Ngôn ngữ liên văn hóa triết học - tôn giáo phương Tây trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 02/08/2021 16:22

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
 

Nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian hoạt động ở Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX chúng tôi nhận thấy Người tìm hiểu rất sâu triết học, tôn giáo, khoa học phương Tây để rồi vận dụng hiểu biết của mình vào mục đích chính trị là tố cáo tội ác thực dân, bênh vực dân nghèo thuộc địa.

Nắm vững triết học Hy Lạp cổ đại mới có thể dùng vào việc châm biếm qua một nghệ thuật chơi chữ như thế này:

“Sau khi mỹ nhân muốn hỏi cặn kẽ thêm, và sau khi quan lớn bộ trưởng đánh trống lảng, thì cái câu nói mập mờ rất hùng biện kia vẫn còn tiếp tục thêm rằng: tuy trong chữ Théétète có chữ Thé (như Víchto Huygô từng nói), chúng ta vẫn không tin rằng hoàng thượng lại hạ cố đến những tác phẩm của người thầy học của Arixtốt, vì hoàng thượng vẫn luôn luôn phải có người thông ngôn mới hiểu được tiếng Pháp (và cả tiếng Hy Lạp nữa) kia mà. Cho nên khi ông bộ trưởng nói rằng hoàng thượng hiện đang đọc Platông là ông chưa nói hết cái chữ mà ông định nói: Chắc là ông định nói chữ Platô...ních đấy mà”[1]. Đây là đoạn trích trong “Sở thích đặc biệt” của NG.A.Q in trên báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1923. Câu chuyện kể về Hoàng đế An Nam Khải Định sang Pháp được các mỹ nữ tình tứ xin hầu nhưng Ngài không thích, theo ông Anbe Xarô thì Ngài chỉ thích đọc Platông.

Chữ Théétète là tên một tác phẩm của Platông bàn về tri thức và cơ sở của tri thức, nhưng “trong chữ Théétète có chữ Thé” là tác giả muốn mỉa, ngay đến chữ Platông, “hoàng thượng” cũng còn dùng dở vần. “Chắc là ông định nói chữ Platô...ních đấy mà”, Platôních( platonique) vốn phái sinh từ “amour platonique” có nghĩa là tình yêu theo kiểu Platông. Platông( Platon), nhà triết học Hy Lạp cổ đại có bàn về một thứ tình yêu cao thượng, nam nữ yêu nhau hoà vào tinh thần của Thượng đế, nghĩa là một thứ tình yêu hoàn toàn thánh thiện, thuần tuý tinh thần mà không sa vào tình yêu thể xác, nói khác đi đó là một tình yêu không sinh lý. Từ đó trở thành một thành ngữ quen thuộc: tình yêu kiểu Platông- tình yêu không quan hệ xác thịt. Chữ Platô…ních bị ngắt ra chêm vào ba dấu chấm để mỉa mai giễu cợt Khải Định chỉ còn tình yêu kiểu Platông mà thôi… vì… như người kể chuyện đã trả lời:

“Ông bạn Platông ơi! Hoàng thượng Ngài chỉ thích xem thôi”, vì… Ngài đã mắc bệnh bất lực do đã quá trác táng mà!

Hoàng thượng đã bị hạ bệ thảm hại, từ địa vị cao sang của quyền lực (vua) trúi nhào xuống thân phận kẻ ăn chơi đồi bại.

Để tăng cường thêm tính chân thật của câu chuyện, người kể “chua” thêm một câu danh ngôn nổi tiếng rút trong tác phẩm của Amôniuyt: Amicus Plato, sed magis amica veritass, nghĩa là: Tôi rất quý Platông nhưng đối với tôi, sự thật còn quý hơn.

Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh chúng tôi nhận thấy Người rất am hiểu Kinh Thánh, ngoài mục đích góp phần tìm hiểu bản chất của chế độ thực dân đế quốc, còn một lý do này. Ngày 6-6-1931, Bác bị bắt ở nhà số 186, phố Tam Lung (Cửu Long). Bọn phản động giam Bác ở Khám lớn Hương Cảng (ngục Vich-to-ria). Trong tù, Người “còn một cách tiêu khiển nữa là gây chiến tranh với rệp, hoặc là xem kinh thánh Cơ đốc là một thứ sách được khuyến khích xem trong nhà tù”[2].

Tôn giáo, nhìn về bản chất là tích cực vì nó hướng con người ta tới cái thiện, cái cao cả, nhưng tôn giáo rất dễ bị lợi dụng, chính thực dân Pháp đã lợi dụng qua con đường Thiên Chúa giáo để xâm lược các nước Đông Dương. Không một ai dám suồng sã với tôn giáo nếu tôn giáo đó đi theo bản chất tốt đẹp của họ. Nhưng đối với bọn phản động đội lốt tôn giáo thì rất đáng là đối tượng để châm biếm, như ở ví dụ này: “Nếu có dân tộc nào phải nhớ ơn Chúa và các giáo sĩ, thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này đã sa vào tình cảnh nô lệ như ngày nay... Ở đâu có cuộc nổi dậy, có khởi nghĩa thì nơi đó cha cố biến thành mật thám, nhà thờ Chúa biến thành nơi tra khảo”[3].

