Một “cột mốc nhí” về Trường Sa

Thứ Tư, 07/05/2025 10:00

Trên đời này, bất kỳ ai cũng có một vùng đất để thương để nhớ, chỉ cần nghe nhắc đến/ nói đến địa danh ấy là trong lòng dậy biết bao cảm xúc, kỉ niệm ùa về như thác lũ. Đơn giản đó là nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể nơi ấy mình chỉ một hoặc đôi lần đến, thế nhưng tri ngộ ấy bỗng dưng xao xuyến tâm can khiến mình cảm thấy như đã gắn bó từ lâu lắm rồi. Xét ra, tâm thế của con người ta cũng lạ: giữa tâm hồn và vùng đất cụ thể nào đó, dù chỉ mới gặp nhau một đôi lần nhưng rồi lại cảm thấy mình đã thuộc về nơi ấy. Nói theo triết lí nhà Phật, chính là “Thiện duyên”. Tập thơ thiếu nhi Trái tim của đảo (NXB Kim Đồng, 2025) của nhà thơ Hồ Huy Sơn là một thí dụ.

Nếu không thật sự dành trọn vẹn tình cảm cho nơi chốn đó, mọi thi phú bay bổng, mọi trang văn bay bướm dù viết về khung cảnh ấy, thiên nhiên ấy, con người ấy thì cũng chỉ là một cách “thu hoạch” có tính chất “cỡi ngựa xem hoa”, loáng thoáng, lớt phớt, chỉ từ chữ đến chữ như “xác chữ” phơi bày trước mắt người đọc, rồi họ sẽ quên nhanh bởi không tìm thấy “hồn chữ”.

Vì lẽ đó, đã từ lâu lắm rồi, tôi rất dị ứng với cái gọi là “đi thực tế sáng tác”, tôi không tin chỉ dăm ngày nửa tháng đến nơi nào đó, dù thiên tài đi nữa cũng không thể viết được cái gì đó khiến độc giả phải xúc động, nhớ lâu. Bởi chỉ là góc nhìn của người đứng ngoài quan sát chứ không phải tâm thế của người trong cuộc. Tuy nhiên, có những người viết vượt qua điều này, nếu, xin nhấn mạnh là nếu, nếu giữa họ và vùng đất ấy, nói như ngôn ngữ thời thượng là đã “nổ ra tiếng sét ái tình”. Đã tình ái, đã ái tình thì mới đêm thương ngày nhớ, mới có cảm giác: “Nhớ ai bồi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Có như thế, người ta mới có thể viết được cái gì đó “ra tấm ra miếng”.

Trái tim của đảo của nhà thơ Hồ Huy Sơn là một thí dụ.

“Như có một sự thôi thúc bên trong, chưa đầy năm tháng, tôi đã viết được mười bài. Nhưng rồi một biến cố bất ngờ xảy ra: Vì một chút bất cẩn, tôi bị mất laptop, mất luôn mười bài thơ thiếu nhi về Trường Sa. Tôi đã tưởng rằng, tập thơ thiếu nhi về Trường Sa của mình “đi về nơi xa lắm”. Bởi thơ là cảm xúc, là rung động của những khoảnh khắc. Người ta chỉ có thể thành thật và hân hoan với khoảnh khắc, rung động đó. Và khi những bài thơ kia đã mất rồi, thì khó mà làm lại được nữa. Tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi những nụ cười, ánh mắt, đặc biệt là khoảnh khắc ăn kem ngon lành của những em nhỏ nơi đảo xa vẫn thấp thoáng trong tâm trí. Những hình ảnh đó mang đến cho tôi động lực mạnh mẽ, buộc tôi ngồi vào bàn và viết”.

Từ hình ảnh đáng yêu của con trẻ tại Quần đảo Trường Sa đã trở thành động lực để buộc anh viết. Ấy là một ám ảnh. Cái sự viết nào lại không khởi đầu từ một ám ảnh, thúc giục nào đó?

