. NGUYỄN BÍCH THU
Từ 1975 đến nay, năm mươi năm đã qua nhưng cuộc chiến tranh chống Mĩ với đất nước Việt Nam đâu chỉ là quá khứ mà nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay của cả dân tộc cũng như trong tâm thức của mỗi người. Hậu thế sẽ còn tìm đến những sáng tác trong thời kì chống Mĩ không chỉ để chiêm ngưỡng những tượng đài kỉ niệm, những sự tích anh hùng, những chiến công huyền thoại mà còn để soi tìm trong đó những thông điệp nghệ thuật có ý nghĩa nhân bản với những vấn đề của cuộc sống và con người hôm nay. Ý nghĩa thời sự và lâu dài của các tác phẩm sẽ cắt nghĩa vì sao trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, con người Việt Nam đã dám đánh và thắng đế quốc Mĩ.
Trong những thập niên cả nước tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tiếng gọi của non sông thiêng liêng và tha thiết đã dội tới sâu thẳm lòng người, trong đó có những người cầm bút. Hàng loạt tác phẩm viết về sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ trên cả hai miền Nam - Bắc đã đáp ứng kịp thời yêu cầu động viên và cổ vũ cuộc “ra trận lớn lao” của dân tộc. Bên cạnh những loại hình văn học khác, thể kí với tính chất cơ động và linh hoạt đã có mặt hàng đầu trên mặt trận văn học, nghệ thuật.
Như một vũ khí xung kích trong chiến tranh nhân dân, thể kí đã phát triển mạnh mẽ trong văn học giải phóng miền Nam ngay trong thời kì khó khăn nhất của cách mạng. Với ưu thế phản ánh nhanh nhạy, kịp thời những vấn đề và sự kiện đang diễn ra, kí đã phát huy lợi thế và tỏ ra hiệu quả trong sáng tác của các nhà văn lúc bấy giờ, đạt đến giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và của đời sống văn học những năm chống Mĩ. Chưa bao giờ các sáng tác kí từ miền Nam gửi ra miền Bắc lại đáp ứng “tầm đón đọc” của cộng đồng tiếp nhận và nhanh chóng trở thành những hiện tượng văn học như: Từ tuyến đầu Tổ quốc, Những ngày gian khổ - Nhiều tác giả, Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi, Sống như anh - Trần Đình Vân, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc - Nguyễn Trung Thành, Bức thư Cà Mau - Anh Đức, Cửu Long cuộn sóng - Trần Hiếu Minh, Trường Sơn hùng tráng - Hồng Châu…, cùng các bài kí của Giang Nam, Lý Văn Sâm, Võ Trần Nhã, Đinh Quang Nhã, Lê Văn Thảo, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Mai Nam… đã hình thành một đội ngũ viết kí đông đảo và hùng hậu.
Các văn nghệ sĩ miền Nam, trước những yêu cầu của cách mạng là phản ánh nhanh nhạy thực tế cuộc sống trong hoàn cảnh chiến tranh, đã thấm nhuần một cách sâu sắc mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, giữa tư cách nghệ sĩ và công dân, nhà văn và chiến sĩ. Họ ý thức được trong hoàn cảnh hiện thời phải đánh giặc bằng văn học, sáng tác phải bám sát thực tế do vậy đã sử dụng linh hoạt một trong những hình thức thể loại thích hợp: kí - một thể loại thích ứng nhanh với việc phản ánh hiện thực, có thể tác chiến kịp thời, phù hợp với chức năng nghệ thuật của mình. Kí trở thành chủ lưu, có vị trí xứng đáng trên bản đồ văn học Việt Nam giai đoạn chống Mĩ ở miền Nam.
