. Nguyễn Thanh Tú
Bác Hồ sinh năm 1890 tuổi Canh Dần, theo tín ngưỡng phương Đông là tuổi mạnh mẽ, trí tuệ nhưng cô đơn (“Canh cô mậu quả”: ai sinh vào năm “canh”, năm “mậu” thường cô đơn). Điều ấy chưa bàn đến nhưng rõ ràng, trong trước tác của Người rất hay xuất hiện hình tượng con hổ, con voi và được nâng lên thành biểu tượng thú vị. Xin bước đầu tìm hiểu về vấn đề này.
- Con hổ con voi biểu tượng cho sức trẻ khoẻ của cách mạng.
Nửa đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một ngụ ngôn mà có lẽ không một lý luận nào, một sự khái quát nào hay hơn có thể thay thế: “Hiện nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già mà Đội Việt Nam tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khỏe ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già”[1]. Ở một ví dụ khác, Bác khẳng định chắc chắn: “Ta như con voi non càng đánh càng mạnh. Địch như con trâu điên càng đánh càng kiệt sức. Đến một lúc nào đó thì nhất định con voi non sẽ quật ngã con trâu điên”[2]. Khi thực dân Pháp bị sa lầy ở chiến trường Việt Nam, Bác Hồ dùng một ngụ ngôn diễn đạt hết sức chính xác mà sinh động tình cảnh đường cùng của chúng: “Tình trạng của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam giống như tình trạng của một người cưỡi trên lưng một con hổ. Xuống chăng? Sẽ bị ăn thịt. Đừng xuống chăng? Bị ăn thịt mất thôi”[3].Ở ví dụ này ai cũng hiểu cái tiến thoái lưỡng nan,“thế cưỡi lưng hổ” của Pháp. “Hổ” ở đây là quân đội kháng chiến còn người “cưỡi lưng hổ” là đội quân xâm lược Pháp: lui cũng thua, tiến cũng thua!
Ngày 11 tháng 9 năm 1946 tại Paris phóng viên David Schoenbrun của báo New York Times phỏng vấn Bác về tình hình cuộc chiến giữa bộ đội Việt Nam và quân đội Pháp nếu không tránh được sẽ diễn ra như thế nào. Người trả lời dí dỏm bằng một ngụ ngôn nhưng ý tứ thật đanh thép, quyết liệt:
“Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi giẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy”[4].
Những thiên tài có khả năng diễn đạt những vấn đề phức tạp nhất, chiến lược, vĩ mô thành những điều giản dị, dễ hiểu nhất. Bác Hồ là trường hợp như vậy. Cao hơn là toát ra một niềm tin, một chân lý: “con hổ” bộ đội Việt Nam sẽ chiến thắng “con voi” Pháp!
2.Con voi – Biểu tượng cho lối dạy “hiểu thấu vấn đề”.
Điều đáng chú ý là Bác Hồ có những ý kiến hết sức khoa học về cách học, cũng rất thú vị, Người diễn đạt sự khoa học ấy cũng qua biểu tượng con voi: “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Ví dụ: muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỉ mỉ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v.. Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế được thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v.. Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được. Hơn nữa, khi nói đến chuyện săn voi hay bắt voi, người ta cũng không nghĩ lầm được rằng có thể dùng lưỡi câu mà móc hay dùng roi, dùng gậy mà đánh. Như thế là người học dùng được sự hiểu biết của mình vào việc làm một phần nào. Trái lại, nếu thì giờ ít, trình độ còn kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỉ mỉ cái ngà voi không chẳng hạn, thì khi trở về lại tưởng lầm con voi là cái ngà, không ích lợi gì cả”[5].
Chúng tôi cho rằng đây là những ý kiến quý báu cho các nhà phương pháp dạy học nghiên cứu tiếp thu để đổi mới cách truyền thụ. Dĩ nhiên phải căn cứ vào hoàn cảnh mới khác với thời của Bác là ít thời gian, trình độ giáo viên có hạn. Nhưng hạt nhân hợp lý trong quan niệm của Bác Hồ là phối hợp nhiều cách dạy khác nhau như cụ thể hoặc khái quát, vấn đề lớn chia ra thành những vấn đề nhỏ…và có một điều tuyệt đối đúng là “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề”.
Tại sao Bác không lấy con vật khác mà lại lấy con voi? Như trong nội dung đã là một phần giải thích, Bác dựa vào câu chuyện ngụ ngôn dân gian Thầy bói xem voi. Thầy bói nào nói về voi cũng đúng cả (con voi như cái đòn càn, cái chổi xể, cái cột đình...), nhưng chỉ là đúng ở cấp độ bộ phận còn xét ở phương diện tổng thể/ hệ thống thì sai hoàn toàn. Đây là câu chuyện ngụ ngôn giáo dục về cách dạy, cách học rất thâm thuý: phải nhìn nhận vấn đề ở cấp độ hệ thống, chỉnh thể. Nếu tách rời cơ giới bộ phận sẽ sai về bản chất vấn đề.
