. KIM NHẠN
Ocean Vuong (sinh năm 1988) là nhà thơ trẻ người Mĩ gốc Việt. Năm 2016, ngay sau khi ra mắt tập thơ đầu tay, Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu), anh đã được chào đón nồng nhiệt, nhận được nhiều giải thưởng cao quý (giải Whiting cho thơ năm 2016, giải Felix Dennis cho tập thơ đầu tay xuất sắc nhất năm 2017, giải thơ T.S.Eliot năm 2017). Tiếp đó, năm 2019, tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) ra mắt bạn đọc, nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy nhất của tuần báo New York Times, gặt hái được nhiều giải thưởng của cả giới văn chương hàn lâm lẫn sự bình chọn của độc giả. Cả hai tác phẩm đều được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được dịch tại Việt Nam. Là tập thơ đầu tay và cuốn tiểu thuyết đầu tay, xuyên suốt hai cuốn sách là những chủ đề kí ức, chiến tranh, sự cô đơn, cái chết, tình yêu và cái đẹp. Cuốn tiểu thuyết giống như sự nối dài của thơ ca bằng một hình hài khác. Sau hơn bốn mươi năm, Việt Nam vẫn hiện diện như một kí ức gắn với cuộc chiến phi lí, tốn kém, tổn thất và để lại những di chứng tinh thần sâu sắc trong lịch sử nước Mĩ. Những điều đó thôi thúc người Mĩ quan tâm đến chiến tranh Việt Nam. Là một tác giả mang quốc tịch Mĩ, là người nhập cư gốc Việt, không hề có trải nghiệm thực tế về chiến tranh, Ocean Vuong sẽ đem đến cách tiếp cận và những câu chuyện như thế nào?
Ở cả hai cuốn sách, Ocean Vương không trực diện viết về chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn hiện diện theo một cách không ngờ: những di chứng khủng khiếp của nó lên những người tị nạn, người nhập cư thế hệ thứ hai, thứ ba. Cùng chủ đề này, chúng ta đã biết tới những truyện ngắn và tiểu thuyết của Viet Thanh Nguyen, cũng là một nhà văn Mĩ gốc Việt. Nếu như Viet Thanh Nguyen đề cập một cách trực diện và coi đó như bóng ma quá khứ thì Ocean Vuong đã phản ánh lịch sử bằng một cái nhìn xuyên thấu giữa quá khứ và hiện tại mà ở đó lịch sử vừa như một khách thể vừa đồng hành với quá trình tìm về căn cước và bản dạng của con người.
Rời Việt Nam năm 1990, khi đó Ocean Vuong mới hai tuổi, không hề trải qua chiến tranh, chưa nhận thức về những biến động to lớn của gia đình và thế giới xung quanh, nhưng khuôn mặt của chiến tranh cùng những chấn thương tâm lí hậu chiến vẫn bám dai dẳng trong cuộc sống của anh. Ngay cả khi đặt chân lên đất Mĩ, bóng đen của quá khứ ấy vẫn cứ vây bủa, trở thành một thứ thực tại song hành với thực tại nước Mĩ. Sống cùng bà và mẹ, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến, chấn thương tinh thần ấy đã truyền sang cậu bé Ocean Vuong trong suốt quá trình tuổi thơ, tuổi trưởng thành của anh. Có lẽ bởi vậy, Ocean Vuong có cái nhìn về lịch sử rất đặc biệt.
