Tiểu thuyết Hiệu sách trên đảo của tác giả Gabrielle Zevin là một tác phẩm dành cho những ai yêu sách và luôn tin rằng những ngày sắp tới sẽ luôn tươi sáng. Tại Việt Nam, tính cho đến nay, tác phẩm đã có đến 2 bản dịch.
Những con người bình dị
Lấy bối cảnh hòn đảo Alice hư cấu, cuốn sách xoay quanh nhân vật chính A.J.Fikry – người là chủ nhân của hiệu sách Island duy nhất trên hòn đảo này. Theo đó, anh đang trải qua những ngày tồi tệ nhất đời, khi vợ vừa qua đời trong một tai nạn thảm khốc, còn cuốn sách quý nhất, có giá trị ngang ngửa cả một gia tài bỗng dưng “không cánh mà bay”.
Tuy vậy, cũng ngay lúc này, một đứa bé nọ bỗng bị bỏ lại trong tiệm sách của anh. Dù có suy nghĩ sẽ giao em cho các tổ chức xã hội coi sóc, nhưng qua ngày tháng gần gũi bé nhỏ, lẳng lặng chăm sóc, anh đã cảm nhận được sự kết nối. Cuối cùng Fikry đã giữ em lại, khiến cuộc đời anh chuyển sang trang mới.
Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa cùng cách xây dựng tính cách nhân vật chân thật, tạo nhiều đồng cảm, không quá khó thấy Gabrielle Zevin cũng sử dụng chính thế mạnh này trong Hiệu sách trên đảo. Theo đó, các nhân vật của cô thường rất gần gũi, như đang đang bước ra từ đời sống thật. Họ cũng trải qua những chuyện đau thương và phần nào đó muốn được lắng nghe, muốn được thấu hiểu, muốn được chữa lành.

Bìa tác phẩm "Hiệu sách trên đảo".
Chẳng hạn đối với Fikry, chính nỗi đau mất vợ đã khiến cho anh trở nên co cụm, cảm thấy chán nản hết thảy mọi thứ trong cuộc đời này. Cũng vì lẽ đó đã có giai đoạn anh sống chỉ để tồn tại mà không có niềm vui hay động lực nào cho ngày sắp tới. Điều này cũng giống với nhân vật chính Samson Mazer trong Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Dù là “thiên tài” toán học và lập trình, nhưng chính khiếm khuyết trong việc di chuyển từ một tai nạn làm mẹ qua đời đã khiến cho anh chỉ muốn sống trong “lớp vỏ” của bản thân.
Nhưng điều may mắn là sẽ có người bước vào đời họ, từ đó thắp sáng cho những niềm tin đã từng có lúc không hề tồn tại. Qua đó Gabrielle Zevin bằng sự nhẹ nhàng, lạc quan đã gửi gắm thông điệp dẫu trong đêm tối mù mịt thì vẫn còn đó ánh sáng ở cuối đường hầm, rằng sẽ luôn có mảnh ghép nào đó đang chờ đợi ta… Vì vậy điều quan trọng nhất là phải kiên nhẫn và biết chờ đợi.
Đơn cử với Mazer là Sadie Green – cô bạn từ thuở thiếu thời đã luôn bên cậu dẫu hai người họ đã từng xảy ra không ít hiểu lầm. Còn với Fikry chính là Amelia – cô nhân viên tiếp thị sách của nhà xuất bản Knightley, người được phân nhiệm vụ đến với Island để mà giới thiệu các đầu sách mới. Và cũng không thể không kể đến em bé nhỏ ấy, người đã vô tình bước vào cuộc sống của người đàn ông mà không hề biết rồi sẽ thay đổi một lần và mãi mãi cuộc sống của người mình gọi là bố.
Trong tuyến truyện với Amelia, Zevin tỏ ra là một nhà văn có khả năng thấu hiểu tâm lí đặc biệt, khi đã xây dựng những giai đoạn tình cảm của hai nhân vật một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Chẳng hạn dẫu lần gặp đầu tiên của hai người họ không mấy êm đẹp, nhưng sau những lần tiếp xúc tiếp theo, Amelia cũng như Fikry đã dần hình thành một sự thấu cảm và đầy sẻ chia với người còn lại, qua đó mang đến cho độc giả một sự thoải mái trong quá trình đọc.
Và không chỉ có Amelia, mà cả cộng đồng ở quần đảo Island đều muốn giúp đỡ người cha “gà trống nuôi con” và cô con gái đáng yêu mới đến. Từ những lời khuyên cũng như những hành động lặng thầm, qua từng trang sách, Hiệu sách trên đảo còn tôn vinh tình người, sự kết nối của cộng đồng cũng như những giá trị tốt đẹp luôn có sức mạnh và sự lan tỏa.
