(Nhân đọc Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề(1))
. ĐỖ TRUNG LAI
Mùa hè năm 1995, Hoàng Hữu Phê đưa con trai đang học lớp 9 hệ 13 năm, tại London, gần sân vận động Emirates của Arsenal, đi thăm Bảo tàng Không lực Hoàng gia Anh. Cậu bé thì rất phấn khích trước chiếc F-4 Fantom - “Con ma” - Mĩ, bày ở đó, với “đầy đủ bom đạn thật đã được vô hiệu hóa”, còn ông bố “chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc F-4 Fantom ở khoảng cách gần như thế” thì nhớ lại, mình “từng suýt chết không dưới 5 lần vì những chiếc máy bay giống hệt thế này” từ gần 30 năm trước, và “mơ hồ sẽ viết một cái gì đấy về những năm tháng ở mảnh đất Quảng Bình xa xôi, về một tuổi thơ đầy biến cố”. Phải! Còn có cái cớ nào tốt hơn để Hoàng Hữu Phê - người đi từ nơi kiếm củi rừng Trường Sơn độ nhật dưới bom đạn, đến với những vấn đề hiện đại nhất của kiến trúc đô thị thế giới và giờ là một học giả quan trọng trong lí thuyết kiến trúc đô thị quốc tế - nhớ lại và viết lại về cuộc đời mình?
Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê
Vâng! Đó là cậu bé Phê từng thấy “ngọn tháp chuông (nhà thờ Tam Tòa) cháy xém, bị phá hủy gần hết vì một trận rocket Mĩ vào năm 1968, cắt một vệt rõ nét và bi thảm trên nền xanh của dải Trường Sơn phía xa”.
Đó cũng là cậu bé Phê được vỗ về và uốn nắn bởi “đôi bàn tay mềm mại nhưng đầy gân xanh” của bà ngoại. Bà thường ru cháu bằng lối hát phường vải, bằng hò Huế, với “những câu lục bát lời cổ, đẹp như những tấm lụa tơ tằm dài lê thê, ướt đẫm những nỗi buồn xa vắng”.
Có lẽ chính vì thế mà “sau này, khi phân tích các yếu tố phong thủy trong các dự án quy hoạch”, chàng kiến trúc sư - nhà lí thuyết Hoàng Hữu Phê “bao giờ cũng nhớ đến dải Trường Sơn, như một khái niệm hiện hữu, một cảm giác hết sức rõ nét về sự bền vững - ỷ/tọa sơn hướng thủy”. Anh cũng nói: “Nếu có vài thứ hoàn toàn chế ngự giác quan của tôi trong những ngày tuổi thơ ở Quảng Bình thì hai trong số đó chắc chắn phải là màu xanh lam bất tận của dải Trường Sơn và tiếng máy bay phản lực ném bom rền rĩ không bao giờ dứt, kể cả ban ngày lẫn ban đêm, và có thể là cả trong những cơn mơ.”
Làm sao khác được, khi suốt thời niên thiếu, lúc thì Phê chứng kiến một người cha trẻ hóa dại khi vợ con đột nhiên biến mất sau một trận bom; lúc thì biết tin cô bạn mình mất hết thân trên sau loạt rocket bắn xuống từ một chiếc AD-6 Skyraider; lúc thì thấy bom napan nhả khói đặc sệt đến mức “có thể dùng xẻng mà xúc lên được” và bọt napan trắng còn sót lại, đọng trên cây cỏ như dãi bò “và nếu bị đốt thì sẽ cháy rất lâu”...?
Thời học lớp dự bị ở Kiev có lẽ là thời quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của Hoàng Hữu Phê. Anh viết: “Nhiều năm sau, khi tôi dạy môn Thiết kế kiến trúc ở một trường đại học phía Bắc nước Anh trong lúc làm luận án tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp London (UCL), các đồng nghiệp người Anh của tôi và các bạn giáo viên đến từ Đan Mạch cùng Australia cũng đồng ý, là sự nhấn mạnh kiến trúc cổ điển Hy Lạp - La Mã trong những năm đầu của đào tạo kiến trúc không hề cản trở việc sáng tạo với kiến trúc hiện đại.”