Giống như người được truyền thừa kí ức, Ocean Vuong không nhìn lịch sử như một điều đã qua, mà như một thực tại sống động: ngoại tôi hôn/ như thể bom đang nổ ở sân sau nhà/ nơi bạc hà và hoa nhài phẩy hương/ qua cửa sổ bếp (Kissing in Việt Nam - Hôn kiểu Việt Nam). Đây là bài thơ chấn động về nụ hôn, không chỉ bởi lần đầu tiên người ta biết đến một nụ hôn kiểu Việt Nam mà bởi sức mạnh bí ẩn có nguy cơ hủy diệt ẩn sau nụ hôn đó. Cũng không lãng mạn như cách người ta hình dung về nụ hôn (giống như nụ hôn kiểu Pháp, nụ hôn kiểu Ý), đây là nụ hôn của ngoại, người có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn Ocean Vuong. Bằng một cái nhìn xuyên thấu, nụ hôn của ngoại có hình hài của bom rơi, của hủy diệt, của những thảm khốc cùng cực mà chiến tranh đã gây nên, còn ám ảnh mãi trong tâm khảm ngoại. Nụ hôn ấy không “âu yếm cầu kì, không âm nhạc Tây phương”: ngoại hôn như thể để hít lấy/ bạn vào bên trong bà, mũi ép vào má/ để mùi của bạn được biết đến lại/ và mồ hôi bạn đọng lại thành những giọt vàng/ trong phổi, như thể trong khi bà ôm bạn/ cái chết cũng đang nắm chặt cổ tay. Diễn tả một hành động yêu thương, Ocean Vương đã gọi về cả cách yêu thương của ngoại. Trong cách yêu thương ấy, chúng ta thấy toàn bộ bức tranh quá khứ của ngoại, ám ảnh chiến tranh của ngoại, như thể kí ức đó là toàn bộ cuộc sống của ngoại, như thể ngoại chưa từng bước ra khỏi chiến tranh. Với cái nhìn độc đáo, Ocean Vuong đã phục dựng quá khứ theo một cách không ngờ nhất, và chẳng những phục dựng mà còn để cho nó hiện diện như một thực thể sống mang tính di truyền. Thông qua nụ hôn của ngoại, chiến tranh và những khốc liệt đã hiện hữu như một thứ lịch sử được cấy ghép, một quá khứ được phục sinh, một cơn ác mộng vẫn tiếp diễn, và điều đặc biệt là chúng tiếp diễn trong yêu thương. Nụ hôn như một cây cầu mà ở đó kí ức được trao truyền, cấy ghép từ bà sang cháu, từ già sang trẻ. Đó là nụ hôn kết nối thế hệ, gắn kết và nối dài quá khứ: ngoại tôi hôn như thể lịch sử/ chưa bao giờ chấm dứt, như thể ở đâu đó/ một cơ thể vẫn đang/ rụng rời.
Viết trong hành trình trưởng thành của một đứa trẻ da vàng, mới lớn, đồng tính, trong xã hội Mĩ, Trời đêm những vết thương xuyên thấu là một cuộc vật lộn để cái tôi xác lập căn cước và đi tìm nguồn cội của chính mình. Chiến tranh và kí ức được trao truyền không còn là hiện thực của bà mà đã trở thành một phần làm nên căn cước của cháu. Trong thơ Ocean Vuong, chiến tranh không chỉ có hiện hình và kết nối. Chiến tranh là điểm khởi phát, là nơi bắt đầu của sự sống. Trong bài thơ Notebook Fragments (Những mẩu ghi chép), Ocean Vuong đã đem đến một định nghĩa gây sững sờ về nguồn cội: Một người lính Mĩ hiếp một thôn nữ Việt Nam. Bởi thế mẹ tôi tồn tại/ Bởi thế tôi tồn tại. Bởi thế không bom = không gia đình = không tôi. Nếu như bom đạn là hiện thân của chết chóc, của sự hủy diệt, của chiến tranh thì bom cũng có thể là điểm bắt đầu, điểm tạo sinh, như một sự thực éo le mà lịch sử ở tất cả các bên dường như đã bỏ quên. Câu thơ là sự chưng cất từ hiện thực trong chính gia đình Ocean Vuong, khi ông ngoại anh là lính Mĩ, kết hôn với bà ngoại anh - một phụ nữ Việt Nam, sinh ra mẹ anh - một người con lai, rồi đến anh là sự tổng hòa của hai dòng máu Mĩ - Việt. Lịch sử và kí ức, do đó, không còn là hiện thực, không còn là bối cảnh, mà đã trở thành nguyên cớ của sự sống.
