Tập thơ Dắt nhau về cũ của Lữ Mai không đơn thuần là hành trình ngược về với những địa danh trải dài khắp mọi miền đất nước. Đó là cuộc hồi cố thiêng liêng trong tâm tưởng, nơi những vỉa tầng kí ức, văn hóa, lịch sử và linh hồn dân tộc được đánh thức bằng giọng thơ vừa cổ điển vừa hiện đại, nơi có sự tự tôn bản sắc mạnh mẽ nhưng cũng thấm thía một cách tinh tế. Tổ quốc trong thi tập này không phải là bản đồ địa lí mà là kí ức sống động trong từng hạt phù sa, dấu rêu, tiếng khèn, tiếng trống đồng, giấc mơ nham thạch hay sắc nước mỗi dòng sông...

Tập thơ "Dắt nhau về cũ", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025.
Một bản đồ cảm xúc
Đi dọc dài đất nước, từ các tỉnh duyên hải đến cao nguyên, từ những địa danh quen thuộc đến những nơi còn ít được nhắc đến hay ẩn khuất đâu đó giữa những cái tên xa xôi và gần gụi, nhưng quan trọng hơn, Dắt nhau về cũ là một tấm bản đồ của cảm xúc. Đó là cảm xúc của người viết trước những tên đất tên vùng với chiều sâu của văn hóa, chiều dài của lịch sử và những điều không gì đo đếm được của tình đất tình người. Thơ Lữ Mai đã khắc họa "cái không đo đếm được" ấy bằng cảm nhận đặc sắc, bằng dấu thơ qua những vùng miền. Những địa danh hiện lên không phải như chấm điểm trên bản đồ hành chính, đó là những mạch sống riêng: An Giang với điên điển vàng cơn mộng, Điện Biên lưỡi lê găm xuống ngực đồi, Quảng Trị mọi giấc mơ đều vướng mảnh xương trồi, hay Hà Nội tường vàng bong tróc/ vết nứt vươn nhành hồi tưởng rưng rưng. Thơ chị khắc sâu thêm vẻ đẹp, tập quán, linh hồn của từng vùng đất. Những hình ảnh cụ thể như mái ngói, khói bếp, nụ cười trầu cay, lúa trổ, bờ đê, bậc đá lên đền… đã trở thành biểu tượng của những phận người, những cội nguồn, những nỗi đau, tình yêu thương thầm lặng và cả sự linh thiêng của từng địa danh.
Bản đồ cảm xúc ở thi tập này mang tính kí ức và bản thể của người cầm bút. Nhưng cũng ở đó ta thấy sự tinh lọc từ dấu ấn của căn tính cộng đồng. Lữ Mai đã chắt lọc những biểu tượng tinh hoa của cộng đồng trong thẳm sâu dòng máu dân gian người Việt để tạo tác nên dấu thơ riêng. Ở đây, cảm xúc không đơn thuần là lãng mạn, nhớ thương, mà là cảm xúc gắn liền với căn tính, với trải nghiệm lịch sử, với sinh tồn, với lời ru, với thân phận. Mỗi bài thơ là một địa danh, nhưng cũng là một địa tầng của cảm xúc. Quảng Trị "chảy bằng tiếng gọi" với sông Hiền Lương chia đôi nỗi đau và khát vọng thống nhất. Khánh Hòa “cùng ngày xanh lại” với không gian biển đảo chan chứa bóng cha, gợi xúc cảm hi sinh âm thầm nhưng ngời sáng, như vỏ sò dịu dàng trong tay trẻ nhỏ. Quảng Bình “gấp trong áo trận” là nỗi đau là hình ảnh xúc động của một bản thể chịu thương tổn vì đất nước, nơi “vệt bom bi vừa kịp nở hoa”...
Những mạch cảm xúc sâu xa đã liên kết và nâng đỡ cả tập thơ để dù mỗi bài thơ viết về mỗi vùng đất khác nhau nhưng trong sự phân mảnh ấy bạn đọc vẫn thấy được sự xuyên suốt, nối liền. Đó chính là mạch đất không thể tách rời giữa những vùng miền Tổ quốc. Như núi đồi, sông suối, rừng biển vẫn đang neo chặt, hòa quyện vào nhau để làm nên một khối giang sơn vững bền. Đó chính là mạch ngầm của văn hóa của tình người đã được đan cài, đã xoắn quyện keo sơn. Và trong thơ Lữ Mai, mỗi vùng đất làm nên mỗi mạch dẫn để hòa vào nhịp đập chung của Tổ quốc thiêng liêng: Mạch trà (Thái Nguyên), Mạch rồng (Thanh Hóa)...
