Phim Ranh giới: Nghệ thuật và cuộc đời

Thứ Sáu, 03/12/2021 12:01

. HUỆ NINH
 

Bộ phim Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát sóng trên VTV vào tối ngày 8/9/2021 lập tức tạo thành một hiện tượng trên không gian truyền thông. Mạng xã hội và nhiều tờ báo đã có vô vàn ý kiến bày tỏ sự khen ngợi, ngưỡng mộ, niềm xúc động dành cho bộ phim và những người làm phim. Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Ranh giới đem lại giá trị gì?

Chỉ hơn 50 phút phim, hàng loạt hình ảnh chân thực tại khu cách li K1, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) trong những ngày chống dịch Covid-19 của bệnh nhân và y bác sĩ hiện dần lên. Không dùng lời bình, không sử dụng phỏng vấn hay đối thoại giữa nhân vật với người làm phim, Ranh giới là những hình ảnh nối tiếp như từ một chiếc camera di động, bí mật đi theo từng bước chân y bác sĩ làm những công việc thường nhật của họ. Họ chăm sóc người bệnh, vội vàng tác nghiệp khi cần cấp cứu, hối hả từng giây phút giành lại sự sống cho bệnh nhân nguy kịch, thuyết phục bệnh nhân hợp tác chữa bệnh, làm công tác tư tưởng với người nhà bệnh nhân, quyết định bỏ thai để cứu người mẹ mắc Covid, giúp bệnh nhân kết nối với người nhà trong cơn nguy biến, trao trả tro cốt của bệnh nhân đã mất cho người thân... Để rồi, giây phút riêng tư của họ chỉ là những cơn ngủ vật vạ, chóng vánh ở hành lang bệnh viện. Người xem gần như không thấy một sự sắp đặt nào, càng không phát hiện bất kì yếu tố kĩ thuật, kĩ xảo của điện ảnh hay truyền hình.

Trong những căn phòng bệnh viện chật hẹp, y bác sĩ cứ lặng lẽ làm công việc của mình hết sức tự nhiên. Họ bị bịt kín bởi trang phục bảo hộ, chân quấn vào nhau vướng víu vội vàng. Chỉ loáng thoáng ánh mắt hay những lời đối thoại nghề nghiệp phát ra từ đồ bảo hộ. Sự tận tụy, sự hi sinh cao cả của họ cho nghề nghiệp, trái tim nhân ái của họ với đồng loại không bởi thế mà bị che khuất. Những hình ảnh chân thực có sức lay động tới người xem một cách mạnh mẽ.

Những lát cắt mà bộ phim khắc họa không thể không khiến khán giả rùng mình kinh hãi bởi “thứ giặc” quái ác vô hình - virus Corona. Nó tước đoạt cuộc sống của con người trong chớp mắt một cách khó lường và thảm khốc. Nó gây ra bao đau đớn, khiếp sợ bởi bệnh nhân ra đi trong cô độc khi không thể có thân nhân bên cạnh. Đạo lí nghĩa tử là nghĩa tận ở đời do vậy cũng không được thực thi trọn vẹn.

Ranh giới đem lại cho khán giả niềm khâm phục đối với các y bác sĩ ngày đêm sát cánh cùng bệnh nhân. Họ không chỉ giúp người bệnh giành giật sự sống mà còn thay người thân động viên, chăm sóc tận tình. Một vài điểm xuyết hình ảnh và con số như khi y bác sĩ mỏi mệt gục xuống, bất lực khi không cứu được bệnh nhân, dòng chữ cuối phim “Tính đến ngày 1/9 có 125 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Hùng Vương nhiễm Covid-19” đã phần nào cho thấy sự vất vả chồng chất, sự khốc liệt trong cuộc chiến này. Tuy vậy, tuyệt nhiên phim không hề có cảnh nào nói đến cảm giác bế tắc hay sự bi lụy. Các y bác sĩ hiện lên như những người chiến sĩ, chẳng chút toan tính, không mảy may nao núng sợ hãi trước gian nan, càng chẳng có ý định bỏ cuộc. Nhiều hình ảnh nhân ái, thân thương của họ cũng gây xúc động mạnh cho khán giả như bón cháo, chải tóc cho bệnh nhân…

Tổng hòa các cảm xúc này khơi gợi ở người xem nhiều suy ngẫm, liên tưởng. Những ai đang có cuộc sống yên bình thấy cần phải biết trân trọng, gìn giữ. Những ai đang trong cơn nguy khốn thì cần niềm tin và sự mạnh mẽ để tiếp tục chiến đấu. Những ai chưa thực sự hiểu sâu sắc về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này hay còn lơ là trong việc phòng chống nó thì biết sợ hãi tận cùng mà cẩn trọng hơn trong từng hành vi của mình…

Vì sao phim tạo thành hiện tượng?

