Âm vang "Khúc tráng ca Thành cổ"

Thứ Sáu, 04/07/2025 00:56

. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG
 

Khúc tráng ca Thành cổ do Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin ấn hành năm 2008. Bài viết đa dạng phong phú, đủ mọi “chủng loại” văn thơ, báo chí, tranh ảnh... Những ai ít quan tâm tới các sự kiện lịch sử và lười đọc sách sẽ khó mà hào hứng đón nhận. Sách to bản, cồng kềnh và cũng khá nặng nhưng càng đọc càng mê.

Tôi tiếp nhận Khúc tráng ca Thành cổ từ năm 2012 và đã đọc không dưới ba lần, vừa nắm thông tin vừa chiêm nghiệm, thẩm định tác phẩm ghi dấu ấn “thời hoa lửa” mùa hè năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị và vùng phụ cận. Vượt qua cái chết trên mảnh đất quằn quại đạn bom, tê tái đau thương, sống sót trở về sau hàng chục trận đánh, gánh chịu hàng ngàn tấn vũ khí tối tân của Mĩ, những cựu chiến binh (CCB) mang trong mình “hội chứng chiến tranh” ám ảnh mãi quá khứ. Có dịp là nói và viết về đồng đội và cuộc chiến sục sôi máu lửa. Vẫn biết, lục soát tâm tư, đào xới dĩ vãng chẳng lợi lộc gì, có khi lâm bệnh đau tim nhưng không thể ngồi yên.

Là một người lính từng chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Trị - Thiên, với tôi Khúc tráng ca Thành cổ là quà tặng vô giá. Nếu không có cuốn sách này, nhiều điều sâu thẳm trong tâm hồn tình cảm của các cán bộ chiến sĩ trên chiến trường sẽ bị lãng quên, ai biết? Tôi xem đây như là pho sử ngoài chính sử chân thật nhất, sinh động nhất, nhân văn nhất.

Thành cổ Quảng Trị bị phá hủy bởi bom mìn năm 1972. Ảnh: TL

Tác giả Khúc tráng ca Thành cổ (ngót một trăm người) là những CCB từng tham chiến, giành giật Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, viết về cuộc chiến khốc liệt: Giá đo tin thắng trận/ Bằng xương trắng máu hồng. Văn chương không phải là thế mạnh của cuốn sách. Lắm bài còn thô mộc nhưng ngồn ngộn chất hiện thực, đậm tình đồng đội, gia đình, quê hương đất nước, có sức lan tỏa, lay động lòng người, tác phẩm văn học hư cấu khó sánh bằng. Âm vang Khúc tráng ca Thành cổ có lẽ ngàn thu vọng mãi.

Thành cổ Quảng Trị nhỏ bé, khoảng 2km2 xây đắp bằng đất dưới triều Gia Long (1802). Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) được xây lại bằng gạch, hình vuông có 4 góc nhô ra làm pháo đài hỏa lực. Chu vi thành 2080,8m, cao 4,5m, chân thành rộng 12m, xung quanh có hào sâu. Thành có thế phòng ngự trong quân sự.

Chiều ngày 1/5/1972, khi Trung đoàn 9 (E9) Sư đoàn 304 (F304) tiến vào thị xã Quảng Trị, Thành cổ cơ bản còn nguyên. Ngôi biệt thự của viên đại tá Kỳ, Tỉnh trưởng Quảng Trị, ta chiếm trọn và cắm cờ chiến thắng lên trên đỉnh nóc (khi diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm - từ 28/6/1972 đến 16/9/1972, ta dùng ngôi nhà này làm sở chỉ huy tiền phương ở nội thành).