Chính vì bom đạn chiến tranh mang một ý nghĩa máu thịt như vậy, nên nó luôn xuất hiện trong hành trình đi tìm nguồn cội một cách đầy chủ ý của nhân vật, trong nỗi đau thông liên giữa bà và cháu, giữa cha và con, giữa mẹ và con, giữa hiện tại và quá khứ. Trong bài thơ Chứng sợ Logophobia, Ocean Vuong đã gợi lên một viên đạn xuyên thế hệ, ở đó chữ gia đình được viết bằng tiếng Việt như một cách bảo lưu ý niệm về nhà, về mối liên hệ ruột thịt thiêng liêng nhất của người Việt: Vội vã -/ tôi khoan mực/ thành một dấu chấm./ Cái lỗ sâu nhất,/ nơi viên đạn,/ sau khi xuyên/ vào lưng cha tôi,/ đã nằm/ lại nghỉ (Chứng sợ Logophobia).
Nếu như gia đình là một ý niệm cố kết thì viên đạn sau khi “xuyên vào lưng cha tôi” đã dừng lại ở đó, im lìm, không mất đi, như một thành viên vô hình. Viên đạn nằm đó, nghĩa là sẽ còn thương tổn, sẽ còn đau đớn, sẽ còn nhức nhối, sẽ còn trao truyền cho thế hệ sau; cũng có nghĩa là, chiến tranh và kí ức sẽ vẫn luôn hiện diện, luôn tái sinh, luôn rỉ máu.
Vẫn tiếp tục mạch nguồn đó, như một thôi thúc tìm về, Ocean Vuong nối dài hồi ức về chiến tranh và thời hậu chiến trong bài thơ Headfirst (Đầu trước): Khi người ta hỏi/ con đến từ đâu,/ hãy nói tên con/ được bồi đắp từ cái miệng móm/ của một người đàn bà chiến tranh./ Rằng con không được sinh/ mà bò ra, đầu trước -/ vào đói khát của bầy chó. Con ơi, bảo họ/ cơ thể là lưỡi dao được mài/ bằng những vết cắt.
Headfirst mượn giọng của người mẹ để nói về sự hình thành của con. Từ góc nhìn của mẹ, con sinh ra đã cận kề miệng vực chết: cơ thể là lưỡi dao được mài/ bằng những vết cắt. Cũng dữ dội như cách hình dung về nụ hôn của ngoại chứa trong đó tiếng bom nổ, cơ thể “con” trong bài thơ này là một hình ảnh thơ đầy tính sát thương, cắt cứa vào lòng người đọc cảm giác sắc lạnh của nỗi đau thân phận mà những đứa con hậu chiến được sinh ra từ “một người đàn bà chiến tranh” đã phải hứng chịu - dường như từ trong tiền kiếp. Vết cắt đó, bản thân nó, hàm chứa tất cả những khốc liệt mà từ đó bà mẹ khước từ tất cả những mĩ từ, ngay cả mĩ từ nói về sự sinh nở. Con không “được sinh”, con chỉ hoài thai từ chiến tranh chết chóc, rồi “bò ra” trong bối cảnh khốn cùng, như trước miệng đàn chó đói khát chỉ chực chờ mồi. Cuộc tạo sinh, do đó, cũng là cận kề với cái chết, sự hủy diệt một cách tàn khốc nhưng cũng đầy kiêu hãnh, bởi cuối cùng sự sống đã chiến thắng.
Sinh ra bên rìa của chết chóc, sống sót bên cạnh những đau thương, tàn sát, đó là những nghịch cảnh trong thơ Ocean Vuong. Những nghịch cảnh đó trở thành một vết thương xuyên thế hệ, xuyên quá khứ và hiện tại, một thứ căn cước cá nhân nhưng nhuốm màu tập thể, nơi những con người bé nhỏ bị lịch sử bỏ quên vẫn lấp lánh và vượt lên đầy khắc khổ trong thơ.
