Lặng lẽ buông đi một chữ tình(1)

Thứ Sáu, 18/02/2022 13:53

(Đọc Lặng lẽ những đời văn, Ngô Thảo, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

. TÂM THANH
 

Ngô Thảo, tính đến thời điểm này, đã tròn 60 năm gắn bó với công việc viết lách. Bài phê bình đầu tiên của ông đăng tạp chí Văn nghệ năm 1961. Xuất bản 15 cuốn sách, viết về gần 100 tác giả và rất nhiều vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật, đó là gia tài văn chương hiện tại của Ngô Thảo. Tôi từng đọc nhiều bài viết về ông. Về văn chương Ngô Thảo và về con người này trong đời thực. Viết nhanh theo kiểu đưa tin, viết theo dạng tri âm. Ngô Thảo còn xuất hiện trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học với các đề tài như: Phong cách phê bình Ngô Thảo, Sự nghiệp phê bình văn học của Ngô Thảo… Hết thảy đều là những cảm tình đặc biệt mà người viết dành cho Ngô Thảo, thứ cảm tình chan chứa ngay từ tựa đề mỗi bài viết của người trẻ lẫn người già: Người nặng gánh dĩ vãng (Đỗ Quang Hạnh), Bình dị như chùm lá quế khô (Trung Trung Đỉnh), Người hiền gom dĩ vãng (Văn Thành Lê), Người tốt nhà số… 51 (Ngô Hương Sen), Người không tuổi (Trần Mỹ Hiền)… Một người gần như cả đời làm người lính, rồi làm cán bộ - các nghề không bắt buộc phải viết lách - lại nhận được những hồi âm ngọt ấm như thế từ trang viết, quả là đặc biệt. Những ngày cuối năm 2020, đáng lí phải lấy làm vui vì trong cùng một năm đã liên tiếp trình diện hai cuốn sách quý Nghiêng trong bóng chiềuBốn nhà văn nhà số 4, thì Ngô Thảo lại riết ráo kiếm tìm cơ hội in cuốn sách thứ ba: Lặng lẽ những đời văn. Không vội vàng sao được khi mà sách chưa kịp in thì ba tác giả có mặt trong sách đã ra đi. Thêm một cuốn sách là thêm một chút nữa yêu thương mà Ngô Thảo dành cho bè bạn phần đa là người đã khuất.

Đọc Lặng lẽ những đời văn thấy rõ tầm vóc của Ngô Thảo. Ông đọc tác phẩm thuộc nhiều thể loại: phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh…; kịch của Xuân Trình, Tô Hoài...; kịch bản phim của Nguyễn Hồ, Văn Lê; phóng sự, kí sự, kí chân dung của Phan Quang, Hoàng Thiên Nga, Bình Nguyên Trang…; thơ của Hoàng Cầm, Nguyễn Trung Thu, Trần Sơn Nam…; tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn, Tô Nhuận Vỹ, Kiều Bích Hậu, Y Ban, Thiên Sơn…; truyện ngắn của Đỗ Quang Tiến, Trang Thế Hy; tự truyện của Trần Tố Nga… Ngô Thảo thể hiện tố chất chuyên nghiệp trong phê bình với sự cởi mở, tinh tế nắm bắt “hơi thở” của tác giả, tác phẩm. Ông gọi Y Ban là người “đốt lửa trong văn chương”, xếp nhà văn này vào top đầu của “văn chương phi giới tính” nhưng vẫn bày tỏ chút tiếc nuối về việc chị đã không phát triển một số chủ đề khác “để tác phẩm có chiều sâu và chiều rộng hơn”. Về trường hợp Xuyến chi xanh của Kiều Bích Hậu, mặc dù bị cuốn hút theo ngôn ngữ “nồng nàn” của nhà văn nhưng điểm cuối bài viết, nhà phê bình vẫn thẳng thắn bày tỏ, rằng “nếu theo đúng kết cấu tiểu thuyết gia đình thì hình như phần kết còn chưa tới”. Tôi cho rằng đấy là kiểu phê bình có khả năng tạo động lực cho nhiều đối tượng. Nói cách khác, Ngô Thảo rất có nghệ thuật đánh thức năng lượng sáng tạo trong các nhà văn.

