. LÃ NGUYÊN
1. Trần Hoàng Phố có những thi phẩm chứng tỏ câu thơ bảy chữ được tác giả sử dụng rất thuần thục: cuối một đời trên bàn tay tiên tổ/ ta là ai như cánh bướm bay/ một chiều đậu trên phất phơ gió/ gió nghìn năm tiên tổ áng mây (Cuối một đời về thăm đất tổ). Lại có khi câu thơ năm chữ được tách ra điêu luyện thành thơ bậc thang để mô phỏng ánh rơi của giọt nắng:
một chút
nắng
quê nhà
rơi
trên
môi
dâu bể…
(Một chút nắng quê nhà)
Nhưng nhìn chung, thơ Trần Hoàng Phố từ chối những lối viết quen thuộc. Điểm tựa cấu trúc trong sáng tác của anh không phải là những tứ thơ đã hóa thành cổ mẫu, hay một hành động trữ tình xuyên suốt có mở đầu, phát triển và kết thúc. Mỗi bài thơ như tràn ra từ dòng ý thức với mạch tưởng tượng, liên tưởng đầy bất ngờ và tinh tế. Câu thơ giống như lời văn xuôi, thường bỏ vần, nhiều khi mở rộng, kéo dài, xóa dấu vết của nhịp điệu và tiết tấu vốn là yếu tố tạo nên sự réo rắt trong thơ, kiểu như: những con hải điểu bay trong mùa thương khó/ tôi thèm những chân trời khoáng đãng/ nơi có những ngọn gió thổi từ những phương trời lạ/ mang theo hương vị muối biển và mùi của những li vang sóng sánh màu hoàng hôn (Những chiếc bóng hạnh phúc)…
Cứ như thế, những năm gần đây, càng về sau, sáng tác của Trần Hoàng Phố càng có xu hướng thay hẳn thơ như là hình thức bên ngoài bằng thơ như là không gian mĩ cảm nơi thế giới nội tại của nó. Nên, tôi nghĩ, những ai chỉ quen với mĩ học của loại hình Thơ mới chắc sẽ không mấy dễ dàng khi đọc thơ của nhà thơ này.
2. Khước từ nhạc tính như là linh hồn của thơ điệu ca và điệu ngâm, thơ Trần Hoàng Phố kiến tạo không gian mĩ cảm chủ yếu ở hai lớp phong cách và hình tượng - chủ đề. Tôi thấy trong thơ anh có hai hình tượng mang sức nặng biểu nghĩa quan trọng: “cái bóng” và “linh hồn”. Nhà thơ viết Linh hồn tĩnh lặng để kể: gió thổi qua tán lá linh hồn tôi/ bóng một ngôi sao xa xăm lỡ in trên đồng tử lá. Anh lại viết Hỡi linh hồn tôi để động viên: hỡi linh hồn tôi ánh sáng/ đừng muộn sầu như thế; để khích lệ: hỡi linh hồn tôi lộc non/ hãy rạng rỡ với nắng vàng. Rồi anh viết Trên bao la của linh hồn tự do để xác tín: bài hát du mục/ trên thênh thang thảo nguyên xanh/ vút bay cánh đại bàng của một thời tuổi trẻ. Có thể kể thêm một loạt bài thơ Trần Hoàng Phố viết về “cái bóng”: Chiếc bóng và nỗi buồn, Những chiếc bóng hạnh phúc, Bóng của linh hồn mình, Bài ca chiếc bóng tháng tư… Ở đây, “cái bóng” và “linh hồn” là sự phân thân của cái “tôi” để “tôi” có thể “đối ẩm” với “cái bóng”: tôi ực một li/ đối ẩm với cái bóng tôi cô độc/ cái bóng rớt xuống âm u nỗi buồn (Một li). Phải có sự chia tách, phân thân như thế thì “cái bóng” mới thành “tri kỉ” của “tôi” và “tôi” mới ngộ ra sự thất lạc của cả “cái bóng” lẫn “linh hồn”: chiếc bóng tri kỉ/ tao đi đâu mày đi theo đấy/ mà sao có lúc tao chẳng thấy linh hồn tao đâu (Chiếc bóng và nỗi buồn).