Nếu Trời đêm những vết thương xuyên thấu là những suy tư về lịch sử và kí ức bằng thơ thì Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là nơi những suy tư và diễn giải được nới rộng theo cách đặc trưng của tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết đã khắc sâu hơn nữa cảm thức về lịch sử, chiến tranh và những mất mát của người Việt trên đất Mĩ. Câu chuyện có yếu tố tự truyện này đã phá vỡ chuẩn mực thông thường của một tác phẩm hư cấu. Nếu như độc giả Âu - Mĩ nói chung ưa chuộng kết cấu truyện theo sơ đồ ngọn núi (thắt nút - mở nút), nghĩa là đòi hỏi một câu chuyện có xung đột, có kịch tính, như một đấu trường nghẹt thở mà chúng ta biết là sẽ có một bên gục xuống vào phút cuối cùng, thì Ocean Vuong lại đem đến một câu chuyện mang ý vị tâm tình rất Việt Nam. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một bức thư mà người con trai Little Dog (Chó Con) viết cho người mẹ không thể đọc được tiếng Anh của mình. Chính vì biết mẹ không thể đọc được nên cậu thoải mái phơi bày tất cả những cảm xúc sâu kín, tất cả những điều đã làm nên quá trình trưởng thành của cậu. Trong tác phẩm, chiến tranh hiện diện không phải bằng bom đạn mà bằng những thực tại nối dài của kí ức.
Toàn bộ chương đầu tiên của tác phẩm, Ocean Vuong dựng lại không gian sống từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành của cậu tại Mĩ. Sớm vắng cha (cha bị ngồi tù vì bạo hành vợ, cuối cùng li dị, bỏ mặc vợ con giữa cuộc mưu sinh khắc nghiệt), Chó Con sống với bà ngoại Lan, người mà “kể từ khi biết nhớ, con đã thấy ngoại chập chờn, thoắt tỉnh thoắt điên” và người mẹ tên Hồng (Rose) lúc nào cũng kiệt sức vì tiệm nail. Cả ngoại Lan và mẹ đều bị di chứng của chiến tranh, của những lần nhà cháy, của những chết chóc... đeo bám. Những ám ảnh đó không thôi hiện diện như thể quỹ đạo thời gian đã ngừng lại, hiện tại và tương lai bị xóa trắng, chỉ có quá khứ vẫn sống mãi, kéo dài vô tận.
Ngoại Lan là một nhân vật điển hình của sang chấn tâm lí sau chiến tranh. Ngoại có bộ não “cuồng loạn và bùng nổ suốt những giờ khắc tỉnh”, “vốn không bao giờ dứt càm ràm huyên thuyên bởi chứng tâm thần phân liệt, chỉ càng thêm nặng kể từ sau chiến tranh”. Sang chấn tâm lí không chỉ ảnh hưởng đến bộ não mà còn đến “...toàn bộ cơ thể nữa, gồm cả cơ bắp, khớp và tư thế. Lưng ngoại Lan vĩnh viễn còng”. Người đàn bà ấy là một kho chuyện kể. “Trong khi nhổ tóc, những bức tường trắng quanh hai bà cháu không phải làm hiện lên những khung cảnh diệu kì mà là mở ra cho ta bước vào trong đó, gạch vữa tan đi để lộ quá khứ sau lưng. Những cảnh tượng từ cuộc chiến, những huyền thoại về khỉ giống như người, về những người bắt ma thời xưa” hiện lên rõ mồn một; qua mỗi lần kể lại thêm một sắc màu mới, nhưng về cơ bản vẫn sống động chen lẫn li kì, hạnh phúc và đau thương. Thông qua những câu chuyện đó, ngoại đã hồi sinh, nối dài kí ức của mình, trao truyền nó cho người cháu, cũng có nghĩa là cấp cho những câu chuyện quá khứ và lịch sử một đời sống mới trong tâm hồn non nớt của người cháu nhỏ tuổi.
