Tác phẩm Cha và Con của nhà văn Hồ Phương là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi tái hiện chân thực, cảm động và sâu sắc những năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của người cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Không mang dáng dấp của một tác phẩm anh hùng ca, cũng không đi vào huyền thoại hóa, cuốn sách là một nỗ lực nghiêm túc trong việc khắc họa hình tượng cậu bé Nguyễn Tất Thành giàu nghị lực, thông minh và giàu cảm xúc, tiền đề hình thành nên một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm mở ra khung cảnh quê hương Nam Đàn, Nghệ An, nơi gắn bó với thời thơ ấu của Nguyễn Tất Thành (khi ấy được gọi là Côn). Qua trang sách, người đọc cảm nhận được một bầu không khí giáo dưỡng đậm đặc tinh thần Nho học, đạo lí và yêu nước. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước, một người cha nghiêm khắc nhưng đầy tình thương, luôn tìm cách dạy con bằng tấm gương sống và hành động.
Nhà văn Hồ Phương không kể bằng giọng hào hùng hay giáo điều, mà ông dựng lên những lát cắt đời thường từ bữa cơm đạm bạc, bài học đạo lí, những lần cha con cùng nhau di chuyển từ Nghệ An vào Huế, rồi đến Bình Khê, Phan Thiết... Mỗi chuyển động không gian đều gắn liền với chuyển động tinh thần của cậu bé Côn. Từ chỗ tò mò, ham chơi đến chín chắn, nhạy bén trước thời cuộc.
Nguyễn Tất Thành hiện lên trong Cha và Con là một cậu bé thông minh, sớm nhận biết sự bất công xã hội, có tinh thần độc lập, luôn dõi theo thời cuộc qua câu chuyện của cha và những gì tận mắt chứng kiến. Khi chứng kiến cảnh triều đình Huế nhu nhược, vua Thành Thái bị phế truất, người dân khổ sở vì sưu cao thuế nặng, cậu đã có những rung động đầu đời của một tâm hồn cách mạng.
Tuyệt nhiên không có sự lí tưởng hóa nào trong cách nhà văn mô tả. Cậu Côn vẫn có nét nghịch ngợm, tò mò, nhưng trên hết là một tâm hồn nhân hậu, biết yêu thương, biết suy tư trước nỗi đau đồng bào. Một chi tiết xúc động là cảnh chia tay cha ở Bình Khê, khi Côn từ giã để vào Nam dạy học rồi lên đường ra đi tìm đường cứu nước. Khoảnh khắc lịch sử được tái hiện đầy nhân bản qua tâm trạng của người cha: “Giá như họ biết được đây là cuộc chia tay cuối cùng”.
Cấu trúc tiểu thuyết như một bản hồi tưởng của người cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc trong quá trình nuôi dạy con. Đây không chỉ là tình cảm máu mủ, mà còn là cuộc đối thoại tư tưởng giữa hai thế hệ trí thức yêu nước. Từ những bài học nhỏ trong đời sống đến việc gửi gắm lí tưởng phụng sự dân tộc, cụ Sắc truyền lại cho con niềm tin sâu sắc vào phẩm giá con người, vào đạo lí, và trên hết là tinh thần vì dân, vì nước.
Tình cha con trong tác phẩm không ủy mị, không rơi vào cảm xúc cá nhân thuần túy, mà chính là nơi nhen nhóm một ngọn lửa cách mạng. Ở đó, cậu Côn - Nguyễn Tất Thành không chỉ học được chữ nghĩa, mà còn học cách làm người, học thái độ sống kiên cường, tự lập, và hướng về những giá trị lớn hơn bản thân.
Tác phẩm Cha và Con dựa trên những tư liệu lịch sử có thật. Từ các chuyến di chuyển của cụ Nguyễn Sinh Sắc, những năm học của Bác ở Huế, giai đoạn dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết, đến khoảnh khắc ra đi từ cảng Nhà Rồng năm 1911. Nhà văn Hồ Phương là một cây bút có vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử đã chắt lọc từng chi tiết để dựng lên một không gian trung thực và có sức gợi.

Tác phẩm "Người đi tìm hình của nước" của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng.
Giọng văn của ông mạch lạc, nhẹ nhàng, có nhịp điệu trầm lắng, phù hợp với không khí của một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết cho thiếu niên. Không lạm dụng chất “đấu tranh”, không lên gân khẩu hiệu, ông kể như người sống trong thời ấy kể lại khiến độc giả cảm nhận được bầu không khí xã hội một cách chân thật và tự nhiên.
