. THANH NGUYÊN
Tập cổ là một lối làm thơ phát triển mạnh ở văn học trung đại nhưng ở ngày nay thì ít hẳn. Như tên gọi, tập cổ là cách làm thơ tập hợp những câu thơ có sẵn của người đi trước rồi gộp lại thành bài thơ mang ý mới. Hai nguồn tập cổ được Bác Hồ thường dùng là ca dao và thơ cổ (thơ Đường và Chinh phụ ngâm).
Ở hình thức tập thơ cổ điển Việt Nam, từ Chinh phụ ngâmđược Bác “tập” với cái tên mới Chinh phụ ngâmmới:
Thuở phe phái hục nhau túi bụi,
Đồng bào Nam nhiều nỗi truân chiên.
Vì Ngô Đình Diệm rồ điên,
Mỹ kia can thiệp, mà nên nỗi này…[1].
Đây là bốn câu đầu trong Chinh phụ ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…
Chinh phụ ngâm giống Chinh phụ ngâm mới của Bác ở đề tài phản chiến, ở hình thức bài thơ câu thơ nhưng ýChinh phụ ngâm mới khác rất xa so với Chinh phụ ngâm ở chỗ cực lực phê phán đả kích châm biếm bọn can thiệp Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm thẳng tay tàn sát đồng bào Miền Nam đồng thời kêu gọi toàn dân ta kết đoàn đánh giặc. Có thể coi đây là một kiểu “bình cũ rượu mới” của hình thức tập cổ.
Tác phẩm thứ hai Bác tập là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Trong bài báo Trong trần ai, ai cũng ghét Ai(in trên báo Nhân dân, số 2498, ngày 20-10-1961) có chủ đề tố cáo, châm biếm đả kích đế quốc Mỹ mà đầu sỏ là Tổng thống Aixenhao đang cùng bọn tay sai Ngô Đình Diệm gây ra những tội ác tày trời với nhân dân miền Nam Việt Nam, có hai câu thơ:
Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội.
Múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù![2].
Đọc lên chúng ta thấy ngay Bác “tập” từ hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã viết để nói về tội ác trời không dung đất không tha của giặc Minh. Cách tập cổ này thật gây ấn tượng về tội ác của kẻ thù, nếu bạn đọc chưa hình dung hết tội ác của đế quốc Mỹ thì qua hai câu tập cổ ấy sẽ phần nào cảm nhận được, vì tội ác của quân Minh đã được lịch sử ghi nhận.Tập Kiều cũng là một cách tập cổ vốn là một thú chơi tao nhã của người thời xưa, là cách tập hợp các câu thơ có sẵn của người đời trước ghép lại thành bài thơ theo ý mới. Lẩy Kiều là cách lấy ra một câu hoặc cặp câu trong Truyện Kiều, có thay đổi chút ít để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh mới. Như vậy tập Kiều mang tính chất mô phỏng, còn lẩy Kiều thì thường là lẩy ra những câu có trong Kiều.
Truyện Kiều có lời bình luận của Kim Trọng về tiếng đàn Thuý Kiều: “Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” (câu 489, 490) được Bác lẩy để bình luận về một bản nhật lệnh rất hay, nghiêm trang của quân Pháp nhưng có nội dung nói về những tổn thất không tránh khỏi: “Chúng ta có thể nói rằng: Nhật lệnh của đoàn trưởng Lejosne là:
Rằng hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”[3].
Truyện Kiều có cảnh báo ân báo oán của Kiều thể hiện một khát vọng công lí: Mấy người bạc ác tinh ma/ Mình làm mình chịu kêu mà ai thương (câu 2393, 2394). Những kẻ độc ác như Bạc Hạnh, Bạc Bà, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh bị chịu tội “Thề sao thì lại cứ sao ra hình”, được Bác Hồ tập trong bài báo Kẻ cướp bị cướp chế giễu các đế quốc:
“Các đế quốc Tây Âu, nhất là Anh và Pháp, quen đi cướp nước người ta.
Ngày nay, Anh bị đá ra khỏi Ấn Độ, Pháp đang bị ta đá ra khỏi Việt Nam. Hơn nữa, hai nước ấy đang bị Mỹ dùng làm như thuộc địa...
Thế là:Quen mồm cướp nước người ta/ Nước mình bị phỗng khóc mà ai thương”[4].
Khi Hồ Tôn Hiến cho người đến mua chuộc, dụ dỗ Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, với bản tính võ biền nên “Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ” mà nghĩ rằng: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (câu 2471, 2472). Bác Hồ lẩy ngay câu sau để chỉ sự “hồ đồ” của bọn phát xít Đức - Ý - Nhật, ngay từ năm 1941 “đã vội khoe khoang:
Tung hoành châu Á, châu Âu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”[5].