Không chỉ sống trong những câu chuyện thời chiến, Chó Con còn được nếm trải những trải nghiệm chiến tranh thông qua những cơn điên loạn của ngoại và mẹ. Nghe thấy tiếng nổ của pháo hoa ngày Quốc khánh Mĩ, ngoại “quỳ gối, cào điên cuồng trên đống mền”, kéo người cháu lại, “cúi người, co cụm dưới bệ cửa, lắng nghe tiếng nổ vang vọng trên đầu” mà ngoại ngỡ tiếng súng biệt kích. Cũng bị di chứng chiến tranh như ngoại Lan, mẹ Hồng cũng bao lần hoảng loạn, lầm tưởng tiếng súng săn là tiếng súng truy lùng, nỗ lực kiếm tiền đến kiệt cùng không chỉ để nuôi con mà còn để xây một căn hầm trú ẩn. Ở mẹ Hồng, do vất vả mưu sinh, chấn thương không chỉ hiện hữu trong những ảo giác do vùng kí ức trong não được kích hoạt khi bắt gặp một đốm lửa, một tiếng súng, một cú nhào của máy bay… mà còn biến tướng thành đòn roi, thành những cái bạt tai, thành cơn giận, cơn điên bất cứ lúc nào. Và Chó Con, một cách tội nghiệp, là người hứng chịu tất cả những “cơn mưa bạt tai”, những “cơn bão mẹ” đó.
Chính bởi chiến tranh, kí ức luôn hiện diện bằng rất nhiều cách, đem đến quá nhiều trải nghiệm khốc liệt đối với một cậu bé vốn đã chịu quá nhiều tổn thương. Chó Con hình dung như có một viên đạn được bắn vào mình từ trong tiền kiếp, hay cũng có thể được di truyền qua các thế hệ: “Có những lần, vào tối khuya, con trai mẹ thức giấc và tin rằng có một viên đạn ghim trong mình. Nó cảm thấy viên đạn ấy trôi nổi bên ngực phải, ngay giữa những dẻ sườn. Viên đạn đã ở đây từ muôn thuở, thằng nhóc nghĩ, còn già hơn cả bản thân nó, và những xương, gân, mạch máu của nó chỉ đơn giản là bọc quanh mảnh kim loại kia, gói kín nó lại bên trong thằng nhóc. Nằm trong bụng mẹ, thằng nhóc nghĩ, không phải mình, mà là viên đạn này, hạt giống này, còn mình nảy nở xung quanh nó.” Đã từng xuất hiện ở trong thơ, hình ảnh viên đạn khi đi vào tiểu thuyết, được đặt vào lời của Chó Con - một cậu bé non nớt - đã đem đến những rung cảm sâu sắc, khiến nỗi đau hậu chiến trở nên hữu hình, sắc lạnh. Nó không chỉ là những câu chuyện li kì huyền hoặc, thêu dệt trong trí tưởng tượng của cậu, không chỉ hiện hình trên da thịt sau những màn tra tấn đòn roi, cũng không chỉ là những sợ sệt hoảng loạn trong một miền hoang tưởng có thật, nó là vết thương đau buốt, âm ỉ nhức nhối xuyên thế hệ, đã liên tục tái sinh, và có thể như cái cách Chó Con chiêm nghiệm: “Quá khứ không hề là một khung cảnh cố định và bất hoạt mà là một thứ được thấy lại, dù muốn hay không chúng vẫn di chuyển theo hình xoắn ốc, chúng ta đang tạo ra một thứ mới từ cái đã qua.”
