Lý Hữu Lương hát về “nỗi khổ trên vai tộc người”

Chủ Nhật, 02/01/2022 00:38

. HOÀNG THỤY ANH
 

Bài thơ này để lạy tạ tổ tiên
bài thơ này để lạy tạ mẹ ta
bài thơ cho những người vừa đi
vừa lau nước mắt

(Phả hệ)

 

Có thể thấy, bản sắc văn hóa, đặc điểm của tộc người Dao hiển hiện rất nhiều trong thơ của Lý Hữu Lương. Yao (Nxb Hội Nhà văn, 2021) - tập thơ mới nhất của anh - cũng nằm trong thi mạch ấy. Tên tập thơ được viết theo phiên âm tiếng Hán (猺 族 - yáo zú, chỉ một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc; về sau, từ “Yao” được cộng đồng người Dao ở Việt Nam xem như là cách viết tên tộc người mình). Yao phản ánh, biểu hiện vẻ đẹp của “những phận người núi thẳm rừng thiêng”.

Lý Hữu Lương là người con của dân tộc Dao, nên thi tập Yao phác dựng cốt cách Dao, vẻ đẹp Dao không có gì đáng ngạc nhiên. Điểm bất ngờ thú vị ở đây là tác giả biết lạ hóa, kiến tạo căn cước tộc người mình từ những quy chiếu khác.

Xa bản làng từ lúc 14 tuổi, do vậy, ám ảnh về nguồn cội trở nên thường trực trong tâm khảm của Lý Hữu Lương. Tuy nhiên, sâu hơn, rộng hơn, da diết và cuộn thắt hơn, ở đây, trong Yao, là nỗi ám ảnh về thân phận lưu vong của cả một tộc người Dao mà quê quán cố thổ nằm ở đâu đó tận bên kia biên giới. Bàn Hồ - thủy tổ của người Dao - là nơi mà từ đó mười hai họ người Dao cứ mãi lầm lũi những cuộc thiên di. Dù viễn du trăm phương ngàn hướng nhưng họ vẫn ôm giữ gốc rễ, bản sắc của dân tộc mình. Người đã sống, đã chết hay đang chết đều gọi nhau về trong lễ cấp sắc. Những con người cần cù, chăm chỉ học loài kiến gối bò trên đá, mài sắc rựa rìu mở lối, sống hiền hòa, rộng lượng, chân thật như lòng vỏ dao tay, chào nhau bằng chén rượu đầy, xem cỏ cây là linh vật, rừng là sinh mệnh, sống chẳng màng áo quần đẹp nhưng chết phải một lần mặc đẹp nhất, cha mẹ nuôi con bằng những khúc páo dung

Với Lý Hữu Lương, kí ức của cá nhân, rộng hơn là của bản làng, rộng hơn nữa là của tộc người, vừa là nguồn nhựa sống vô giá vừa là nơi lưu giữ những hoài niệm về tổ tiên, bản quán. Sự đứt gãy trong cuộc đời, gắn bó (sinh ra, lớn lên) - rời xa (li hương) - gắn bó (trở về bằng thơ), xếp chồng lên thơ anh, đưa đến cái nhìn nước đôi: muốn sống với hoài niệm và muốn lan tỏa hoài niệm ấy. Anh mong mỏi được làm con chim nhỏ “mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi”. Trời cho ta làm thơ/ bài thơ này để lạy tạ tổ tiên/ bài thơ này để lạy tạ mẹ ta/ bài thơ cho những người vừa đi vừa lau nước mắt/ những người đi xa khỏi cõi linh hồn (Phả hệ). Dân tộc tôi đi/ trên những con đường rừng/ có màu lá/ màu mây/ màu nước mắt/ và máu (Viết cho dân tộc tôi).

Lý Hữu Lương gọi tộc người mình là Nỗi Buồn. Nhưng nỗi buồn tha phương không làm họ chia rẽ, mất đi bản sắc, tiếng nói, mà ngược lại, càng đi thì ý thức trở về nguồn càng mãnh liệt. Họ luôn tâm niệm, kiêu hãnh về nơi chôn nhau cắt rốn, sống đoàn kết gắn bó, có niềm tin về sự tôn thờ, về truyền thuyết, cho dù chết ở đâu thì hồn vẫn quay về cố thổ.

Đặc điểm của người Dao là thường không lưu lại những địa danh nơi họ đi qua. Họ chỉ nhớ về Dương Châu đại điện (một nơi tượng trưng, cũng chính là nơi phát tích, cố thổ của tộc người thiên di). Lý Hữu Lương, với Yao, không chỉ quy ước kí ức thiên di, vị trí của tộc người mình mà còn tạo ra những kí hiệu về tình yêu và cảm thức cội nguồn. Nỗi buồn trong Yao là nỗi buồn đẹp của một thi sĩ đã đi tận cùng chiều sâu của văn hóa tộc người. Sức mạnh cội nguồn của Yao vì vậy đã diễn tả trọn vẹn phẩm chất Dao: Người Dao mình/ ăn xôi ngũ sắc/ cúng gia tiên bằng lợn bằng gà/ trai lớn thì cấp sắc/ cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người/ sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay/ ăn trăm năm bồ hóng trên vách (Người Dao).