Bản đồ cảm xúc trong Dắt nhau về cũ chính là bản đồ của kí ức dân tộc, bản đồ của những miền thương nhớ, bản đồ của căn tính Việt Nam được vẽ nên bằng thi ca và tâm hồn. Lữ Mai không đơn thuần làm một chuyến đi trên dọc dài đất nước, mà chuyến đi quan trọng hơn là chị đi vào trong lòng mình, nơi chị tiếp nhận dòng chảy lịch sử, nơi chị yêu xứ sở mình như máu thịt, nơi chị tin rằng mỗi khoảnh khắc sự sống vẫn đang nối tiếp bất tận dù có những đổi thay, có những mai một.

Tập thơ "Dắt nhau về cũ" có phụ bản là những bức tranh của họa sĩ Trương Văn Ngọc.
Cổ điển và hiện đại
Dắt nhau về cũ là hành trình xuyên thời gian, không gian, tâm thức. Nhưng đặc sắc hơn, nghệ thuật ngôn ngữ trong tập thơ mới thực sự là chiếc chìa khóa mở ra chiều sâu. Lữ Mai dùng nhiều biện pháp liên tưởng, ẩn dụ và biểu tượng quen thuộc gợi về những vùng đất: lá cọ che mưa không che nỗi nhớ; sóng chẳng ru mà đánh động con người; con dông bò qua quẫy đuôi nghệch ngoạc/ họa vào bóng dáng người xưa; hay đôi tay thợ sớm tinh khôi/ chắt từng ánh lửa cho đời tịnh tâm.
Dấu ấn cổ điển trong thi tập này góp phần làm sâu thêm lớp trầm tích vốn có của mỗi vùng đất. Cũng qua đó Lữ Mai cho thấy sự thấu hiểu và sâu sắc của mình. Những chất liệu văn hóa dân gian và truyền thống lịch sử chính là nền tảng để nhà thơ bước đi vững chãi trên con đường thơ vốn đã dịnh sẵn không ít mơ hồ. Bởi vậy mà tập thơ này dù vẫn mang dấu ấn cá nhân phong cách riêng của Lữ Mai nhưng cũng là cầu nối để hầu hết bạn đọc đều tìm thấy được cảm xúc của chính mình khi ngẫm ngợi về quê cha đất tổ. Tập thơ khơi dậy những lớp trầm tích văn hóa gắn với những biểu tượng dân gian như trống đồng, đền đài, hội làng, quan họ, câu hò, áo tơi, trầu cau, giếng đá, chiếc khăn rằn, lũy tre làng... Không gian cổ tích, huyền thoại vốn là cái nôi nuôi dưỡng mọi tâm hồn Việt: trăng nghiêng vai lân đỏ/ thân rồng quẫy tiếng cười thơ nhỏ (Rước đèn); mỗi giọt nước một nhũ đá rơi (Vời vợi). Có những vùng đất trong thơ trở về gần như một ngữ pháp sử thi: rồng gối lên trời dạy người cách đứng/ gió dạy cách tra gươm (Miền cát dựng); cọc nhọn cắm sâu vào huyết sử (Thả neo).
Bên cạnh đó, thi pháp cổ điển cũng được Lữ Mai sử dụng như một cách riêng để diễn đạt những biểu tượng giàu tính liên tưởng: chuông ngân mỏng hơn sương tháng chín ( Lặng chín); trăng lùa đẫm hương phù sa (Thắp đèn). Nhiều câu thơ thể hiện tinh thần triết lý Phật giáo, nhẹ nhàng, thấm sâu: lửa không tắt, chỉ lặn dần trong men (Hồn lửa); trăng miết trôi trên ngực sông Tiền (Nhịp lục bình). Mạch thơ có khi trầm tư như lời kinh cổ Vân Long sám hối/ lệ khô chắt thành mạch núi (Vời vợi), có khi sắc như chạm vào mũi dao kí ức trăng nghiêng thân rạ còn mơ/ giấc chật vật chơ vơ mùa hạn.
Trong tập thơ Dắt nhau về cũ, nếu tính cổ điển mang lại chiều sâu, bản sắc, gốc rễ văn hóa cho thơ thì tính hiện đại giúp thơ sống động, đối thoại được với thời đại, và làm mới truyền thống bằng cảm xúc hôm nay. Mỗi bài thơ đều có cấu trúc hiện đại, ngôn ngữ nén và gợi.