Có thể nói, chưa bao giờ kí lại phát huy được sức mạnh của thể loại trong cuộc sống và chiến đấu ở miền Nam lúc bấy giờ. Chưa bao giờ người đọc lại trông chờ, mong ngóng, thậm chí thuộc nằm lòng những trang kí được viết trong hoàn cảnh dữ dội, ác liệt mà vẫn trữ tình lãng mạn, có sức lôi cuốn người đọc, thôi thúc họ lên đường cầm súng chống kẻ thù, bảo vệ quê hương, đất nước như trong kí miền Nam. Những tác phẩm kí tiêu biểu của một thời chống Mĩ không chỉ là minh chứng thuyết phục cho sự hòa quyện giữa trách nhiệm công dân và nghệ sĩ mà còn là minh chứng về trình độ, năng lực sáng tạo và tư thế phát ngôn của người cầm bút trên “chiến trường sống và viết” thuở nào. Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành và Dòng kinh quê hương của Nguyễn Thi là những thiên tùy bút đặc sắc, sớm bộc lộ cái “tôi” của chủ thể viết ngay từ khi tác phẩm đến với người đọc cả nước trong sách báo hay trên sóng phát thanh, đã nhanh chóng được xếp hạng là những tùy bút xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam thời kì chống Mĩ. Ở tùy bút Dòng kinh quê hương và Đường chúng ta đi, các tác giả ngoài việc ghi lại hình ảnh những con người và sự kiện cụ thể có thực trong cuộc sống đã bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức của chính mình về con người và cuộc sống hiện tại, về quá khứ và truyền thống dân tộc, về nhân loại trên những áng văn thấm đẫm cảm hứng sử thi, lãng mạn và hào hùng với những hình ảnh nên thơ và gợi cảm đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm và tâm lí người đọc lúc bấy giờ. Cả hai tùy bút đều bắt đầu từ một giọng hát rất tự nhiên và đời thường. Trong Đường chúng ta đi: “Một giọng hát dân ca, ngân nga, bát ngát, như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp mặt, có lúc tinh nghịch duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng. Có lẽ không phải một người con gái đang hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát.”(1) Và trong Dòng kinh quê hương: “Vẫn như có một giọng hò đang ngân lên giữa không gian có mùi quả chín, một mái xuồng vừa cập bến có tiếng trẻ reo mừng, và sau lưng tôi, tiếng giã bàng vừa ngưng thì lại một giọng đưa em bỗng cất lên… Giọng hát thấm đọng những điều gì như tấm lòng của dân tộc đang nói với ta, như từ bao đời nay rồi ta từng thổ lộ với mình mà mình lại nói với ta về lòng chung thủy, về tình nhớ thương.” Giọng hát của người em gái ngân nga giăng mắc trong không gian, trên dòng kinh quê hương đã đưa chúng ta trở về với hiện tại. Trên mảnh đất quê hương, kẻ thù đã gây bao tội ác: “Thuốc độc Mĩ rải xuống đây. Hơi bom napan đã thay thế mùi quả chín. Thuốc độc cùng với hơi độc chiến tranh và bom đạn của giặc Mĩ vẫn tiếp tục hủy diệt những gì còn lại ở nơi đây, một gốc cây, một con chim nhỏ đang nép mình dưới đó vô tình còn lại.” Nhưng vượt lên trên những tàn phá hủy diệt, giọng hát đưa em “càng dâng lên thiết tha, thấm trong từng hơi thở”. Đó chính là sức sống của dân tộc, là hơi thở của quê hương, mềm mại mà rắn rỏi in đậm trên từng trang viết của Nguyễn Thi, thúc giục mỗi người “xốc lại súng lên đường”. Với Đường chúng ta đi, từ cái khoảnh khắc nghe giọng hát của người con gái trên đài, tác giả đã vụt hiện những liên tưởng rộng xa, phóng khoáng về quê hương xứ sở, về truyền thống ngàn xưa của lịch sử cha ông, về bạn bè năm châu, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng được hun đúc và đan quyện giữa quá khứ và hiện tại. Qua giọng hát ấy, Nguyễn Trung Thành nhận ra phong thái và phẩm chất con người Việt Nam: “Một dân tộc đánh giặc bốn nghìn năm mà tiếng hát vẫn êm dịu, uyển chuyển như vậy, dân tộc ấy mãnh liệt và bình tĩnh biết chừng nào.” Và nhà văn đã bày tỏ một thái độ, một sự lựa chọn hết mình: “Cho tôi được sống trong ngày hôm nay của dân tộc ta. Tôi tha thiết yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ trùng điệp của chúng ta đang tiến lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này.”
