I. Tại sao lại coi Nhật ký là “dấu gạch nối”?
1. Xét về phương diện thời gian vật lý, ngày 27/3/1942 Hồ Chí Minh bị bắt ở thôn Túc Vinh huyện Đức Bảo (Trung Quốc), trải qua “mười bốn trăng tê tái gông cùm”, ngày 10/9/1943 mới được tự do. Đặt vào bối cảnh lịch sử quốc tế và Việt Nam thì đây là khoảng thời gian cách mạng nước ta cần đến Người nhất. Với tư cách là người chèo lái con thuyền cách mạng Hồ Chí Minh cũng cần biết nhất về tình hình, phong trào một cách cụ thể. Nhưng lịch sử vẫn có những “oái oăm” riêng, đúng như lời cảm thán của nhà cách mạng Phan Bội Châu “chạy mỏi chân thì hãy ở tù”, với những thiên tài như Bác, đây là khoảng thời gian để nung nấu ý tưởng, nghiễn ngẫm phương pháp, chiến lược, kế sách...Điều này cũng hằn rõ trong Nhật ký mà các nhà nghiên cứu đã chứng minh ở phương diện “một trí tuệ lớn”.
Xét về thời gian tâm lý, để “giết thời giờ” Người học đánh cờ, làm thơ. Là một “nhà thơ không chủ định” (GS Phong Lê) lại viết theo thể nhật ký, cho mình đọc, không bị gò theo một mục tiêu ý đồ gì nên thi hứng, thi tứ, thi liệu cứ toát ra, cứ thoát ra một cách tự nhiên, thoải mái nhất để “mà thơ bay cánh hạc ung dung” là dễ hiểu. Nếu thân thể tác giả bị tù thì thơ lại hoàn toàn tự do theo quy luật “mỹ học tự do”, đây là cái ý mà có nhà nghiên cứu nói là “cuộc vượt ngục về tinh thần”.
2. Nhìn từ lịch sử thì hơn ba mươi năm, từ 1911 (và cả trước đó) đến thời điểm viết Nhật ký là cả một quãng đường dài. Người đã tìm ra chân lý con đường cách mạng nhưng chưa có cơ hội thực hành, vào tù, “nhàn rỗi” nhưng không hoàn toàn vô ích, mà là dịp để kiểm chứng, suy xét, đánh giá, bổ sung, nhìn về quá khứ, hướng về ngày mai. Chủ yếu là nhìn về ngày mai vì những gì đã làm, đã nghĩ đã dần ổn định về lý thuyết, nguyên lý, phương hướng, biện pháp. Thế nên thời điểm này phải vào tù là một bất lợi cho Bác, nhưng như một mâu thuẫn, lại có lợi cho cách mạng Việt Nam, nhất là cho văn học Việt Nam có một viên ngọc tỏa sáng, và sẽ mãi tỏa sáng để soi chiếu cho tất cả mọi người trên con đường rèn luyện, phấn đấu để có một nhân cách văn hóa đích thực. Vì lẽ này, một phương diện nội dung cơ bản, nổi bật của Nhật ký mang tính nhận định, khái quát, tổng kết sách lược, chiến lược cách mạng, về tình hình thế giới, về con người, tất nhiên được diễn tả bằng hình tượng nghệ thuật rất sinh động.
Có lẽ phải nhìn sâu xa hơn ở phía chủ thể người tù, như Tố Hữu diễn tả bằng thơ đang trong cảnh bị nhốt “trong lồng con giữa một lồng to”, không phải chỉ chịu một án tù mà là hai án tù chồng lên nhau, một là án tù của bọn Tưởng Giới Thạch, hai là án tù của một người dân như bao người dân mất nước khác đang bị gông xiềng nô lệ. Thế nên khát vọng tự do trong Nhật ký trong tù mạnh mẽ hơn nhiều chúng ta nghĩ, bởi nó cũng nhân đôi, một của tù nhân mong được tự do và một của công dân đất nước đang mất tự do. Có thể khẳng định một tư tưởng mỹ học chung nhất của Nhật ký là mỹ học tự do! Trên đường đi tìm tự do cho đất nước mà lúc này bị mất tự do nên khát vọng tự do của Hồ Chí Minh càng lớn lao bội phần, càng “cay đắng”, “đau khổ” bội phần. Nhật ký cho ta thấy rõ hơn cả về phía thế giới nội cảm con người thi sĩ – tù nhân này. Cũng do vậy nghiên cứu văn chương Hồ Chí Minh người ta đều tập trung vào Nhật ký. Cũng chính vì thế mà chỉ mới tiếp cận một phần nhỏ trong sự nghiệp lớn lao vĩ đại của nhà văn, nhà thơ Hồ Chí Minh với cả một kho tàng đồ sộ, đa dạng, phong phú hơn bất cứ tác gia văn học Việt Nam nào!