Thơ Lữ Mai không nệ khuôn niêm, không ép nhịp truyền thống mà bung mở hình ảnh, giai điệu và trường liên tưởng. Mỗi bài là một khúc hát lắng đọng, ngôn từ như thấm vào đất, vào người, vào từng hơi thở vùng miền. Câu thơ không bị bó buộc trong thể loại hay niêm luật mà mang hơi thở của tự do, tạo hình ảnh theo lối dựng cảnh điện ảnh, liên tưởng chớp nhoáng, cảm xúc ào ạt: người đi giấu nếp tương phùng/ người về mưa phủ cầu vồng chẳng hay (Tay cầm khúc hát); một con chim biết nói tiếng người/ nó kể về người đàn ông lặn đáy sông sâu (Mạch phù sa). Dòng cảm xúc mở và đa tầng nghĩa, có thể đọc như thơ trữ tình, cũng có thể đọc như thơ thế sự: người lính già vẫn đi qua giấc ngủ / cổ thụ rung linh cảm mạch rừng (Bên suối cũ).
Thơ không đứng ngoài dòng chảy của thực tại. Ngay cả khi nhắc đến lịch sử, thơ cũng mang nỗi day dứt, ám ảnh của cái ngoái nhìn từ điểm nhìn hôm nay: người lính từng bơi qua sông/ thuốc nổ cựa trong vồng ngực trái (Phía mắt); vệt bom bi vừa kịp nở hoa/ mơ nhòa theo hình xoắn ốc (Gấp trong áo trận). Những bài như Chớp xanh, Nợ, Ướp lặng thinh, Day dứt... đặt ra câu hỏi nhân văn về kí ức chiến tranh, hậu chiến, hòa bình, sự sống và niềm tin. Đôi khi, cái tôi trữ tình mang một nỗi buồn hậu hiện đại, buồn vì ý thức rõ sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện tại, giữa những giá trị sống còn và những điều đang mai một: mọi nhớ thương đều quá cỡ (Đôi nét thu); không ai hỏi tuổi cây cầu chơi vơi (Kí ức cầu). Thơ Lữ Mai đã nhập cuộc theo một cách riêng, chọn neo vào cội nguồn truyền thống để đi vững và đi thật xa trong thực tại và tương lai. Lữ Mai không cố gắng pha trộn cổ điển và hiện đại, đó là sự dung hòa tự nhiên, từ tâm thế của một người thơ hiện đại đã thấm nhuần truyền thống.

Lữ Mai là một nhà thơ nữ đương đại tiêu biểu. Thơ chị ấn tượng bởi giàu cảm xúc và chiều sâu văn hóa.
Âm vang từ lòng đất
Đọc Dắt nhau về cũ là đọc một cuộc trở về. Không chỉ là trở về với những vùng đất mà những cái tên đã lùi vào quá khứ, những dáng hình đang ngày một đổi thay, mà là trở về với những kí ức thẳm sâu của lịch sử, văn hóa mang dấu ấn cá nhân. Có những bài thơ mang hơi thở sử thi như khi Lữ Mai viết về Điện Biên, Quảng Trị, Nghệ An. Có những bài thơ chan chứa cảm xúc dịu dàng như khi chị viết về Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ. Có nơi bật lên sự sống mãnh liệt như Tây Nguyên, Cà Mau, Đồng Tháp. Ở đâu cũng là tiếng lòng của một người thơ cặm cụi lắng nghe đất và người thì thầm, trong giấc mơ tháp Chăm mắt đá còn nhìn, hay khi tiếng chim chịu đựng đến dịu dàng.
Không ồn ào lí tưởng, không hô hào tình yêu đất nước, Lữ Mai đi con đường riêng khác khi viết về chủ đề tưởng như "làm khó" người viết này. Chị thắp sáng Tổ quốc từ từng thớ đất, từ bàn tay người gói bánh tét, vá lưới, nhóm bếp, rước đèn, từ ánh mắt cày sâu nhớ cội. Đó là tình yêu không cần phô bày, tình yêu ấy rớm lên từ nỗi đau, nỗi nhớ, sự bền bỉ và kiên định của lòng người.
Tập thơ Dắt nhau về cũ đa thanh và nhiều lớp nghĩa. Đó là những thanh âm da diết của cội nguồn xứ sở. Đó là bức tranh sống động mang dáng hình quê hương. Đó là sự lắng sâu và không ngừng nới rộng tâm hồn mình để chạm đến sự thiêng liêng của hồn đất hồn nước. Nhà thơ mang trong mình ngọn lửa của kí ức, của thời đại đi qua mọi miền đất để nhóm lại điều đã cũ nhưng không quên tiếp nối mạch sinh sôi. Ngay từ trong ý tưởng của Dắt nhau về cũ, Lữ Mai đã cho thấy sự nghiêm trang và thấu suốt khi dựng lên bóng dáng đất nước qua từng dấu thơ.
LAM NGUYÊN
VNQD