Chống thông tin sai lệch trên Internet và mạng xã hội của các trường đại học

Thứ Bảy, 23/10/2021 00:53

. LÊ CẨM NHUNG – NGUYỄN THỊ HÀ THU
 

Những năm gần đây, internet và mạng xã hội ở nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ. Nước ta được xếp vào nhóm 10 quốc gia có số lượng người dùng internet và mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới.

Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã phát tán những thông tin giả, độc hại, sai lệch sự thật với mục đích làm suy giảm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, từ đó tiến hành “cách mạng màu”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Một trong những đối tượng đặc biệt mà các thế lực thù địch nhắm tới là đội ngũ trí thức - cán bộ, giảng viên, sinh viên (CB, GV, SV) các trường đại học (ĐH) trên cả nước.

Trên cơ sở hiểu rõ CB, GV, SV là những đối tượng thuộc tầng lớp trí thức nên rất nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ thông tin và các phương tiện kĩ thuật, quan tâm đến các vấn đề “đại sự quốc gia”, các thế lực thù địch đã dùng thủ đoạn là tung ra những thông tin không biết đâu mà lần, những thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo, những thông tin giật gân, lấp lửng… nhằm gây hoài nghi, hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của CB, GV, SV vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước, điều hành của Chính phủ. Chúng lập ra hàng trăm trang web, blog nặc danh. Trên các trang web này, các thế lực trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng”, bôi đen hình ảnh và thành tựu của đất nước, bóp méo, làm sai lệch lịch sử, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỉ…

Mặt khác, các thế lực thù địch cũng lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, yếu kém trong công tác lãnh đạo Đảng, điều hành của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, những hiện tượng tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên để ra sức nói xấu chế độ, bôi nhọ hình ảnh đất nước, hình ảnh các nhà lãnh đạo… Đặc biệt, chúng lợi dụng mạng youTube để dựng lên nhiều bộ phim với việc sử dụng kĩ thuật và công nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và thông tin giả, tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang tư liệu, hồ sơ liên quan đến nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo và các thân nhân của họ để đưa các “thông tin lề trái, thông tin bí mật” nhằm bôi bác, vu khống, xuyên tạc về họ.

Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện đại, ban đầu để thu hút người truy cập, những nhóm quản trị các trang web, các diễn đàn này cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu “khách quan”. Sau đó, khi đã thu hút được đông đảo số lượng người truy cập một cách thường xuyên, chúng bắt đầu cài đặt các thông tin xấu, thổi những luồng gió độc vào những bài viết trên mạng theo tỉ lệ tăng dần về số lượng và mức độ bóp méo, bịa đặt sự thật ngày càng tăng.

Để việc phòng chống các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội trong các trường ĐH đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đấu tranh phòng chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đến mọi tầng lớp CB, GV, SV.

Thứ hai, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lí luận chính trị cho toàn thể CB, GV, SV; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, triển khai một cách bài bản, thiết thực, sâu rộng phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tới toàn thể CB, GV, SV bằng các hình thức đa dạng và phong phú.

Thứ tư, xây dựng hệ thống quản lý CB, GV, SV hiện đại, từ đó thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận nơi CB, GV, SV.

Thứ năm, cung cấp những thông tin có tính định hướng, tính chính thống, mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kĩ năng cho CB, GV, SV; chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh youTube, fanpage, Facebook, Zalo… cho CB, GV, SV có diễn đàn để trao đổi, góp ý các vấn đề một cách thẳng thắn, công khai, minh bạch và có tính định hướng.

Thứ sáu, thường xuyên khảo sát trực tuyến trên internet, mạng xã hội, xây dựng báo cáo phản ứng dư luận và tác động bằng phương pháp phân tích dữ liệu về các vấn đề quan trọng, nổi cộm trong dư luận xã hội, những vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm để từ đó có hướng tuyên truyền hiệu quả cho CB, GV, SV.

Thứ bảy, chú trọng, quan tâm đến công tác bồi dưỡng và phát triển Đảng cho đội ngũ CB, GV, SV; định kì tổ chức các lớp “Bồi dưỡng nhận thức về Đảng”, “Bồi dưỡng đảng viên mới”… đồng thời tổ chức các hội nghị, tọa đàm cho CB, GV, SV tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp ý đảng viên, đấu tranh bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng với hình thức phù hợp.

Thứ tám, có chế độ khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Đấu tranh chống lại các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với toàn Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị, trong đó các trường ĐH phải luôn là những lực lượng xung kích, đi đầu trong hoạt động này, nhằm góp phần đào tạo thành công những thế hệ trí thức “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

L.C.N - N.T.H.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)