Việc các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch vất vả, khổ sở khi giành giật sự sống cho bệnh nhân, phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm hay những bi thương của các bệnh nhân F0 phải nỗ lực chiến đấu với Covid-19... không còn là chuyện lạ lẫm khi mà hàng ngày hàng giờ đài báo liên tục cập nhật. Trong vòng hai năm trở lại đây, đại dịch đã gây ra bao mất mát, thương tổn, làm xáo trộn cuộc sống, tinh thần của người dân trên toàn cầu. Đặc biệt ở thời điểm nóng bỏng hiện tại, khi rất nhiều nơi bị cách li, bị giãn cách xã hội, số người nhiễm bệnh, số người chết tại Việt Nam tăng cao... thì các hình ảnh của phim không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, người ta chỉ được nhìn, nghe, hình dung qua những bản tin đài báo, những clip quay nhanh hay những bức ảnh trên mạng. Còn tiếp cận nó qua ngôn ngữ của một bộ phim trọn vẹn thì Ranh giới lần đầu tiên làm được điều này. Bộ phim đã giúp người xem chứng kiến tận mắt những hình ảnh chân thực nhất, khiến họ như người trong cuộc, thấm thía những nỗi niềm, hoàn cảnh của nạn nhân Covid, của các y bác sĩ chống dịch. Hiệu quả tác động từ bộ phim là rất mạnh và rất sâu mà không một loại hình thông tấn nào (đài, báo, tin, ảnh…) có thể làm được.

Chỉ cần search google tên phim Ranh giới sẽ ra hàng loạt bài bình luận, chủ yếu là ngợi ca: “Phim tài liệu Ranh giới về cuộc chiến chống Covid-19: khốc liệt, ám ảnh và tràn đầy xúc động”, “Phim tài liệu Ranh giới của VTV về cuộc chiến Covid-19 gây chấn động người xem”, “Phim tài liệu Ranh giới: Cuộc chiến chống Covid-19 chân thực, đầy ám ảnh”… Nhiều nhà chuyên môn cũng đánh giá cao bộ phim này trên trang facebook cá nhân của mình như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: khẳng định đây là một bộ phim tài liệu có giá trị, được thực hiện bởi sự tâm huyết, dám dấn thân của người làm nghề.

Song, những ưu điểm mà bộ phim đạt được lại chính là mấu chốt để gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Có người cho rằng việc sử dụng các hình ảnh thật của bệnh nhân trong cơn bạo bệnh, lúc sắp chết là vi phạm quyền riêng tư, đạo đức nghề nghiệp, là phản nhân văn: “Đoàn làm phim và VTV đã vi phạm cả về luật pháp và cả về đạo đức, nhất là trong văn hóa Á Đông” (nhà báo Mỹ Hằng). Chung quan điểm này, nhiều người đưa ra ý kiến rằng nhà làm phim cần làm mờ mặt hay méo tiếng nhân vật trong phim để bảo vệ yếu tố cá nhân cho họ. Nhà biên kịch Trần Phương Thủy trên trang facebook cá nhân đã bày tỏ sự bức xúc, rằng không nên phát sóng bộ phim ở thời điểm hiện tại khi người Sài Gòn vẫn hàng ngày trải qua quá nhiều đau thương, rằng việc để những người trong tâm dịch thêm “ám ảnh tận cùng cái chết vì những gương mặt chịu đau đớn” khi xem phim này gần như là một sự nhẫn tâm, rằng chúng ta (những người ngoài vùng tâm dịch) không nên “say sưa nghệ thuật” hay vì “mục đích nghệ thuật” đến thế. Một số quan điểm khác cho rằng bác sĩ luôn phải tiếp cận với những Ranh giới kiểu ấy là chuyện bình thường, đâu phải chờ tới khi có Covid. Bởi vậy, theo nhóm ý kiến này, bộ phim chưa lột tả được sự khác biệt của bác sĩ chống dịch khi chỉ quay (khai thác hình ảnh) ở những địa điểm dễ dàng, sẵn có, chưa có sự dấn thân vào những nơi đặc biệt như bệnh viện dã chiến hay chỗ ngặt nghèo khác. Cùng với đó, việc đặt những lời nói mang tính triết lí vào miệng bác sĩ sau khi không cứu được bệnh nhân rằng “phải sống sao cho tử tế và mạnh mẽ” cho thấy sự sắp đặt khá lộ và thô của đạo diễn... Nhà biên kịch Xuân Thành cho rằng phim Ranh giới dù có giá trị riêng nhưng không nên tung hô đến thế khi mà sự thực còn nhiều điều đáng nói hơn, xúc động, khốc liệt hơn, cần truy xét và lí giải hơn, đòi hỏi các nhà làm phim phải nỗ lực hơn nữa. Ý kiến này cũng được nhiều đồng nghiệp quan tâm và bày tỏ sự đồng thuận.