Thị xã Quảng Trị với Thành cổ vốn có là như thế. Vậy mà chỉ sau gần ba tháng giao tranh quyết liệt (kể từ lúc tướng ba sao quân ngụy Sài Gòn, Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật mở chiến dịch “Lam Sơn 72”), trên Thành cổ khó mà tìm được một viên gạch còn nguyên vẹn. Đổ sụp, hoang tàn. “Núi xương sông máu” theo đúng nghĩa đen từ vựng tiếng Việt. Thật là khủng khiếp, kinh hoàng! Tại đây, hơn hai vạn chiến binh của cả hai phía đã bỏ mạng, rất nhiều binh sĩ mang ẩn số “vô danh”. Chiến tranh vô cùng khốc liệt, lạnh lùng và nghiệt ngã, nghiền nát tất cả, không “ưu ái” cho ai bao giờ. Cuộc chiến ở đây lâm vào tình thế Ta không giết kẻ thù nó sẽ giết ta/ Nhưng máu chảy ra vẫn máu người đặc quánh (Lưu Quang Vũ). Biết vậy nhưng không còn cách nào khác khi mà địch điên cuồng phản công, quyết tái chiếm Thành cổ để mặc cả với ta trên bàn đàm phán hòa bình tại Paris, thủ đô nước Pháp. Lực lượng của địch lúc cao điểm lên tới ba sư đoàn tăng cường đầy đủ số lượng. Hỏa lực thì sử dụng “vô tư”, có cả máy bay ném bom B52 được Mĩ chi viện.

Về phía ta, các đơn vị tham chiến được Biên niên sự kiện Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam 1930 - 2000, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2021, ghi rõ:

“28/6/1972 - 31/1/1973:

Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị

…Lực lượng tham gia 5 Sư đoàn Bộ binh (F304, 308, 312, 320B, 325), Trung đoàn 27 và Trung đoàn 6 Độc lập, 3 Trung đoàn Pháo binh (45, 84, 164), 4 Trung đoàn Cao xạ (241, 243, 250, 280), Trung đoàn 236 Tên lửa, Trung đoàn 203 Tăng Thiết giáp, 2 Trung đoàn Công binh (229, 249), 5 Tiểu đoàn Đặc công và lực lượng vũ trang trên địa bàn chiến dịch” (D3, 8, 10 Quảng Trị, D47 Đặc khu Vĩnh Linh)”

Khúc tráng ca Thành cổ không phải là cuốn tiểu thuyết chiến tranh đồ sộ nhưng có tầm vóc khá lớn, bao quát diện mạo, tính chất, nội dung cuộc chiến, đặc biệt là những tâm tư tình cảm của chiến sĩ trên mặt trận, trước giờ nổ súng và cả sau cuộc chiến. Viết bài và biên tập tác phẩm hầu hết là CCB các đơn vị kể trên, trong đó nòng cốt là lính sinh viên nhập ngũ những năm 1970 - 1972 vào chiến trường Trị - Thiên. Vành đai lửa đạn quanh sông Thạch Hãn - Vĩnh Định với các địa danh như nhà thờ Trí Bưu, thôn Tích Tường, Như Lệ, Nhan Biều 1, 2, 3... và các xã vùng ven thuộc hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các bài viết. Bởi đó là những nơi các CCB đã từng nếm trải chiến tranh, xả thân vì độc lập, hòa bình của dân tộc, đi từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui” hôm nay.

Nội dung Khúc tráng ca Thành cổ vô cùng phong phú, đa dạng, quy tụ lại có thể chia làm ba phần. Nhưng trên thực tế, tất cả đan xen, hòa quyện vào chủ đề như tên tác phẩm đã bao quát.

Phần thứ nhất là bài viết của các tướng lĩnh, cán bộ trực tiếp chỉ huy thời đó, không dài nhưng khá đầy đủ cụ thể các sự kiện chiến đấu quyết liệt trên chiến trường. Có thể kể đến bài của Trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận B5; Trung tướng Sùng Lãm, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 320B; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Trung đoàn trưởng E18, F325; Đại tá Nguyễn Việt, nguyên Phó Tham mưu trưởng F325; Đại tá Nguyễn Hải Như, nguyên Tham mưu trưởng E48, F320B, đơn vị bám trụ 81 ngày đêm ở nội thành... Qua các bài viết của các tướng lĩnh, cán bộ chỉ huy trực tiếp, độc giả có thể hình dung rất rõ diễn biến cụ thể từng trận đánh và toàn bộ chiến dịch phòng ngự chiến lược, phản công quyết liệt, táo bạo và vô cùng dũng mãnh kiên cường của quân ta.

