. NGUYỄN HÀ THANH
I. Liên văn hóa. Liên văn hóa về con người.
Cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với sự phát triển chóng mặt về kinh tế, khoa học, y tế,... Là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy...nên con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh...Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ. Như trong Đại dịch covid 19 càng thấy rõ sự chi phối giữa các quốc gia càng trở nên mạnh mẽ và cũng gay gắt hơn bao giờ hết. Đó là tiền đề cho sự giao lưu văn hóa diễn ra như một tất yếu và ngày càng sâu sắc. Do vậy nghiên cứu liên văn hóa được đặt ra như là một nhu cầu tự thân. Vì là thành tố cơ bản của văn hóa nên trong văn học, liên văn hóa biểu hiện tập trung và sinh động nhất. Đó cũng là một quy luật phát triển của văn chương luôn có sự kế thừa, tiếp nối, phát triển và nâng cao.
Có thể hình dung, như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa. Quá trình ấy chính là liên văn hóa được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm. Cũng tất nhiên mức độ liên văn hóa đậm nhạt, giàu có, phong phú...khác nhau tùy thuộc vào cái tôi chủ thể nhà văn hóa. Lại có thể hình dung liên văn hóa như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc, cái thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ nhà văn được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương, có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập...Hình dung như vậy để khẳng định càng là nhà văn lớn tính liên văn hóa càng rõ.
“Liên văn hóa” không chỉ là sự tiếp xúc mà còn là sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tớisự phân tích, chọn lựa, hiệu quả giao tiếp, tiếp thu những tri thức mới tạo ra các giá trị văn hóa mới. Về điểm này ta thấy “điển cổ” mà văn chương trung đại hay dùng là một “liên văn hóa”. Đây không phải là câu chuyện “nệ cổ” hay “sùng ngoại” như từng hiểu một cách cực đoan hẹp hòi mà là kết quả của một sự giao thoa văn hóa.
Hiện nay người ta khuôn các dạng tác giả cơ bản tham gia vào quá trình liên văn hóa, gồm:
- Tác giả nhập cư (đến từ nước khác).
- Tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa
- Tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài.
- Tác giả là người dân tộc thiểu số viết bằng cả hai ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông.
Vì giao tiếp làm nên văn hóa, cũng đồng thời văn hóa làm nên giao tiếp nên thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) thực chất là giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication). Nó còn được gọi tên khác là giao tiếp giao thoa văn hoá (Cross-cultural communication). Người đầu tiên sử dụng khái niệm liên văn hóa là nhà nhân học Edward Hall trong công trìnhThe Silent Language (1959)[1]. Hướng nghiên cứu liên văn hóa phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỷ XX để lý giải sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng có những phương thức, tập quán, thói quen sống và quan niệm, nhân sinh quan khác nhau biểu hiện ở các khía cạnh quan hệ truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, bản địa cụ thể và nhân loại phổ quát. Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.
Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Hiện nay ở nhiều nước ra đời môn học Phân tích giao tiếp liên văn hoá(Intercultural Communication Analysis gọi tắt là ICA) có ở nhiều môn học khoa học xã hội. Môn này rất chú tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, như một “phần mềm tinh thần”(mental software), là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa.
Xét theo nghĩa hẹp, liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication). Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Vì quá nhiều vấn đề như vậy nên liên văn hóa hiện nay chủ yếu hiểu theo quan niệm là sự giao tiếp giữa những nền văn hóa khác nhau.
Liên văn hóa về con người là xem xét các hiện tượng liên văn hóa nói về con người với các chiều kích ở mọi bề sâu bề xa của nó. Con người làm nên văn hóa, là chủ thể cũng là đối tượng của văn hóa nên mọi liên văn hóa đều có hạt nhân là liên văn hóa về con người.
II. Hồ Chí Minh – Hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu, đặc sắc.
Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng liên văn hóa kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại... Đối chiếu với các dạng nhà văn liên văn hóa ở trên thì Bác Hồ có ở cả 4 dạng: là tác giả nhập cư (đến từ Việt Nam); là tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Pháp, Hán, Anh, Nga...); là tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa (Bác đi 30 năm, tới 54 nước, trải nghiệm sâu sắc nhiều nền văn hóa của phương Đông, phương Tây); là tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài (văn hóa Pháp, Trung Quốc, Nga...).
Lên 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế. Sau này, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở Phan Thiết, vào thăm cha ở Bình Khê, đến Sài Gòn... Năm lên bảy tuổi cậu bé Côn đã học thông sách Luận ngữ, rồi sớm học tiếng Pháp. Như vậy Nguyễn Tất Thành đã được tiếp xúc với nhiều vùng/nền văn hóa khác, tinh thần “liên văn hóa” đã có từ rất sớm ở Danh nhân văn hóa thế giới này. Ngày 5/6/1911 một người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời cảng Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche – Tréville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm. Người thanh niên ấy sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo số liệu mới nhất, đã đi 54 nước, làm 12 nghề khác nhau, thông thạo ít nhất 12 ngoại ngữ[2].
Dưới góc nhìn “liên văn hóa” hiện đại, thế giới hôm nay nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là ở các nước Pháp (châu Âu) và Mỹ (châu Mỹ - Latinh); Văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
1.Mục đích đi tìm đường cứu nước: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập...”
Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính,... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Chính Người đã khiêm tốn khẳng định:“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội…Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[3]. Cuộc đời hoạt động và trước tác của Bác đã chứng minh Bác học tập, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng của các bậc thầy vào điều kiện hoàn cảnh cách mạng Việt Nam. Đó chính là một biểu hiện của một hiện tượng “liên văn hóa” sinh động nhất, sâu sắc nhất.
Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ xuất sắc vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đó Người trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”. Lịch sử nước ta từ 1975 đến nay càng khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
2.Vai trò kết nối những nền văn hóa bằng khát vọng giải phóng và tình yêu thương con người.
Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định về Bác Hồ: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”[4]. Chỉ là một cá nhân nhưng suy nghĩ, việc làm của Bác mang tầm thời đại, tầm đất nước, dân tộc. Bác thay mặt những người An Nam bị áp bức đối thoại với chủ nghĩa thực dân để đòi quyền sống cho dân tộc và cho những người bị áp bức trên thế giới. Bác kêu gọi cả nhân loại đau khổ thức tỉnh. Bác kêu gọi cả Quốc tế thứ Ba hành động vì các dân tộc thuộc địa.
Tất cả những điều ấy cho phép khẳng định Bác Hồ đi trước thời đại để trở thành một tiêu biểu của liên văn hóa mà ngày hôm nay thế giới mới coi đó như là một khái niệm mới!
[1]E.T. Hall.The silent language, New York: Doubleday, 1959
[2]TS Josephine Stenson, Giáo sư sử học trường đại học Florida Atlantic, Hoa Kỳ, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời nghiên cứu tìm hiểu về Hồ Chí Minh cho biết Bác Hồ thành thạo 12 ngôn ngữ. Xin xem Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại. Hồn Việt, số 156, tháng 3/2021.
[3]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.
[4] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.
VNQD