Những bài viết trong tập sách cho thấy Ngô Thảo luôn ưu ái “nền văn chương chia ngọt sẻ bùi với nhân quần đông đảo trong hành trình tìm kiếm cuộc sống ấm no, tự do, con cái được học hành, đi tới bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần”. Ông yêu thương những áng văn “đã từng làm tròn sứ mạng của nó là lương thực tinh thần cho cả dân tộc sống ngẩng cao đầu và chiến thắng” của Đỗ Quang Tiến, Nguyễn Quang Sáng, Huỳnh Văn Nghệ, Trang Thế Hy, Xuân Trình, Nguyễn Thi Sảnh... Ông trân trọng những tác giả tìm về đề tài chiến tranh, “đào xới được nhiều sự thật nghiệt ngã của chiến tranh còn bị khuất lấp, để thấy, chiến tranh là một hoàn cảnh sống không bình thường, nó làm méo mó tính cách con người, mà xã hội hòa bình phải mất nhiều năm, một cách kiên trì và bài bản mới uốn nắn lại được” như Văn Lê (Mùa hè giá buốt), Tô Nhuận Vỹ (Vùng sâu)... Ngô Thảo cho rằng, văn học cần lắm những tác phẩm có khả năng lưu giữ được những kí ức đặc sắc và độc đáo của dân tộc, của đất nước những năm tháng này. Cũng xuất phát từ đó mà trong ông xuất hiện những ái ngại trước “những gì ngỡ là tác phẩm văn học mà không có bao nhiêu phù sa của đời sống”.

Ngô Thảo như thể là người quản trang của làng văn Việt. Những tác giả xuất hiện trong phê bình Ngô Thảo hầu hết đã qua đời. Nghĩa tử là nghĩa tận, ông tự nguyện “trông coi”, “nhang khói” cho “nghĩa trang” của bè bạn văn nghệ sĩ các thế hệ. Cũng vì tâm thế đó mà Ngô Thảo thường nhìn mặt hay, mặt tốt, mặt đóng góp, ít phê phán ai gay gắt. Lặng lẽ những đời văn là những nhắc nhớ và cũng là để đòi hỏi cho những đời văn thiệt thòi. Đó còn là lời chiêu tuyết cho nhiều người như Trang Thế Hy, Văn Lê, Hoàng Cầm, Trần Tố Nga, Phan Quang...

Nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi Ngô Thảo là cán bộ tuyên huấn trong phê bình. Những bài viết của Ngô Thảo nghiêng về phê bình và nghiên cứu xã hội học. Ông coi trọng tính hữu ích của tác phẩm, coi tính kịp thời là sự trưởng thành của nền văn học và của tác giả. “Thứ văn chương trần tục, quan tâm những ham muốn nhỏ nhoi, không có ước vọng, tham vọng thay đổi cuộc sống hiện tại, thiếu vắng tầm nhìn nhân sinh sẽ khó có sức đồng vọng trong người đọc rộng rãi.” Vì vậy, chỉ cần nhìn thấy sự cựa mình khe khẽ của nhân tố mới là ông đã săn sóc, đỡ đầu. Bài viết Người viết trẻ - niềm tin và hi vọng thể hiện đủ đầy và trọn vẹn hơn tình cảm của nhà phê bình dành cho người viết trẻ. Và trong những lần trả lời phỏng vấn, ông tiếp tục tỉnh táo tin tưởng và kì vọng vào thế hệ trẻ: “...phông văn hóa họ cao hơn, năng lực diễn đạt phong phú hơn, sự ngẫm ngợi nhiều hơn, khả năng tiếp cận không gian, thời gian rộng hơn, nhưng tư cách để trở thành nhà văn - người phải có trách nhiệm với núi sông, muốn làm điều gì đó cho đất nước bằng tác phẩm của mình, gieo được một hạt giống nào đó cho độc giả - thì vẫn chưa có mấy.”

