. HẢI NGUYÊN
Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng của những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Hiện nay ở nhiều nước ra đời môn học Phân tích giao tiếp liên văn hoá(Intercultural Communication Analysis gọi tắt là ICA) có ở nhiều môn học khoa học xã hội. Môn này rất chú tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, như một “phần mềm tinh thần”(mental software), là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa. Thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) thực chất là giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication). Nó còn được gọi tên khác là giao tiếp giao thoa văn hoá (Cross-cultural communication). Người đầu tiên sử dụng khái niệm liên văn hóa là nhà nhân học Edward Hall trong công trìnhThe Silent Language (1959)[1]. Hướng nghiên cứu liên văn hóa phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỷ XX để lý giải sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng có những phương thức, tập quán, thói quen sống và quan niệm, nhân sinh quan khác nhau biểu hiện ở các khía cạnh quan hệ truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, bản địa cụ thể và nhân loại phổ quát. Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.
Hướng nghiên cứu liên văn hóa (intercultural) hứa hẹn nhiều triển vọng, nó không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà còn rộng rãi hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu.Đối chiếu với lý thuyết này người ta thấy Bác Hồ là một trong những nhà văn hóa “liên văn hóa” tiêu biểu nhất của thế giới hiện đại. Như một cây đại thụ cắm sâu các chùm rễ khỏe khoắn vào mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác – Lênin, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của Người đã kết tinh trong đó những giá trị tinh hoa để tỏa ra hương vị tư tưởng đặc sắc. Tại thành phố New York – Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (05/10/2019), cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức cũng chủ yếu nhìn đối tượng nghiên cứu từ góc độ “liên văn hóa”. Họ đã tìm thấy ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Các chủ đề được chính các học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức hội thảo đều nhấn mạnh hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận. Hồ Chí Minh không chỉ là vĩ nhân của Việt Nam mà còn là vĩ nhân của thế giới. Tầm vóc của Người mang tầm nhân loại, đồng hành cùng nhân loại...
Liên văn hóa có trong một nền văn hóa được gọi là giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication) tức quan hệ theo chiều dọc truyền thống/hiện đại. Nhưng được hiểu chủ yếu theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở 3 phương diện là biểu tượng, nhân vật và ngôn ngữ.
Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng liên văn hóa kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại... Bài viết xin bước đầu được tìm hiểu phương diện tiểu sử liên văn hóa, coi đó như điển tựa để Bác Hồ kiến tạo những liên văn hóa đặc sắc khác.
Lên 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế. Sau này, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở Phan Thiết, vào thăm cha ở Bình Khê, đến Sài Gòn... Năm lên bảy tuổi cậu bé Côn đã học thông sách Luận ngữ, rồi sớm học tiếng Pháp. Như vậy Nguyễn Tất Thành đã được tiếp xúc với nhiều vùng/nền văn hóa khác, tinh thần “liên văn hóa” đã có từ rất sớm ở Danh nhân văn hóa thế giới này. Ngày 5/6/1911 một người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời cảng Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche – Tréville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm. Người thanh niên ấy sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo số liệu mới nhất, đã đi 54 nước, làm 12 nghề khác nhau, thông thạo ít nhất 12 ngoại ngữ. Từ góc nhìn “liên văn hóa” hiện đại cho thấy Nguyễn Ái Quốc là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là ở các nước Pháp (châu Âu) và Mỹ (châu Mỹ - Latinh); văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Xét đến cùng mục đích đi tìm đường cứu nước: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” cũng là một tinh thần “liên văn hóa”.
Để hiện thực hóa lý tưởng cứu nước, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính,... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Chính Người đã khiêm tốn khẳng định:“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội…Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[2]. Cuộc đời hoạt động và trước tác của Bác đã chứng minh Bác học tập, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng của các bậc thầy vào điều kiện hoàn cảnh cách mạng Việt Nam.“Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”. Đó chính là một biểu hiện của một hiện tượng “liên văn hóa” sinh động nhất, sâu sắc nhất.
Tòa lâu đài nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Nhờ có nhiều những ô cửa sổ ngoại ngữ nên đón được nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Nhờ vậy Người đã đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở để trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ tốt đẹp vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Người đã trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”. Lịch sử Việt Nam và thế giới hiện đại đã chứng minh và khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện tuyệt vời của sự kết hợp văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây. Văn hoá phương Đông đã thấm vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ tuổi ấu thơ, vì cậu may mắn được sinh ra trong một gia đình Nho học, khoa bảng, nền nếp. Lớn lên rồi bước vào cuộc đời hoạt động đầy huyền thoại Người càng ra sức tích lũy, học tập, coi vốn tri thức là một phương thức, phương tiện làm nhiệm vụ cách mạng.Không chỉ thông thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài, Người còn nói giỏi và am hiểu phong tục của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, thường nói chuyện với bà con để hoà đồng như là một thành viên trong gia đình vậy.
Trong thời buổi hội nhập toàn cầu các nhà văn được coi là những sứ giả văn hóa, nhưng như chúng ta thấy Bác Hồ đã là một sứ giả văn hóa từ đầu thế kỷ XX. Như vậy có thể khẳng định tư tưởng của Người đã đi trước thời đại!
H.N
[1] E.T. Hall.The silent language, New York: Doubleday, 1959
[2] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.
VNQD