Zevin thể hiện điều đó bằng nhiều nhân vật thú vị khác nhau. Có thể kể đến viên cảnh sát trưởng Lambiase – người ban đầu còn rất xa cách nhưng khi thấy em bé nhỏ liền thể hiện ra phần mềm mỏng nhất của mình. Đó cũng là Ismay – chị dâu của Fikry, người bởi không có con cái nên đã dành hết tình cảm cho cô cháu gái vừa mới có được…
Tình yêu sách vở
Nhưng hơn cả thế, thứ kết nối họ một cách mạnh mẽ nhất chính là sách vở. Như đúng tên gọi, Hiệu sách trên đảo thật sự là một tác phẩm dành cho những ai yêu thích sự đọc. Chính những cuốn sách đã đưa Amelia đến với Fikry, trong khi cũng chính những tuyển tập kịch mà Ismay cần để dạy cho học trò đã kết cô thêm một lần nữa với người em rể... Cũng từ điều này mà các kết nối xã hội dần được hình thành trên đảo Island, như nhóm đọc sách trinh thám của Lambiase, trong khi những mẹ bỉm sữa thì đầy hứng thú với các tác phẩm hấp dẫn viết về phụ nữ…

Nhà văn Gabrielle Zevin.
Và hơn cả thế, những cuốn sách ấy còn gắn kết cả gia đình, khi đầu mỗi chương, Zevin đã sáng tạo ra những lá thư mà Fikry – chủ một hiệu sách, gợi ý những truyện ngắn hay cho con gái mình – người có ước mơ khi mình lớn lên sẽ thành nhà văn. Đó là những tác phẩm hấp dẫn, độc đáo và không chỉ có vai trò liên kết mạch truyện, mà các độc giả cũng sẽ tìm thấy ở đó rất nhiều gợi ý cho bản thân mình với nhiều nhà văn danh tiếng và các tác phẩm nổi bật được nhắc đến tên.
Không dừng ở đó, Zevin cũng rất biết cách tạo sự thu hút, khiến cho độc giả không ngừng lật trang khi đưa ra rất nhiều bất ngờ mà phải đến tận trang cuối thì độc giả mới hiểu trọn vẹn được câu chuyện này. Liệu mẹ của em bé bị bỏ lại là ai? Vì sao cô chọn hòn đảo Island cũng như hiệu sách của Fikry là nơi gửi gắm “máu thịt” của mình?
Một chi tiết khác cũng rất thú vị là Zevin thông qua cuốn sách Bông hoa nở muộn trong tiểu thuyết cũng nói lên rất nhiều điều. Đó là cách ta nhìn nhận sách vở. Theo đó mỗi một cuốn sách đều có một sứ mệnh khác nhau, và điều quan trọng là sự tương ứng vào lúc mà ta đọc nó với trạng thái cảm xúc mình đang trải qua. Một cuốn sách hay là một tác phẩm phù hợp, chứ không vì được viết ra bởi tác giả nổi tiếng hoặc góp mặt mình trong các danh sách bán chạy.
Nhận xét về cuốn sách này, tờ Library Journal cho biết: “Hiệu sách trên đảo nhắc nhở tất cả chúng ta về lí do tại sao ta đọc, tại sao ta yêu”. Trong khi đó, tờ The Globe and Mail thì nhận định đây là “một tiểu thuyết đầy quyền năng, nói về quyền năng của tiểu thuyết”.
Ngay khi ra mắt, Hiệu sách trên đảo đã đoạt giải thưởng của Hiệp hội Sách Độc lập Phía nam California, Giải thưởng Bình chọn của các hệ thống phân phối sách Nhật Bản cùng nhiều giải thưởng uy tín khác. Nó cũng có mặt 4 tháng liền trên New York Times Best Seller List.
Theo New York Times, Gabrielle Zevin là tác giả của nhiều tiểu thuyết bán chạy. Các tác phẩm của cô đã được dịch sang hơn 39 ngôn ngữ, được nhiều độc giả vô cùng yêu thích. Năm ngoái, tác phẩm Ngày mai, ngày mai và ngay mai nữa đã được độc giả của tờ The New York Times bình chọn là 1 trong 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỉ 21 và đang trong quá trình chuyển thể điện ảnh. Cô hiện sinh sống và làm việc tại Los Angeles, Mĩ.
HOÀNG ANH dịch
VNQD