Với Lặng lẽ những đời văn, Ngô Thảo cũng đặc biệt quan tâm đến tiểu sử nhà văn như trước đấy ông vẫn hằng làm. Qua phê bình Ngô Thảo, sự thật về những con người cụ thể trong những giai đoạn lịch sử cụ thể được mở ra. Ngô Thảo đã bắc cầu nối giữa văn học với điện ảnh, góp phần biến những gì nhà văn “ngồi trong nhà tưởng tượng” thành “cuộc sống thực ngoài đời”. Điển hình là trường hợp của Cánh đồng bất tận. Có thể xem đấy là sự săn sóc và cũng là lời cảm ơn kịp thời đối với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong bối cảnh tác phẩm của chị đang nằm trong vòng xoáy đa chiều của dư luận. Cũng từ sự thành công của cuộc bắt tay này giữa văn học và điện ảnh, Ngô Thảo đã “bắt mạch” tâm lí thưởng thức nghệ thuật của công chúng: “Một bộ phim về đề tài hiện đại, chiếu lạc mùa, toàn cảnh sông nước thuần Việt, thuần nông mà có sức hấp dẫn số đông, còn mách bảo cho chúng ta thấy một điều còn tiềm ẩn trong tâm lí thưởng thức của công chúng: khao khát, chờ đợi những tác phẩm nghệ thuật gần gũi với đời sống nhân quần. Vượt qua chủ nghĩa đề tài khô cứng, một tác phẩm chạm được đến số phận con người, dù diễn ra ở bất cứ nơi đâu, sẽ nhận được sự đồng cảm của công chúng.” Những lời này vừa tổng kết vừa gợi mở về một hướng đi của nghệ thuật.

Với nhiều người, điểm mạnh của Ngô Thảo là ở mảng tư liệu. Tôi cho rằng, sức mạnh Ngô Thảo tập trung ở các bài báo, tham luận hội thảo, các góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các ý kiến trao đổi trên nhiều diễn đàn liên quan đến văn học nghệ thuật. Khi sức hấp dẫn của bài báo/ lời nói không nằm ở những câu chuyện đời tư của bạn văn, người đọc/ người nghe sẽ thấy rõ hơn tầm nhìn, sự thông tuệ của Ngô Thảo. Ông thường xuyên đóng góp ý kiến cho Hội Nhà văn Việt Nam về các vấn đề liên quan đến nhân sự, giải thưởng, kết nạp hội viên… Ông nghiêm túc cảnh báo hiện tượng “văn học đang rời xa đời sống”, “chúng ta thiếu tiềm lực trí thức”, “có một thế hệ nhà văn tự ngắm mình”, “tính hai mặt của tiếp nhận trong giao lưu văn hóa”…

Không chỉ nhạy bén trong việc nhận diện, đánh giá thực trạng văn hóa nghệ thuật, Ngô Thảo còn quyết liệt đối diện với các vấn đề như “cơ sở để tự do sáng tạo”, “hãy tìm cách đưa nhà văn và tác phẩm vượt khỏi… làng”, “văn học nghệ thuật cần nhân đạo hóa hoàn cảnh”… Điều đó khẳng định phê bình Ngô Thảo chưa bao giờ bất lực, buông xuôi trước thực tiễn đời sống. Sức sống của các bài viết một phần nằm ở những đối thoại, chia sẻ tỉnh táo, dân chủ, thiết thực, không định kiến. Những suy ngẫm riêng tư của một người đa mang với muôn nỗi lo về văn hóa nước nhà như Ngô Thảo là những định hướng hợp lí cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nước nhà.

Từng uống nước sông Bến Hải, từng sống đời quân ngũ, lại có thêm mấy mươi năm sống cùng ánh đèn sân khấu giữa Hà Nội hào hoa, Ngô Thảo vì thế rất chịu thương chịu khó. Chịu khó kết giao, tìm hiểu, nhặt nhạnh, chắt chiu từng mẩu tư liệu và đón nhận mọi chia sẻ. Nhờ vậy, phê bình Ngô Thảo thể hiện rõ mối liên hệ xác thực giữa tác giả và tác phẩm của họ. Nhưng duy trì kiểu phê bình ấy trong mấy chục năm trời lại là gánh nặng. Trước là nỗi khổ của người bộn bề trải nghiệm đời sống qua nhiều giai đoạn không thể quên: chiến tranh, hậu chiến, Đổi mới. Nay Ngô Thảo đang tuổi 81. Điều này đồng nghĩa với việc ông đã có gần 60 năm day dứt trong nhớ thương, dằn vặt, bất an, mà mỗi lần nhớ hẳn lòng lại rưng rưng. Càng không dễ thoát ra khỏi những trạng huống tinh thần ấy khi mà trí nhớ của Ngô Thảo chưa bị thời gian mài mòn, khi mà từ những năm tháng tuổi trẻ ông đã có ý thức ghi chép kĩ lưỡng tất cả những điều mà mình thấy, nghe, cảm. Đấy không chỉ là sự loay hoay trong những riêng tư đời sống của mình, hơn thế, còn là những vấn đề mang tính xã hội mà ở vị trí người lính - nhà văn quân đội - người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu - một công dân lớn tuổi, Ngô Thảo không hề xao nhãng. Đó còn là nỗi khổ của người luôn thấy mình là kẻ mắc nợ. Với tư cách là nhà phê bình, ông thấy nợ cuộc đời vì mình “chưa viết hết niềm đau”. Ở tư cách con người, ông luôn tự nhận mình thiếu chu toàn với những người mà mình trót yêu thương (đồng đội, bạn văn, vô số người thân sơ…), dẫu rằng không thể đếm hết những lần Ngô Thảo “chi viện những oan khiên” theo rất nhiều nghĩa. Vậy nên ông vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc di chuyển ngắn, dài để thắp nhang tiễn bạn, tham dự đám giỗ, thăm lại trường xưa, quê cũ. Tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho người đã mất để ở nơi xa xôi bạn có thể mỉm cười mãn nguyện với những ghi nhận muộn mằn. Tiếp tục tính toán tiền bạc, tấm dành cho người này, tấm dành cho việc nọ để có thể đỡ đần cho ai đó. Đúng như nhà phê bình từng nói, mình là con kênh chứ không phải là hồ nước. Con kênh phải thông để nước trong. Qua bao nhiêu chia sẻ, cho đi…, Ngô Thảo cứ thế mà trong veo hồn hậu. 20 năm sống đời quân ngũ đã dạy cho ông cách “thản nhiên xanh” giữa cuộc đời như thế.