Cái khát vọng tự do này phải đợi đến ngày 2/9/1945 về cơ bản mới được hiện thực hóa, mới trở thành con đường đi rõ ràng, thẳng thắn, công khai. Sau 1945, về cơ bản mỹ học Hồ Chí Minh hướng về Hạnh Phúc, “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Sự vận động của tư tưởng mỹ học Hồ Chí Minh là một quá trình gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Trước 1942 là trong bóng đêm, đến giai đoạn Nhật ký là thời điểm gạch nối bóng đêm và ánh sáng “phương Đông màu trắng chuyển sáng hồng”. Từ 1945 là chan hòa ánh sáng, ánh ngày rực rỡ dưới mặt trời chân lý của Độc lập dân chủ, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội.
3. Từ góc nhìn mỹ học tiếp nhận, chính tác giả cho biết vì sao Nhật ký trong tù Người viết bằng chữ Hán: “Tôi không phải là nhà thơ. Chỉ có trong thời kỳ ở tù, để giết thời gian, tôi đã làm thơ. Nhưng tôi viết bằng chữ Hán để bọn cai ngục người Trung Quốc đọc được và không nghi ngờ rằng đó là những lời kêu gọi bí mật. Chỉ có thế thôi. Sau này các đồng chí của tôi thu lượm lại được và đã cho xuất bản những bài thơ ấy, mà tôi hầu như không nhớ nữa!”[1]. Như vậy đối tượng tiếp nhận cũng rất hẹp, không rộng rãi như sau này Người viết ở tư cách một vị đứng đầu nguyên thủ quốc gia đối thoại với đồng bào, với thế giới. Rõ ràng tác giả Nhật ký không hề có động cơ nghệ thuật mà chỉ là “để bọn cai ngục người Trung Quốc đọc được và không nghi ngờ rằng đó là những lời kêu gọi bí mật”. Không có điều này, rất có thể tính mạng của Hồ Chí Minh bị đe dọa. Nghệ thuật Nhật ký là thứ nghệ thuật “không chủ ý” nên hoàn toàn tự nhiên.
II. Nhật ký trong tù – Những biểu hiện của mỹ học vừa truyền thống vừa hiện đại!
1. Viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật, Nhật ký vẫn dùng các chữ là mã văn hóa cổ xưa mang tính bản lề của mâu thuẫn nhưng lại kiến tạo những tình huống mỹ học mới. Trong đó chữ “khước” là một ký hiệu đặc biệt.
Trong thế giới ký hiệu thì ngôn từ được coi là quan trọng bậc nhất. “Vàng thì thử lửa thử than/ Đồng thau thử tiếng người ngoan thử lời”. Qua cách sử dụng ngôn từ người ta thấy được tính cách, sự trải nghiệm, lối ứng xử,... tóm lại là ngôn từ quy định trình độ văn hóa của người. Người Việt thường nói “chữ nghĩa” là có ý sâu sắc biết chữ mới biết nghĩa, không biết chữ thì làm sao biết nghĩa lý được. Thế nên văn học được coi là thành tố cơ bản của văn hóa vì đó là nghệ thuật ngôn từ. Cổ nhân ví von nhiều khi biết dùng một chữ có sức mạnh thì giá trị ngang một đạo quân.
Khảo sát 166 bài thất ngôn tuyệt cú trong Đường thi trích dịch của Trung tâm nghiên cứu quốc học, Đỗ Bằng Đoàn dịch nghĩa và chú giải; Bùi Khánh Đản dịch vần, chúng tôi thấy có những câu thơ có chữ “khước”:
Khước hận hàm tình yểm thu phiến (Ngậm ngùi tình cảnh mình, lấy quạt thu che) - Vương Xương Linh – Tây cung thu oán.