Đạo diễn phim lên tiếng, rằng ngay từ đầu anh đã nghĩ đến giải pháp làm mờ mặt hay làm méo tiếng người và kĩ thuật ấy nếu áp dụng thì quá dễ dàng, nhưng anh đã không thực hiện vì muốn tôn trọng “cuộc sống như nó hiện hữu vốn có” (dẫn theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp). Để quay được những hình ảnh riêng tư ấy và phát sóng rộng rãi dĩ nhiên đã được sự đồng ý của nhân vật. Ở đầu phim cũng hiện lên trên màn hình dòng chữ cho biết điều này.

Ranh giới có phải là phim tài liệu?

Nhà biên kịch Xuân Thành khẳng định Ranh giới không phải là một phim tài liệu mà thực chất chỉ là phim phóng sự thôi. Liệu nhận định này có xác đáng?

Phim tài liệu là một thể loại của điện ảnh, mang trong mình những đặc điểm của nghệ thuật điện ảnh. Nói đến phim tài liệu người ta có sự phân biệt rõ về phim tài liệu điện ảnh (dùng để chiếu rạp) và phim tài liệu truyền hình (dùng để phát sóng trên truyền hình). Xét ở góc độ chuyên môn, Ranh giới hoàn toàn có thể gọi là phim tài liệu đích thực - một phim tài liệu truyền hình mang hơi hướm phóng sự. Người làm phim đã dùng nghệ thuật của mình để xây dựng được hình tượng nghệ thuật - đó là các “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chống Covid-19. Bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ giáo dục và định hướng nhận thức sự thật, thẩm mĩ cho công chúng. Nó không những ghi chép chân thực cuộc sống hiện tại nóng bỏng mà còn “hùng biện” được tư tưởng của người làm phim về sức mạnh của con người trong cuộc chiến này. Sức mạnh ấy nảy sinh từ lòng nhân ái, niềm trắc ẩn, sự tử tế giữa những con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó truyền niềm tin đến mọi người để họ cùng chung dự cảm tất thắng trước kẻ thù vô hình là virus Corona. Dù có đau thương, mất mát thì con người cũng không bao giờ khuất phục bởi những Ranh giới (như nhà văn Nguyễn Khải đã từng nói).

Cuộc sống có muôn sắc vẻ, bất cứ sự vật hiện tượng nào cũng có nhiều góc nhìn. Một bộ phim tài liệu truyền hình không thể đáp ứng mọi đòi hỏi của “bách tính trăm họ”. Có khi nó chỉ là một lát cắt, một hoàn cảnh, theo một góc nhìn nào đó của tác giả mà thôi. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, đang rất cần những tác phẩm phục vụ quần chúng kịp thời như thế. Thiết nghĩ, bất kì tác phẩm nào chạm được tới trái tim của người xem, nói được tiếng nói của công chúng, của cuộc đời sâu thẳm và rộng lớn đều có thể được cho là đã đạt đến tính nghệ thuật. Một sản phẩm thông tin nếu được làm tốt sẽ thành nghệ thuật, ắt có giá trị hơn so với thứ nghệ thuật chỉ thuần mang tính thông tin.

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)