Và, anh thấy thế này: “Kiến thức tất nhiên vẫn là kiến thức, nhưng ánh hào quang của trí tuệ, thứ mà nhiều người bỏ công tìm kiếm, lại hay gắn liền với mức độ khó khăn của khả năng tìm ra lời giải tao nhã (elegant) nhất cho các vấn đề nhiều khi là vô ích! Còn các cách giải không quá khó nhưng lại khắc phục được những vấn đề hóc búa một cách thực sự hữu ích cho xã hội thì, thật đáng tiếc, lại hay bị coi thường.” Đây chắc hẳn là một nhận thức “hướng nội” rất quan trọng, nếu không nói rằng, nó sẽ là kim chỉ nam, của một Hoàng Hữu Phê kiến trúc - quy hoạch đô thị sau này.
Với một trí tò mò - khám phá kiên nhẫn và thông minh, Hoàng Hữu Phê vượt qua các môn học lạ lẫm và khó khăn đối với một cậu bé xóm núi miền Trung Việt Nam, từ Tiếng Nga đến Hình học họa hình, Bố cục kiến trúc, Đo đạc công trình kiến trúc, Kí họa kiến trúc, Trắc địa kiến trúc, Cơ học kết cấu... Rồi anh làm quen với kiến trúc công năng hiện đại - “ngôi nhà (chỉ) là cái máy để ở”, với kiến trúc công năng hậu kì phục cổ kiểu Staline - “không hình thức nào (được) tách khỏi công năng” - đang thịnh hành, đặc biệt là ở Đông Âu những năm ấy, và không ngừng ngạc nhiên cùng ngưỡng mộ trước những phản quang của chủ nghĩa kiến tạo đầu thế kỉ XX, vốn xuất phát từ Nga, để cùng với trường phái Bauhaus ở Weimar, trực tiếp tạo ra chủ nghĩa tiên phong, trong kiến trúc và nghệ thuật, đặc biệt là trong hội họa, điêu khắc và nghệ thuật ứng dụng Âu - Mĩ giữa hai cuộc thế chiến và không thể nói là không còn ảnh hưởng tới các trường phái/ chủ nghĩa tân cổ điển, hậu hiện đại, chuyển hóa luận..., thậm chí đến hi-tech bây giờ.
Có lẽ “phúc phận” lớn nhất của chàng kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê là hầu như chưa bao giờ mà khả năng tư duy logic và khả năng cảm thụ thẩm mĩ trong anh lại bị tách rời (chưa kể đến những cảm thụ xã hội học do trải đời, có gốc gác từ buổi ấu thơ), bởi “chủ nghĩa tình cảm - lãng mạn” tử tế, thuần khiết, có rất nhiều ở xứ Việt, xứ Uy-cờ-ren đến xứ Nga La Tư (kiểu phiên âm Việt), ngày ấy. Nó không bao giờ quá lí trí, dù cũng rất thông thái.
Hoàng Hữu Phê, bằng trí tò mò khám phá cố hữu, được/ phải học trong các khuôn khổ thiết kế Đông Âu ngày ấy - “tạo ra một bản sắc riêng phù hợp, gắn với các địa điểm cụ thể cho các công trình lớn và phức tạp đã được thiết kế mẫu nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư công” - đã nhận thấy “khác biệt dễ nhận ra nhất giữa hành nghề kiến trúc trong nền kinh tế thị trường và trong nền kinh tế kế hoạch tập trung”, để sau này, khi hướng dẫn thiết kế cho sinh viên, anh có nguyên tắc riêng là “không cho phép sinh viên sử dụng vật liệu thông thường để làm mô hình” vì sợ chúng “sẽ hạn chế trí tưởng tượng của sinh viên và dễ dẫn đến tư duy đơn giản theo lối mòn”; còn thiết kế của anh thì “người không quen có thể nghĩ đó là bất cứ thứ gì, hội họa, đồ họa trừu tượng hoặc nghệ thuật sắp đặt chẳng hạn, chứ không giống lắm các công trình kiến trúc vẫn quen thuộc với số đông”. Và, theo anh, “nếu bài tốt nghiệp về đề tài bệnh viện tương lai mà lại giống hệt một bệnh viện thật đang có hiện nay, và bài về nhà ga tương lai cũng giống một nhà ga thật, thì có lẽ kiến trúc, như một ngành sáng tạo, đang đi vào ngõ cụt”; “nếu các bài tập sáng tác kiến trúc chỉ đúng thôi, chứ không gây bất ngờ hoặc tò mò, dù có thể chứa các yếu tố không tưởng hay phi thực tế (tạm thời), tức là không có các hành động vượt rào dẫn đến sự đứng ngoài cần thiết không phụ thuộc vào các thông lệ nhàm chán, thì khó mà nói đến các khái niệm đột phá và tiến bộ trong kiến trúc”. Như vậy là, kính trọng nhưng dần thoát ra khỏi phần công thức đã cũ của chủ nghĩa công năng Le Corbusier và các “chủ nghĩa” từng thịnh hành khác, anh rất thích chủ nghĩa kiến tạo và kiến trúc chuyển hóa luận. Anh cũng hết sức thú vị với “phương pháp tư duy trong khuôn khổ các công nghệ tiên phong”, ví như công nghệ cốp pha trượt, công nghệ cốp pha trượt dùng cho lõi cứng, công nghệ sàn tiền chế đầu những năm 2000, mà anh “được nhờ” rất nhiều khi đi tìm giải pháp thực hiện “dự án đáng kể nhất trong hoạt động kiến trúc của mình”, Dự án Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Và, ta mới hiểu, vì sao anh rất thích thú hợp tác với kiến trúc sư Nguyễn Luận, tác giả thuyết “Sóng đô thị” nổi tiếng ngày ấy, khi thiết kế - quy hoạch Khách sạn Du lịch Non Nước ở Đà Nẵng, sau Giải phóng dăm năm.