Trong tác phẩm trữ tình, cả thế giới là sự khúc xạ của cái “tôi”. Cho nên ta bắt gặp trong thơ Trần Hoàng Phố “linh hồn” của vạn vật. Ở đó, từ con sóng biển, những ngôi sao trời và loài chim di trú, cả thời gian và lịch sử, cho tới loài hoa diên vĩ… đều có linh hồn. Cũng như thế, “tôi” có “cái bóng”, “giấc mộng cuộc đời” là “chiếc bóng” (những người hát rong/ đi lang lang phiêu bạt như những cánh chim di trú/ hát về những chiếc bóng giấc mộng cuộc đời). “Kiếp người” có “bóng” (giờ đứng lặng giữa hồn ta đất tổ/ đất nghìn thu bên bóng kiếp người), mà “bóng” của kiếp người chỉ là “bóng mờ hoen rỉ” (tôi chạy về phía ánh sáng/ về phía em tình yêu tinh khôi/ bên chân trời bóng mờ kiếp người hoen rỉ). Có “bóng” của những “vì sao chết” (bạn cúi xuống nhặt/ bóng những vì sao đã chết trong trái tim mình). Thời gian có “bóng nghiêng xuống linh hồn” và “những thế kỉ” cũng có “bóng” (những thế kỉ để lại đằng sau bóng mình/ chiếc bóng hắt lên bức tường xám). Cây cao có “bóng cả”, vua Hùng có “bóng” (trong hồn ta một bóng linh thiêng/ bóng vua Hùng nghìn đời chứng kiến), và “linh hồn ta” cũng có “bóng” (cuối một đời về thăm nguồn cội/ linh hồn ta soi bóng lệ nhòa)…
Từ hai hình tượng trung tâm là “linh hồn” và “cái bóng”, thơ Trần Hoàng Phố cất lên tiếng nói trữ tình thâm trầm, sâu lắng về kiếp người, đời người, về vũ trụ vô biên và thời gian lịch sử. Ở đây, toàn bộ sự sống được hình dung như vòng lưu chuyển tuần hoàn giữa “đến và đi”, “gặp gỡ và chia li”, “sống chết và tái sinh”: sống chết và tái sinh/ trên chuyến hành hương về vô biên/ chúng ta lạc lối bởi giấc mộng/ đêm đêm chữ khóc than/ chúng bị hành hình thiêu chết và tái sinh (Bữa tiệc chữ).
Cho nên, ở một khía cạnh nào đó, thơ Trần Hoàng Phố là khúc thánh ca phục sinh của cuộc đời và tạo vật. Có lần nhà thơ nói tới “mùa thương khó” và “các thánh tuẫn nạn”, tới “trái tim gỉ sét” và “bóng cái chết” để cất lên “khúc ca lễ phục sinh thiên thần áo trắng”. Nhà thơ viết Vòng tái sinh, mời gọi “hãy để cho trái tim bạn tái sinh cùng mùa xuân”. Âm hưởng thánh ca phục sinh vang vọng trong Thánh lễ ban sớm, Những con ngựa gió, Buổi sáng, Mùi hương và hơi thở trần gian, Tiếng hát mềm đi những đắng cay, Ngày trở lại, Cuối một đời về thăm đất tổ… Điều thú vị là hai bài nói về sự trở về nguồn cội, về sự phục sinh của linh hồn - Cuối một đời về thăm đất tổ và Ngày trở lại - được viết bằng thể thơ bảy chữ truyền thống, giàu nhạc tính, với những câu thơ có sức lay động, ám ảnh lạ kì.
Nhưng “tái sinh” chỉ là chuyện của “bữa tiệc chữ”, của “ước mơ”, của “giấc mộng”. Mà “đứa trẻ ước mơ” thì đã chết “khi nó chưa kịp chào đời”. Chúng ta thì “bị thiêu chết trong những giấc mộng”, “bị chìm tàu bởi giấc mộng”, bị “lạc lối bởi giấc mộng”… Và trên bài du ca của dâu bể vô thường/ chúng ta than khóc vì giấc mộng vỡ tan (Bữa tiệc chữ).
