Hồ Chí Minh - Người đặt nền tảng “Đối thoại văn hóa” hiện đại

Thứ Sáu, 15/10/2021 11:41

. NGUYỄN THANH TÚ
 

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định về Bác Hồ: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”1. Đối thoại văn hóa là một phương diện quan trọng trong sự nghiệp văn hóa vĩ đại ấy!

Để hiện thực hóa lí tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lí, nhân tính... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính, nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.

Có thể ví cấu trúc nhân cách Hồ Chí Minh như một lâu đài bề thế, lộng lẫy thì cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, luôn chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại.

Con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không ngẫu nhiên ngay sau ngày nước Việt Nam mới ra đời, Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kì xuất sắc vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đó, Người trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đi trước thời đại khi chính mình là người thể hiện văn hóa biết lắng nghe người khác, đặc biệt hơn nữa là lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư Đảng ta nhiều lần nhắc nhở cán bộ học tập Bác Hồ thì trước hết là học tình yêu thương con người ở Bác từ những việc cụ thể. Ví như một lần đồng chí trực tiếp chứng kiến một đêm mưa rét, Bác nghe thấy tiếng rao bán bánh của một đứa trẻ, đang nằm, Người ngồi bật dậy, thế rồi suốt đêm trằn trọc thao thức, chắc là Người thương lắm những số phận còn đang phải chịu nhiều vất vả khổ đau... Giáo sư Hoàng Xuân Sính nhớ mãi một kỉ niệm, khoảng năm 1945-1946, khi nước nhà vừa mới độc lập, Bác Hồ đến thăm trường nữ trung học ở Hà Nội. Bác vào lớp dự giảng một tiết tiếng Anh. Vì hồi hộp nên cô học trò Sính phát âm không chuẩn. Bác đến gần đọc lại những câu trong bài, Sính đọc theo vẫn không đúng. Bác kiên trì chữa lại từng âm. Người nhẹ nhàng nói: “Cháu đọc thế này mới đúng”. Và câu chuyện “Chiếc vòng bạc” trong sách phổ thông thì ai cũng nhớ. Một lần ông Ké (tức Bác Hồ) được nghe một cháu bé ao ước có một cái vòng bạc. Năm sau, ông Ké trở về đưa cho cháu bé ấy cái vòng bạc mà cháu hằng ước ao. Ai cũng có thể hình dung ra sự sung sướng vô bờ của cháu bé ấy và sự cảm phục kính trọng vô ngần của dân bản về một hành động tuy nhỏ mà ý nghĩa cực lớn của ông Ké. Bác Hồ của chúng ta là thế. Bác đã chứng minh chân lí: phải là một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung và luôn tôn trọng con người mới có thể biết lắng nghe lòng con trẻ…

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi kể: Trong không khí bừng sôi thắng lợi của Đại hội Tân Trào tháng 8 năm 1945, tôi đã hát rất say sưa, cố gắng truyền cảm mạnh nhất đến toàn thể các đại biểu. Tôi hát to: “Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến! Tiến lên, tiến lên, theo cờ Việt Minh!” Tôi hoàn toàn không biết rằng Hồ Chủ tịch đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của tôi. Khi vừa hát xong, tôi bỗng nghe rõ tiếng Hồ Chủ tịch: “Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì thật không hợp với tình hình! Chú nên hát gươm đây, gươm đây!”2

Ví dụ này cho thấy phải có một nhãn quan chính trị cực kì sắc bén mới có một phát hiện vỏ âm thanh của ngôn từ dù nhỏ nhưng ý nghĩa biểu hiện lại rất lớn.

Bản chất của đối thoại văn hóa là khẳng định giá trị văn hóa của con người. Với ý nghĩa này cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là một cuộc đối thoại văn hóa vĩ đại, với chủ nghĩa thực dân đế quốc, với nhân loại tiến bộ, với đồng chí, đồng bào. Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc và với những nỗ lực phi thường, bằng tâm hồn yêu nước lớn lao, bằng trí tuệ kiệt xuất, Người hi sinh hết thảy cuộc đời riêng để đi tìm rồi trở thành hiện thân khát vọng hòa bình của dân tộc, của nhân loại. “Đối thoại văn hóa” là một phương pháp cũng là một nguyên tắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng huyền thoại của Người!