Hán sứ khước hồi bằng ký ngữ (Hán sứ trở về nhờ gửi lời (tâu với vua) - Bạch Cư Dị - Chiêu Quân từ.
Thảo sắc dao khan cận khước vô (Sắc cỏ xa trông đến gần lại không phải) - Hàn Dũ - Sơ xuân tiểu vũ.
Khước hiềm chi phấn ô nhan sắc (Sợ bôi phấn sáp làm nhơ sắc mặt đẹp) - Trương Hựu - Tập Linh Đài nhị thủ.
Vũ Lâm Linh dạ khước quy Tần (Đêm nghe khúc hát Vũ Lâm Linh lại muốn về đất Tần) - Trương Hựu – Vũ Lâm Linh.
Đa tình khước tự tổng vô tình (Người đa tình lại là hạng rất vô tình) - Đỗ Mục- Tặng biệt.
Ngân thược khước thu kim toả hợp (Thu chìa bạc rồi lấy khoá vàng đóng lại) - Đỗ Mục- Cung oán.
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì (Mà ôn lại chuyện lúc đêm mưa ở núi Ba Sơn) - Lý Thương Ẩn - Dạ vũ ký bắc…
Chữ “khước” (卻) có nghĩa là lại, trái lại để biểu hiện một sự “tỉnh ngộ” trong quá trình nhận thức của chủ thể trữ tình: theo quy luật nhân quả thì sự vật, hiện tượng sẽ là A, nhưng sự đời oái oăm, trớ trêu, đầy nghịch lý thì không phải vậy (khước) mà lại là B. Chữ “khước” có thể ví như cái bản lề khép mở hai thế giới, hai tâm trạng. Đây là một nét cấu tứ của thơ Đường? Phải vậy chăng mà giới nghiên cứu phê bình Trung Quốc khi bàn về Đường thi hay dùng các thuật ngữ của Thiền học: đốn ngộ, bừng ngộ, tỉnh ngộ, (tức khắc) giác ngộ?! Một mỹ nhân trong Tây cung thu oán của Vương Xương Linh đẹp đến mức hoa phù dung cũng không đẹp bằng, nàng lại sống trong điện Thuỷ tọa mà mỗi khi gió đến mang cả những mùi thơm của châu ngọc. Giàu có, sang trọng và vương giả?! Nhưng (khước) lại không hề có hạnh phúc, nàng ngậm ngùi trong tình cảnh cô đơn cực độ, dưới trăng thu chỉ còn biết lấy quạt thu che để chờ đợi quân vương trong vô vọng.
Cũng là sắc đẹp của giai nhân nhưng trong Đài Tập Linh (nhị thủ) của Trương Hựu lại mang một cái ý mỉa mai kín đáo khác: “Quắc quốc phu nhân ơn Thánh chúa/ Sáng ngày cưỡi ngựa tiến vào cung/ Phấn son ngại giảm phần nhan sắc/ Kẻ nhạt mày hoa trước Cửu trùng”. Quắc quốc phu nhân là chị ruột Dương Quý Phi, theo sách Thiên Bảo kỷ sự và Minh Hoàng tạp lục, là người có da mịn như hoa anh đào ít khi dùng đến phấn sáp. Khi vua Minh Hoàng vào cung Hoa Thanh chị em Quý Phi đều cưỡi ngựa đeo nhạc vàng đi theo sau. Quắc quốc phu nhân khi vào chầu vua cũng chỉ (khước) kẻ qua lông mày chứ không trang điểm theo đúng nghi lễ. Bài thơ toát lên một ý châm biếm thật kín đáo: “Cung môn” là nơi cung cấm, ai qua cũng phải xuống ngựa (trừ vua), thế mà (khước) “Quắc quốc phu nhân ơn Thánh chúa/ Sáng ngày cưỡi ngựa tiến vào cung” cũng chẳng thèm xuống ngựa. Vào chầu vua cũng chẳng trang điểm tề chỉnh theo nghi lễ. Một tiếng cười kín đáo quất vào mặt vua: háo sắc đến quên mọi nghi lễ quốc gia, thiên vị, nhu nhược; quất vào mặt chị em Quý Phi: ỷ thế nhố nhăng làm bậy coi thường kỷ cương; quất vào cả bộ mặt triều đình: đớn hèn, xu nịnh…Một bài thơ nhưng làm cho người ta thấy sự sắp diệt vong của một triều đại.
