Chống tham ô lãng phí – Một viên đạn bắn vào kẻ “nội xâm”!

Thứ Năm, 17/03/2022 17:38

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Ta đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt:
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
Bởi đồn giặc trồng ngô tỉa lúa.

Tôi đã gặp
Những cô gái trồng bông
Hai mươi? Ba mươi?
Tôi không nhìn ra nữa.
Mồ hôi sôi trên lưng
Mặt trời như mỏ hàn xì lửa
Đốt đôi vai cháy hồng.

Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng.
Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng
Hai mùa lúa không có một bông.
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.

Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày…

Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày…

Tôi đã đi
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm

Tôi đã gặp
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con.

Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Đang buộc bụng thắt lưng để sống
Để xây dựng kiến thiết nước nhà
Để yêu thương nuôi nấng chúng ta.

Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ xanh đỏ sáng loà
Như trang giấy kim
Dán lên quân trang
Đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng
Như công nhân
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi!
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem.

Đài xem lễ họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở.
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.

Những con chó sói lãng phí quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!


Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
Đêm nay thiếu cơm thiếu áo.
Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
Và bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gày
Khắp mặt đất
Như ruồi nhặng
Ở đâu cũng có!
Đảng muốn phê bình tất cả
Phải một nghìn số báo Nhân dân!


Tôi đã đến thăm nhiều hố xí cầu tiêu
Giấy trắng nửa mặt, xé toang chùi đít
Những người này không bao giờ họ biết
Ở làng quê con cái nhân dân ta
Rọc lá chuối non đóng vở học i-tờ!

Tôi đã đến dự những phiên toà
Họp suốt ngày luận bàn xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái
Còng lưng, rỏ máu lấn vành đai!

Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng lập đội quân trừ diệt
- Có tôi!
đi trong hàng ngũ tiền phong.

Bài bình này có tên là Phùng Quán – Người thảo hịch đánh giặc tham nhũng thì đúng nhất với hình thức tác phẩm là một bài hịch đích đáng cùng một tâm huyết yêu thương và căm thù cháy bỏng. Nhưng tôi vẫn để cái tiêu đề trên vì đúng với Phùng Quán (1932-1995) một người lính đích thực, vừa buông súng đuổi giặc Pháp là cầm bút đuổi giặc “nội xâm”.Đúng với phẩm chất người lính, hơn ai hết, Phùng Quán là người làm theo lời Bác Hồ dạy: “Văn hóanghệ thuậtcũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”!

Sau ngày miền Bắc giải phóng, với mục đích phản ánh, khám phá cuộc sống mới, các văn nghệ sĩ có phong trào thâm nhập thực tế để sáng tạo tác phẩm tươi rói hơn chất đời thực. Phùng Quán về “ba cùng” với đồng bào vùng Hồng Quảng, Kiến An, Nam Định,...Vừa thoát ra khỏi nạn chiến tranh tàn khốc do giặc Pháp gây ra,nhân dân một số nơi lại vướng vào nạn tham ô lãng phí của một bộ phận cán bộ thoái hóa. Lòng ông như lửa cháy. Lửa trong tâm can người chiến sỹ đã tạo thành hình hài ngọn lửa của tuyệt phẩm Chống tham ô lãng phí (được in lần đầu năm 1957). Kiệt tác này gọi là thơ vì đó là sự kết tinh những nồng nàn cảm xúc thăng hoa như lửa cháy, của những chi tiết chọn lọc gây ám ảnh, của nhịp điệu mạnh mẽ, ào ạt như lửa. Lại có thể gọi đây là thơ dài (76 câu). Cũng đích đáng là một trường ca với đầy đủ nhất những phẩm chất thiết cốt. Nhưng đúng nhất đó là một bản hịch có hình thức của cổ xưa nhưng nội dung thì thật mới mẻ, hiện đại. Đây là cách làm mới thể loại để vươn tới tính tổng hợp, đa năng, khái quát, đa giọng, đối thoại nhiều vấn đề, với nhiều đối tượng mà vẫn giữ được nét truyền thống. Không phải ai cũng làm được thế, phải là thi sỹ tài năng, nhất là phải có cá tính, thâm hậu vốn học hành, dồi dào vốn sống!

Trong lịch sử thể loại chúng ta đã có những tác phẩm hịch đọc xong như muốn đứng lên làm cái gì đó thật lớn lao vì tính thôi thúc, giục giã, kêu gọi của nó, như Lộ bố phạt Tống (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sỹ (Trần Hưng Đạo), Hịch đánh chuột (Nguyễn Đình Chiểu)...Hịch là thể văn kêu gọi đấu tranh chống kẻ thù, thường đi theo kết cấu 4 phần. Bản “hịch” của Phùng Quán giữ nguyên 4 phần ấy nhưng thổi vào đấy những vấn đề thời sự nóng bỏng (nên nhiều người khó nhận ra tính chất cổ điển). Có thể khái quát trên 4 nét lớn:

  • Hiện thực đau xót.
  • Kể tội “giặc” tham ô lãng phí.
  • Lên án, kết tội
  • Kêu gọi chiến đấu, giải pháp đấu tranh.