Bên cạnh các tùy bút ghi đậm dấu ấn một thời nói trên là các bút kí mang sắc thái trữ tình đằm thắm của Anh Đức, Giang Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Những người viết kí ở miền Nam lúc bấy giờ luôn thường trực trong mình một tình cảm không bao giờ vơi cạn với nhân dân, đất nước và lòng căm thù tột độ với kẻ xâm lược. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, những người viết kí bằng “tiếng nói của vũ khí và vũ khí của tiếng nói” đã đem đến cho người đọc những thực đơn tinh thần tràn đầy niềm tin và lạc quan vào chiến thắng, vào những bước đi ngày càng vững chắc của cách mạng miền Nam. Trong những năm 60 của thế kỉ XX, những bút kí của Anh Đức được viết dưới hình thức các bức thư gửi nhà văn Nguyễn Tuân và các văn nghệ sĩ miền Bắc mà thực chất đó là nỗi lòng của nhà văn, là tấm lòng của miền Nam gửi ra miền Bắc với tất cả niềm tin yêu và hi vọng. Những bút kí Bức thư Cà Mau (1963), Lá thư cuối năm (1964), Dưới một vùng ánh sáng đục (1965) là những câu chuyện về người thật việc thật xảy ra hàng ngày trên vùng đất mũi Cà Mau nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những năm đen tối của cách mạng miền Nam mà nổi bật ở đây là những chiến công ngày càng vang dội của đồng bào từ sau ngày đồng khởi. Bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống Mĩ, người dân Cà Mau đã bình thường hóa trước thực tại, kiên cường bám đất: “Giữa miền đất mật độ bom đạn rất đỗi đậm đặc này, sự sống vẫn bình thường. Thấy sự bình thường hóa cao độ cuộc sống chiến đấu ở đây mà ngao ngán cho thằng giặc Mĩ. Bom napan không dọa nổi ai. Chất độc hóa học không dọa nổi ai.”
Trong các bút kí miền Nam đã ghi lại được những mẩu chuyện chiến đấu, những tên tuổi và sự tích anh hùng của những con người bình thường, những tên làng tên xóm thân thương, những trận đánh vang dội mà những người cầm bút đã dự phần và chứng kiến. Đó là hình ảnh chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi), anh Trỗi (Sống như anh - Trần Đình Vân), những Tạ Thị Kiều, Trần Dưỡng, Trừ Văn Thố, Pi Năng Tắc, Phạm Văn Hai… trong Đại hội anh hùng - Nguyễn Thi. Đó là hình ảnh những người phụ nữ miền Nam từ các mẹ, các chị, các em với phong thái ung dung, bình tĩnh mà quyết liệt trong đấu tranh chính trị: “Khí thế chính trị của ta là ở mái chèo vỗ sóng nước, ở rừng xuồng ghe lao mũi tới như tên bắn, ở sự ung dung tự tin của các bà các mẹ ngồi trên xuồng đi đấu tranh vẫn điềm nhiên ngoáy trầu ăn, và của các cô gái vừa bơi vừa sửa lại khăn đội đầu cho ngay ngắn” (Bức thư Cà Mau - Anh Đức). Trên đồng đất Long An đã tạo được cái thế độc đáo, thế đứng trên đầu thù của quân dân nơi đây trong cuộc đối mặt, đọ sức đầu tiên với giặc Mĩ và ở đó đã xuất hiện Nguyễn Văn Danh, một trong những dũng sĩ diệt Mĩ đầu tiên của Long An. Người đọc không khỏi cảm phục và yêu mến những người dân của “đồng bằng Nam Bộ mênh mông tươi mát và vô cùng anh dũng của chúng ta vẫn mênh mông tươi mát và anh dũng vô cùng như tự bao giờ” (Đồng bằng đánh Mĩ - Giang Nam). Cửu Long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh đã ghi lại được khí thế cách mạng chưa từng thấy ở mỗi con người, ở từng thôn xóm tại Bến Tre, nơi có những địa danh làm nức lòng người như Mỏ Cày, Ấp Bắc, Thạnh Phú… Trong kí miền Nam cũng đã mở ra điểm nhìn cho thấy sự thức tỉnh, giác ngộ của con người, nhất là với thanh niên vùng đô thị miền Nam đã bước ra khỏi sự chật hẹp, yếu hèn của đời sống để nhập cuộc một thành phố đang nổi dậy với ý thức “Tổ quốc sẽ định đoạt vận mệnh của chúng ta. Một hành động có ích của chúng ta cũng góp phần định đoạt vận mệnh Tổ quốc” (Như con sông từ nguồn ra biển - Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Hàng loạt tác phẩm kí trình hiện trong những năm chống Mĩ cứu nước ở miền Nam đã tạo thành một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục phản ánh hiện thực cuộc sống và chiến đấu đã trở thành nếp sống thường ngày của đồng bào miền Nam trong các giai đoạn khác nhau của thời đại đánh Mĩ, thời đại anh hùng cách mạng của dân tộc đã trở thành cảm hứng chủ đạo của “chiến lược tự sự” lúc bấy giờ. Đọc lại những trang kí tiêu biểu của văn học cách mạng miền Nam, người đọc hôm nay thêm một lần nữa nhận thấy hiệu ứng thẩm mĩ của kí nói riêng và văn học nói chung với thời đại. Đó là sự đáp ứng nhanh nhạy, sắc bén và hiệu quả của thể loại với những đòi hỏi, yêu cầu bức thiết của con người và cuộc sống thời chiến được nhìn nhận từ chức năng xã hội, lịch sử và văn hóa của các loại hình văn học, nghệ thuật.