Nhà văn Hồ Phương lựa chọn một hình thức trần thuật quen thuộc, góc nhìn thứ ba, nhưng điểm đặc biệt là trọng tâm cảm xúc lại nghiêng về phía người cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đây là lựa chọn giàu hiệu quả thẩm mĩ. Nhà văn không thần thánh hóa Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu như một “vị thánh cách mạng”, mà khắc họa như một cậu bé sống động, được nuôi dưỡng bởi truyền thống gia đình và sự giáo huấn của cha mẹ. Góc nhìn ấy cho phép nhà văn đi sâu vào nội tâm một người cha trí thức đang vừa dạy chữ, vừa dạy làm người, trong bối cảnh một xã hội đầy bất ổn. Nhờ chọn đúng góc nhìn, tác phẩm truyền tải được tình cảm gia đình và tinh thần yêu nước một cách thầm lặng, không khuếch đại nhưng giàu ám ảnh.
Văn chương của Hồ Phương trong Cha và Con mang âm hưởng của lối kể trầm mặc, mang phong cách gần với truyện kí hơn là tiểu thuyết hiện đại phức điệu. Với các đặc điểm nổi bật: giọng văn điềm đạm, tường thuật sự việc như đang kể lại kí ức, không dồn dập kịch tính; lối hành văn gãy gọn, ngắn, câu văn giàu tính mô tả nhưng không sa vào chi tiết dàn trải; hội thoại giản dị, thực tế, phản ánh đúng phong thái một gia đình Nho học và tâm thức dân tộc thời Pháp thuộc. Chính giọng văn này tạo nên mạch ngầm cảm xúc, khiến người đọc bị lôi cuốn không bởi biến cố gay cấn mà bởi sự xúc động sâu xa, đặc biệt trong những phân đoạn cha con chia tay, hay khi Nguyễn Tất Thành lặng lẽ quan sát những bất công trong xã hội.
Một trong những nghệ thuật đáng kể nhất trong tác phẩm là cách tác giả xây dựng nhân vật bằng hành động hơn là diễn giải. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hiện lên qua những việc nhỏ: dạy con, tự bỏ quan khi không chấp nhận được sự áp bức của nhà nước bảo hộ, sống thanh bạch và từ chối những gì trái đạo lí. Nguyễn Tất Thành được khắc họa thông qua các hành vi cụ thể: ghi nhớ lời cha, tự giác học tập, biết yêu thương người nghèo, phản ứng trước bất công xã hội. Không có những bài giảng dài dòng về đạo đức cách mạng, không có cảnh “giác ngộ” kịch tính, mà chỉ có sự trưởng thành tự nhiên, vững chắc trong lòng một cậu bé Việt giữa thế kỉ XX.
Hồ Phương không dàn trải tư liệu lịch sử một cách khô cứng, mà lồng ghép khéo léo những sự kiện có thật như: Vua Thành Thái bị phế truất; phong trào Duy Tân; các kì thi Hương, Hội, Đình; cảnh quan làng Sen, Kinh thành Huế, Bình Khê, Phan Thiết… Nhưng những không gian này không chỉ là bối cảnh vật lí, mà còn mang tính biểu tượng. Huế là biểu trưng cho giai đoạn “giác ngộ” về chính trị; Bình Khê là nơi cha con chia tay, biểu tượng cho sự dấn thân của người con; Phan Thiết - Dục Thanh là khung cảnh nuôi dưỡng lí tưởng cách mạng trước khi bước vào hành trình lớn. Sự đan xen giữa địa danh, sự kiện, cảm xúc tạo nên một không gian lịch sử sống động, giàu chiều sâu nhân văn.
Tác phẩm chọn kết cấu tuyến tính, từ tuổi thơ → trưởng thành → chia tay → ra đi. Đây là lựa chọn hợp lí, giúp dẫn dắt mạch cảm xúc của người đọc theo một quỹ đạo phát triển tự nhiên, tạo độ mở để các chi tiết đời thường có chỗ “thở”, không bị lấn át bởi biến cố lớn. Kết cấu này khiến tác phẩm giống như một hồi kí lịch sử, giúp người đọc cảm nhận Hồ Chí Minh như một con người thật gần gũi, đi từ tuổi thơ gian khó đến lí tưởng lớn lao.
Tác phẩm Cha và Con không chỉ dựng lại một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Hồ Chí Minh, mà còn soi chiếu vào nguồn cội tinh thần đã hình thành nên một nhà cách mạng lỗi lạc. Qua mối quan hệ cha con, người đọc thấy được một cậu bé mang trong mình phẩm chất đạo đức, trí tuệ, và lòng yêu nước, tất cả đều khởi sinh từ mái nhà đơn sơ, từ những bài học giản dị mà sâu xa của người cha. Bằng một văn phong giàu cảm xúc và trung thành với sự thật lịch sử, Hồ Phương đã để lại một tác phẩm có giá trị lâu dài trong dòng văn học viết về Bác Hồ, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.
THU HÀ
VNQD