Tiếp đến là bài viết của các CCB với nhiều thể loại đa sắc màu, số lượng bài áp đảo, chất lượng đủ các mức trung bình, khá, tốt và có cả những khúc tráng ca xuất sắc. Các nhà thơ, nhà văn, nhà báo CCB như Đinh Thế Huynh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Lê Bá Dương, Nguyễn Thế Tường, Phùng Huy Thịnh, Đoàn Công Tính, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Nhuận Cầm... vừa tham gia viết bài đồng thời cũng là những biên tập viên năng nổ, góp sức cho cuốn sách ra đời khá kịp thời.

Bác sĩ Lê Văn An, nguyên Đại đội trưởng quân y E48, F320B, hoạ sĩ Trần Lê An CCB F325, Trịnh Hòa Bình CCB E95, F325, Đàm Văn Bỉnh CCB E88, F308, Bùi Duy Dân, CCB E64, F320B, Lê Việt CCB E58, F308... là những cây bút khá ấn tượng trong bức tranh toàn cảnh Khúc tráng ca Thành cổ có sức hút, sức lan tỏa tuyệt vời. Sự kiện phong phú, cảm xúc dâng trào, tình đồng chí đồng đội keo sơn, cao cả. Cảm hoài thế sự rưng rưng qua từng câu chữ.

Phần thứ ba là thư từ, nhật kí chiến sĩ Thành cổ, có người mất kẻ còn. Số lượng ít, sức nặng văn chương không quá nổi trội nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là những dòng tâm huyết gan ruột, chân chất thô mộc đến mức trần trụi, dân dã như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt. Không ai chủ tâm viết thư và nhật kí chiến tranh để lưu danh. Chủ nhân các tập nhật kí, những bức thư còn lại ghi trong cuốn sách đa phần là liệt sĩ, quý và hiếm vô cùng, không lưu tâm sao được!

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một tài danh đặc biệt, viết nhật kí nhiều, viết liên tục, viết hay, viết khỏe nhưng không phải viết trong lửa đạn ở Cổ thành Quảng Trị như một số người nhầm lẫn. Anh viết chủ yếu trên miền Bắc và đóng băng “mãi mãi tuổi hai mươi” tại Quảng Bình, vào chiến trường 19 ngày thì hi sinh (30/7/1972) ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Thư và nhật kí trong Khúc tráng ca Thành cổ nói là không nhiều nhưng cũng có đến hàng chục trang sách. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, xin được dẫn ra vài đoạn tiêu biểu. Ta hãy nghe lính sinh viên Đại học Xây dựng, Hà Nội, quê ở xã Lê Lợi, Kiến Xương, Thái Bình - Lê Văn Huỳnh - tâm sự trong một lá thư đặc biệt gửi cho gia đình và vợ là Đặng Thị Xơ:

“Quảng Trị, 11/9/1972

Toàn gia đình kính thương!...

Mẹ kính mến!...

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất... Anh rất muốn được sống mãi bên em song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh… Nếu có điều kiện hãy đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm. Theo anh thì nên làm như vậy…”

Và Lê Văn Huỳnh đã anh dũng hi sinh ngày 2/1/1973.

Lá thư thứ hai sau đây thực sự hi hữu. Thư được khai quật và tìm thấy trong lòng đất Thành cổ cùng với hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lạ lùng thay! Sau mấy chục năm lá thư vẫn còn đọc được nội dung cơ bản. Chủ thư là Phan Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng, quê chị ở Quảng Bình:

“... Mùa màng năm nay lúa tốt lắm và bây giờ đang thu hoạch nên em rất bận bịu. Máy bay cứ oanh tạc thường xuyên nên phải ngủ hầm… Cầu Lý Hòa bị cắt đến nay chưa thông. Hầm hào ở nhà vẫn tương đối chắc, ngoài đồng đi gặt cũng có hầm trú ẩn…

Còn bao nhiêu điều để nói với anh nhưng khuya quá, em tạm dừng bút để mai 3 giờ sáng phải đi gặt...”