Giả sử tước bỏ đi chữ “khước” các bài thơ khó có thể bật ra được những ý tứ sâu sắc như thế. Hồ Chí Minh đã học tập, kế thừa nét cấu tứ này của thơ Đường, xét ở bề mặt hiển ngôn văn bản, trước hết là cách dùng chữ “khước”.
Đúng với nghĩa của chữ và văn cảnh dùng chữ mà “khước” chỉ có mặt trong Nhật ký trong tù, ngoài ra chúng tôi chưa tìm được chữ này trong một bài thơ chữ Hán nào khác của Người:
“Túc Vinh khước sử dư mông nhục,
Cố ý trì diên ngã khứ trình”
(Phố tên Túc Vinh mà khiến ta mang nhục,
Cố ý làm chậm trễ hành trình của ta) - Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu
“Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng ,
Bình lộ phùng nhân khước bị giam”.
(Núi cao gặp hổ rút cục vẫn không việc gì,
Đường phẳng gặp người lại bị bắt!)
“Trung thành, ngã bản vô tâm cứu,
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian;”
(Vốn trung thực thành thật, ta không có điều gì thẹn với lòng,
Thế mà bị tình nghi là Hán gian;) - Thế lộ nan
“Lung lý hiện thời hoàn hắc ám,
Quang minh khước dĩ diện tiền lai”.
(Giờ đây trong lao còn đen tối,
Nhưng ánh sáng đã bừng lên phía trước mặt) - Tảo
“Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần;”
(Muốn khép người vào tội,
Lại giả bộ ân cần) - Vấn thoại
“Ngã khước kim thiên bị bang giải,
Nghịch phong hữu ý trở phi bằng”.
(Thế mà hôm nay ta bị trói giải đi,
Ngọn gió ngược cố ý cản đôi cánh chim bằng) - Song thật nhật giải vãng Thiên Bảo
“Tuy thị hiềm nghi gián điệp phạm,
Nghi dung khước tượng cựu công khanh”.
(Tuy là người tù bị tình nghi gián điệp,
Nhưng bộ dạng lại giống vị công khanh ngày trước) - Vãng Nam Ninh
“Thế thượng thiên tân hoà vạn khổ,
Mạc như thất khước tự do quyền!”
(Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do)- Cảnh binh đảm trư đồng hành
“Ngã dã "phỏng Hoa đoàn" nhất bộ,
Khước tao đặc chủng đích hoan nghênh”.
(Đoàn Mỹ đi khỏi, đoàn Anh tới,
Đến đâu cũng được tiếp đón nhiệt tình) - Anh phỏng Hoa đoàn
“Giam phòng khước tượng bào dược đường,
Hựu tượng nhai thượng mại áng phố”.
(Buồng giam mà lại giống nhà bào chế thuốc,
Ai cũng giống hệt như cửa hàng bán ang ngoài phố!) – Thiên Giang ngục
“Ngục trung hại bệnh chân tân khổ,
Bản ưng thống khốc khước cuồng ca”.
(Trong tù mắc bệnh thực đắng cay,
Lẽ ra phải khóc ròng mà ta cứ hát ngao!) - Bệnh trọng
Chúng ta dễ nhận ra chữ “khước” của Hồ Chí Minh cũng được dùng như chức năng, hiệu quả nghệ thuật của chữ “khước” trong thơ Đường.
Gần với nghĩa của chữ “khước” này là các chữ “hựu”(又) có nghĩa “lại”; “tài” (才) có nghĩa là “mới”; “hốt” (忽) có nghĩa “bỗng chợt” được xuất hiện nhiều trong Đường thi. Chỉ riêng chữ “hựu” xét trong 166 bài thất ngôn tuyệt cú trong Đường thi trích dịch:
Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân
(Đương mùa hoa rụng lại gặp ông – Đỗ Phủ - Giang Nam phùng lý quy niên).