Đọc Lặng lẽ một đời văn biết thêm một không gian phê bình lặng lẽ mà day dứt của Ngô Thảo, đó là khi ông viết điếu văn cho bè bạn thân yêu. Dễ gì vượt lên niềm riêng để luận đúng “công đức” của người đã mất, nhất là với những người đã từng tham gia hoạt động văn học nghệ thuật. Nhưng Ngô Thảo đã làm rất tốt điều này, kể cả với những trường hợp không đơn giản như Lưu Quang Vũ. Nhà phê bình chia sẻ: “Đêm đó, sau khi cùng đông đảo bạn hữu đưa họ vào nhà xác Bệnh viện Việt - Xô, tôi được NSND Dương Ngọc Đức, Tổng thư kí Hội giao việc thảo điếu văn. Việc tưởng đơn giản mà không dễ chút nào. Về mặt hành chính, Lưu Quang Vũ mới chỉ cán sự ba, với một tiểu sử không mấy sáng sủa. Nhưng với giới sân khấu cả nước, thì chúng ta vừa mất đi một tác giả lớn, hàng chục đoàn đang dựng vở theo các kịch bản của anh. Khoảng trống anh để lại không có ai lấp được, nhưng không phải ai cũng đánh giá cao các vở diễn đó. Đố kị, ghen ghét cũng có mà lập trường tư tưởng cũng có. Tôi đã chọn ra hình tượng: Lưu Quang Vũ là một người lao động nghệ thuật lực lưỡng gồng trên đôi vai rộng khỏe của mình tiết mục của hơn 50 đoàn sân khấu trong cả nước. Chắc điều đó không ai phản bác được. Lưu Quang Vũ cũng là người đầu tiên trong lớp chống Mĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.” Lựa chọn của Ngô Thảo trong thời điểm ấy là công bằng, sòng phẳng, đúng với sức vóc lao động nghệ thuật của Lưu Quang Vũ.

Đôi ba lần trong các cuộc trò chuyện, Ngô Thảo tự nhận với bè bạn, rằng mình là người viết không có văn, nghèo chữ nghĩa, triển khai bài vở theo vài cách quen thuộc, rằng đời mình dài thế nhưng viết chẳng được bao nhiêu. Lời “tự thú trước bình minh” ấy chỉ làm cho bạn bè thêm trọng Ngô Thảo và thích thú nhận ra đã từng có một Ngô Thảo nghệ sĩ lặng lẽ hiện hữu trong không gian phê bình.

Ngô Thảo đã lặng lẽ gom nhặt tư liệu đời và văn của mấy thế hệ người cầm bút, ngoài một nghĩa cử tri ân, hẳn còn muốn gửi đến bạn đọc hôm nay những gợi nghĩ về vị trí nhà văn và vai trò của văn học nghệ thuật trong chặng đường mới của đất nước.

T.T

--------

1. Câu thơ trong bài Lặng lẽ của Ngạo Thiên.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)