. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Tóm tắt: Dựa trên hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh “tàn nhưng không phế”, xin đưa ra một vài giải pháp ở các phương diện bản thân người khuyết tật; hệ thống y tế; Nhà nước, xã hội và nhân dân để giúp người khuyết tật vươn lên.
Từ khóa: Bác Hồ, “tàn nhưng không phế”, người khuyết tật, y tế, việc làm.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vĩ đại của dân tộc ta, theo tôi có hai tấm gương “tàn nhưng không phế”, thậm chí có thể chỉ là “tàn”, khiếm khuyết về cơ thể nhưng tâm hồn và việc làm của họ phải làm cho nhiều người mắt sáng phải ngưỡng mộ, kính trọng. Đó là người anh hùng Alăng Bhuôch của đại ngàn Trường Sơn, bị mù, chỉ với chiếc gậy và ý chí cách mạng phi thường, suốt 14 năm (từ 1958-1972) đã tham gia dân công, vượt qua bao suối sâu, núi cao, bất chấp mưa bom bão đạn, gùi gần 200 tấn hàng hóa, lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Anh hùng LLVTND. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận ông là “Người dân công Trường Sơn bị mù tải vũ khí, lương thực có tổng số lượng lớn nhất”. Hình tượng người anh hùng này nên được đúc bằng vàng đặt giữa đại ngàn Trường Sơn để muôn đời con cháu tưởng nhớ, kính trọng, noi theo, học tập.Đó là họa sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng, bị mù mắt mà có tới hơn 3000 bức tranh, tượng điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bức tranh Bác Hồ được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của ông được xem là biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam xứng đáng là một “bảo vật Quốc gia” vì nó nói được rất nhiều điều về người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam khi “kẻ thù muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm”. Đặc biệt nói được tấm lòng người Việt Nam với lãnh tụ kính yêu của họ.
Ngày hôm nay, qua sách báo tôi biết có rất nhiều tấm gương “tàn mà không phế”, không may bị tàn tật nhưng bằng nghị lực lớn họ trở thành những con người hơn con người. Họ là những “hiệp sĩ thông tin”, thành nhà khoa học, nhà văn, nhà doanh nghiệp...Người mà tôi được tiếp xúc gián tiếp, sau mới biết đó là một tấm gương sáng ngời: Chị Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam. Chị như một người bình thường, hơn một người bình thường, đi học Đại học, xây dựng gia đình, nuôi con, làm quản lý, làm chuyên môn...Theo tôi, một trong những nguyên nhân họ trở thành những con người đáng kính là họ học tập và làm theo lời Bác Hồ “tàn nhưng không phế”.
Xin không nhắc lại bối cảnh, tấm lòng của Bác khi nói câu nói này, chỉ xin phân tích ý nghĩa và giá trị nhân văn của lời nói bằng vàng ấy.Đó là câu nói yêu thương hết lòng, quý trọng rất mực, vì con người, coi con người là cao cả nhất. Câu nói ấy bắt từ mạch nguồn trọng người, quý người của văn hóa Việt: “Người ta là hoa đất”; “Người sống đống vàng”, “Một mặt người bằng mười mặt của”...
Ngày 13/12/2006 Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật(Convention on the Rights of Persons with Disabilities). Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước này (2007). Hạt nhân cơ bản của công ước này là nhìn nhận lại vị thế người khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người, coi tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế. Do vậy chuyển cái nhìn người khuyết tật như là vấn đề nhân đạo sang vấn đề nhân quyền. Đây là một bước chuyển cực lớn, từ cái nhìn yêu thương ngậm ngùi sang cái nhìn chia sẻ, kính trọng. Coi người khuyết tật như một người bình thường có đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của một công dânnhư: quyền được sống độc lập; quyền được tiếp cận về hạ tầng giao thông, thông tin; quyền được học tập; quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; quyền được làm việc…Đó là sự tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật.
Tất cả những điều ấy được Bác Hồ nói một cách ngắn gọn nhất, cô đọng, giản dị mà dễ hiểu nhất: “tàn nhưng không phế”. Có thể là tàn tật, khiếm khuyết về thân thể nhưng không khiếm khuyết, tàn tật về tâm hồn, không vô dụng, vẫn là người bình thường với đủ các yếu tố sinh hoạt cơ bản: ăn, ở, đi lại, học tập, có nghĩa vụ, quyền hạn...Như vậy tư tưởng của Người đi trước thời đại hơn nửa thế kỷ! Nhưng Bác Hồ không chỉ nói bốn chữ bằng vàng ấy mà trong suốt cuộc đời cũng như trong trước tác của Người đều thể hiện rất rõ quan niệm về những con người “tàn nhưng không phế”. Dưới đây chúng tôi xin triển khai các khía cạnh của quan niệm này, soi vào hôm nay. Có thể hiểu đây cũng là một cách vận dụng, học tập tư tưởng vĩ đại mà cực kỳ nhân văn của Bác Hồ kính yêu.