Nhất niên hựu quá nhất niên xuân
(Một năm qua, lại hết đi một tuổi trẻ - Thôi Mẫn Đồng - Yến thành Đông Trang).
Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai
(Lưu Lang ngày trước nay lại trở về - Lưu Vũ Tích – Tái du Huyền Đô quán).
Hành nhân lâm phát hựu khai phong
(Người đưa thư sắp đi lại mở ra xem - Trương Tịch – Thu tứ)
Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn
(Kiếp phù sinh lại được nhàn rỗi nửa ngày – Lý Thiệp – Đăng sơn).
Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn
(Lúc ấy) trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối - Đỗ Mục – Cung oán).
Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân
(Lại ở chốn bên trời tiễn biệt cố nhân – Vi Trang – Đông Dương tửu gia tặng biệt)…
Thu tứ của Trương Tịch là tâm trạng của một người đang ở Lạc Dương nhớ nhà, nhớ quê ở nơi xa muôn trùng cách trở. Lạc Dương tức thành Lạc Dương (nay là huyện Lạc Dương tỉnh Hà Nam), thời các nhà Chu, Đông Hán, Nguỵ, Tấn, Nguyên Nguỵ đều đóng đô ở đây nhưng đến đời nhà Đường lại đặt Lạc Dương là Đông Đô. Là cố đô của nhiều triều đại nên có rất nhiều thắng cảnh và di tích, lúc này đang độ thu về, Lạc Dương càng mang vẻ trầm mặc cổ kính càng gợi nên ở người lữ thứ nhớ về cố hương. Nhớ mà chỉ biết gửi tình ý vào thư, con chữ thì làm sao nói cho hết được cái tình nên viết mãi mà chưa hết ý đến nỗi người đưa thư sắp đi mà lại còn mở ra xem (Hành nhân lâm phát hựu khai phong). Bài thơ là tâm trạng thấp thỏm của nỗi nhớ nói mãi không cùng, câu chữ thì khép lại, cái tình thì dư ba.
Người cung nữ trong Cung oán (Đỗ Mục) đang ở tuổi khao khát xuân tình, hôm ấy quá hồi hộp theo Giám cung ra ngoài tưởng rằng sẽ được hưởng ân vua. Nhưng không phải. Giám cung thu chìa khoá bạc rồi lấy khoá vàng khoá lại. Nàng chết lặng trong nỗi oán sầu. Lúc ấy, trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối, “Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn”. Nỗi sầu liệu có gửi vào được nơi trăng, nơi cánh hoa tàn, nơi hoàng hôn? Nàng chỉ còn biết chờ đợi trong mòn mỏi thảng thốt “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”.
Đỗ Phủ nói Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên), có thể chứng minh qua cách dùng các chữ “khước”, “hựu”, “tài”, “hốt”…trong Đường thi.
Ngoài chữ “khước” mà chúng tôi chứng minh ở trên, Nhật ký cũng xuất hiện nhiều “hựu”, “tài”, “hốt”…
Tỉnh thì tài giác ngoạ lung trung
(Khi tỉnh dậy mới biết mình vẫn nằm trong ngục - Ngọ).
Ngục trung hốt thính tư hương khúc
(Trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương - Nạn hữu xuy địch)
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
(Có đi đường mới biết đi đường khó
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác - Tẩu lộ).
Lộ hựu kỳ khu thậm bất bình
(Đường lại gồ ghề, không chút bằng phẳng - Điệt lạc).
Nhất canh…nhị canh…hựu tam canh
(Một canh..hai canh…lại ba canh - Thuỵ bất trước).
Nghĩa kỳ đáo xứ hựu phiêu dương
(Cờ nghĩa lại tung bay khắp nơi - Việt hữu tao động).
Hựu giải phản Vũ Minh
(Lại giải về Vũ Minh - Giải vãng Vũ Minh)
Nhất sinh chính trực hựu kiên cường
(Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường - Ngục đinh thiết ngã chi sĩ - đích)
Sở dĩ ngã niên tài bán tuế
(Cho nên em vừa được nửa tuổi - Tân Dương ngục trung hài).