Con đường truyền đạo là một trong những cách thức xâm lược được thực dân Pháp quen dùng. Và đạo Thiên chúa bị bọn chúng lợi dụng để nô lệ hoá dân thuộc địa. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Chương 4 Các quan cai trị có phần 1 được tác giả đặt tên là Ông Xanh, tiếng Pháp trong bản phiên âm là Saint, đây là cách chơi chữ đồng âm, Saint vừa là tên viên khâm sứ vừa có nghĩa là thánh, trong quan niệm của đạo Thiên chúa có Chúa Ba ngôi: Thánh cha, Thánh con, Thánh thần ( SaintTrinité: Saint pere, Saint fils, Saint esprit). Cách chơi chữ này để giễu cợt viên khâm sứ Pháp mà đoạn văn này nói rõ điều đó: “Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy”[4].

Chủ thể của lời văn suồng sã thường xuất hiện qua lời bình luận mỉa, thường là ý tứ để trong ngoặc đơn: “Một nhà truyền giáo (Vâng! một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ăn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi.

Vân vân và vân vân.

Toà án có trừng phạt những tên đó, những con người đi khai hoá đó hay không?

Có tên thì trắng án, có tên thì không ai đụng đến lông chân. Sự tình là như vậy”[5]. Nói mỉa cũng tức là nói ngược, bạn đọc hiểu: “Vâng! một vị linh mục nhân từ” phải là “Vâng! một vị “linh mục” tàn bạo!”. Và tàn bạo thật, có tàn bạo mới tra tấn rồi đánh chết người vô căn cứ như thế.

Nguyễn Ái Quốc đã mỉa mai “dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa” bằng chính sách kết hợp sự “ngu xuẩn và đểu cáng” của các quan cai trị và “cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”: “… dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”[6].

“Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép. Xôra chậm rãi bảo tôi: Cậu có biết là Anbe Xarô đã đổ bể rồi không?”[7]. Theo truyền thuyết đạo Thiên Chúa, thánh Giôdép vốn xuất thân là một người thợ mộc, sau này lấy Mari làm vợ. Thời Mari còn thiếu nữ có rất nhiều chàng trai đến dạm hỏi. Nhà Mari chọn rể bằng cách cho các chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì người đó sẽ được lấy Mari. Chiếc gậy của chàng thợ mộc Giôdép nở hoa, thế là chàng được kết hôn cùng Mari. Họ cưới nhau, Mari được thần Gabrien báo cho biết nàng sẽ sinh ra Jêxu là con của Thượng đế và sẽ là Chúa Cứu thế. Chàng Jôdép thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Mari làm vợ còn Jêxu sẽ là con nuôi. Mari là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh. Giôdép trở thành Thánh Giôdép, suốt đời là người chồng chung thuỷ của người vợ đồng trinh Mari mà con chiên luôn ngưỡng mộ gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh Mari. So sánh“Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép” gợi bạn đọc nhớ về truyền thuyết ấy nhưng đặt trong ngữ cảnh câu chuyện của chàng Xôra ba hoa về “ Viện Hàn lâm thuộc địa còn thiếu Ban… Đạo lý”, thì nó lại mang một hàm ý mỉa mai “những ông chồng chung thuỷ” trong xã hội tư sản Pháp đâu có chịu cảnh như Thánh Giôdép, mà là ngược lại, chơi bời, trăng gió, phù phiếm,… như… khói thuốc vậy!

Về thực chất thì chính sách của chủ nghĩa thực dân gần như đồng nhất với chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹ. Sau khi Pháp thua ở Việt Nam thì đế quốc Mỹ nhảy vào, vẫn áp bức, bóc lột, chém giết, thậm chí còn tàn độc hơn thực dân Pháp. Bác Hồ có một khái quát về đế quốc Mỹ qua cách đối sánh với các tôn chỉ của các tôn giáo:

“Chúa Giêxu dạy: Đạo đức là bác ái.

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa.

Còn đế quốc Mỹ thì: Đạo đức là giết người”[8]. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào công giáo. Có thể lý giải điều này là xuất phát từ quan niệm đoàn kết và tình thương nhân dân của Bác và tình hình công giáo nước ta trong những năm kháng chiến kiến quốc: Đồng bào giáo dân vì dễ bị kẻ thù lợi dụng nên Bác Hồ càng phải giúp họ hiểu về đường lối kháng chiến để giành độc lập tự do cho tất cả mọi người, làm rõ cho họ hiểu tinh thần nhân ái, đoàn kết của người Việt…?!

Nhân dịp lễ Nôen 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hòa bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục.

Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hòa bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta”[9].

Những câu văn được cấu trúc đều đặn, ngắt mệnh đề đều đặn tạo âm hưởng êm đềm như tiếng chuông nhà thờ ngân nga của cảnh hòa bình. Nhân dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh 1956 Hồ Chí Minh cũng có thư gửi các hàng giáo sỹ và đồng bào công giáo: “Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hòa bình càng chóng thắng lợi như bài hát: "Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hòa bình cho mọi người lành dưới thế".

Nhân dịp lễ sinh nhật này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất được tốt, thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau"[10].

Cả lá thư có 5 đoạn thì cấu tạo thành 6 câu, ngay ở ví dụ trên thì cả đoạn là một câu. Tìm hiểu những lá thư của Người gửi cho đồng bào công giáo chúng tôi thấy đều có đặc điểm chung là âm hưởng đều đặn, câu thường dài, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức cha giảng kinh thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

N.T.T


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 117.

[2] Hồ Chí Minh- truyện và ký- Nxb Văn học, 1985, tr 304.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 442.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 54.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 104.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 249.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 182.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 95.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 226.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 10. Sđd, tr 462.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)