Trăng xưa, hạc cũ với xuân này – Một quan niệm nghệ thuật đặc sắc!

Thứ Năm, 18/11/2021 08:39

. BÙI HẢI VINH
 

Hai câu cuối trong bài Cảnh rừng Việt Bắc rất đáng chú ý: “Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”[1]. Bài thơ làm năm 1947 giữa lúc cuộc kháng chiến của ta bộn bề khó khăn nhưng niềm tin của Bác Hồ thật khoẻ khoắn, mãnh liệt “Kháng chiến thành công”. Người như tự nhủ với chính mình, trở về với đề tài xưa “trăng xưa, hạc cũ”. Đề tài có thể là cổ điển nhưng nội dung phải mới, phải hiện đại, mang tinh thần của “xuân này”. Quan niệm này nhất quán một cách kỳ lạ trong thơ văn của Người. Do quá nhiều cứ liệu, bài viết xin chỉ đi sâu vào một hình tượng “Hoa”.

Bài thơ Mậu Thân xuân tiết được Người làm tại Bắc Kinh ngày 14/4/1968: “Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên/ Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên/ Bạch điểu tóc ngư hồ lý khứ/ Hoàng oanh phi thượng thiên/ Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ/ Mang bả Nam phương tiệp báo truyền” (Tiết tháng tư trăm loài hoa nở đầy vườn/ Đỏ đỏ, tía tía hoa đua nhau khoe vẻ tươi/ Con chim trắng sà xuống hồ để bắt cá/ Chim hoàng oanh lại bay thẳng lên trời/ Trên trời những áng mây thong thả bay đến bay đi/ Lòng rộn lên tin thắng trận ở miền Nam báo đến). Bỏ câu cuối bài thơ này rồi đối chiếu với thơ Thiền đời Lý, nhất là thơ của Viên Chiếu thiền sư dễ thấy trong bài thơ này của Hồ Chí Minh có âm vang của thơ Thiền, về mặt thể tài, thi liệu, tình thơ, ý thơ. Nhưng đặt trong cấu trúc tổng thể cả bài thì chúng làm điểm tựa để bật ra cái hiện đại, mới mẻ: “Mang bả Nam phương tiệp báo truyền” (Lòng rộn lên tin thắng trận ở miền Nam báo đến).

Thơ thiền hay mượn hoa làm một hình tượng nghệ thuật, ngoài chức năng miêu tả thiên nhiên, ngoài một biểu tượng cho cái đẹp còn là biểu tượng cho cõi Niết bàn, nơi của thiền tâm thoát kiếp luân hồi. Thơ Hồ Chí Minh, có bài như thoát tục để vươn tới một thế giới “tiên”:“Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Theo GS Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi”[2]. Câu cuối bản phiên âm Hán Việt trong bài Thướng sơn: “Đối ngạn nhất chi mai” làm chúng ta liên tưởng đến câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác thiền sư và thấy cách hiểu của Phan Ngọc là có lý.

Có rất nhiều câu trong trẻo tinh khiết lạ thường: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì”(Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi) -Tặng Bùi Công. “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân”(Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân ) - Tầm hữu vị ngộ...Trong những câu thơ ấy có cả “trăng xưa, hạc cũ” và có cả “xuân này”!

Trong con người Hồ Chí Minh có bóng dáng của vị thiền sư thoát tục nhưng cũng lại có tâm hồn của một lão nông thuần hậu yêu thiên nhiên, yêu con người: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào...Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi…”[3].

Trong bài Tầm hữu vị ngộ có câu cuối: “Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” (Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân). Bài thơ được Hồ Chí Minh viết vào năm 1954 gửi đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam sau khi Người tìm đến thăm mà không gặp. Trong Kinh thi có tích “hoàng hoa” là danh từ chỉ nơi (xa) người đi sứ đến nhậm chức. Chinh phụ ngâm cũng lấy tích này: “Xót người lần lữa ải xa/ Xót người nương chốn hoàng hoa dãi dầu”.Như vậy Hồ Chí Minh đã chơi chữ “hoàng hoa” vừa là danh từ chỉ hoa (hoa vàng) vừa là danh từ chỉ nơi chốn (nơi xa xôi). Câu thơ vừa tả cái đẹp của hoa vừa tả cái tình (tâm trạng) của người. Thật rất đúng với hoàn cảnh của Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam đánh Pháp.