1. Về phương diện chủ quan người khuyết tật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quan niệm mang tính chuẩn mực về sức khoẻ: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ” (1). Như vậy trong quan niệm của Người, sức khỏe là sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Quan niệm này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978: “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”.Bác Hồ rất đề cao cuộc sống “tinh thần đầy đủ”, coi đây là yếu tố quyết định của thành bại: “Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại” (Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Ta thấy từ quan niệm này, mà với người khuyết tật, Bác động viên họ, dù có thể ốm yếu nhưng phải mạnh khỏe về tinh thần. Ở một lá thư gửi anh em thương bệnh binh, Người dặn: “Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; - Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; - Chớ bi quan chán nản. Phải luôn cố gắng”(2). Ta có thể hiểu thành các ý phổ quát:
Một là, người khuyết tật cần hòa mình vào đời sống nhân dân, coi mình như một người dân bình thường, không được ỷ thế mình thế này thế nọ để yêu cầu mọi người phải có những ứng xử đặc biệt. Tức “tránh phiền nhiều nhân dân”.
Hai là, không được “bi quan chán nản”. Ngày nay người ta nói “mặc cảm”, “tự ti”. Nếu vậy người khuyết tật lại tự mình hạ thấp mình.
Ba là, “phải luôn cố gắng”. Là người ai cũng cố gắng nhưng người khuyết tật phải cố gắng gấp nhiều lần.
Bác Hồ rất quan tâm giáo dục thương binh (người khuyết tật) về đạo lý làm người, về đạo đức cách mạng. Đó cũng là một phương diện quan trọng của "sức khỏe tinh thần”.Người cũng rất hiểu tâm trạng anh em thương binh muốn nôn nóng mau khỏi bệnh để được ra trận, Người động viên và căn dặn: “Các chú đã anh dũng xung phong giết giặc. Nay bị thương tạm nghỉ ít lâu, Bác gửi lời thân ái chúc các chú mau khỏe, để sẽ đánh giặc nữa và dặn các chú cứ yên lòng dưỡng bệnh cho mau lành mạnh, chớ vội xin trở ra mặt trận” (3). Qua câu nói thật chân tình, mộc mạc và giản dị này lại nổi bật lên một tư tưởng vì con người, quý trọng con người, coi con người quý hơn tất cả. Một mặt Bác kêu gọi đồng bào thương yêu, giúp đỡ hết lòng thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, một mặt vẫn nhắc nhở họ phải tự lao động: “cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ công thần” (4).
Theo Bác anh em thương bệnh binh tuy “tàn nhưng không phế”, nghĩa là anh em vẫn là những công dân có ích cho xã hội. Người thường khuyên anh em phải năng lao động sản xuất vừa để tạo ra của cải vật chất, vừa để nâng cao sức khỏe: “Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ trong làng” (5). Và nhất là khuyên anh em vẫn nên luyện tập thể dục thể thao để giữ gìn, tăng cường sức khỏe: “Tay chân tuy bị thương, nếu chịu khó luyện tập thì sẽ không mang tật, hoặc nếu mang tật thì cũng nhẹ”. Bác cũng rất chú ý đến vấn đề giữ vệ sinh, đến bệnh viện nào Bác cũng đi kiểm tra vệ sinh các buồng bệnh, nhất là buồng các thương binh nặng, cầu tiêu, kho tàng, nhà pha chế thuốc, nhà bếp. Người nhắc nhở chung anh em bộ đội: “Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh” (6).
Những lời dạy ấy là tài sản tinh thần cho những người khuyết tật!
Bác Hồ, vị Cha già dân tộc đã thể hiện tình cảm vô cùng yêu quý của mình tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ, nhất là thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới anh em thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, mà ở ngày hôm nay ta hiểu chung đó là những người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh, do tai nạn, do số phận. Cuộc đời có thể chưa mỉm cười với họ hay có thể là thử thách họ. Họ tự mình đứng dậy, tựa vào lời dạy của Bác Hồ, nương vào tình thương nhân ái của cộng đồng để tự mình tìm ra ánh sáng hạnh phúc.