Hai lá thư nói lên bao điều của người tiền tuyến và hậu phương. Có lẽ đó là sức mạnh vô song của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước mà kẻ thù không bao giờ nhìn thấy. Cái chết không đè bẹp được tinh thần ý chí bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Nhật kí chiến tranh xuất hiện trong tác phẩm này cũng rất khiêm tốn vì nhiều lí do chúng ta đã biết. Ấn tượng hơn cả là những dòng nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn quê ở Đồng Hới, Quảng Bình. Anh là lính sinh viên Đại học Thủy lợi ở Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đóng quân ở Ái Tử, Quảng Trị những ngày mới giải phóng. Trước khi vào chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị, Nguyễn Kỳ Sơn viết nhật kí:

Ngày 13/8/1972:

“Tiểu đội tôi 4 người đã đào được 3 hầm vòm. Bây giờ, chỉ còn một mình tôi với ngọn đèn. Gió nhẹ đưa đẩy những bản hợp xướng của hàng trăm chú muỗi...”

Đến ngày 19/8/1972, cũng tại sân bay Ái Tử:

“Ngày mai tôi giáp trận - ác liệt là điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống… Nếu tôi ngã xuống mong các bạn tin cho ba mẹ và dì tôi. Là những người kháng chiến cũ ba mẹ và dì tôi sẽ không lấy đó làm điều đau khổ đâu. Nếu sự thật xảy ra mong các bạn bảo mẹ tôi rằng, cho các em Kỳ Châu, Kỳ Tâm, Kỳ Nhân tiếp tục đi trả thù cho tôi...”

Đúng 6 ngày sau khi viết những dòng tâm huyết, gan ruột ở trên, Nguyễn Kỳ Sơn đã hi sinh ngày 25/8/1972. Buồn đau, xa xót vô cùng!

Hàng chục trang nhật kí khác có trong Khúc tráng ca Thành cổ, kẻ còn người mất nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần sẵn sàng hi sinh và không quên nhắc nhở người thân và hậu thế hãy tiếp bước truyền thống đó. Thế hệ “chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị” là thế hệ vàng mười thử lửa ngàn độ vẫn ánh ngời trí tuệ, tình cảm, tâm hồn, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam. Abutalib Gafurov rất có lí khi viết: “Bắn vào quá khứ một viên đạn súng lục, tương lai sẽ nã lại hàng tràng đại bác.” Đọc cuốn sách này và đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 6 - Phú Xuân ở Ba Lòng, Đa Krông, Quảng Trị chắc sẽ không có ai đủ can đảm nã đạn vào quá khứ bi hùng của dân tộc.

Quảng Trị bây giờ đã xanh màu cuộc sống hòa bình, hồi sinh mạnh mẽ sau 50 năm chiến tranh trên nhiều phương diện. Mừng vui phấn khởi vô cùng nhưng không khỏi ngậm ngùi, rưng rưng mắt lệ mỗi lần ghé qua đây. Quá khứ như một vết cắt lịch sử quá nhiều đau thương, mất mát, cái bi lắm khi lấn át cái hùng. Tâm trạng này chắc có ở nhiều CCB Thành cổ, không chỉ riêng tôi. Đọc Khúc tráng ca Thành cổ, toàn bộ kí ức một thời trận mạc hằn sâu vào nỗi nhớ, niềm thương, xa xót ngân rung trong câu hát nghẹn lòng Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ… Đúng là Giá đo tin thắng trận/ Bằng xương trắng máu hồng như câu thơ - nhật kí tôi đã viết sau trận đánh cuối tháng 6 năm 1972.

Từ khi xuất hiện đến nay, chưa đầy 20 năm nhưng Khúc tráng ca Thành cổ có sức hút và sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Hàng triệu lượt du khách đến du lịch, thăm viếng các di tích lịch sử ở Quảng Trị, mỗi năm một tăng, có phần đóng góp không nhỏ của cuốn sách vô giá này. Thành cổ Quảng Trị, dù không còn nhưng trong lòng mọi người nó vẫn hiển hiện cùng với bóng hình anh bộ đội Cụ Hồ - các chiến sĩ quân Giải phóng mùa hè 1972 đỏ lửa, chiến đấu kiên cường dũng cảm vô song, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc

H.Đ.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)