3.Con hổ, con voi biểu tượng cho thực dân, đế quốc độc ác.
Dưới đây là một mẩu chuyện Bác dùng ngụ ngôn thuyết phục đồng bào đoàn kết đánh đánh Pháp. Câu chuyện xảy ra ở một vùng thuộc Việt Bắc. Trong một cuộc mít tinh, người cán bộ nói dài quá về tình hình thế giới này nọ, dân không hiểu. Mọi người chuẩn bị ra về, Bác (trong sách gọi là “đồng chí già”) liền đề nghị được nói lại. Người hỏi:
“- Nhật và bọn quan của nó bây giờ so với Pháp và bọn quan của Pháp trước thế nào?
- Pháp như con hổ, con báo, thì Nhật cũng như con báo, con hổ thôi.
- Bọn quan của Pháp trước, nay lại là quan của Nhật đấy mà.
- Rắn lột xác vẫn là rắn thôi.
- Không phải rắn lột xác đâu. Chó săn đổi chủ đấy!
Mấy cụ già đều nói, mỗi người thêm một ý làm cho cuộc mittinh sôi nổi hẳn lên. Đồng chí già lại hỏi:
- Dân ta có thể để cho con hổ, con rắn nó ăn thịt dần không?
- Không!
Đồng bào cùng cất tiếng trả lời. Mặt ai nấy đều có vẻ giận dữ. Rồi từ các cụ già, tới thanh niên nam nữ thi nhau kể tội giặc: giết người, tù đày, thuế nặng, bắt lính, bắt phu...Những điều họ kể ra còn nghe sâu sắc, cay đắng hơn những điều tôi vừa nói, vì đều là những sự việc ngay trong địa phương, nhân dân đã mắt thấy tai nghe, nay chính mình tự kể lại cả.
Chờ cho đồng bào ngớt lời, đồng chí già kết luận:
- Ta phải quyết tâm đánh Nhật, quyết tâm trừ bọn quan lại của chúng để cứu lấy nước mình. Đồng bào đồng ý không?
Tiếng hô “đánh” vang lên. Đồng chí chỉ một thanh niên rất khoẻ, hỏi:
- Một người khoẻ như anh này, đánh được không?
Đồng bào cười ồ lên. Một người nói:
- Không đánh được đâu! Nó cũng đông đấy, lại có súng to, súng nhỏ nhiều, nhiều mà.
- Thế cả nước cùng một lòng, Kinh, Thổ, Mán, Mèo cùng đứng dậy mà đánh, có được không?
- Được, đánh được! Mọi người cùng một lòng thì sợ gì Nhật, sợ gì Tây! Bọn quan của chúng chết, nó khắc chết thôi!”[6]. Cũng về chủ đề này Thượng tướng Đàm Quang Trung kể Bác Hồ nói về đoàn kết: “Đoàn kết thì nhất định việc gì cũng làm được. Một người không vây bắt được con hổ nhưng có nhiều người hợp sức thì vây bắt được. Một người không bẩy được hòn đá to, nhiều người bẩy thì hòn đá to cũng phải bật”[7].
Đoạn hội thoại trên nói lên rất rõ phong cách đối thoại của Bác là nêu vấn đề (câu hỏi) để hướng đối tượng vào chủ đề chính, không bị phân tán. Cũng là bài học giáo dục: tôn trọng người đối thoại, gợi mở cho họ tự nói lên nhận thức của mình, qua đó mới có thể hướng họ vào mục đích. Ở đây Bác Hồ đã để đồng bào nói lên nhận thức về giặc Pháp, giặc Nhật vừa khơi gợi lòng căm thù, sự quyết tâm đuổi giặc, cái quan trọng nhất là vấn đề muốn “đánh” được thì phải làm gì, là phải đoàn kết tạo nên sức mạnh mới có thể “đánh” được.
Chúng ta quyết đánh Pháp dù có ở thế chênh lệch lực lượng gay gắt, có người bi quan “nói với một giọng thương hại: “Châu chấu sao đấu nổi ông voi!”[8], nhưng chúng ta quyết đánh vì chúng ta tin tưởng vào lòng yêu nước của dân ta, vào sự lãnh đạo của Đảng: “Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra.