Tuy có 4 phần nhưng xuyên suốt là mạch cảm xúc trữ tình hừng hực lửa cháy. Hình thức của lửa, thi pháp của lửa. Câu văn dài ngắn không đều tuân theo sự tuôn trào cảm xúc bập bùng như lửa. Yêu đến nghẹn lại, đắng đót, xót xa và căm thù đến tận đáy, câu văn đanh lại như chém đá, có khi lại như xối xả...

Hình tượng chọn lọc tiêu biểu tác động mạnh vào mọi giác quan người đọc để tạo ra sự ám ảnh. Ám ảnh ngay từ đầu. Ám ảnh ở mọi hình tượng: “Những bà mẹ già quấn giẻ rách/ Da đen như củi cháy giữa rừng/ Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng...”. Tại sao những bà mẹ ấy đã mấy lần chịu hy sinh: giặc Pháp đè nén; nuôi con, nuôi quân đánh giặc; tham gia hậu phương giữ nước giữ làng...mà hòa bình lại còn khổ thế, nghèo thế, lam lũ thế? Và những đứa trẻ: “Những đứa em còm cõi/ Lên năm lên sáu tuổi đầu/ Cơm thòm thèm độn cám với rau...”. Con người ám ảnh. Không gian ám ảnh: “Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng/Hai mùa lúa không có một bông”. Con người “ướp muối” tôm cá để làm mắm. Còn biển “ướp muối” cánh đồng tức là làm cho chết đi, không còn là sự sống nhưng vẫn nguyên vẹn hình hài. Còn sự diễn đạt nào đau đớn hơn? Rồi sự vật ám ảnh. Và là ám ảnh cao nhất: “Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ”. Câu thơ khái quát đến tột đỉnh: lạc hậu và đói khát. Đau đớn đến lạnh người: phận người đâu được là “cơm vãi cơm rơi...”! Lý luận văn học gọi đây là bút pháp “hiện thực tàn nhẫn”. Triết học là sự đi đến tận cùng vấn đề, thì bài thơ này đậm tinh thần triết học.

Các điệp ngữ “tôi đã đi qua”; “tôi đã gặp”; “tôi đã đến”; “tôi đã tham dự”...là sự “phân bua” là sự khẳng định “tôi”, bản thân “tôi” trực tiếp chứng kiến. Nó như những cây cầu đặt ở mở đoạn để đưa bạn đọc vào “thế giới” của “hiện thực tàn nhẫn” ấy!

Ai gây ra sự ám ảnh ấy? Kẻ nào? Bài thơ không hề có những câu hỏi ấy nhưng lại thống thiết bật ra từ cảm nhận độc giả. Lôgich tất yếu, kiệt tác phải kiến tạo một sự tương phản trời vực, sự tương phản “trời không dung đất không tha”. Tất nhiên vẫn là những hình tượng ám ảnh: “Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên/ Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở/ Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió/ Mồ hôi máu đỏ mốc rêu/ Những con chó sói lãng phí quan liêu/ Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!”. Kể tội tất nhiên phải kể, phải liệt kê để có bằng chứng kết tội. “Mồ hôi máu đỏ mốc rêu” là sự lãng phí dã man, vì con người là quý nhất, mồ hôi và máu người không thể đo bằng vật chất. Thế mà bọn lãng phí coi những sự quý nhất ấy là sự vứt đi (mốc rêu) thì đã mất hết tính người. Bọn tham nhũng thì như “Những con chuột mặc áo quần bộ đội”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa đã dựng một hình tượng “thạc thử” (con chuột lớn) để mọi người cảnh giác, đề phòng và tiêu diệt. Nên “những con chuột” ở đây là sự tiếp thu, không mới. Nhưng “Những con chuột mặc áo quần bộ đội” thì rất mới: kẻ tham nhũng rất khó phát hiện vì chúng ngụy trang trong vỏ bọc liêm khiết, anh hùng, được tin yêu (bộ đội). Chúng thành “những con chó sói” đáng giết và phải giết vì nếu không chúng sẽ không chỉ dừng lại ở “cắn rứt thịt da cách mạng” nữa! Giết “sói” lại là nhân đạo, vì làm thế để “cứu muôn người!”.

Chúng ta phải làm gì? Riêng nhà thơ tự nguyện: “Tôi muốn đúc thơ thành đạn/ Bắn vào tim những kẻ làm càn/ Những con người tiêu máu của dân...”. Lời kêu gọi có lửa cháy bên trong, thống thiết và khẩn thiết:“Trung ương Đảng ơi!/ Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng lập đội quân trừ diệt”. Lời hứa sục sôi như có lửa: “- Có tôi!/ đi trong hàng ngũ tiền phong”.

Một tác phẩm lớn luôn có sức phổ quát để sống có ích ở mọi thời. Kiệt tác này như làm ở hôm nay, nói với hôm nay. Lời kêu gọi, giục giã vọng đến hôm nay để mỗi văn nghệ sỹ hô ứng tiếp lời thi nhân – người lính đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng: “Có tôi!/ đi trong hàng ngũ tiền phong”!

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)