Bạn đọc sẽ liên tưởng ngay đến việc bọn phát xít Đức - Ý - Nhật này sẽ “chết đứng” như Từ Hải! Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy!
Trong bài báo Một tin tức lạ Bác Hồ mỉa mai một tin Mỹ giúp Libăng 17 triệu đôla mà nước này từ chối vì Libăng biết là nếu vay tiền Mỹ sẽ bị những ràng buộc đủ kiểu. Cuối bài báo Bác tập một câu Kiều:
Có tiền mà cậy chi tiền,
Mất tiền, mà lại vô duyên lạ đời!”[6].
Câu 3247, 3248 trong Kiều là: Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần. Thật đúng với đế quốc Mỹ: đừng tưởng có tiền mà cậy tiền, không khéo, liền với chữ “tai” vậy!
Một câu Kiều (câu 1306, “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” nói về lòng tham của mụ Tú Bà buôn người) được “lẩy”: “Các nước tư bản vì tài chính kiệt quệ, vì “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”, nên nhắm mắt mà vay. Vay xong, liền bị Mỹ “thế này” tức là Mỹ nắm hết quyền chính trị, kinh tế, quân sự của các nước mắc nợ”[7], đã lột tả đúng “máu tham”của các nước tư bản. Câu thứ 73 trong Kiều: Khóc than khôn xiết sự tình được lẩy để chỉ hoàn cảnh: Khéo vô duyên bấy là mình với ta, giữa Phó Thủ tướng Maye và tình hình khốn đốn của Pháp ở Việt Nam. “Khóc than khôn xiết sự tình” là tên một bài báo Bác viết in báo Nhân dân ngày 11-10-1951: “Lời của Phó Thủ tướng Pháp thật là: “Một lời cay đắng, đôi giòng lệ rơi”. Nó đã chứng tỏ tình hình vô cùng khốn đốn của Pháp. Nó lại chứng tỏ cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam đã làm cho Pháp “người chết của hết, tiền mất tật mang”[8].
Ngày 21- 6-1959, trên báo Nhân dân (số 1923) Bác Hồ có bài viết Điện Biên Phủ vừa là kỷ niệm 5 năm ngày chiến thắng vừa mang tính tổng kết thắng lợi trận đánh vĩ đại này. Cũng là để cổ vũ, khích lệ nhân dân ta xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất ở miền Nam, đồng thời cảnh báo kẻ thù sẽ có những “Điện Biên mới” nếu chúng dám mở rộng chiến tranh xâm lược. Cuối bài có bốn câu tập Kiều: Cũng trong một cuộc Điện Biên/ Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/ Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”[9]..
Bác đã “lẩy” Kiều từ các câu Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (câu 1,2) và Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm(câu 1855, 1856). Bác mượn vỏ hình thức “Truyện Kiều”, mượn cách triết lý của Nguyễn Du để nói về hoàn cảnh mới: ta thắng lợi và sẽ thắng lợi vì chính nghĩa, Pháp đã thua và Mỹ sẽ thua vì là “tà”, phi nghĩa!
Sau bi kịch vì xui Từ Hải ra hàng mà Từ Hải thì bị chết, còn Kiều bị quan quân Hồ Tôn Hiến bắt. Kiều đau đớn than trước mặt Hồ công: Xét mình công ít tội nhiều/ Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi (câu 2559, 2560). Bi kịch của Kiều có gì đấy gần với bi kịch của Tổng thống Aixenhao, Bác Hồ liền “lẩy”Kiều để giễu Ai: “Hôm nay, trước khi cuốn gói chuồn khỏi dinh Tổng thống nước Mỹ, lão Ai ắt phải kiểm điểm lại những “thành tích” của y trong tám năm qua. Và chắc y phải bùi ngùi kết luận rằng: Nghĩ mình công ít tội nhiều...”[10].
Truyện Kiều có câu: Tình cờ chẳng hẹn mà nên/ Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường để chỉ quan hệ ám muội giữa Mã Giám sinh “một đứa phong tình đã quen” và mụ Tú Bà “làng chơi đã trở về già hết duyên” được Bác tập để chỉ: “Giôn thì nói Gônoatơ là bạn thân của bọn đầu trộm đuôi cướp, chủ trương phân biệt chủng tộc, chống người Mỹ da đen, v.v..
Mặt khác, cả hai chàng đều ra vẻ dân chủ, bắt tay với nguời này, cụng chén với người kia. Cả hai chàng đều ra sức lừa bịp nhân dân, hứa hươu hứa vượn, miễn là câu được lá phiếu của cử tri.
Mạt cưa mướp đắng hai bên cũng vừa.