Chử phạn chử trà hựu chử thái
(Thổi cơm đun trà lại nấu thức ăn - Ngục trung sinh hoạt)
Hựu tượng nhai thượng mại áng phố
(Lại cũng giống hêt như cửa hàng bán ang ngoài phố - Thiên Giang ngục)
Hựu bị cảnh binh tróc hồi lai
(Lại bị cảnh binh bắt đem về - Tha tưởng đào).
Hiện tại hựu yếu giải phản Liễu
(Nay lại phải giải trở về Liễu Châu - Vô đề)
Hựu cấp linh tiền mãi báo, yên
(Lại cho tiền mua báo, mua thuốc hút - Mông ưu đãi)…
Các chữ “khước”, “tài”, “hốt”, “hựu” có khi hiển ngôn có khi ẩn đi đã tạo ra một hình thức mâu thuẫn, tương phản đặc sắc trong Nhật ký.
Phải trải qua bao vất vả khổ sở đói rét nhọc nhằn trong hoàn cảnh “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” kết hợp với tâm trạng lo lắng, băn khoăn trăn trở cho vận mệnh nước nhà nên có lúc Hồ Chí Minh bị ốm: “Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh/ “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than/ Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn (Ốm nặng).
Hai câu đầu là nguyên nhân gây ra “ốm nặng”, câu thứ nhất là nguyên nhân khách quan, câu thứ hai là nguyên nhân chủ quan. Câu thứ ba là một hiện thực: ở tù đã là một cay đắng, trong tù mắc bệnh thì càng cay đắng bội phần. Có thể coi ba câu đầu là nguyên nhân để dẫn tới một tình cảnh “đáng khóc”. Nhưng chỉ có người tù vĩ đại Hồ Chí Minh mới tạo nên một mâu thuẫn này: Đáng khóc mà ta cứ hát tràn. Chỉ tiếc là bản dịch không lột tả được âm hưởng phẫn uất, dồn nén dữ dội của ba thanh trắc liền nhau (thống khốc khước) ở bản phiên âm: Bản ưng thống khốc khước cuồng ca. Không phải là một tinh thần lạc quan như có người đã từng nhận định mà là một thái độ phủ nhận hiện thực cay đắng, có tiếng hát nhưng không phải là tiếng hát yêu đời hay hát để cho vui cho quên mà là hát để chế ngự hiện thực, vượt lên hiện thực quá phũ phàng. Tiếng hát đẫm nước mắt!
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Bác Hồ đã làm một cuộc vượt ngục về tinh thần. Đúng vậy. Là một nhà biện chứng Bác luôn phân biệt cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” (Quyển đầu), “Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần” (Bốn tháng rồi). Tinh thần nhiều khi hoàn toàn tương phản với cuộc sống vật chất: “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” (Tự khuyên mình).
2. Hình tượng người tù trong Nhật ký luôn tương phản với hình tượng người tiên, người tự do, người khách quý, nói đúng hơn là người tù ấy không chịu chấp nhận thân phận người tù mà luôn vươn lên tư cách người tiên, người tự do, khách quý… Còn là sự tương phản giữa tư cách tù nhân và tư cách thi nhân: “Ngâm thơ ta vốn không ham / Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây” (Mở đầu); giữa tư cách tù nhân với tầm trí chiến lược của nhà quân sự: “Tù túng đem cờ học đánh chơi” (Học đánh cờ); tương phản giữa hoàn cảnh “Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi” với “Chí cao mà chẳng đáng đồng trinh” (Buồn bực)… Có thể lý giải thế này chăng: trong tù phải sống cùng những tương phản mà con người nhà thơ Hồ Chí Minh rất nhạy cảm với những sự tương phản với con người khác, tương phản trong những con người khác!? Đó là cảnh ngộ giữa tác giả và Nê - Ru: “Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác/ Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần/ Tôi, chốn lao tù người bạn hữu/ Anh, trong gông xích bọn cừu nhân” (Gửi Nê-Ru). Đó là sự tương phản đối lập gay gắt giữa quan tòa và phạm nhân, ở giữa hai cực đó “công lý đứng làm thần” (Lời hỏi). Đứng trước công lý thì quan tòa (ở xã hội phản động ấy) và phạm nhân chỉ bình đẳng như nhau, ai cũng có tội cả. Phải chăng còn một ý nghĩa này: khi bình thường thì con người ta nhất quán nhưng khi phải đối diện với công lý thì thường bị sa vào tình trạng “lưỡng cực” không còn là chính mình nữa: “Quan rằng: anh có tội/ Phạm thưa: tôi lương dân/ Quan rằng: anh nói dối/ Phạm thưa: thực trăm phần/ Quan tòa vốn tính thiện/ Làm ra vẻ dữ dằn/ Muốn khép người vào tội/ Lại giả bộ ân cần”. Một bài học được rút ra: khi xem xét bản chất con người thì phải trả con người về môi trường sống quen thuộc, thông thường, bình thường. Chúng ta hiểu đây là mối quan hệ biện chứng: môi trường chi phối tính cách, muốn con người nhân tính hơn phải tạo ra một môi trường có nhân tính.