2. Về phía ngành y tế.
Người khuyết tật phải gắn bó thường xuyên với ngành y. Sinh thời Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm tới sức khỏe anh em thương binh và gia đình liệt sĩ, đáng chú ý là sự quan tâm này rất toàn diện, tới cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của anh em. Trong Thư gửi Hội nghị Quân y (1948), Bác yêu cầu: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (7). Người rất chú ý tới “tinh thần” anh em nên trong lá thư nào Người cũng ân cần thăm hỏi, an ủi, động viên các thương bệnh binh. Người nhắc nhở ngành Quân y phải chú ý hơn đến tinh thần người bệnh: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ” (8). Như vậy, Người rất thấu hiểu, thấu cảm và thông cảm để đồng cảm với “một số anh em quân nhân” và căn dặn các bác sĩ, y tá, hộ lý “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái” để chăm sóc họ. Tức là Người rất đề cao tình thương giữa thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Hồ Chủ tịch cũng tận tình chăm sóc sức khỏe thể chất anh em thương binh từ những điều nhỏ nhất, trong đó rất quan tâm tới vấn đề thuốc men cho bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã nhìn thấy một thực tế: “Nhân viên quân y ai cũng cố gắng, nhưng bộ đội vẫn còn ốm nhiều. Một mặt là vì thiếu thuốc. Một mặt khác là vì sự kiểm soát thuốc men chưa được chu đáo”. Trước tình hình ấy, Người nói với ngành Quân y: “Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”(9). Ngoài vấn đề thuốc men, Bác Hồ cũng rất chú ý đến vấn đề ăn uống của thương bệnh binh. Thăm cơ sở điều trị nào, Bác cũng kiểm tra nhà bếp, theo dõi anh em ăn uống. Năm 1955, Bệnh viện 108 mới chân ướt chân ráo tiếp quản Hà Nội, thương bệnh binh vừa suy kiệt, vừa ăn uống thiếu chất, Bác vội nhắc nhở đồng chí Chính ủy phải chú ý công tác dinh dưỡng (10).
Vừa sau ngày tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam mới (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vấn đề hết sức khẩn thiết của toàn dân tộc lúc này là sức khoẻ. Trước tháng Tám năm 1945 vì sự bóc lột tàn bạo của giặc Pháp, giặc Nhật nên nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ, dân ta có tới hơn hai triệu người chết đói, sức khỏe đồng bào bị sa sút nghiêm trọng. Ngày 27-3-1946, Bác Hồ viết bài báo Sức khỏe và thể dục nêu rõ vai trò của sức khỏe và kêu gọi mọi người “luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ”: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh, tức là cả nước mạnh khỏe” (11). Chính vì thế mà ở một bài viết khác, Người nói: “muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc” (12). Nghĩa là Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của người thầy thuốc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước (giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới). Người đã xác định "một nhiệm vụ rất vẻ vang" cho ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang” (13). Chỉ trong hai câu văn ngắn Người dùng hai lần từ “phó thác”. Biết bao ý nghĩa nằm trong hai chữ phó thác này, vì nó vừa có nét nghĩa “giao cho cái quan trọng”, vừa là sự “tin tưởng vào người nhận” (Từ điển tiếng Việt - 2004). Chúng tôi cho rằng câu nói của Bác Hồ là phương châm của mỗi người thầy thuốc để rèn luyện bản lĩnh ý chí, trau dồi nghề nghiệp: “y tá là những chiếnsĩđánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi” (14).Ở ngày hôm nay, học tập và làm theo tư tưởng Bác Hồ chúng ta mong muốn tư tưởng của Bác được ngành y tế cụ thể hóa với những người khuyết tật nói chung. Đau yếu, khiếm khuyết một phần cơ thể là điều chẳng ai mong muốn. Một điểm tựa chắc chắn của những người khuyết tật là đội ngũ bác sĩ, y tá. Họ cần sự chăm sóc cả về thuốc men, chữa trị và bằng cả tình thương yêu!
3. Về phía Nhà nước, xã hội, nhân dân.
Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc (17-7-1947), Người thay mặt đồng bào cả nước ghi công anh em thương binh và nhắc nhủ kêu gọi đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ họ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.
Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (15).