Phẩm chất Dao cho ta bài học biết nuôi dưỡng, chăm sóc tình yêu, thân phận và mối giao hòa. Cố thổ trước mặt ta. Cố thổ dưới chân ta. Cố thổ trong câu hát, trong bếp lửa bập bùng, trong dáng bà mẹ, người chồng, người vợ... Khi cúi đầu nhìn xuống/ chúng tôi nghe cố thổ gọi lòng mình (Gửi người em nhỏ). Yao hàm chứa trong nó ý thức giải trung tâm: Tôi viết cho dân tộc tôi/ con cháu Bàn Hồ, dao quắm và đùm muối/ giắt trên mái lá/ đã vàng bao truyền thuyết/ thần linh ngụ trong tim và đôi chân/ thần linh đi bốn phương tám đất/ trong bao hồn bơ vơ (Viết cho dân tộc tôi); Tiếng nói dân tộc mình/ những lớp/ những hoa/ nở dày/ miếng trầm trong thân dó (Tiếng nói dân tộc tôi). Lý Hữu Lương ám ảnh suy tư về cuộc thiên di của mười hai họ người Dao để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Nguồn cội là gì?”: Tổ tiên ở đâu? Đêm đầu núi/ thở để mây trôi/ cười để buồn đi hết/ tên ta trong bụi lau/ hồn ta nơi vạt nứa/ cố hương chỗ ta nằm (Viết cho dân tộc tôi).

Yao có lối viết mộc mạc, dung dị, tự nhiên, cách nói, cách tả, liên tưởng quen thuộc với nếp sống, nếp nghĩ của người miền núi. Với Yao, Lý Hữu Lương đóng dấu được cá tính thơ của mình thông qua những thi ảnh có tính biểu cảm, khái quát cao nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa giữa nét đặc trưng của dân tộc thiểu số và nét riêng biệt của Dao, giữa truyền thống và hiện đại. Biểu đạt hình ảnh tộc người mình, anh viết bằng thăm thẳm tâm cảm, đưa truyền thuyết Dao thành biểu tượng của sức mạnh, niềm tin, yêu thương, đoàn kết và sự hòa nhập vĩnh cửu giữa con người với tự nhiên. Màu sắc của Dao, năng lượng của Dao được anh nâng lên thành triết lí sống. Tự mình nhỏ hơn, bỏ qua mọi hiềm khích, tranh chấp… không phải ngại va chạm mà nâng mình lên, sống một đời hiền hòa, không gươm đao, không trừng phạt: Một dân tộc nhỏ trên đầu ngàn trái núi lớn/ chúng ta vẫn tự mình nhỏ hơn mình/ từng kiếp/ từng kiếp... (Thượng cổ).

Hình ảnh mẹ trong Yao biểu trưng cho bản nguyên tính nữ với quyền năng sinh dưỡng và đức hi sinh. Lý Hữu Lương thường gắn mẹ với những gì dân dã, đậm mùi bản làng nhất như qua hình ảnh mẹ ngồi đun nồi cám, nướng ngô, hơ bàn tay đầy tuổi góc chái sàn hay hát khúc páo dung ru con... Bà mẹ Dao trong thơ anh do đó có bóng dáng của những người mẹ Việt tảo tần nhọc nhằn: Khói lam đi hết người đi hết/ mẹ còn ngồi đó những giêng hai/ nhặt từng sợi rét đan vào mắt/ phơi trắng trên nương gót nẻ cằn (Giêng hai). Tư duy truyền thống và tư duy hiện đại cùng với giọng điệu tự sự trầm buồn, thiết tha, sâu lắng rất đỗi tình cảm này đã khắc chạm, nối hình ảnh mẹ vào tháng năm, vào thiên nhiên, vào cuộc đời, thiết dựng nên chiều sâu của không gian văn hóa. Tạo sinh thi ảnh thông qua sự khiêm nhường, giản dị, đời thường, nên cái nhìn tự tình về dân tộc, về mẹ của anh có được nét riêng độc đáo.

Cuộc thiên di của tộc người Dao trong thi tập Yao không chỉ nằm ở những văn bản thơ của thi sĩ mà còn được biểu đạt, cụ thể hóa qua những “tệp đính kèm” tranh minh họa của họa sĩ Bàn Sam, thể hiện hành trình di cư của các họ người Dao. Sự ăn khớp, đồng nhất về hình thức và nội dung của thi tập theo đó cũng góp phần tái hiện và khẳng định ý thức gắn bó, vẻ đẹp cố kết của người Dao. Xét trên sự tương kết này, Yao là một kí hiệu mang tính tích hợp, ẩn giấu nhiều cái được biểu đạt, góp phần giãn mở nội hàm của tác phẩm. Ở đó, nhân vật trữ tình xưng “tôi” bị dẫn dắt, bị đắm chìm bởi tinh thần Dao, tâm hồn Dao.

Rời bản làng nhiều năm nhưng Lý Hữu Lương không bị chi phối bởi lối sống tấp nập, vội vàng của phố xá “trung tâm”, “hiện đại” mà vẫn giữ cho mình tiếng nói, nguồn mạch “ngoại biên”, “truyền thống” trong thơ. Anh hát về “nỗi khổ trên vai tộc người” bằng nhiều thanh âm, nhiều bè phối hợp. Anh thấy được cả bề rộng lẫn bề sâu của tộc người mình: Hồn tộc người kéo nhau bay qua cửa/ thấy trăm năm ngắn lại một ngày (Cấp sắc). Nỗi khổ ấy có khả năng sản sinh, mọc lên những chồi sức mạnh, mời gọi và tác động đến trực giác của người đọc về tình yêu đắm say, mãnh liệt với cội nguồn, bản quán. Những ngôn ngữ “dung dị”, những đường nét “thô sơ” ít nhiều trong Yao dường như vẫn không làm giảm thiểu hồn cốt khoáng đạt của một tộc người “đi suốt hai nghìn năm”.

H.T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)