Hương vị xuân qua trang sách tết

Thứ Ba, 01/02/2022 06:36

. NHO QUAN
 

Qua một năm khó khăn bởi dịch bệnh, các nhà xuất bản, công ti phát hành cùng đông đảo văn nghệ sĩ vẫn chung tay làm ra những cuốn sách tết. Đây là món ăn tinh thần đặc sắc gửi tới người yêu sách dịp tết đến xuân về.

Cuối năm 2018, khi người người nhà nhà đang tất bật chuẩn bị đón xuân mới Kỷ Hợi thì một ấn phẩm đặc biệt ra đời. Cuốn Sách tết Kỷ Hợi 2019 do Nhà xuất bản (Nxb) Văn học và Công ti cổ phần văn hóa Đông A (Đông A) ấn hành như một nhành đào thắm tô điểm hương sắc trên mâm cỗ tinh thần mùa xuân. Trong bài viết ở phần “Vĩ thanh” của ấn phẩm, nhà sưu tầm sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam nhận định: “Sách tết Kỷ Hợi 2019 của Đông A ra đời lần này có thể xem như sự trở lại sau khoảng 60 năm của một thể loại ấn phẩm độc đáo, tưởng như đã vĩnh viễn chìm vào quên lãng.”

Nối lại văn hóa đẹp

Sách tết đã có một bề dày lịch sử, là nét đẹp trong làng sách báo, trở thành văn hóa của người yêu văn chương nghệ thuật trong những ngày xuân thanh nhàn. Theo giới sưu tầm sách xưa, Sách xem tết năm Mậu Thìn 1928 do Tân Dân Thư quán thực hiện là ấn phẩm đầu tiên, mở lối tiên phong cho dòng sách tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Tiếp theo đó, năm 1929, nhà Nam Ký bắt đầu thực hiện Sách chơi xuân. Nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Hoài Nam kể ra các cuốn sách tết cách đây mấy chục năm như: Sách xem tết chào xuân Quý Dậu 1933 của Tùng Khánh in tại Nhà in Cao Bình - Chợ Lớn; Sách xuân năm Đinh Sửu 1937 in tại Nhà in Mekong - Sa Đéc; Sách chơi xuân năm Đinh Sửu 1937 với chủ đề “Nắng xuân” in tại Quy Nhơn; tập Bút xuân năm Mậu Dần 1938 in tại Nxb A.J.I, Vientiane, Lào của nhà thơ, nhà báo, nhà cách mạng Chu Hà Lã Xuân Choát; Sách tết năm Kỷ Mão 1939 của Đặng Thị Xuyến in tại Nhà in Impr. Du Nord; Sách xuân năm Nhâm Ngọ 1942 của Phượng Nam; Sách tết Nam Kỳ năm Nhâm Ngọ 1942 của Huỳnh Văn Tài; Sách tết năm Nhâm Ngọ 1942 có chủ đề “Một trời xuân” của Nxb Minh Cường; Thơ văn mùa xuân của Nxb Đại La in năm 1943; Sách tết Đời nay năm 1941 của nhóm Tự Lực văn đoàn; Sách tết năm Đinh Dậu 1957 của Nxb Minh Đức; Sách xuân năm Mậu Tuất 1958 của Nxb Xây dựng…

Sách tết đa dạng, phong phú, trở thành món ăn tinh thần trong sinh hoạt văn học. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nxb Kim Đồng - cho biết, ngay từ khi mới thành lập hơn 60 năm trước, đơn vị này cũng đã tham gia làm sách tết như Mừng tết mới - xuân Kỷ Hợi 1959. Qua mỗi giai đoạn, các ấn phẩm tết của Nxb Kim Đồng với những tên gọi khác nhau như Tuổi thơ xuân, Đất nước vào xuân... mang những diện mạo khác nhau.

Theo giới sưu tầm sách xưa, do những điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, khoảng 60 năm qua, sách tết thưa vắng trong đời sống tinh thần. Đầu năm 2018, nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Dịu đăng lên facebook cá nhân một số hình ảnh sách tết xưa. Đây là gợi ý cho Đông A triển khai dự án Sách tết Kỷ Hợi 2019. Khi nhìn thấy những hình ảnh trang nhã của sách tết xưa, Đông A đã lập tức liên hệ với các nhà sưu tập sách để tìm lại các ấn bản đó, rồi lên ý tưởng và mời nhà văn Hồ Anh Thái đứng ra tổ chức, đặt các tác giả viết bài và các họa sĩ minh họa. Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Đông A - chia sẻ: “Với Sách tết Kỷ Hợi 2019, Đông A mong muốn mang sách tết trở lại, như món quà nhỏ cho ngày xuân thêm trọn vẹn, nối dài một truyền thống làm sách tết chưa xa.”