Nhưng cả hai gã đều không dám nói làm thế nào để cải thiện tình trạng đen tối ở nội bộ Hoa Kỳ”[11]. Thành ngữ Mạt cưa mướp đắng lại có xuất xứ từ một câu chuyện cổ: có kẻ lấy mạt cưa giả làm cám và kẻ khác lại lấy mướp đắng giả làm dưa chuột, chúng vô tình bán lẫn cho nhau, thành thử cả hai mắc lừa nhau. Bác Hồ tập Kiều để nói rất đúng với bản chất của Tổng Giôn và ứng cử viên Tổng thống Mỹ Gônoatơ. Trong bài báo Nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta in trên báo Nhân dân ngày 14, 15-11-1965, có đoạn Bác viết: “Trước ngày tuyển cử, Giônxơn thề thốt rằng “quyết không mở rộng chiến tranh ở Việt Nam”. Nhưng từ ngày được bầu làm Tổng thống, vì sao tổng Giôn lại Nói lời, rồi lại ăn lời được ngay và mở rộng chiến tranh? Đó là vì:
- Lòng hư vinh rất to của tổng Giôn. Muốn có thành công cá nhân, việc gì Giôn cũng dám làm...”[12]. Câu Kiều được Bác lẩy như sau: Đem người đẩy xuống giếng khơi/ Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay (câu 811, 812) là lời Kiều vạch trần bản chất đểu cáng hại người mà còn trơ tráo, lật lọng của Sở Khanh, thật đúng với bản chất của Tổng Giôn! Màn báo ân báo oán trong Kiều có câu: Vợ chàng quỷ quái tinh ma/ Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau (câu 2333, 2334) là lời của Kiều nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư và cảnh Dưới cờ gươm tuốt nắp ra/ Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư (câu 2355, 2356) được Bác tập trong bài báo Mỹ lại thất bại in trên báo Nhân dân số 4330 ngày 12-2-1966:
Giặc Mỹ quỷ quái tinh ma,
Chiến tranh thủ phạm tên là Giônxơn”[13].
Cách tập này mang lại hiệu ứng nghệ thuật rất rõ: Tổng thống Mỹ Giônxơn dù có khôn ngoan lọc lõi như mụ Hoạn Thư kia rồi cuối cùng cũng có ngày phải như họ Hoạn “hồn lạc phách xiêu/ Khấn đầu dưới trướng liệu điều kêu ca” ra toà án công lý để nhân dân ta phán xử tội ác!
Chân thành mà đãi người, vui với niềm vui của người, lo cùng nỗi lo của người, là hiểu bạn, yêu bạn, tin bạn, hết lòng vì bạn, đấy là một trong những đặc điểm cơ bản trong đối ngoại của Bác Hồ. Tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam đi Bắc Kinh, sau đó rời Bắc Kinh đi Mátxcơva, dịp này Người có bài thơ Rời Bắc Kinh (Ly Bắc Kinh): Trời Ký Bắc theo vầng trăng rọi/ Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành (Phan Văn Các dịch). Có lẽ ai cũng thấy Bác đã tập Kiều ở hai câu cuối: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường, nhờ thủ pháp này mà ý thơ về tình bạn hữu càng thêm sâu sắc hơn, da diết hơn. Khi qua Hồ Bắc, Người có bài thơ đầy niềm vui, đầy lạc quan về nông dân Trung Quốc: Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng/ Nay về lúa mạch đã xanh xanh/ Ngày mai cày máy thay cày gỗ/ức triệu nhà nông hưởng thái bình (Qua Hồ Bắc - Phan Văn Các dịch). Bài thơ có kết cấu đối lập, về thời gian, về màu sắc, về công cụ sản xuất để làm bật lên tràn trề một niềm tin tưởng vào hạnh phúc của con người. Văn hoá đối ngoại Hồ Chí Minh là văn hoá vì hoà bình, phát triển, vì tiến bộ chung của nhân loại, xét đến cùng là vì hạnh phúc con người, vì độc lập các dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là di sản riêng của chúng ta mà còn là của chung cho cả nhân loại.
Vì sao Bác hay lấy văn học làm phương tiện đối thoại. Vì đó là sự kết tinh văn hóa thương người, yêu quý hòa bình mang bản sắc Việt rõ nhất. Bác Hồ tập Kiều, lẩy Kiều rất đa dạng về sắc thái hoàn cảnh, ở đây xin chứng minh Bác dùng vào lĩnh vực trữ tình biểu lộ tâm trạng, trong ngoại giao, trong giao đãi bạn bè vui vẻ.