Đó là tương phản trời vực giữa những tù nhân và những kẻ giàu sang phú quý: “Quyển xưa sách mới bồi thêm ấm/ Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn/ Trướng gấm, giường ngà ai có biết?/ Trong tù bao kẻ ngủ chẳng an” (Chiếc chăn giấy của người bạn tù); tương phản giữa tù nhân và quản ngục: “Hút thuốc nơi này cấm gắt gao/ Thuốc anh nó tịch bỏ vào bao/ Nó thì kéo tẩu tha hồ hút/ Anh hút còng đây tay ghé vào” (Cấm hút thuốc); tương phản trong một người bạn tù: “Con nhà giàu có, nghèo gia giáo/ Đánh bạc gan trời, mật tựa kim/ “Một tấc lên mây”, ghê gớm thật/ Ngồi tù mà vẫn ước nhân sâm” (Bạn tù họ Mạc); tương phản giữa các nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết với người tù: “Di, Tề chẳng ăn gạo nhà Chu/ Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước/ Di, Tề chết đói ngàn Thú Dương/ Tù bạc chết đói trong nhà ngục” (Lại một người nữa…). Bá Di, Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc triều đại nhà Thương, vì phản đối Chu Vũ Vương đưa quân diệt nhà Thương dựng nên nhà Chu nên hai ông không chịu ăn gạo nhà Chu mà lên núi Thú Dương ở ẩn và chịu chết đói ở đó. Bá Di Thúc Tề là những bậc đại nhân hoàn toàn tương phản với người tù vì tội cờ bạc. Đặt trong thế tương phản này có lẽ nên hiểu là người tù cờ bạc không được ăn cháo nhà nước nên mới chết đói. Điều ấy càng thấy sức tố cáo lớn về một “nhà nước” phi nhân tính…
3.Vì ở trong tù nên người tù luôn sống trong hai không gian, thân thể trong không gian nhà ngục nhưng tinh thần luôn hướng ra không gian tự do bên ngoài: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” (Buổi sớm), “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ” (Buổi trưa). Nhật ký không chỉ đầy trăng, đầy ánh mặt trời, đầy mùa xuân mà tương phản với chúng là đầy bóng tối, đầy u ám, lạnh lẽo của mùa đông: “Ví không có cảnh đông tàn/ thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” (Tự khuyên mình), “Gà gáy một lần đêm chửa tan” (Giải đi sớm)…Nhưng đặc điểm của không gian bóng tối lạnh lẽo này không hề chết cứng, tĩnh tại mà luôn vận động hướng về ánh sáng ấm áp: “Bóng tối đêm tàn quyét sạch không” (Giải đi sớm)…Người tù luôn có ý thức phủ nhận triệt để không gian tù đày bằng cách lấy chính chủ thể trữ tình của mình để tạo ra một không gian khác. “Biết chăng trong ngục có người khách tiên” (Quá trưa), vì có “khách tiên” nên ngục không còn là ngục nữa mà là không gian nơi tiên ở. Tù nhân chơi nhạc nên nhà tù “Bỗng biến thành nhạc quán viện hàn lâm” (Chiều hôm)…
Cái cầu nối hai bức tranh tương phản trong tù và ngoài tù ở bài Người bạn tù thổi sáo là âm thanh khúc nhạc nhớ quê hương mà người tù nhớ nhà gửi lòng mình. Nước non xa cách ngàn trùng, nỗi nhớ khôn nguôi, cảm thương vô hạn, vợ của người tù bước lên một tầng lầu nữa, cố nhìn trong vô vọng hình bóng người chồng. Nàng Vọng phu nước Việt trèo lên tận đỉnh núi ngóng chồng. Trong hoàn cảnh, tâm trạng ấy, nàng Vọng phu phương Bắc cũng cố trèo lên lầu cao. Nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạc bằng ngôn ngữ thơ một nàng Tô Thị xứ Trung Hoa. Ngăn cách “trời vực” hai không gian trong và ngoài tù là cái song sắt, bên ngoài là người vợ, bên trong là người chồng (Vợ người tù đến thăm chồng). Họ chỉ còn gặp nhau nhờ “khóe mắt”. Một cảnh ngộ thật đáng thương! Lời thơ không chỉ đậm tình người mà còn là lời tố cáo “giận kẻ gian kia gây cách biệt”.