Sách tết Kỷ Hợi 2019 của Đông A tạo được hiệu ứng tốt. Đến cuối năm 2019, bên cạnh Đông A với Sách tết Canh Tý 2020, thêm một số đơn vị xuất bản tham gia cuộc chơi và có các ấn phẩm như: Nhâm nhi tết Canh Tý (Nxb Kim Đồng), Tết đoàn viên (Công ti cổ phần văn hóa và truyền thông Sống liên kết Nxb Thế giới)… Chào năm mới 2021, thị trường có một số cuốn như: Sách tết Tân Sửu 2021 (Đông A liên kết Nxb Văn học), Nhâm nhi tết Tân Sửu (Nxb Kim Đồng), Phong vị xuân xưa (Tri thức Trẻ Books liên kết Nxb Hội Nhà văn)…

Như vậy, từ mùa xuân năm 2019 đến nay, những cuốn sách tết lại hiện diện trong đời sống tinh thần của người yêu văn chương nghệ thuật. Trong những ngày chào đón năm mới 2022 này, trải qua một năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, các văn nhân, họa sĩ và giới xuất bản vẫn chung tay để đưa ra thị trường các cuốn sách tết. Đông A có Sách tết Nhâm Dần 2022, Nxb Kim Đồng có Nhâm nhi tết Nhâm Dần, Tri thức Trẻ Books có hai ấn phẩm sách tết.

Nhiều lựa chọn cho người đọc

Qua một vài năm, các đơn vị đã dần định hình phong cách riêng khi làm sách tết. Sách tết của Đông A do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn và họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, trình bày. Họa sĩ Kim Duẩn lựa chọn các họa tiết trên tranh dân gian rồi trình bày theo phong cách hiện đại, trong đó con giáp của năm sẽ xuất hiện nhiều và ở vị trí nổi bật trên bìa sách. Mỗi cuốn sách tết của Đông A mang một tông màu riêng: năm Kỷ Hợi 2019 theo tông màu hồng, năm Canh Tý 2020 màu xanh ngọc, năm Tân Sửu 2021 màu xanh nước biển và năm Nhâm Dần 2022 màu cam. Về nội dung, sách tết của Đông A là hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa. Ở đó là những sáng tác mang chủ đề mùa xuân, ngày tết. Năm nay, ấn phẩm có sự tham gia của các cây bút như: Ma Văn Kháng, Anh Chi, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Minh Thái, Trần Hùng, Hữu Việt, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hoài Nam, Yên Ba, Nguyễn Quốc Trung, Đỗ Tiến Thụy, Uông Triều, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Việt Hằng, Phạm Công Luận, Trung Sỹ… Các ca khúc hay về mùa xuân của Huy Du, Phó Đức Phương, Xuân Hồng được giới thiệu trong sách. Phần họa có bài viết dựng chân dung họa sĩ tuổi Dần Tạ Huy Long, trong đó nhấn mạnh những đóng góp của anh trong lĩnh vực minh họa sách. Đông A thường mời các họa sĩ tham gia sách tết như: Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng, Đỗ Hoàng Tường, Đào Hải Phong, Tạ Huy Long, Hoàng Phượng Vỹ, Kim Duẩn, Doãn Hoàng Kiên… “Với sách tết, Đông A muốn mang đến một món ăn tinh thần ý nghĩa vào dịp tết, ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng lưu giữ lại phần nào phong tục và hương vị tết ngày xưa, giúp ta lắng lại mỗi dịp xuân về”, ông Trần Đại Thắng nói.