Đầu năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi thăm Trung quốc và Liên Xô, ngày 11-3-1950 trên đường từ Bắc Kinh về nước Bác có bài thơ Ly Bắc Kinh (Rời Bắc Kinh):
Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,
Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du.
Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?
Bán tuỳ cựu hữu, bán chinh phu.
(Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,
Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành)[14].
Ở đây Bác cũng tập Kiều. Khi Thúc Sinh đang nồng nàn với Kiều thì phải chia tay: Người lên ngựa, kẻ chia bào/… Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Không gian vật lý đã trở thành không gian tâm lý: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường (câu 1525,1526) Bác Hồ đã tái hiện lại không gian chia ly nhớ nhung luyến tiếc nhưng với một tâm lý, hoàn cảnh khác: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành. Điểm đặc biệt là Bác tập Kiều bằng chữ Hán!
Trong Kiều có hai câu tràn đầy niềm tin vui của Kiều khi gặp lại Từ Hải: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai (câu 2283, 2284) được Bác lẩy trong Lời chào mừng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ tại sân bay Gia Lâm ngày 10-5-1963: “Từ lâu, nhân dân chúng tôi mong đợi Lưu Chủ tịch sang thăm Việt Nam. Hôm nay được đón tiếp đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, lòng chúng tôi vô cùng sung sướng. Thật là: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”[15].
Cũng từ hai câu Kiều này, chào mừng Tổng thống Xêcu Turê của nước Cộng hoà Ghinê, do hoàn cảnh không gian khác nhau, quan hệ giữa nước ta và Ghinê còn mới mẻ (khác với quan hệ giữa ta và Trung Quốc đã lâu đời lại gần gũi về văn hoá), Bác tập Kiều: Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên![16].
Kiều cùng Từ Hải “Nửa năm hương lửa đang nồng” thì Từ Hải phải lên đường, Thuý Kiều ở lại ngóng về Từ: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm! (câu 2247, 2248). Hoàn cảnh này, tâm trạng này được Bác Hồ tập trong hoàn cảnh tiễn Tổng thống Xucácnô tại sân bay Gia Lâm:
“Thời gian Tổng thống lưu lại ở Việt Nam chúng tôi lần này quá ngắn ngủi! Nhưng vì Tổng thống đi vắng đã hơn hai tháng, nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ, một ngày dài như ba thu. Thật là:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Trông mòn con mắt, phương trời đăm đăm!
Vì vậy, nhân dân Việt Nam không tiện yêu cầu Tổng thống ở lại với chúng tôi lâu hơn nữa. Chúng tôi ước ao rằng lần sau đến thăm Việt Nam, Tổng thống sẽ ở lại lâu hơn gấp mấy lần này...”[17]. Bác chỉ thay một chữ Đã trong Kiều bằng từ Trông để diễn tả tấm lòng mong ngóng, trông ngóng từng giờ của nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ. Thật là một sự ca ngợi kín đáo mà tinh tế!
Thúc Sinh tạm biệt Thuý Kiều, họ nâng ly rượu tiễn đưa: Chén đưa nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau (câu 1517, 1518). Tập câu Kiều này thật hợp với hoàn cảnh Bác tiễn đoàn đại biểu đảng Cộng sản và chính phủ Tiệp Khắc:
“Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,
Mối tình đoàn kết, càng ngày càng sâu,
Xa nhau lòng vẫn gần nhau”[18].
Tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu cái ý vị kín đáo, hóm hỉnh của Bác gửi vào câu tiếp sau trong Kiều: Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau, mong đợi ngày gặp lại!
Tháng 2 năm 1958 Bác Hồ đi thăm hai nước Ấn Độ và Miến Điện, với bút danh L.T, Người viết thư về nước, người nhận thư là “em Hương”, trong bức thư thứ nhất có câu tập Kiều: Tiễn đi nhớ bữa hôm nay/ Mừng về xin đợi hôm này hai tuần sau![19]. Bác tập Kiều để nói về niềm vui mừng hân hoan ở cả người đi lẫn người tiễn. Câu sau dài tới 9 âm tiết phá vỡ quy tắc lục bát trong Truyện Kiều cũng là một cách phá vỡ những quy tắc lễ nghi đưa đón, để tất cả đều trở về bình đẳng, cùng thoải mái bông đùa vui vẻ.
T.N
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 449.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 13.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 441.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Sđd, tr 169.
[5]Hồ Chí Minh, truyện và kí- Nxb Văn học 1985, tr 315.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr 343.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Sđd, tr 376.
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Sđd, tr 210.
[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 38.
[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 12.
[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 410.
[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 652.
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15. Sđd, tr 43.
[14]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 325.
[15]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 82.
[16]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 684.
[17]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 254.
[18]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 18.
[19]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Sđd, tr 296.
VNQD