Với gốc gác và cảm quan xã hội - nghề nghiệp như vậy, Hoàng Hữu Phê dễ dàng thoát khỏi những cám dỗ bên ngoài để không bị rơi vào vòng xoáy “chảy máu chất xám” (như nhiều trí thức hướng ngoại khác), lúc đó đã manh nha và giờ đang là “rất bình thường”, từ khi bắt đầu bộc lộ tài năng. Hóa ra, lòng tự trọng, ý thức công dân và tình yêu của anh với người và đất gốc - “nội giới” của anh - theo anh mãi, chỉ để “hi vọng là chí ít (những thứ anh làm sau khi tốt nghiệp) sẽ giống công trường hơn là chiến trường”. Cậu Phê từ làng Lệ Kỳ bên dải Trường Sơn đã thành một trí thức - công dân tử tế theo một lối đi tử tế và thông minh. Cách ngôn “Ở đâu mà chả là xây dựng chủ nghĩa xã hội” không được Phê thích từ thuở còn trẻ. Tôi nghĩ riêng rằng, khi Karl Marx nói “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” là ông đã không nói hết câu, rằng “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội và chất lượng hướng nội của mình”. “Hướng nội” hời hợt thì thành người hời hợt, còn ngược lại thì... ngược lại!
Có thể thấy rằng, dù đã đi qua bao thành phố châu Âu, cả cổ kính lẫn hiện đại, “đi qua” bao lí thuyết kiến trúc dằng dặc, Hoàng Hữu Phê đều vượt qua mọi mặc cảm, choáng ngợp, để lạc quan và kiêu hãnh tìm cho mình những kết luận riêng, rất “hướng nội”. Ví dụ, nhiều người đã (và sẽ) nói “Khoảng cách về các chỉ số phát triển, giữa một bên là Bangkok, một bên là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ không có cơ hội thực tế nào có thể thu hẹp lại được”, thì anh bảo “Vốn là một gã suốt đời mắc bệnh lạc quan thuộc loại không thể chữa được, tôi nghĩ khỏi phải nói tôi thuộc bên nào”. Hay trong khi một nhân vật đáng kể của phong trào Avant-garde tại Cộng hòa Weima nói “Anh có thể dùng ngôi nhà tồi tàn để giết một người dễ dàng như dùng lưỡi rìu để làm việc đó” và theo đó, ai cũng có thể kết luận “Khu vực phố cổ Hà Nội chỉ có thể là nơi mà người dân tỏ ra thua kém hơn về mọi mặt so với những người sống ở những chỗ nhà cửa thoáng rộng hơn, về cả hành vi, cách ứng xử cũng như năng lực và kĩ năng”, thì sau khi khảo sát, anh có kết luận riêng “Có lẽ không có gì xa sự thật hơn nhận xét giả định này”. Anh còn viết: “Khu phố cổ Hà Nội có lẽ là một trong những phát minh và thiết chế ổn định nhất của lịch sử văn minh nhân loại trong lĩnh vực định cư đô thị.” Hà Nội phố cổ ấy, hóa ra lại là một ví dụ điển hình cho “sự hòa trộn tinh tế của các chức năng khác nhau trong đô thị” với ý tưởng xuất sắc “sử dụng đất hỗn hợp”, tạo dòng chính cho tư duy đô thị bền vững. Anh viết về 36 phố phường Hà Nội như sau: “Chiến tranh và cấm vận chưa bao giờ cho Hà Nội một cơ hội phát triển bình thường, đừng nói đến vội vã. Vô tình hay cố ý, vì thế mà những thuộc tính quan trọng nhất của đô thị sử dụng đất hỗn hợp đã và sẽ có điều kiện để tiếp tục tồn tại một cách tự nhiên và hữu cơ từ đời này sang đời khác. Chỉ trong khoảng cách đi bộ, phần lớn mọi người có thể tiến hành các hoạt động có ý nghĩa