Sự thật đã chứng tỏ rằng “voi” thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng”[9]. Các hình ảnh luôn ở thế tương phản và vận động: châu chấu/ voi; voi “lòi ruột”/ “con hổ oai hùng”. Địch lúc đầu như con voi rồi thành voi “lòi ruột”; ta lúc đầu là “châu chấu” rồi thành “con hổ”. Có lẽ không một cách diễn đạt nào khác đắt hơn những hình ảnh và cách diễn đạt theo lối biểu tượng ngụ ngôn như thế.
Dùng biểu tượng là cách diễn đạt giản dị mà dễ hiểu những điều phức tạp như về phương thức đánh giặc: “Từ dân thì mới có thể đi sâu vào lòng địch để đánh địch: Không vào hang, không bắt được cọp”[10]. Thế là ai cũng hiểu: muốn thắng giặc phải vào tận nơi có giặc, phải gan dạ, dũng cảm, phải khôn ngoan, thận trọng, bình tĩnh...Sau này Bác cũng có ngụ ngôn tương tự nói về đánh B52: “Phải bám thắt lưng địch mà đánh”!
Nhiều người khẳng định Bác Hồ là nhà triết học thực hành. Đúng vậy, Bác đề cao hiểu biết thực tế, sự hiểu biết nào cũng không thể tách rời kinh nghiệm trực tiếp: “Không vào hang, không bắt được cọp”. Câu tục ngữ ấy là một sự thật cho thực hành, cũng là một sự thật cho hiểu biết. Không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết”[11]. Đấy là chân lý đời sống!
Đầu những năm 1950 quân ta thắng nhiều trận lớn, quân Pháp có dấu hiệu xuống sức hụt hơi, thế mà chúng còn rêu rao khoe khoang là “bộ đội Pháp đánh hăng như cọp”.Bác Hồ có ngay một ngụ ngôn Cọp, Nai, Thỏ[12], sau khi thuật lại lời khai của một tù binh Pháp - hạ sỹ quan Ghiông (Guillon), tác giả đưa ra lời bình luận: “Lời khai của Ghiông có Nai, có Thỏ, có Cọp, như một vườn bách thú nhỏ. Song con cọp Pháp chỉ là cọp giấy”[13]. Một tiếng cười trào phúng vui vẻ mà sâu sắc qua so sánh “như một vườn bách thú nhỏ” đã hạ bệ thảm hại những kẻ đi xâm lược giờ đây cũng chỉ như những con thú bị “giam hãm” trong “vườn bách thú” để cho du khách tham quan ngắm nghía mà thôi. Quân Pháp có tự cho mình là cọp thì chẳng qua cũng chỉ là cọp giấy. Ý nghĩa của câu nói càng có giá trị khi người nói là một vị Tổng tư lệnh quân đội kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần đánh giặc của quân ta bao nhiêu thì càng khiến cho sự hoảng loạn của lính Pháp tăng lên bấy nhiêu.
Trên báo Cứu quốc số 2022 ngày 26-2-1952 với bút danh Đ.X, Bác có bài báo Rước cọp vào nhà với phong cách thuần Việt nói về chuyện nước Pháp đã thành thuộc địa của Mỹ:“Vì bay rước cọp vào nhà/ Nay bị cọp cắn khóc mà ai thương” [14].Tình cảnh nước Pháp thực dân hiện lên thật thảm thương: rước cọp Mỹ vào nhà để rồi bị cọp cắn!
Những dẫn chứng trên có thể coi đó là những ngụ ngôn được nhà ngụ ngôn vĩ đại Hồ Chí Minh dùng vào mục đích chính trị. Ngụ ngôn rất hay được các nhà chính trị sử dụng vừa vừa ngắn gọn, gây chú ý, dễ hiểu lại tạo ra tiếng cười ý nhị, sâu sắc, thâm thúy. Đặng Tiểu Bình từng nổi tiếng với ngụ ngôn mèo đen, mèo trắng rất thâm!
N.T.T
[1]Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu – NXb Kim Đồng, 1970, tr 60.
[2]Bác Hồ với Tuyên Quang - NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr 198, 199.
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 337.
[4]Duiker, William J. (2000).Ho Chi Minh: A Life. Hyperion Books, p 379. Xem thêm: PGS.TS Phạm Quang Long - Năm Dần, tản mạn về con hổ. Quân đội Nhân dân cuối tuần số 1361 + 1362, ngày 30/1 và 6/2/ 2022.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập6. Sđd, tr 358.
[6]Ngọc Châu - Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005, tr 42
[7]Ngọc Châu - Bài học Bác dạy. Sđd, tr 118.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9. Sđd, tr 197.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 29.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Sđd, tr 125.
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 125.
[12]Báo Cứu quốc, số 1868, ngày 25-7-1951
[13]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 133.
[14]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Sđd, tr 168.
VNQD