Từ đất liền

Kem vượt biển

Vẫn nguyên vẹn

Quà cho em

 

Ngồi ăn kem

Bên cột mốc

Cười khúc khích

Mặt lấm lem

Ăn kem ở nơi nào cũng ngon, miễn là thích nhưng hiện lên chi tiết “Bên cột mốc”, ngay lập tức ta đã thấy khác. Khác bởi đây là nơi đầu sóng ngọn gió, vì thế không chỉ cột mốc cụ thể mà còn:|

Đêm ngày đều nhớ

Nhiệm vụ của mình

Những bông hoa xinh

Làm cột mốc nhí

Là mọi hoạt đông nơi này, dù lớn dù bé cũng không thể tách ra khỏi một điều hết sức thiêng liêng: khẳng định nơi này thuộc về chủ quyền của Tố quốc. Ngay cả cây bàng, ta đã thấy rợp bóng sân trường nơi đất liền thì đây lại là cây bàng vuông:

Chọn đêm để nở

Lặng thầm tỏa hương

Chùm nhụy tim tím

Lính đảo vấn vương

 

Ai đến cũng thương

Ai về cũng nhớ

Từng cánh hoa mở

Biển trời ngát hương

Có thật hoa “chọn đêm để nở”, tôi không rõ, chỉ nghĩ rằng, ngay cả hoa cũng cảnh giác đấy chăng, chỉ khi về khuya, yên tĩnh thì mới dâng sắc hương cho đời? Suy nghĩ này, khiến tôi cảm thấy thú vị với chính mình, vì một tác phẩm nghệ thuật nói chung, mỗi người thưởng thức theo “gu” của mình cũng là lẽ thường tình. Ở đây, Hồ Huy Sơn biết chọn chi tiết, có như thế mới loại bỏ những miêu tả dông dài, vốn tối kị với thơ:

Bạn ơi có biết

Đi học nơi đảo xa

Trường học ở gần nhà

Vài bước chân là tới

Chỉ chi tiết “vài bước chân”, phần nào người đọc cũng đã hình dung ra không gian nơi ấy. Và còn có gì nữa?

Ở đây không có núi

Cũng chẳng có cánh đồng

Chúng mình sống trên đảo

Giữa biển trời mênh mông

Hiện thực ấy đã trở thành chất liệu trong thơ anh, qua chi tiết nhỏ mà tinh tế, chẳng hạn lúc trời mưa:

Kìa luống rau nhỏ

Cũng đang ngóng chờ

Để xanh một trận

Mơn mởn non tơ

Tập thơ Trái tim của đảo do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. 

Chi tiết càng đắt giá càng ghim câu thơ vào trí nhớ người đọc. Đôi khi chỉ cần chi tiết mới, sáng tạo như “Ngày ngủ đêm thức” viết về ngọn hải đăng mà anh gọi là “trái tim của đảo”, có thể khiến bài thơ “đứng” vững vàng hơn:

Đầu sóng ngọn gió

Chín ngọn hải đăng

Như muốn nhắc rằng:

Khi còn ánh sáng

Dù năm dù tháng

Quần đảo Trường Sa

Chẳng ở đâu xa

Việt Nam mình đó

Nơi quần đảo Trường Sa, bên cạnh thiên nhiên, trường học, biển trời sóng gió… qua thơ Hồ Huy Sơn, ta thấy hiện lên một không gian gần gũi, thân thiện và chan hòa sức sống. Tất cả là một thực thể thống nhất, không thể tách rời. Ngay cả người lính hải quân cũng có sự đồng hành, san sẻ từ muôn hướng:

Phía xa biển rộng

Trên cao trời mây

Cùng hướng về chú

Ngưỡng mộ lắm thay

Có thể nói từ tập thơ Trái tim của đảo, nhà thơ Hồ Huy Sơn đã bày tỏ tấm lòng của mình với quần đảo Trường Sa một cách chân thật. Chính vì sự chân thật này đã đem lại thiện cảm cho bạn đọc. Không lên gân. Không ồn ào. Tiếng thơ như lời thầm thỉ nhẹ nhàng mà sâu lắng, có nhiều chi tiết gợi nhớ. Người ta chỉ đạt đến sự chân thật, nếu thật sự yêu lấy một vùng đất nào đó. Trái tim của đảo của nhà thơ Hồ Huy Sơn là một thí dụ.

Vì lẽ đó, đây cũng là một đóng góp của thơ khi lấy cảm hứng từ quần đảo Trường Sa. Trái tim của đảo đã góp thêm một “cột mốc nhí” hoà cùng các sáng tác về Trường Sa.

LÊ MINH QUỐC

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)