Ấn phẩm Nhâm nhi tết của Nxb Kim Đồng lại là thương hiệu riêng. Sách tết của đơn vị này có khổ vuông, hộp đựng luôn được thiết kế từ những họa tiết đặc trưng của ngày tết như: phong bao lì xì và hoa mai cách điệu (Nhâm nhi tết Canh Tý), dưa hấu và mây cách điệu (Nhâm nhi tết Tân Sửu), cánh én và hoa đào, hoa mai (Nhâm nhi tết Nhâm Dần). Các ấn phẩm Nhâm nhi tết thường hướng tới độc giả nhỏ tuổi nên có màu sắc tươi vui, văn phong trong sáng. Năm nay, bên cạnh các tác phẩm văn thơ về chủ đề mùa xuân và ngày tết còn là những câu chuyện về hổ - con giáp của năm - như: Chuyện về ông Phan Huy Chú, Hoa tết với nhà thơ, Làm văn đuổi hổ, Hình tượng hổ trong truyền thuyết và thần thoại, Năm Dần xem múa hổ... Sách cũng giới thiệu phong tục, nét đẹp đón tết ở Tây Bắc, Hà thành, miền Nam… Nhâm nhi tết Nhâm Dần với sự góp mặt của Võ Thị Xuân Hà, Lê Phương Liên, Trần Thanh Cảnh, Lý Đợi, Lữ Mai, Phan Đức Lộc, Huỳnh Mai Liên… Các họa sĩ mang tới những hình ảnh rộn ràng cho ấn phẩm, gồm: Chu Linh Hoàng, Lê Minh Trang, Vũ Xuân Hoàn, Nguyễn Quang Toàn, Xuân Lan, Hoàng Giang, Tạ Lan Hạnh, Lê Huyền Trang…

Năm thứ hai tham gia làm sách tết, Tri thức Trẻ Books tiếp tục tìm về phong vị xuân xưa với hai cuốn Tết hoàng cung Thơ vua và suy ngẫm. Ông Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Tri thức Trẻ Books - cho biết, công ti này làm những cuốn sách tết với mong muốn “đem lại hoài niệm về những tục lệ đón xuân vô cùng ý nghĩa và giá trị của người xưa, nhằm bổ khuyết cho những cuốn sách tết khác, từ đó bạn đọc được giao hòa giữa cũ và mới, để ngày tết được trọn vẹn, đầy đủ và ý nghĩa hơn”.

Dù là hợp tuyển văn thơ nhạc họa hay hướng tới thiếu nhi hay tìm về mĩ tục cổ truyền… thì các đơn vị thực hiện đều mang tới sách tết đậm hương sắc mùa xuân. Các ấn phẩm này đều có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, không mất đi chất Việt đậm đà, nhưng cũng không vì thế mà cũ kĩ hay chậm so với nhịp sống hiện đại. Bên cạnh những bản phổ thông, các nhà xuất bản, công ti sách còn thực hiện bản đặc biệt của sách tết. Đó có thể là sách bìa cứng, hộp sơn mài, quà tặng kèm sách là những vật phẩm văn hóa gợi nhớ tết cổ truyền. Là thị trường nhỏ, có tính mùa vụ, song mỗi nhà xuất bản, công ti phát hành đều làm sách tết với tất cả sự cẩn trọng, sáng tạo nhất có thể. “Với Nxb Kim Đồng, mùa sách tết đã dần định hình trở thành một mùa đọc vui giống như mùa hè dành cho các em thiếu nhi. Chúng tôi luôn xác định, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả, Nxb Kim Đồng cần phải cố gắng làm tốt hơn qua mỗi năm, mang đến nhiều cuốn sách hay, sáng tạo tới bạn đọc”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói. Bằng sự đa dạng, phong phú về hình thức, đặc sắc về nội dung, độc giả là những người được hưởng lợi nhất khi có nhiều lựa chọn sách tết.

Đáp lại nỗ lực của người làm sách, các ấn phẩm sách tết được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sách tết của Đông A thường được in 2.000 bản cùng 100 bản đặc biệt (số bản tăng lên qua từng năm); sách tết của Nxb Kim Đồng thường được in 3.000 bản; sách tết của Tri thức Trẻ Books cũng có bản đặc biệt… Các giai phẩm tết đều được phát hành trong khoảng thời gian ngắn, chứng tỏ sức hút của dòng sách này. Ấn bản đặc biệt thường được giới sưu tầm sách yêu thích và luôn bán hết trước. Bên cạnh để thưởng thức, sách tết cũng thường được người mua lựa chọn như một món quà tặng nhau dịp cuối năm.

Những ngày xuân mới, bên mâm ngũ quả, chiếc bánh chưng, chén trà ấm nóng, sắc đào mai thắm…, người đọc có thể nhẩn nha “nhâm nhi” món ăn tinh thần tinh tế qua những trang sách tết.

N.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)