Ta hiểu vì sao thơ Trần Hoàng Phố nói tới “những thế kỉ buồn”, tới “mùa trăng dâu bể”. Trong không gian mĩ cảm của anh, cái chết và sự hủy diệt mới là hiện hữu. Thơ anh, ở phương diện này, là nỗi khắc khoải khôn nguôi về vũ trụ hoang phế và những bước đi vô thường của lịch sử. Nỗi khắc khoải ấy cất lên thành tiếng thảng thốt, bất an trong Tiếng rơi vỡ thời gian, trong lời truy vấn ráo riết “Đi về đâu lịch sử?” Thơ anh cũng là giọt nước mắt của linh hồn mình/…/ hóa thành khúc hát/ khúc hát buồn mênh mông. “Không còn nỗi buồn nào lắng yên” trong thơ anh. Hệt “những người hát rong”, hồn thơ Trần Hoàng Phố cũng “lang lang phiêu bạt như những cánh chim di trú” để hát “về những chiếc bóng giấc mộng cuộc đời”, “về chia li”, “về các mối tình vô vọng”, “về các vì sao cô đơn trên bầu trời lẻ loi”, về những chân lí bị chôn vùi trong đống gạch đổ nát hoang tàn thời gian/ và những bầu trời mưa buồn như cuộc đời hoen gỉ. Trong sáng tác của anh, những dòng thơ cảm động, xót xa nhất là những dòng hát về sự trống rỗng của linh hồn, “về những cánh chim lạc lối”, hay về những linh hồn vong thân/ bên bờ vực thẳm cuộc đời…
3. Chủ đề sinh và tử, hủy diệt và tái sinh, “linh hồn” và “cái bóng”, như ta biết, thuộc hệ chủ đề siêu lí, đưa thi ca xích lại gần triết học nghệ thuật. Hệ chủ đề này được thơ Trần Hoàng Phố biểu đạt bằng lời huyền thoại thâm trầm, trang nhã, đầy cảm hứng lãng mạn, vốn là loại lời nói hướng tới cái siêu nhiên.
Ta nhận ra lời huyền thoại ở đây trước hết qua phạm trù không - thời gian như một ngôn ngữ nghệ thuật. Thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố được nhìn từ “con mắt thiên thu”, như những vòng lưu chuyển tuần hoàn. Thi sĩ viết Khúc tiên cảm và con mắt thiên thu, Vòng tái sinh với ý nghĩa như vậy. Ứng với thời gian tuần hoàn, không gian trong thơ anh là không gian vũ trụ. Không gian vũ trụ và thời gian lưu chuyển tuần hoàn chính là ngôn ngữ không - thời gian của huyền thoại. Huyền thoại phương Đông thường kiến tạo không - thời gian dưới bóng bồ đề và tòa sen quen thuộc của Đức Phật. Thơ Trần Hoàng Phố đặt thế giới nghệ thuật vào không - thời gian của vương quốc Thiên Chúa. Cho nên, cũng là “vòng tái sinh” của huyền thoại, nhưng trong thơ anh, thước đo thời gian đời người là “mùa thương khó” và những “mùa thánh lễ” gắn với sự tích về hành trình tuẫn nạn và phục sinh của Đức Kitô, ví như “lễ phục sinh”, “lễ thanh tẩy”, “lễ tro”, “thánh lễ tình yêu”… Ứng với thời gian “mùa thánh lễ” là không gian thánh đường. Trong thơ Trần Hoàng Phố, “hoài niệm” là “ngôi nhà thờ”: ánh nến lung linh trên miệng đêm/ tôi hôn vào chiếc lưỡi chìa khóa/ mở ra những cánh cửa của ngôi nhà thờ hoài niệm (Tiếng hát mềm đi những đắng cay); “trái tim” là “ngôi nhà thờ đá”: tôi kì cọ và tắm rửa linh hồn/ để được bay ngày xưa cùng em trong thánh lễ tình yêu/ trong máu và rượu niềm vui/ trong các tấm tranh kính lấp lánh muôn màu lễ hội/ khi ngôi nhà thờ đá trái tim chúng ta/ sáng rực lên trong những hồi kinh lễ sớm (Thánh lễ ban sớm).