Di chúc - theo tính chất thể loại thì là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống, Di chúc thường được công bố khi người viết đã ra đi, do vậy thì đây là một văn bản mà bản thân nó đã gợi nên những gì là ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dĩ nhiên vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường nhưng luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc của một văn kiện lịch sử vô giá, có thể gọi đây là siêu thể loại. Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một niềm tin chiến thắng:

“Cuộc chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ còn đang ở giai đoạn cực kì gian khổ chúng ta càng thấy niềm tin này chỉ có thể có ở một bản lĩnh lớn, một nhãn quan chiến lược. Hơn nữa đây là niềm tin của một vị Chủ tịch nước nên có tác dụng cổ vũ động viên rất lớn, từ niềm tin của một người gieo niềm tin đến muôn người. Có thể coi đây là một sự kết tinh của văn hóa người Việt về niềm tin, niềm lạc quan, dù ở trong tình huống khó khăn nào thì vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

Một trí tuệ kiệt xuất, một tầm nhìn chiến lược toàn thế giới cùng với văn hóa niềm tin là cơ sở cho những khẳng định mang tính tiên tri của Bác Hồ. Ngoài những tiên đoán về Chiến tranh 1 và 2, về Phe Đồng Minh chiến thắng... những tiên đoán về Việt Nam độc lập (từ 1942), về Mĩ xâm lược, Mĩ thua trên bầu trời Hà Nội… là những khẳng định hùng hồn cho quy luật ấy.

Hồ Chí Minh là người kiến tạo niềm tin, ở Người luôn tỏa ra ánh sáng niềm tin rồi truyền niềm tin cho cả dân tộc đứng lên theo Đảng, theo Cách mạng đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước giàu đẹp hơn. Lời của Người là lời non nước, thiêng liêng và chắc chắn một niềm tin, giục giã: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

Trong phong cách tu từ cả viết và nói của Người có ba đặc điểm cơ bản là chân thành; tích cực, thiên về khẳng định và luôn hướng về tương lai. Chân thành nên văn Bác ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Không chỉ trong thơ mà cả trong văn, các hình tượng tích cực đều luôn hướng về phía ánh sáng, về sự khẳng định. Ta cũng hiểu thêm các trạng/động từ chỉ thời tương lai luôn chiếm tỉ lệ cao: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mĩ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Di chúc là một văn bản đối thoại văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này, cực kì trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian, không gian; rất mực yêu thương, nhân ái, khoan dung, vì con người. Văn bản hầu như đối thoại với tất cả mọi người (toàn dân, toàn Đảng, bộ đội, thanh niên, nhi đồng...); đối thoại về mọi vấn đề thiết cốt nhất của xã hội (đối nội, đối ngoại, chấm dứt chiến tranh, xây dựng đất nước, việc riêng, việc chung...). Có thể coi những câu chữ trong Di chúc là sự khái quát cao nhất cho một cương lĩnh phát triển vĩ mô cho những vấn đề được đề cập. Di chúc như mở ra một tương lai, một chân trời mới bằng sự khẳng định chắc chắn, tất yếu về niềm tin để trở thành một biểu hiện rõ nhất, khái quát, cô đọng nhất về khát vọng Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội!

N.T.T

Tài liệu tham khảo chính:

- Hồ Chí Minh: Toàn tập (15 tập), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

- Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.

- PGS.TS Phạm Văn Đức, PGS.TS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên) (2007) - Triết học trong kỉ nguyên toàn cầu, NXb Khoa học Xã hội.

- J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.

-Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http://www.Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm

Chú thích:

1. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.

2. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr.41.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)