Tình thương của Người bao giờ cũng cụ thể, thiết thực chứ không hề chung chung. Người dành sự quan tâm đặc biệt của mình tới anh em thương bệnh binh, những người đã vì dân vì nước mà chịu “ốm yếu, què quặt”. Anh em bị thương tật nên vừa đau đớn về thể xác lại bất ổn về tinh thần nên hơn lúc nào, rất cần sự động viên giúp đỡ của đồng bào, đồng chí. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và sự ứng xử đầy tình nghĩa “chị đau em xót”, “máu chảy ruột mềm”, Hồ Chủ tịch, vừa với cương vị Chủ tịch nước, vừa với tư cách đồng chí anh em như trong một nhà đã thể hiện những hành động rất mực yêu thương, quan tâm hết lòng đến anh em, khi thì Người gửi hiện vật, khi thì Người gửi tiền (thường là một tháng lương) “làm quà cho anh em” (16).
Ở ngày hôm nay, học tập Bác Hồ,các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc về trách nhiệm đối với cuộc sống của người khuyết tật, tôn trọng quyền của họ, nhận thức về năng lực và sự đóng góp của họ để có những chính sách thiết thực, cụ thể. Trước mắt là giúp đỡ, tạo điều kiện để các Hội hoạt động hiệu quả hơn. Vì hơn một tổ chức nào khác, các hội người khuyết tật thấu hiểu hoàn cảnh và tâm trạng hội viên một cách cao nhất. Đấy là cách để người khuyết tật nhiều cơ hội hơn về sự chia sẻ, về sự tương trợ thân ái. Và cũng từ đó người khuyết tật có được sự thụ hưởng thành quả của xã hội mà họ xứng đáng được hưởng.
Đối thoại văn hóa toàn cầu hôm nay nhấn mạnh tới các đặc trưng: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Soi những điều ấy vào thế giới người khuyết tật thấy những điểm ấy càng nổi rõ hơn, cấp thiết hơn. Họ không cần sự mủi lòng từ xã hội. Họ cần sự thấu hiểu hoàn cảnh, tâm trạng họ. Họ không cần sự ban ơn. Họ cần sự bình đẳng như những người bình thường. Họ không cần sự chiếu cố. Họ cần sự tôn trọng nhân cách như mọi thành viên trong cộng đồng giàu tình thương yêu. Nhất là học cần sự lắng nghe tiếng lòng chính họ. Các chính sách, các chủ trương, các sự thay đổi...cần được lắng nghe từ mỗi cá nhân, tập hợp lại thành một tiếng nói chung, đồng cảm, chân tình, đồng ý, đồng tình...
Những người khuyết tật, nhất là khiếm thị, “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Họ không được ân huệ của số phận ban cho cái giàu có đơn sơ nhất, giản dị nhất. Người bình thường có thể đi lên từ con số không vì họ đương nhiên đã giàu rồi vì có “hai con mắt”. Còn những người khiếm thị đi lên từ bóng tối. Từ bóng tối vươn lên ánh sáng, không phải ai cũng làm được. Thế nên họ cần sự giúp đỡ của xã hội. Họ cần nhất là một cái nghề để họ nuôi sống chính mình và góp phần có thể vào tài sản chung cho xã hội. Để học nghề cần phải có cơ sở vật chất, có sách vở, có thầy cô, có các phương tiện tối thiểu...
Tư tưởng Bác Hồ “tàn nhưng không phế” soi sáng cho hôm nay khi mà đại dịch covid 19 đang hoành hành, có khoảng 30% người khuyết tật mất việc, khoảng 50% bị giảm giờ làm, khoảng 60% bị giảm, cắt lương.Đã khócàng khó hơn. Nhưng với tinh thần, ý chí và nghị lực họ đã và sẽ vượt qua. Họ lại là những luồng ánh sáng làm bừng cháy lên những ngọn lửa về cách vượt qua nghịch cảnh, về tình người, về vẻ đẹp nhân văn!
N.T.T
----------
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4 - NxbChính trị Quốc gia, 2000, tr. 212
(2) Sđd, tập 6, tr.533
(3). Sđd, tập 6, tr.180; (5).Sđd tập 6, tr.262
(4) Sđd, tập 7, tr.325
(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, 1995, tập 5, tr.104
(7), (8) Sđd, tập 5, tr.395
(9) Sđd, tập 5, tr.396
(10) Chuyển dẫn từ Bộ Y tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khỏe - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1997, tr.487
(11) Sđd, tập 4, tr.212
(12) Sđd, tập 7, tr.32, 33
(13) Sđd, tập 7, tr.476
(14) Sđd, tập 5, tr.567
(15). Sđdtập 5, tr 175
(16) tập 7, tr 99 và 326.
VNQD