Đó là tương phản giữa sự kiện quốc khánh vui vẻ ở nước người, trong khi đó cách mạng Việt Nam đang rất cần một lãnh tụ thì người đó lại bị tù: “Nhà nhà hoa kết với đèn giăng/ Quốc khánh reo vui cả nước mừng/ Lại đúng hôm nay ta bị giải/ Oái oăm gió cản cánh chim bằng” (Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo)… Cùng là tư cách đại biểu mà tương phản quá khác biệt: “Cũng là đi Trùng Khánh/ Cùng là bạn Trung Hoa/ Anh, làm khách trên sảnh/ Tôi, thân tù dưới nhà/ Cùng là đại biểu cả/ Khinh trọng sao khác xa?” (Các báo đăng tin: Hội họp lớn hoan nghênh Uyky). Uyky là đại biểu nước Mỹ trong Liên minh quốc tế chống phát xít, tháng 10- 1942 đến thăm Trùng Khánh, thủ phủ của Quốc Dân đảng được hoan nghênh nhiệt liệt. Hồ Chí Minh với tư cách là đại biểu Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược cũng đến Trùng Khánh nhưng lại bị bắt giam. Bài thơ là sự phẫn nộ, bất bình, một sự đả kích chế độ Tưởng ngu dốt, không thể phân biệt phải trái; một sự chế giễu thói đời thường ấm lạnh… Cũng là “đoàn thăm Trung Hoa” mà lại có những cách đối xử thật không công bằng: “Đoàn Mỹ đi rồi, đoàn Anh đến/ Khắp chốn mừng reo tỏ nhiệt tình/ Ta cũng một đoàn thăm quý quốc/ Lại dành riêng một lối hoan nghênh” (Đoàn đại biểu Anh sang thăm Trung Hoa).
Nhìn dưới góc độ hình thức tương phản, bài Lai Tân không khó hiểu: “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc/ Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh/ Chong đèn huyện trưởng làm công việc/ Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Ba câu trên là ba hiện tượng được sắp xếp tăng cấp: ban trưởng - cảnh trưởng - huyện trưởng, ba câu này cấu trúc theo lối đẳng lập hoàn toàn tương phản với câu cuối: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Một người chuyên đánh bạc, một người chuyên ăn tiền phạm nhân, còn người cao nhất là huyện trưởng, đặt trong cấu trúc hình thức cả bài thì nên hiểu “làm công việc” theo nghĩa ẩn dụ là hút thuốc phiện. Nếu hiểu “làm công việc” theo nghĩa đen thì không phù hợp với phong cách trào phúng ý vị, hóm hỉnh, sâu sắc của tác giả. Thì ra hiện tượng “thái bình” trong câu cuối chỉ là hiện tượng giả, trái ngược với bản chất thối nát được miêu tả trong ba câu trên. Chúng tôi cho rằng tác giả đã tỉnh lược đi hai chữ thế mà ở câu cuối: (Thế mà) Trời đất Lai Tân vẫn thái bình!
Như vậy, một hệ hình mỹ học mới trong Nhật ký chính là một nội dung rất mới trong một hình thức Đường Thi cũ.
NGUYỄN THANH TÚ
[1]. Trần Đương - Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009, tr 118.
VNQD