Kí miền Nam với tính chất của một thể loại văn học bên cạnh nội dung tư tưởng không tách rời với giá trị nghệ thuật. Các nhà văn đã mở rộng biên độ thể kí, đã cho thấy dung lượng, sức chứa của thể loại đồng thời chứng minh một sự thật: người viết kí cần phải có sự từng trải và một tâm hồn nghệ sĩ. Dễ nhận thấy sự hòa quyện giữa yếu tố trữ tình và chính luận trong kí miền Nam kết dệt nên những áng văn đặc sắc trong văn xuôi giai đoạn chống Mĩ. Các nhà văn từ sự quan sát tỉ mỉ các góc độ của cuộc sống, cảnh quan, tái tạo nó trong cái nhìn riêng có, mang đậm dấu ấn cái “tôi” với những liên tưởng độc đáo, những trầm tư lịch sử, bộc lộ bản sắc và cá tính sáng tạo của mỗi tác giả đã góp phần làm đầy “không khí sự sống” trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, gian nan và hơn thế đã truyền cảm hứng và lòng tin vào ngày chiến thắng của dân tộc. Kí miền Nam với sự linh hoạt của thể loại đã tạo cơ hội cho nhà văn vừa phản ánh cái hiện hữu, vừa ngược dòng thời gian trở về với cội nguồn lịch sử, vừa nói tới một sự việc cụ thể, lại vừa khái quát được nhiều phương diện của sự sống và con người. Bên cạnh một Nguyễn Trung Thành giàu suy tư, sâu lắng, là một Anh Đức đằm thắm, ngọt ngào. Bên cạnh một Nguyễn Thi nồng nàn gợi nhiều suy tư, một Hoàng Phủ Ngọc Tường khắc khoải mà lắng đọng, là một Trần Hiếu Minh giản dị, chân thành, một Giang Nam đôn hậu, ân tình…
Những tác phẩm kí miền Nam đã thể hiện sự gắn bó của người viết với hoàn cảnh lịch sử, đề cập những vấn đề của người đương thời. Các chủ thể sáng tạo đã thâm nhập sâu vào hiện thực, đã cảm xúc và suy nghĩ đến tận cùng “xương thịt” với nhân dân và đã bắt gặp, chạm đến những vấn đề chung của thời đại, xuyên suốt không gian và thời gian, truyền thống và hiện tại, văn hóa và lịch sử. Chính vì vậy các sáng tác kí miền Nam có xu hướng mở rộng biên độ phản ánh và miêu tả, viết về miền Nam mà khái quát được những vấn đề của đất nước, hòa nhịp với dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt ở miền Nam, kí đã có những thành tựu và đóng góp đáng kể trong loại hình văn xuôi nghệ thuật, làm sống dậy một vùng kí ức hào hùng và bi tráng của cuộc sống và con người bên kia vĩ tuyến 17, đã tỏ rõ sức mạnh của thể loại, là một bộ phận không thể tách rời trong bối cảnh văn học chống Mĩ nói riêng và rộng ra trong tiến trình văn học dân tộc.
N.B.T
1. Các trích dẫn trong bài viết này đều từ nguồn: Nhiều tác giả, Đường chúng ta đi - tập kí thời kì chống Mĩ, Nxb Kim Đồng, 2005.
VNQD