trong suốt một ngày mà không phải cảm thấy bức bách. Có thể uống cà phê sáng ở một quán nổi tiếng cuối phố, trước khi mua sách ở bookshop bên cạnh và bàn chuyện làm ăn ở một cửa hàng sang trọng buổi trưa, và đàm đạo với ông bạn già ở đầu phố bên kia đường vào buổi chiều.” Rồi anh viết: “Khi quan điểm sử dụng đất hỗn hợp (để tạo ra sự hòa trộn tinh tế các chức năng khác nhau trong đô thị) trở nên được ưa chuộng trên thế giới sau một thời gian dài say mê các nguyên tắc của thành phố công năng, việc tôn tạo các khu đô thị truyền thống bỗng trở nên hết sức hấp dẫn không chỉ vì chúng mang lại nét tính cách đặc trưng và niềm tự hào về nơi chốn, không chỉ vì những ý tưởng lãng mạn về nguồn gốc văn hóa, mà còn như một thứ khuôn mẫu cho sự phát triển bền vững, và áp lực phát triển (đập cũ xây mới), trong một bức tranh lớn và dài hạn, tỏ ra không chắc chắn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn việc kinh doanh hàng hóa đặc sản và du lịch dựa trên văn hóa đô thị truyền thống.”
Rõ ràng, “hướng ngoại” để “hướng nội” là điển hình trong tư duy Hoàng Hữu Phê.
Cái ý tưởng “vật thể hóa các khái niệm phi vật thể” được Phê thể nghiệm ở Nhật là ý tưởng căn bản của việc “nhận diện chính xác các giá trị vật thể và phi vật thể có ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của khu vực”, khi anh viết trong cuốn sách của mình về khu 36 phố phường Hà Nội. Và chúng, cùng với “các đòn bẩy kinh tế và các luận điểm về vai trò của môi trường sống, vấn đề xử lí chất thải... luôn gắn chặt với chất lượng sống của cư dân trong khu vực”, sẽ có vai trò quan trọng trong lí thuyết mà sau này anh công bố ở London.
Có lẽ những thứ Hoàng Hữu Phê “ngộ” được từ 36 phố phường Hà Nội và “sự thất vọng về các nền tảng lí thuyết hiện có (lúc ấy) về đô thị”, cộng với “nội giới” đa diện và sâu sắc, đã làm anh quyết định không ở lại Anh để làm giảng viên cao cấp mà trở về Hà Nội để đối mặt với chính lí thuyết vị thế - chất lượng của mình, bằng cách trực tiếp quy hoạch và thiết kế - thi công Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị cao tầng nhất Hà Nội ngày ấy, với tư tưởng lí luận của mình cùng những công nghệ châu Âu tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Chúng giúp Hà Nội tiết kiệm thời gian và giảm chi phí xây dựng ở đây tới hơn 1/5.
Trải nhiều thành công trong thực tiễn kiến trúc - quy hoạch, sau khi được thừa nhận trên bình diện quốc tế bằng “Giải thưởng Kỉ niệm Donald Robertson” năm 2000 của tạp chí quốc tế hàng đầu Urban Studies (cùng với giáo sư Patrick Wakely - ở UCL - cho công trình về lí thuyết vị thế - chất lượng), có lẽ Hoàng Hữu Phê xác quyết rằng, từ đây anh sẽ chuyên chú vào con đường học thuật - lí thuyết của mình, đặc biệt là trong việc xây dựng mô hình thị trường nhà ở và bất động sản. Mà đằng nào thì anh cũng đã là một lí luận gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Đ.T.L
--------
1. Hồi kí của Hoàng Hữu Phê, Nxb Phụ nữ, 2021.
VNQD