Đêm nguyên tiêu năm 1948 Bác Hồ có bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng:“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Trong ba chữ xuân ở câu hai thì hai chữ xuân thủy vừa có nghĩa nước sông mùa xuân vừa là danh từ chỉ người, tức nhà thơ Xuân Thủy. Đêm đó, sau khi cùng các đồng chí, trong đó có đồng chí Xuân Thủy (đang phụ trách báo Cứu quốc) bàn việc kháng chiến chống Pháp, tức cảnh, Người làm bài thơ này, rất lãng mạn cổ điển lại rất hiện thực, dí dỏm, thân mật, chân tình.

Nét đặc biệt của hoa là biểu tượng cho cái đẹp, vẻ đẹp, nét đẹp của con người:“Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc” [4]. “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”[5].

Trong Điện gửi Đại hội Anh hùng chiếnsĩ thi đua và dũngsĩcác lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai Bác coi những tấm gương đó là “tinh hoa của dân tộc”: “Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiếnsĩthi đua và dũngsĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân”[6]. Bác dùng hình ảnh “những bông hoa rất đẹp” là sự đánh giá rất cao, một sự ghi công của vị Chủ tịch nước đối với những con người xuất chúng. Hình ảnh những bông hoa rất đẹp không chỉ vì bản thân nó đẹp mà còn ở một ý nghĩa khác, ý nghĩa tuyên truyền giáo dục vì “hoa” luôn gợi đến ở người xem sự tác động đến thị giác (màu sắc), khứu giác (hương thơm). Quan niệm của Bác trong việc giáo dục nhân rộng những tấm gương điển hình là: “Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”[7].

Rất nhiều người thừa nhận ở Hồ Chí Minh có sức mạnh cảm hoá, có lẽ sức mạnh ấy bắt nguồn từ tinh thần nhân ái: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”[8].

Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông thôn được nhiều mà mất cũng không ít, trong những cái mất ấy là xuất hiện sự nhìn nhận, đánh giá dẫn đến loại bỏ cán bộ tốt, người tốt chỉ qua vấn đề lý lịch. Bác Hồ đã nhận ngay ra sai lầm ấy, trong một bài viết Người lấy ví dụ Ăngghen và hình tượng hoa sen để nói về quan điểm: phải nhìn nhận con người trong công việc thực tế: “Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. Ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”[9]. Vấn đề này được Người cụ thể hoá, sâu sắc hơn trong bài Hoa sen. Ngày 30-3-1956 trên báo Nhân dân, số 757 có đăng bài báo Hoa sen, có đoạn:“Trước kia, Các Mác là con một nhà quý phái, Ăngghen là con một nhà tư bản. Nhưng hai ông đã hoàn toàn dâng mình cho cách mạng và thành những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản. Gần ta đây, ở tỉnh Quảng Đông, người đầu tiên tổ chức và lãnh đạo nông dân kịch liệt chống lại giai cấp địa chủ là đồng chí Bành Bái, con một nhà đại địa chủ, đại phong kiến. Ở nước ta cũng từng có những địa chủ và con cháu địa chủ, sau khi tham gia cách mạng, đã thật thà cải tạo, dứt khoát với giai cấp cũ và quan hệ cũ, đã trở nên những đảng viên tốt, những cán bộ tốt.

Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng/ Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng”[10].

Ý của Bác Hồ rất rõ: động viên những cán bộ chẳng may có gia đình bị xếp vào thành phần bóc lột nhưng họ là “những người thật thà cách mạng” thì họ vẫn như hoa sen vậy. Đồng thời nhắc nhở chung mọi người đừng đánh giá con người chỉ qua lý lịch, tầng lớp xuất thân, như cây sen kia gốc rễ ở dưới bùn đất nhưng hoa sen thì vươn cao vẫn “tươi đẹp thơm tho”. Bác dẫn ra những sự thực là câu chuyện lý lịch của Các Mác, Ăngghen, những vị tiền bối của cách mạng vô sản, của đồng chí Bành Bái cũng xuất thân từ gia đình đại tư bản, đại địa chủ làm căn cứ khẳng định không thể nhìn vào lý lịch để đánh giá cán bộ. Đồng thời mượn bài ca dao dân gian quen thuộc, chỉ thay hai chữ “bông trắng” trong ca dao bằng hai chữ “hoa đỏ” để nhấn mạnh phẩm chất của hoa cũng là phẩm chất của người tốt. Càng rõ hơn một tầm nhìn xa và tấm lòng nhân hậu biết chừng nào!

Bác ví con người như hoa sen. Ý nhị và tinh tế biết bao!

B.H.V


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 376.

[2] Báo Văn nghệ, số 34, ngày 25/8/1990

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 187.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập15. Sđd, tr 662.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập15. Sđd, tr 546.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 372.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập15. Sđd, tr 665.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 672.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 95.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 299.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)