Không gian nhà thờ - thánh đường là không gian lễ hội với “rượu” và “máu”, không gian lung linh “ánh đuốc” (những cây đuốc kỉ niệm/ soi bầu trời đầy những ánh sao sau ngày lễ tro), “ánh nến” (với những ánh nến phục sinh lung linh/ hỡi người anh em đang đi quanh mùa thương khó), không gian của “tiếng chuông” (tiếng chuông vọng mùa khai hạ/ bỏ đảo xưa một loài chim hải điểu quay về), tiếng “đại hồ cầm” (tiếng đại hồ cầm/ như những cánh chim/ bay ngang qua bầu trời/ với những đám mây ngũ sắc), tiếng “vĩ cầm” (cây vĩ cầm rung lên bài hát bi thương mùa lễ tro/ trái tim tôi tan ra trên môi người chén rượu thánh), và “tiếng hát”, âm vang những khúc “thánh ca” (bài thánh ca bay qua miền vô vọng/ đậu trên môi em/ rung nốt trầm thâm u). Không gian lễ hội thánh đường còn là không gian của những “đám rước”. Trong thơ Trần Hoàng Phố có những đám rước rất lạ: đám rước của “những tia sáng lấp lánh đã chết trong giấc mơ”, đám rước với “tiếng kinh cầu của những chiếc kiệu hình ảnh đang chở biểu tượng”…
Lời huyền thoại thổi linh hồn vào các hình tượng ngôn từ thơ Trần Hoàng Phố. Trong thơ anh, dường như mọi hình tượng ngôn từ đều được kiến tạo theo nguyên tắc liên tưởng huyền thoại. Hình tượng “hạt bụi”, “cây thánh giá nỗi buồn” và vũ trụ “bị đóng đinh” trong bài Chén đắng là thí dụ tiêu biểu cho trường hợp này: hạt bụi trần gian/ bị đóng đinh vào cái đẹp; đêm/ bị đóng đinh/ trên cây thánh giá nỗi buồn; anh bị đóng đinh/ vào hạt bụi mong manh trần gian; đêm đóng đinh cái đẹp vào linh hồn anh/ trong môi hôn chén đắng u sầu. Sử dụng triệt để nguyên tắc song hành tâm lí - vũ trụ hóa con người và nhân hóa vũ trụ - là phương thức quan trọng nhất để thơ Trần Hoàng Phố tạo ra những hình tượng ngôn từ thấm đẫm linh hồn huyền thoại. Trong thơ anh có “ngựa gió”, “chuông gió”, tâm hồn cũng có thể vang lên như “những chiếc chuông gió” và nỗi hi vọng “như đám mây bơ vơ trôi trên dòng sông hối tiếc”. Ở đó có mưa như thể là nụ hôn/ trên cơ thể đêm và mùi hương hoa nhài hoa dạ lí/ đang trườn mình qua bóng khuya lịch sử. Bằng cách ấy, nhiều hình tượng của thơ anh như đưa người đọc đến với “vườn cổ tích”, nơi mà tôi hoá thành con bướm/ đậu trên đóa hoa và ngủ trong tiếng chuông như trong bài Cái chuông, ánh trăng, giọt nước và khúc hát. Hay bài Những con ngựa gió lại có những hình tượng như làm sống dậy thế giới của những thần gió, thần núi trong huyền thoại xa xưa.
Dùng tổ chức từ pháp, cú pháp làm mờ ý nghĩa biểu vật của từ, của câu và của cả thi phẩm cũng là thủ pháp quan trọng nhằm tạo ra lời huyền thoại phù hợp với việc biểu đạt các chủ đề siêu lí trong thơ Trần Hoàng Phố. Nhà thơ thường sử dụng các từ Hán - Việt để gọi tên các loài hoa cỏ (“hồng tước”, “tử đinh hương”, “thạch thảo”, “diên vĩ”…), chim muông (“hải điểu”, “chim lửa tiên tri”…) Cho nên, đọc thơ anh, ta bắt gặp những kì hoa dị thảo và những loài muông thú tựa như ở một thế giới xa xôi nào đó.
Ngôi nhà thơ mang tên Trần Hoàng Phố có cánh cửa riêng, chưa mở cánh cửa ấy thì chưa vào được ngôi nhà ấy. Hồn thơ anh thở hơi thở thời đại, theo sát các vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Nhưng các vấn đề thời sự chỉ có thể thâm nhập vào địa hạt thơ này qua mạch suy tư triết học gắn với hệ hình tượng - chủ đề siêu lí nghệ thuật. Giọng điệu chủ đạo cất lên trong đây là tiếng nức nở khôn nguôi của nỗi buồn nhân thế mênh mông hòa vào âm vang khúc thánh ca phục sinh lặng thầm trong suốt. Nó tìm tới lời huyền thoại như phương thức biểu đạt phù hợp nhất để tạo ra không gian mĩ cảm thấm đẫm cảm hứng lãng mạn. Nỗi buồn trong thơ Trần Hoàng Phố vì thế là nỗi buồn sang trọng, trang nhã. Tôi yêu nỗi buồn ấy.
L.N
VNQD