danh vọng, tình ái, quyền lực... Quỳnh tìm nỗi buồn. Quỳnh sẽ xới tung mọi thứ lên để thấy bằng được nỗi buồn mà Quỳnh mong muốn. Hết nỗi buồn kiểu này rồi đến nỗi buồn kiểu khác. Còn tôi, có thể tôi tìm niềm vui, nhưng tôi chỉ là một người bình thường, nhàm chán và non nớt. Tôi hụt hẫng sau đám tang của ba tôi dù tôi biết việc đó chắc chắn phải đến. Tôi loay hoay rất lâu để lấy lại sự cân bằng cần thiết cho mình. Đó là một quá trình nặng nhọc. Nhưng Quỳnh khác tôi, Quỳnh tìm được chính mình trong những cuộc nghiêng ngả đó, tìm thấy ý nghĩa, thấy nguồn năng lượng mới mẻ để tồn tại. Một kiểu lí lẽ tất yếu. Cứ như thế Quỳnh cố chìm sâu vào trong, hít thở, đắm mình với những cơn quay quắt hàng ngày, hàng đêm. Trước khi mọi thứ dần trở nên bình thường, Quỳnh sẽ từ từ nghiêng đi, như một cánh én lao vun vút về phía trước, lượn vòng qua ngày tháng, lên cao rồi xuống thấp, cố tránh những bình thản tầm thường trước mặt, mở to mắt dõi nhìn về phía chân trời hun hút đằng xa, săn đuổi một cuộc chênh vênh hoàn toàn mới, không cho chính mình lấy một phút nghỉ ngơi…

H.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)