Cuốn tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở đó. Chiến tranh là nỗi đau, là chết chóc, và những hoảng loạn vì nó là có thật, nhưng điều đáng nói là tất cả những điều khủng khiếp đó được kể bằng một lối thổ lộ tâm tình của bức thư, nơi người con trai giãi bày bản thân cho người mẹ không thể đọc tiếng Anh của mình. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không chỉ có bóng ma quá khứ, mà còn thấm đẫm tình yêu thương và sự thấu hiểu. Nó là nỗ lực tìm ra cái đáng sống ngay bên rìa vực của cái chết, tìm nguồn an ủi và sự quan tâm dịu dàng ngay cả khi người thân bên ta mất trí. Chính bởi vậy, sau cùng, dù thừa nhận những ảnh hưởng sâu sắc của quá khứ (“Phải, đã có chiến tranh. Phải, mình bước ra từ chấn tâm của nó”) nhưng Chó Con vẫn nhìn ra được cái đẹp ngay trong chính nỗi đau chết chóc ấy: “Trong cuộc chiến đó, có một người phụ nữ tặng cho mình cái tên mới - Lan - và qua việc đó tuyên bố mình xinh đẹp, rồi khiến vẻ đẹp đó trở thành một thứ đáng giữ gìn. Từ đó, một đứa con gái ra đời, và từ đứa con gái đó, một thằng con trai.” Câu văn này khiến ta nhớ lại câu thơ trong Những mẩu ghi chép (Một người lính Mĩ hiếp một thôn nữ Việt Nam. Bởi thế mẹ tôi tồn tại/ Bởi thế tôi tồn tại. Bởi thế không bom = không gia đình = không tôi) đã dẫn ở trên. Sự tồn tại nối tiếp của bà, của mẹ, của tôi như một cây phả hệ được sinh ra từ chiến tranh, trong đó bà - mẹ - tôi như những đứa trẻ, những nạn nhân của sự khốc liệt. Nhưng, có lẽ ý nghĩ đó đã không đóng khung trong bài thơ, nó tiếp tục được Ocean Vuong phát triển trong tiểu thuyết. Nếu như bà, mẹ, con được sinh ra từ chiến tranh, thì cũng trong tâm chấn ấy, cái đẹp và sự sống đã hiện hữu, như cách ngoại Lan đã can đảm từ bỏ cuộc hôn nhân sắp đặt (mà người chồng gấp ba lần tuổi ngoại) để ra đi, tự đặt cho mình cái tên một loài hoa cao quý sau “một đời không có tên từ lúc sinh ra”, như cách mẹ Hồng say mê âm nhạc phát ra từ một người đàn ông mẹ không biết tên ngay cả trong những tơi tả và đói khát… Bởi vậy, sau tất cả, nhân vật của chúng ta nhận ra rằng: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh - nhưng con đã nhầm rồi mẹ ạ. Mình sinh ra từ cái đẹp. Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực - mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.” Chỉ có thể dũng cảm nhìn quá khứ bằng đôi mắt của tình yêu thương mới khiến cho chúng ta thanh lọc được tâm hồn, tưới tẩm và phủ lên hố sâu miệng vực chết chóc đó hơi ấm và tình yêu của con người.
Như vậy, dù thơ hay văn xuôi, Ocean Vuong đã đem đến cho chúng ta một lịch sử thật khác biệt: có bóng tối, có chết chóc, có dữ dằn nhưng cũng lấp lánh sự sống, lấp lánh cái đẹp. Vừa can đảm để nhìn ra những buốt giá, những mất mát, những khốc liệt, nhưng cũng vừa trĩu nặng thương yêu và sự thấu hiểu để nâng niu xoa dịu những vết thương, ôm ấp những linh hồn có thể bị nuốt chửng bất cứ lúc nào bởi bóng đêm chiến tranh. Có lẽ, đó chính là điều đẹp đẽ nhất mà đọc Ocean Vuong, chúng ta thấy nỗi đau đã được chạm đáy, nhưng cũng thấy trân trọng biết bao nhiêu sự sống và ân tình giữa chúng ta.
K.N
VNQD